Công Chúa Liễu Hạnh

Thảo luận trong 'Thiếu Nhi' bắt đầu bởi Hồng Hải, 27 Tháng mười hai 2018.

  1. Hồng Hải Nếu cuộc đời này đáng sống thì cũng đáng để viết

    Bài viết:
    95
    Tương truyền rằng, Ngọc Hoàng có bảy cô con gái vô cùng xinh đẹp. Công chúa Liễu Hạnh là con gái út của Ngọc Hoàng. Do được nuông chiều từ nhỏ nên tính tình Liễu Hạnh rất ngang ngược, thích làm mọi việc theo ý mình. Ngoài ra, nàng còn không chịu tuân theo những khuôn phép nhà trời nên đã gây ra nhiều việc khiến Ngọc Hoàng luôn phải buồn lòng.

    Một lần, do mắc phải lỗi lầm không thể tha thứ được, Liễu Hạnh bị Ngọc Hoàng đầy xuống hạ giới. Ngọc Hoàng ra hạn trong ba năm dưới hạ giới, nàng phải sửa đổi lại tính tình thì mới được trở về thiên đình.

    Xuống trần gian, Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái xinh đẹp, mở quán bán nước ở chân đèo Ngang. Nơi đây tuy là vùng rừng núi hoang vu, nhưng do có con đường độc đạo thông từ Bắc vào Nam nên hàng ngày đều có rất đông người qua lại. Dạo đó, vì sợ thú dữ và bọn cướp tấn công nên không ai dám mở quán ở vùng này. Chính vì vậy mà quán nước của Liễu Hạnh rất đông khách. Tuy bị đầy xuống hạ giới nhưng tính tình Liễu Hạnh vẫn không thay đổi. Bất kỳ ai ghé vào quán nước của nàng, nếu chỉ uống nước, nghỉ ngơi một lát rồi lên đường ngay thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra.

    Nhưng hễ vị khách nào thấy cô chủ quán xinh đẹp mà giở trò bỡn cợt, bông đùa hoặc có ý cậy sức, cậy quyền định làm điều bất chính thì nàng quyết trị cho kẻ đó một trận. Nàng hóa phép cho kẻ đó nếu không ốm đau, bệnh tật thì cũng trở thành kẻ điên dại.

    Tiếng đồn về cô hàng nước xinh đẹp, một mình mở quán ở chân đèo Ngang lan ra ngày một xa. Mọi người đều bàn tán xôn xao. Người thì nói chủ quán là một nàng tiên xuống hạ giới để thử lòng người phàm trần. Kẻ thì bảo đó là một con yêu tinh biến hóa thành người.

    Kẻ khác thì lại nói đó là một cô gái võ nghệ cao cường, tính tình cương trực, căm ghét những phường dâm ô, háo sắc. Thậm chí còn có lời đồn: Chủ quán nước chẳng qua chỉ là một ả giang hồ, chuyên đi quyến rũ đám trai trẻ làm điều xằng bậy. Mỗi người nói một kiểu khác nhau nên chẳng biết nên tin ai cả. Vì thế, tung tích của Liễu Hạnh vẫn là một điều bí ẩn.

    Bấy giờ là thời vua Lê Thái Tổ trị vì thiên hạ. Hoàng thái tử con vua là một chàng trai trẻ tuổi, ham chơi lại mê nữ sắc. Tiếng đồn về một người con gái xinh đẹp tuyệt trần mở quán bán nước dưới chân đèo Ngang rồi cũng đến tai hoàng thái tử. Ngay lập tức chàng muốn sai quân lính đi mang cô gái kia về cung nhưng chàng còn e ngại. Hoàng thái tử sợ việc đó sẽ làm náo loạn, sẽ đồn đến tai vua cha, thì chàng sẽ bị vua cha trừng phạt. Lại nghe nói cô gái đó võ nghệ cao cường, có nhiều tài phép nên hoàng thái tử đành phải bỏ ý định ban đầu. Rồi một ngày nọ, do không ngăn được tính hiếu kỳ, hoàng thái tử bèn giấu vua cha và hoàng hậu, đóng giả làm một công tử con nhà giàu, mang theo đoàn tùy tùng cải trang làm một lái buôn lên đường đến chân đèo Ngang. Sau mười mấy ngày vất vả trên lưng ngựa, hoàng thái tử đã tới được núi Nam Giới, là nơi giáp ranh với chân đèo Ngang.

    Lúc này Liễu Hạnh đã biết là có một vị hoàng thái tử họ Lê đến tìm mình. Nhưng đồng thời nàng cũng biết đó chẳng qua chỉ là một kẻ tầm thường, không có tài cán gì, cậy mình là con vua mà kiêu căng, tự phụ. Để cản bước của chàng hoàng thái tử kia, và không muốn có chuyện gì đáng tiếc xảy ra với chàng, Liễu Hạnh bèn hóa phép biến thành một cây đào to lớn, mọc ở vệ đường ngay chỗ hoàng thái tử nghỉ chân. Trên cây, chỉ có độc nhất một quả đào rất to, chín mọng, lại tỏa mùi hương thơm phức, trông rất hấp dẫn. Quả nhiên, hoàng thái tử vừa nhìn thấy trái đào đã rất thèm. Chàng vội sai quân hầu trèo lên cây hái xuống cho mình. Nhìn quả đào ngon lành trên tay, hoàng thái tử định đưa lên miệng cắn thì bỗng nhiên quả đào trở nên mềm nhũn rồi nhỏ dần, nhỏ dần và cuối cùng thì biến mất. Quay đầu lại nhìn thì chàng cũng chẳng thấy cây đào kia đâu nữa. Bọn thị vệ hốt hoảng la lên:

    - Ma! Ma! Cây đào này có ma!

    Hoàng thái tử cũng vô cùng hoảng sợ, vội truyền lệnh nhanh chóng rời khỏi chỗ đó. Do không hiểu đó là sự cảnh cáo kín đáo của Liễu Hạnh nên hoàng thái tử cùng đoàn tùy tùng vẫn thẳng tiến về phía chân đèo. Chẳng mấy chốc, đoàn người đã tới trước cửa quán nước của Liễu Hạnh. Vừa nhìn thấy nàng, cả hoàng thái tử lẫn đoàn tùy tùng đều ngây người, đứng im như tượng. Quả thật, đây là lần đầu tiên họ gặp một cô gái xinh đẹp như vậy. Ngay cả những cung tần, mỹ nữ trong cung vua cũng không thể sánh được với sắc đẹp của nàng. Hoàng thái tử bèn kín đáo ra lệnh cho đám tùy tùng dừng chân vào quán để nghỉ ngơi. Sau khi cả đoàn ăn uống, nghỉ ngơi đến tận chiều tối, lúc mà người khách cuối cùng đã đứng dậy rời đi. Hoàng thái tử liền nói với Liễu Hạnh:

    - Chúng ta là những người ở xa tới. Nay trời đã tối, mà đường xá còn xa xôi. Chẳng hay nữ chủ quán có vui lòng cho chúng ta ở nhờ một đêm hay không? Liễu Hạnh đã nhìn thấu tâm can của hoàng thái tử nên hết lời từ chối. Nàng trả lời:

    - Thưa công tử, ở đây hàng quán chật chội. Vả lại chỉ có mình thiếp là phận đàn bà con gái. Nếu các vị ở lại đây e là không tiện. Mong các vị quá bộ đi thêm một đoạn đường ngắn nữa về phía Đông, nơi đó có làng xóm, nhà cửa, cùng các đồ dùng sinh hoạt, tiện cho các vị trú chân hơn.

    Nhưng hoàng thái tử nhất mực không chịu rời. Chàng còn hứa là sẽ không làm phiền công chúa, ngoài việc mượn nàng một chỗ để nghỉ tạm, sáng mai sẽ lên đường sớm. Liễu Hạnh không còn cách nào khác đành phải nhận lời.

    Tối hôm đó, đám tùy tùng sau khi cơm nước no say, trải chiếu nằm la liệt ngoài sân. Trong lúc đó, hoàng thái tử vẫn ngồi trong quán nói chuyện với cô chủ quán. Dưới ánh đèn dầu, mờ mờ, ảo ảo, khuôn mặt Liễu Hạnh dường như thêm phần xinh đẹp. Lại cộng thêm những lời nói ngọt ngào được thốt ra từ đôi môi xinh xắn của nàng, càng lúc càng làm cho hoàng thái tử mê mẩn. Đêm dần khuya, lời nói của hoàng thái tử ngày càng lả lơi, bỡn cợt. Liễu Hạnh thấy vậy bèn xin phép cáo từ vào buồng trong đi nghỉ. Hoàng thái tử lúc này không còn tự chủ được nữa, vội vàng bước theo Liễu Hạnh vào trong định giở trò suồng sã. Hắn vừa toan ôm lấy nàng thì trong nháy mắt, hình ảnh cô chủ quán có sắc đẹp mê hồn biến mất. Thay vào đó là một con vượn cái đầy lông lá. Hoàng thái tử sợ hãi vội lùi lại. Nhưng hắn chưa kịp định thần thì con vượn đâu chẳng thấy, chỉ thấy một con xà tinh to lớn cuốn chặt lấy người. Mồm con xà tinh há to ra, lưỡi đỏ rực như lửa, phun phì phì.

    Hoàng thái tử quá kinh hãi, chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngã ra đất bất tỉnh. Bọn quân hầu nghe thấy tiếng hét, vội chạy vào thì chẳng thấy gì cả, chỉ thấy hoàng thái tử đang nằm trên sàn nhà, mặt trắng bệch như xác chết. Bọn chúng vội vàng khiêng hoàng thái tử lên ngựa, bất kể ngày đêm, đưa hoàng thái tử về kinh thành.

    Hoàng thái tử về đến cung nhưng đã trở thành người mất trí, nói cười điên loạn, ngay cả Hoàng hậu là mẹ đẻ của mình cũng không nhận ra. Nhà vua vô cùng đau buồn, đã cho các thầy thuốc giỏi nhất đến trị bệnh cho hoàng thái tử. Nhưng bọn họ đều lắc đầu bó tay. Bệnh tình của chàng ngày một thêm trầm trọng. Cuối cùng nghe có người khuyên nên đi xin bùa phép của tám vị Kim Cang ở xứ Thanh, sẽ rất hiệu nghiệm. Nhà vua lập tức sai người lên đường đến xứ Thanh xin bùa phép. Lại nói chuyện cách đó một nghìn năm, khi mặt đất có rất ít dân cư sinh sống. Bọn ma quỷ thường hoành hành tác oai tác quái. Một hôm, Phật Bà Quan Âm hiện lên ở biển Đông, hóa phép ra hai cái túi. Một túi để lại giữa biển, một túi mang đến để trên đỉnh núi Ói, Thanh Hóa. Sau một năm, một túi nở ra hai đóa hoa to lớn, dị thường. Rồi qua ba ngày ba đêm, từ trong mỗi đóa hoa hiện ra bốn vị tướng. Vị nào cũng có nhiều tài phép, biến hóa khôn lường. Tám vị đó chia nhau ra tám hướng để tiêu diệt hết tà ma, yêu quái, trừ hại cho dân chúng. Sau đó, theo lệnh của Phật Bà, họ đến cư trú tại núi Ói. Người trong thiên hạ quen gọi đó là Bát Bộ Kim Cang.

    Nhờ bùa phép xin được của Bát Bộ Kim Cang, hoàng thái tử dần dần khỏi bệnh. Sau khi bình phục, hoàng thái tử liền đến cúi đầu nhận tội với vua cha. Chàng kể cho nhà vua nghe câu chuyện về cuộc gặp gỡ của mình với nữ chủ quán xinh đẹp ở đèo Ngang. Nhà vua nghe xong vô cùng tức giận vì hoàng thái tử đã lén trốn ra khỏi cung mà không xin phép vua cha, lúc trở về lại chịu cảnh thân tàn ma dại. Vua xuống chiếu ra lệnh cho hoàng thái tử phải ở trong cung ba năm, không được bước chân ra ngoài, nhà vua còn ban lệnh cho quan trấn thủ ở Nghệ An điều tra rõ về lai lịch của nữ chủ quán ở đèo Ngang để tâu lại với đức vua. Sau một thời gian cho người cất công dò la, thậm chí còn đích thân đến xem xét, quan trấn thủ gửi sớ về tâu với đức vua rằng:

    - Tâu bệ hạ, đó là một con yêu nữ vô cùng xinh đẹp, không biết từ đâu tới. Hơn nữa cô ta còn có võ nghệ cao cường, nhiều tài phép thần thông. Nếu không phải là người có tài phép cao cường thì khó lòng hàng phục được ả.

    Vua xem xong bản tấu, tức giận lắm. Người ra lệnh mời các pháp sư giỏi nhất thiên hạ tới để bàn cách diệt trừ yêu quái. Nhưng chẳng một ai có thể làm gì được Liễu Hạnh. Mọi phép thuật mà họ giở ra đều bị nàng thu hồi hết. Nhà vua chẳng biết làm gì hơn, đành đích thân tới cầu cứu tám vị Kim Cang. Nhận lời giúp vua, tám vị Kim Cang lập tức đi tới đèo Ngang. Đoán được chuyện chẳng lành, Liễu Hạnh vội ra ứng chiến. Vừa nhìn thấy nàng, tám vị Kim Cang liền hợp nhau lại dùng phép phun lửa hòng đốt cháy Liễu Hạnh. Nàng lập tức gọi một trận mưa tới, dập tắt lửa. Thấy vậy, tám vị Kim Cang bèn làm một trận bão lớn, sấm sét đánh liên hồi, gió giật khủng khiếp, cây đổ khắp nơi. Liễu Hạnh cũng không vừa, nàng hóa phép làm cho cây cối đứng thẳng dậy, cùng đất đá khắp nơi bay ào ào về phía tám vị Kim Cang. Trận đấu diễn ra ngày càng ác liệt. Hai bên đã lần lượt trổ hết mọi phép thần thông mà vẫn không phân thắng bại. Đèo Ngang trở thành một bãi chiến trường lớn. Rừng cây thì xơ xác, muông thú nằm chết la liệt, đất đá bay tứ tung. Cuối cùng, biết không thể địch nổi, tám vị Kim Cang liền bay lên trời cầu xin sự giúp đỡ của Phật Bà. Phật Bà bèn ném cho họ một cái túi thần. Quả nhiên, khi Liễu Hạnh tới gần, tám vị Kim Cang mở túi ra thì nàng lập tức bị hút vào đó không thể chống cự được. Tám vị Kim Cang vội mang túi về kinh báo tin vui cho đức vua. Nhà vua lập tức cho thiết triều để tra hỏi. Liễu Hạnh bị trói bằng một sợi dây đã được yểm bùa nên mất hết phép thuật. Nàng bị áp giải tới trước mặt vua. Vừa nhìn thấy nàng, đức vua giận dữ quát:

    - Nhà ngươi là ai, từ đâu tới mà dám đến đây gây náo loạn?

    - Tâu bệ hạ, thần thiếp là con gái Ngọc Hoàng do phạm vào phép trời nên bị đầy xuống hạ giới.

    - Ngươi tự xưng là con gái Ngọc Hoàng nhưng sao lại phá phách dân chúng, làm hại hoàng thái tử con ta?

    - Thưa bệ hạ, việc trừng trị bọn đàn ông chuyên đi chòng ghẹo, hãm hại nữ nhi là việc nên làm. Thần thiếp thiết tưởng cho dù đó là hoàng thái tử chăng nữa, nếu phạm phải tội đó cũng đáng bị trừng phạt như dân thường. Xin bệ hạ minh giám.

    Thấy Liễu Hạnh xinh đẹp, tài giỏi, lại xưng là con gái Ngọc Hoàng, đối đáp khôn ngoan, nhà vua dần dần nguôi giận.

    Sau một hồi suy nghĩ, vua quyết định sẽ tha cho nàng, không trừng phạt nữa. Trước khi thả Liễu Hạnh ra, nhà vua khuyên nàng từ nay về sau đừng gây náo loạn, giết hại dân lành nữa. Liễu Hạnh cảm tạ ơn đức của nhà vua rồi trở về đèo Ngang. Từ đó, nàng tu tỉnh tâm tính, không ngang ngược, gây chuyện với người qua lại nữa.

    Một thời gian sau, Liễu Hạnh mang thai. Đến ngày sinh nở, nàng sinh hạ ra một cậu con trai. Điều kỳ lạ là mỗi bàn tay và bàn chân của nó đều có sáu ngón. Nàng bèn mang con đến một ngôi chùa trên núi Hồng Lĩnh, gửi sư trụ trì và nhờ nhà chùa nuôi dạy con nàng. Nàng nhờ vị sư cụ chăm sóc đứa trẻ cẩn thận, giúp đỡ nó để mai sau đứa trẻ trở thành người có ích cho nước nhà. Đó cũng chính là lúc Liễu Hạnh hết hạn ở dưới trần gian. Sau khi ôm hôn và từ biệt con lần cuối, nàng bay về trời đoàn tụ với cha mẹ.

    Nhưng chẳng bao lâu nàng lại bị đầy xuống hạ giới lần thứ hai. Lần này, Liễu Hạnh lấy đèo Ba Dội làm chỗ trú chân. Nàng hóa phép ra một tòa thành cao lớn, rộng rãi, bốn bề đều có tường bao bọc. Bên trong thành, nàng cho trồng đủ các loại hoa thơm cỏ lạ, và các loài cây ăn quả đủ cả bốn mùa. Chim chóc, muông thú quý hiếm đều tập trung đầy đủ ở đây. Cảnh sắc nơi này luôn luôn tưng bừng, vui nhộn. Cửa thành được mở suốt ngày đêm cho mọi người qua lại đều được tự do vào ngắm nhìn, nghỉ ngơi. Cũng giống như ở đèo Ngang, Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái xinh đẹp, mở quán nước ở trong thành. Mọi người ai dừng chân ghé vào uống nước rồi đi thì không sao. Nhưng ngược lại, kẻ có tâm địa xấu xa muốn giở thói trăng hoa, hay phường trộm cướp, bất lương thì sẽ bị Liễu Hạnh trừng trị đích đáng. Ngày tháng trôi qua, cũng như lần trước, Liễu Hạnh lại mang thai. Nàng sinh ra một bé trai nhưng ở mỗi bàn chân, bàn tay đều thiếu một ngón. Lần này, nàng đem con đến chùa Bá Đỏ, gửi cho một vị sư nữ ở đó trông nom. Trước khi ra về, nàng dặn:

    - Ta xuống trần gian đã hai lần, nay sắp hết hạn, phải quay về trời. Mong sư cụ hãy chăm sóc đứa trẻ này cẩn thận. Mai sau nhất định nó sẽ trở thành một nhân tài của đất nước.

    Mấy ngày sau, Liễu Hạnh tự nhiên biến mất. Tòa thành ở đèo Ba Dội cũng tự nhiên phát cháy, không còn vết tích gì nữa. Hai đứa con của Liễu Hạnh khi trưởng thành đều lừng danh trong thiên hạ, đóng góp rất nhiều công sức cho nước nhà. Người ta nói rằng, một trong hai người đó chính là Trạng Quỳnh.

    Ngày nay, ở Nghệ An và Thanh Hóa, nhân dân hai vùng đã lập đền thờ Liễu Hạnh. Hàng năm, cứ đến ngày lễ là mọi người lại đến thắp hương, cầu khấn, mong gặp được nhiều điều tốt lành. Không ai dám làm điều gì xằng bậy ở trước cửa đền thờ Liễu Hạnh vì sợ nàng sẽ trừng phạt.
     
    shashaHany thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng mười hai 2018
Trả lời qua Facebook
Đang tải...