Đề bài: Phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác. Gợi ý: * Viễn Phương đã sáng tạo nên những hình ảnh thơ tuyệt đẹp về Bác: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.. - Mặt trời trong lăng là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Ở đây, sự liên tưởng của Viễn Phương vẫn mang nét mới mẻ, sáng tạo: Bác Hồ giống như mặt trời đã xua đi màn đêm đen tối, cuộc đời nô lệ, mang lại tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Với hình ảnh ẩn dụ độc đáo ấy, tác giả đã nâng tầm vóc, sự vĩ đại của Người lên ngang tầm với vũ trụ, thiên nhiên. - Biện pháp nhân hóa được sử dụng tài tình. Sự nghiệp cao cả, vĩ đại của Người không chỉ được cả thế giới biết đến mà thiên nhiên vũ trụ cũng nghiêng mình kính phục, ngưỡng mộ khi thấy điều đó. * Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác: Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.. - Điệp từ sóng đội ngày ngày diễn tả dòng thời gian tuần hoàn không ngưng nghỉ, tất cả đang lặng lẽ nối tiếp nhau trong không khí thiêng liêng, đầy xúc động. - Hình ảnh dòng người xếp thành hàng dài vào lăng viếng Bác được tác giả ví như một tràng hoa, mỗi một người là một bông hoa. Triệu con người về đây viếng Bác kết thành một tràng hoa kính dâng lên Bác, báo công với Bác. Những con người vào lăng viếng Bác trong niềm tiếc thương vô hạn và kính dâng lên Người những gì đẹp nhất. - Cùng với hình ảnh ẩn dụtràng hoa là hình ảnh hoán dụ đặc sắc bảy mươi chín mùa xuân. Cuộc đời của Bác bảy mươi chín tuổi được tác giả ngợi ca như bảy mươi chín mùa xuân. Mỗi tuổi của Người là một mùa xuân. Cuộc đời Bác giống như những mùa xuân đẹp đẽ, bất diệt, đó là sự cống hiến, hi sinh không mệt mỏi cho cuộc đời, cho dân tộc. * Đánh giá: Qua khổ thơ, Viễn Phương đã thể hiện khả năng lựa chọn ngôn từ rất tinh tế, biểu cảm giàu tính hình tượng, cũng như tấm lòng ngưỡng mộ, ngợi ca, tôn vinh sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là tình cảm tôn kính, biết ơn, ngưỡng mộ của nhà thơ.