MỤC LỤC Mở đầu 1.1. Lý do chọn đề tài 1.2. Mục tiêu nghiên cứu 1.3. Phương pháp nghiên cứu Chương 1. Tổng quan các vấn đề nghiên cứu 1.1. Một số khái niệm có liên quan 1.2. Các nghiên cứu trong nước Chương 2. Hiện trạng hệ sinh thái tại Việt Nam và ý nghĩa của đa dạng sinh học 2.1. Hiện trạng hệ sinh thái tại Việt Nam 2.2. Ý nghĩa của đa dạng sinh học Chương 3. Phân tích tính đa dạng sinh học và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái tại tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên 3.1. Giới thiệu chung về tỉnh Lâm Đồng 3.2. Phân tích hiện trạng tài nguyên, tính đa dạng sinh học tại tỉnh Lâm Đồng 3.3. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng Kết luận Tài liệu tham khảo
Mở đầu Bấm để xem 1.1. Lý do chọn đề tài Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật. Hệ sinh thái có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người, trong đó điển hình như việc hệ sinh thái cung cấp tài nguyên, môi trường sống cho con người, là nơi dự trữ vf cung cấp bộ dữ liệu di truyền cho sự sống và tiến hóa trên Trái đất cũng như là nơi tiếp nhận chất thải từ hoạt động sống của con người. Tuy nhiên, trong những năm qua do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp với sự thay đổi của yếu tố khí hậu gây ra bởi các hoạt động của con người mà hệ sinh thái đã bị tác động mạnh mẽ. Trong đó tác động của biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự suy thoái các hệ sinh thái trên thế giới, đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Khác với các khu vực ven biển, nơi phải hứng chịu các tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái; khu vực Tây Nguyên trong đó điển hình là tỉnh Lâm đồng lại chịu đựng sự ảnh hưởng với ít biểu hiện hơn nhưng có hậu quả sâu hơn do nơi đây là khu vực đồi núi, và là nơi tập trung các hệ sinh thái rừng của Việt Nam. Vì vậy việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cho công tác phân tích tính đa dạng sinh học và đánh giá (hoặc dự báo khoa học) tác động của biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên ở nước ta là vô cùng cần thiết. Nghiên cứu này cập nhật các thông tin mới nhất và toàn diện nhất về hiện trạng tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái tại Việt Nam, cũng như tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường. 1.2. Mục tiêu nghiên cứu - Nghiên cứu cung cấp tri thức toàn diện về hệ sinh thái tại Việt Nam. - Thu thập thông tin để phân tích tính đa dạng sinh học - Đánh giá (hoặc dự báo khoa học) tác động của biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên 1.3. Phương pháp nghiên cứu Thu thập thông tin để phân tích tính đa dạng sinh học và đánh giá (hoặc dự báo khoa học) tác động của biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học của tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên ở nước ta là một nghiên cứu tổng hợp với yêu cầu các thông tin tổng quát cả trong và ngoài nước. Vì vậy phương pháp quan trọng nhất được sử dụng trong đề tài là Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp . Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp hay còn gọi là phương pháp nghiên cứu tài liệu với mục đích nhằm tìm hiểu những luận cứ từ trong lịch sử nghiên cứu mà đồng nghiệp đi trước đã làm, không mất nhiều thời gian lặp đi lặp lại những công việc đã được thực hiện. Nghiên cứu này tham khảo và tổng hợp các tài liệu có liên quan bao gồm: Các báo cáo khoa học, các bài báo trong và ngoài nước, báo cáo của chính quyền địa phương về điều kiện kinh tế xã hội, các dữ liệu thống kê của các cơ quan quản lý.
Chương 1. Tổng quan các vấn đề nghiên cứu Bấm để xem 1.1. Một số khái niệm có liên quan Đa dạng sinh học là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong hệ sinh thái trên cạn, ở biển và các hệ sinh thái dưới nước khác, và mọi tổ hợp sinh thái mà chúng tạo nên; Đa dạng sinh học bao gồm sự đa dạng trong loài (đa dạng di truyền), giữa các loài và các hệ sinh thái [2] Hệ sinh thái là quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau [7] Đa dạng di truyền là biểu hiện sự đa dạng của các biến dị có thể di truyền trong một loài, một quần xã hoặc giữa các loài, các quần xã. Xét cho cùng, đa dạng di truyền chính là sự biến dị của sự tổ hợp trình tự của bốn cặp bazơ cơ bản, thành phần của axit nucleic, tạo thành mã di truyền [11] Đa dạng loài (tiếng Anh: Species diversity) là sự đa dạng, phong phú giữa các loài động thực vật khác nhau, được hiện diện trong cùng một cộng đồng sinh thái nhất định hoặc hệ sinh thái nhất định, được đặc trưng về số lượng loài và sinh khối [1] Đa dạng hệ sinh thái là tất cả mọi sinh cảnh, mọi quần xã sinh vật và mọi quá trình sinh thái khác nhau, cũng như sự biến đổi trong từng hệ sinh thái [11] 1.2. Các nghiên cứu trong nước 1.2. 1 Các nghiên cứu trong nước Có rất nhiều nghiên cứu trong nước về Biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong đề tài nghiên cứu năm 2020, Trần Văn Bằng đã đưa ra các kết luận quan trọng rằng: Việt Nam là 1 trong 25 điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu; đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Đặc điểm nổi bật trong nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học ở Việt Nam là tính đặc hữu về loài, đồng thời cũng là về nguồn gen quý hiếm. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi đưa ra các con số cụ thể về sự đa dạng của hệ thống sinh vật tại Việt Nam, các con số này được cập nhật thường xuyên trong các báo cáo định kì nhằm phục vụ công tác quản lý và cung cấp dữ liệu cơ sở đáng tin cậy cho các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Nghiên cứu của Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường mang tên Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã cho chúng ta thấy về sự phong phú đa dạng của hệ sinh thái. Và chỉ ra tác động của Biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái tại Việt Nam.
Chương 2. Hiện trạng hệ sinh thái tại Việt Nam và ý nghĩa của đa dạng sinh học Bấm để xem 2.1. Hiện trạng hệ sinh thái tại Việt Nam Việt Nam được xem là một trong những nước thuộc Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học và được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Do sự khác biệt lớn về khí hậu, từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình, đã tạo nên tính đa dạng sinh học cao ở Việt Nam [8] Địa hình và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên trên phần lục địa, trong đó các hệ sinh thái rừng bao gồm: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; Rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới; Rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi; Rừng lá kim tự nhiên; Rừng thưa cây họ dầu (rừng khộp rụng lá) ; Rừng tràm đầm lầy nước ngọt; Rừng tre, nứa; Rừng ngập mặn. Bên cạnh 8 kiểu HST rừng, các nhà khoa học Lâm nghiệp còn phân chia 14 kiểu thảm thực vật rừng theo các yếu tố sinh thái (Thái Văn Trừng, 1999). Dựa trên các yếu tố tự nhiên về khí hậu, địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, trên phần lục địa Việt Nam được phân chia thành 8 vùng sinh thái lâm nghiệp với 47 tiểu vùng có các đặc trưng riêng về kiểu thảm thực vật và cảnh quan [4] Với các kiểu hệ sinh thái rất đa dạng ở trên cạn cũng như ở dưới nước bao gồm cả vực nước ngọt nội địa và vùng biển rộng lớn, thành phần loài sinh vật trong sinh giới của Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Việt Nam là nơi sống của gần 16.500 loài thực vật bậc cao, nấm lớn và rêu ở trên cạn, trong đó, số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 30%). Điều đó cho thấy tính đa dạng cao của hệ thực vật Việt Nam. Trên cạn có khoảng 10.500 loài động vật, gồm xấp xỉ 8.000 loài côn trùng và động vật không xương sống ở đất, gần 500 loài bò sát - ếch nhái, 850 loài chim và 312 loài thú. Ở nước ngọt, có khoảng 1.500 loài vi tảo và rong, trên 1.000 loài động vật không xương sống và khoảng 600 loài cá; dưới biển có trên 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển [4] 2.2. Ý nghĩa của đa dạng sinh học 2.2. 1. Ý nghĩa của đa dạng sinh học đối với đời sống HST là thiết yếu cho sự tồn tại và chất lượng cuộc sống tốt đẹp của con người. HST cung cấp lương thực, thực phẩm, năng lượng, dược phẩm và các tài nguyên gen cùng nhiều vật liệu thiết yếu khác cho phúc lợi và việc duy trì văn hóa của con người. Hằng năm chúng ta được hưởng rất nhiều lợi ích từ HST. Đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật dồi dào. Có những nguồn Gen vô cùng quý hiếm mang lại giá trị kinh tế cao được phát hiện và chúng được bao bọc, nuôi dưỡng bởi môi trường mà HST mang lại Ví dụ, hơn 2 tỷ người phụ thuộc vào gỗ củi để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng, ước tính khoảng 4 tỷ người phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn dược liệu tự nhiên để chữa bệnh và khoảng 70% thuốc dùng để chữa ung thư là thiên nhiên hoặc được tổng hợp dựa vào thiên nhiên [1] 2.2. 2. Ý nghĩa đa dạng sinh học đối với bảo vệ môi trường Thiên nhiên, thông qua các quá trình sinh thái học và tiến hóa, đã duy trì chất lượng nước ngọt mà con người phụ thuộc vào. Nước được lưu trữ và lọc nước, chi phối đến mỗi vùng theo các vêt nứt của kiến tạo địa hình. Mang nguồn nước phục vụ cho nhu cầu của chúng ta [1] Trong những năm qua, tình trạng thiên tai, bão lụt, sạt lở.. xảy ra với cường độ mạnh và tần suất ngày càng tăng, hậu quả mang lại nếu không có HST là vô cùng nguy hiểm. Cụ thể đó là hệ sinh thái rừng giúp giữ gìn tài nguyên đất, giảm thiểu các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sản lở đất đá, mưa bão.. Ngoài ra còn khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái rừng giữ vai trò chủ chốt trong việc hấp thụ khí thải, đem tới bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quá mức đã và trong quá trình làm cho chức năng của hệ sinh thái suy giảm Ví dụ: Các hệ sinh thái biển và đất liền là các bể hấp thu khí thải cacbon do con người gây ra với tổng lượng hấp thu là 5.6 tấn cacbon mỗi năm (tương đương 60% tổng lượng phát thải toàn cầu do con người gây ra) [1] 2.2. 3. Ý nghĩa đảm bảo sự tồn tại của các loài sinh vật thông qua các mối quan hệ dinh dưỡng giữa các loài Trong thế giới tự nhiên, không có sinh vật nào tồn tại trong sự cô lập tuyệt đối và do đó mọi sinh vật phải tương tác với môi trường và tương tác với các sinh vật khác. Sự tương tác của sinh vật với môi trường của nó là nền tảng cho sự tồn tại của sinh vật đó và chức năng của toàn bộ hệ sinh thái. Các sinh vật cùng loài sống gần nhau, liên hệ với nhau, hình thành nên nhóm cá thể. Các sinh vật trong một nhóm thường hỗ trợ hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh trong quần thể là các đặc điểm thích nghi của sinh vật với môi trường sống, đảm bảo sự tồn tại và phát triển. Các cá thể trong một quần thể có hai mối quan hệ sinh thái cơ bản là quan hệ hỗ trợ và quan hệ cạnh tranh. Các loài sinh vật dựa vào nhau để lấy dinh dưỡng, dể cùng duy trì sự sống. Ví dụ: Đối với cây họ đậu, Rhizobium hình thành một nhóm vi khuẩn cộng sinh cố định đạm sống trong rễ của các cây họ Đậu và Parasponia. Vi khuẩn này xâm chiếm tế bào rễ của cây tạo thành các nốt rễ; Ở đây chúng biến đổi nitơ trong khí quyển thành ammoniac và sau đó cung cấp các hợp chất nitơ hữu cơ như glutamin hoặc ureide cho cây
Chương 3. Phân tích tính đa dạng sinh học và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái tại tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên Bấm để xem 3.1. Giới thiệu chung về tỉnh Lâm Đồng Vị trí địa lý: Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển với diện tích tự nhiên 9.772, 19 km2; địa hình tương đối phức tạp chủ yếu, là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật.. và những cảnh quan kỳ thú cho tỉnh Lâm Đồng. Phía đông giáp các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận Phía tây nam giáp tỉnh Đồng Nai Phía nam – đông nam giáp tỉnh Bình Thuận Phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn; Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn. Toàn tỉnh có thể chia thành 3 vùng với 5 thế mạnh: Phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi gia súc [3] Địa hình Đặc điểm chung của Lâm Đồng là địa hình cao nguyên tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật.. Và những cảnh quan kỳ thú cho Lâm Đồng. Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bậc khá rõ ràng từ bắc xuống nam. Phía bắc tỉnh là vùng núi cao, vùng cao nguyên Lang Bian với những đỉnh cao từ 1.300m đến hơn 2.000m như Bi Đúp (2.287m), Lang Bian (2.167m). Phía đông và tây có dạng địa hình núi thấp (độ cao 500 – 1.000m). Phía nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc và bán bình nguyên [3] Khí hậu Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, trong năm có 2 mùa rõ rệt; Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh dao động từ 18 – 250C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm, thường ít có những biến động lớn trong chu kỳ năm. Lượng mưa trung bình 1.750 – 3.150 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85 – 87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1.890 – 2.500 giờ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới. Đặc biệt Lâm Đồng có khí hậu ôn đới ngay trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình và nằm không xa các trung tâm đô thị lớn và vùng đồng bằng đông dân [3] 3.2. Phân tích hiện trạng tài nguyên, tính đa dạng sinh học tại tỉnh Lâm Đồng Tỉnh Lâm Đồng trải trên nhiều kiểu địa hình có các đai độ cao khác nhau, từ 130m đến trên 2.200m. Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa; nhiệt độ trung bình năm từ 18-250C. Đặc điểm địa hình bậc thềm đặc trưng cùng các điều kiện tự nhiên khác như thổ nhưỡng, khí hậu khá thuận lợi đã tạo điều kiện phát triển các hệ sinh thái (HST), các loài động vật, thực vật, các loài cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc á nhiệt đới và ôn đới ngay trong vùng nhiệt đới cận xích đạo [3] Với HST, có hai HST tự nhiên chính: Trên cạn và đất ngập nước. HST trên cạn ở Lâm Đồng bao gồm các HST rừng, HST nông nghiệp và HST đô thị; Trong đó HST rừng chiếm diện tích lớn nhất (khoảng 60% diện tích tự nhiên), phân bố trên các đai cao khác nhau với các kiểu thảm thực vật rừng chính: Lá rộng thường xanh, hỗn giao lá rộng lá kim, lá kim, lá rộng rụng lá, tre hỗn giao với cây gỗ phân tán, tre/trảng cây bụi và trảng cỏ. Về loài, đã thống kê được 3.490 loài thực vật rừng, 393 loài nấm lớn, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá [5] Trong số loài thực vật, động vật rừng có 220 loài bị đe dọa cấp quốc gia trong Sách đỏ Việt Nam (2007) ; 98 loài bị đe dọa toàn cầu trong Danh lục đỏ IUCN và 115 loài được bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ĐDSH thực vật tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ và một số ít công ty lâm nghiệp. Cụ thể, số loài thực vật bậc cao đã phát hiện ở VQG Bidoup - Núi Bà 1.945 loài; VQG Cát Tiên (khu vực Cát Lộc) 772 loài; Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc 486 loài; Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm 473 loài. Về ĐDSH động vật (tập trung chủ yếu các loài có xương sống trên cạn), Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho biết, cao nguyên Đà Lạt có 85 loài thú, 158 loài chim, 70 loài lưỡng cư, 83 loài bò sát và 400 loài bướm. Tài liệu "Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2008-2020", thông báo địa bàn Lâm Đồng có 86 loài thú, 346 loài chim, 64 loài bò sát, 36 loài lưỡng cư, 130 loài cá và 419 loài bướm [9] 3.3. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra, ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực khá mới, phức tạp, cần thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, tuy nhiên do nguồn lực của tỉnh lâu nay còn hạn chế nên chưa triển khai được nhiều dự án như Kế hoạch hành động mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Hiện tượng thời tiết cực đoan tác động đến HST: Mưa tăng tất nhiên kéo theo rất nhiều những hậu quả không mong muốn. Đất lở, lũ lụt gây thiệt hại mùa màng, tài sản và con người; lượng mưa lớn khiến đất bị rửa trôi, nhanh bị bạc màu nếu không có giải pháp hữu hiệu. Còn mùa khô cũng sẽ kéo dài hơn, gây hạn hán, thiếu nước cục bộ. "Hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ dẫn đến tình trạng mưa nắng thất thường, thời tiết không theo thông lệ nên rất khó đoán trước" Trong 10 tháng đầu năm 2020, Lâm Đồng đã có 10 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 17 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy, 1 đợt sương muối, 3 vụ sạt lở đất, 4 vụ sét đánh. Những hậu quả này đã tác động mạnh mẽ đến HST ở tỉnh Lâm Đồng [3] Lĩnh vực tác động nhiều nhất cho Lâm Đồng trong thời gian đến, theo Kịch bản dự báo, sẽ là tài nguyên nước. Mưa lớn làm dòng chảy các con sông tăng trong mùa mưa. Và do nhu cầu sử dụng nước trong nền kinh tế ngày càng lớn nên độ thiếu hụt nước sẽ ngày càng trầm trọng hơn, nhất là trong mùa khô. Tình trạng ô nhiễm tại các sông, suối, ao, hồ vào mùa khô ngày càng gia tăng do việc sản xuất nông nghiệp và nước thải sinh hoạt ở phía thượng nguồn thải ra, nhất là tại các khu vực nội thành tập trung đông dân cư, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước và môi trường cảnh quan[3] Việc phát triển rất nhanh và thiếu qui hoạch hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện nay tại các huyện, thành phía bắc Lâm Đồng, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, đã dẫn đến những hệ quả không mong muốn như làm đất bị thoái hóa, gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng các tác động của biến đổi khí hậu như tăng khả năng gây lũ cục bộ trong thời gian ngắn, tạo hiện tượng khí hậu nóng dần và hậu quả là biến đổi hệ sinh thái ở khu vực nhà kính lẫn xung quanh [3] Trong công tác bảo vệ rừng, áp lực mất rừng và suy thoái rừng ngày càng phức tạp hơn, trong đó nguyên nhân lấy đất sản xuất vẫn là vấn đề nóng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Và chính từ việc mất rừng đã tác động đến môi trường sống của HST và khiến động vật tại đây dần ít đi, thực vật ở những nơi có rừng suy thoái ngày càng giảm về số lượng và chất lượng [3]
Kết luận Bấm để xem Việt Nam là một quốc gia có hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng. Hệ sinh thái có ý nghĩa với đời sống mang đến cho nước ta lợi ích to lớn về kinh tế, tạo nên sự đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa lịch sử cũng như cung cấp bộ lưu trữ khổng lồ về nguồn gen cho nhân loại. Có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường trước tác động của thiên tai. Và đảm bảo sự tồn tại của các loại sinh vật thông qua các mối quan hệ dinh dưỡng giữa các loài. Đa dạng sinh học tại tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên vô cùng đa dạng. Từ động vật, thực vật trên cạn cho đến động vật, thực vật dưới nước. Tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là có nguồn tài nguyên quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp; Đảm bảo an ninh lương thực; Đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Sự đa dạng gen trong các quần thể các loài động, thực vật giúp duy trì quần thể các loài trọng tâm; Làm tăng khả năng phục hồi của các quần thể này trước những biến cố; Bao gồm dịch bệnh từ các quần thể cây trồng vật nuôi, sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Tuy nhiên trong những năm gần đây Tỉnh Lâm Đồng đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng cực đoan, ô nhiễm môi trường.. Đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái cũng như đa dạng sinh học. Nó đã và đang xảy ra và làm thay đổi đời sống sinh vật và hệ sinh thái. Chính vì vậy thông qua nhiên cứu này làm rõ hơn về hệ sinh thái và đa dạng sinh học Việt Nam nói chung và đánh giá (hoặc dự báo khoa học) tác động của biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học của tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Kết luận Bấm để xem Tiếng Việt [1] Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái - IPBES [2] Công ước đa dạng sinh học, 1992 [3] Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, 2017 [4] Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030- BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG [5] Chương trình bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2020 [6] Luật đa dạng sinh học, 2008. [7] Trần Văn Bằng, 2020. Đa dạng sinh học ở Việt nam: Thực trạng và thách thức bảo tồn. Viện Sinh thái học miền nam, Viện hàn lâm KH&CN Việt nam. [8] Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, 2013 [9] Viện nghiên cứu hải sản, 2008 Tài liệu tiếng anh [1] Hill, M. O (1973) Diversity and evenness: A unifying notation and its consequences. Ecology, 54, 427–432