Đạo Sĩ Độ Nhân Tác giả: Gia Huy Thể loại: Kinh dị, hài hước, phiêu lưu, hành động. [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Gia Huy Giới thiệu: Nếu bạn là một người gan góc, thích khám phá những điều mới mẻ, những sự việc đang xảy ra hằng ngày nhưng không thể giải thích dưới góc độ khoa học. Thì có lẽ đây là bộ truyện dành riêng cho bạn và hãy cùng hòa mình vào cùng nhân vật trong truyện. Lưu ý: Không nên đọc thành tiếng những câu khẩu lệnh trong truyện lúc nửa đêm nhằm tránh đánh thức các thế lực đến từ cõi u minh. Mọi hậu quả tác giả sẽ không chịu trách nhiệm.
Chương 1: Khách quá giang. Bấm để xem Đang lướt Facebook thì thằng Phúc gọi đến nói rằng anh hai của nó vừa mới bị tai nạn giao thông đang trong cơn nguy kịch, bệnh viện cũng đã trả về, nên nó phải cấp tốc về quê ngay với hy vọng có thể gặp mặt người anh nó lần cuối và nó có ý muốn rủ mình đi cùng. Phải nói mình có thằng bạn không chê vào đâu được, đám cưới, đám hỏi, sinh nhật những đám vui thì nó không rủ, đám buồn thì nó lại rủ. Nhưng dù sao thì hai đứa cũng thân với nhau và cùng quê, cả hai ra Vũng Tàu làm việc được ít năm. Vì không cùng lập trường nên mỗi thằng một công việc. Vả lại mình cũng đang thất nghiệp chẳng có gì làm sẵn có dịp nên về Trà Vinh thăm ông nội. Ba mẹ mình đã định cư ở Mỹ nên căn nhà dưới quê chỉ còn một mình ông. Nhưng lúc này thì cũng chín giờ đêm rồi làm gì còn chuyến xe nào từ Vũng Tàu về miền Tây nữa chứ. Nên hai thằng quyết định lên đường bằng chiếc zuzuki sport đời 98 hay mọi người thường gọi là su sì bo. Hai mươi ba giờ năm mươi tám phút. Lúc này cả hai đã đến chân cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, mọi người ai ở miền Tây chắc biết cây cầu này. Đã nửa đêm con đường chỉ còn lác đác vài chiếc xe tải chở hàng qua các tỉnh lân cận và tiếng bô từ chiếc sì bo của thằng Phúc vang trong đêm giòn rã. Lên giữa cầu thì thằng Phúc tấp xe vào lề rồi kêu muốn đi giải quyết nổi buồn. Từ trên cầu mình có thể nhìn thấy cả cơ man nào là dừa ở bên kia bờ sông thuộc địa phận Bến Tre. Còn trên sông Tiền là vài chiếc thuyền con của ngư phu họ neo lại với ánh đèn le lói. Thằng Phúc thì lo làm việc của nó, mình thì kéo một hơi thuốc tựa lưng vào lan can cầu cho hợp người hợp cảnh. Nhưng rồi bỗng một âm thanh vang lên xé toạc khung cảnh yên bình đó khiến hai đứa giật bắn người làm mình đánh rơi luôn điếu thuốc trên tay. Một tiếng "Ùm" giống như có vật gì đó rất nặng từ trên cầu rơi xuống sông vậy. Nói thật với mọi người, lúc đó hai thằng chỉ giật mình theo phản xạ tự nhiên thôi, nên mình chỉ đưa mắt nhìn xung quanh xem có chuyện gì rồi nói với thằng Phúc: - Hình như có ai vừa mới nhảy cầu hả mạy? Thằng Phúc nhăn mặt: - Tào lao! Phủi phui cái mỏm mày đi! Thôi, tranh thủ lên đường! Nói rồi nó ra xe đạp máy, vì chiếc Sì của nó là xe xịn nên không có đề. Thằng Phúc đạp ba cái, bốn cái rồi năm cái mà xe vẫn không nổ máy. Nó đạp đến phát quạo nhưng chiếc xe vẫn trơ trơ. Phúc nó là người kỹ tính làm gì cũng có chuẩn bị trước, mỗi khi đi đâu xa là nó đều kiểm tra xe kỹ lưỡng. Với lại chiếc xe này nào giờ vẫn ngon lành lắm sao tự nhiên nay lại giở chứng. Mình tặc lưỡi: - Giờ chỉ còn một cách là lên xe, rồi thả dốc xuống chân cầu trong lúc xe có trớn rồi mày đạp trả số thử xem nó có nổ máy không, rồi tính tiếp! Cũng may là cách này thành công, chứ không thì cũng chẳng biết làm sao vì đã khuya làm gì có ai sửa xe. Chạy được khoảng cây số, thằng Phúc ghé vào một quán nước nhỏ bên đường. Nó thì ngồi trên xe giữ ga để xe không tắc máy vì sợ khi tắc máy rồi, lại giở chứng như lúc nãy thì phiền phức. Còn mình thì vào mua hai ly cafe mang đi dọc đường uống cho tỉnh táo. Cùng lúc, có chiếc xe tải dừng lại cũng vào mua nước. Trong khi chờ đợi người chủ quán làm cafe thì anh tài xế xe tải nhìn mình rồi nói: - Bà già lúc nãy đâu rồi! Mình bất ngờ hỏi lại anh tài xế: - Bà già nào anh? - Thì bà già mà ngồi sau lưng hai đứa bây chở lúc ở cầu Rạch Miễu đó! Mình chưa kịp nói gì thì anh tài xế nói tiếp: - Đoạn đường này ban đêm bồ câu (CSGT) nhiều lắm, chở ba là bị chụp nha em! Nghe xong như muốn cứng họng, mình chỉ gật đầu với anh một cái vì không nói được lời nào. Khi ra xe mình đưa cho thằng Phúc ly cafe, nó cầm ly cafe từ tay mình rồi hỏi: - Lạnh quá hả mạy, sao run vậy! Mình không dám thuật lại câu chuyện bà già ngồi trên xe lúc nãy cho nó nghe dù biết nó là một thằng lớn gan. Ngồi trên xe mình khấn thầm: - Chư vị khuất mặt khuất mày có linh thiêng xin đừng quấy phá. Trong suốt đoạn đường còn lại mình chẳng dám nhìn vào chiếc gương chiếu hậu dù chỉ một lần. Khi về đến nhà thằng Phúc thì đã một giờ rưỡi sáng. Tuy nhà hai đứa gần nhau nhưng vì không báo trước cho ông nội với lại giờ cũng đã trễ không dám kêu cửa sợ ông thức giấc nên mình ngủ lại nhà thằng Phúc. Vừa bước vào cổng, mình đã thấy căn nhà dựng rạp đầy đủ để chuẩn bị cho hậu sự. Người nhà thằng Phúc đều có mặt đông đủ và ngồi xung quanh nơi người anh trai nó đang nằm hấp hối. Ai nấy đều ủ rủ nhất là mẹ của anh, bà khóc đến sưng cả hai mắt có lúc ngất lên ngất xuống. Thằng Phúc là một đứa rất sĩ diện và giỏi che giấu cảm xúc thật của mình. Nhưng khi thấy anh ruột của mình như vậy thì nó liền khóc òa lên như một đứa con nít. Một không khí tang thương bao trùm lên cả căn nhà khiến cho người ta khó có thể cầm lòng.
Chương 2: Điềm báo Bấm để xem Lát sau thằng Phúc kêu mình ra giang nhà sau nghỉ ngơi. Cách sau nhà thằng Phúc khoảng năm mươi mét là cái lò mổ và chuồng heo của anh Trung. Anh làm cái nghề này cũng hơn chục năm, cái thời mà mình và thằng Phúc còn đi hái trộm ổi đến tận bây giờ. Trong chuồng heo, mình đoán chắc còn khoảng vài con có lẽ vì anh Trung chưa kịp giết lấy thịt. Nhưng không hiểu sao chúng cứ kêu ầm lên làm mình không tài nào ngủ được nên mình ra ngoài xem có phụ giúp gì được thằng Phúc không. Nó và gia đình thì vẫn ngồi xung quanh anh Trung, lúc này anh Trung chỉ còn thở hơi lên và lâu lâu lại ọc ra một dòng máu tươi, mọi người chỉ biết lấy khăn lau vội vết máu ấy. Để tránh cảnh tượng kinh khủng ấy, mình ra ngoài sân châm điếu thuốc. Đêm ấy là ngày 13 tháng 7 âm lịch nên trăng sáng tỏ chiếu rọi xuống cả một vùng. Khung cảnh này làm mình nhớ đến câu thơ của Hàn Mạc Tử: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu, Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ. Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt, Như đón từ xa một ý thơ. Đọc thầm bài thơ rồi kéo một hơi thuốc dài nhả làn khói trắng hòa lẫn vào không trung. Bất giác mình nhìn về sau nhà dưới ánh trăng có một người đàn ông mình trần, đội chiếc nón lá bước nhanh ra phía chuồng heo. Bóng dáng ấy rất giống chú Chín, chú ruột thằng Phúc nên mình hỏi với: – Chú Chín! Cần phụ gì không? Lúc này thằng Phúc cũng từ trong nhà bước ra nên hỏi: – Nói chuyện với ai vậy mậy? Mình đáp: – Ủa chú Chín ra chuồng heo chi vậy mậy, mà đêm hôm sao ổng đội nón lá chi? Thằng Phúc nhăn mặt: – Chú Chín từ nãy giờ còn ngồi với tao ở giang nhà trước mà. Nói đến đây bỗng bầy heo trong chuồng kêu ầm lên cứ như bị thọc huyết. Thế là hai thằng vội lấy cây đèn pin chạy đến xem có chuyện gì thì thấy một con heo trong bầy bị co giật dữ dội, mắt trợn trắng rồi lăn ra chết tươi. Lúc này hai thằng chẳng nói với nhau câu nào cứ thế mà cầm đèn pin soi xung quanh chuồng vì cứ nghĩ thủ phạm là rắn, rết nên phải giết chúng trước khi chúng khai tử những con heo khác. Nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy gì bất thường ngoại trừ lũ muỗi cứ vo ve đến phát bực. Thằng Phúc lên tiếng: – Thôi đi vô nhà, để sáng mai tao kêu lò mổ gần chợ đến mang nó đi, đứng đây tìm bị muỗi chích kiểu này chắc tao với mày đi theo con heo luôn. Lúc đi vào nhà mình ngoảnh mặt lại nhìn về phía chuồng heo thì bất giác có làn gió lạnh chạy dọc theo sống lưng nổi cả da gà. Nhưng vì lúc đó trong người hơi mệt nên chẳng suy nghĩ được gì nhiều lên chiếc chõng tre giang nhà sau đánh một giấc. Đang liu thiu ngủ thì mình bất giác mở trừng mắt vì ngay lúc đấy đứng ở bốn góc chõng tre là bốn con heo đang đứng bằng hai chân sau. Hai chân trước của chúng mang hình dạng của hai cánh tay người, trên tay đang lăm le con dao bầu sắc lẹm. Mắt chúng cứ nhìn chằm chằm về mình, trong những ánh mắt ấy đều bộc lộ rõ sự bực tức pha lẫn sự căm phẫn tột cùng. Miệng bốn con heo không ngừng lẩm bẩm thứ ngôn ngữ mà mình chẳng thể nào hiểu được, âm thanh đó có lúc sát ở bên tai, có lúc xa xăm như từ cõi âm ti vọng lại. Rồi đồng loạt nhoẻn miệng cười toát lên tận mang tai. Diễn biến tiếp theo thật khiến mình không dám nghĩ đến chính là hai con nghiệt súc gìm chặc hai chân mình lại cứ như có tảng đá trăm cân đè lên. Hai con còn lại một con dùng tay bịt miệng mình ngỡ như sợ con mồi của chúng la lên kêu cứu. Một con cuối cùng cũng là con to nhất bắt đầu đưa cây dao bầu lên cổ con mồi từ từ khứa ngang qua, mình cảm nhận được sự sắc lạnh của lưỡi dao khi chạm vào da thịt cố vùng vẫy nhưng đành bất lực. – Huy.. Huy.. Mày bị làm sao vậy! Thằng phúc vừa lay mạnh vừa hỏi, thì ra đấy chỉ là một giấc mơ, nhưng sao giấc mơ ấy lại chân thật đến vậy. Lúc mở mắt thức giấc người mình ướt đẫm mồ hôi và cảm giác lưỡi dao kề cổ vẫn còn dư âm. – Mày bị ma đè hay sao mà cứ ú ớ tay chân đạp loạn lên vậy? – Tao không sao, chắc lúc tối đi xa về mệt nên mơ thấy mấy cái thứ linh tinh. Trời lúc này cũng đã sáng, nơi anh Trung đang nằm có thêm hai sư thầy mặc pháp phục tay lần chuỗi miệng niệm kinh. Anh Trung thì cứ vẫn nằm đấy khó khăn với từng hơi thở, mỗi lần thở ra đều kèm theo âm thanh rất dị thường cứ như là tiếng của con heo vừa bị thọc huyết đang thoi hóp chờ chết. Mình thì vội vệ sinh cá nhân một cách qua loa rồi nhanh chóng từ giã thằng Phúc và người nhà nó. – Thôi tao về, ngày mai tao qua đây để phụ mày và gia đình lo hậu sự. Thằng Phúc ậm ừ rồi nói: – Để tao lấy xe đưa mày về! Mình vội từ chối ngay: – Để tao đi bộ về sẵn tập thể dục cho khoẻ người, mày ở lại phụ ba mẹ lo cho anh Trung. Trên đường về cảnh vật vẫn không thay đổi, cũng đúng thôi, vì mình và thằng Phúc từ giã cái quê này ra Vũng Tàu lập nghiệp chắc chỉ được gần một năm, ngần đấy thời gian cũng chẳng có gì phải khiến người khác trầm trồ.
Chương 3: Quỷ không đầu Bấm để xem Gấu.. Mới về hả con? Gấu là tên quen thuộc được bà nội đặt cho mình khi còn bé. Vì theo quan niệm người xưa cho rằng đẻ ra khó nuôi, đặt tên xấu cho ma khỏi bắt. Mình chưa kịp trả lời thì người phụ nữ ấy lại tiếp: - Mèn ơi, đi đâu cả năm nay, trắng trẻo đẹp trai vậy cà! Đó là giọng the thé tone cao tận trời xanh của bà Tư Đía. Sở dĩ gọi bằng cái biệt danh ấy bởi vì bà Tư có tật hay nói xạo, chuyện một nói thành mười, chuyên thêm mắm thêm muối. Bà ấy dừng lại với chiếc xe đạp cót két chở theo là thúng bánh bò, bánh tiêu thơm nứt mũi. Phải công nhận một điều rằng bánh của bà Tư làm ngon nhất xã, không ai sánh bằng. Sau khi chào hỏi vài câu xã giao và mua thêm vài cái bánh lát về nhà hai ông cháu cùng ăn. Trước khi tiếp tục cất bước mình hỏi: - Sao nay đem bánh ra chợ bán trễ vậy bà Tư, lúc trước trời còn trưa sáng con đã thấy bà ngoài đó. Đang loay hoay sửa sợi xích xe đạp bị trật răng bỗng khuôn mặt vui vẻ ấy chuyển sang lấm lét sau khi nghe câu hỏi. Giọng người đàn bà ấy bỗng nhỏ lại và ghé sát vào tai mình cứ như là sợ một thế lực gì đó nghe thấy. - Bà Tư bị quỷ nó phá, ở đoạn cây dầu ngay cánh đồng hoang gần nhà con nè. Vừa nói vừa hấc hàm về phía có địa điểm làm bà đến suốt quảng đời còn lại chẳng thể nào quên được. Đó là một cánh đồng rộng khoảng năm trăm mét vuông nằm sát con đường về nhà của mình. Giữa cánh đồng là cây Dầu cao chót vót. Không ai biết nó đã được trồng từ bao giờ, chỉ biết khi còn nhỏ mình và thằng Phúc cùng đám nhóc trong xóm thường kéo nhau ra đấy chăn bò, thả diều. Tán lá cây dầu rất to có thể phủ bóng rất rộng vì thế đó cũng là nơi đóng quân ưa thích của bọn trẻ mỗi khi có nhu cầu nghỉ mát. Hôm đó bà Tư Đía mang bánh ra chợ sớm khi trời còn chưa sáng. Đang đạp chiếc xe cũ kĩ chở theo thúng bánh đến đoạn cánh đồng hoang thì bỗng có một người phụ nữ khoác trên người chiếc Xà Rông trang phục truyền thống của dân tộc Khơme, quấn quanh cổ là chiếc khăn quàng đen đứng bên vệ đường, vẫy tay có ý muốn mua hai mươi cái bánh bò. Vì chưa mở hàng mà đã gặp khách sộp nên bà Tư không để ý đến cách ăn mặc kì lạ của nữ khách kia. Chỉ biết miệng cười vui sướng, và cặm cụi gói hai mươi cái bánh lại, khi bà vừa ngước lên trao bánh cho khách và báo giá: - Cho tui xin bốn.. Chưa kịp dứt câu thì bà Tư tá hỏa tam tinh miệng cứng lại, tim đập gần như bay ra khỏi lồng ngực. Vì thứ đang đứng trước mặc bà Tư Đía vẫn là vị khách kia nhưng chỉ có từ phần cổ đang quấn chiếc khăn trở xuống. Còn cái đầu đang lơ lửng tít trên ngọn cây dầu. Ánh trăng mờ ảo soi rọi xuống từng tất đất, len lỏi qua từng kẻ lá. Những cơn gió rít lên từng hồi, mang theo cái lạnh như từ cõi âm ti ùa về thổi qua lũy tre làng khiến thân chúng vặn mình nghe răng rắc, có lúc kẽo kẹt. Những âm thanh đó hòa lẫn với nhau nghe như một bản nhạc cầu hồn khiến người ta chỉ cần nghĩ đến thôi cũng phải rợn tóc gáy. Cái đầu quỷ dị kia từ từ bay thấp xuống là là trên mặt đất tiến về phía bà Tư. Người bà Tư Đía lúc này mềm nhũn ra như bún, mắt tối dần rồi bà lịm đi mặc phó cho số phận. Kể đến đây bỗng người phụ nữ ấy rùng mình lên một cái, mặt tái xanh, cắt không còn một giọt máu rồi bà nói: - Bữa đó mà không có chú ba thì chắc cái mạng già này chết queo rồi. Mình ngạc nhiên ngắt ngang: - Chú ba nào vậy bà Tư? - Thì là ông nội con chứ ai, cũng hên là lúc đó ổng đi cắm câu về. Thấy bà nằm xỉu trên đường, nên ổng cõng chạy về nhà rồi hô hào bà con lối xóm qua giúp đỡ. Nếu câu chuyện đầy ma mị này được truyền khẩu lại bởi một người khác thì có lẽ mình đã tin sái cổ. Nhưng đây lại là bà Tư Đía nổi tiếng thêm mắm thêm muối cả cái xã này không ai là không biết. Người ta thường nói "có thờ, có kiêng, có thiêng, có lành" vậy mà chỉ vì thỏa mãn được cái tật xấu là nói xạo mà bà Tư lại mang cả quỷ thần vào trong câu chuyện nhằm qua mắt thiên hạ. Nhưng có lẽ mọi suy nghĩ nghi ngờ của mình đều hiện rõ trên khuôn mặt nên bị người phụ nữ ấy dễ dàng đoán được. Bà đạp chiếc xe rời đi không quên để lại câu nói: - Không tin về hỏi ông nội bây thì biết! Trở lại với con đường quen thuộc, mình lại rảo bước muốn mau chóng về đến nhà, xác minh câu chuyện vừa rồi của bà Tư Đía với ông nội. Và tất nhiên là có đi ngang qua cánh đồng hoang với cây Dầu sừng sững hiên ngang giữa đất trời. Nhưng sao hôm nay khung cảnh ấy có gì đó lạ lắm, không còn quen thuộc như lúc trước. Dù là ban ngày nhưng không hiểu sao vẫn có cảm giác như có ai đó từ trên cây Dầu đang dõi theo từng nhất cử, nhất động của mình. Cách đó khoảng năm trăm mét là ngôi nhà mái ngói đỏ. Xung quanh có một hàng cây Trúc Quân Tử xanh mướt bao bọc, tránh kẻ lạ xâm nhập vào khuôn viên bên trong. Tuy hàng trúc ấy dày đặt nhưng vẫn giữ được vẻ thoáng mát mà vẫn không kém phần uy nghiêm của căn nhà. Chỉ vừa bước đến cổng thôi, người ta có thể ngửi thấy mùi trầm hương thoang thoảng quanh đây, ấm áp và nồng nàn, dịu nhẹ và không gắt. Từ bên ngoài sẽ thấy ngôi nhà được thiết kế theo phong cách xưa và đầy đủ các yếu tố tạo nên "Tàng Long Tụ Khí" thường được nhắc đến trong thuật phong thủy. Trước sân, một ông lão đã ngoài tám mươi, hơi gầy, đang lom khom tưới nước cho hai chậu cây Thiết Mộc Lan. Mình kêu to: - Ông nội ơi! Ông lão lúc nãy bị âm thanh làm giật mình buông rơi xô nước đang tưới dở, miệng hấp tấp: - Chết cha, chết mẹ mày cái thứ âm binh cô hồn các đảng làm tao hết hồn. Vì quá vui mừng nên mình quên bén đi việc ông nội thường bị liệu. - Mới về hả Gấu, sao không cho nội biết để chuẩn bị cơm trưa hai ông cháu cùng ăn. - Con định Tết về nhưng lại có dịp bất ngờ nên không kịp báo nội biết! Mình vừa nói vừa cười rồi hai người dắt nhau vào nhà. Mọi đồ vật bên trong vẫn vậy, vẫn yên vị trí cũ. Cái tủ thờ luôn được lau chùi sáng bóng dùng để thờ "Cửu Huyền Thất Tổ". Cửu tức là chín, Huyền được hiểu như đời, thế hệ. Thất là bảy, tổ được tính từ đời ông nội là nhất tổ, ông cố là nhị tổ, ông sơ là tam tổ, cứ thế mà xếp tiếp các bậc cao hơn. "Cửu Huyền Thất Tổ" được hiểu nôm na là chín đời và bảy ông tổ trong dòng họ. Ông nội ngồi vào bộ ghế làm bằng gỗ Hương đặt ngay giang nhà chính có chạm khắc hình Long, Lân, Qui, Phụng một cách tinh tế. Sau khi để ông nội hỏi thăm về việc làm ăn ngoài Vũng Tàu, thì mình kể sơ về tình hình của anh Trung bị tai nạn, giấc mơ về mấy con nghiệt súc. Sau đó thì đến câu chuyện của bà Tư Đía. - Chắc bữa đó bà Tư đi bán sớm rồi trúng gió nên nằm ở đó hả nội? Mình cố đưa ra những suy luận để chống lại câu chuyện của bà Tư. Nhưng rồi ông nội đáp lại bằng câu nói làm mình vô cùng thất vọng: - Đúng là bả đã gặp oan hồn! Trả lời câu nói đó là một câu hỏi mang đầy tính hoài nghi: - Nhưng sao nội biết? Ông lấy ra điếu ba số từ trong gói, dốc ngược đầu lọc nện vài cái xuống bàn rồi đưa lên môi. Dùng chiếc hộp quẹt zippo mà mình đã tặng lên châm lửa và kéo một hơi dài từ từ nhớ lại.
Chương 4: Nghiệp chướng Bấm để xem Lúc đó khoảng bốn giờ sáng, ông nội đi cắm câu dọc theo bờ ruộng gần cánh đồng hoang. Mặt trăng tròn như chiếc mâm đồng treo lơ lửng giữa bầu không gian yên tĩnh, những cánh đồng lúa đang mùa trổ bông, hương thơm ngào ngạt làm lay động lòng người. Tiếng ễnh ương huyền hoang, tiếng ếch ộp ộp, tiếng nhái nỉ non êm dịu khiến người nghe cảm thấy nao lòng. Đang lúi húi nhổ những cây cần câu cắm trên nền đất, gom thành bó. Bỗng từ đâu tiếng chó tru từng hồi, lúc lên, lúc xuống. Những con cá nằm trong giỏ tre được cột ngang hông cũng giãy giụa dữ dội. Cùng lúc mắt trái của ông giật liên hồi. Biết điềm chẳng lành, ông toan bỏ về nhưng đành nhựng lại vì một tràng cười khanh khách từ cánh đồng hoang vang lên. Ông nội lập tức chạy đến tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, thì phát hiện bà Tư Đía đang nằm sõng soài bên chiếc xe đạp. Bánh bò, bánh tiêu vương vãi khắp nơi. Chẳng suy nghĩ nhiều ông liền cõng bà Tư chạy một mạch về đến nhà. Sau khi bấm nhân trung cho bà tỉnh dậy thì ông pha tách trà nóng, cùng với tinh dầu của lá bưởi và một ít tàn nhang hòa với nhau để bà uống cạn. Kể đến đây thì mình thắc mắc: - Cánh đồng hoang đó trước giờ đâu có xảy ra chuyện đúng không nội, lúc nhỏ tụi con vẫn chơi ở đó, rồi người ta vẫn qua lại đó bình thường mà. Ông nội thì cũng gật gù, rít thêm một hơi thuốc, mắt lim dim như người mơ ngủ không màng thế sự. Dùng xong bữa cơm trưa đạm bạc, cá lóc kho tiêu với canh chua. Rồi chỉnh chu lại quần áo, mình quay sang hỏi ông nội: - Bây giờ con qua nhà thằng Phúc để coi có giúp được gì thì giúp, vậy nội có đi chung không? Ông lật đật vào trong phòng ngủ khoác lên người chiếc áo sơ mi Shanghai, đầu đội nón phớt Fedora. Trông cứ như nhân vật Hứa Văn Cường trong bộ phim Máu Nhuộm Bến Thượng Hải, rồi nói vọng ra: - Dù sao ba mẹ nó với nhà mình cũng là chỗ quen biết, thôi thì hai ông cháu ta qua đó thăm hỏi vài lời cho trọn tình, trọn nghĩa. Tại nhà thằng Phúc, anh Trung thì vẫn nằm đấy. Mặt anh lúc này tím tái lại, mắt cũng đã chuyển sang màu trắng đục. Nhưng không hiểu sao anh vẫn chưa thể nhắm mắt, xuôi tay. Lúc này bên ngoài sân, không biết ông Hai Hiền đã đứng đấy từ bao giờ. Người đàn ông ấy khi xưa làm cán bộ của xã. Nghe đâu cũng là người có uy trong vùng. Nhưng sau một cuộc nhậu bí tỉ với các quan chức khác, trên đường về nhà do không làm chủ được tốc độ, nên đâm trực diện vào cột đèn dẫn đến chấn thương sọ não. Gia đình phải tán gia, bại sản để chạy chữa nhưng chỉ có thể giữ lại được cái mạng. Thần kinh thì không bình thường, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Lạ một điều rằng, ông Hai Hiền mặc dù không được tỉnh táo nhưng ông không phá phách gì ai. Suốt ngày quanh quẩn bên căn nhà lá xập xệ với vợ con. Nhưng sao hôm nay lão ta lại có mặt ở đây và còn nói một câu khiến cho mọi người có mặt đều nổi cả da gà. - Trung ơi! Dao thớt đang chờ mày ở dưới đó. Dao thớt đang chờ mày. Những lời nói kia cứ như từng nhát dao khứa vào da thịt của mẹ anh Trung. Bà lại ngồi bệch xuống nền nhà khóc ngất. Thằng Phúc thì điên tiết lên định nhào vô ăn thua đủ với lão Hai Hiền. Cũng may được mọi người ngăn cản, có người nói: - Ông Hai ổng bị điên, hơi sức đâu mà chấp. Như hiểu ra được gì đó, ông nội kêu gia chủ mang cây dao và một tấm thớt lúc ngày thường anh Trung hay dùng để giết mổ, đặt ngay đầu giường nơi anh đang nằm. Kỳ lạ thay, chỉ sau mười lăm phút, người thanh niên xấu số bắt đầu co giật liên hồi, tay chân co quắp lại, miệng vừa kêu "éc.. éc" vừa sặc ra máu tươi rồi tắt thở. Ai nấy cũng đều khiếp sợ, có người còn bỏ chạy về nhà không dám ngoảnh lại. Những hành động trước khi chết của anh Trung vừa rồi chẳng khác gì con heo lúc bị thọc huyết. Họa chăng, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng cũng có thể là nhân quả mà mọi người thường được nghe trong các bài kinh của nhà Phật. Ông nội lúc này chỉ lắc đầu, thở dài, chắp tay sau lưng bước ra ngoài. Vừa đi ông vừa lẩm bẩm vài câu thơ: Làm giàu trên mạng chúng sanh Gánh chịu nhân quả ghét ganh bạo tàn Tặng nhau sự sống bình an Diệt trừ ích kỷ vô vàn tham lam Nhà hàng, giết mổ đừng ham Kinh doanh thân mạng để làm nổi danh Người ơi hãy sống hiền lành Giúp nhau sinh kế để thành công chung. Hớp một ngụm trà, châm điếu thuốc, ông nội dặn thằng Phúc ra chợ mua bốn quả trứng gà về đặt dưới bốn góc quan tài. Rồi cho gia chủ đặt ngay ở cửa ra vào, hai tên người giấy mang hình thù của tướng soái. Để giải tỏa được sự tò bên trong của mọi người ông giải thích: - Thằng Trung nó chết trẻ, lại mất ngay dịp Quỷ Tiết, linh hồn vất vưởng ở dương gian dễ trở thành oán linh. Những ngày này Quỷ Môn Quan mở cửa, oan hồn, ngạ quỷ, dạ xoa, có mặt khắp mọi nơi. Trong nhà có tang sẽ làm âm thịnh dương suy, cộng thêm cái lò mổ heo sau nhà, đã tích tụ quá nhiều oán khí làm kích động bọn chúng đêm nay sẽ kéo đến mà quấy nhiễu. Ông nội kéo hơi thuốc rồi nói tiếp: - Tôi kêu mọi người lấy trứng gà đặt dưới góc quan tài, giúp thanh trừ xú uế sẽ không để oán linh nhập vào tử thi. Còn hai tên người giấy đóng vai trò như quan giữ cửa, những vị khách không mời kia sẽ không dám làm càng.