Tên truyện: Đi Qua Thời Gian Tác giả: Hovodanh Thể loại: Ngôn tình, huyền huyễn.. Giới thiệu truyện: "Làm thế nào để đi qua được thời gian đằng đẵng của kiếp nhân sinh, để chờ đợi một người trong ngàn vạn tiểu thiên thế giới. Tôi không biết.. tôi chỉ biết rằng TÔI KHÔNG THỂ QUÊN ANH." Link thảo luận góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Hovodanh
Chương 1: Bấm để xem - An, không dậy đi còn nằm đến bao giờ hả? Tôi theo phản xạ lăn một vòng lộn nhào xuống chân giường bên kia ngay khi vừa nghe thấy tiếng gầm giận dữ của mẹ, màng nhĩ ong ong đến phát đau. - Con dậy rồi đây mà. - Con gái con đứa có biết mấy giờ rồi không? Mẹ tôi giơ cây đũa cả trên tay vụt hụt vào chăn một cái. Đùa sao, bao năm qua mẹ tôi chỉ có mỗi một chiêu này để dùng thôi. Cho dù tôi có ngờ nghệch thì cũng đã luyện được công phu chạy chốn lâu rồi. Tôi ôm đầu len qua người mẹ chạy ra giếng múc nước rửa mặt. Mẹ vẫn cầm cây đũa cả đi theo tôi càm ràm không ngớt. - Có nhà ai có con cái như nhà này không cơ chứ, con nhà người ta thì dậy sớm giúp đỡ bố mẹ bao nhiêu là việc. Con nhà này thì lửa cháy đến mông thà chết cũng không chịu nhúc nhích. - Hôm nay Chủ nhật mà mẹ. - Ngày nào với cô mà chả là chủ nhật. Cái đức hạnh như thế này thì sau này liệu có kiếm được thằng nào nó rước đi cho hay không, hay lại làm báo cô cái bộ xương già này. - Mẹ - Tôi nắm tay mẹ nhõng nhẽo- Thì con không lấy chồng ở với bố mẹ đến già luôn không tốt sao? - Thôi thôi, bao nhiêu tuổi rồi còn trưng ra cái bản mặt ấy, ngày xưa bằng tuổi này người ta còn lấy chồng có con lâu rồi đấy. Không biết cô chăm sóc hai ông bà già này hay để hai ông bà già chăm lại cô nữa. - Thì cũng giống nhau cả mà.. Tôi biết tỏng tính mẹ tôi, tuy bà nói năng cay nghiệt nhưng là mẫu người rất dễ mềm lòng. Tôi vệ sinh cá nhân qua loa rồi chạy vào bếp quơ mấy miếng bánh bột mỳ vào túi rồi ôm dụng cụ, giá vẽ bước ra cửa. - Mẹ thân mến, cho con đi hóng gió một tý nhé. - Vừa mở mắt lại đi, từ bố đến con có cái đức hạnh giống nhau thế không biết, cái nhà này trở thành nhà trọ từ khi nào thế. Tôi cười khì khì rảo bước thật nhanh, lời của mẹ vào tai trái tôi cho ra tai phải và bị gió cuốn bay đến phường trời nào luôn rồi. Quê tôi thuộc Miền núi Trung du Bắc bộ nên lắm rừng cây đồi núi lắm. Nhà tôi thuộc khu tập thể công nhân của Nhà máy Xi Măng Thanh Ba, trước kia thuộc nhà nước quản lý nhưng sau này cổ phần hóa theo cơ chế mới nên cũng được phân cho công nhân lâu năm trong xí nghiệp làm đất ở. Sau khu tập thể nhà tôi, phía xa xa là một rừng Bạch đàn với những bụi tế và cỏ tranh mọc xen kẽ. Ngồi bên sườn đồi nhìn xuống khu phía dưới như một thung lũng thu nhỏ vậy. Nhất là vào buổi sáng sớm, khi vạt nắng vàng trải đều lên những mái nhà nhỏ nhỏ xinh xinh núp dưới những bóng cây xanh mướt, con đường đất nhỏ ngoằn nghoèo bị cỏ dại tràn ra che lấp chỉ lộ ra một lối đi nho nhỏ. Khung cảnh ấy đẹp đẽ yên ả đến nao lòng. Tôi rất thích ra đây vẽ ký họa mầu phong cảnh, bởi tôi muốn lưu lại những đoạn thời gian đẹp đẽ nhất của thiên nhiên lại trong những bức tranh, dù còn rất vụng về của tôi. Rồi nằm đặt lưng lên thảm cỏ, hít thở không khí trong lành của vùng đồi núi, nhìn trời ngắm mây mà suy nghĩ vẩn vơ. Tôi nhớ bà ngoại tôi thường nói: - Tất cả mọi sự vật trên thế giới này: Từ cọng cây ngọn cỏ đều có cái hồn và sứ mệnh của riêng nó. Chỉ khi con người ta mở rộng lòng mình thì mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và sứ mệnh của vạn vật. - Vậy bà nói xem, con sinh ra với sứ mệnh gì? Có lần tôi tò mò hỏi bà như vậy. Bà hiền từ vuốt tóc tôi, bà bảo: - Con sinh ra đã mang một sứ mệnh riêng, cũng như bà. Hai bà cháu mình đều là người mang sứ mệnh. - Sứ mệnh đó là gì ạ? - Rồi một ngày nào đó, sứ mệnh sẽ dẫn đường cho con đi. Đến lúc đó con sẽ tự biết.. Bà ngoại tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo lâu đời, gia đình lại giàu có nên bà tuy là phận gái cũng được đọc đầy bụng thi văn. Nhưng sau do nhiều lý do gia đình bà tôi sa cơ thất thế, bị đẩy đến đường cùng nên mới lấy anh chàng nghèo rớt mồng tơi lại ít học như ông ngoại tôi. Ông ngoại tôi làm người thật thà lại cần cù siêng năng, ông luôn nghĩ bà tôi lấy ông là bị thiệt thòi nên hết sức cưng chiều bà, mọi thứ đều chiều theo ý bà, không dám để cho bà ra ngoài chịu chút vất vả nào. Vậy nên gia đình ông bà tuy không giầu có nhưng bà vẫn giữ nếp sống như các phu nhân nhà khá giả. Tôi rất thích bà không chỉ vì bà rất thương tôi mà bà kể chuyện rất hay. Những câu chuyện của bà còn thú vị hơn những câu chuyện cổ tích tôi đọc trong sách vở. Nhưng mẹ tôi thì không thích tôi gần gũi với bà vì mẹ sợ tôi sẽ lây tính "Sống không thực tế" của bà. Mẹ tôi thường bảo tôi: Đầu óc Bà không được bình thường. Rằng những câu chuyện vô vị ấy không thể biến thành gạo nấu cơm được. Sở dĩ mẹ không thích cách sống của bà vì tôi nghe kể rằng: Có năm cả làng mất mùa nạn đói hoành hành, gạo để dành trong nhà đã dùng gần hết nên ông tôi phải lên thành phố đi tìm việc làm. Thời điểm đó có một gia đình quan to trong làng mở kho phát gạo cứu tế. Bà vì mải đọc dở một cuốn sách mà trậm trễ không đi xếp hàng. Đến lúc bà ra thì kho thì người ta đã phát hết gạo rồi. Số gạo dự trữ trong nhà đã ăn hết lại không vay được ai cả vì ai cũng dựa vào số gạo ít ỏi ấy để sống sót. Vì thế nên cả nhà ba người bị đói lả. Năm đó mẹ tôi tám tuổi, suýt chết vì đói, còn cậu tôi cũng trong tình trạng ngoắc ngoải. May sau đó ông ngoại tôi đem gạo về kịp.. Sau chuyện đó bà tôi thay đổi hẳn, bà cất hết đống sách vở ca từ vào hòm khóa kỹ, bà động tay học làm mọi thứ, hết lòng lo toan cho gia đình, chồng con nhưng.. mẹ tôi thì vĩnh viễn không quên được những ngày nằm đói chờ chết ấy, không quên được sự vô tâm của bà. Từ đó mẹ không còn thân thiết với bà, mẹ trở nên ít nói chỉ lầm lụi giúp đỡ ông tôi làm việc, sau này khi đủ tuổi mẹ xin đi công nhân rồi lập gia đình sinh được một người con là tôi. Vì bố mẹ tôi bận bịu công việc nên thủa nhỏ tôi được gửi về cho bà ngoại nuôi, vậy nên tuổi thơ của tôi gắn bó với lũy tre làng, với con sông Hồng bên lở bên bồi, với bà và với những câu chuyện thú vị bà hay kể hàng đêm. Cho đến năm tôi học lớp tám thì hai rương sách của bà hầu như tôi đã thuộc nằm lòng hết. Mẹ phát hiện ra tôi có đam mê đọc sách giống bà thì bắt đầu tách dần tôi với bà ra. Mẹ hạn chế không cho tôi về quê, nếu về cũng không cho ở lâu mặc cho tôi khóc lóc ăn vạ. Mẹ luôn bảo: "Đừng học theo cách sống của bà, đầu óc để trên mây thì chỉ có đói chết mà thôi. Con người ta sống trên đời không chỉ vì mình mà còn phải vì người khác, đó không phải là triết lý sống mà là trách nhiệm". Tôi mặc kệ những chuyện khúc mắc của đời trước, tôi chỉ biết oán mẹ bất công. Tôi rất nhớ bà tôi nhất định phải tìm cơ hội chuồn về thăm bà mới được. Thế rồi cơ hội của tôi cũng đã đến. Bố mẹ tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát ba ngày. Với vẻ mặt vô cùng đau khổ khi không thể đi cùng vì trùng lịch học hè môn bắt buộc, tôi hí hửng mong chờ cái ngày vàng ngọc ấy đến thật nhanh. Sáng hôm ấy bố mẹ tôi đi từ năm rưỡi sáng ra xe cơ quan, hoàn toàn hài lòng về một đứa con ngoan đầy tinh thần trách nhiệm với tương lai tuổi già của các cụ, thì bảy giờ rưỡi tôi đã ung dung ngồi trên tầu gật gù khoái trá cười hí hí. Quá trưa tôi về đến nơi. Thật là dễ chịu khi nhìn thấy cánh cổng quen thuộc, cánh cổng bằng gỗ lâu năm đã cũ mòn và hơi xộc xệch. Hàng rào râm bụt được bà cắt tỉa sơ sài thi thoảng lại có cành mập mạp cong vút vươn ra thật là oai hùng. Phía trong cổng là giàn thiên lý che phủ một khoảng sân gạch, với cái giếng nước trong lành mát rượi mà thủa bé tôi vẫn thường rất thích thú được uống vào bụng để cảm nhận vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Căn nhà ba gian kiểu cũ vẫn được bà chăm sóc tốt kể từ khi ông ngoại tôi mất đi. Có lẽ tình yêu bà dành cho ngôi nhà này cũng giống như tình yêu bà dành cho ông vậy. Ân cần và hoài cổ.
Chương 2: Bấm để xem Chẳng thế mà khi cậu và mẹ tôi muốn xây lại nhà, bà đã kiên quyết từ chối. Cậu và mẹ tôi đương nhiên là không hài lòng vì mỗi lần về quê lại không thoải mái vì đã quá quen với tiện nghi ở trên thành phố. "Chẳng giống ai cả" đó là lời chốt lại của họ khi cuộc tranh cãi nảy lửa với đấng sinh thành không có kết quả. Rằng bà không hiểu rằng bà cứ bảo thủ như vậy là bà bôi nhọ lên thanh danh của con cái. Người ta sẽ nghĩ thế nào khi đem ngôi nhà cũ kỹ bệ rạc này để liên tưởng đến sự thành đạt giầu có của con cái nơi phố thị. Thì tất nhiên, tôi biết cái phong trào con cái về xây nhà lầu cho các cụ già cao tuổi với các công trình phụ hiện đại bóng loáng đến mức các cụ còn chẳng dám in dấu vân tay già nua của mình vào vì sợ hư đã có từ lâu. Đôi khi chỉ là để khách khứa từ trên thành phố về phải gật gù, còn hàng xóm thì thầm thì thán phục, không tiếc lời khen ngợi những đứa con xa hiếu đức vẹn toàn. Rồi xuýt rồi xoa, rồi xoa rồi xuýt. Rồi các cụ còn được trang bị điện thoại cả có dây và không dây. Trưa đang say giấc bỗng tiếng còi chói tai hú lên, các cụ suýt hồn lìa khỏi xác sợ hãi giật bắn lên không trung nửa mét rồi hạ cánh xuống cái giường nệm lò xo tưng tưng. Chưa kịp hoàn hồn thì các cụ tá hỏa khi nghe tin cả tập đoàn con cháu về thăm. Trong niềm hạnh phúc lâng lâng các cụ dùng chút hơi tàn lê chân lên mấy tầng lầu quét phăng bụi bặm đã xếp tầng xếp lớp lâu ngày vì không ai đặt chân tới. Có khi tôi còn thấy có cụ đi chơi còn cặp nách cả cái điện thoại để bàn không dây đi theo vì: "Các cháu nó quan tâm, gọi điện liên tục hỏi thăm, không nghe là nó mắng nhưng chẳng nhẽ lại cứ ngồi ru rú ở nhà, cầm theo cho nó tiện, hờ hờ". Cụ cười khoe cả hai hàm răng trắng nõn được các nhi tử cắm cho để cố vớt vát lại chút ít nhan sắc đã được liệt vào hàng di tích trong viện bảo tàng có tên là hoài niệm. Tôi biết nếu cái nhà này không phải vẫn thuộc tài sản của bà trên cả tình cảm và pháp luật thì hẳn nhiên sẽ bị đè nghiến ra mà tháo dỡ xây sửa mặc cho bà có thật sự muốn hay không. Và tôi mừng vì điều đó. Không phải tôi không nhận ra rằng ngôi nhà của bà quá lạc lõng trong cái thế giới mà những ông thầu xây dựng không bao giờ thất nghiệp, với những cột sắt, những bê tông.. Nhưng không hiểu sao khi nghĩ về nó tôi lại có một liên tưởng thú vị. Tôi tưởng tượng như những khối sắt đá lạnh lùng kia, cái thế giới vật chất to lớn đáng sợ kia là một cánh diều, mà sự đồng cảm, yêu thương, tính nhân văn (mà tôi đọc được trong sách vở) chính là dây diều. Còn cái vật để gắn dây diều với mặt đất lại chính là ngôi nhà nhỏ bé của bà tôi. Tôi nhìn quanh, rồi chạy ra vườn vải ở phía sau nhà, tôi nghe thấy tiếng bà ở đó. Vẫn như ngày xưa, mỗi khi tôi chạy lăng xăng đi tìm bà để lại đòi bà kể chuyện. - Bà, Bà ơi! Bà đang trồng rau sau nhà, nghe tiếng gọi Bà chống tay lên đầu gối đứng dậy hướng đôi mắt già nua ngạc nhiên rồi mừng rỡ. - Cha bố mày, đứa nào đây, đã lớn từng này rồi cơ à. Đi tàu về à con, cả bố mẹ về à. Bà vồ vập nắm lấy tay tôi rồi hướng mắt ra phía ngoài. - Con về một mình mà. Bố mẹ con đi biển cùng cơ quan rồi.. Tôi lúng búng chợt chạnh lòng khi thấy hơn một năm mà bà già đi nhanh quá. - Sao mày không đi.. mà con mẹ mày có cho mày về đây không vậy. Mấy lần bà nhắc nó bảo mày bận học mà. - Bà.. sao chưa chi Bà đã nạt con rồi. Con còn chưa vào nhà mà. Tôi tung tăng chạy lại giếng múc nước từ cái chum to ra rửa mặt. Cảm giác so với nước máy thật là khác biệt. Tối đến hai Bà cháu nằm trên chiếc trõng tre ngoài hiên. Gió từ phía cánh đồng thổi về mát rượi. Thật là bình yên thanh thản xiết bao. Bà hỏi tôi bao nhiêu là thứ chuyện, tôi trả lời mãi cũng không dứt. Cứ như thể Bà muốn biết từng ngày của tôi trong ngần ấy thời gian trôi qua ra sao vậy. - Bà ơi, Bà kể chuyện đi. Tôi nhõng nhẽo ngắt lời Bà, rồi lăn đầu vào lòng Bà mà ngắm nghía bầu trời đêm. - Lớn từng này rồi vẫn thích nghe truyện à. - Con thích mà, Bà kể đi. Bà cười thật hiền, rồi Bà nhìn về phía bóng cây sấu già nơi góc vườn, thở dài. - Ừ, Bà sẽ kể cho con nghe một câu chuyện. Biết đâu lần sau lại không có cơ hội nữa.. thôi không phải dỗi thế đâu, Bà kể mà. "Câu chuyện này đã xẩy ra từ lâu lắm rồi khi trái đất vẫn còn chưa có bốn mùa Xuân-Hạ- Thu-Đông như bây giờ. Có hai vương quốc cùng song song tồn tại, đó là vương quốc Mùa Xuân và vương quốc Bóng đêm. Cũng như tên gọi Vương quốc Mùa xuân là một vùng đất tươi đẹp quanh năm là ánh nắng chan hòa với hoa thơm cỏ lạ khoe sắc tỏa hương, chim bay trên trời cá lội dưới nước. Cuộc sống ở đây chìm trong tiếng cười vui vẻ, người người sống trong cảnh thanh bình hạnh phúc.." * * * Tôi chìm đắm trong câu chuyện Bà kể mà thiếp đi lúc nào không hay. Cứ thế thời gian trôi qua thật nhanh, đến ngày thứ ba tôi nuối tiếc trở về thành phố. Bà tiễn tôi, đôi mắt Bà thật buồn, thật lạ lùng. - Bà ơi, Bà đừng buồn, hôm nào được nghỉ con lại về thăm Bà mà. Nếu không Bà cũng có thể lên thăm con mà. Con còn muốn nghe Bà kể chuyện nữa. Tôi nói vậy nhưng lòng cũng thấy xót xa, bỗng dưng tôi thấy lo lắng, bất an. Giống như khi người ta nhìn thấy trước một cơn giông tố khủng khiếp vậy. - Bà già rồi, không đi được xa. Con lên trên ấy cố gắng học hành, sống thật tốt nghe. - Vâng, chỉ tội không có ai kể chuyện cho con nghe con rất buồn đấy. Tôi tranh thủ nhõng nhẽo bà thêm một chút - Giá mà bà lên ở cùng con thì tốt biết mấy. Bà cười buồn không nói gì, ánh mắt bà nhìn xuyên qua tôi hướng về một nơi rất xa xăm nào đó. Lúc tôi trèo lên xe ôm để ra ga cho kịp chuyến tầu, như chợt nhớ ra gì, bà nói với theo. - Bà sẽ có quà cho con. Tôi chưa kịp hỏi thêm gì thì chú xe ôm đã vù đi mất. Nếu như con người ta biết trước được tương lai, chắc chắn trong những cuốn từ điển sẽ không tồn tại từ nào đại loại như hai từ: Giá như. Giá như, nếu như.. ước gì.. v. V v. Thật là yếu ớt, mơ hồ, ấu trĩ. Nhưng.. nếu như tôi biết được rằng đó là lần cuối cùng tôi còn có thể trông thấy Bà, được nghe Bà kể chuyện. Nếu như tôi biết rằng đó là lần cuối cùng tôi còn có Bà trong cuộc đời này.. Nếu như.. Nếu như.. Bà ơi! Giữa năm cuối cùng của đời học sinh, một buổi mẹ đến tận trường tìm tôi. Mẹ đã nói: - Về thôi.. Bà mất rồi. Bà tôi.. mất.. rồi.. mất.. rồi.. Tôi không nhớ mình đã trải qua những ngày tháng đó như thế nào. Tôi không khóc nhiều, không vật vã đớn đau như tất cả mọi người. Tôi chỉ im lặng. Im lặng. Tôi chỉ nhớ hình như sau đám tang có loáng thoáng nghe thấy cậu bàn với mẹ sẽ phá bỏ ngôi nhà của Bà đi để xây lại thành một từ đường khang trang bốn phía hàng rào cao ngất để thờ cúng cho đến nơi đến chốn. Tôi nhớ hình như trước lúc đi tôi có ngoái lại nhìn ngôi nhà của Bà lần cuối.
Chương 3: Bấm để xem Sức học của tôi sụt giảm và vốn dĩ nó cũng chẳng xuất sắc gì. Tôi chỉ đỗ vớt vào một trường Cao đẳng Nghệ thuật bình thường ở Cái thành phố trực thuộc Trung Ương (đấy là cách nhấn mạnh của bố mẹ tôi). Nơi mà tôi có chỗ dựa là cậu tôi, mà chỉ như thế mẹ tôi mới có thể yên tâm thả cô con gái ngu ngơ hâm dở của mẹ đi xa được. Nhà cậu tôi thuộc vào hàng khá giả, căn nhà bốn tầng đầy đủ tiện nghi giữa lòng thành phố xa hoa ồn ã. Vợ cậu là một phụ nữ không đẹp nhưng đường nét thanh tú, tính cách cũng ôn hòa, dễ chịu. Cậu có một đứa con trai tên Huy kém tôi ba tuổi. Tính tình hơi bất thường, cứ đi học về là vào phòng khóa trái cửa, giờ ăn cơm thì xuống. Ai có nói gì thì gườm gườm bỏ đi.. Nói chung là cũng chẳng bao giờ thèm đếm xỉa đến một bà chị tỉnh lẻ như tôi. Cũng chẳng sao. Tôi lại thích thế. Tuy mẹ và cậu là hai chị em, nhưng cậu ly hương từ thủa nhỏ. Nghe mẹ kể cậu là một người có ý chí kiên cường, dù gia đình nghèo khó không thể lo cho cậu học lên đại học nhưng bằng ý chí vươn lên mãnh liệt, cậu lần mò đi làm thuê cho người ta dành dụm từng đồng với mong ước tiếp tục học lên, vì cậu nhận ra chỉ có là một trí thức mới có thể thoát khỏi tầng lớp cùng khổ, mới có thể đạt được vị trí nhất định, được trọng vọng trong xã hội. Sau đó cậu may mắn được gia đình chủ nhà cảm mến vì đức tính cần cù chịu khó, lại nghị lực hơn người nên đã bỏ tiền bạc và quan hệ ra đào tạo cậu. Sau đó vài năm thì còn gả cô con gái độc nhất cho cậu chính là mợ của tôi bây giờ, từ đó cậu lên như diều gặp gió. Giờ đây cậu đã có một vị trí chắc chắn trong hội đồng thành phố Z Mỗi lần mẹ đều mang vẻ mặt tự hào kể về cậu cho tôi nghe, nhân tiện thể giáo dục tư tưởng cầu tiến cho đứa con lười biếng chây ỳ của mẹ luôn. Thành thử mỗi khi nghe mẹ dạo đầu chuẩn bị nói về cậu là tôi lại tìm cơ hội chạy trối chết. Không phải tôi ghét hay phản cảm gì với cậu mà là tôi không chịu nổi mỗi lần phải nghe bài giáo huấn dài lê thê không biết bao giờ mới kết thúc của mẹ. Chao ôi! Tôi chẳng có mộng tưởng cao siêu nào cho cuộc sống của mình cả, điều tôi mong muốn chỉ là ăn no ngủ kỹ và ngày ngày lao đầu vào cái thú vui thoát tục của mình là đọc sách. Thế thôi. So với các bạn cùng trang lứa tôi thừa nhận mình chẳng có lý tưởng sống hào hùng nào. Trong khi bọn bạn tôi ra trường với bao mong mỏi, ước vọng và khát khao về một cuộc sống mới, về những thử thách ngọt ngào hay cay đắng ngoài cuộc đời ồn ã xô bồ ngoài kia. Chỉ duy tôi chỉ muốn nép mình vào một xó nhỏ, tìm một công việc nhỏ bé đủ để trang trải cuộc sống, để lặng lẽ sống cuộc đời của riêng mình. Rồi một ngày nào đó, gặp được một người hợp với mình thương mến mình, sẽ xây dựng một gia đình nhỏ nhỏ đầm ấm, rồi sẽ trải qua cuộc sống bình lặng như bố mẹ tôi. Không cần phải yêu đương, đau khổ, chia ly xé lòng làm chi. Thậm chí lắm lúc tôi nghĩ nếu không phải bố mẹ sẽ già đi, tôi sẽ phải lớn lên, rồi sẽ phải tự lập thì tôi cũng không muốn rời nhà mà đi như thế này. Cuộc sống cứ trôi qua như từ trước đến giờ cũng được, tôi không mong mỏi gì hơn thế. Thế nhưng sự kỳ vọng của mẹ vào tôi không chỉ dừng lại như vậy. Mẹ mong tôi học hành tử tế có thể có công danh sự nghiệp riêng, nhờ đó cũng kiếm được tấm chồng cho ra dáng. Ôi chao! Cuộc sống của tôi ở nhà cậu cũng khá thoải mái, cậu thì suốt ngày bận rộn, nhiều hôm tới đêm muộn mới về. Mợ tôi rất chu đáo, luôn hỏi han quan tâm tôi cần gì muốn gì, thi thoảng lại đưa tôi đi Shoping cùng mợ. Tôi cũng không có yêu cầu gì đặc biệt về ăn diện nên thường không đòi hỏi gì, vả lại nhà tôi cũng không khá giả gì nên quen tính cần kiệm của mẹ. Mợ tỏ ra rất thích tôi vì mợ bảo tôi không giống bọn con gái lố lăng trên phố, lại khiêm tốn dịu dàng. Những lúc ấy tôi chỉ cười chừ, tôi tuy nghờ nghệch nhưng ánh mắt nhìn tâm ý người vẫn phải có. Tôi biết mợ chăm sóc tôi một phần lớn cũng vì mợ biết cậu thương mẹ tôi, nên cũng muốn bao bọc cho đứa cháu gái là tôi. Cũng vì thái độ làm người của mẹ tôi không tệ, tuy cậu thành đạt nhưng mẹ tôi luôn bảo thời niên thiếu lúc cậu còn khó khăn mẹ không giúp đỡ được gì, nên lúc cậu thành đạt mẹ cũng không muốn làm phiền đến cậu, đeo thêm cho cậu gánh nặng. Mẹ bảo cậu còn phải chăm lo cho gia đình vợ con cậu, mà gia đình tôi tuy không khá giả nhưng cũng không đến mức thiếu thốn, không cần phải dựa dẫm vào người khác. Vì vậy tuy mẹ là chị gái ruột của cậu nhưng tần suất qua lại nhà cậu khéo còn ít hơn những người anh em khác trong họ. Cậu có trách thì mẹ chỉ viện cớ đường xá xa xôi, công việc bận bịu. Thi thoảng cậu đi công tác tiện đường cũng hay ghé qua nhà tôi chơi, mua quà cáp cho mẹ và tôi, thế nên tôi vừa thích lại vừa sợ sự uy nghiêm của cậu. Bây giờ tôi phải xuống thành phố học, mẹ gửi gắm tôi ở nhà cậu cũng không quên dặn đi dặn lại tôi không được thấy cậu yêu quý mà kiêu căng, thấy được chiều chuộng mà hư hỏng đòi hỏi này nọ. Phải lễ phép vâng lời mợ. Hòa đồng thân thiện với thằng em.. Đừng nói rằng tôi vốn dĩ cũng không có nhu cầu bức thiết về ăn chơi chưng diện, chỉ cần nghe mẹ giao giảng đạo lý rườm rà là tôi đã thấy sợ đến hết muốn thứ gì nữa rồi. Tôi thấy cậu rất thương và chiều mợ. Còn mợ thì luôn kính sợ cậu. Gia đình cậu mợ là gia đình kiểu mẫu của khu phố, là điển hình ao ước của nhiều người. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy quan hệ giữa cậu và mợ có gì đó là lạ, nhưng chính tôi cũng không biết nó lạ ở đâu.
Chương 4: Bấm để xem Hôm nay cậu mợ đều đi công tác, chỉ có tôi, Huy và bác Gái giúp việc ở nhà. Sau khi tôi và bác cặm cụi chuẩn bị bữa trưa xong, tôi được phân công lên gọi Huy Xuống ăn cơm. Sau khi gõ mấy tiếng mà không thấy có ai mở cửa, tôi vặn của bước vào. Điều làm tôi ngạc nhiên căn phòng khá gọn gàng và sạch sẽ, không bừa bộn bẩn thỉu như sự phỏng đoán của tôi. Không có đồ đạc rơi vãi và các vật thể lạ nằm lung tung như tôi tưởng tượng làm tôi thở phào nhẹ nhõm. Huy đang ngồi trước máy tính chơi Game, đầu bịt một chiếc tai nghe to đùng, nên vẫn không hay biết tôi vào. - Huy – Tôi vỗ vai nó hét to – Xuống ăn cơm! Nó giật mình quay lại liếc cánh cửa phòng rồi nhấm nhẳng. - Không ăn. Tôi bước lên gỡ tai nghe từ đầu nó xuống rồi nhẹ nhàng. - Xuống ăn cơm đi, làm gì thì làm sau. - Chị điếc sao, tôi bảo tôi không ăn. Nó bất mãn giằng tai nghe từ tay tôi. Tôi ngẩn ngơ một hồi thì dợm bước quay ra, vừa ra đến cửa còn chưa kịp quay lại khép cửa cho nó thì sau lưng rầm một cái, gót chân chưa kịp thu lại của tôi bị cánh của đập phải làm tôi theo đà suýt thì lộn tùng phèo xuống cầu thang. Tôi ấm ức tập tễnh lê bước vào phòng ăn, bác Gái nhìn tôi cảm thông rồi lặng lẽ lấy dầu cao xoa cho tôi. Tôi đau đến ứa cả nước mắt. - Cháu đừng giận nó thực ra ngày xưa nó là thằng bé rất ngoan và đáng yêu.. - Thế ạ! Tôi lầu bầu tỏ vẻ không tin, nhưng đợi hoài cũng không thấy bác Gái nói gì nữa, chỉ có khuôn mặt già nua tràn đầy bất đắc dĩ. Thôi thôi, tôi cũng chẳng có gan mà quan tâm đến thằng em thành phố chảnh chọe xấc xược ấy nữa. Cái gì mà phải hòa đồng thân thiện với thằng em.. "Mẹ thân yêu! Có vẻ yêu cầu của mẹ có độ khó quá cao, lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của con gái mẹ nữa. Nếu mẹ biết điều này chắc mẹ cũng không nỡ ép con gái mẹ xúc tiến tình cảm nữa đâu nhỉ". Nghĩ vậy tôi quyết tâm không thèm để ý đến thằng em họ nữa, từ nay nước sông không phạm nước giếng. Tôi cứ co rút một góc mà sống cuộc sống ăn nhờ ở đậu của mình là được. Đến gần ngày 20/11, sau mấy tháng lăn lộn ở thành phố này tôi tạm thời quen thuộc với mấy con phố gần nhà chủ yếu là từ nhà ra đến trường học. Trường Cao đẳng Nghệ thuật tôi đang theo học cách nhà cậu tôi khoảng hai, ba cây số, hàng ngày tôi vẫn đạp xe đi học. Cậu vốn muốn mua cho tôi một con Cup50 để cho tôi đi học nhưng tôi từ chối, tôi viện cớ là mình thích đi xe đạp để vừa thể dục vừa ngắm cảnh thành phố vừa để hòa đồng cùng mấy người bạn mới quen, vì tà mà rằng tôi không muốn tạo nên sự khác biệt, vân vân và mây mây.. Cậu khen tôi vẫn giữ được bản tính giản dị mộc mạc, thừa kế tính cẩn thận kibo của mẹ tôi, cậu tranh thủ lấy tôi ra làm tấm gương cho Huy. Tiếp theo đó là một bài thuyết giáo dài hơn một tiếng dành cho đứa con trai ngang bướng phô trương của cậu. Tôi quyết định dành sự đồng cảm sâu sắc nhất dành cho thằng em họ, cho dù nó đang dùng ánh mắt hình hai viên đạn đồng âu yếm nhìn tôi. Sau đó nó thể hiện thái độ của mình với tôi bằng cách mỗi khi tôi lạch cạch lôi chiếc xe đạp ra khỏi nhà để xe là nó sẽ chổng mông con Cup50 của nó vào tôi rồi xì khói phóng vút đi. Bỏ lại tôi trợn mắt nhìn cái bô tự chế hết sức thô kệch phân vân tự hỏi có nên rình một lúc nào đó cầm cái búa đinh mà đập cho cái bô ấy thành một nhúm sắt vụn hay không. Chao ôi! Chỉ mới nghĩ mà tôi đã thấy lòng run rẩy vì sung sướng mất rồi. Tôi được chọn vào đội văn nghệ chào mừng ngày 20/11, nên dạo này tôi thường xuyên đi sớm về muộn vì phải tập rượt cùng đội văn nghệ. Lớp tôi chọn tiết mục đồng ca tập thể với đội hình gần hai mươi người. Tôi được chọn không phải bởi vì tôi có giọng ca oanh vàng thánh thót gì mà chẳng qua dáng người tôi thanh mảnh, gương mặt dễ nhìn nên được chọn vào với mục đích chính cho đẹp đội hình mà thôi. Nhiệm vụ của tôi là đung đưa theo dàn đồng ca và máy môi theo nhạc, còn phần lồng tiếng đã có mấy giọng ca vàng đứng hàng đầu đảm nhiệm. Mục tiêu chính của tôi là hôm ấy chụp lấy mấy cái ảnh đứng cười toe toét trên tấm phông sự kiện của nhà trường để về khoe mẹ tôi, chứng tỏ cho mẹ thấy tôi cũng có thể hòa đồng với tập thể rất nhanh và không vô dụng như mẹ tưởng, và rằng mẹ không cần lo lắng tôi không thể ngoi ngóp nổi giữa bể lớn cuộc đời. Và để mẹ có thể an tâm không phải lo lắng vì tôi nữa.
Chương 5: Bấm để xem Hôm nay sau buổi học chúng tôi ở lại trường khớp nhạc cho tiết mục. Khi ra về cũng đã sáu giờ chiều, trời mùa đông nên giờ này cũng đã tối lắm, cũng may thành phố lúc nào cũng sáng đèn nên đi lại cũng không sợ như ở nông thôn. Tôi với Lan-cũng là giọng ca chính của đội văn nghệ-đạp xe về cùng một đoạn đường. Đây cũng là cô bạn thân nhất của tôi ở dưới thành phố này. Lan cũng là sinh viên tỉnh lẻ, hôm tập trung hai đứa lơ ngơ đụng nhau rồi thấy nói chuyện hợp nhau nên kết bạn, càng ngày chúng tôi càng mến nhau và thân thiết như hình với bóng. Lan có chất giọng êm ái ngọt ngào khiến người nghe dễ chịu, nhất là khi hát lên những bản nhạc vàng buồn buồn thấm đẫm lòng người nghe. Chao ôi, tôi thích chất giọng của Lan chết đi được, cứ mỗi lần Lan hát là tôi lại mê mẩn nghe không biết chán. Hai chúng tôi líu lo ríu rít suốt quãng đường về, cho đến khi Lan rẽ một hướng khác tôi vẫn vô cùng yêu đời vừa đạp xe vừa ngâm nga khe khẽ hát. Bỗng một tiếng rú ga cùng tiếng cười cợt nhả của mấy đứa con trai vang lên ngay bên tai. Tôi giật mình run tay lái, chiếc xe lảo đảo đổ xuống mặt đường, tôi bị chiếc xe đạp chèn lên, cảm giác đau đớn ở chân truyền đến. Lồm cồm bò dậy từ trên mặt đất, tôi kinh hoảng nhìn bốn thằng con trai ngổ ngáo đi trên hai con xe bóng loáng đang vây xung quanh. Chúng thích thú nhìn bộ dáng chật vật của tôi rồi rú lên cười. Một thằng tóc mào gà nhuộm mầu lởm chởm sán lại gần nhìn kỹ gương mặt tôi cất tiếng trêu chọc: - Cô em xinh gái thật đấy, đi chơi với bọn anh đi, thích gì bọn anh chiều hết. Tôi co mình lui lại phía sau nhìn xung quanh toan cầu cứu, nhưng đây lại là khu phố của toàn những hộ khá giả, nhà nào nhà nấy xây theo kiểu biệt thự mini, tường cổng đều cao và có sân ngăn cách với cửa nhà nên khá yên tĩnh. Không biết nếu tôi kêu lên có thể nghe thấy được không. - Đù má nó, nhìn nó xem đúng là gái quê chính cống chúng mày ạ. - Hôm nay gặp may rồi – Một thằng tiến lên túm tay tôi kéo - Con này để tao trước. Cảm giác ghê tởm lan ra toàn thân, tôi dùng tất cả sức lực bú sữa mẹ vừa giằng tay ra vừa gào lên. - Cút ngay, cứu với, cứu tôi với.. Bọn chúng ngạc nhiên trong giây lát rồi càng cười tợn, như thể gặp chuyện gì hài hước lắm vậy. - Cô em cũng mạnh mẽ nhỉ, không muốn ăn khổ thì ngoan ngoãn một chút. Chúng đưa ánh mắt dâm đãng cho nhau rồi cùng lao vào. Tôi cầm đại túi xách phang cho thằng tiến lại gần nhất rồi vùng ra chạy được mấy bước thì bị giật lại từ đằng sau, tôi trẹo chân người quay một vòng ngã úp sấp xuống đất. Lưng tôi bị một thằng ngồi đè lên, tóc bị kéo ngược lại đằng sau khiến tôi phải ngửa mặt lên. Những gương mặt và hơi thở đáng kinh tởm bủa vây, tôi tuyệt vọng cảm nhận được một bàn tay từ phía sau luồn vào cổ áo nắn bóp một cách thô bạo. - He he.. mềm mại thật. - Cút ra, cút ra.. cứu với. Chúng mày muốn gì, lấy tiền thì lấy đi, a.. tha cho tao.. súc sinh buông ra. Tôi giãy dụa nhưng vô lực, sức la hét cũng không còn, da đầu như muốn bung ra. - Con chó này dám đập tao, để tao xem mày còn đánh được nữa không! Thằng ngồi trên lưng tôi bị đẩy hất ra, tôi bị lật ngược lên, chưa kịp phản ứng gì thì đã bị một cái tát như trời giáng khiến đầu óc nở hoa, có lẽ máu miệng và mũi tôi cũng đều bị chảy ra rồi. Tôi sa sẩm mặt mày muốn ngất, nhưng lại bị sức nặng đè lên bụng khiến cho tôi tỉnh táo lại. Nhìn gương mặt tàn bạo của thằng ngồi trên bụng tôi thật sự cảm nhận đến tận cùng sự tuyệt vọng, không ngờ cuộc đời tươi trẻ của tôi lại nhanh chóng bị đẩy đến đường cùng như thế này. Trong giây phút ấy đầu óc tôi trống rỗng, chính bởi sự trống rỗng ấy mà tôi thấy mình bình tĩnh lạ kỳ. Trong hoàn cảnh tay không tấc sắt và dù hai tay có hai tấc sắt thì cũng chẳng thể làm gì này, tôi chỉ có một sự lựa chọn duy nhất. Trước khi cơ hội duy nhất để lựa chọn cũng không còn, tôi đưa lưỡi vào giữa hai hàm răng lấy đà cắn xuống thật mạnh. Tôi đau muốn chết, quai hàm còn đau hơn. Tôi bị một bàn tay bóp chặt quai hàm, giọng kẻ nào đó rít qua kẽ răng: - Ngu xuẩn, há ngay mồm ra, há.. Ối! Tiếng nói thân thuộc quá, không phải là thằng em họ kiêu căng của tôi đấy chứ. Tôi trợn mắt nhìn gương mặt phóng đại với đôi mắt đỏ ngầu của nó. - Nhìn rõ chưa, giờ thì thụt lưỡi vào, có phải bị treo cổ đâu mà lưỡi thè dài vậy. Nó buông cằm tôi ra, xoay người tung cú đá vào mặt thằng dê xồm vừa ngồi lên bụng tôi hồi nãy giờ còn đang nằm ôm đầu trên mặt đất chưa dậy được. Giờ tôi mới nhận ra xung quanh là một trận hỗn chiến, thằng em tôi xuất hiện cùng đồng bạn của nó. Tôi thấy tay kia nó đang cầm một hòn gạch nhỏ máu tong tong. Nó xông tới đánh tới tấp vào thằng kia, miệng gầm lên. - Dám giở trò với chị tao, bọn chó này. Đ.. m chúng mày, biết đây là đất của ai không. - Ối anh, anh tha cho bọn em, bọn em chót dại.. - Tha cho bọn em.. ối ối..
Chương6: Bấm để xem Xung quanh chỉ toàn tiếng thuỵch thụi, chửi bới cùng kêu la. Tôi ráng lê tấm thân đau nhức đứng lên, tay kéo lại cổ áo sơ mi đã bị giật bung ra lui lại dựa vào thân cây ngăn cơn run rẩy. Tôi đau quá, lưỡi cứng lại vì sưng lên rồi, toàn thân đau nhức và cái cảm giác ghê tởm lúc nãy vẫn lan tràn trên thân thể. Tôi muốn khóc, nước mắt rơi ra không phát ra tiếng vì mồm đã cứng lại. Tôi không còn nghe rõ, nhìn rõ khung cảnh đánh đấm dã man phía trước, nước mắt ào ra như vỡ đê tràn xuống cổ lẫn với máu miệng. Nói cái gì mà ngăn cản với cầu xin. Cái phân đoạn cao cả và đòi hỏi độ khó như vậy xin hãy để cho thánh nhân nào đó diễn đi. Còn tôi chỉ là một con người bình thường, xin thứ lỗi tôi đây không làm được. Một lúc sau có người choàng một chiếc áo khoác mỏng lên vai tôi rồi chùi chùi quẹt quẹt lên mặt tôi, là Huy, trên người nó đầy vết thương, quần áo xộc xệch cùng vết máu loang lổ. - Chị đi được không? – Nó hất hàm – Vào nhà bạn tôi chỉnh trang rồi về kẻo ông bô nhà tôi lại loạn lên. Tôi gật đầu tập tễnh đi theo nó cùng đồng bạn của nó tới một căn nhà gần đó. Trước khi đi Huy còn vứt lại cho bọn kia một chữ "Cút". Bọn chúng rúm ró sợ hãi vừa trườn vừa bò lên xe máy chạy mất, còn một quãng phố mà đâm ngang đâm dọc mấy lần, có lẽ thương tích cũng rất nặng. - Để anh cõng em ấy. Một anh chàng xem chừng lớn tuổi nhất bọn đỡ lấy tôi, ánh mắt ấm áp khiến người đối diện dễ dàng thả lỏng cảnh giác. Trên người anh ta mặc một chiếc áo sơ mi trắng lấm lem, nhìn cả bọn rồi nhìn anh ta tôi đoán chiếc áo được khoác lên người tôi là của anh chàng này. Tôi lui lại lắc đầu với thàng em tỏ vẻ chối từ, rồi vịn tay nó bước tiếp. Tuy tôi biết những người này là bạn của Huy, nhưng tôi vẫn chưa thể xua đi cái cảm giác ghê sợ khi người khác phái động chạm đến người mình. - Nếu không đi được có thể để anh ta cõng, không cần sĩ diện - Thằng em tôi nhấm nhẳng bên tai tôi - Anh ấy là người tốt, chính nhân quân tử đấy, hay chị muốn tôi dùng tấm thân đầy thương tích này cõng chị! Miệng nó nói chuyện với tôi nhưng mắt thì liếc về phía anh chàng kia đầy khiêu khích. Tôi không biết giữa bọn họ có chuyện gì, chỉ thấy cả bọn cười haha trêu chọc anh chàng kia. Còn anh ta chỉ cười xòa bất đắc dĩ. Đi tới gần cánh cổng sơn xanh, một cô bé chừng 16, 17 tuổi chạy ra đón chúng tôi, cô bé được phân công giúp tôi thay quần áo và xử lý vết thương. Tất nhiên là quần áo mượn của cô bé đó, tầm người tôi trung bình lại thanh mảnh nên dù hơi ngắn nhưng cũng coi như tạm ổn. Qua một hồi trò chuyện tôi mới biết cô bé là Hà, đang học lớp mười, còn anh trai thứ hai của cô bé là Sơn đang học lớp mười một và là bạn thân của thằng em tôi. Anh chàng lớn tuổinhất cho tôi mượn áo là Quốc-anh trai ruột của Sơn-Hà hiện đang là sinh viên năm 3 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong thành phố. Mấy tên nhâu nhâu còn lại đều là tiểu quỷ của mấy con phố này. Sở dĩ mấy tiểu quỷ này đều có thái độ lạ lùng với Quốc vì đã nhiều lần bọn chúng bị Quốc lên mặt đàn anh dậy dỗ đạo lý, trong lòng không phục nhưng bản lĩnh không bằng người nên chỉ đành ấm ức vậy thôi. Bố mẹ của ba anh em đều thường xuyên đi công tác xa nên nhiệm vụ trông coi chăm sóc hai em đều do Quốc đảm nhiệm. Mặc dù anh nghiêm khắc nhưng lại rộng rãi hào hiệp nên được bọn tiểu quỷ yêu mến, cái nhà này cũng đã trở thành hang ổ của bọn chúng từ lâu. Tôi ngồi trong phòng Hà lặng lẽ quan sát cả bọn bốn năm đứa thanh niên choai choai qua khe cửa, sau một hồi đại chiến máu me mà chúng vẫn phấn chấn như vừa tham gia một cuộc chơi trên mạng vậy. Thậm chí có đứa còn kêu chưa đã tay, tiếc rẻ vì tha cho bọn kia quá dễ dàng. Bộ dạng hận sao không mọc thêm mấy thằng to gan xâm phạm lãnh thổ để bọn chúng thể hiện, nào có nhớ đến nạn nhân tội nghiệp là tôi còn chưa hết run rẩy bàng hoàng. - Đừng để ý đến mấy anh ý – Hà nắm tay tôi cười rực rỡ như mùa xuân – Ngựa non háu đá ấy mà, thùng rỗng kêu to thôi, bị em bắt nạt suốt ấy. - Ừ.. cảm ơn em! Tôi lúng búng trong miệng vì miệng vẫn đau đớn, lưỡi sưng lên động một cái là lại đau đến tê dại. - Chị chịu khó bôi thuốc em cho hai hôm là đỡ ngay, thuốc này rất hiệu nghiệm đấy, là mẹ em mua ở nước ngoài về, lành viết thương cực nhanh.. aiii! Chỉ tội chắc tầm mấy hôm chị chỉ có thể uống sữa và ăn cháo thôi.
Chương7: - Hovodanh- Bấm để xem Hà đang lải nhải thì có mấy tiếng gõ nhẹ vang lên liền sau đó một bóng dáng cao lớn đẩy của bước vào. Quốc gương mặt nhàn nhạt liếc Hà. - Lại khoe khoang. - Đâu có, em chỉ nói sự thật thôi mà. - Em đỡ hơn chút nào chưa? Thấy anh hỏi mình tôi lặng lẽ gật đầu. Quốc kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi, anh nhìn tôi thật lâu rồi em hèm lấy giọng. Lòng tôi có chút hoảng hốt, tôi nhích người ngồi sát vào trong góc giường, tay theo phản xạ che đi vùng cổ mặc dù lúc tắm đã kì cọ đến đỏ ửng kia nhưng vẫn không cọ hết được cảm giác ghê tởm. - Sẽ không có chuyện như vậy xảy ra một lần nữa, nhưng anh chỉ muốn nói với em, cho dù có chuyện gì xảy ra, cho dù có rơi vào tình huống thê thảm như thế nào thì tính mạng vẫn là thứ quan trọng nhất.. đừng bao giờ.. làm tổn thương đến mình như vậy. Giọng anh trầm trầm ấm áp, như một bề trên dậy dỗ nhưng lại chứa đựng sự quan tâm trìu mến. Tôi hiểu ý anh. Tôi biết anh muốn nói gì. Nhưng cam chịu để cho bọn chúng ghê tởm mình vậy sao, anh là đàn ông sao hiểu được cái cảm giác của một người con gái trong hoàn cảnh ấy. Tôi cúi đầu nhìn hoa văn trên tấm ga trải giường màu bạc, nước mắt không tự chủ lặng lẽ rơi ra từng giọt lại từng giọt. - Có thời gian anh ra mà dậy mấy kẻ ngoài kia kìa, làm sao lại để cho người ở đâu đến đây làm loạn. Vào đây dậy đạo lý gì chứ.. Đi ra.. Đi ra đi.. Anh làm chị ý khóc rồi kìa. Hà nguýt dài rồi lôi kéo đẩy Quốc ra ngoài, bên ngoài một phen ồn ào, tôi nghe thấy tiếng Hà mắng nhiếc ngoài kia. Một lúc sau Hà quay vào ôm tôi. - Chị ơi, đừng sợ. Em đảm bảo từ nay chị ngông nghênh đi giữa đường trong khu vực này cũng không đứa nào dám làm gì chị nữa đâu – mà em nói này, anh trai em cũng cùng đường với chị đấy, hay để anh em đưa đón chị nhé? Cô bé hứng khởi mắt sáng long lanh nhìn tôi. Tôi ngạc nhiên không bắt kịp nhịp suy nghĩ của cô bé. Có phải là dây thần kinh cảm xúc nào đó của tôi bị chuột rút hay không, sao tôi cảm thấy mình ngu ngơ và chậm lụt thế này. Tối đó muộn Huy với tôi cùng về nhà, cậu vẫn chưa về còn mợ thì đang ở trong phòng. Tôi không dám qua chào mợ mà lẻn ngay về phòng lao vào tắm táp một trận, dùng hết cả nửa lọ sữa tắm to mà vẫn cảm thấy người thật bẩn thỉu ô uế. Rất may hôm sau là chủ nhật nên tôi có thể ở nhà một ngày dưỡng thương, đợi vết thương bớt sưng rồi mới đến trường lại. Trên đường về hai chị em đã thông đồng khẩu cung, chúng tôi biết không thể giấu được sự việc nhưng chỉ nói giảm nói tránh, chỉ nói một nửa sự thật mà thôi. Cậu mợ đều rất lo lắng cho sự an toàn của tôi, liên tục dặn dò này kia. Rồi phân công thằng em chịu trách nhiệm hôm nào tôi về muộn thì phải đến trường kèm tôi về. Cũng từ đấy ngoài Lan ra tôi có thêm một người bạn nhỏ tuổi là Hà. Hà lanh lợi sắc sảo nhưng lại hết sức thân thiện với tôi, tôi cũng quý con bé vì cái tính sởi lởi mạnh mẽ của Hà. Căn nhà của Hà cũng là địa điểm tôi hay đến ngoài trường học. Hà hay nhờ tôi sang làm gia sư cho cô bé, nhưng tôi có cảm giác như con bé chủ yếu muốn tôi đến nhà chơi là chính chứ còn nhận thức của Hà rất tốt, đôi khi tôi giảng bài một lượt là Hà đã làm hết sức lưu loát khiến tôi có cảm giác như không cần tôi giảng Hà vẫn có thể hoàn thành tốt bài tập vậy. Tôi cũng dần thân thiện hơn với nhóm bạn của Huy, bọn chúng đều gọi tôi là chị đại và tỏ ra kiêng nể tôi mặc dù phần lớn thời gian tôi đều im lặng nghe bọn chúng ầm ỹ, cười và nói vài câu vô vị. Có lần tôi hỏi Huy về vấn đề cái danh sưng chị đại- sao nghe giang hồ quá vậy, tôi có chỗ nào xứng với hai từ này sao. Huy nhìn tôi khinh bỉ rồi tặc lưỡi: "Núp bóng quan lớn thôi, đúng là đầu óc chậm chạp, ngu ngốc". Tôi đã quen với cách ăn nói hết sức đáng đánh đòn của thằng em, nó sỉ vả tôi đã vô số lần bằng những ngôn từ khó tiêu hóa và không đầu không đuôi như vậy. Đòi nó giải thích ư! Quên đi, nó sẽ dùng cái bản mặt khinh bỉ hơn nữa để nhìn tôi đấy. Sau chuyện kia có lần nó hỏi tôi. - Ai bảo chị là cắn lưỡi sẽ chết người? Tôi ú ớ không nói được gì, chả nhẽ lại bảo nó tôi thấy trong tiểu thuyết người ta muốn chết đều cắn lưỡi đấy thôi. Nó như đọc được suy nghĩ của tôi, xì một tiếng hết sức khinh bỉ rồi chỉ vào cái máy tính khuyên tôi nên dành thời gian bổ xung kiến thức thực tế. – Phản ứng chậm chạp, ngu ngốc. Nó luôn dùng ngôn ngữ như vậy để đâm chọc tôi làm tôi tức ói máu, rồi rất triết lý buông thêm một câu. - Người ngốc có cái phúc của người ngốc, như chị mà cũng có người thích mê thích mẩn cơ đấy.. Tôi thật sự.. Thật sự rất ghét cái bản mặt của nó, cho dù nó đã từng cứu tôi đi chăng nữa. Tôi vẫn không thể không thừa nhận tôi thật ghét nó, ghét cái bản mặt vênh váo, kiêu ngạo và bất cần đời của nó. Giá như tôi có đủ sức mạnh và dũng cảm tôi thật muốn tụt quần nó ra lấy một cái roi mây mà vun vút vào cái mông nó cho túa máu. Nhắc đến máu tôi lại nhớ đến trận hỗn chiến ngày hôm ấy, tay nó cầm một viên gạch thấm máu, trên người đầy vết thương, mắt đỏ hoe, bộ dáng hung thần ác sát.. hay là thôi đi, có lẽ tôi chẳng bao giờ có đủ sức lực và sự dũng cảm để cầm roi vút nó đâu.
Chương8: Bấm để xem Ngày hội diễn văn nghệ, không hiểu làm sao mà cả nhóm của Huy, Hà và Quốc cũng đến trường tôi xem biểu diễn. Chúng tôi mặc áo dài trắng quần lụa đen xếp hàng trên sân khấu hát đồng ca. Dưới khán đài đông đúc chật trội giữa bao nhiêu là người tôi vẫn nhận ra ánh mắt Quốc đang chăm chú nhìn lên, ánh mắt ấm áp như nắng ấm mơn trớn lòng người khác. Không biết anh nhìn tôi hay nhìn Lan đang đứng trước tôi, ánh mắt kiên định nhìn về một hướng không một chút xao động, không giống như người khác liếc đông ngó tây, bàn luận xôn xao. Chỉ một ánh mắt cũng khiến anh tách biệt với vô số người khác, như một thứ ánh sáng phía cuối con đường, yên lặng bình thản khiến người ta muốn bỏ qua tất cả mọi chướng ngại cám dỗ để bước chân về phía ấy. Phía cuối con đường, phía điểm dừng của tất cả mọi cảm xúc và hi vọng. Phía của hi vọng và niềm tin. Tiết mục kết thúcchúng tôi tản ra sau cánh gà. Vừa thò mặt ra ngoài tôi và Lan đã thấy anh đứng đó cười cười. - Tiết mục hay lắm, hát rất hay. - Thật thế ạ, vậy anh thử đánh giá xem liệu chúng em có trúng giải được không? Lan ríu rít tiến lên bắt chuyện với anh. Vì là bạn thân của tôi nên Lan cũng khá quen thân với cả nhóm, tính cách nhí nhảnh dễ hòa đồng lại có giọng ca rất hay của Lan cũng khiến cho Lan ghi điểm trong lòng tất cả mọi người. Thi thoảng Huy bận nên cũng nhờ Quốc đến đón tôi thay nó, nên Lan và Quốc cũng thành ra thân quen. Tôi im lặng đi bên cạnh hai người, mỗi lần như vậy thường tôi chỉ im lặng nghe hai người nói chuyện rất ăn ý, thi thoảng thêm một hai câu chứng tỏ sự tồn tại thôi. Mấy cô bạn trong lớp gọi nhau ra chụp ảnh, tôi lắc đầu từ chối mặc Lan bị kéo đi. Thấy vậy anh hỏi tôi: - Em không thích chụp ảnh sao? - Không phải, em không biết tạo dáng, với lại nhiều người như vậy em ngại lắm. - Đi cùng anh ra đây – Quốc nắm nhẹ cánh tay tôi – để anh chụp cho em một vài kiểu làm lưu niệm nhé. Anh kéo tôi ra một góc vắng nơi có một gốc cây xà cừ một người ôm không xuể. Trên mặt đất là một lớp lá vàng còn khá mới. Anh bảo tôi đứng tựa vào gốc cây, rồi lôi điện thoại ra hướng về phía tôi chỉ đạo, anh thường ngắm rất lâu, lúc bảo tôi cười, lúc bảo tôi giơ tay nhấc chân.. không biết rốt cuộc thì anh chụp được mấy lần nữa. Cho đến lúc mặt tôi bắt đầu xì ra, anh mới chịu tha cho tôi. Phải công nhận máy ảnh trong điện thoại của anh rất biết nịnh người. Cô gái ở trong ảnh áo dài trắng thướt tha mái tóc thề xõa sau vai, gương mặt lúc thì rụt rè nhút nhát, lúc thì mơ màng nhìn về phía trước, gương mặt thanh khiết trắng ngần nổi bật trên nền lá xanh xa xa gần gần như con nai vàng ngơ ngác bị lạc. - Đây là em sao, có phải máy của anh có chỉnh sửa tự động không? Anh cười, mặt hơi ửng đỏ nhìn tôi. - Em rất hợp với mầu trắng, áo dài trắng.. thật sự rất đẹp. Tôi ngước nhìn anh, hàng mi của anh cong và dày chập chờn như cánh bướm. Ôi, hóa ra thứ lọt vào mắt anh chỉ có bộ quần áo trắng này thôi, tôi hôm nay được thơm lây rồi. Hứng thú giảm đi một nửa tôi không buồn xem hết ảnh, miệng lúng búng. - Đi tìm mọi người thôi. - Ừ! Anh ngập ngừng rồi không nói gì, tay không đành lòng thoát điện thoại ra bước theo tôi. Chúng tôi tụ tập với nhau rồi kéo nhau đi ăn lẩu, Quốc ngỏ lời mời tất cả bọn tết dương lịch về quê ngoại của anh chơi. Quê ngoại anh nằm ở vùng quê ở ngay ngoại thành, gần con sông Đuống. Mấy cậu thanh niên đa phần sinh ra và lớn lên ở thành phố nên nghe vậy hào hứng lắm, nhao nhao bàn luận xem phải sắm sửa những gì. Tôi thì phân vân vì từ hồi xuống đây học đã hơn ba tháng còn chưa về nhà, tết Dương lịch tính cả chủ nhật được nghỉ hai ngày cũng muốn tranh thủ về thăm bố mẹ. - Chị, chị đi chứ - Hà huých tôi một cái, ánh mắt van lơn – Đừng có nói là chị không đi nhé, chẳng mấy khi được ông anh bảo mẫu của em thả rông một bữa thế đâu. - Chị đại, chị phải đi chứ, chị không đi sao được. - Đúng đấy, đi đi mà. Lan cũng nỉ non lắc cánh tay tôi. Thực ra tôi nghĩ cho dù có tôi đi hay không thì cũng không ảnh hưởng gì tới ai cả, tính cách tôi hay ngại ngùng lại không sôi nổi cũng không khuấy động được sóng gió gì. Tôi lắc đầu cười: - Tiếc quá, chắc là chị không đi cùng mọi người được rồi, hôm ấy chị đang định về nhà thăm nhà, cũng lâu rồi chị chưa gặp bố mẹ. Tôi thấy không khí như trầm hẳn xuống, mọi người liếc thằng em tôi, còn thằng em tôi thì len lén liếc sang Quốc. Tôi ngạc nhiên nhìn theo ánh mắt nó thấy Quốc đang cúi mắt thả một gắp rau cải xuống nồi, anh cẩn thận dùng muôi nhấn hết mấy đầu rau xuống dưới mặt nước rồi thong thả gắp một miếng đậu vào bát của mình.. - Haha.. mấy đứa đi chơi nhớ mang quà phần chị đấy nhé! Tôi giả lả cười muốn chấm dứt không khí lạ lùng lúc này, mọi người cũng cười cười theo nhưng không khí cứ gượng gập thế nào ấy. Thằng em tôi lườm nguýt tôi một cái đoạn vứt liền mấy miếng đậu phụ vào bát tôi, rồi nó ghé mặt nghiến răng thầm thì. - Ăn đi, nó là đồng loại với bộ óc của chị đấy. Ơ, sao cả lúc ăn nó cũng không tha mỉa mai tôi thế nhỉ. Tôi kiềm chế cảm xúc rất muốn đạp nó một cái mà chửi bậy. Là đầu óc tôi không bình thường hay dây thần kinh của mấy người ngồi đây gặp vấn đề vậy. Tôi về thăm nhà không đi chơi cùng bọn nó thôi mà cứ như tôi phạm tội ác tầy trời vậy. - Ôi, nhà An ở Thanh Ba đúng không? Trên ấy có đặc sản gì không, lúc nào xuống phải mang thật nhiều quà đấy nhé - Uh, nhất định rồi! Tôi tít mắt cười, vô cùng cảm động trước con người duy nhất có dây thần kinh phát triển hết sức bình thường ở đây. - Em định đi bằng gì về, từ đây về nhà em bao xa? Quốc nhẹ giọng hỏi tôi. - Chắc cũng khoảng một trăm năm mươi cây số anh ạ, em định bắt xe ô tô. Từ đây về đấy cũng tiện không phải đổi xe lần nào. Anh ậm ừ không nói gì nữa. Sau khi bữa ăn kết thúc chúng tôi ai về nhà nấy, do tâm trạng hơi ức chế tôi cũng quên khuấy không đòi mấy bức ảnh mà hồi chiều anh chụp cho tôi.
Chương 9: Bấm để xem Bọn tôi học theo kiểu cuốn chiếu, xong môn nào thi môn ấy. Tôi tập trung học thi môn cuối trước khi nghỉ tết dương lịch, rồi chạy lung tung mua quà cáp về nhà. Tôi mua cho mẹ một chiếc khăn lụa màu lục, tôi nhớ mẹ đã từng thấy một người bà con của cô hàng xóm lên chơi choàng nó rồi về cứ tấm tắc khen mãi. Tôi mua cho bố một bàn cờ tướng bằng gỗ để chiều chiều ông lại ra đầu ngõ vừa uống nước chè vừa bàn luận nước cờ với mấy bác hàng xóm. Tôi cũng lựa vài món bánh kẹo đồ khô mà ở quê không có về để làm quà. Cậu mợ dặn tôi đủ điều, mợ còn chuẩn bị cho tôi một túi to quà cáp. Rồi sáng thứ bảy cậu chở tôi ra bến xe, nhét tôi lên xe dặn dò lái xe cẩn thận, đợi xe xuất bến rồi cậu mới quay về. Xe ngày lễ đông lắm, đầu tiên còn có chỗ ngồi sau thì người chật như nêm cối. Tôi nhường chỗ cho một bà cụ nên xe đi chưa được bao lâu thì tôi chuyển sang đứng. Tôi thực sự khó chịu, thực ra tôi cũng bị say xe nhưng nhìn bà cụ già phải đứng thì tôi không đành lòng. Thuốc say xe cũng làm tôi mơ hồ buồn ngủ, người tôi lắc lư lảo đảo theo đà rung lắc của xe. Mùi mồ hôi và hơi người hỗn tạp làm tôi váng đầu muốn ói, tôi chỉ biết cố hết sức co người lại để hạn chế va chạm với những người xung quanh. Lúc xe gặp ổ gà tôi không kịp phản ứng liền gã dúi dụi vào một người. Ngẩng lên định xin lỗi thì tôi hết sức ngạc nhiên vì đó lại là Quốc, tôi nhớ rõ vừa nãy người đứng cạnh tôi là một gã thanh niên bặm trợn cơ. - Ơ.. anh, sao anh lại ở đây. - Anh lên Thanh Ba gặp bạn có việc quan trọng, nếu biết em cũng đi chuyến xe này đã rủ em đi cùng rồi. - Trùng hợp quá, vậy anh không về quê chơi cùng nhóm kia sao, không có anh trông chừng khéo bọn chúng lại gây chuyện mất. Anh cười, lồng ngực rung rung. Tôi chợt nhận ra do tôi ngã vào anh được anh đỡ nên giờ chúng tôi đang trong tư thế rất kỳ cục, một tay anh vẫn đặt hờ lên eo tôi, người anh ngiêng ra phía ngoài che chắn cho tôi khỏi bị người khác va phải. Nhìn như thể tôi và anh đang ôm nhau vậy. Vì khoảng cách quá hẹp nên đúng thật là tôi đang nép vào ngực anh, anh cao hơn tôi gần một cái đầu nên trán tôi và cằm anh thi thoảng lại chạm vào nhau. Tôi dù có lòng nhoay người tránh ra thì cũng không có chỗ đặt chân nữa, nếu không tôi sẽ ngã thẳng cả người lên người đang ngồi trên ghế ghế mất. Vì vậy mặc dù rất ngượng ngùng tôi và anh vẫn giữ nguyên tư thế như vậy nhỏ to nói chuyện. Anh bảo anh đã đưa cả nhóm về từ tối qua, hôm nay anh đi có chuyện rồi chiều lại về đó. Thực ra anh lên xe từ sớm ngồi ở hàng ghế sau chẳng qua tôi không để ý nên không thấy anh, vừa nãy anh nhường ghế cho người ta nên mới ra đây đứng cùng tôi. Người anh có mùi hương đặc trưng dễ chịu làm tôi an tâm, dần dần tôi vô thức dựa hẳn vào anh mà mơ màng dưới tác dụng của thuốc say xe. Nhờ có anh chuyến đi cũng đỡ vất vả hơn. Tới bến anh giúp tôi khuôn đồ xuống rồi đứng đợi bố tôi cùng tôi. Mặc dù được bố tôi và tôi mời chào nhiệt tình nhưng anh vẫn kiên quyết từ chối không vào nhà tôi chơi vì lý do bận công việc. Trên đường về bố bảo tôi: - Thằng bé lễ phép biết chừng mực.. cũng không tệ đâu. Con gái bố giỏi quá mới xuống thành phố đã kiếm được một anh chàng rồi. Tôi bực mình phân bua. - Không phải vậy đâu bố, trùng hợp cùng xe thôi. Anh ấy như một người anh trai của bọn con vậy. Chỉ là trùng hợp thôi á. Bố tôi vẫn đắc ý cười haha. - Tôi từng này tuổi đầu rồi còn có thể nhìn sai sao, thằng bé ấy ánh mắt nhìn con gái bố khác thường sao bố lại không nhìn ra. Chỉ có con gái ngốc của bố là mù mờ thôi. - Bố.. Bố đừng có giầu chí tưởng bở nữa, ai nghe được người ta cười cho.. Chỉ là trùng hợp thôi, trùng hợp thôi. Thật đấy mà. Gái thành phố vừa thông minh lại xinh đẹp, người ta mới không thèm đứa con gái tỉnh lẻ như con đâu. Tôi ngắt lời bố nhưng trong đầu không hiểu sao lại nhớ đến mùi hương nhè nhẹ và lồng ngực rộng rãi của anh, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một người khác phái ở khoảng cách gần như vậy nên lòng không khỏi có chút cảm xúc kỳ lạ dâng lên. Bố tôi thì vẫn hậm hực làu bàu không ngớt. - Hứ.. con gái bố kém người ở đâu, mấy ông bạn già của bố đang xếp hàng đợi làm thông gia với bố kia kìa. Thôi được rồi.. Đừng đánh nữa, bố không nói nữa là được chứ gì. Trùng hợp thì trùng hợp. Mắt nó hau háu như sói nhìn thỏ non thế cơ mà.. Ấy ấy buồn.. Thôi thôi bố không nói là được chứ gì..