Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp của ba cô gái trongNhững ngôi sao xa xôi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi hoanganh79, 14 Tháng bảy 2021.

  1. hoanganh79

    Bài viết:
    67
    Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp của ba cô gái.

    Gợi ý:

    * Ý phụ: Hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái.

    - Họ sống trong hang núi, dưới chân cao điểm ẩm thấp và lạnh lẽo, giữa một vùng trọng điểm ác liệt cách xa đơn vị. Con đường đi qua hang bị bom đánh lở loét, trơ trụi, hoang tàn. Nơi đây không còn cây xanh, cả khu rừng là những thân cây xơ xác bị tước khô cháy. Vang vọng trong không gian núi rừng là tiếng rè rè của máy bay trinh sát, tiếng gầm rú của máy bay phản lực, tiếng bom nổ inh tai, nhức óc.

    - Công việc của các cô gái vô cùng nguy hiểm. Họ làm nhiệm vụ cảnh giới đường và phá bom nổ chậm. Cái chết ngày đêm rình rập bởi thần chết lần trong ruột những quả bom. Sau mỗi trận bom đổ xuống, các cô gái phải lao mình ra cao điểm giữa ban ngày để đo và tính khối lượng đất đá, đếm và phá những quả bom chưa nổ. Hiện thực cuộc chiến tranh được tái hiện vô cùng ác liệt và tàn khốc qua hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái tuổi đôi mươi giữa rừng..

    * Ý chính: Vẻ đẹp của các cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn những năm đánh đế quốc Mĩ. -

    Ý 1: Vẻ đẹp riêng.

    - Nho nhỏ tuổi nhất, mong manh, mát mẻ như một que kem trắng, rất thích ăn kẹo.

    - Chị Thao lớn tuổi nhất, là đội trưởng, tỏ ra từng trải nhưng lại rất sợ máu, sợ vắt, mau nước mắt, thích chép bài hát, thích hát, thích thêu thùa với những chiếc áo thêu toàn chỉ màu.

    - Còn cô gái Hà Nội, Phương Định lại tự kể về mình là một cô gái cũng thích hát, mơ mộng, hay nghĩ vẩn vơ, thích ngắm mình trong gương và có một chút kiêu kì rất đáng yêu.

    - Mỗi người một nét riêng, không thể lẫn vào nhau nhưng tất cả đều rất nữ tính.

    Ý 2: Vẻ đẹp chung.

    - Ba cô gái luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, có tâm hồn phong phú, mơ mộng và lãng mạn.

    + Mặc dù chiến tranh khốc liệt, cuộc sống vẫn luôn ngập tràn tiếng

    Hát. Các cô gái vẫn vui đùa, vẫn có thể hồn nhiên nhai kẹo mà nghĩ vẩn vơ, vẫn mơ mộng trong giây phút bình yên.

    + Đọc những trang truyện của Lê Minh Khuê, ta vô cùng xúc động trước niềm vui kì lạ của ba cô gái khi bắt gặp cơn mưa đá giữa núi rừng Trường Sơn khói lửa. Họ vui thích, cuống cuồng, chạy ra chạy vào hồn nhiên như trẻ nhỏ: Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá! Rồi cùng nhau say sưa nhặt đá, chia nhau từng viên đá nhỏ như chưa từng nghe thấy tiếng bom rơi, đạn nổ, chưa từng kinh qua bao nguy hiểm, khốc liệt của chiến tranh. Niềm vui đến thật bất ngờ, kì lạ. Trận mưa đá làm sống dậy những kỉ niệm ngọt ngào tuổi ấu thơ của Phương Định. Cuộc chiến tranh khốc liệt có thể huỷ diệt tất cả nhưng không thể cướp đi tình yêu cuộc sống mãnh liệt cũng như những khát vọng đẹp đẽ 1 của các cô gái trẻ ở Trường Sơn.

    + Phương Định kể về những gian khổ, khốc liệt ở chiến trường mà hồn nhiên như kể về cuộc sống sinh hoạt đời thường ở một chốn bình yên nào đó Kì lạ hơn, cô kể rằng thần chết là một tay không thích đùa mà giọng cứ thản nhiên như không. Trong khói lửa của bom đạn, các cô gái vẫn giữ được nét tính cách thật hồn nhiên, đáng khâm phục.

    + Đặc biệt nhất là khi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, bị bom vùi, mà mũi nhem nhuốc, chỉ còn hai con mắt lấp lánh mà họ vẫn cứ cười hàm răng lóa lên, vẫn có thể đùa nhau là những con quỷ mắt đen. Tinh thần lạc quan đi làm nên sức sống bất diệt của những cô gái mở đường Trường Sơn, không có sức mạnh nào có thể huỷ diệt.

    - Họ thật sự là những người anh hùng, dũng cảm, can trường, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

    + Sống có lí tưởng cao đẹp: Sẵn sàng rời xa mái trường, xa thành phố. Xa quê hương yêu dấu để đi vào chiến trường ác liệt, thực hiện lí tưởng cao đẹp của cuộc đời mình.

    + Gan dạ, dũng cảm, anh hùng:

    • Nho nhỏ bé, yếu ớt nhưng lại vô cùng dũng cảm, hầm bị sập mà vẫn hồn nhiên vui đùa, bị thương, mất nhiều máu mà không hề kêu ca.

    • Chị Thao là chị cả nên rất bình tĩnh, gan dạ, trong công việc thì cương quyết, táo bạo ai cũng phải gờm. Đứng trước khó khăn, nguy hiểm, chị bình thản đến phát bực.

    • Để làm nổi bật phẩm chất anh hùng, dũng cảm của các nhân vật, tác giả đã tập trung miêu tả tâm trạng của Phương Định trong một lần phá bom. Lúc bấy giờ, không khí căng thẳng đến phát sợ nhưng rồi cô cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ đang dõi theo mình nên không sợ, không thèm đi khom. Lòng dũng cảm đã được kích thích bởi lòng tự trọng. Vì vậy, Phương Định bình tĩnh, khẩn trương, cương quyết, táo bạo tiến thẳng đến quả bom, đào đất chôn bộc phá, đốt dây cháy chậm, chạy về nơi ẩn nấp. Cái cảm giác căng thẳng, nặng nề, tim đập không rõ, tất cả cũng qua đi. Cũng như những cô gái khác, Phương Định đã dũng cảm vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lửa đạn, bom rơi.

    • Với ngòi bút miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế của Lê Minh Khuê, ta như được tận mắt chứng kiến không khí khói lửa của chiến trường thời điểm ấy, những hành động, việc làm cũng như tâm trạng của các cô gái mở đường trong những lần phá bom. Các cô đã để lại trong lòng chúng ta bao niềm ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào.

    - Tình đồng đội:

    + Dù ba cô gái không cùng quê hương, tính cách, sở thích khác nhau nhưng họ luôn yêu thương, đùm bọc như chị em trong một nhà.

    + Khi một người bị thương, tất cả đều lo lắng, tận tình cứu chữa. Khi hâm của Nho bị sập, Nho bị thương, chị Thao vốn cương quyết, táo bạo, màn mẽ là thế nhưng lúc đó lại trở nên hốt hoảng đến thất thần, lúng túng, nghẹn ngào hơn cả người bị thương. Còn Phương Định lo lắng chăm sóc, băng bó vết thương cho Nho, pha sữa cho Nho uống như chăm sóc một đứa em nhỏ. Tình đồng chí, đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh cho những cô gái thanh niên xung phong chiến thắng kẻ thù, thông đường cho xe chạy.

    * Đánh giá:

    - Từ hình tượng ba cô gái thanh niên xung phong cụ thể với những nét tính cách riêng không hòa lẫn vào nhau, Lê Minh Khuê đã làm nổi bật vẻ đẹp chung của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống đế quốc Mĩ: Vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng, mộng mơ, tinh thần dũng cảm, can trường và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp.

    - Những năm tháng là thanh niên xung phong ở chiến trường đã giúp nhà văn tuổi đôi mươi thấu hiểu và yêu mến, trân trọng vẻ đẹp của những cô gái mở đường, viết nên những trang viết chân thực, hấp dẫn, thể hiện ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật nữ vô cùng sắc sảo.
     
    Thùy Minh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...