Tổ tôm hay còn gọi là tụ tam bài là một trò chơi bài lá dân gian phổ biến của người Việt. Về tên gọi, có nguồn cho rằng "tổ tôm" là đọc trại âm "Tụ tam". "Tụ tam" theo từ nguyên là "góp ba thứ lại", tức ba hàng Văn, Vạn và Sách của bộ bài. Tổ tôm là loại bài lá dân gian, được nam giới, người già, giới có học chơi trong những ngày hội lễ, Tết. Luật lệ phức tạp, cách chơi biến hóa, đòi hỏi người chơi suy nghĩ, vận dụng trí tuệ nhiều nên không phải loại bài bình dân và đại chúng, thanh niên và phụ nữ thời xưa ít chơi. Loại bài dân gian miền Bắc nhưng lá bài in theo dáng dấp mỹ thuật mộc bản Nhật Bản. Lai lịch tổ tôm đến nay vẫn chưa rõ nhưng đến thế kỷ 19 tại Việt Nam thì lối chơi bài này rất phổ biến, nhất là trong giới thượng lưu vốn coi đây là một trò chơi thanh lịch dùng nhiều trí lực. Văn chương Việt Nam nhắc đến tổ tôm trong một số tác phẩm văn thơ, trong đó có bài thơ Đánh Tổ Tôm của nhà thơ Tú Xương. Đánh Tổ Tôm Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ, Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm, Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm, Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh. Cũng có lúc không chi thì bát sách, Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng; Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng, Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng. Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng, Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên. Gớm ghê thay đen thực là đen! Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ. May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ, Bĩ cực rồi đến độ thái lai; Tiếng tam khôi chi để nhường ai, Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi. Nào những kẻ tay trên ban nãy, Đến bây giờ thay thẩy dưới tay ta; Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa, Bát vạn ấy người ta ai dám đọ. Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ. Thì anh hùng vị ngộ có lo chi; Trước sau, sau trước làm gì?