Tên truyện: Cua Bấy Đầm Vạn Tác giả: Lê Gia Hoài Thể loại: Tản văn Mỗi lần về quê, đứng trên cây cầu Vĩnh Thịnh thân thương phóng tầm mắt nhìn về bao la ruộng đồng mới thấy quê mình đẹp quá, thi vị quá. Chẳng biết có phải do sự ưu ái của con sông Hồng vẫn thường xuyên bồi thêm phù sa màu mỡ cho ruộng đồng hay do bàn tay lao động cần mẫn, chịu thương chịu khó của người dân quê tôi mà Vĩnh Thịnh lại trở nên trù phú, tốt tươi và phát triển đến vậy! Mỗi lần nhớ quê, nhớ về một thời tuổi thơ gian khó thì trong ký ức của tôi lại hiện về nguyên vẹn hình ảnh của một con đầm rộng lớn mà dân quê tôi vẫn gọi là Đầm Vạn. Tôi chẳng hiểu ngọn nguồn vì sao con đầm lại có tên như vậy, nhưng tôi chắc chắn rằng nó là một trong những đầm nước mênh mông, rộng lớn vào loại nhất nhì huyện Vĩnh Tường lúc bấy giờ. Diện tích của nó có thể lên đến hơn trăm hec ta. Trong thời kỳ bao cấp con đầm thuộc sở hữu của ba xã là Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh và Phú Đa. Vào vụ đông xuân đầm cạn nước nên người dân có thể canh tác lúa. Còn vào vụ hè thu thì Đầm Vạn là nơi xả lũ của Sông Hồng để tránh ngập lụt ở các địa phương khác. Mỗi lần xả lũ như vậy, người dân quê tôi lại phải sống trong cảnh lụt lội vô cùng vất vả. Sau mỗi lần ngập lụt, mặc dù mùa màng bị thất thu nhưng đổi lại là sự "trù phú" của Đầm Vạn, bởi thủy sản từ Sông Hồng sót lại sau lũ nhiều vô số kể. Không những vậy, nhờ vào nguồn dinh dưỡng từ nước sông đã làm cho các loài thủy sản ở đây lớn rất nhanh. Thủy sản trong đầm nhiều sau cá là cua. Cua là giống đẻ nhiều, đẻ nhanh, chóng lớn, khi gặp nước sông thì sự sinh sôi, phát triển càng mạnh mẽ vì thế người dân tha hồ bắt cua mang về cải thiện bữa ăn hàng ngày hoặc mang đi bán. Để bắt được cua người ta có thể dùng lờ cua, vó câu cua, lưới cua, dủi cua, đánh chà, đáng giậm, cào giậm hay móc cua trong hang. Xét về hình thù, màu sắc, kích cỡ.. có nhiều loại cua; cua kềnh (cua càng), cua chà, cua đá, cua đôi, cua nhép và cua bấy (cua mầm, cua sữa, cua lột). Sản phẩm được làm từ cua có; cua nướng, cua hấp, cua giang, cua kho, mắm cua, chả cua và phổ biến nhất là canh riêu cua. Mặc dù bố mẹ tôi đều là giáo viên nhưng gia đình tôi sống cùng với những người dân thôn quê nên mọi hoạt động kiếm thêm thủy sản trên Đầm Vạn của nhà tôi cũng diễn ra như bao hộ dân khác ở nơi đây. Sau giờ lên lớp bố tôi cũng đi đánh giậm, các anh tôi đi thả lờ, đánh chà, mẹ và các chị thì đi câu vó. Có những ngày cả gia đình tôi kiếm được hàng năm sáu mươi cân cua. Số cua dùng không hết, bố tôi chẳng bao giờ cho bán, ông sai chúng tôi mang đến cho các đồng nghiệp của ông ở trong đê tả ngạn Sông Hồng, hặc mang biếu các bạn thơ của ông bên thị xã Sơn Tây. Vào đầu mùa hạ cuối năm học lớp sáu dù còn bé nhưng tôi cũng háo hức xông pha xuống đầm kiếm cua. Do tôi là con út nên rất được chiều chuộng. Bố tôi đặt hàng ông Quýt (kiện tướng đan giậm) làng bên đan cho một cái giậm "mi ni" vừa đẹp, vừa chắc khỏe. Nếu giậm của người lớn dài khoảng 1, 5m thì cái giậm mi ni ấy chỉ dài khoảng 90cm. Ông Quýt đan giậm giỏi nhưng đan giỏ đựng cua thì không đẹp lắm nên bố tôi đành thuê ông Hị (vua đan lờ cua của làng) đan cho tôi một chiếc "giỏ con" vô cùng xinh xắn và trông rất "hón". Chiều đó đi học về nhìn thấy cái giậm và cái giỏ mới tinh như vậy tôi đã rất phấn chấn vội vàng xin phép mẹ lao xuống Đầm Vạn để cào cua (một nhóm người quây tụ vào một vị trí, dùng giậm cào thật mạnh cho các gốc rong bật lên, cua náu trong các gốc rong đó phải ngoi ra và bị cào vào giậm). Sau khoảng hai tiếng đồng hồ miệt mài cào với các "thợ cào cua" chuyên nghiệp, tôi đã mang về được tận "mười tám" con cua mà trong đó có mười bảy con là cua bấy. Cua bấy là những con cua vừa mới lột xác nên toàn thân nó mềm như một chiếc bánh giầy và trong người nó chứa toàn sữa giống như sữa bò. Do mới lột xác nên cua bấy rất yếu không thể náu kỹ dưới gốc rong được nên dễ bị cào trúng hơn các con cua kềnh vốn cứng cáp, khỏe mạnh, giỏi náu dưới gốc rong. Nhìn thấy thành quả xuống đầm lần đầu của tôi như vậy, anh trai tôi cười khành khạch bảo: "Mai mày ở nhà cho lành", còn chị gái và các bạn của chị tủm tỉm: "Thôi mai em đi ném thính, câu cua với các chị cho đỡ mệt". Riêng bố tôi thì hết lời khen ngợi, ông lăng xăng đỡ giậm, tháo giỏ cho tôi và mang số cua bấy tôi kiếm được, giã lấy nước nấu canh với mướp hương và hành ta dành cho bữa tối. Mẹ tôi thì tỏ ra vô cùng vui sướng, hân hoan, hạnh phúc như vừa bắt được cái gì quý lắm. Từ lúc tôi đi giậm về cho đến sau bữa tối hôm đó mẹ tôi cứ thỉnh thoảng lại nhắc những câu đại loại: "Thằng bé thế mà giỏi; hôm nay ăn canh cua của thằng Hoài đấy nhé; canh cua bấy ngon ngọt là..". Tôi không thể diễn tả canh cua bấy ngon đến nhường nào nhưng sau này cứ mỗi dịp đi ăn ở các nhà hàng hay các tửu lầu dù sang trọng đến đâu, canh cua có chế biến tỉ mỉ đến thế nào thì tôi vẫn thấy nó không thơm, không ngon, không ngọt và không đậm đà như bát canh cua bấy ngày ấy. Đầm Vạn ngày nay đã trở thành khu du lịch sinh thái của một tập đoàn lớn. Diện tích đầm đã được thu hẹp để xây dựng Resort. Nguồn thủy sản tự nhiên đã không còn nữa mà thay vào đó người ta thả những con cá rất to để phục vụ cho nhu cầu "câu cá thư giãn" của khách du lịch. Dù sao đi nữa thì Đầm Vạn vẫn mãi là hình ảnh in hằn trong ký ức tuổi thơ một thời gian khó mà đi đâu, về đâu hay làm gì thì tôi cũng chẳng thể nào quên được. Lê Gia Hoài.