Truyện Ngắn Đàn Gà Mái - Triều Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TrieuNguyen, 31 Tháng bảy 2020.

  1. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    [​IMG]

    Tác phẩm: Đàn Gà Mái

    Tác giả: Triều Nguyễn

    Nội dung:​

    Suốt mười năm ròng rã, lão một mình tần tảo lo cho thằng con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Kể từ ngày vợ lão đột ngột qua đời vì bạo bệnh, sức khỏe lão giảm sút trông thấy. Trước đây lão khỏe lắm, một mình làm cả mẫu ruộng mà vẫn còn sức để đi cày thuê, cuốc mướn cho hàng xóm. Vậy mà bây giờ đến ruộng của mình lão cũng không kham nỗi, phải nhờ hết người này đến người khác chăm hộ, có lẽ lão đã già rồi, cũng gần đất xa trời.

    Lão đem mớ thóc ra cho lũ gà ngoài vườn ăn, sức lão giờ chỉ đủ để nuôi mấy con gà lấy trứng, rồi trồng vài vạc rau trong vườn. Suốt ngày lão cứ luẩn quẩn, hết rào chuồng gà rồi lại quay sang xới mấy luống đất, cố gắng kiếm chút tiền lo cho thằng con học đại học trên thành phố. Mấy hôm nay nó cứ gọi về giục lão gửi tiền lên để nó đóng học phí. Mà lão già rồi, mắt mũi thì kèm nhèm, làm gì mà dùng được điện thoại, thành ra mỗi lần nó gọi về là lão lại lọ mọ chạy sang nhà hàng xóm để nghe nhờ. Nghĩ cũng thương, cái thân già lọng cọng, vậy mà mỗi lần nghe con bé Na sang bảo "anh Tí gọi về" thì lão lại hồ hởi chạy ngay qua bên đấy, quên bẵng đi cái lưng đau vì tuổi đã lớn.

    Nhìn bầy gà mập mạp chạy trong chuồng, lão lại nhớ tới mụ vợ của lão, cái con mụ mà lão hay nói là chẳng khác gì đàn ông. Vợ của lão không xinh đẹp là mấy, được cái giỏi giang thì không ai bằng. Từ việc trong nhà cho tới ngoài đồng, vợ lão không có gì là không làm được, mà có khi còn hơn hẳn lão, hơn cả đám đàn ông trong làng. Có dạo hai vợ chồng lão đi cày đất thuê cho người ta, giữa trưa nắng, lão cứ mồ hôi nhễ nhại, năm ba phút lại phải ngừng lại thở hổn hển trong khi vợ lão thì vẫn hì hục cuốc đất, chẳng có chút gì gọi là mệt nhọc. Lão nhớ cái thời còn trẻ, lúc mà lão còn chưa cưới mụ ấy, mụ cũng thướt tha, yêu kiều lắm, chẳng hiểu sao lấy nhau về mụ càng ngày càng lực lưỡng như đàn ông. Cũng phải thôi, nhà lão thì nghèo, cha mẹ lão lại mất sớm, chẳng để lại cho lão được thứ gì ngoài mấy tấc đất vườn với vài mảnh ruộng, không làm thì lấy cái gì mà ăn, lấy cái gì mà nuôi con nuôi cái. Hai vợ chồng lão cứ sớm hôm cắm mặt ngoài ruộng, tối về lại chăm mấy con gà, con vịt, chẳng bảo sao vợ lão càng ngày càng lực lưỡng.

    Mấy năm vợ lão lâm bệnh, trong nhà có được bao nhiêu tiền cũng lo thuốc thang hết cả, lão đòi bán hết ruộng, bán cả bầy gà đi mà chạy chữa cho mụ, vậy mà mụ cứ một mực khư khư giữ của, chả chịu bán. Lão mới nhìn mụ đang đau đớn mà nói:

    - Mình còn sống thì lo gì mà không làm ra tiền, còn rừng xanh thì còn có củi đốt, bà cứ không cho tôi bán, rồi chết đi chẳng phải người đi thay của?

    Mụ ấy cứ nhìn lão mà lắc đầu, lão còn lạ gì tính khí của mụ, lúc nào cũng nghĩ cho chồng cho con, có bao giờ nghĩ cho mình đâu. Mụ cứ ho khù khụ, nhìn lão mà than thở:

    - Nhà đã không còn tiền, ông mà bán hết ruộng vườn rồi thằng Tí nó lấy gì mà ăn, lấy gì mà sách vở, già từng tuổi này rồi, sống được bao năm mà để cho con cái phải cực khổ.

    Lão nhìn mụ mà lắc đầu ngán ngẫm, cái tướng giống đàn ông đã đành, đằng này cái tính cũng ngang bướng như đàn ông thì lão cũng chịu, nói bao nhiêu lần mụ cũng lắc đầu nguây nguẩy. Lão đành bất lực mà nhìn mụ nằm đó cho bệnh tật dày vò, đau lòng mà chẳng biết phải làm sao, tại cha mẹ lão nghèo, rồi sinh ra lão cũng nghèo, lão biết cứu mụ bằng cách nào đây?

    Rồi cái ngày vợ lão không chịu được bệnh tật hành hạ mà ra đi cũng tới, mụ ấy cứ ho khù khụ, chẳng ăn uống được gì, thuốc thang thì cũng do lão tự mày mò mà bứt lá cây ở khắp làng, khắp xóm về nấu. Lão ngồi bên cạnh mụ trên cái giường tre đã mục, nhìn mụ đau đớn mà nước mắt cứ rơi lã chã, lão không biết phải làm gì cho mụ bớt đau. Mụ ấy dùng chút sức lực còn lại mà thều thào vào tai lão:

    - Tôi chắc là không qua khỏi, ông có đau buồn gì thì cũng phải ráng mà lo cho thằng Tí, nhà có mỗi mụn con, tôi nhắm mắt rồi thì còn mình ông, cố làm sao cho nó ăn học tới nơi tới chốn.

    Lão thấy giận mụ ghê gớm, chẳng lẽ mấy cái việc như vậy lão không biết hay sao mà mụ còn phải căn dặn, lão là chồng mụ chứ có phải con của mụ đâu. Ngay cả lúc sắp chết mà mụ cũng chỉ nghĩ cho người khác, lão nghẹn ngào nắm chặt lấy tay mụ, bàn tay chai sần, thô ráp hết lên sau bao nhiêu năm vất vả, vậy mà cuối cùng lúc nhắm mắt thì vẫn là hai bàn tay trắng.

    Chắc cũng đã tới lúc mụ phải đi rồi, mụ gượng dậy mà lau mấy giọt nước mắt lăn trên gương mặt nhăn nheo của lão, trăn trối mấy lời:

    - Ngày xưa tôi thương ông, rồi ở với nhau cũng được mấy chục năm, coi như cũng trọn nghĩa vợ chồng. Mai mốt ông có kiếm được bà nào thì dắt về mà sớm hôm hủ hỉ, miễn sao họ thương ông, thương thằng Tí, tôi cũng an lòng nơi chín suối.

    Dứt lời thì mụ cũng nhắm mắt, lão ôm chầm lấy mụ mà gào thét, gào đến độ chẳng phát ra thành tiếng. Lão thật chẳng thể ưa nổi mụ, đã từng tuổi này rồi thì còn ai mà thèm để ý đến lão, vậy mà mụ còn trăn trối như vậy, lão cứ thế ôm chặt lấy mụ mà giàn dụa nước mắt.

    Lão cũng không nhớ được bầy gà này đã đẻ bao nhiêu lứa kể từ lúc vợ lão qua đời, chỉ biết là lão đã cố gắng làm như lời vợ lão dặn, cố gắng nuôi thằng Tí ăn học. Còn cái chuyện đi thêm bước nữa thì lão chịu, lão chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới, giờ mà dắt ai về chắc cũng chỉ để chờ chôn lão mà thôi.

    Lão chụp lấy con gà mái đang mổ thóc trước mặt, bế trên tay mà vuốt ve, mặt đăm chiêu rồi lẩm bẩm:

    - Chà! Cũng khá quá chứ, chắc gần hai cân hả con? Kì này chắc có tiền cho thằng Tí đóng học phí rồi.

    Lão vừa nhếch mép cười, vừa đưa tay lên vuốt vuốt hàm râu đã trắng như cước. Thằng con lão đi lên học trên thành phố cũng gần ba năm rồi, Tết nào nó cũng về thăm lão. Nhìn nó khỏe mạnh, càng lớn lại càng giống mụ ấy, lão thấy mãn nguyện trong lòng lắm. Năm nay không biết khi nào nó mới về, lão cứ đợi điện thoại của nó mãi. Mà cái thằng cũng hiếu thảo, biết cha già ở nhà ngóng nó, tuần nào cũng gọi về vài lần. Lão sợ nó lại tốn kém, dặn nó bao giờ có việc hãy gọi, mà nó nói nó đi làm thêm cũng kiếm được vài đồng, nghe vậy lão cũng yên lòng.

    Lão đứng cặm cụi lau cái bàn thợ của mụ, ngày nào lão cũng làm như vậy, cứ lau chùi cả tiếng đồng hồ, rồi lại mân mê tấm hình của mụ ấy trên tay mà thỏ thẻ:

    - Bà nó ở dưới thấy cha con tôi khỏe mạnh chắc cũng an lòng hả? Thằng Tí nó càng lớn càng giống bà, cái thằng hiếu thảo lắm bà à, chắc bà cũng nhớ nó lắm!

    Lão cứ đứng thẫn thờ như vậy một hồi lâu, rồi lại đưa tay lên quẹt quẹt đôi mắt, miệng cứ than thở sao trong nhà lắm bụi. Lão đi ra trước cửa, ngồi xuống cái đòn tre, lụi cụi thái mớ rau cho mấy con gà. Hình ảnh một lão già nhỏ thó, da dẻ nhăn nheo, lấm tấm mấy vết đồi mồi, râu tóc thì xuề xòa, bạc trắng ngồi trước cửa, lâu lâu lại đưa mắt nhìn xa xăm đã trở nên quen thuộc với mấy người trong làng. Chẳng ai biết lão đang nhìn cái gì, hay trông chờ điều gì, chỉ biết đó là một cảnh tượng vô cùng buồn bã, cô quạnh.

    Chỉ mấy ngày nữa là Tết, lão cứ loay hoay trong nhà, quét dọn hết chỗ này tới chỗ khác. Lão mừng lắm, thằng con của lão sắp về rồi, nó nói với lão là trong tuần này, mà giờ cũng sắp hết tuần rồi. Mấy hôm nay lão cứ đi ra vườn, nhìn mấy con gà béo tròn, lão cười thầm trong bụng: "Phen này thằng Tí lại được no bụng rồi!" Dạo gần Tết mấy người trong làng cứ hỏi mua gà của lão về mần thịt, lão không bán, lão chỉ bán trứng không bán gà. Lão nghĩ thằng con đi học cả năm trên thành phố, ăn uống thiếu thốn, cực khổ, lão phải để dành cho nó vài con để tẩm bổ.

    - Cha ơi! Con về rồi!

    Nghe tiếng của thằng con trai gọi vào từ đầu ngõ, lão quăng cây chổi trên tay xuống đất, đi thật nhanh ra cửa. Lão muốn chạy ra tận ngoài ngõ đón nó cơ, nhưng sức lão giờ không làm như vậy được nữa. Lão đứng tựa người vào cửa, nhìn thấy thằng con đang khăn gói đi vào, nước mắt cứ lã chã rơi xuống. Lão ngoái đầu nhìn vào tấm hình mụ vợ trên bàn thờ, đưa tay lên quẹt mấy giọt nước mắt, miệng thì thầm: "Bà nó à! Con mình nó về rồi đấy, bà vui chưa?"

    Hết!​
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng tám 2020
  2. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,077
    Câu chuyện mang hàm ý sâu sắc quá. Mình đọc mà ngấm vô cùng.
     
    Tiên Nhi, Vyl HanaHạ Miêu thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...