Đề Tổng Hợp Hình Tượng Người Lao Động Trong Vợ Chồng A Phủ Và Vợ Nhặt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Btcloud, 2 Tháng mười 2021.

  1. Btcloud

    Bài viết:
    4
    Đề bài: Số phận con người, khát vọng vươn lên và vẻ đẹp tâm hồn của hình tượng người lao động qua 2 tác phẩm "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ".

    "Một nhà văn chân chính bao giờ cũng tái hiện đời sống dưới ánh sáng của các lợi ích và lý tưởng của một giai cấp, thời đại nhất định. Khi xây dựng hình tượng, họ biểu hiện một thái độ, một cảm xúc riêng, nghĩa là họ hiện than vào hình tượng nghệ thuật". Trong nền văn học VIệt Nam, hình tượng người lao động từ lâu đã trở thánh một đề tài lớn thu hts biết bao ngòi bút văn chương và không có ít người thánh công với đề tài này, trong đó có Kim Lân và Tô Hoài. Với 2 tác phẩm "Vợ nhặt" (Kim Lân) và "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài), cả hai nhà văn đều đã dựng lên hình tượng người lao động với một số phạn khắc nghiệt nhưng họ vẫn luôn có khát vọng mãnh liệt với biết bao vẻ đẹp tâm hồn đáng trân quý.

    Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông tập trung ở khung cảnh nông thôn và đặc biệt gắn liền với người nông dân. Tác phẩm "Vợ nhặt" trích trong tập truyện "Con chó xấu xí" - truyện được viết sau khi CMT8 thành công với tên gọi "Xóm ngụ cư", nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại ông viết thành "VN". Nếu Kim Lân thiên về đề tài chung nông thôn thì Tô Hoài lại rất am hiểu văn hóa nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước ta, đặc biệt là vùng văn hóa Tây Bắc mà chính nới đây đã thổi hồn vào trong trang viết của ông để lại bao hình ảnh đẹp, mà nổi bật là "VCAP" trích trong tập truyện "Tây Bắc". Xuyên suốt cả 2 tác phẩm này lại nổi bật lên hình tượng con người lao động thật đẹp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

    "Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của một nhà văn vĩ đại ấy là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi đau của loài người", chính vì vậy mà qua những trang văn của Kim Lân và Tô Hoài, trước hết ta thấy được số phận của con người đương thời, từ đó mới cảm nhận được cái hơi thở, sức sống của tác phẩm cũng như những con người lao động chất phác Việt Nam. Đên với "Vợ chồng a Phủ" của Tô Hoài, người đọc thấy được số phận đau khổ, tủi nhục của những người dân lao động dưới ách thống trị cường quyền và thần quyền ở vùng núi Tây Bắc, được thể hiện sâu sắc qua 2 nhân vật Mị và A Phủ. Mị- với thân phận là con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, nhưng thực chất là kẻ ở sống kiếp trâu ngựa. Tại đây Mị đã bị tước đoạt tình yêu, tuổi xuân, hạnh phúc-sống với người mà Mị không yêu, không có chút cảm xúc. Mị còn bị bóc lột nặng nề sức lao động: Mị làm việc quần quật, đến con trâu con ngựa làm còn có lúc nghỉ ngơi nhưng Mị thì không, Mị cũng lại cứ tưởng mình là con trâu con ngựa. Năm này qua năm khác, Mị như trở thành 1 người tù nha với bản án chung thân trong cái địa ngục trần gian ở nhà thống lí. Từ 1 cô gái trẻ trung yêu đời mà giờ đây lại trở thành 'con rùa lùi lũi trong xó cửa', lúc nào cũng cúi mặt và mặt thì buồn rười rượi, bị trơ lì cả về mặt cảm xúc. Thế đấy! Cái tàn bạo độc ác của chế độ cường quyền nơi đây chính là thủ phạm gây ra tất cả những đau khổ cho người con gái ấy. Ngay cả khi Mị chợt thức tỉnh, trỗi dậy sức sống tiềm tàng đã gủ yên bấy lâu nay trong một đêm tình mùa xuân đẹp đẽ thì nó cũng bị A Sử- chồng Mị dập tắt và bắt trói Mị vào cột một cách tàn nhẫn. Qua đó ta thấy được MỊ chính là hiện thân cho nỗi thống khổ tột cùng của người lao động vùng cao trước CMT8. Nhà văn thương Mị bao nhiêu thì lại căm phẫn chế độ phong kiến miền núi bấy nhiêu. Tội ác của chúng quá lớn, không phải chỉ với người phụ nữ. Cũng như Mị, A Phủ hiện ra qua những trang văn của Tô Hoài với bao phẩm chât tốt đẹp như lao động giỏi, có thể đúc lười cày và làm bất cứ chuyện gì. Thế nhưng, dù giỏi giang như vậy nhưng A Phủ vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khổ, rốt cuộc cũng chỉ biết an phận làm thuê làm mướn sống qua ngày. Nhưng A Phủ là người rất mạnh mẽ, không chấp nhận sự ngang ngược vô lí của kẻ quyền thế mà đã đánh con quan để bảo vệ lẽ phải. Nhưng cũng vì hành động liều lĩnh ấy mà A Phủ phải chịu đựng biết bao đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần: Trước hết là những trận đòn báo thù độc ác, bị bắt vạ một cách vô lí đã khiến A Phủ trở thành kẻ ở không công cho nhà thống lí Pá Tra. Đi ở trừ nợ có nghĩa là chấp nhận làm kẻ nô lệ. Với sự hỗ trợ của thần quyền, chúng đã tước đoạt hoàn toàn ý thức về sự tự do tối thiểu của con người-A Phủ không hề có ý định bỏ trốn dù đó là việc trong tầm tay. Dường như "sợi dây trói vô hình" ấy đã siết chặt, khiến A phủ chấp nhận số phận của mình như một lẽ đương nhiên. Nỗi đau khổ ghê gớm nhất của A Phủ thể hieenjn qua việc chịu đựng hình phạt của nhà thống lí khi để hổ ăn mất một con bò: Trói đứng cho đến chết. Điều đó cho ta thấy được sự rẻ mạt tính mạng của A Phủ cũng như người lao động Tây bắc bị áp đặt dưới ách cai trị của chế độ phong kiến miền núi-những số phận đau khổ, tủi nhục, bị tước đoạt quyền sống.

    Nếu Tô Hoài khắc họa số phận con người lao động ở vùng núi cao Tây bắc thì truyện "Vợ nhặt" của Kim Lân phản ánh số phận khốn khổ, rẻ mạt của con người trong nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu đầu 1945. Cảnh đói rét cùng cực đã được Kim Lân khắc họa một cách chân thực. Đó là cảnh người chết tràn ngập xóm ngụ cư: "Người chết như ngả rạ", người sống thì "đi lại vật vờ như những bóng ma". Cái đói đã trở thành mối đe dọa với sinh mệnh mỗi người, mỗi nhà mà trong đó gia đình Tràng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh thê lương đó. Trong cuộc sống khắc khổ, cùng cực ấy, số phận con người được tô đậm qua nhiều nhân vật cụ thể. Đầu tiên là Tràng, một người dân ngụ cư nghèo khổ, làm nghề đẩy xe bò thuê, sống với một mẹ già là bà cụ Tứ. Ngoại hình thì xấu xí thô kệch, nguy cơ ế vợ đã rõ, còn tính cách thì lại có phần trẻ con, không mấy ai thèm nói chuyện cùng trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo mỗi khi anh đi làm về. Đó là Thị- người đàn bà không chốn dung thân, "quần áo rách tả tơi như tôt đỉa", với một "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ thấy hai con mắt" gầy ruộc đi vì đói. Và cũng vì quá đói, cùng với bản năng của sự sống trỗi dậy khiến người đàn bà khốn khó phải gạt đi ý tứ và lòng tự trọng để được ăn 4 bát bánh đúc mà Tràng mua cho. Với Thị lúc này, ăn là để tồn tại, để sống, nhưng Thị không chỉ muốn sống mà còn muốn cuộc sống cho ra người, vì vậy Thị đã bất chấp tất cả đến mức hạ thấp danh dự và nhân phẩm của mình để theo không Tràng về làm vợ. Đó còn là bà cụ Tứ, người mẹ nghèo khổ của Tràng, cái sự nghèo khổ in dấu trong dáng hình lọng khọng đầy ám ảnh. Trong cái chiều chạng vạng của không gian xám xịt nơi xóm ngụ cư vì cảnh "người đói nằm ngổn ngang khắp các lều chợ", "người chết như ngả rạ".. thì hình ảnh của 1 người mẹ cũng không thể khác ngoài sự già nua, ốm yếu và tội nghiệp. Cái đói đã khiến Tràng, Thị và bà cụ Tứ bấu víu nhau trong căn nhà xiêu vẹo, lổm nhổm cỏ dại. Nỗi tủi nhục bẽ bàng vì đói, nó len lỏi trong tâm trí mỗi người.

    "Viết văn là hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người", "mỗi trang văn đều phải soi bóng thời đại mà nó ra đời nhưng đông thời cũng phải khắc họa vẻ đẹp tâm hồn con người của thời đại đó". Cả Tô Hoài và Kim Lân qua 2 tác phẩm VCAP và VN đều khắc họa hình tượng con người lao động với một số phận bất hạnh và đầy đau khổ cùng cực, nhựng qua những trang văn ấy ngời sáng hơn tất cả vẫn là khát vọng vươn lên và vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trước sự vùi dập của chế độ xã hội đương thời trước CMT8.

    "Công việc của nhà văn là phát hiện ra vẻ đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp bởi sự vật để cho người đọc một bài học trông nhìn vầ thưởng thức" (Thạch Lam) và chính Tô Hoài đã làm được điều đó, cũng là điều mà một nhà văn chân chính nên làm và phải làm, khi phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động Tây Bắc qua việc khắc họa 2 nhân vật Mị và A Phủ: Đó là sức sống mãnh liệt, khát vọng vươn lên, khao khát tự do cháy bỏng và khả năng cách mạng ở những con người "cùng đường tuyệt lộ' ấy. Đến với Mị, ta thấy một người con gái xinh đẹp, có tài thổi sáo và đặc biệt ở Mị luôn thổn thức một sức sống mãnh liệt toát ra từ tâm hồn trong sáng yêu đời. Mị còn là 1 cô gái chăm chỉ, sẵn sáng lao động, không quản ngại khó khăn, một thiếu nữ căng tràn nhựa sống bởi tình yêu đời, yêu cuộc sống tự do và không ham giàu sang phú quý. Có thể nói Mị như 1 hình tượng hoàn hảo về vẻ đẹp của người con gái Tây Bắc, vẻ đẹp ấy vừa tự nhiên, vừa giản dị, lại vừa phóng khoáng, thẳm sâu như thiên nhiên núi rừng. Tuy nhiên trái với những gì Mị đáng được hưởng, bi kịch đến với Mị 1 cách phũ phàng bởi cường quyền bạo lực và thần quyền hủ tục, 1 phần cũng xuất phát từ sự hiếu thảo của Mị: Vì quá thương cha mà Mị đã chấp nhận làm kiếp con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá tra, sống 1 cuộc đời tăm tối tủi nhục và hoàn toàn tê liệt về mặt cảm xúc. Tuy nhiên với 1 cô gái giàu tình yêu cuộc sống như thế thì dù bị cường quyền và thần quyền có kìm hãm đến đâu cũng không thể vùi dập hoàn toàn sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị. Đây là 1 nét đẹp trong tâm hồn Mị nói riêng cũng như những người lao động Tây bắc nói chung. Đó là vào 1 đêm tình mùa xuân, cái đêm mà MỊ nghe thấy tiếng sáo thì thấy" phới phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước ". Cái không khí ngày xuân ở Hồng Ngài, cùng với tiếng sáo gọi bạn tình phía xa với hơi rượu nồng nàn đã thức dậy tâm hồn Mị: Từ 1 kẻ lầm lũi, tê liệt khả năng phản kháng, Mị bỗng sống dậy ý thức về thân phận, thấy đau khổ, nghĩ đến cái chết. Rồi Mị lại muốn làm đẹp, muốn đi chơi, muốn được sống như ngày trước, còn được tự do. Bằng 1 loạt các hành động như quấn tóc, thắp đèn, Mị" vói tay lấy cái váy hoa ".. Tô Hoài đã cho ta thấy 1 khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng vươn lên để tìm kiếm tự do mà bấy lâu nay Mị mới tìm lại được.

    Văn học có khả năng nuôi dưỡng con người bởi nhà văn đi sâu miêu tả vẻ đẹp của nhân vật từ hình thể bên ngoài đến những diễn biến sâu xa trong tư tưởng tình cảm, với những hình ảnh và ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Nếu Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn với hành động bán mình chuộc cha và em thì Mị của Tô Hoài có hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ và tự cứu mình. Qua đó cho ta thấy Mị không những là 1 người con gái đẹp, với sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà còn kà người giàu tình thương, có khát vọng sống và cả khả năng cách mạng. Đó là vào cái đêm đông lạnh lẽo khi A Phủ bị trói đứng, ban đầu khi nhìn thấy cảnh tượng đó, Mị vẫn thản nhiên, dửng dưng bởi Mị đã quá quen với cảnh tượng này:" Một người chị dâu cũng từng bị trói như thế đến chết ". Bản thân Mị cũng từng bị trói đứng như thế bởi A Sử vào cái đêm tình mùa xuân năm trước. Nhưng khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, chính nó đã soi vào tâm hồn Mị, thức dậy những gì ngủ yên trong Mị. Mị thương A Phủ và nhớ lại đời mình, Mị suy nghĩ" Ta là thân đàn bà, nó bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi. Nhưng người kia việc gì phải chết? "Tô Hoài đã tài tình biết bao khi khám phá sức mạnh tình thương thật đúng lúc. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo sâu sắc được tác giả khám phá và khắc họa thành công qua nhân vật Mị. Mà cái nhân đạo hơn nữa đó chính là Tô Hoài đã mở ra cho Mị 1 con đường tự do và Mị đã thức sự làm được điều đó khi cùng A Phủ đến với cách mạng. Không chỉ có Mị mà cả A Phủ qua nét bút của Tô Hoài thực sự là một hình ảnh tiêu biểu nữa cho hình tượng người lao động Tây Bắc. A Phủ, một chàng trai khỏe khoắn, chăm lao động, có tính cương trực, ai lấy được A Phủ sẽ" như có một con trâu tốt trong nhà ", A Phủ lại là người mạnh mẽ, dám đứng lên để chống lại những bất công ngang trái mà người đọc có thể thấy rõ điều đó qua hành động đánh con quan. Khi bị buộc phải làm kẻ ở không công cho nhà thống lí Pá Tra, ngưỡng chừng như không còn hi vọng nào nữa, cho đến khi được Mị cởi trói thì niềm tin trong A Phủ lại sực tỉnh một lần nữa. Lúc đầu A Phủ khụyu xuống, không bước được nhưng ngay sau đó đã đứng lên" quật sức vùng lên chạy "để thoát khỏi gông cùm, xiềng xích nô lệ, điều đó chứng tỏ A Phủ có 1 tình yêu mãnh liệt và khao khát cuộc sống tự do, luôn cố gắng vươn lên để tìm kiếm và có được nó. Bên cạnh con người mạnh mẽ ấy còn mang phẩm chất của người trọng tình trọng nghĩa. Đó là lúc Mị nói" A Phủ cho tôi đi! "," A Phủ hiểu ra ngay ", đã không bỏ lại người phụ nữ khốn khổ ấy mà cả hai đã cùng tìm đến với ánh sáng của cách mạng, trở thành những con người ưu tú.

    Nếu khát vọng vươn lên và vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động nơi Tây Bắc là sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do cháy bỏng thì sang" Vợ nhặt "của KL, vẻ đẹp của con người lao động lại đến từ những gì hồn hậu chất phác với khát vọng sống và ước mơ hạnh phúc cũng như niềm tin tưởng lạc quan vào một tương lai tươi sáng. Đây đều là những vẻ đẹp đáng quý của người nông dân nghèo, đặc biệt là trong nạn đói kinh hoàng nắm Ất Dậu (1945) giống như chính KL đã từng viết rằng:" Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ trong tâm hồn họ. Đói vừa cay đắng vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó lại ánh lên những tia sáng về đạo đức và danh dự ".

    Vẻ đẹp tâm hồn của người lao động nơi đây trước hết được thể hiện rõ nhất đó chính là dù hoàn cảnh nghèo đói khốn cùng, khó khăn cách mấy thì những con người chất phác ấy vẫn luôn yêu thương, đùm bọc nhau. KL đã khẳng định được điều đó trong việc xây dựng tình huống nhặt vợ của Tràng cùng với việc miêu tả tâm lí nhân vật để làm nổi bật lên vẻ đẹp của họ. Về phía Tràng, Tràng ngật ngưỡng bước ra từ trang sách KL là 1 gã trai dân ngụ cư với dáng người thô kệch, tính khí thất thường, làm nghề đẩy xe bò thuê chỉ để kiếm sống qua ngày.. Tràng hiện lên trong bức tranh mà cái chết đang dần dần bao phủ lấy sự sống dường như mỏng manh. Ấy thế mà chỉ trong 2 lần gặp gỡ và một câu nói nửa đùa nửa thật, Tràng có vợ. Lần đầu gặp gỡ giữa Tràng với thị vừa hài hước vừa khiến người đọc thương cảm xót xa. Câu hò của Tràng khiến cho thị tin hoặc chí ít cũng là một tia sáng trong nền đen mà những cô gái như thị đang phải đối mặt.

    " Muốn ăn cơm trắng mấy giò này

    Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì "

    Lần thứ hai gặp lại, Tràng không kịp nhận ra thị, ấy thế mà vẫn đon đả mời thị những bốn bát bánh đúc. Đối lập với ngoại hình xấu xí, thô kệch ban đầu, Tràng cởi mở, tốt bụng và lịch lãm như một người đàn ông thực thụ. Điều đó được xuât phát từ tình thương mà Tràng dành cho những người cùng khổ hay nói đúng hơn là tình thương của trái tim những người lao động nghèo, là ngọn lửa tình người được thắp lên trong những đêm trường đen tối nhất của dân tộc ta. Tình thương ấy không chỉ có ở Tràng mà ta thấy trong mỗi nhân vật của Vợ nhặt, tiêu biểu cho người lao động nông thôn, nhưng với những khía cạnh khác nhau. Đó là nhân vật bà cụ Tứ, nhân vật mà nếu thiếu đi thì truyện ngắn Vợ Nhặt của KL cũng sẽ thiếu đi một thứ ánh sáng ấm áp rọi chiếu từ trái tim của người mẹ. Tuy xuất hiện sau cùng, nhưng người mẹ nghèo dưới ngòi bút tài hoa của KL lại cho ta cảm nhận được tình mẹ thiêng liêng với một sự cảm thông sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Lần đầu tiên, người mẹ nghèo nhìn thấy người phụ nữ lạ trong ngôi nhà của mình, bà tỏ ra ngạc nhiên, một sự ngạc nhiên đến cao độ. Cõ lẽ bà đã ngờ ngợ nhận ra, nhưng cái đó đã làm cho người mẹ ấy không dám tin vào linh cảm của mình. Đến khi nghe Tràng giãi bày, bà đã vui vì con trai bà có vợ, bà đã buồn vì bà làm mẹ mà không cưới được vợ cho con mà phải để con đi nhặt vợ ngoài đường, ngoài chợ, bà ai oán xót xa vì nhà nghèo đến mức không có nổi mâm cơm cúng tổ tiên và mời làng xóm. Tâm trạng xúc động đan xen nhưng trên hết là niềm hạnh phúc của bà khi nhìn con hạnh phúc và đồng thời cũng thương cả con trai lẫn nàng dâu của nhà mình. Đó còn là thị, từ một người đàn bà chua ngoa, đanh đá, nhưng sau này khi đã về làm dâu nhà Tràng thì thị lại biết yêu thương và thay đổi nhiều hơn, trở thành người vợ hiền dâu thảo biết chấp nhận, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc cho gia cảnh của chồng, được thể hiện rõ nhất qua nụ cười thản nhiên trong bữa cơm gia đình đầu tiên với bát" chè khoán ".

    Không chỉ tình yêu thương, gắn bó đôn hậu mà trong những người lao động bình dị ấy, ta còn thấy được một khát vọng vươn lên và khao khát hạnh phúc. Tràng, người đàn ông nghèo khổ và ế vợ nhưng vẫn luôn vui vẻ trẻ trung, đặc biệt hành động nhặt vợ tưởng như nông nổi, liều lĩnh nhưng nó lại ẩn chứa một khát vọng hạnh phúc mãnh liệt mà trong hoàn cảnh bình thường Tràng không thể nào có được:" Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về ". Câu nói chân chất mà Tràng đã nói với thị dường như là lời cầu hôn đặc biệt nhất trong những mối tình đẹp của văn học. Tràng không chỉ thương người cùng cảnh ngộ, không chỉ cúi xuống để thấy cái đói đang hành hạ người phụ nữ kia mà Tràng còn dám lên tiếng- tiếng nói của trái tim đi tìm hạnh phúc. Cái" Chậc! Kệ! "Sau cùng đã thể hiện sự liều lĩnh của Tràng, một tính cách rất cần thiết để có được hạnh phúc đích thức trong cuộc đời.

    Tình yêu có sức mạnh kì diệu, có khả năng làm cho con người thay đổi để hoàn thiện chính mình, người khao khát tình yêu cũng được xem là người may mắn. Vậy nên, những thay đổi của Tràng trong buổi sáng đầu tiên có vợ cũng đã chứng minh cho khát vọng đơn sơ mãnh liệt ấy: Anh cảm thấy gắn bó với ngôi nhà một cách lạ lùng, lại thấy minhg nên người hơn, có bổn phận, trách nhiệm lo lắng cho vợ con.. Còn đối với thị, Tràng không những là vị cứu tinh mà còn là tia hi vọng cho khao khát yêu thương cháy bỏng của người phụ nữ. Thị theo Tràng về làm vợ bởi thị biết rằng chỉ như vậy thị mới có cơ hội sống trong hạnh phúc lứa đôi mặc dù đó chỉ là hạnh phúc bình dị, đơn sơ và nhỏ nhoi. Vì thế khi về làm dâu, khi biết gia cảnh thực sự của gia đình Tràng, tuy có phần thất vọng nhưng thị vẫn tự nguyện vun vén cho hạnh phúc gia đình. Không ai khác, chính người vợ nhặt đã thổi vào cái hơi thở mang sức sống mới, niềm vui hạnh phúc vào cái gia đình ảm đạm của hai mẹ con Tràng.

    Niềm vui của nhà văn có lẽ chính là niềm vui của người mở đường đi vào cái đẹp, của người biết đi tới tương lai và một tác phẩm chân chính thì không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng khi câu chuyện của các nhân vật kết thúc, đó chính là cách mà KL đi đến cái kết cho câu chuyện của mình, đồng thời thể hiện niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng và khát khao thay đổi cuộc sống của những người lao động và cả của những người đương thời. Trong bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới, bằng một" nồi chè khoán "được nấu từ cám nhưng lại" ngon đáo để "và khối người còn không có để ăn. Đây là tận cùng của cái đói, là nỗi xót xa của người nông dân năm Ất Dậu nhưng lại thể hiện khát vọng sống cao đẹp, họ khao khát được sống một cách mãnh liệt. Người mẹ nông thôn ấy dẫu biết đắng chát nhưng vẫn gửi gắm tình thương con trong đó và biến món ăn từ chát đắng trở nên ngọt ngào hơn. Còn trong đầu Tràng lúc bấy giờ hiện lên hình ảnh của" đám người với lá cờ đỏ bay phấp phới.. ". Quả thật, nhân vật Tràng đã khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ việc nhặt được vợ, Tràng đã sống thực sự như một con người, một người trụ cột gia đình và giờ đây còn có khả năng tham gia cách mạng để tìm lại hạnh phúc cho nhân dân và đất nước mình.

    Khép lại VCAP và VN, ta thấy cả hai tác phẩm đều lấy bối cảnh trước CMT8, đều phản ánh số phận bi thảm nhưng đồng thời cũng khẳng định khát vọng vươn lên và vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động đương thời. Nếu VCAP của TH tập trung phản ánh số phận người lao động bị áp bức, bóc lột nhưng sâu trong tâm hồn họ vẫn ẩn chứa sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một khát vọng tự do cháy bỏng thì sang VN Kim Lân đã cho ta thấy số phận rẻ rúng của người lao động nói riêng và con người nói chung, vì cái đói, vì nghèo khổ nhưng vẫn luôn khao khát được sống, được yêu thương và ước mơ hạnh phúc dù chỉ là những hạnh phúc bình dị, nhỏ bé và đơn sơ. Nhưng tất cả họ, những người lao động ấy đều ánh lên một vẻ đẹp chung mà đây cũng là biểu hiện cho giá trị nhân đạo to lớn của tác phẩm cũng như tài năng và bản lĩnh viêt văn của cả hai tác giả, đó chính là niềm tin yêu với cách mạng, niềm tin vào một tương lai tươi sáng đẹp đẽ hơn để cứu rỗi họ trong đêm trường đen tối đang phủ lấp cẩ một thời đại.

    " Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những đau khổ hi sinh. Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là chúng ta phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy"(Nguyễn Khải). Hình tượng người lao động hiện lên qua những áng văn của TH và KL thật đẹp, thật sáng. Dù trong hoàn cảnh khó khăn cách mấy họ cũng không để nó vùi dập ước mơ, niềm tin và khát vọng sống của mình. Họ-những người lao động Việt Nam cũng như những đóa hoa sen vậy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
     
    Mộc Q thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...