Chia sẻ Đại học - Đậu nguyện vọng không mong muốn thì có nên tiếp tục?

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Kỳ Công Tử, 22 Tháng chín 2021.

  1. Kỳ Công Tử

    Bài viết:
    0
    Các bạn sĩ tử chắc hẳn đã phải trải qua một quãng thời gian khó khăn nhất từ trước đến giờ. Có những người thậm chí trượt tất cả các nguyện vọng, còn có người chỉ đậu vào những nguyện vọng dự bị mà vốn dĩ bản thân chỉ đăng ký cho có mà thôi. Vậy nếu bạn là người rơi vào hoàn cảnh thứ hai sẽ lựa chọn thế nào? Sẽ theo học nguyện vọng dự bị hay ôn thi để năm sau thi lại? Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, từng là một người chọn đại, học đại và giờ đã ra trường ba năm tôi muốn kể lại cho các bạn câu chuyện của mình. Hy vọng từ đó các bạn sẽ tìm ra lối thoát cho bế tắc của bản thân.

    Tôi sinh năm 1996, năm cuối cùng của hình thức thi đại học và tốt nghiệp THPT còn tách biệt. Thời đi học gia đình tôi có hoàn cảnh khá khó khăn, mỗi bộ hồ sơ nếu tôi nhớ không nhầm là 110.000 đồng. Vậy nên thay vì đăng ký nhiều trường và nhiều khối như các bạn đồng trang lứa, tôi chỉ đăng ký hai nguyện vọng. Cả hai đều là khối D, điều đó có nghĩa là đến ngày thi bạn chỉ được lựa chọn thi một trong hai trường và kết quả hoặc là đậu hoặc là rớt chứ không phải dùng kết quả để ứng tuyển như bây giờ. Nếu có tiền chắc lúc đó tôi sẽ đăng kí thêm một bộ cao đẳng cho khối A1 (tôi học khối C, D nên hơi kém Lý, Hóa), đằng nào môn Lý cũng trắc nghiệm, nếu khoanh lụi tôi nghĩ chắc mình cũng qua điểm liệt, hihi.

    Quê tôi ở Nghệ An nên ngôi trường tôi nhắm đến trong dự định ban đầu là Đại học Công đoàn ở Hà Nội. Thứ nhất vì tôi không thích học trong tỉnh và muốn đi ra ngoài trải nghiệm nên không muốn chọn Vinh. Thứ hai là vì Hà Nội cũng gần Nghệ An nên sẽ có nhiều bạn bè cùng ra đó học và có thể thăm nhà thường xuyên. Ngành tôi chọn là Quản trị nhân lực, tại hồi xưa xem phim thấy mấy anh chị làm sếp thấy mê mê nên chọn thôi chứ không rõ về ngành lắm đâu. À có ai mê tín mà trước khi chọn ngành đi coi bói như tui không? Kể cho các bạn nghe, tôi từng theo bạn tôi đi xem một bà bói ở huyện kế bên. Tôi đã hỏi bà ấy nếu thi ở Hà Nội có đậu không. Bà ấy nói với tôi là nếu thi ở Hà Nội tôi sẽ không đậu, khuyên tôi nên nộp nguyện vọng ở Vinh thì sẽ đậu. Trời ơi nghe phán cái xong về hết muốn ăn cơm luôn. Ấy thế mà trong con người tui nó có cái máu lì cộng máu liều. Lúc chọn nguyện vọng tôi vẫn chọn một ở Hà Nội, và dự trù là ở TPHCM. Tôi thích ngành Quốc tế học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhưng ngành đó điểm khá cao. Tôi tìm hiểu có thấy chương trình đào tạo của ngành Đông Phương học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM khá tương đồng nên quyết định nộp hồ sơ nhưng không nghĩ nhiều. Tại vì ức lời bà bói quá nên thay vì chọn Vinh tôi chọn một nơi xa ơi là xa. Hơi trẻ trâu đúng không ạ!

    Vậy là quyết định được học khối D rồi thì lo chạy đi ôn thi thôi, trong đầu vẫn luôn mơ về ngày được ra Hà Nội nhập học cùng đám bạn thân. Ấy thế mà cách ngày thi đúng 1 ngày, người nhà bên nội ở trong miền Nam gọi về hỏi thăm và khuyên can tôi đừng ra Hà Nội vì ngoài đó không có người thân, họ hàng nếu lỡ xảy ra chuyện sẽ rất khó thu xếp giúp tôi. Cô tôi là người cha tôi rất kính trọng nên mọi lời cô nói đều là chân lý. Nhà cô tôi ở Kon Tum, gia đình cô có chị con gái cả đang làm giáo viên trong trường cấp 2 vì vậy cô muốn tôi học sư phạm để sau này dễ lót đường cho tôi. Vậy nhưng sau khi hỏi thăm về các nguyện vọng tôi đã chọn thì cô cũng đã rõ là tôi không chọn ngành nào liên quan đến sư phạm cả. Vậy là cô kiến nghị hoặc là chọn học ngành ở Sài Gòn (lúc đó chị họ tôi, tức con gái út của cô tôi, cũng đang học ở Sài Gòn nên có gì tiện quan tâm) hoặc là vào KonTum ôn thi lại vào sư phạm. Nếu là các bạn các bạn sẽ chọn như thế nào? Còn với tôi, bản thân không mong muốn quá phụ thuộc vào người khác và cũng sợ không thoải mái, phải dè dặt các kiểu khi sống chung với họ hàng, hơn nữa tôi cũng mong muốn được học tập với những người bạn cùng tuổi. Thế là mọi thứ thúc đẩy tôi lựa chọn nguyện vọng dụ bị mà chính tôi cũng không thể tin được. Thực ra cô tôi cũng nhờ tôi dò hỏi thử và được biết Khoa Đông Phương học cũng là một ngành đang khá hot trong trường nên mới đồng ý cho tôi thử sức. Rất may năm đó bộ giáo dục đã linh hoạt hơn, cho thí sinh thi theo các cụm gần nhà rồi gửi bài vào cho trường chấm. Năm đó chỉ có vài đứa chọn Sài Gòn, cũng khá hẩm hiu. Tôi cùng hai đứa bạn nữa đi thuê trọ ở Vinh (năm đó cụm thi gần nhất được tổ chức ở Vinh).

    Có hôm thi hai môn sáng chiều nhưng buổi trưa không quên chạy qua nhà cô chủ xin xem ké bộ phim Hoàng Hậu Ki. Thực sự lúc làm bài xong nghĩ chắc bà bói phán đúng rồi, 3 môn không biết được 10 điểm không chứ mong gì đậu Đại học. Biết vì sao tui tiêu cực vậy không? Lúc đầu tui vạch chiến lược rất kĩ rồi, môn ăn chắc nhất là Văn (tui thi Tỉnh văn được giải ba đó) nên phải cố gắng đạt 8 trở lên, toán sau một thời gian luyện từ lúc cầm đề chỉ làm được 2 điểm thì đền sát ngày thi làm lại cũng được 8 rồi, chỉ còn lại Anh nhắm mắt đánh bậy dù 3 điểm thì vẫn còn 1, 5 điểm vùng. Nhắm vậy nên tui chỉ chọn nguyện vọng những ngành có điểm năm trước tầm 20 thôi. Nhưng mà đời đâu như là mơ. Văn ra bài Đàn ghi ta của Lorca (theo cảm nhận của riêng tôi bài này khó, nếu thi tỉnh không ra thì thi Đại học sẽ càng không nên tôi bỏ bài đó) thơ tôi chả thuộc gì luôn thì lấy gì phân tích, cuối cùng phải bám víu vào phần Nghị luận xã hội để vớt vát. Toán thì máy tính hết pin hay sao đó, quên mất mấy công thức lượng giác và không dám mượn máy tính, sợ bị đánh dấu bài vì nghi trao đổi, thế là mất một câu tích phân và một câu hình học (cách làm đúng nhưng nhớ nhầm cot thành tan nên kết quả sai). Tiếng Anh thì ôi thôi toàn từ mới, nó quen tui chứ tui không quen nó, thế là ngủ mất 15 phút, dậy thấy người ta khoanh túi bụi mình cũng khoanh, không cần đọc đề mà khoanh như đúng rồi. Thật may là năm đó tôi được 17, 5 điểm và có thêm 1, 5 điểm vùng vừa tròn điểm chuẩn của ngành.

    Tháng 9 tôi chính thức nhập học, lúc đó tôi lại phải bước sang một sự lựa chọn khác. Thời điểm nhập học tôi mới được rõ Khoa Đông Phương học vốn dĩ có 6 chuyên ngành Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, In Đô, Úc và Ả Rập và tôi phải chọn chuyên ngành ngay từ đầu. Từ nhở xem phim Trung Quốc nên chắc chắn đây là lựa chọn đầu tiên hiện ra trong đầu, nhưng rất tiếc với số điểm không cao và tôi nhập học trễ nên ngành đã full. Cuối cùng tôi đã lựa chọn Ấn Độ vì ngành này học tiếng Anh, ít ra tôi đã có chút nên tảng, còn các tiếng khác mọi người đều phải học lại từ đầu, tôi đã tính đến chuyện làm thêm nên nếu học ngành mới tôi sợ theo không kịp. Nhưng thực sự lựa chọn đó là quyết định vô cùng đúng đắn sau nhiều năm suy nghĩ lại. Ở đây tôi có được những người bạn tuyệt vời, yêu thương tôi hết mực và những người giảng viên tâm huyết, gần gũi, tận tình hướng dẫn sinh viên.

    Mục tiêu lúc đấy của tôi chỉ là mong muốn lấy được tấm bằng đại học, không quan trọng ngành gì vì chí ít nó cũng sẽ có lợi cho mai sau (lúc đó nghĩ vậy thôi nhưng đúng thật nha các bạn, còn đúng thế nào lát tui sẽ kể tiếp). Hiện tại đánh giá về lựa chọn của bản thân thời điểm đó, tôi thấy mình đã chọn đúng trường. Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn nằm trong hệ thống Đại học Quốc gia nên tôi được đăng kí ở Kí túc xá. Gia đình tôi khá nghèo nên ở Kí túc xá đã tiết kiệm rất nhiều chi phí. Các bạn thấy ở 1 tháng mà có 125.000 là quá rẻ đúng không (phòng người năm 2014 nha), tiền điện nước nhiều nhất mỗi người thêm 50.000 đồng. Học kì đầu cô tôi chính là người đã tài trợ cho tôi tiền ăn, ở KTX và học phí. Nhưng sau một lần đi dạo chợ đêm tôi đã xin được việc làm thêm và từ tháng 10 cô tôi không cần chu cấp tiền ăn cho tôi nữa, phí KTX những kì sau tôi cũng đã tự lo được. Tuy nhiên vào học kì 2 năm nhất, cô tôi chưa có tiền nên không gửi học phí cho tôi được, lúc đó áp lực kinh tế xém làm tôi gục ngã và có ý định bảo lưu hoặc bỏ hẳn. Không ngờ mấy đứa bạn lớp tôi biết được, không như trong phim người ta sẽ cười nhạo chăng, các bạn tôi lại gom góp mỗi người một ít (dù họ cũng không khá giả gì) để tôi tạm đóng trước rồi khi nào có trả lại sau. Năm hai đại học đến lúc đóng học phí họ lại vậy quanh hỏi tình hình tôi thế nào rồi, lần này tôi cũng được cả bạn bè và cả giảng viên giúp đỡ tương tự. Nhưng cứ mãi như vậy tôi cũng thấy ngại nên quyết định nhờ cha mẹ đăng kí vay vốn sinh viên. Thời gian trôi qua và tôi cũng đã hoàn thành thời hạn 4 năm đại học. Dù vừa học vừa làm nhưng tôi không phải học lại bất kỳ môn nào và ra trường đúng hạn với tổng điểm 7.71. Với người khác nó không quá xuất sắc nhưng với tôi để có được điểm số đó vốn chẳng hề dễ dàng. Năm 3 cả hai học kỳ tôi đều đạt được điểm trên 8 chấm và điểm rèn luyện cũng trên 80 nên mới dành được học bổng. Ôi trời nói đến học bổng của Khoa Đông Phương thì nó khó gì đâu, không phải chỉ điểm học tập giỏi là được mà điểm rèn luyện (giống hạnh kiểm cấp 3 á) cũng phải trên 80 cơ. Có người đang nghĩ là đạo đức kém hay sao mà sợ đúng không. Không có nha. Hạnh kiểm ở cấp 3 đơn giản là do thầy chủ nhiệm quan sát và đánh giá còn điểm rèn luyện ở Đại học là dựa trên các hoạt động bạn tham gia với đủ các hạng mục như nghiên cứu khoa học, tham gia câu lạc bộ, tham gia các cuộc thi học thuật, các hoạt động thể thao, đi tình nguyện.. Các khoa khác chỉ cần ghi tên hoạt động là được chấm, còn khoa tôi đi đâu cũng phải cầm cái giấy xác nhận về mới được tính. Năm 3 là tôi có cũng bạn tham gia nghiên cứu khoa học, bất chấp 42kg vẫn đi hiến máu để kiếm điểm tình nguyện thì mới trên 80 đó nha. Sứt đầu mẻ trán mới được ó.

    Tháng 6 năm 2018 cuối cùng tôi cũng cầm được tờ tốt nghiệp tạm thời để đi xin việc. Công việc đầu tiên tôi làm sau khi ra trường là Nhân viên Content Marketing cho một công ty du học. Sau đó có đổi qua một vài chỗ nữa. Và sau khi đi làm tôi nhận ra bằng Đại học nó quan trọng thật nhưng ngành bạn học là gì thì không hẳn. Thực chất trong suốt 4 năm những kiến thức tôi học được cũng mông lung và mơ hồ lắm, không có gì cụ thể cả nhưng cái tôi được trau dồi và rèn luyện chính là kỹ năng: Kỹ năng truyền tải thông tin, kỹ năng thích nghi ở môi trường mới, kỹ năng trính bày một văn bản nào đó trên giấy tờ, Powpoint như thế nào cho xúc tích, dễ hiểu, kỹ năng nói trước đám đông.. Các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các ứng viên ở điểm đó. Tôi phát hiện ra dù học bất kì ngành nào trong trường tôi, miễn là bạn phù hợp đều có thể làm content, nếu bạn muốn làm các ngành khác như văn thư lưu trữ, giáo dục trẻ đặc biệt, du lịch hay nhân sự các bạn đều có thể học thêm một khóa ngắn hạn đào tạo chuyên sâu khoảng 3 đến 6 tháng. Bản thân tôi thích tiếng Trung và chẳng ai cấm trong thời gian học ngành của mình không được học thêm tiếng Trung cả, nhưng thực sự tôi đi làm nên khá bận. Còn như bạn cùng lớp của tôi, năm 3 được tôi truyền cảm hứng, cô bạn ấy đi học tiếng Trung ở trung tâm, lên năm 4 đã thi được HSK4, cuối năm 4 thi được HSK 5 và TOEIC khá cao, xin được một suất học bổng du học ngắn hạn 6 tháng ở Đài Loan, công việc không ngừng thăng tiến. Năm ngoái tôi cũng vừa thi HSK4 trên 280 điểm và xin được vào một công ty giày của Đài bên Bình Tân, TPHCM. Ở đây bên cạnh cần tiếng Trung thì mức lương cơ bản của công ty cũng sẽ phân cấp. Nếu chỉ tốt nghiệp cấp 3 trở xuống thì lương cơ bản sẽ thấp, còn có bằng cao đẳng, đại học lương cơ bản sẽ cao hơn và có cơ hội được thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Đến đây thì các bạn đã thấy được tác dụng của bằng đại học rồi đúng không nào?

    Nhìn chung ở đây mình chia sẻ chủ yếu là từ trải nghiệm bản thân và hiểu biết về tình hình công việc trong mảng xã hội. Nếu ai đang học về kinh tế có thể tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ các anh chị đã ra trường để nắm bắt chính xác yêu cầu nghề nghiệp. Chúc các bạn sớm tìm được lối đi cho riêng mình!
     
    ChichooEve nguyễn thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...