VÀI SUY NGẪM VỀ NHỮNG CA KHÚC DA VÀNG CỦA TRỊNH CÔNG SƠN Tôi bị ám ảnh bởi lời giới thiệu lẫn giọng đọc của nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn dẫn vào Ca khúc Da vàng, ám ảnh suốt thời thơ ấu. Khi lớn lên, nghe những ca khúc khác của Trịnh, tôi vẫn cảm thấy Tình khúc Da vàng chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ mà ông để lại, một vị trí không thể thay thế được. Thật trùng hợp, bài phỏng vấn Trịnh Công Sơn trên báo "Thể thao ngày nay" từng cho biết tâm niệm nhạc sĩ luôn thao thức lúc bấy giờ chính là hoàn chỉnh trọn bộ Tình khúc Da vàng, gồm chừng 40 đến 50 ca khúc. Trên YouTube hiện đã lưu hành bốn album Ca khúc da vàng vol 1, 2, 3 và 4 do Khánh Ly trình bày, mỗi album có mười bài. Nguyễn Đình Toàn gọi Ca khúc Da vàng là những bản tình ca không có hạnh phúc. Ông nói: "Đáng nhẽ, tất cả những bài hát có trong cuốn băng này đều phải là những bản tình ca. Nhưng những lời ái ân đã biến mất. Trái tim của kẻ tình nhân vẫn đập, nhưng đập theo một nhịp loạn cuồng của những hồi trống trận, không phải cái nhịp bàng hoàng của những phút tỏ tình. Mỗi nốt nhạc giống như một mảnh nham thạch dù đã nguội lạnh nhưng vẫn chứa trong nó cái nhiệt độ khủng khiếp của một hỏa diệm sơn, dấu tích của tàn phá, thịnh nộ và thiêu đốt. Ruộng đã khô, nhà đã cháy, người đã chết, thành phố đã tan hoang. Những tiếng nổ rền vang trong suốt ba mươi năm đã lấn át mọi tiếng thì thầm khác, kể cả những tiếng kêu khóc. Trong trận gió tanh mưa máu đó, còn có chỗ nào cho người ta yêu nhau? Những bản tình ca, do đó, đã biến giọng, đôi khi thành những tiếng kêu gọi thảm thiết, đôi khi thành những bài kinh cầu nguyện. Và những người hát tình ca trở thành những kẻ đi bêu riếu nỗi thống khổ của những trái tim chưa già nhưng đã cằn cỗi. Đất còn phì nhiêu nhưng đất đã bị bỏ hoang. Tiếng hát trở thành tiếng kêu gọi xây dựng lại nhà cửa, xây dựng lại cuộc đời, góp sức biến cuộc đời này thành một nơi để sống chứ không phải một nơi để chạy trốn. Người ta vẫn có thể coi những bài hát trong cuốn băng này của Trịnh Công Sơn là những bản tình ca, nhưng là những bản tình ca không có hạnh phúc.." Điều khiến những ca khúc Da vàng còn ở lại trong tâm thức người nghe mặc dù chiến tranh đã qua đi, có lẽ chính bởi vì nó không phải chỉ là bài hát của một thời, mà nó là khát vọng hòa bình muôn thở, là tiếng nói cất lên từ lương tri của loài người. Bởi vì con người ngày càng văn minh, nhưng chiến tranh vẫn không ngừng xảy ra. Xung đột giữa người với người, xung đột bên trong mỗi người. Máu, nước mắt, cái chết. Có lẽ không một nhạc sĩ nào lột tả được sự tàn khốc phi lí và vô nghĩa của chiến tranh rõ ràng hơn Trịnh. Cũng không tiếng nói hòa bình nào tha thiết hơn những ca khúc da vàng của Trịnh. 1. Tình khúc Da vàng hay lời gọi hồn dân tộc Trịnh Công Sơn là một người hiền lành, nhân ái. Kêu gọi hòa bình, ông đặt tên những bài hát của mình là "tình khúc", là bài hát của tình yêu. Đây không phải là tình yêu đôi lứa, mà là tình yêu đất nước, yêu quê hương, nhất là, yêu con người. Tình yêu của Trịnh Công Sơn vượt ra khỏi mọi giới hạn bờ cõi, nhưng vẫn sắt son với giống nòi với dân tộc. Hầu hết các bài hát trong Tình khúc Da vàng đều nhắc đến da vàng, màu da chung của người Việt. "Mẹ Việt nằm hai mươi năm xương da mềm đợi giờ sông núi thiêng Một màu vàng trên da thơm nên giữ gìn màu lúa chín quê hương .. Một ngày dài trên quê hương người Việt Nam quên mình sống Một ngục tù nuôi da vàng người Việt nằm nhớ nước non .. Một người ngồi hai mươi năm cuộc buồn vui li rượu đắng Người Việt nào da không vàng mẹ Việt nào nhớ xác con" (Một ngày dài trên quê hương) Người con gái Việt Nam da vàng Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín Người con gái Việt Nam da vàng Yêu quê hương nước mắt lưng tròng (Người con gái Việt Nam da vàng) Đứa con của mẹ da vàng Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương Hai mươi năm đàn con đi lính Đi rồi không về Đứa con da vàng của mẹ Ngủ đi con () Hai mươi năm đàn con khôn lớn ra ngoài chiến trường Đứa con da vàng Lạc Hồng.. (Ngủ đi con) Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng Từng đêm soi sáng là mắt quê hương () Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng Đại bác nghe quen như câu dạo buồn (Đại bác ru đêm) Huế với sông Hương "con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu" êm đềm thơ mộng, những hàng cây và bãi cỏ xanh hiền hòa, với đền đài lăng tẩm trầm mặc, với núi đồi sương mù khói tỏa, và đặc biệt với hơn một ngàn ngôi chùa đã un đúc nên tâm hồn nhân hậu và tình thương mênh mông của Trịnh Công Sơn. Đặt tên "da vàng", ông muốn kêu gọi sự đồng cảm giữa con người với con người. Như Đức Phật tuyên bố: "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn". 2. Cái chết, bản chất của chiến tranh Nếu có thứ gì lột tả được nỗi đau khổ của chiến tranh một cách tận cùng, toàn diện và xác thực nhất, thì đó chính là cái chết. Cái chết là tận cùng của khổ đau, sợ hãi và mất mát. Người ta không sợ chiến tranh đến thế, nếu nó không mang lại chết chóc. Gia tài của mẹ một vùng xương khô, gia tài của mẹ một núi đầy mồ . "Gia tài của mẹ" sau những cuộc chiến tranh chỉ có thế. Hình ảnh rùng rợn nhất của chiến tranh là xác người, vậy mà Trịnh thể hiện một cách tự nhiên đến đau lòng, tự nhiên như chiến tranh là thế không thể khác đi được. Nên ta thấy Trịnh "Hát trên những xác người" : Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người Tôi đã thấy, tôi đã thấy Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con Và rồi lại thấy: Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa Trong giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vuu .. Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này Bên xác người già yếu có xác còn thơ ngây (Bài ca dành cho những xác người) Những câu thơ của Du Tử Lê như hiện lại trong chúng ta: Như con chim bói cá Tôi thường ngừng cánh bay Ngước nhìn lên huyệt lộ Bầy quạ rỉa xác người (Của tươi đời nhượng lại) Bữa ăn nào ngon hơn Làm sao tôi nói được Cho cảnh tình hôm nay Trên xác người chưa rữa Trên thịt người chưa tan Trên cánh tay chó gặm Trên chiếc đầu lợn tha Tôi sống như người mù Tôi sống như người điên (Khúc Thụy Du) Cái chết không chỉ thể hiện qua hình ảnh xác người mà còn thấp thoáng đâu đó: Tôi đã mất trong chiến tranh này bao nhiêu bao nhiêu người tình Người tình của tôi lớn lên trên khắp ba miền Một ngày đạn bom giết em Người tình Việt Nam lớn lên chưa gặp một lần (Tôi đã mất) Một người già trong công viên Một người điên trong thành phố Một người nằm không hơi thở Một người ngồi nghe bom nổ (Ngày dài trên quê hương) Tôi có người yêu chết trận Chuprong Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng Chết lạnh lùng mình cháy như than (Tình ca của người mất trí) Và chiến tranh không gì khác là chết chóc, thù hận, mất mát và chia li: Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người Tôi đã thấy tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người Tôi đã thấy tôi đã thấy bên khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con .. Chiều đi qua bãi dâu hát trên những xác người Tôi đã thấy tôi đã thấy người cha già ôm con lạnh giá (Hát trên những xác người) 3. Hình tượng con người trong chiến tranh Con người trong chiến tranh dưới cảm quan của Trịnh là con người mang tính cộng đồng, mang tầm phổ quát. Nói khác đi, đó là con người của dân tộc, của nhân loại và của thời đại, chứ không phải một cá thể, một cá nhân xác định. Cách ông gọi tên mẹ, gọi tên em, gọi tên chị, gọi tên anh, hay gọi tên người tình, ông đều gắn liền với một danh từ chung. Là người con gái thì là "người con gái Việt Nam da vàng", là mẹ thì là "mẹ Việt", là con thì là "đứa con da vàng Lạc Hồng", là người tình thì là "người tình Việt Nam".. Đau nhất trong cuộc chiến này có lẽ là mẹ. Nên hình ảnh mẹ xuất hiện dày đặc trong hầu hết các ca khúc da vàng. Đó là "Gia tài của mẹ", "Ca dao mẹ", "Hát trên những xác người", "Giọt nước mắt cho quê hương", "Ngủ đi con", "Ngày dài trên quê hương", "Chờ nhìn quê hương sáng chói", "Xin cho tôi", "Ngụ ngôn mùa đồng".. Mỗi nhát dao, mỗi viên đạn mà con người hai bên chiến tuyến ghim vào tim nhau đều là những nhát dao và viên đạn ghim vào trái tim của mẹ. Chiến tranh làm lời ru của mẹ vốn đã buồn tủi lại càng trở nên ăn năn: Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người (Ca dao mẹ) Và từ trong cái chết, lời ru trở thành nỗi đau vời vợi: Đứa con da vàng của mẹ Ngủ đi con Ru con ru đã hai lần Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng Mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay (Ngủ đi con) Con người trong ca khúc da vàng là những con người đau thương, bi thảm, bị đọa đày về cả tinh thần lần thể xác. Người chết thì chết hai lần: Một ngày mùa đông Trên con đường mòn Một chiếc xe tang Trái mìn nổ chậm Người chết hai lần Thịt da nát tan (Ngụ ngôn mùa đông) Người sống thì mất đi những quyền cơ bản nhất, chỉ còn là những mảnh đời bị xé nát, bơ vơ, lạc loài: Một người già trong công viên Một người điên trong thành phố Một người nằm không hơi thở Một người ngồi nghe bom nổ Một người ngồi hai mươi năm Nhìn hỏa châu đêm rực sáng Đàn trẻ nhỏ quen bom đạn Người Việt nằm với vết thương .. Một ngày dài trên quê hương Bầy trẻ thơ nay đã lớn Một người già lo âu nhìn Người già chờ cơn gió lặng (Một ngày dài trên quê hương) Ghế đá công viên dời ra đường phố Người già co ro chiều thiu thiu ngủ Người gài co ro buồn trong mắt đỏ Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi Người già co ro em bé lõa lồ Từng hạt cơm khô trong miếng hững hờ Ruộng đồi quê hương dấu vết bom qua Từng bàn tay thô lấp kín môi cười Từng cuộn dây gai xé nát da người Đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai (Người già em bé) Con người trong ca khúc da vàng là người già, là em bé, là người con gái, là mẹ, là chị, là em, là anh.. dẫu là ai thì cũng đều chung một số phận: Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong (Giọt nước mắt cho quê hương) 4. Quê hương trong chiến tranh Có nhận xét rằng chủ đề chính trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn là quê hương, thân phận và tình yêu. Ngoài hai chữ "da vàng" thì từ "quê hương" vang lên trong ca khúc da vàng với mật độ dày đặc. Điều đó thể hiện qua chính những đầu đề bài hát: "Giọt nước mắt cho quê hương", "Chờ nhìn quê hương sáng chói", "Quê hương đau nặng", "Ngày dài trên quê hương", "Đi tìm quê hương".. Tất cả đều khắc họa một quê hương hoang tàn, đổ nát, chia lìa: Một ngày dài trên quê hương Ngày Việt Nam hoang tàn quá Một ruộng đồng trơ đất đỏ Một đàn bò không luống cỏ (Ngày dài trên quê hương) Một người vào thành phố Không còn ai người quen Người tìm về đồng xanh Nhưng đồng đã bỏ không Rồi người bỗng thấy buồn bỗng thấy buồn Người chợt nghe xót xa đất mình Ôi quê hương đã lầm than Sao còn còn chiến tranh? Mẹ già hết chờ mong đã ngủ yên Mẹ già mãi ngủ yên (Du mục) Khắp nơi là xác người, máu và nước mắt: Giọt nước mắt thương đêm đêm đẩy xe tang Giọt nước mắt thương em trên vận nước điêu linh Giọt nước mắt không tên xin để lại quê hương .. Giọt nước mắt thương anh khô dòng máu châu thân Giọt nước mắt quê hương ôi còn chảy miên man (Giọt nước mắt cho quê hương) Quê hương bây giờ Những ngày điêu tàn còn đó Cùng ghi nhớ Những phố phường kia đã lên mộ bia Dân ta chết trong ngẩn ngơ (Quê hương đau nặng) 5. Khát vọng hòa bình trong những ca khúc da vàng Vì viết những ca khúc da vàng nên Trịnh Công Sơn bị chính quyền cộng hòa miền Nam bắt giữ. Cảnh sát hỏi: Tại sao anh lại làm bài hát ca ngợi hòa bình? Trịnh Công Sơn trả lời: Vậy chẳng lẽ các ông bảo tôi ca ngợi chiến tranh? Cảnh sát nói: Nhưng ca ngợi hòa bình lúc này nghĩa là theo cộng sản, hòa bình bị đặt ra ngoài pháp luật của chúng tôi. Trịnh Công Sơn đáp: Chính vì hòa bình bị đặt ra ngoài pháp luật của các ông nên nó phải đi vào những bài hát của chúng tôi. Câu chuyện này được dẫn theo bài "Trịnh Công Sơn, Chờ nhìn quê hương sáng chói" của tác giả Lê Thanh Phong trên báo Lao động online. Phản ánh thực trạng chiến tranh ở những góc độ trần trụi nhất của tàn khốc, mất mát và hủy diệt, đó chính là biểu hiện của khát vọng hòa bình trong những ca khúc da vàng. Một cách diễn đạt khác, Trịnh Công Sơn viết nên những lời cầu nguyện từ sâu thẳm tâm hồn: Xin cho mây che đủ phận người Xin cho tôi một sáng trời vui Xin cho tôi đến tận nụ cười Cho tôi quên một nấm mộ tươi Xin chô tôi xin vạn lần rồi Một góc này chỉ biết rong chơi Xin cho tôi yên phận này thôi Xin cho tôi yên ngủ một ngày Xin cho đêm không có đạn bay Xin cho chim góp nhạc về trời Xin cho tôi là kiếp của mây Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời Để bao giờ trời đất yên vui Xin cho cho tôi xin lại nụ cười Cho tôi đi xây lại chuyện tình Cho tôi đi nâng dậy hòa bình (Xin cho tôi) Hòa bình của Trịnh Công Sơn giản dị như là "tay mẹ nồng nàn", "chân trẻ rộn ràng" "giấc ngủ thật hiền" (Xin cho tôi), cũng thật đơn sơ như là "nguyên vẹn hình hài" "lời hát cỏ cây" (Xin cho tôi). Có thể nói "Xin cho tôi" là một ước vọng cháy bỏng của một con tim đã trĩu nặng nỗi buồn chiến tranh đang mơ tới hòa bình, của một tâm hồn bị tù đày bởi phiền muộn đang khao khát tự do. Nó có thể được hát khi chiến tranh, nhưng nó cũng có thể được hát khi bạn đang chìm trong những cảm xúc âu lo hỗn độn bên trong chính mình. Hòa bình của Trịnh Công Sơn được chờ đợi trong mỏi mòn: Nơi đây tôi chờ Nơi kia anh chờ Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu Chờ hòa bình đến Chờ tiếng bom im Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn .. (Chờ nhìn quê hương sáng chói) Hòa bình của Trịnh là ngày "Huế Sài Gòn Hà Nội" : Anh em ơi lắng nghe tình nhau Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao Ngày đó, "Tôi sẽ đi thăm" : Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm Tôi sẽ đi thăm nhiều nghĩa địa buồn Đi xem mộ bia đều như nấm Khi đất nước tôi không còn chiến tranh Mẹ già lên núi tìm xương con mình Hòa bình của Trịnh cũng là lời kêu gọi xóa tan hận thù: Dạy cho con tiếng nói thật thà Mẹ mong con chớ quên màu da Con chớ quên màu da nước Việt xưa Mẹ trông con mau bước về nhà Mẹ mong con lũ con lũ con đường xa Ôi lũ con cùng cha quên hận thù (Gia tài của mẹ) Trịnh Công Sơn từng nói, không ai có quyền định đoạt số phận một con người, dù ngắt một cọng cỏ cũng phải phân vân. Thế nên trước sự tàn bạo của chiến tranh, trái tim nhân từ của ông trải qua những cơn đau khốc liệt. Từng lời ca của ông là tiếng khóc thương cho những con người vô tội, khóc cho quê hương, cho dân tộc, giống nòi. Nhưng giữa đau thương ấy, Trịnh vẫn đủ niềm vui sống và hi vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là lí do vì sao ông viết "Nối vòng tay lớn", "Chờ nhìn quê hương sáng chói", "Huế Sài Gòn Hà Nội".. Giữa cảnh rùng rợn những xác người, ông vẫn đủ niềm tin để ca ngợi hòa bình: Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh Chị vỗ tay hoan hô hòa bình Người vỗ tay cho thêm thù hận Người vỗ tay xa dần ăn năn (Hát trên những xác người) Đã khép lại một quá khứ đau thương của dân tộc. Nhưng những ca khúc da vàng, từng được gọi là ca khúc phản chiến, do Trịnh Công Sơn sáng tác, vẫn còn nguyên giá trị. Người ta có thể nghe để hồi ức một thời xưa cũ, để tưởng niệm những người đã khuất, để trân trọng hòa bình trong hiện tại. Để cầu nguyện cho nhân loại, ở đâu đó trên Trái Đất này, vẫn còn đang tranh giành nhau bằng súng đạn. Ở thế kỉ hai mươi mốt, cái từ chiến tranh vẫn hiện diện như một minh chứng rằng, con người hình như vẫn chưa hoàn toàn văn minh như họ tưởng. Thân phận con người vì thế cứ mãi quẩn quanh trong câu hỏi: "Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây, còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?" (Phúc âm buồn). Và những bản tình ca không có hạnh phúc của Trịnh, là nỗi đồng cảm và an ủi cho những người còn sống, và cả những người đã chết, qua những cuộc chiến tranh. Chơn Định