Huyền Ảo Cúc Dại Ngẩn Ngơ - Lạc Vũ

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lacvu, 21 Tháng tám 2021.

  1. Lacvu Tớ là Moon đây

    Bài viết:
    3
    Tác phẩm: Cúc dại ngẩn ngơ

    Tác giả: Lạc Vũ

    Thể loại: Truyện ngắn, tự truyện, huyền ảo

    Văn án: Tôi sinh ra trong một gia đình khiếm khuyết, nên mọi thứ khiến tôi cảm thấy thật mờ ảo. Tôi chỉ mong mình là cúc dại, thật kiên cường và hoang dã. Nhưng đâu phải ai cũng chọn cho mình tính cách để sống được. Tôi vẫn chỉ là một cô gái gầy yếu, bình thường và mơ mộng

    [​IMG]

    Từ cửa sổ gác phòng tôi, có thể trông thấy gần như toàn cảnh khu phố cổ. Nó không hẳn như những khu phố cổ ở Hà Nội, chỉ đơn giản là một khu phố cũ kĩ, hơi nhàu nát, méo móp bởi những căn nhà xây một cách ngẫu nhiên. Tựa một trò chơi vụng dại của bọn trẻ con thì đúng hơn. Bọn chúng gồm hai đứa, một thích đặt ngôi nhà ở chỗ này, đứa khác lại muốn đặt chỗ kia, dành chỗ cho những cái cây của nó.. và cứ như thế, chúng tạo nên một khu phố hơi siêu vẹo của riêng chúng. Và điều tôi ngạc nhiên là bọn chúng cũng có mắt thẩm mỹ giống tôi, thích những thứ gì đó không quá ngay ngắn và thẳng tắp.

    Tôi ở trên một căn gác của một trong những ngôi nhà của trò chơi ấy. Đó quả thật là một nơi lý tưởng, vì mỗi buổi sáng, mặt trời có thể soi rọi vào phòng và đánh thức tôi dậy. Một nơi lý tưởng vì mỗi buổi sáng, tôi đứng trên cao, tận hưởng luồng không khí trong lành, ngắm nhìn sự nhộn nhịp bên dưới, cảm giác như mình là thần tiên, mọi điều trần tục bên dưới chẳng thể nào chạm tới được. Nhưng tôi biết, đó chỉ là cảm giác vào một ngày vui vẻ, bởi những ngày mưa ẩm ướt, phố buồn kinh khủng, trông càng dị dạng và càng xấu xí.

    Những hàng ăn bên dưới không còn nhộn nhịp, những mái bạc che nhấp nhô, con đường lầy lội, loang loáng những bãi nước, người cũng thưa thớt, âm thanh dè dặt, mặt trời bỏ trốn, căn phòng bốc mùi ẩm mốc, bầu trời xám xịt.. Và hơn nữa, thức dậy vào những buổi sáng như thế làm tôi thấy buồn, cảm giác như mình vừa đánh mất thứ gì đó, rất quan trọng và thân thiết, tựa như một ai đó vừa rời bỏ ta đi một nơi thật xa. Nhiều khi tôi khóc chẳng rõ lý do vì sao, giống như đồng khô cỏ cháy thèm một cơn mưa vậy thôi, và tôi, thỉnh thoảng cũng cần khóc vu vơ hay cười vu vơ.

    Cho dù những thứ ấy có thể rất nhạt nhưng nó lại là một phần của cuộc sống tôi, thân thiết như cây bút chì đối với những đứa trẻ học mẫu giáo.

    * * *

    Và ông ấy lại xuất hiện, trước khi mặt trời xuất hiện và hình như trước cả những cơn mưa ban sáng. Ông ấy ở đối diện tôi, cũng ở trên gác cao ngang bằng tôi. Nhưng có lẽ, vì ở phía đối diện nên ông chẳng thể nào biết được mặt trời rực rỡ như thế nào, ông ấy cũng không biết rằng, có những buổi sáng, mặt trời rất buồn như chính ông.

    Tôi có rất nhiều câu hỏi muốn hỏi ông ấy? Rằng tại sao ông ấy lại sống một mình trong một ngôi nhà rộng rãi như thế, rằng tại sao, ban công của ông lại trồng nhiều hoa cúc dại đến vậy và tại sao, ông luôn đội mũ kể cả lúc ở trong nhà. Tôi cảm thấy dè dặt mỗi lần đối mặt với ông nên chẳng bao giờ tôi có được những câu trả lời ấy, hơn nữa, ông ấy là một người nước ngoài.

    Có lẽ là người Pháp, tôi đoán vậy qua gương mặt ông và dáng vóc ông, có một vẻ gì đó rất lịch lãm và cổ điển. Và cũng do có lần tôi nghe thoảng đâu đó vào một buổi sáng một bài hát tiếng Pháp. Không hiểu vì sao, nó lại phát ra vào một ngày mưa, và tôi, trong lúc cuộn mình trong chăn, lại tưởng tượng nó là một chiếc đĩa hát to đùng, được hát bằng máy chỉ kim. Trong giấc mơ chập chờn của buổi sáng hôm ấy, tôi mơ thấy mình mặc bộ váy áo của thời vua chúa nữ hoàng, nhảy điệu Walt cùng với một chàng trai tuấn tú.. chỉ có điều tóc anh ta màu trắng bạch kim.

    * * *

    Một hôm tôi quên mang theo chìa khóa nhà, đành phải ngồi ngoài đợi anh Kiên đi làm về. Anh trai tôi đã có vợ và một đứa con trai. Thằng bé rất kháu và thông minh, thường xuyên gây rắc rối cho tôi với những câu hỏi mà tôi chẳng biết trả lời ra sao, vì sao nước biển mặn trong khi nước sông ngọt, tại sao mặt trời lại mọc hướng Đông và lặn ở hướng Tây.. tại sao ông hàng xóm luôn đội mũ. Câu hỏi này cũng giống như câu hỏi của tôi, và sau đó, nó được anh trai tôi giải thích thế này: Vì trong nhà ông luôn có mặt trời nên ông ấy luôn phải đội mũ.

    Tất nhiên, tôi hiểu đó chỉ là một lời giải thích dành cho thằng bé đang học lớp một. Một đứa con gái hai mươi tuổi như tôi không thể nào tin được vào lời giải thích ấy.

    Hôm ấy, trời mưa. Mưa từ ban sáng. Lại một cơn mưa buồn. Không hiểu sao những cơn mưa vào ban sáng lại cho tôi cảm giác buồn nhiều hơn những cơn mưa vào buổi chiều. Nhiều lần, tôi thức dậy và nhìn ra cửa sổ gác, những hạt mưa vẫn đọng lại trên bệ cửa phòng tôi và trong giây phút đó, hình như cũng có những giọt nước mưa đọng trên mắt tôi. Tự nhiên thôi.

    Tôi đứng nép vào hàng hiên nhà ông già người ngoại quốc. Cánh cửa gỗ với những song cửa to, tôi có thể nhìn vào sân và ngắm những chậu cúc dại đang đùa cùng cơn mưa, nhìn thấy chiếc xích đu ẩm ướt, nhão nề, thủ thỉ cùng cây Tùng gần đó rằng nó rất sợ mưa, bởi nó vốn đã lạnh giá, trời mưa càng làm tim nó lạnh thêm, nó sợ ông chủ sẽ không còn ngồi lên nó và đung đưa. Nó đang ghen tỵ với những chậu cúc, ngày nào cũng được ông chăm sóc.

    Tại sao cúc dại lại được chăm sóc kỹ lưỡng đến thế nhỉ. Đã là hoa dại thì cần phải có một môi trường hoang dại cho chúng chứ? Tôi thắc mắc. Trong khi tôi nhìn chăm chú vào những bông hoa, ông già cũng đang đứng ở bậc cửa nhìn tôi tự lúc nào. Ánh mắt tôi thoáng bối rối khi nhìn thấy ông. Trông tôi thật bất lịch sự khi nhìn chằm chằm vào vườn nhà ông, rồi sau đó lại nhìn chăm chăm vào ông. Ánh mắt màu xanh xám của ông thật cuốn hút.

    Trông ông không có vẻ già lắm, nhưng tóc thì lại có màu trắng bạch kim, những phần tôi quan sát được ngoài chiếc mũ của ông.

    Tôi càng lúng túng hơn khi thấy ông lại gần chiếc cổng, ông mở cổng và chào tôi, xin chào, cô có muốn vào trong hiên trú mưa. Ông nói tiếng Việt rất rõ, có vẻ như đã sống ở đây từ rất lâu. Tôi ngại ngần khi đáp lại lời đề nghị của ông. Tuy ở gần nhà nhau nhưng chúng tôi chưa từng nói chuyện. Với những người hàng xóm khác cũng thế, tôi rất ít khi gặp và trò chuyện cùng họ, với một ông già ngoại quốc thì tôi càng dè dặt hơn.

    Tôi nói, tôi có thể đứng ngoài này cũng được, anh trai tôi có lẽ sắp về.

    Tùy cô, tôi để cửa, cô cứ vào tự nhiên, vào trong cô có thể ngắm những bông cúc dại này gần hơn. Chúng có vẻ thích cô đấy.

    Ông ấy đi vào trong. Cánh cửa mở rộng trí tò mò của tôi với những bông cúc dại và với con người ông. Dù sao, chúng tôi cũng là người lạ, tôi cho rằng mình không nên vào trong ấy cho dù lời mời rất lịch sự như con người ông.

    Trời vẫn mưa, hạt nhỏ, nhưng cũng đủ làm cái lạnh thấm sâu vào lớp áo khoác và chạm vào lớp da thịt tôi. Tay tôi trắng ra, run run ôm lấy nhau trước ngực, cố suýt xoa xua đi cái lạnh. Cúc dại, cũng lạnh như tôi, chiếc xích đu run rẩy. Và ngay lúc đó, tôi thấy mình đang đứng trong hiên nhà ông. Chỉ có mình tôi, đang ngồi trên chiếc xích đu lạnh lẽo, nhìn những bông cúc rung rinh, ông để mặc vị khách lạ khám phá không gian nhỏ bé trước nhà mình. Tôi cũng chẳng làm gì hơn ngoài việc đưa mắt dạo khắp khuôn viên ấy.

    Có lẽ đã lâu rồi tôi không được ngắm những khu vườn như thế này. Ngày trước, ngày ông tôi còn sống, ông rất thích trồng hoa. Ông nói trồng cây là một trong những công việc mà ông yêu thích nhất, nó cho ta cảm giác thanh thản và bình yên. Thật kỳ lạ là ông tôi cũng thích cúc dại, ông trồng hẳn một dải cúc dại dài thẳng như con đường cổ tích. Ngày đó, tôi còn nhỏ, thường bám theo ông trồng cây và tưới cây, trong khi ông cắt tỉa những cành cây cảnh thì tôi ngồi nhặt từng chiếc lá rơi mà ông tỉa ra cho vào bịch, ngoan ngoãn và hiền lành như chú mèo con.

    Ông tôi mất cách đây đã hơn mười năm, khu vườn không còn như xưa nữa, nhưng tôi vẫn nhớ như in về những tháng ngày cùng ông nuôi dưỡng một sự sống ấy. Vài năm sau đó, tôi tạm biệt khu vườn, lên thành phố học cấp 3, rồi thi đại học và ở trên này luôn.

    Gia đình tôi không hạnh phúc và vẹn toàn như tôi mong đợi. Cha mẹ tôi đều là giáo viên, nhưng cha tôi đã phạm một sai lầm to lớn mà cho đến bây giờ tôi không biết mình có nên tha thứ cho ông hay không? Ông yêu học trò của mình. Một cô học trò nào đó, có lẽ chỉ hơn tôi vài tuổi. Lúc ấy, tôi không hề có chút khái niệm gì về tình yêu trai gái, trong khi ông luôn lấy nó là lý do để giải thích cho mọi hành động của mình.

    Không lâu sau cha mẹ tôi ly dị, ông về sống với cô học trò và đã có một đứa con. Còn tôi, không hiểu sao lúc ấy tôi lại rời xa mẹ tôi để sống một mình ở một thành phố xa lạ này. Đáng lẽ tôi phải là người bên cạnh bà lúc ấy, an ủi và động viên bà, thật ra mẹ tôi không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài mà mẹ duy trì. Người phụ nữ, nếu có một vẻ bên ngoài mạnh mẽ thì trong tâm hồn họ lại rất yếu đuối. Còn tôi, tôi mong mẹ hãy giấu cái mạnh mẽ ấy bên trong để bà khỏi phải khổ sở, dằn vặt mình, như cúc dại, chúng trông thật mỏng manh nhưng cũng kiên cường lắm.

    Tôi đã từng ước sao mình có thể hóa thành những bông cúc dại mà ông đã trồng, để sống kiên cường mạnh mẽ trong gió sương chứ không phải những vướng bận của lòng người.

    Bây giờ, lại được ngồi ngắm những bông cúc dại trong một khu vườn hiếm hoi nơi thành phố này, tôi lại cảm thấy thật khó khăn khi chạy trốn. Phải, ngày xưa, tôi đã chạy trốn một mình để khỏi phải nhìn thấy cha tôi mỗi ngày đi ngang qua nhà hay thấy những gì liên quan đến ông. Còn mẹ, tựa như mẹ chấp nhận những điều đó dễ dàng hơn tôi, bà không cần phải chạy trốn hay chính bà không thể trốn chạy như tôi.

    Anh Kiên đã về, tiếng mở cửa làm tôi giật mình, cũng vừa lúc đó anh nhìn qua tôi, không ngạc nhiên lắm, anh gọi tôi về. Tôi nhìn vào trong nhà với ý định tìm vị chủ nhà tốt bụng đã cho tôi trú mưa nhưng chẳng thấy ai cả, tôi đành nói to lời cảm ơn, cầu mong ông ấy nghe thấy.

    Thật lạ khi anh tôi không hỏi tôi về chuyện hồi nãy, nhưng tôi cảm giác như anh định hỏi gì đó mà lại thôi. Anh trai tôi có một cuộc sống bình yên theo những gì mà tôi quan sát được. Chuyện của cha mẹ anh không phải chứng kiến ngay từ đầu như tôi, rồi cả sự ra đi của ông anh cũng không có quá nhiều thứ để bận tâm, do vậy mà tôi luôn đổ cho số phận rằng anh tuổi Dậu, lại sinh vào buổi tối nên số sướng. Tất nhiên cả về tinh thần lẫn vật chất.

    Kể từ sau khi bước chân vào căn nhà ấy, tôi bắt đầu có thói quen quan sát ông già với những chậu cúc dại. Trên gác ngang bằng tôi là cả một khu vườn khác của ông, rộng hơn khu vườn ở dưới sân, tôi ước gì mình được một lần ghé thăm chúng.

    Những bản hòa tấu nhẹ nhàng luôn phát ra vào những ngày trời mưa. Chúng càng làm cho trời thêm buồn, mưa thêm sầu và lòng người thêm sâu lắng. Cũng có thể tôi là đứa khá nhạy cảm và đa cảm, vậy mà không hiểu sao tôi lại chọn Sư phạm Anh chứ không phải là sư phạm Văn.

    Vào những buổi sáng thức dậy với tiếng nhạc du dương, tôi luôn nằm mơ thấy những cảnh nhảy múa trong tòa lâu đài lộng lẫy cùng chàng hoàng tử tóc bạch kim. Giấc mơ rất vội, rất nhanh lướt qua đầu tôi trong cái tiết se se lạnh của những cơn mưa ban sáng. Cũng lâu rồi tôi không còn khóc vào những buổi sáng như thế, tôi quan sát những khóm cúc dại thay cho việc làm yếu mình như thế. Cúc dại thật phi thường.

    * * *

    Ông, có lẽ cũng để ý thấy tôi. Vì hầu như ngày nào lúc tôi đẩy nhẹ cánh cửa sổ, âm thanh của nó khiến ông phải quay lại và nhìn thấy tôi. Thật xấu khi cứ nhìn chằm chằm vào người ta trong khi chẳng thân thiết gì. Vậy mà không hiểu sao mỗi lần trông thấy ông, tôi lại bị ánh mắt xanh xám, mái tóc bạch kim của ông cuốn hút, chúng khiến tôi tò mò muốn biết có những điều gì ẩn giấu đằng sau chúng. Chắc cúc dại biết được câu trả lời cho những câu hỏi của tôi.

    Ông cười với tôi thay cho lời chào, còn tôi thì bập bẹ đáp lại bằng tiếng Pháp, boung joui rồi lúng túng nhìn đi chỗ khác. Ông vẫn tiếp tục tưới nước và chăm sóc cho những chậu cây của mình. Tôi ít thấy người ngước ngoài nào thích chơi cây kiểng như ông hoặc cũng có thể ông đã ở đây lâu đến độ dã trở thành người Việt Nam tự lúc nào.

    Tôi khép hờ cánh cửa sổ, khe hở vừa đủ một luồng ánh sáng tràn vào căn phòng, tôi thay đồ và ra phố. Dạo này tôi không phải đến trường nữa, chỉ còn việc ôn thi và đi lang thang phố khi mấy đứa bạn thân gọi.

    Ở thành phố này không có những con đường đẹp để có thể đi dạo cả ngày không biết chán, cũng không có nhiều con phố mà lang thang trong đó không muộn phiền. Tất cả những con đường ở đây không có nhiều cây, những hàng quán san sát lấn ra cả vỉa hè, thành ra tôi thường đi dọc những con đường chạy dọc theo những con kênh và bờ sông.

    Đôi lúc thấy thèm một tiếng dương cầm, hay một bản nhạc hay nào đó, tôi ghé vào tiệm đĩa quen thuộc và đứng nghe cho đến chán thì thôi. Cũng may tôi là khách hàng quen thuộc của họ nên chẳng chút gì làm phiền toái.

    Buổi chiều về, trời lại bắt đầu mưa lâm râm. Tôi thích những cơn mưa như thế này, chúng không quá lớn nhưng có thể làm ta lạnh đến thấu xương. Tôi hơi gầy, da trắng nên sức chịu lạnh hơi kém, tuy nhiên, tôi lại thích cái lạnh. Lúc đó, trông hai má tôi sẽ hửng đỏ, da càng trắng hơn, và có lẽ trông sẽ xinh hơn một chút. Tôi hay cột tóc cao, thích diện Jean và áo thun, đeo vài thứ linh tinh chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng tôi thích.

    [​IMG]

    Tự nhiên tôi nhớ đến ông. Rất tự nhiên thôi, tôi không hề có ý nghĩ gì khác. Tôi chợt nhận ra nếu một ngày tôi không nhìn thấy ông thì nỗi nhớ trở nên da diết hơn, nó cào đến rách tâm trí tôi khiến tôi phải lại gần cửa sổ và nhìn qua phía căn gác của ông.

    Đầu tiên, rất nhiều cúc dại nhìn thấy tôi, những cây kiểng khác cũng thế, khung cửa gỗ không bao giờ khép, tôi có thể trông thấy chiếc ghế tựa ông hay ngồi. Và tôi hồi hộp chờ thêm vài phút nữa để thấy ông. Sao thế nhỉ? Ông ấy chẳng là gì với tôi cả, chúng tôi đơn thuần chỉ là những người hàng xóm. Song từ hàng xóm nơi phố phường này nhiều khi cũng chẳng có ý nghĩa như người ta thường nói.

    Đợi cho đến khi thấy ông đi lại trên căn gác, trời mưa, ông lại bật những bản nhạc cổ điển tôi mới an tâm trở lại bàn học. Thật kỳ lạ, bạn tôi từng nói yêu là nhớ. Nhưng nhớ chưa chắc là yêu, tôi nghĩ vậy, làm sao tôi có thể yêu một ông già như thế. Trong phút giây nào đó, tôi luôn tự nhủ rằng đàn ông chẳng mấy ai đáng tin nữa, như cha tôi chẳng hạn, và tình yêu, có thật hay không tôi cũng chẳng biết nữa.

    Chỉ có một thứ rất thật đó là cúc dại. Cúc dại mỏng manh như kiên cường, và tôi sẽ là cúc dại chứ không giống như mẹ tôi, với vẻ bề ngoài mạnh mẽ và bên trong yếu đuối.

    [​IMG]

    * * *

    Hơn hai tuần ôn thi, cũng là hơn hai tuần tôi có thói quen nhìn thấy ông mỗi ngày để thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Lúc đầu, tôi thường nhìn ông rất lâu, sợ ông trông thấy tôi, nhưng dần dần tôi rất mong ông trông thấy tôi. Tôi rất thích nụ cười của ông, hiền hậu và thân thiện. Hơn nữa, chỉ khi nhìn thấy tôi thì tôi mới có thể nhìn thẳng vào đôi mắt xanh xám kỳ lạ của ông, mội lắp bắp một lời chào – tôi nghĩ vậy.

    Và mất hơn một tuần để tôi hoàn thành kỳ thi cuối kỳ của mình. Những ngày rảnh rang khiến tôi cảm thấy thừa thải, trống vắng. Hơn nữa, những cơn mưa ban sáng bỗng nhiên biến mất không dấu vết, những bản nhạc cũng không còn, giấc mơ về chàng hoàng tử tóc bạch kim chỉ còn lại trong hộc quá khứ, một giấc mơ xa xôi nào đó mà tôi đã quên mất rồi.

    Tôi bỏ thói quen ra phố vào mỗi buổi chiều, thay vào đó là việc đọc những cuốn truyện ở ban công phòng tôi, nơi gần hơn với cúc dại và với ông. Nhưng bản thân tôi muốn gần hơn thế nữa, gần hơn cái khoảng cách chỉ vài bước chân trên không trung. Phải chi có một con đường không khí bắc ngang qua, tôi tin mình có thể đi trên đó để thăm ông và những bông cúc dại ấy.

    Còn ông, cũng không còn hờ hững nhìn tôi như những buổi chiều năm nào, không còn im lặng sau câu chào hỏi xã giao. Chúng tôi đã nói chuyện nhiều hơn thế nữa, chúng tôi hỏi về những sở thích, nói về những bông cúc dại, những bản nhạc hòa tấu, về nước Pháp, về đất Việt. Tôi thích thú, bởi những câu truyện ấy đều có chúng tôi, hay có tôi, có ông ở trong đó, chúng không còn rời rạc và xa lạ nữa.

    Tôi vui mỗi khi nhìn thấy ông, nói chuyện với ông. Ánh mắt xanh xám vẫn cuốn hút tôi như lúc nào. Song tôi không còn tự trách mình là kẻ vô duyên khi nhìn chăm chú vào đôi mắt ấy, tôi đã thân thân với ông hơn.

    Nhưng có lẽ anh Kiên không thích chuyện này. Mỗi lần nói chuyện với nhau từ khoảng cách không xa giữa hai ban công, ở dưới nhà có thể nghe thấy câu chuyện của chúng tôi. Và tất nhiên, anh tôi cũng nghe thấy, cho dù là những mẩu chuyện rời rạc và vô nghĩa với anh. Tôi cũng chẳng cần biết những gì mà ông và tôi trao đổi với nhau có vô vị hay không? Bởi từ lâu, tôi không còn để ý đến những nhận xét của người đời. Cuộc sống không của riêng tôi nữa rồi, nhưng cũng chẳng phải là của họ nên những lời đàm tiếu thì có là gì.

    Tuy nhiên, anh Kiên lại khác. Với những lời anh nói, tôi cần phải xem lại mình. Từ trước tới giờ, tôi sống với anh không được bao lâu. Giữa chúng tôi luôn tồn tại một vách ngăn vô hình nào đó không thể vượt qua được. Tôi cất giữ quá nhiều bí mật vụn vặt của gia đình trong khi anh lại nhẹ gánh theo đuổi ước mơ. Nhiều lần, tôi trách anh, sao quá thờ ơ với gia đình như vậy, anh có biết tôi đã đau khổ thế nào khi chứng kiến những cuộc chia ly của cha mẹ, của ông, sự tan vỡ của nơi mà tôi luôn đặt niềm tin rằng nó thật vững chắc.

    Cũng có thể vì vậy mà anh em chúng tôi chẳng thể thân thiết được với nhau. Anh có công việc ổn định, mẹ bắt tôi về ở cùng anh. Rồi anh lấy vợ, có con, tôi vẫn ở cùng anh. Nhưng cảm giác chúng tôi ngày càng xa nhau hơn những ngày đầu. Cuộc nói chuyện của tôi và anh không có bắt đầu nên cũng chẳng có kết thúc, gặp là nói, nói mà không biết thật ra trong tâm đang nghĩ gì.

    Tự bản thân tôi đã luôn kéo dài sợi dây khoảng cách với anh, bởi tôi từng nói tôi không còn giận anh nữa mà thật ra, tôi vẫn còn trách anh rất nhiều.

    Vết thương lòng tôi, không do anh gây ra, nhưng tôi lại đau mỗi khi nghĩ về mẹ, mỗi khi nhìn thấy những bông cúc dại ngẩn ngơ trên cánh đồng hoang dại nào đó. Lòng tôi cũng ngẩn ngơ, đến khi nào tôi mới thôi ám ảnh và tìm được một người đàn ông đáng tin cậy.

    Anh không biết hay không cần biết cha và anh là một điều gì đó rất thiêng liêng đối với tôi. Đối với một đứa con gái, hình ảnh hai người đàn ông trong gia đình thật cao cả và ấm áp, cho dù cha nó hay anh trai nó rất bình thường, giản dị, thì đối với nó, cũng thật cao cả và đáng tự hào. Vậy nên lúc cha ra đi, anh cũng không ở cạnh tôi, điều đó làm hai người phụ nữ trong gia đình cảm thấy hụt hẩng. Mẹ khác tôi, bà luôn biết cách chịu đựng, khóc cười đều rất kín đáo, còn đối với một cô gái mười hai tuổi như tôi, sẽ làm gì trước chuyện này.

    Anh dặn tôi không nên nói chuyện nhiều với những người lạ. Tôi cười, thấy cay đắng khi nghe anh gọi ông là người lạ. Không lâu trước, anh còn nói những lời rất tốt về ông, rằng ông là một người trí thức, thân thiện và tốt bụng. Nhưng tôi chỉ giữ những mẩu đối thoại trong lòng, anh vẫn còn cách xa tôi lắm. Thằng con anh, níu tay tôi đòi kể chuyện về ông già, tôi lững thững bỏ lên gác một mình.

    Không hiểu tự lúc nào tôi quên mất rằng mình chẳng còn tin tưởng vào đàn ông nữa. Có lẽ là từ khi nhìn thấy ông xuất hiện trước cửa vào một buổi sáng mưa với bản tình ca nhẹ nhàng bằng tiếng Pháp, và lúc ấy, ông cũng xuất hiện trong giấc mơ của tôi với hình ảnh chàng hoàng tử tóc bạch kim.

    Chúng tôi cùng rủ nhau ra phố, đi mua những cuốn sách, đi nhà thờ hay nghe những buổi nhạc Pháp được tổ chức lâu lâu một lần. Thật buồn cười khi nhìn thấy hai chúng tôi trên phố, một ông già nhưng vẫn còn lịch lãm, khỏe mạnh và một cô gái gầy gầy, nước da như thiếu màu nắng, sẽ như thế nào nếu ai đó hỏi, chúng tôi là ai?

    Ông cao hơn tôi nhiều, trông tôi lúc ấy chẳng khác nào một đứa cháu gái lý lắc của ông, hình ảnh ông tôi ngày xưa cũng thế. Song, đã có một thứ gì đó rất khác những ngày trôi qua tự lâu lắm, ông không cho tôi cảm giác già cỗi mà một cảm giác rất an toàn và ấm áp lạ thường. Giá như tôi có thể diễn đạt chúng chính xác hơn thì thật ra ý nghĩa chúng thật khó nói. Nhiều lúc tôi cảm giác như chúng tôi là tình nhân.

    Nhưng có thật là tôi đã yêu ông không? Chẳng có dấu hiệu nào để chứng minh cho điều đó cả, tất cả chỉ là cảm giác nhất thời mà tôi nhận thấy khi nhìn thấy đôi tình nhân nào đó trôi vụt qua trước mặt.

    Phải rồi, đã bao lâu rồi tôi không trò chuyện thật lâu với một người con trai nào kể cả anh trai mình. Tôi đang tuổi hai mươi, có lẽ tôi đã quên mất điều đó trong kí ức của mình, tôi mãi mãi sống với cái tuổi lên năm cùng ông nội. Song thật ra, tâm hồn tôi đã già hơn thế nhiều, già hơn cả tuổi hai mươi tôi đang có.

    Thật ra, tôi rất muốn tìm chàng hoàng tử tóc bạch kim cùng tôi khiêu vũ trong đêm hội ấy. Cho dù chỉ là một giấc mơ, vội, rất vội nhưng tôi vẫn đặt một niềm tin thật mãnh liệt vào nó. Và người đàn ông đang đi bên cạnh tôi đây, gấp ba lần tuổi tôi cũng có mái tóc cùng màu chàng hoàng tử mà tôi mơ. Tôi tự cười một mình, không thể nào lại như thế.

    Ông thấy nụ cười của tôi cho dù chẳng nhìn xuống tôi, cô cười gì thế cô gái?

    Vu vơ thôi ông ạ. Về một giấc mơ.

    Chắc hẳn là một giấc mơ đẹp và đáng nhớ. Ông nói mà không tò mò thêm chút gì cả, vì thế mà tôi cũng không muốn kể thêm cho ông về nó. Tôi nghĩ nếu có kể tôi cũng sẽ bỏ qua chi tiết về mái tóc của chàng hoàng tử ấy, tôi không đủ can đảm để thừa nhận rằng ông chính là chàng hoàng tử của tôi trong một khoảnh khắc nào đó. Chúng tôi khác biệt với nhau, nhất là trong lúc này đây, trên phố, chúng tôi là một cặp đôi không hoàn hảo, lệch lạc trong ánh nhìn của mọi người.

    * * *

    Rất tự nhiên thôi, sau một buổi hòa nhạc Pháp, ông kể cho tôi nghe rất nhiều về những bản tình ca Pháp, chúng khác như thế nào so với âm nhạc của những nước khác, chúng nhẹ nhàng ra sao, và ông kể cho tôi nghe về mối tình khắc khoải của ông. Người yêu ông, là một cô gái Việt Nam. Và cũng rất tự nhiên thôi, tôi cảm thấy hơi nhói trong tim.

    Và cũng vì cô gái ấy ông yêu những bông cúc dại. Những bản tình ca vang lên vào một ngày trời mưa cũng chính là lời nguyện cuối cùng của cô gái dành cho ông. Điều này khiến tôi cảm thấy ghen tỵ và đau lòng.

    Cảm giác như tôi vừa vụt mất điều gì đó, tiếc nuối. Nhưng là gì chứ, tôi không thể ghen tỵ với một người đã mất.

    Và sau đó, chúng tôi không còn cùng đi chung với nhau nhiều như trước. Tôi cố gắng để kiềm lòng không mời ông đi đâu đó nhưng không bao giờ từ chối được những lời mời từ phía ông.

    Mưa đã trở lại với cúc dại. Những cơn mưa ban sáng không báo trước đã từng làm tôi buồn nay càng làm tôi buồn thêm bởi đâu đó trong tiếng mưa, có tiếng nhạc của lòng ông – người đàn ông mà tôi đem lòng yêu mến. Tôi bỗng ước giá như đó là tiếng nhạc dành riêng cho mình thì có lẽ giấc mơ về chàng hoàng tử bạch kim sẽ quay trở lại. Nhưng có lẽ chàng sẽ không còn quay lại đón tôi nữa, tôi đang sống rất thực chứ không phải trong truyện cổ tích của những cơn mưa.

    * * *

    Tôi bỏ thành phố một tháng để trở về với mẹ. Căn nhà của chúng tôi rất trống vắng, cho dù có những cô em họ của tôi ở chung với mẹ song tôi biết bà vẫn rất cô đơn. Nỗi cô đơn thấm dần vào da thịt bà, ăn mòn bà từng ngày mà tôi không biết làm gì ngoài việc khuyên bà nên đi bước nữa.

    Ngày trước, tôi nhìn thấy cha mình phản bội mẹ con tôi, tôi không chấp nhận được việc đó và không tha thứ cho ông đến tận giờ, và vì thế, tôi cũng không muốn mẹ cũng phản bội tình yêu của mình. Mẹ cần một người đàn ông bên cạnh hơn cần tôi bên cạnh bà nhưng thật khó để chấp nhận việc đó một cách dễ dàng.

    Vậy mà trong chuyến xe về với mẹ lần này, sau giấc ngủ chập chờn trên xe, có cơn mưa theo tôi về tận nhà, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó cho bà. Có lẽ người mà mẹ còn lo lắng nhất chính là tôi, vì tâm hồn tôi đã có những vết thương ngay từ nhỏ chứ không như anh trai tôi lành lặn và bình an.

    Tôi thì thầm với mẹ trước khi tôi lên xe rời xa bà, mẹ cần một người chồng bên cạnh còn con cần một người cha mới, tình yêu chân thành là có thực đúng không mẹ?

    Bà hôn vào trán tôi, tràn nước mắt. Đây không phải là lần đầu tiên bà khóc trước mặt tôi, những cảm giác lần này những giọt nước mắt chứa chan niềm hạnh phúc cho cả hai chúng tôi chứ không riêng một niềm lo lắng nào dành cho tôi cả.

    Tôi trở lại thành phố, rã rời sau chuyến đi dài, nằm thiếp đi trong tiếng mưa, tiếng nhạc không mộng mị. Lúc tỉnh dậy, tôi không thấy ông nữa, cửa nhà đóng kín, mọi thứ có vẻ như tiêu điều trừ những bông cúc dại. Chúng bao giờ cũng vậy, vì chúng hoang dại nên chẳng cần bàn tay ai chăm sóc cũng có thể sống vô tư.

    Tôi hỏi anh về ông già hàng xóm, anh cười bảo tôi bị mộng du à, làm gì có ông già nào ở đó. Lúc trước đúng là có một ông già người Pháp ở đó nhưng ông ấy đã đi trước khi tôi đến cơ.

    Ông ấy có mái tóc màu bạch kim đúng không anh.

    Hình như là thế, anh không nhớ rõ, nhưng trông ông ấy rất lịch lãm và tốt bụng.

    Ông ấy ở một mình phải không ạ.

    Ừh, trước đó ông ấy có sống với một cô gái người Việt, hình như là người yêu, nhưng sau đó cô gái gặp tai nạn và mất, ông sống một mình.

    Sao anh biết chuyện đó.

    Ông ấy kể. Mà sao em hỏi kỳ vậy.

    Không có gì, có lẽ em cần nghỉ ngơi. Tôi lên gác, nhìn về phía căn nhà mà người yêu tôi từng ở, những cơn mưa, bản tình ca, cúc dại, phải chăng không có thật? Có thể lắm chứ, có thể chúng chỉ là một giấc mơ xa xôi nào đó mà tôi đã mơ.

    Lạc Vũ - tặng những bông cúc dại
     
    truyệncủathảo thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng tám 2021
  2. truyệncủathảo Vui vẻ

    Bài viết:
    156
    Xin chào Lạc Vũ, mình là thành viên của Land of Oblivion, sau khi đọc tác phẩm "Cúc Dại Ngẩn Ngơ" mình có vài dòng suy nghĩ muốn gửi đến bạn.

    1, Về nội dung

    Sau khi đọc câu chuyện hư hư ảo ảo này, mình cũng thấy có chút nặng lòng. Đôi lúc mình cũng giống nhân vật "tôi", sáng dậy thấy ánh bình mình thì rất vui, mưa lại muốn khóc. Trong lòng nhiều tâm sự.

    Nhân vật "tôi" ngẩn ngơ trước tình cảm giành cho một người đàn ông nước ngoài lớn tuổi, khoảng thời gian họ trò truyện,
    ở bên với nhau không biết là có thật sự tồn tại hay không? Tác phẩm này vẫn còn rất nhiều điều mờ hồ khiến mình không khỏi tưởng tưởng vẩn vơ.

    2, Về hình thức

    - Cách Vũ trình bày khá hợp lý, dễ đọc nhưng đôi chỗ xuất hiện lỗi đánh máy nhé (Vd: "Nhão nề")

    - Các câu thoại của nhân vật bạn nên cho vào ngoặc kép (" ") hoặc gạch ngang (-) ở đầu dòng nhé

    Ví dụ: Sao anh biết chuyện đó.

    Sửa:
    " Sao anh biết chuyện đó."Hoặc

    - Sao anh biết chuyện đó.

    Phía trên là vài góp ý nhỏ của mình.

    Chúc bạn thành công hơn trong những tác phẩm sắp tới! ^^
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...