Dạy trẻ tính lễ phép, chào hỏi

Thảo luận trong 'Gia Đình' bắt đầu bởi ĐỒ THỜ - HUÂN 0968144918, 19 Tháng mười hai 2018.

  1. [​IMG]

    Dạy Trẻ Tính Lễ Phép, Chào Hỏi, Dễ Ợt!

    Con bạn đang trong độ tuổi học nói? Đây là thời điểm vàng để rèn tính lễ phép cho trẻ.

    Vì sao ư? Giai đoạn này trẻ bắt chước người lớn rất nhanh.

    Cách làm của nhiều mẹ là gì? Nhiều bậc phụ huynh thường xuyên phải nhắc con: "Con chào ông/bà đi!" hay "Con chào cô/chú chưa?" Nếu bạn nhắc con như vậy nhiều bé sẽ chào hỏi lễ phép, nhưng có vẻ như bạn sẽ phải nhắc bé rất rất nhiều lần đấy! Vì nếu bạn nhắc bé, bé sẽ không tự nhớ được, và không chủ động nữa đấy. Ngoài ra, có nhiều bé nhút nhát đến mức chỉ nói được lí nhí, và có thể còn không chào hỏi gì ai.

    Vậy phải làm sao để trẻ bật ra lời chào một cách thích thú, vui vẻ và tràn ngập năng lượng? Đối với mỗi đứa trẻ, sẽ có những phương pháp khác nhau một chút. Nhưng bước thực hiện ban đầu luôn luôn giống nhau. Đó là hãy giúp trẻ có thói quen lễ phép với ông bà bố mẹ (những người thân thiết trong gia đình) đầu tiên:

    Bước 1: Ba hoặc mẹ luôn luôn chào con trước với âm lượng lớn, vui vẻ, hào hứng. "Con ơi, bố/mẹ đi làm về rồi đây! Bố/mẹ chào con!". Còn gì hạnh phúc hơn với một đứa trẻ khi mỗi chiều tối nghe thấy tiếng nói hạnh phúc của ba mẹ mỗi khi ba mẹ đi làm về. Nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ rằng: Trẻ nhỏ phải chào người lớn trước mới là lễ phép. Điều đó đúng nhưng với trẻ đang tập nói thì không. Bởi vì trẻ chưa hiểu được lễ nghi và phép lịch sự. Chìa khóa là: Hãy để trẻ chào hỏi như một thói quen, sở thích và cảm xúc vui vẻ.

    Bước 2: Với một số đứa trẻ, chúng gần như sẽ chào lại bố mẹ với âm lượng, sự vui vẻ, hào hứng y như cách bố mẹ chúng đang thực hiện. Đạt được điều này, bố mẹ đã thành công 50% rồi. Chỉ có điều, bố mẹ đang phải là người mở lời chào con trước.

    Khó khăn hơn, có một số đứa trẻ ban đầu không chào lại bố mẹ, với những trẻ này, vấn đề là cần kiên trì hơn. Ba mẹ hãy tỏ ra hào hứng và thường xuyên chào con hơn, khi đi làm, khi ra khỏi nhà, nhiều lần trong một ngày.

    Bước 3: Bây giờ trẻ đã sẵn sàng chào bạn rồi. Vậy làm thế nào để trẻ nhớ chào bạn trước? Với trẻ nhỏ, đa số là những đứa trẻ háo thắng, vậy tại sao bạn không tạo ra một cuộc thi nho nhỏ? Hãy nói với con bạn rằng: "Bây giờ, chúng ta thi nhé, bố/mẹ đếm từ 1 đến 3, thi xem ai nhanh miệng chào trước!". Vậy là, mỗi lần gặp con, bạn chỉ việc đếm: Một, hai, ba là ngay lập tức trẻ sẽ nhớ ra cuộc thi ngầm của hai mẹ con (hai bố con) và nhanh chóng chào bạn trước. Lưu ý: Ban đầu hãy đếm chậm để bé có thời gian nhớ ra cuộc thi ngầm. Bạn càng đếm với âm lượng lớn, sự háo hức và vui vẻ trẻ càng thích thú khi chào hỏi và sẽ rất tự hào vì là người chiến thắng.

    Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ hoặc chúng chưa hiểu cuộc thi, hoặc một số trẻ không hiếu thắng đâu nhé, bạn sẽ phải kiên trì hơn với những bé như thế.

    Bước 4: Áp dụng với tất cả những người lớn khác như với người nhà. Khi chuẩn bị đến nhà người quen chơi, bạn hãy nói trước với bé là bạn sẽ chào họ như nào, bé nên chào họ như nào, và ngầm đưa ra một cuộc thi nhỏ với bé. Lưu ý: Lúc nào bạn cũng phải tỏ ra hào hứng và rất mong muốn chiến thắng trong cuộc thi để khích lệ, kích thích trẻ.

    Bước 5: bây giờ, khi bé đã thường xuyên chào hỏi 1 số người quen và người nhà, cũng là thời điểm bạn có thể nói với con về lễ nghĩa: "Trẻ con mà lễ phép chào người lớn trước, bất kể là ai, sẽ là trẻ ngoan." Và đưa ra một số ví dụ về trẻ không ngoan bằng cách nghĩ ra một câu chuyện: "hôm nay, bạn A gặp mẹ, bạn A không chào hỏi, con nghĩ như vậy là ngoan hay chưa ngoan?".

    Chốt lại: chìa khóa để dạy trẻ là kiên trì và sự hào hứng, tràn đầy năng lượng của ba mẹ mỗi khi trở về bên con.

    Chúc các mẹ thành công!

    (Những phương pháp trên đã qua ứng dụng thực tế của chính mình)


    Doãn Huân
     
    Hắc Liênshasha thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng một 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...