Tên truyện: Dấu + Tác giả: Tống Thị Thanh * * * Mấy hôm nay ông Pho buồn lắm. Đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học ở thành phố về không chấp nhận công việc mà ông xin cho nó. Con gái ông học ngành xã hội. Ông Pho xin cho con chân cán bộ bên phòng văn hóa huyện. Vậy mà nó bảo với ông: "Con sẽ chuyển sang kinh doanh mỹ phẩm". Ông Pho trước kia đi bộ đội tăng thiết giáp. Đơn vị ông đóng quân tại Ninh Bình rồi chuyển vào trong Nam. Hồi ấy chiến tranh liên miên. Ông không được về nhà nhiều. Cả cuộc đời chinh chiến để lại kí ức không thể quên và một bên chân phải chống nạng. Là thương binh "Tàn nhưng không phế" ông luôn tâm niệm mình là người lính cụ Hồ. Địa phương ông là vùng đất chiêm trũng và sỏi đá. Ruộng luôn ngập lụt, có năm lụt lên tận nóc nhà, lúa mất trắng, đợi mãi ra giêng cũng chỉ cấy được một mùa nữa là thôi. Đồi quê ông là đồi núi thấp, khô cằn, đất bạc màu nhiều, chẳng canh tác được là bao nếu chỉ dựa vào hoa lợi của rau màu. Trở về sau cuộc chiến tranh, sức khỏe cạn kiệt, nỗi đau của người đi qua cuộc chiến, ông cũng cưới vợ và sống trong căn nhà bố mẹ để lại. Ông lấy vợ là do nhân duyên cuộc đời. Chẳng là khi xuất ngũ trở về quê hương, bố mẹ ông đều đã mất, chị gái ông cũng lấy chồng xa, bà dì ruột mới mai mối cho ông cô gái ở làng bên. Cô này không đẹp nhưng cũng không xấu xí chi cả. Trước chiến tranh, từng yêu một người cùng làng, hẹn miền Nam giải phóng sẽ cưới. Anh chàng người yêu dỏng cao, có chiếc răng khểnh đã không giữ lời hứa và không thể trở về. Người yêu cô hy sinh trong trận Xuân Lộc. Thương cảnh cô gái và cảm mến. Ông Pho làm cơm và xin cơi trầu sang dạm ngõ. Thế là họ nên vợ nên chồng. Vợ chồng ông Pho sinh một mụn con gái, tên Mi Mi. Tại sao ông Pho đặt tên con là Mi Mi, vì ông muốn con ông xinh, cuộc sống sung sướng hơn mẹ và bố. Mi Mi chăm học, chỉ mỗi tội thích mặc đồ con trai, cắt tóc ngắn. Vợ ông giận bắt con bé để tóc dài, mua váy áo đẹp cho nó mặc. Ông là đàn ông, không rành về tâm lí phụ nữ lắm. Ông luôn động viên con bé cố gắng học thật giỏi để đem vẻ vang về cho bố mẹ. Cả cuộc đời ông đã khổ. Tấm bé thì đói khổ. Ăn cơm độn khoai sắn thậm chí chả có sắn khoai mà ăn. Quần áo có năm chỉ có một manh, đầy mụn vá. Vợ ông thì mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ đi lấy chồng. Ở với bà ngoại. Hôm ông đưa vợ từ bên kia sông trở về, cô ấy chả có bộ quần áo cho ra hồn. Thế nên ông muốn Mi Mi học hành thành đạt, có nghề nghiệp. Con bé vừa tốt nghiệp đại học nhân văn ở thành phố Hồ Chí Minh. Con bé trở về hồng hào, mũm mĩm, chỉ có điều mái tóc nó cắt ngắn. Hôm nó trở về ông giật mình tức giận định xông tới táng cho nó một gậy may mà vợ ông cản. Nó mặc một chiếc quần bò rách te tua, áo thì túi ngực như đàn ông, săm một con hổ cực to ở bắp tay. Điên người, nuôi nó ăn học thành người mà nó phá ông như thế. Trong trí tưởng tượng của ông, con gái ông từ thành phố trở về phải đoan trang nền nã, tóc dài, trang điểm, ăn nói nhẹ nhàng. Bao năm nuôi con tưởng được hãnh diện ai dè nó làm ông muối mặt với xóm làng. Ông bực lắm, tối đó khi cơm nước xong ông mới bảo con: - Từ thưở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tao chưa thấy đứa con gái nào mà mặc quần rách. Thay ngay không tao đốt đi giờ. Mi Mi e ấp. - Nó khiến con dễ hoạt động. Con ngại sống o ép lắm. - Mẹ mày thì sao? Bả có bao giờ cắt tóc ngắn đâu. - Con thích tự do. Thế là câu chuyện chẳng đến đâu, ông buồn lòng đành nhịn nó một tý vậy. Nhưng ông quyết rồi, ông xin cho nó vào ủy ban huyện, làm chân nhân viên, cứ vài ba năm chịu khó, chịu nếp rèn luyện, dần dần con ông sẽ nên người. Khi ấy, nó phải theo nếp nhà, lấy chồng, sinh con, ở cùng bố mẹ. Ông tưởng là cứ tưởng vậy, ông đã đến nhà bác trưởng ban văn hóa huyện, người chính trị viên đáng mến của mình thời quân ngũ, xin cho con bé vào làm hợp đồng. Công ông xuống sông xuống bể khi sáng nay nó lù lù ra xe ô tô bắt xe lên thành phố mất rồi. Gàn mãi không được. Nó nhất quyết, kinh donh mỹ phẩm. Trong buổi nói chuyện cuối cùng của hai bố con trước giờ nó lên xe ô tô nó đưa ra lí luận về lí tưởng của mình như sau: - Con chẳng thích cái xứ quê mùa này. - Con chẳng thích ngồi xó bếp. - Con chẳng thích lấy chồng. - Con chẳng thích làm con gái. - Con chỉ muốn là chính con. Mi Mi đi rồi, cả nhà buồn nãu ruột, hai con chó nằm ngo ngoe mõm trong sân, vợ ông ngồi khóc và thái rau chuối, ông ngồi ở đầu hè cầm điếu cày rít từng hơi. Nuôi con từng này tuổi, ông chả hiểu sao nó lại ngang ngạnh thế, không chịu ép mình và hỗn láo thế. Mà còn mò mặt về đây tao sẽ đốt nhà. Ông tự nhủ và thề sống thề chết như thế. Biết làm sao được, ông đã già và thuộc thế hệ khác. Con ông lớn lên khi đất nước hòa bình, điều kiện kinh tế ấm no, cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo. Con ông muốn sống cuộc đời của nó. Cuộc đời mà ông trời đã định đoạt. Con ông không như mẹ nó. Nó giống tính ai hả trời? Cuộc sống cũng giống như bài toán. Không thêm không bớt đáp án được mà dùng dấu cộng. Cuộc sống chỉ có một lời giải. Lời giải ấy dành cho Mi Mi! Hết.