Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo - Đề 14

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 25 Tháng năm 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906

    Đề bài ôn tập ngữ văn 12 tham khảo - Đề 14
    (Biên soạn: Thùy Minh)

    [​IMG]
    I. ĐỌC HIỂU
    Đọc văn bản sau:


    Niềm tin son sắt – Nguyễn Hữu Thắng

    Xin được viết hoa hai chữ TUYỆT VỜI
    Khắc vào đá chữ NIỀM TIN SON SẮT
    Hãy cười lên em, lau khô dòng nước mắt
    Trong giây phút vỡ oà, hạnh phúc trào dâng

    Ấm áp vô cùng tình nghĩa Quân - Dân
    Trong nguy nan càng keo sơn máu thịt
    Lời cám ơn nào cũng không nói hết
    Đồng chí đồng bào chung sức lo toan

    Xin được viết hoa hai chữ NHÂN DÂN
    "Máu chảy ruột mềm", "lá lành lá rách"
    Trong bão giông càng yêu thêm Tổ quốc
    Trong nguy nan không phân biệt sang hèn

    Hãy cười lên đi em
    Chuyến bay cuối cùng mới vừa tiếp đất
    Nạn nhân cuối cùng trở về từ cõi chết
    Trong vòng tay đồng chí, đồng bào

    Xin được viết hoa hai chữ TỰ HÀO
    Nghĩa Đảng tình Dân tấm lòng son sắt
    Cười lên em, dẫu còn nhoè nước mắt
    Những ngày này ta thêm vững niềm tin
    (Cửa Việt, ngày 11/10/2020)

    Thực hiện yêu cầu:
    Câu 1:
    Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
    Câu 2: Những thông tin trong văn bản khiến anh/chị nhớ đến sự kiện nào xảy ra với dân tộc ta vào thời điểm bài thơ ra đời?
    Câu 3: Những từ ngữ viết hoa trong văn bản có ý nghĩa, tác dụng như thế nào?
    Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề bài thơ "Niềm tin son sắt"?

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách".

    Câu 2. Phân tích nhân vật Mị qua đoạn văn sau:

    Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta thường nói: nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải là con gái nhà Pá Tra: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.

    Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ. Nhưng người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan thống lí. Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

    Cho tới năm ấy Mị đã lớn, Mị là con gái đầu lòng. Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:
    – Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.


    Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố rằng:
    – Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.


    Đến Tết năm ấy, Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón tay thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra. Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi.
    (Trích Vợ chồng A Phủ Tô Hoài, SGK Ngữ văn 12)​
    Từ đó, anh/chị hãy nhận xét ngắn gọn về ngòi bút miêu tả nhân vật của nhà văn Tô Hoài.

    Gợi ý làm bài: Tham khảo phần bình luận
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng tám 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Gợi ý làm bài:


    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU
    Câu 1.
    Phương thức: biểu cảm
    Câu 2: Sự kiện năm 2020: - Cả nước phải gồng mình chống dịch viêm phổi cấp (Covid 19) có nguy cơ lây lan rất nhanh và đe dọa tính mạng người dân. Đảng và Nhà nước đã có những chiến lược đối phó kịp thời, những quyết định nhân văn là đưa chuyên cơ sang các nước bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề để đón đồng bào về nước, không để ai "bị bỏ lại phía sau".
    Câu 3: Những từ ngữ viết hoa trong văn bản có ý nghĩa, tác dụng:
    - Nhấn mạnh chủ để tác phẩm: Khẳng định niềm tự hào, niềm tin son sắt của tác giả vào nhân dân.
    - Giúp người đọc hình dung rõ hơn những điều mà tác giả muốn chuyển tải.
    Câu 4: Nhan đề bài thơ "Niềm tin son sắt" có nghĩa là: Tác giả thể hiện niềm tin sâu sắc, vững bền của mình vào tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của nhân dân ta. Chính sức mạnh tinh thần đó giúp nhân dân ta từng bước chiến thắng đại dịch.

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống lá lành đùm lá rách:
    Tham khảo các ý:
    MĐ:
    Tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" là một tình cảm đặc biệt và nổi bật trong nhân sinh quan của người xưa. Truyền thống đó có ý nghĩa tốt đẹp thể hiện mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa con người với con người trong xã hội. TĐ:
    TĐ:
    + Giải thích :
    - Tương thân tương ái là ...
    - Lá lành đùm lá rách là...
    – Nghĩa đen: Dùng lá để gói hàng, nếu bị rách, người ta lấy tâm lá lành bao bên ngoài.
    – Nghĩa bóng: "lá lành" là những người có điều kiện tốt hơn. Còn lá rách" là những người lúc nghèo khó, hoạn nạn.
    => Câu tục ngữ khuyên con người nên biết giúp đỡ, đùm bọc những người gặp cảnh khốn cùng.
    + Phân tích, đánh giá ý nghĩa:
    - Tinh thần tương thân tương ái giúp những người hoạn nạn, kém may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái, từ đó họ có điều kiện để vượt qua khó khăn, có động lực để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
    - Tinh thần tương thân tương ái giúp cho xã hội tránh được mầm móng chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng, là nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng, thân ái, hoà bình, ổn định.
    - Chính truyền thống này là cơ sở tạo nên sức mạnh đoàn kết để bao đời nay dân tộc ta chiến thắng thù trong, giặc ngoài, giữ yên ổn, vững bền đất nước.
    + Bình luận mở rộng:
    - Giữa cuộc đời, hoàn cảnh con người luôn biến đổi thăng trầm. Vì thế cần phải hiểu biết nhau trong sự tương thân tương ái, tạo tình đoàn kết, tránh chia rẽ, xung đột.
    - Quay lưng hay ngoảnh mặt với nỗi đau của người khác là ích kỉ, vô nhân.
    KĐ: Nêu bài học nhận thức và hành động: Tương thân tương ái là việc làm rất cần thiết, là ý thức tự giác của mỗi chúng ta. Chúng ta cần yêu thương, sẻ chia với những người không may mắn bằng những hành động, việc làm thiết thực:

    Câu 2. Phân tích đoạn văn: Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra[...]

    Mở bài: Truyện ngắn " Vợ chồng A Phủ" tiêu biểu cho những thành công đầu tiên của Tô Hoài viết về đề tài Tây Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Sự am tường cuộc sống của người dân miền núi kết hợp với những thiện cảm sâu đậm đối với họ đã tạo nên những trang viết có sức ám ảnh lớn đối với người đọc. Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" mở đầu bằng những giọng văn đượm buồn phác họa chân dung Mị khi làm dâu nhà thống lí Pá Tra: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra [...]

    Thân bài:

    Ý khái quát:
    Như những bông hoa ban, hoa mận của núi rừng Tây Bắc, Mị trong "Vợ chồng A Phủ" là cô gái vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, hiếu thảo. Với những phẩm chất tốt đẹp ấy, Mị xứng đáng được hưởng hạnh phúc và hoàn toàn có khả năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Nhưng trong một xã hội bất công vô nhân đạo thì càng cao quý bao nhiêu, người ta lại càng bị dập vùi một cách phũ phàng. Chỉ vì món nợ của cha mẹ và phong tục hôn nhân kì lạ của người Mông mà Mị trở thành "con dâu gạt nợ" nhà thống lí, vợ của A Sử. Tiếng là con dâu nhà quan nhưng kì thực Mị bị đối xử chẳng khác gì thân phận tôi đòi. Tại ngôi nhà quyền lực mà u ám này, Mị bị bóc lột sức lao động, phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm. Mị còn bị hành hạ về mặt thể xác, cô có thể bị trói, bị đánh đập bất cứ lúc nào. Chưa hết, Mị còn bị cầm tù, bị xiềng xích về mặt tâm hồn. Lúc nào cô cũng bị cái ma của nhà thống lí ám ảnh. Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị từ một cô gái hồn nhiên, yêu đời, trở thành một người đàn bà bị tước mất linh hồn.

    Phân tích nhân vật Mị qua đoạn văn:
    Cách giới thiệu nhân vật: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra..." : giọng kể trầm buồn giống với cách mở đầu trong cổ tích => chuẩn bị không khí cổ tích cho mẫu nhân vật cổ tích xuất hiện, tạo tâm thế cho người đọc tiếp nhận một motip quen thuộc.
    + Không gian: "ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa" => xuất hiện cùng thế giới đồ vật vô tri, câm lặng, câu văn gợi mở: vị trí người ở của nhân vật. Mặt khác, hình ảnh tảng đá có sự tương đồng với hình ảnh của cô gái – câm nín, ngậm khối u uất khó cất lời, bất động, không sinh khí, không sẻ chia.
    + Tư thế: "cúi mặt, mặt buồn rười rượi" với nhịp điệu mòn mỏi, thường xuyên, lặp lại vô hồn - "lúc nào cũng vậy" hé mở nhân vật Mị với những uẩn khúc không thể nói thành lời.
    + Cách miêu tả đối lập: hình ảnh một cô gái lẻ loi, đơn độc, u trầm, buồn khổ với cảnh tấp nập, giàu sang nhà thống lí, gợi lên sự tò mò ở người đọc.
    Nhận xét:
    + Phác hoạ hình ảnh người con gái câm lặng như chìm lẫn vào thế giới đồ vật vô tri, không cảm giác.
    + Hé lộ cuộc sống tủi cực, cảnh ngộ éo le của nhân vật.
    + Cách miêu tả nhân vật độc đáo, tự nhiên, gợi tò mò.

    - Thân phận con dâu gạt nợ:
    Câu chuyện Mị về làm dâu:
    + Lý do: bố lấy mẹ không đủ tiền cưới, phải vay nhà thống lí, tận khi già mà chưa trả hết nợ. Mẹ chết => thống lí đòi lấy Mị làm con dâu để xoá nợ => mối nợ truyền kiếp, dai dẳng, khó thoát => bóng của kiếp sống nô lệ, cùng khổ đổ lên người dân nghèo qua thế hệ này đến thế hệ khác. Câu nói từ bên trong của bố Mị "không thể nào khác được" giống như một dấu triện đóng lên thân phận nô lệ của Mị.
    + Phản ứng: đề nghị bố lao động trả nợ chứ quyết không muốn bị bán cho nhà giàu: "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu" => cho thấy:
    Phản ứng đó nói lên lựa chọn tỉnh táo: Câu nói là sự lựa chọn dứt khoát đầy bướng bỉnh ngang ngạnh của Mị. Câu nói chất chứa tinh thần phản kháng, quyết liệt, niềm khát khao tự do của Mị. Mị thà chấp nhận làm nương, làm rẫy cực nhọc để được tự do còn hơn làm dâu con nhà giàu mà phải buộc mình vào kiếp nô lệ => Khát vọng tự do mãnh liệt và niềm tin trong sang, hồn nhiên của tuổi trẻ.

    Nhận xét về nét đặc sắc trong ngòi bút miêu tả nhân vật của Tô Hoài:

    + Nhân vật được giới thiệu một cách tự nhiên, ấn tượng, kích thích, khơi dậy sự hứng thú, khám phá nơi người đọc, thoát khỏi mạch thời gian tuyến tính.
    + Nhân vật không chỉ được miêu tả trực tiếp qua dáng vẻ, tư thế mà còn được khắc họa qua những đồ vật, sự vật đầy sức gợi
    + Cách dẫn dắt khéo léo: điểm nhìn từ xa, bên ngoài tiến gần hơn vào bên trong để thâm nhập nhân vật; tạo ra mâu thuẫn ở lời kể để vén bức màn bí mật về một phận người.

    Kết bài:
    Khái quát nội dung, nghệ thuật:
    + Câu chuyện của Mị nói lên cuộc sống tối tăm, cùng cực của những con người lao động vùng Tây Bắc. Nối tiếp thân phận Chí Phèo của Nam Cao, chị Dậu của Ngô Tất Tố, những người dân miền núi phía Bắc cũng bị roi vào bi kịch quyền làm người một cách đau thương. Từ góc quay rất hẹp, từ một chi tiết của cuộc sống thường nhật, Tô Hoài dã khát quát bức tranh rộng lớn của Tây Bắc với những gam màu đen tối, đau thương. Ở nơi đó, lũ chúa đất, thực dân luôn đè đầu cưỡi cổ, đọa đày cả thể xác và tinh thần của những người lao động nghèo. Dưới ách áp bức tầng tầng lớp lớp đó, những người nghèo chỉ biết cúi đầu cam chịu nhẫn nhục thân phận đau đớn
    + Nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, xây dựng chân dung nhân vật mang những dấu ấn riêng, ngôn ngữ kể chuyện chuyện linh hoạt, mang phong vị miền núi đậm đà.

     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng năm 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...