Dàn ý Đề bài: Vẻ đẹp thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi hoanganh79, 9 Tháng bảy 2021.

  1. hoanganh79

    Bài viết:
    67
    Đề bài: Vẻ đẹp thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.

    A) Mở bài:



    Truyện Kiều là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Cảnh ngày xuâ n là đoạn trích hay nằm ở phần đầu tác phẩm. Đọc đoạn trích, ta rung động đắm say trước bức tranh thiên nhiên sáng xuân, chiều xuân vô cùng đẹp đẽ, nên thơ.

    B) Thân bài:

    Viết bốn đoạn (ý khái quát, luận điểm 1, luận điểm 2, đoạn khái quát. Đánh giá).

    Ý khái quát: Cảnh thiên nhiên được miêu tả theo hành trình du xuân của chị em Thuý Kiều. Trong một đoạn trích những bức tranh mùa xuân hiện lên ở hai thời điểm khác nhau trong những nỗi niềm tâm trạng khác nhau. Phải chăng mỗi bức tranh thiên nhiên là một bức tranh tâm trạng cùng với cả nỗi lòng của thi nhân dõi theo bước chân của hai chị em Thuý Kiều.

    Ý chính: Bức tranh thiên nhiên sáng xuân chiều xuân:

    * Luận điểm 1: Mở đầu đoạn trích là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp hiện lên qua tâm hồn trẻ trung của chị em Thuý Kiều đi du xuân. Đó là một bức tranh xuân rộn ràng, trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống.

    - Thời gian: Cảnh mùa xuân ở đây là vào một buổi sáng, đầu tháng ba. Đó là thời điểm đẹp nhất, viên mãn nhất của mùa xuân.

    - Vẻ đẹp của bức tranh mùa xuân:

    + Trước hết, bức tranh mùa xuân được miêu tả bằng ngòi bút chấm phá, kết hợp bút pháp ước lệ tượng trưng, với những hình ảnh quen thuộc như cánh én, thiếu quang, cỏ non và hoa lê trắng. Cánh én đã bao lần đi vào thơ ca nhạc họa, cất tiếng hát ngợi ca mùa xuân Rồi dập dìu mùa xuân theo én về. Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử cũng đã gợi tả một nét xuân thật ấn tượng qua màu cỏ non xanh. Nguyễn Du thật thần tình, qua bốn câu thơ làm sống cả cái hồn của mùa xuân, để lại cho đời một bức họa mùa xuân kiệt tác.

    + Mùa xuân trước hết được gợi lên qua hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ con én đưa thoi . Giữa bầu trời xuân trong trẻo ấm áp, không gian rực rỡ nắng xuân, những cánh én chao lượn rộn ràng như thoi đưa. Nghệ thuật ẩn dụ giúp người đọc cảm nhận được thời gian trôi qua rất nhanh để lại bao tiếc nuối trong lòng. Cái hay ở đây là nhà thơ đang đi giữa mùa xuân mà đã thấy nuối tiếc, thấy nhớ mùa xuân đến lạ.

    + Từ ngữ Thiều quang tiếp tục mở ra không gian chan hòa rực rỡ nắng xuân. Không u ám lạnh lẽo đến tái tê như mùa đông, không đẹp mơ màng đượm buồn như mùa thu, không chói chang gay gắt như mùa hạ mà ánh nắng mùa xuân trong trẻo, dịu dàng, tươi đẹp chiếu sáng khắp muôn nơi.

    + Bức tranh xuân còn được gợi ra qua từ ngữ, hình ảnh chọn lọc cỏ non xanh tận chân trời . Tính từ xanh kết hợp với từ tận đã mở ra một không gian mênh mông, bát ngát với sắc xanh tơ non của đồng cỏ quê nhà. Đó chính là sắc màu đặc trưng của mùa xuân, là sức sống bất tận của cỏ cây, của chồi non lộc biếc, của mùa xuân đang bước vào độ chín. Mở đầu kiệt tác Truyện Kiều là không gian, thời gian "Rằng năm Gia Tĩnh, Triều Minh" nhưng ta có cảm tưởng như thi nhân đang sống giữa mùa xuân quê mẹ. (Đọc Truyện Kiều ta mãi yêu, mãi nhớ sắc xanh của đồng cỏ mùa xuân ấy).

    + Ấn tượng nhất đối với bức tranh xuân là hình ảnh Cành lê trắng điểm.. Thi nhân sử dụng thì liệu cổ thật thần tình, sáng tạo. Bằng việc thêm vào từ trắng kết hợp đảo ngữ, cùng với cách ngắt nhịp lạ 3/1/4, Tố Như đã thổi hồn vào thị liệu ngàn năm xưa cũ, tạo ấn tượng mạnh mẽ về sắc trắng tinh khôi của hoa lê như những nụ cười rạng rỡ của mùa xuân nổi bật lên giữa không gian ngập tràn sắc xanh non tơ của đồng cỏ quê nhà. Ta như tận mắt nhìn thấy trong từng búp lệ trắng nõn một mạch sống đang cựa mình trỗi dậy theo bước chuyển mình của mùa xuân. Chỉ một nét phác thảo thần tình mà đã gợi cả cái hồn của bức tranh xuân.

    - Khái quát luận điểm: Bốn câu thơ ngắn nhưng có sức gợi tả rất tài tình về bức tranh mùa xuân, hiếm có một bức tranh xuân nào lại hài hòa, ấn tượng đến thế. Một mùa xuân trong sáng, diễm lệ, tinh khôi, một mùa xuân rực rỡ, rộn ràng, tràn đầy sức sống hiện lên qua tâm hồn trẻ trung của chị em Thuý Kiều và tấm lòng yêu đắm say mùa xuân của Nguyễn Du.

    * Luận điểm 2: Khép lại đoạn trích là bức tranh chiều xuân êm đềm, tĩnh lặng trong khung cảnh ngày tàn, hội tan, chị em Thuý Kiều du xuân trở về.

    - Thời gian: Bức tranh mùa xuân tiếp tục được miêu tả theo hành trình du xuân của chị em Thuý Kiều. Đó là vào những khoảnh khắc chiều tà, khi hội xuân đã tàn, một ngày được khép lại với ánh hoàng hôn buông xuống. Một bức tranh xuân nhuốm màu tâm trạng.

    - Bức tranh chiều xuân hiện lên qua bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Chỉ gợi tả qua vài ba chi tiết tác giả làm hiện lên bức tranh chiều xuân êm đềm, tĩnh lặng, nên thơ.

    + Từ láy tà tà mở ra trước mắt người đọc hình ảnh chị em Thúy Kiều đi hội xuân trở về trong không gian chiều tĩnh lặng, êm đềm, nắng chiều nhạt đổ xuống đồi cây, con suối.

    + Những từ ngữ miêu tả đầy tinh tế ngọn tiểu khê, bề thanh thanh, nhịp cầu nho nhỏ, dòng nước uốn quanh đã làm nên những nét vẽ xinh xắn, mềm mại cho cảnh sắc mùa xuân. Dòng suối nhỏ, cây cầu xinh, dòng sông như có lụa mềm, phong cảnh thanh thanh. Cảnh vật chuyển động chầm chậm, rất khẽ khàng theo bước chân của người trở về càng tôn thêm vẻ dịu dàng, thơ mộng của bức tranh chiều xuân. Nếu như mở đầu ngày hội, thiên nhiên rộn ràng, náo nức, không gian mở rộng đến vô biên thì ở đây, cảnh chiều dường như hẹp lại nhỏ dân trong mắt người du xuân. Cảnh của chiều xuân là cảnh của lòng người của tâm trạng bâng khuâng, bồi hồi khi một ngày du xuân đã khép lại.

    + Từ láy nao nao thật đặc sắc, vốn là từ gợi tả tâm trạng nhưng ở đây nhà thơ tinh tế trong việc miêu tả sắc thái của cảnh, thổi hồn vào cảnh làm cảnh chiều nao nao buồn, dòng nước bâng khuâng, mềm mại chảy quanh.

    - Khái quát luận điểm: Như vậy, sáu câu thơ cuối là bức tranh thiên nhiên cảnh chiều xuân bình dị, đẹp êm đềm, dịu dàng, thơ mộng. Khác với bốn câu thơ đầu đây là bức tranh xuân nhuốm màu tâm trạng. Cảnh được nhìn qua con mắt của tâm trạng buồn, bâng khuâng, tiếc nhớ của chị em Thuý Kiều.

    Khái quát, đánh giá:

    * Khái quát: Một đoạn trích, hai bức tranh xuân vào hai thời điểm khác nhau theo hành trình của người du xuân. Bức tranh nào cũng đẹp, cũng thơ mộng có hồn. Mỗi bức tranh thiên nhiên là một bức tranh tâm trạng cùng với cả nỗi lòng của thi nhân dõi theo bước chân của người trong cuộc. Bức tranh buổi sáng mùa xuân trong trẻo, tinh khôi, diễm lệ. Bức tranh cảnh chiều xuân êm đềm, thơ mộng, phảng phất nỗi buồn của lòng người. Những bức tranh mùa xuân chan chứa tình người. Thiên nhiên trong Truyện Kiều giống như một nhân vật đồng hành cùng bước chân của Thuý Kiều trong mọi nẻo buồn vui.

    * Tài năng nghệ thuật: Qua bức tranh xuân ta thấy tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du đạt đến độ kỳ tài. Ngòi bút tả cảnh tuyệt bút. Ngôn ngữ tả cảnh giàu tính tạo hình. Tiếng Việt qua ngòi bút của thi nhân trở nên trong sáng, đẹp đẽ lạ thường.

    * Tấm lòng: Không những thế, bức tranh mùa xuân còn cho ta thấy tình yêu thiên nhiên, tình yêu mùa xuân đắm say của thi nhân.

    C) Kết bài: Nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên cùng với những bức họa mùa xuân chan chứa tình người đã góp phần làm nên kiệt tác Truyện Kiều . Vượt không gian và thời gian, Truyện Kiều mãi mãi là kiệt tác của nhân loại. Gấp trang sách lại rồi, nhưng những câu thơ lục bát ngọt ngào, những bức tranh xuân thơ mộng, chan chứa tình người vẫn còn lưu dấu mãi trong lòng người đọc với bao xúc động, bồi hồi..
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...