Review Phim Dare Mo Shiranai - Nobody Knows: Không Ai Biết Đến - Hirokazu Koreeda

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hoang0302, 6 Tháng hai 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Poster phim là hình ảnh bốn đứa trẻ trong không gian tràn ngập ánh sáng, nhẹ nhàng và êm ả. Poster đánh lừa cảm giác của hầu hết tất cả mọi người về một gia đình êm ấm, thực ra câu chuyện bị che giấu đằng sau làm cho ta phải suy nghĩ rất nhiều. Như tựa đề của phim, Nobody Knows (Không ai biết đến) là một lát cắt tách biệt về cuộc sống của 4 đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi trong một năm trời. Một phim đặc trưng cho phong cách làm phim Nhật Bản, chậm rãi, tinh tế, nhưng tự nhiên và đầy sức mạnh, Nobody Knows không khiến một ai phải khóc (những đứa trẻ trong phim không hề khóc), nhưng khiến họ đau đớn và thương cảm theo số phận của chúng một cách sâu thẳm, dưới góc nhìn nhân văn và cách kể chuyện vừa nhẹ nhàng vừa ám ảnh của đạo diễn Hirokazu Koreeda.

    Phim dựa trên một sự kiện có thật vào năm 1988 ở quận Toshima, Tokyo, thu hút sự quan tâm của cả dư luận Nhật và Quốc tế, được gọi là "Tai nạn bỏ rơi trẻ em Sugamo". 5 đứa trẻ, được dấu tên và đánh số từ A đến E theo độ tuổi, được phát hiện đã phải tự kiếm sống trong 9 tháng trời, sau khi người mẹ để lại 50 ngàn Yên và bỏ đi. 2 trong số chúng đã chết, C chết không lâu sau khi được sinh ra, còn E bị giết hại bởi người bạn của A, thi thể em sau đó được A tiết lộ chôn cất tại một khu rừng.

    Nhưng Nobody Knows không hoàn toàn đi theo cốt truyện ở thực tế, ngay từ đầu, với dòng khuyến cáo "tất cả tình tiết đều là hư cấu".

    Phim mở đầu bằng cảnh người mẹ (nữ ca sĩ You thủ vai), đến chào hỏi người chủ nhà sau khi dọn đến. Chỉ có cậu con trai lớn Akira được giới thiệu là "đứa con duy nhất". Sau đó, lần lượt 3 đứa trẻ khác được đưa vào nhà bằng cách trốn trong Vali. Lý do là vì những người chủ trước không thích quá nhiều trẻ con, và họ đã phải chuyển nhà nhiều lần. Trong bữa cơm đầu tiên, người mẹ nói về quy định "không được ra khỏi nhà", trừ Akira và Kyoko, cô bé lớn thứ hai, một cách hạn chế để lo việc giặt giũ. Không ai biết đến sự tồn tại của chúng.

    Mọi thứ có vẻ tốt đẹp ở ban đầu. Akira, cùng với Kyoko, tỏ ra lớn trước tuổi và biết lo lắng. Người mẹ đi làm cả ngày, Akira lo việc mua thức ăn và nấu nướng, trong khi Kyoko dọn dẹp và chăm sóc các em. Hai đứa trẻ đóng vai cha và mẹ trong gia đình nhỏ. Những phút giây nhỏ bé hạnh phúc là vào buổi tối, khi người mẹ đi làm về, mua cho chúng chút quà hoặc thức ăn, trò chuyện với chúng, tô móng tay cho Kyoko hay làm Toán cùng Akira.

    Trong khi hai đứa em nhỏ, Shigeru và Yuki còn ngây ngô, không gì có thể qua mắt Akira và Kyoko. Chúng nhận ra sự bất thường khi người mẹ vui vẻ quá mức, nồng nặc mùi bia rượu khi trở về, và rơi nước mắt trong giấc ngủ. Bà nói vu vơ về một người đàn ông sẵn sàng "nghiêm túc" với bà, nhưng lại lần lữa khi tiết lộ về bốn đứa trẻ. Khi câu chuyện tiếp diễn, người xem biết được rằng chúng là anh em cùng mẹ, nhưng khác cha. Những người cha, vốn từng là niềm hi vọng về một cuộc sống khá hơn cho mẹ chúng, đã bỏ rơi và thậm chí không thừa nhận chúng (cha Yuki). Và bây giờ đến lượt mẹ.

    Sau nhiều lần vắng nhà, một ngày nọ, người mẹ để lại một lá thư và tiền, nói rằng Akira hãy chăm sóc các em, và bà sẽ sớm. Nhưng ánh mắt của Akira cho thấy cậu bé biết rằng, bà sẽ không bao giờ quay lại.

    Nobody Knows không đi theo hướng tàn khốc như ở câu chuyện thực tế, mà đơn giản, là thuật lại cuộc sống của 4 đứa trẻ từ đó. Bối cảnh hầu hết ở trong một căn phòng nhỏ hẹp. Kịch bản của phim, được Koreeda viết từ 15 năm trước khi chính thức bấm máy, vốn có ý định bắt lấy sự chân thực và cảm thông một cách tự nhiên, đã thay đổi rất nhiều so với bản gốc. Ví dụ như chi tiết chiếc giày búp bê phát ra tiếng kêu, ông đưa vào khi nhìn thấy một cô bé đeo nó trong buổi thử vai. Hay món sô cô la yêu thích của Yuki mang tên Apollo Choco, ban đầu là Strawberry Pocky, nhưng ông đã thay đổi theo sở thích diễn viên nhí Momoko Shimizu.

    Koreeda cũng đã cố gắng để xây dựng mối liên hệ thân thiết và tin tưởng với 4 diễn viên nhỏ, và giữa chúng với nhau, để có được sự liên kết cảm xúc rất thật, như thể hiện trên phim. Phim được quay trong 1 năm trời theo thời gian thực, chúng ta có thể thấy sự đổi thay về hình thể bên ngoài và giọng nói của những đứa trẻ, và đi cùng là sự đổi thay trong cuộc sống của chúng.

    Khi xem phim, tôi nhớ đến một câu nói về nghề diễn, thường được nhắc đến chung với các phim của Richard Linklater, "diễn như không diễn là đỉnh cao của diễn xuất", cũng như việc mang đến hơi thở của cuộc sống thật như vốn có, là đỉnh cao của nghệ thuật. Nobody Knows có cả hai điều đó. Lối kể chậm rãi, từ tốn, và không có gì hơn những chi tiết cuộc sống thường ngày, nhưng với diễn xuất tự nhiên, đáng yêu và cả ám ảnh của 4 đứa trẻ, nhất là Akira, khiến cho người xem hòa mình và gắn chặt với nhân vật. Koreeda không hề đưa lời thoại hay hướng dẫn cho chúng, mà để cho tất cả tự xử lý với các camera dấu kín, chính vì vậy mọi thứ diễn ra trên màn ảnh đều thật gần gũi và vượt qua những giới hạn về văn hóa hay quốc gia.

    Những cảnh quay rộng, khi Akira bước đi lẫn vào đám đông người, mang đến cảm giác rằng luôn có thể có một Akira ở bất kỳ đâu, những số phận nhỏ nhoi và cô độc, trong số những đứa trẻ vé số hay xin ăn, mà chúng ta vẫn thấy thường ngày trên phố phường Sài Gòn.

    Bộ phim đưa người xem vào một chuỗi cảm xúc đau nhói và cảm thương, khi chứng kiến cuộc sống đi xuống của 4 đứa trẻ, được thể hiện hết sức tinh tế. Phim tràn ngập những khung ảnh tĩnh, tập trung vào các chi tiết nhỏ, nhưng giàu sức gợi, đủ sức khỏa lấp cho sự thiếu vắng lời thoại. Một góc quay ngoài trời, với con phố và các hàng dây điện, thay cho thời gian và giao mùa. Một móng tay sơn đỏ bị phai màu, như tình cảm mẹ con không chiến thắng được niềm khao khát hạnh phúc. Chén bát trở thành những ly mì tôm. Những cây bút chì màu vơi đi. Một chai nước và bốn chiếc ly là sự sẻ chia.

    Tôi phải nói đến cách sử dụng góc quay đầy sức mạnh của Koreeda, tập trung vào những bộ phận cơ thể nhỏ bé của những đứa trẻ, là bàn tay, bàn chân non nớt, mái tóc, vành tai, một cảnh xung đột giữa Akira và Kyoko được thể hiện bằng sự giằng xé giữa hai bàn tay. Những lớp da mịn màng, khiến ta như muốn áp vào chúng như vẫn làm khi gặp những đứa bé đáng yêu đến mức không kiềm được, trái ngược hẳn với khuôn mặt và ánh mắt khắc khổ của 4 đứa trẻ, sự tĩnh lặng của chúng, sự cam chịu của chúng, và sự cô đơn của chúng. Chúng chỉ là những đứa trẻ yếu đuối và đáng thương. Không có mẹ, và những người cha ruồng bỏ, những đứa trẻ chỉ biết dựa vào nhau để sống, nhưng làm sao để sống? "Phải đến 16 tuổi em mới được nhận vào làm," một nhân viên cửa hàng nói với Akira. Những chi tiết ấy đan thành một tấm lưới cảm xúc cứ đầy đặn dần cho đến khi trọn vẹn.

    [​IMG]

    Việc chứng kiến 4 đứa trẻ lâm vào đường cùng, chỉ là một phần nhỏ tạo nên sự thương cảm. Điều khiến chúng ta quan tâm và lo lắng cho chúng, chính là ở việc ta hiểu rõ tính cách và sự đẹp đẽ của từng đứa trẻ một. Ta hiểu rõ được ước mơ của chúng, mong muốn được đi học của Akira, được chơi Piano của Kyoko, được ăn kẹo sô cô la của Yuki và được ra ngoài vui chơi của Shigeru. Những đứa trẻ ngoan ngoãn và đáng yêu, với những khát khao tưởng như bình dị nhất nhưng không thể trở thành hiện thực. Làm sao một người mẹ nào đó có thể bỏ rơi chúng? Những ước mơ ấy như ánh đèn tàu điện khi Akira và Yuki đi đón mẹ trong vô vọng, gợi đến hình ảnh "Hai đứa trẻ" trong truyện ngắn của Thạch Lam mà tôi học từ những ngày trung học, chớp tắt và biến mất trong đêm. Những tia sáng nhỏ nhoi, khi Akira được tận hưởng niềm vui chơi bóng chày, Shigeru chơi đùa với đám trẻ, cả 4 đứa hớn hở được chơi ở công viên và mua sắm trong cửa hàng, những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi và bình dị đó lại khiến tim ta thắt lại.

    Trong hoàn cảnh đó, sự yêu thương và quan tâm đến nhau giữa chúng lại càng tỏa sáng. Nobody Knows, không ai biết đến, không có một bóng dáng người lớn nào hiện diện, hoặc hiện diện rất lu mờ trong cả bộ phim, chỉ có những đứa trẻ chăm sóc lẫn nhau trong thế giới riêng của mình. "Vì sao em không đến các trại trẻ hoặc các tổ chức xã hội nhờ giúp đỡ?", một nhân viên cửa hàng hỏi. "Vì lúc ấy bọn em sẽ không còn ở cùng nhau," Akira trả lời. Bộ phim này, mang đến cảm xúc rất gần với một bộ phim Iran xuất sắc cũng về trẻ em có tên Children Of Heaven (Những đứa trẻ thiên đường). Và cái tên đó rất phù hợp. Chỉ có những người lớn mới là ác quỷ, những người mẹ ích kỷ bỏ rơi con cái để đi tìm hạnh phúc riêng, những người cha thờ ơ và vô trách nhiệm với giọt máu của mình. Còn những đứa trẻ và tình cảm yêu thương trong sáng của chúng, chính là thiên thần. Chúng không bỏ rơi nhau trong hoạn nạn, ngay cả một người không cùng dòng máu như cô bạn Saki sau này, đã chấp nhận đi hát Karaoke với một người đàn ông để kiếm tiền cho Akira. Đó là một cảnh đau lòng khác, khi Akira từ chối rất phũ phàng vì cậu biết rằng, cứ như thế Saki sẽ trở thành giống như mẹ cậu. Nhưng sau đó, Akira lại phải tìm đến và mượn lại số tiền, vì không còn cách nào khác. Một cảnh rơi nước mắt, cũng như khi cậu gọi cho mẹ với từng đồng Yên còn sót lại. Tình cảm chân thành của những đứa trẻ khiến người lớn phải xấu hổ.

    Không có gì phải nói thêm về diễn xuất của những diễn viên nhỏ tuổi trong phim. Yuya Yagira, trong vai Akira, đã trở thành người Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Cannes năm đó. Diễn xuất tuyệt vời của cậu là mạch nối xuyên suốt bộ phim. Các diễn viên nhí còn lại đều rất xuất sắc, kể cả Saki. Những đứa trẻ mang đến không chỉ là sự khắc khổ, mà còn là sự đáng yêu và hồn nhiên của độ tuổi ấy, qua những hành động nhỏ tưởng như vô thức.

    Và tôi yêu cách người Nhật kết thúc những bộ phim tưởng như bi lụy như thế này. Một chuyến tàu tận cùng của sự đau khổ, nhưng đi từ bóng đêm ra ánh sáng, trước đó là một bàn tay ấm. Một gương mặt hướng lên phía mặt trời, nơi một chiếc máy bay đang rền vang và bay qua. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi nghĩ, đó là tinh thần giúp người Nhật đi lên sau thất bại nặng nề ở Thế Chiến 2, được thể hiện qua góc nhìn của một đứa trẻ, và không quá hình tượng hay đao to búa lớn. Đơn giản là sống tiếp, những chuyến tàu vẫn chạy, tình yêu thương còn đó và chúng vẫn còn có nhau. Những người cha mẹ có thể tước quyền sinh ra chúng, nhưng không thể tước quyền sống của chúng, dù là những đứa trẻ sinh ra trong lỡ lầm đi nữa, dù cho cả thế giới không ai biết đến.

    Thông Tin Phim:

    Năm Phát Hành: 2004

    Thể Loại: Tâm Lý

    Phân Loại: PG-13

    Hãng Sản Xuất: Bandai Visual, Cinequanon

    Hãng Phát Hành: Cinequanon, IFC Films

    Quốc Gia: Nhật Bản

    Đạo Diễn: Hirokazu Koreeda

    Biên Kịch: Hirokazu Koreeda

    Diễn Viên: Ayu Kitaura, Hiei Kimura, Yūya Yagira

    Thời Lượng: 2h21m

    Trailer Phim:

     
    LieuDuong, Admin, Bughams1 người nữa thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...