Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế hoặc hợp đồng ưng thuận. Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế vì hiệu lực của hợp đồng phát sinh ngay tại thời điểm các bên chuyển giao vật hoặc tiền cho nhau. Một ví dụ cụ thể đó là A vay của B một khoản tiền là 500 triệu. Tại thời điểm B chuyển giao cho A 500 triệu (thời điểm B chuyển giao tiền cho A có thể là ngay lúc đó hoặc có thể là một thời điểm khác ghi trong hợp đồng nhưng chỉ phát sinh hiệu lực khi B giao tiền cho A) thì phát sinh luôn nghĩa vụ đối với A, đó là nghĩa vụ trả nợ cho B khi đến hạn thanh toán. Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận vì hiệu lực của hợp đồng phát sinh ngay khi các bên đã thỏa thuận xong các điều khoản hoặc tại thời điểm thống nhất ý chí với nhau. Một ví dụ cụ thể đó là A hỏi vay B một khoản tiền là 500 triệu, B đồng ý cho A vay và hai bên đi tới một bản hợp đồng vay. Ngay lúc này thì phát sinh hiệu lực của hợp đồng luôn đó là bên B phải có nghĩa vụ cho bên A vay tiền và A phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên B khi đến hạn thanh toán. Vì vậy, hợp đồng vay tài sản có thể là hợp đồng thực tế, cũng có thể là hợp đồng ưng thuận tùy từng trường hợp cụ thể, điều này tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên (bên vay và bên cho vay) cũng như hình thức của hợp đồng vay. Thứ hai, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ hoặc hợp đồng đơn vụ. Về nguyên tắc, hợp đồng cho vay là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Bên vay không có quyền đối với bên cho vay. Tuy nhiên, đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự. Nghĩa là, bên vay và bên cho vay phải có nghĩa vụ với nhau từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực. Chính vì vậy, việc xác định hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ hay đơn vụ còn phụ thuộc vào thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Là hợp đồng đơn vụ trong trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế, khi đó hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay và chỉ bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay. Là hợp đồng song vụ trong trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận, khi đó hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển giao tài sản vay, còn bên vay có nghĩa vụ trả tài sản cho bên cho vay. Thứ ba, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Là hợp đồng vay có đền bù trong trường hợp vay có lãi suất thì khoản lãi chính là lợi ích vật chất mà bên cho vay nhận được từ hợp đồng vay. Hợp đồng vay tín dụng của ngân hàng là một ví dụ điển hình. Là hợp đồng vay không có đền bù trong trường hợp vay không có lãi suất thường xuất hiện trong quan hệ thân thích, tình cảm hay chỉ vay nóng trong thời gian ngắn.. với mục đích giúp đỡ lẫn nhau. Thứ tư, hợp đồng vay tài sản là một loại của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên khi chuyển giao quyền sở hữu thì cũng có sự rủi ro nhất định. Về nguyên tắc, ai là chủ sở hữu tài sản thì phải gánh chịu rủi ro đối với tài sản của mình. Do đó, việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu trong các hợp đồng có chuyển quyền sở hữu nói chung và trong hợp đồng vay tài sản nói riêng rất quan trọng vì nó liên quan đến thời điểm chịu rủi ro có thể xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận về thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản trong hợp đồng vay. Nếu không có thỏa thuận thì khi bên vay tài sản nhận tài sản vay có quyền sở hữu tài sản vay đó, vì vậy bên vay phải chịu rủi ro đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.