Có Những Mùa Hạ Không Trở Lại! Tác giả: Sơ Nguyệt Thể loại: Tự truyện, Truyện ngắn Số chương: 17 Link Thảo luận - góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của Sơ Nguyệt Văn án: Những cơn mưa rả rích tháng năm làm lòng người phiền muộn. Cái se lạnh ướt át càng khiến ta khó chịu, cảm giác miên man khó tả ấy cùng tiếng ve râm rang lại gợi nhớ đến biết bao nhiêu cuộc chia ly. Cứ mỗi chiều nhìn học sinh tan trường hối hả, các cô cậu đùa nhau dưới hàng phượng vĩ, tôi nhớ cái thuở còn đi học biết bao mà nay đã vùi sâu vào trong ký ức. Bao mùa hạ đi qua, dòng đời tắp nập, đã bao lâu rồi tôi không biết hạ là gì? Hôm nay mưa hạ buồn, tôi bâng khuâng nhớ về một thời đi học đã xa..
Chương 1: Hạ của tuổi thơ (1) Bấm để xem Mùa hạ nay khác rồi Mùa hạ nay hối hả Bộn bề trong cuộc sống Nhớ mùa hạ năm nào Tuổi thơ hóa diệu kỳ Thời gian không trở lại Tàn phai theo tháng ngày Chỉ còn trong trí nhớ Mùa hạ nào năm ấy Vô tư như màu nắng Ký ức mãi tươi đẹp Trong trí nhớ tuổi thơ Trên đôi dòng lưu bút! Thời gian thắm thoát trôi, thoắt cái tôi đã đi được gần ba mươi năm cuộc đời. Ngoái đầu nhìn lại từ trong ký ức xa xôi của tuổi thơ, tôi vô tư quên ngày tháng chẳng biết xuân hạ thu đông, chỉ mong sao ngày Tết mau đến để nhận phong bao lì xì, ăn những món ngon, mặc bộ quần áo mới, đi dép mới và vui đùa thỏa thích. Từ khi có ký ức, tôi nhớ năm tôi lên hai ba tuổi gì đó, có một lần mẹ chở tôi lên rẫy thăm ba. Đất rẫy nhà tôi ở gần biên giới Campuchia cách cửa khẩu Phước Tân vài km. Trưa hôm đó khi ăn cơm, tôi làm đổ canh nóng vì chiếc giường quá lâu năm đã bị thủng, thế là tôi giẫm lên làm nan tre bật ra khỏi giường. Tôi sợ hãi không dám khóc, nín thở không dám nói tiếng nào và chờ đợi bị ba la mắng, nhưng không hiểu sao lần đó tôi không bị mắng, ba im lặng không nói câu nào, tôi nghĩ ba hiểu tôi không cố ý. Ăn xong mẹ lôi tôi ra giếng tắm, vì tôi bị canh văng lên khắp người. Đó là ký ức duy nhất của tôi về mảnh đất ấy, sau này ba tôi bán đất đi khi tôi còn chưa đi học, mãi về sau tôi cũng không có cơ hội quay lại nơi đó lần nào nữa. Nhà tôi ở nghèo lắm lợp bằng mái tranh, cứ mỗi lần mưa xuống là bà nội, chị và tôi phải cầm chổi quét nước từ nền nhà ra sân vì mái tranh đã bị hư gần hết mà ba mẹ chưa có thời gian thay. Lúc đó tôi vừa quét vừa vui như đi hội vì được nghịch nước, nhưng tôi đâu hiểu tận trong tâm can bà nhói đau lo âu bởi cảnh nhà túng quẫn. Những gì khổ đau bà để bụng chứ không bao giờ nói ra, bà đã cực khổ hơn nửa đời người vẫn chưa được một lần nếm trải mùi vị của hạnh phúc. Tôi không để ý và có lẽ trong mắt bà đã long lanh những giọt nước mắt, nếp nhăn trên mặt bà càng hằng lên nhiều hơn. Bà lấy thùng, thau, nồi.. tất cả những thứ có thể chứa nước hứng những chỗ bị dột để nước không tràn ra nền nhà nhiều hơn, quét mãi không hết. Chị em tôi quét đến nửa chừng thì chán không quét nữa, mưa mãi càng lúc càng lớn đến bao giờ mới dừng, ba mẹ ở trên rẫy vẫn chưa về, nghe bà nói trời mưa lớn như này thì có thể ba mẹ sẽ không về. Tôi và chị chạy ra sân tắm mưa, bà cũng không ngăn chúng tôi vì dù ở trong nhà hay ở ngoài sân thì đều bị ướt cả nên chúng tôi được tắm mưa thỏa thích và còn nghịch nước tát nước lên nhau la hét ầm ĩ chơi vui quên cả thời gian, đến khi bà gọi vào nhà thì mới dừng lại được. Hạnh phúc nhất vẫn là sau cơn mưa, đêm về ba đi bắt ếch, nhái, lươn, cua, cá.. về cho mẹ làm những món ngon ăn nuốt cả lưỡi. Món canh chua ếch đồng, canh khoai môn nấu ếch làm cho thịt ếch càng thêm ngọt, thêm một chút rau mùi thì làm sao có thể cưỡng lại được. Nhái làm sạch cũng làm được rất nhiều món, nhái kho sả ớt, nhái kho nghệ, nhái bằm rồi ướp gia vị bỏ thêm tiêu và ớt sau đó làm thành viên ép mỏng chiên lên ăn với cơm. Trứng nhái xào ớt và củ hành cũng là món nhậu mà ba tôi rất thích. Còn có món cháo lươn, lẩu lươn, món này tôi không thích lắm, vì tôi không ăn được những món có da trơn, cá da trơn không vảy trừ phi chiên lên thì tôi mới ăn, còn kho luộc, nấu canh các thứ thì không bao giờ tôi ăn da của nó, tôi ghét nhất cái thứ trơn trượt ấy. Cả nhà ai cũng biết các món tôi không ăn được, cả nội tạng của các loại động vật tôi cũng không ăn. Mà cũng ngộ, cả nhà chỉ mỗi mình tôi kén ăn như thế, cứ mỗi lần mẹ nấu món tôi không ăn được thì coi như hôm đó tôi ăn rau củ, rau và các món chay tôi không kén chỉ ăn không được rau quả có vị đắng. Có lẽ cuộc đời đã quá đắng nên tôi ghét vị đắng của mọi thứ, thích sự ngọt ngào và lãng mạn chăng? Còn một món nữa rất đặc biệt, có nhiều người không dám ăn, còn quê tôi thì rất nhiều người ăn. Đó là món cháo cóc, cóc làm sạch bằm nhuyễn ướp gia vị thêm chút nước mắm, tiêu, ớt rồi xào lên, sau đó chờ cháo nhừ rồi bỏ vào khuấy đều, thêm chút hành lá. Thế là ta có món cháo cóc thơm ngon ngào ngạt và bổ dưỡng, người dân quê tôi xem cháo cóc là một món dược thiện ăn sẽ trị nhiều bệnh, nhà tôi cũng không biết là trị bệnh gì nên cứ ăn vào đã, không hết bệnh này cũng hết bệnh kia, tóm lại ăn sẽ tốt. Vì cóc là cậu ông trời nên khi làm cóc phải chú ý, không để cóc kêu lên tiếng khi làm thịt nó vì sợ ông trời nghe sẽ trách phạt, lật ngược cho bụng có ngửa lên vì phần lưng cóc có rất nhiều mục mang nọc độc sẽ bắn chất độc ra, nếu không cẩn thận bị bắn vào tay sẽ rất độc hại cho da, bắn vào mắt có thể sẽ bị mù mắt, còn phần bụng cóc không có mục chất độc, còn có khi ngửa bụng lên thì bụng cóc không bị đè bẹp thì mật và trứng cũng không bị dập sẽ không tiết ra chất độc thấm vào thịt, nếu không cẩn thận sẽ bị trúng độc khi ăn, làm cũng phải nhẹ nhàng. Cóc chúng ta chỉ ăn được thịt, còn những phần khác bỏ toàn bộ, khi làm không được để sót da cóc, phải rửa sạch. Đây là cách mà bà chỉ tôi làm, thuở nhỏ tôi đã làm không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng may mắn thay chưa lần nào cóc kêu cả, nghĩ lại lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ nhỡ cóc kêu thì mình phải làm thế nào? Ý nghĩ này mãi không được chứng thực vì lâu lắm rồi tôi không còn làm thịt cóc ếch nhái nữa, ở quê tôi ruộng đồng càng ít không còn chỗ cho chúng sống nữa, người dân cũng đua nhau bắt và chúng gần như sắp tuyệt chủng rồi. Mãi đến khi lớn lên tôi mới biết cóc là một loại dược liệu bên đông y gọi là thềm thừ, tôi không học đông y, cũng không biết họ làm cóc như thế nào và lấy phần nào của nó để làm thuốc. Mưa tạnh, chờ nước rút đi, chị em chúng tôi đào đất cát còn ướt xây thành luỹ mini để chơi, đứa nào xây nhanh nhất và nhà đẹp nhất, tường thành dài nhất, cổng vòm uy vũ nhất thì người đó thắng. Tôi hay chơi xấu, nhân lúc chị không chú ý thì lấy đá vứt sang làm nhà của chị sập, rồi giả vờ mình không hề biết gì, chị lại xây lại, còn tôi thì trộm cười trong lòng. Tôi nào biết chị luôn nhường mình, còn tôi lúc nào cũng hiếu thắng, muốn thắng bằng mọi cách rồi chơi xấu. Làm quá mức chị mà giận không chơi nữa, tôi không có ai chơi cùng, tôi cũng buồn rồi đi nan nỉ chị chơi cùng, làm nũng khóc lóc ỉ ôi các kiểu đến khi chị đồng ý. Chúng tôi chặt nhánh cây làm nhà, lấy lá làm tiền, lấy cỏ, lá chuối và bao đựng lúa của ba để lót trên mái nhà che nắng. Mẹ dạy chúng tôi làm bông hoa, kèn bằng lá dừa, cái kèn lớn và dài như ống tù-và nên gọi kèn tù-và, cả chim bồ câu và con ong bầu kêu rất lớn khi chúng tôi dùng gọng tàu dừa quay tròn. Bà tôi rất giỏi đan giỏ xách và đan quạt tay bằng lá dừa, chị em tôi lúc nào cũng tranh cái đầu tiên được đan thành để chơi. Bà còn biết bó chổi quét sân bằng tàu dừa rất đẹp. Có những ngày chúng tôi cùng với các chị em họ con nhà chú bác và vài đứa bạn hàng xóm cùng nhau nặn đồ chơi bằng đất sét, mọi người sáng tạo đủ loại đồ chơi hình thù kỳ quái, nồi chén gáo bồn, dụng cụ làm bếp, dao kéo, các loại quả, các con vật khác nhau. Ba tôi cũng góp vui cùng, ba nặn con trâu rất khéo, có lẽ ba và con trâu gắng bó với nhau mỗi ngày mà từng chi tiết nhỏ trên người nó ba đều quen thuộc. Chúng tôi ngưỡng mộ ba nhất, ba không gì là làm không được, lúc ấy tôi nghĩ như thế. Vài ngày chúng tôi lại chán cái trò đất sét ấy, bọn tôi đem tất cả các đồ chơi nặn bằng đất ấy ra làm tạ ném ra thật xa, cuộc thi cũng bắt đầu, ai ném xa nhất và số lần nhiều nhất thì thắng. Lúc đầu chúng tôi trân quý nâng niu các món đồ bằng đất bao nhiêu thì nay khi chán nó lại trở thành những quả tạ để ném ra ruộng rất xa rất xa. Chúng nó đến từ bùn đất và đã âm thầm lặng lẽ cống hiến hết giá trị của mình để phục vụ chúng tôi như thế, rồi một ngày nào đó chúng nó cũng trở về với đất mẹ mà thôi. Tuổi thơ biết bao nhiêu là trò chơi dân dã được đất trời ban tặng, cái thời những cây rừng xung quanh rộng đồng chưa bị phá bỏ đều là nguyên liệu đồ chơi cho chúng tôi. Đừng tưởng chị em chúng tôi đều là con gái mà không nghịch, bọn tôi phá phách đủ kiểu cả. Ngày xưa nhà tôi có nuôi một chú chó bằng tuổi tôi, tên cậu ấy là Cò vì toàn thân cậu ấy trắng muốt như màu của chim Cò bay trên đồng ruộng vậy. Mẹ kể khi sinh tôi ra thì cũng là lúc ba tôi xin cậu về nuôi, cậu rất khôn và giỏi bắt chuột, bắt rắn, trông nhà hay đi rẫy cậu đều giỏi cả. Tôi cũng rất thân với cậu ấy, mẹ muốn nuôi thêm vài chú chó nữa để phụ giữ nhà mỗi khi cậu Cò đi rẫy với ba tôi. Thế là có thêm hai chú cún màu đen và vàng được mẹ mang về, tôi và chị hay kêu chúng nó rồi chọc cho nó rượt đuổi chị em tôi chạy, chạy mệt thì tót lên võng cao để chúng nó không chồm lên tới. Sau vài tháng khi chúng nó lớn một chút thì chị em tôi vẫn chọc và bị rượt, thế là hai chị em chạy thật nhanh trèo lên giường hoặc tót lên cây chứ võng là không chơi được nữa sẽ bị chúng nó cào rách võng, lúc đó mẹ lại rượt đánh đòn chị em tôi thì khổ. Chị em tôi không sợ đòn roi của bà và mẹ, nhiều khi bà và mẹ rượt đánh chúng tôi chạy khắp nhà, sau đó trèo lên cây trốn đến chiều mới xuống ăn cơm. Nhưng khi bị ba đánh thì chúng tôi sợ lắm, không dám trốn dù chỉ một bước. Phá thì phá như thế nhưng chị em tôi vẫn ngóng trông những ngày mẹ đi chợ về có quà bánh ăn, mỗi lần mẹ về là mắt chỉ dán vào giỏ của mẹ thôi. Nếu bữa nào mà mẹ không mua bánh thì bữa đó chúng tôi buồn cả ngày chẳng muốn chơi gì cả. Thời gian cứ thế trôi, vườn rau quả của ba cũng lớn lên, chị em chúng tôi lại chuyển qua bắt cào cào, châu chấu khắp trong vườn bí ba trồng. Đuổi bắt mệt thì nằm luôn xuống cỏ mát lạnh giữa vườn bí ấy, ngửa mặt nhìn lên không trung, trời xanh mây trắng gió nhè nhẹ thổi mát lạnh len lỏi vào từng thớ thịt. Chúng tôi nằm yên lặng nhìn mây bay ngẩng ngơ, tôi tưởng tượng ra rất nhiều hình thù kỳ quái và cảnh tượng sinh động từ những đám mây ấy, một mình cũng có thể ngẩng ngơ vui vẻ thật lâu, lâu đến nỗi tôi thiếp đi lúc nào không hay, đến khi mẹ gọi vào ăn chiều mới giật mình tỉnh dậy. Giữa những trò chơi dân gian đó còn có một trò bắn súng bằng ống thụt mà những đứa trẻ quê nghèo hay làm để chơi cũng in đậm trong tâm trí tôi. Ba tôi hay làm ống thụt bằng trúc, có người thích làm bằng tre, cả nhà tôi chỉ có ba làm ống thụt kêu to nhất. Làm ống thụt cũng là một môn nghệ thuật, nếu ống và chìa không canh đúng tỷ lệ thì còn lâu mới kêu lớn, tất nhiên có cả phần chọn đạn để bắn nữa. Chúng tôi vòi ba chỉ bí quyết làm ống thụt và cả bí quyết chọn đạn sao cho tốt nhất. Ba nói chọn trái cò-ke già làm đạn thì lúc bắn mới nổ to, trái non không cứng tiếng sẽ bị lép, trái chín mềm dễ tróc vỏ bên ngoài và trơn do có nước quả chín sẽ khó bắn mà còn dơ tay. Những đứa con gái thi xem ai bắn đạn nổ lớn nhất, còn bọn con trai thì chỉa ống vào bắn nhau, bọn con gái né xa ba thước vì sợ lạc đạn trúng người rất đau. Sau này khi đi học rồi đi làm không có nhiều thời gian để chơi nữa, những trò chơi ấy mãi mãi nằm ngủ yên trong ký ức tuổi thơ tôi.
Chương 2: Hạ của tuổi thơ (2) Bấm để xem Ngày ấy chị em chúng tôi rất nhát gan, mẹ hay nhát ma, hù dọa sẽ có ông già bắt cóc chúng tôi đi bán qua biên giới Campuchia hoặc biên giới Trung Quốc không tìm được đường về nhà để chị em chúng tôi không dám chạy đi chơi xa nhà, vì thời đó có rất nhiều người hay bắt cóc bán trẻ em xuyên biên giới. Từ đó chị em tôi rất sợ người lạ lại gần và được đặt cho cái biệt danh là "dân rừng", thì cũng đúng thôi bởi chúng tôi sống hòa hợp với núi rừng và cây cỏ, chơi cũng toàn lấy nguyên liệu từ đất trời. Rồi một ngày chị cũng vào lớp một, để lại mình tôi lẻ loi cô đơn chơi một mình, tôi buồn lắm chẳng hứng thú chơi bất kỳ thứ gì. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy, cái ngày mà làm thay đổi cả tính cách và con người tôi, để lại bóng ma tâm lý và những tổn thương khắc sâu trong cuộc đời. Để rồi đến tận hơn 10 năm sau đó, khi tôi 16 tuổi năm ấy mới thức tỉnh chợt nhận ra và thay đổi tính cách thêm lần nữa, từ đó tôi mới sống nhẹ nhàng tự tại nhiều hơn, không nặng lòng và nặng tâm tư như thuở trước. Đó là năm tôi lên 5 tuổi, một ngày mưa phùng lấc phất của những cơn mưa đầu hạ khi chị sắp bước vào nghỉ hè lớp một, mẹ có việc về quê ngoại, bà đang ở nhà chú út chưa về, chị đi học, ba đi cắt cỏ, ba dặn tôi ở yên trong nhà không được ra khỏi nhà, tôi ngoan ngoãn nghe lời nằm yên trên giường. Nhưng lúc tôi sắp ngủ thì tôi thấy sợ lắm, cứ nghĩ sẽ có ma tới bắt mình, ông già bắt cóc sẽ bắt mình đi bán hoặc băm mình lấy thịt làm chả lụa như lời mẹ kể. Cũng vì lời kể của mẹ mà tôi không bao giờ ăn chả lụa, đến tận bây giờ dù biết là giả nhưng tôi cũng không thích chả lụa, nỗi ám ảnh tuổi thơ quá lớn. Tôi sợ quá tuột xuống giường, rồi nhớ lời ba thế là bò lại lên giường, cứ thế tuột xuống bò lên đấu tranh tâm lý không biết bao nhiêu lần, cuối cùng nỗi sợ đánh bại lý trí, tôi mang dép vào chạy ra khỏi nhà như trốn khỏi một con quái thú cực lớn. Tôi chạy ra đầu đường lớn, thời đó đường còn làm bằng đất đỏ và rải đầy sỏi đá, tôi nhìn về phương Đông nơi mặt trời lên mỗi ngày và cũng là hướng đi về nhà ngoại. Tôi ngồi chờ mẹ về, chờ mãi chờ mãi không thấy bóng dáng xe đạp của mẹ đâu, tôi tiếp tục thẫn thờ chờ đợi, từ mưa lấc phất đến mưa hơi to làm ướt chiếc áo đầm màu hồng nhạt của tôi. Tôi rất thích mặc đầm màu hồng của công chúa ảo mộng, nhưng từ đây về sau đây là lần cuối cùng trong cuộc đời tôi mặc áo đầm màu hồng, từ đây về sau tôi ghét nhất màu hồng. Bỗng dưng từ phía sau một roi đánh vào người tôi thật đau điếng, tôi quay lại thì thấy ba đứng trừng mắt quát nạt bảo tôi về nhà. Tôi chạy theo đường cũ về và bị đánh không biết bao nhiêu roi, mỗi lần đánh đau quá tôi lấy tay đỡ và bị đánh vào ngón tay sưng húp. Đến nhà tôi bị bắt nằm sấp lên giường và lãnh một trận đòn nát mông. Ba vẫn phạt tôi nằm sấp úp mặt trên giường cấm không cho tôi xuống khỏi giường. Chiều mẹ về, tôi thổ lộ với mẹ tay mình bị ba đánh sưng, tôi chỉ muốn mẹ an ủi tôi một chút và thoa dầu cho tôi thì quá tốt rồi, tôi cũng đỡ tủi thân. Ai ngờ mẹ không hiểu, cũng chẳng tâm lý gì, bởi người dân quê lam lũ có ai quan tâm tâm lý trẻ con hay tâm hồn bé nhỏ của trẻ có bị tổn thương hay không đâu, ba mẹ lo cho chúng tôi cái ăn cái mặt đã đủ mệt thì còn sức đâu mà lo tâm lý hay tinh thần chúng tôi như thế nào, chúng tôi như những đứa con hoang dã trưởng thành theo bản năng của mình. Trong nhà mẹ lúc nào cũng nghe lời ba, nghe tôi mếu máo kể như thế, mẹ lại lớn tiếng gọi ba và hỏi ba đánh tôi sưng tay à, thế là tôi bị ba chửi tăng hai. Tôi tủi lắm chỉ khóc thầm một mình và không bao giờ tin mẹ nữa. Tôi ghét ba, ba không hiểu nỗi sợ của tôi, ba nói trên đời này làm gì có ma, mẹ cũng không hiểu tôi, mẹ là cùng một phe với ba không bênh vực tôi. Tôi chỉ sợ ma thôi, tôi có làm gì sai chứ. Chị về nhà, tôi nghĩ có nên kể cho chị nghe không, nghĩ tới khả năng chị có thể mách ba và tôi sẽ bị mắng thêm lần nữa, thế là tôi im lặng luôn, lặng lẽ ôm nỗi đau vào lòng. Kể từ đó tôi không tin vào ai cả, kể cả người thân bên cạnh mình, tôi giấu tâm tư của mình, giấu luôn mười vạn câu hỏi vì sao, sẽ không bao giờ hỏi tất cả những thắc mắc của mình, tôi có xu hướng tự tìm đáp án và câu nào không giải được sẽ để thời gian từ từ trả lời đến một năm, năm năm, mười năm rồi tôi cũng sẽ giải thích được điều mà tôi thắc mắc, có những câu tôi giải thích được nhưng tôi sẽ không đi kiểm chứng với ba mẹ hay chị như lúc trước nữa vì tôi sợ bị mắng. Rất lâu rất lâu mãi sau này đến tận bây giờ tôi cũng là típ người không chịu nổi bị la mắng, khi làm sai gì bị góp ý la mắng hay bị nói nặng tôi cũng tủi thân thật lâu. Càng tủi thân tôi lại càng im lặng. Từ ngày bị đánh, những ngày sau đó là những ngày khó ngao nhất, tôi không bao giờ có thể vui vẻ vô tư như trước được, vui một mình mình biết, buồn một mình mình hay, lo sợ, mất mát, ít nói, ít cười, gồng mình lên phòng bị và lanh lùng hơn, dữ dằn hơn. Tôi không tâm sự với bất kỳ ai, ôm trọn nỗi niềm đau nhói. Cứ mỗi lần mưa xuống nhìn ra khung cửa sổ, những hạt mưa nặng trĩu trút xuống như thác đổ ào ào thì đó là lúc tâm hồn tôi hòa quyện với làn nước chảy để chôn kín đi niềm đau và những giọt nước mắt đắng chảy ngược vào tim, vào sâu thẳm tận đáy lòng. Chính vì lặng im mà cứ sáng sớm tôi thức dậy ra ngắm bình minh lên, nhìn mặt trời thật kỹ tôi thấy nó là một quả bóng lửa treo trên không trung khổng lồ. Tôi ước gì mình được lên trên đó để không phải ở lại với nỗi buồn như bây giờ, tôi ước ao có một ai đó hiểu tôi biết bao nhiêu, nhưng hoàn toàn không có một ai cả. Rồi buổi chiều tôi lại ngồi nhìn hoàng hôn buông xuống, những ánh sáng cuối ngày chiếu qua từng tán cây kẽ lá, ánh lên màu xanh trên cánh rừng phía trước nhà rồi từ từ tắt lịm khi mặt trời khuất sau rừng cáy và lặng mất hút. Giờ đây chỉ còn lại trên vòm trời một vầng sáng đỏ hồng hắt lên, những tia sáng hiếm hoi cuối cùng cũng bịn rịn không muốn xa rời, tạm biệt giờ khắc cuối cùng của ngày tàn còn đọng lại. Không gian chìm vào yên tĩnh rồi bước dàn vào bóng tối, lúc đó tôi chìm vào khoảnh khắc vô vọng khi nhớ về những bi thương khổ đau luôn giằng xé trong tâm hồn mình. Chỉ với một ý nghĩ của tôi vào lúc 5 tuổi ấy đã hình thành nên tính cách ăn sâu vào xương máu và thấm sâu vào tận linh hồn tôi để hình thành nên tôi của những này tháng sau này. Cứ thế ngày lại qua ngày, thoắt cái đã quá nửa mùa hạ, đây cũng là lúc mùa trái cây rừng quê tôi nở rộ. Những đặc sản của vùng quê dân dã gắn liền với ký ức tuổi thơ của mỗi người con nơi đây, để rồi mai sau dù có đi đâu về đâu thì cái mùi trái cây rừng thoang thoảng xen lẫn vị ngọt của nước quả chín vẫn khiến lòng người lưu luyến mãi - mùi vị quê nhà. Nhớ ngày đó ba dẫn chị em chúng tôi đi khắp các bìa rừng quanh nhà dạo chơi rồi chỉ vào từng loại cây giảng giải cho chúng tôi biết tên gọi của nó và công dụng để làm gì, ba tôi biết rất nhiều loài cây thuốc quý, các loại thảo dược, đặc biệt là rất nhiều trái cây rừng có thể ăn. Tôi thích nhất những ngày cùng ba đi hái trái cây rừng, trong mắt tôi ba không gì làm không được, ba cái gì cũng biết cả. Chỉ cần có ba là chúng tôi không sợ bất cứ thứ gì, ba nhận nhiệm vụ hái trái chín, chúng tôi chỉ lo ăn là được. Vị ngọt thanh của táo rừng, thêm chút muối ớt, vị ngọt pha lẫn chút mằn mặn xen lẫn chút cay nhè nhẹ tạo nên một hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Để có được những quả táo ngọt cũng không phải là đơn giản mà phải tốn rất nhiều thời gian hái, trên thân cây táo rừng có rất nhiều gai nhọn không khéo sẽ bị đâm chảy máu rất đau, bị cào rách da hoặc gai mốc vào quần áo kéo rách vài mảnh vải. Táo chưa chín màu xanh không thể ăn, những trái mới vừa ửng chín còn có chút màu xanh chuyển sang màu vàng nhạt ăn vào vị chua chua ngọt ngọt cũng là một loại mỹ vị. Đợi đến lúc táo chín, từng trái đen bóng nhỏ xinh thấp thoáng ẩn hiện giữ những tán cây xanh um, ba tôi chỉ cần vươn tay là có thể hái được, chẳng bù với chị em chúng tôi muốn hái cũng với tay chẳng tới. Tôi ước mình lớn lên thật nhanh để có thể hái được những trá cây rừng mà thôi thích nhất. Không chỉ là hái táo, còn có hái trái sim rừng, từ khi vào hạ tôi mong từng ngày, mỗi ngày nhìn những cây sim từ không có hoa đến những nụ hoa mới nhú rồi đến bông hoa tím biếc nở rộ, trong lòng tôi lại miên man nghĩ về mùa hạ năm trước ông Năm hàng xóm dẫn chị em tôi đi hái sim rừng ăn, vị ngọt lịm của sim làm tôi dư vị mãi không quên, từ đó tôi để ý tìm kiếm rất nhiều cây sim xung quanh nhà và các bìa rừng, thấy được cây nào là tôi để ý cây đó, cứ cách vài ngày lại ra thăm, mong sim mau ra hoa kết trái, bởi lẽ hương vị ngọt ấy đã làm tâm hồn tôi mê mẫn như si như say. Cuối cùng tôi cũng nếm đến hương vị của sim chín, từng trái tím đen treo trên cành đung đưa theo gió, tôi nhè nhẹ hái xuống bỏ vào miệng thưởng thức cùng với cơn gió nhẹ mùa hạ thoảng qua mát lạnh ngọt lịm ngất ngây trong lòng. Tôi cũng là người tham ăn, lúc sim chưa chín sợ có người biết chúng nó tồn tại, tôi canh gác từng ngày chỉ đợi đến giây phút này được ăn đến những trái chín đầu mùa. Sim trên cây còn rất nhiều, tôi hái rồi cởi áo ra làm rổ mang về chia cho cả nhà cùng ăn, cả nhà thấy thế khen tôi hết lời. Sau đó chị em chúng tôi lại chinh chiến trên các bìa rừng và những cánh đồng tìm những rau quả có thể ăn được. Chúng tôi bắt đầu rong rủi trên đất rẫy của hàng xóm gần bìa rừng để hái mua ăn. Những bông hoa mua tím hồng nở rộ, giấu phía dưới là từng quả mua chín tím đen lộ ra từng múi thịt mua như đang mời gọi chúng tôi mau đem chúng nó hái xuống nếm thử hương vị trái ngọt. Trái mua vị ngọt lịm xen lẫn một chút nhẫn đắng của những hạt mua đen nhánh bao bọc phía ngoài múi mua, mỗi trái mua có bốn đến năm múi nở ra. Đừng nhìn hoa mua màu tím cùng trái mua chín màu tím đen giống với màu hoa sim và trái sim mà nhằm lẫn cây mua và cây sim là cùng loại cây. Đây đều là hiểu nhằm, đó là hai loại hoa trái khác nhau, trái sim không có lông quả, khi chín vỏ quả không bóc ra để lộ ra từng múi thịt quả như trái mua, trái sim không có múi, khi ăn sim thì ăn luôn cả vỏ, còn trái mua chỉ ăn được múi mua còn vỏ thì vứt đi. Suốt cả mùa sim và mua chín chị em chúng tôi ngày nào cũng hái ăn đến nỗi cái lưỡi lúc nào cũng nhuộm tím màu nước sốt của quả. Đầu bìa rừng có cây trường rất lớn, không biết đã bao nhiêu năm, thân cây cao to sum xuê bóng mát, tới mùa từng quả chín đỏ tươi như màu quả vải mà tôi nhìn thấy mấy đứa nhà hàng xóm hay ăn. Có lẽ cây trường mọc ở bìa rừng không ai chăm sóc nên trái cây không nhiều lắm, mỗi mùa cũng không đủ chị em chúng tôi tắc kẽ răng, mỗi đứa dăm ba trái là hết quả chín, vị chua ngọt còn lưu trong khoan miệng dư vị chưa đã thèm thì lại hết mùa trái cây. Cả trái mây cũng thế, chẳng có lúc nào là đủ cho chúng tôi ăn, từng chùm mây ẩn hiện sau lớp gai dài nhọn hoắc, khó mà hái được, chúng tôi luôn vòi ba mẹ hái mây để ăn, trái mây ăn vào lúc đầu ngọt nhưng sau khi ăn xong lưu lại vị chát trong khoang miệng hơi khó chịu, nhưng là con nhà nghèo như chúng tôi có trái cây ăn là quý rồi, chúng tôi cũng không chê vị chát của nó. Vui nhất là những ngày ba và chú bác đi rừng về sẽ có chùm đuông và trái trâm rừng ăn, hai loại trái này mọi nhà đều tranh thủ lên rừng hái về bán, chấm thêm muối ớt ăn là không chê vào đâu được. Nghĩ lại đến giờ vẫn thèm, lâu lắm rồi không còn thấy bóng dáng của các loại trái cây rừng ấy nữa, thật là rất lưu luyến mùi vị trái cây rừng biết bao, nhớ cả những trò chơi dân dã ngày ấy mà giờ đây chỉ còn lại là kỷ niệm của tuổi thơ xa xôi ấy. Ngẫm lại tuổi thơ vui vẻ của tôi cũng phải kể đến những đêm rằm trăng tròn, ánh trăng chiếu sáng khắp đất trời vẽ nên một khung cảnh nên thơ hùng vĩ cực kỳ mỹ lệ. Gió mùa hạ lùa vào mát mẻ xua tan đi cái nóng oi bức và càng thích thú hơn khi cả nhà khiêng giường ra giữa sân nằm ngắm trăng hóng mát. Chủ yếu là tôi và chị nằm nghe bà, ba và mẹ tôi kể về sự tích chú Cuội chị Hằng trên cung trăng, kể chuyện cổ tích, kể về chuyện thời ba mẹ chưa cưới nhau cuộc sống khó khăn như thế nào, cả những ngày chạy giặc sống dưới mưa bom bão đạn của Mỹ Nguỵ, còn xen kẽ những chuyện tình yêu thời tuổi trẻ của ba và của mẹ. Chúng tôi nhìn ánh trăng trong trẻo, sao trời lấp lánh và từng án mây trôi về phương xa, bên tai nghe kể chuyện xen lẫn tiếng cười nói rôn rả đến tận đêm khuya mới vào nhà ngủ. Còn có một lần đoàn gánh hát lên biểu diễn miễn phí cho dân làng giải trí, đêm đó sau khi ăn cơm ba dẫn chị em chúng tôi đi xem. Xem đến hơn phân nữa thời gian tôi buồn ngủ và cũng thấy nhàm chán vì họ hát gì nói gì trên sân khấu tôi nghe không hiểu nên vòi ba cõng về đi ngủ. Ba cõng tôi trên lưng, tay thì dắt chị tôi về, lưng ba rất rộng rất êm, từng nhịp lắc lư khi ba đi đường tựa như nhịp võng đong đưa cùng gió đêm nhè nhẹ thổi tôi ngủ lúc nào không hay, mở mắt ra đã thấy mình nằm trên giường và trời đã sáng. Đó là lần duy nhất trong đời tôi được đi xem hát, cũng là lần cuối cùng tôi được ba cõng trên lưng, sau này đi học và mãi đến khi tôi lớn ba cũng chưa lần nào cõng tôi nữa. Ký ức về gánh hát của ngày xưa khi thơ bé cũng chìm vào trong miền ký ức xa xăm. Những ngày tháng sống ở quê như thế vẫn tiếp tục, nơi đây vẫn rất ít nhà có điện, nhà tôi vẫn còn dùng đèn dầu để đốt, nhìn ngọn đèn thấp sáng mờ nhạt ánh lên bóng dáng kéo dài lên vách đất tôi cũng có thể nhìn thật lâu, tò mò nhìn ngọn đèn dưới ánh lửa bay múa rồi suy nghĩ phiêu xa đến tận nơi nào. Đến năm lên sáu tuổi, còn một tháng nữa là vào khai giảng năm học, tôi cũng sắp bước vào lớp một, thế là mẹ gửi tôi cho cô giáo đi học bổ túc trước khi vào năm học. Quê tôi thời đó cũng ít ai cho con đi học mẫu giáo, tôi cũng không ngoại lệ chẳng biết khái niệm trường mẫu giáo là gì, chỉ biết sáu tuổi là đi học lớp một mà thôi. Mãi đến ngày khai giảng, thế là tôi thật sự kết thúc những tháng ngày lêu lỏng để bước sang trang mới của cuộc đời, hành trình đi học để thành tài như ba mẹ và mọi người vẫn thường hay kể.
Chương 3: Những cánh diều Bấm để xem Ngày tổng kết năm học tôi cầm trên tay tấm bằng khen cũng là ngày cả nhà vui như tết. Ba hứa chiều tối ba làm diều cho mấy chị em chúng tôi chơi, ban ngày ba bận làm việc chỉ có tối là có thời gian chơi với chúng tôi. Ngày ấy thấy cả xóm làm diều chơi chúng tôi hâm mộ lắm, ba nói lần này làm diều coi như là phần thưởng cho tôi. Tôi vui sướng cười cả ngày không khép miệng lại được, nhìn những cánh diều trên bầu trời dưới ánh hoàng hôn mà tôi khát khao chờ mong diều của ba. Ăn cơm chiều xong ba bắt đầu làm diều, chúng tôi vây quanh hiếm lạ xem ba làm diều như thế nào, chúng tôi cũng từng thử làm diều nhưng chưa bao giờ có con diều nào bay lên cả, tôi hỏi ba "sao con cũng dán diều y như ba mà nó lại không bay được vậy?", ba chỉ cười to ra tiếng rồi nói dán diều cũng phải có kỹ thuật nếu không chú ý những chi tiết nhỏ ấy thì diều dù làm ra có y chan nhau cũng không bay lên được. Thế tôi mới biết không phải nhìn người ta dán diều bay cao thì mình dán nó cũng sẽ bay. Diều thời của chúng tôi không giống diều lớp trẻ mua chơi bây giờ đủ mọi màu sắc sặc sỡ lóa mắt, đủ loại hình thù kỳ lạ đa dạng và phong phú, ít ai làm diều để chơi vì tiết kiệm tiền như chúng tôi cả. Ba lấy giấy lịch đã cũ cắt hình thoi làm đầu diều, sau đó đến cánh diều rồi đuôi diều, lấy nhánh trúc nhỏ bẻ uốn cong và một nhánh để thẳng theo tỷ lệ vừa với khung hình thoi, sau đó dán cố định lại. Ba dán thêm cánh diều, đuôi diều ba không dán một đuôi như mấy đứa trong xóm mà dán hai đuôi, tạo thành diều hai đuôi, ba nói làm như vậy diều bay vừa cao vừa phát ra tiếng kêu to hơn khi bị gió va chạm trên không, ba buột thêm sợi dây cước nữa thế là một con diều nóng hổi được ra lò. Chúng tôi vui vẻ nhảy chân sáo thúc giục ba chạy nhanh ra đồng đem diều thả bay. Đêm đó là đêm trăng tròn nhưng không phải trăng của ngày mười lăm âm lịch nên vẫn còn một chút khuyết nhỏ nhưng không hề ảnh hưởng đến sự vui sướng của chúng tôi. Cả ngày tôi chỉ chờ đợi đến giây phút này, ba chạy một đoạn ngắn thì diều đã bay tít lên cao cùng ánh trăng, tôi reo hò vỗ tay nhìn diều mãi không chán. Diều càng bay càng cao, chị em tôi vừa nhìn diều vừa nghe ba kể chuyện về thời trẻ ba cũng chơi diều và ba lúc nào cũng làm diều bay cao nhất trong đám bạn chơi cùng, ba còn kể rất nhiều câu chuyện thú vị nữa, gió mát thổi, ánh trăng sáng ngời, sao trời lấp lánh cùng cánh diều lẻ loi trên bầu trời bay phấp phới, tôi nghe tiếng gió va chạm vào cánh diều từng tiếng vang tạo nên khúc nhạc trong trẻo trong đêm khuya tĩnh lặng. Ánh sáng in bóng diều xuống đất, tôi nghịch ngợm dùng chân dẫm lên bóng diều trên đất đùa giỡn với chiếc bóng ấy, lâu lâu lại ngẩng đầu lên cao xem diều còn nơi đó không. Mãi đến đêm khuya trăng lên cao, chúng tôi mới thu diều vào nhà ngủ. Đây cũng là lần duy nhất ba làm diều cho tôi chơi, đến mãi sau này nó đã trở thành kỉ niệm đẹp của tuổi thơ mà tôi cất giữ trân trọng. Hè này tôi cũng bắt đầu giúp ba mẹ làm những việc nhỏ trên đồng. Ba cuốc đất trồng rau muống, ba gieo hạt, chị em chúng tôi rải phân bón, mẹ thì tưới nước bằng vòi hoa sen để tránh hạt mới trồng bị trôi đi. Đợi hơn một tháng sau rau trưởng thành mẹ cắt ra chợ bán. Sau đó lại chăm sóc bón phân để chờ tân rau nảy mầm lớn lên cắt bán lần hai, chăm sóc thêm vài lần nữa thì rau cũng không còn tốt như lúc ban đầu mà đã có hoa nở vào cuối mùa nên ba mẹ để đợt rau này lại nhà mình ăn. Những bông hoa tím nhạt thi nhau nở rộ vui đùa với gió của buổi chiều, cũng là lúc chị em tôi đua nhau tìm hoa to nhất đẹp nhất hái cài lên tóc hoặc dùng cỏ bện thành vòng rồi cắm hoa rau muống vào tạo thành một vòng hoa xinh đẹp, chúng tôi gọi nhau là những cô tiên hoa và ảo tưởng ra đủ trò phép màu giống trong truyện ba cô tiên mà mẹ hay kể, mỗi người sắm vai một nhân vật chơi đến quên cả thời gian. Năm đó ba tôi cũng trồng thêm dưa hấu, dưa chín đem bổ ra ướp đá lạnh ăn thì còn gì bằng, giữa cái nóng oi bức của mùa hạ lại có món trái cây mát lạnh ăn cũng là một niềm hạnh phúc rồi. Vỏ dưa và dưa trái nhỏ có thể đem đi làm dưa muối rồi đem xào chua ngọt với tỏi ớt cũng là một món mỹ vị dân gian. Dưa xào, dưa luộc, dưa nấu canh, dưa mắm.. rất nhiều món kể ra đều thèm chảy nước miếng. Đặc biệt sau những cơn mưa mùa hạ, chị em tôi đi bắt cá đồng ở những vũng nước quanh ruộng, hái thêm rau bợ, rau chóc, rau trai.. về thêm món cho bữa ăn trong nhà. Trẻ em nghèo chúng tôi luôn trưởng thành sớm, làm gì cũng nghĩ phụ giúp ba mẹ, chỉ mong mình lớn nhanh để đỡ phần vất vả cho ba mẹ. Cứ nghĩ mùa hè nào cũng được lêu lỏng, ai ngờ đây lại là mùa hè lêu lỏng cuối cùng của tôi. Từ hè năm sau tôi lại bắt dầu dấn thân vào con đường kiếm tiền và từ đây hạ đối với tôi chỉ là những tháng ngày để đi làm thêm kiếm thêm chút tiền phụ ba mẹ và để mua tập sách vở đi học.
Chương 4: Những lần kiếm tiền đầu tiên Bấm để xem Mùa hè năm lớp hai khi đi chăn nghé ngoài đồng, tôi vô tình thấy rất nhiều người đang hái ớt thuê, tôi hỏi chủ ớt rồi chạy về nhà lấy rổ ra hái. Tôi hái từ sáu giờ sáng đến mười hai giờ ba mươi phút mới đem rổ chứa đầy ớt. Tôi hái đúng một hàng trong khi mọi người đã hái hết cả vườn ớt. Tôi cảm thấy rất vất vả, hái rất lâu rất lâu mãi mà vẫn chưa tới cuối hàng, rổ mãi chẳng thấy đầy. Trời rất nóng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, dù đội nón cũng cảm thấy nắng cháy cả tóc. Lần đầu tiên tôi kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, cũng là lần đầu tiên tôi làm ra tiền. Hôm đó tôi hái được 4 kg ớt và được trả 2000đ (500đ/kg). Hai nghìn đồng đó tôi trân trọng hơn bao giờ hết vì nó phải đánh đổi bằng mồ hôi công sức với bao vất vả lẫn những giọt mồ hôi nước mắt của cô bé mới vừa lên tám tuổi. Từ đó về sau tôi không bao giờ vòi tiền mẹ để ăn quà vặt dù chỉ 200đ bởi tôi biết để kiếm ra 500đ cũng phải đánh đổi biết bao mồ hôi công sức. Tôi mới hiểu rằng để có tiền cho chúng tôi ăn học ba mẹ không hề dễ dàng chút nào, từ đây bắt đầu mở ra hành trình mới, tôi và chị hái ớt suốt cả mùa hè này, lúc đầu 4kg đến 8kg, sau này tăng lên 10kg/ngày rồi 15kg/ngày cứ thế tăng dần. Mùa hè này chị em tôi kiếm cũng được kha khá tiền gửi mẹ ra chợ mua món ngon về ăn. Riêng tờ tiền hai nghìn lần đầu tiên kiếm được tôi không dám chi tiêu hay mua gì cả bởi nó quá quý trọng và có ý nghĩa rất đặc biệt trong cuộc đời tôi, tôi ép nó vào bìa sách, lâu lâu lại mở ra xem, vuốt phẳng những nếp nhăn trên đó, tôi để lâu đến nỗi những nếp gấp ấy được ép thẳng băng. Mỗi lần nhìn nó tôi lại nhớ đến những vất vả khó nhọc khi lần đầu tiên kiếm ra tiền, cái cảm giác ấy theo tôi mãi những năm tháng sau này. Một năm học nữa trôi qua, tôi với chị lao vào những ngày hái ớt, nhặt củi, hái rau dại khắp cánh đồng nọ đến cánh đồng kia. Mùa hè năm lớp ba có một chuyện xảy ra làm tôi nhớ mãi. Chị em tôi trộm thả trâu vào trong vườn điều (cây đào lộn hạt) nhà người ta rồi hai chị em trèo lên cao ngồi tít trên ngọn cây bạch đàn (cây khuynh diệp). Tôi cảm thấy hơi sợ nên bảo chị dẫn trâu ra nhưng chị lại thuyết phục tôi cho trâu ăn thêm một chút nữa, để rồi cuối cùng bị ông chủ vườn điều bắt gặp và mắng cho một trận. Lúc đó chị dặn tôi ngồi trên cây, nếu có chuyện gì thì chạy về gọi ba, còn chị chạy đến chỗ ông chủ. Tôi thấy ông ta lấy dây buột trâu đánh vào người chị và quát mắng, tôi chạy về gọi ba, ba nói gì đó với ông chủ tôi đứng ở xa nghe không rõ lắm. Về nhà cứ tưởng chúng tôi sẽ bị một trận no đòn nhưng ba lại im lặng không nói một lời không giống như phong cách của ba thường ngày làm tôi hơi sợ hãi. Rồi mọi chuyện cũng qua, cuộc sống vẫn tiếp tục, hàng tuần vào tối thứ bảy và sáng chủ nhật bà thường dẫn chúng tôi đi xem cải lương. Đây là lúc tôi vui sướng nhất, ngâm nga theo vài câu vọng cổ yêu thích, tôi cũng luyện được những bài ca cổ quen thuộc mà ba vẫn thường hay hát, có lẽ vì tôi học ca cổ theo ba mà tôi thường chọn những bài giọng nam để hát, giọng cũng trầm cho phù hợp với nhân vật trong câu hát ấy, sau này tôi đều hát được giọng của cả nam lẫn nữ. Kết thúc vỡ cải lương cũng là lúc các bà cháu tranh luận bàn tán và kể về những cảm xúc vui buồn giận ghét của mình với từng nhân vật trong vỡ tuồng ấy. Thời gian nhanh như chớp hè lớp bốn lại đến, bà tôi không còn khoẻ như xưa, ba và các cô chú bác thay nhau chăm sóc bà. Ba tôi không có thời gian nhiều để đi cắt cỏ cho trâu ăn, thế là tôi và chị bắt đầu học cắt cỏ phụ giúp ba và tôi cắt suốt ba năm liền. Chúng tôi còn đi lặt đậu phộng thuê, đậu được tính tiền theo thùng hoặc theo dạ (1 dạ = 2 thùng), người ta thuê giá 5000đ/dạ, chị em tôi làm cả ngày cũng được mười lăm đến hai mươi nghìn, có lần cao nhất chúng tôi được hai mươi lăm nghìn trong một ngày. Thời đó tiền còn rất giá trị, năm trăm đồng có thể mua được một bịch bánh trán trộn giá mười nghìn như bây giờ. Những ngày tháng như thế tuy vất vả nhưng êm đềm và hạnh phúc biết bao! Bà tôi mất vào Trung Thu năm tôi học lớp năm, tôi thấy mọi thứ đều trống trãi, trong nhà vắng bóng một người thật không thói quen, ngày đó tôi cũng chẳng thể hiểu ý của câu "mãi mãi không bao giờ gặp lại" là như thế nào, chỉ ngờ ngợ mơ hồ hiểu chút ít mà thôi. Tất cả chỉ còn là nỗi nhớ cùng với những câu vọng cổ, những câu hò lâu lâu được cất lên mang theo nỗi buồn da diết. Mẹ lại sinh em nhỏ, nhà lại càng khó khăn hơn. Mùa hè lớp năm tôi mười tuổi, chị mười hai và có thêm em gái tám tuổi theo chị em tôi cùng nhau hái rau, cắt cỏ, hái ớt, lặt đậu phộng, nhặt củi khô, hái nấm để kiếm thêm tiền. Hôm nào ít rau, củi và nấm sẽ để lại nhà ăn, có nhiều thì mẹ mang đi bán. Cỏ cắt bán một bao mười nghìn đồng, củi bán năm nghìn một bó khoảng 5 kg, ớt từ năm trăm đồng một ký sau ba năm chủ tăng lên được một nghìn đồng một ký, đến cuối mùa ớt trái nhỏ khó hái thì tăng lên một nghìn năm trăm đồng một ký, giá đậu phộng vẫn như năm trước năm nghìn một dạ. Ngoài đi làm kiếm thêm tiền thì nghĩ lại chị em chúng tôi cũng phá phách đủ kiểu, những trò trộm vặt của nhà hàng xóm năm nào vẫn còn đọng lại cảm giác kích thích tim đập nhanh và trở thành những hoài niệm khi tôi xa quê những năm tháng sau này. Đừng nhìn tôi trong não nhiều mưu ma chước quỷ chứ ý nghĩ trộm đồ không phải do tôi nghĩ ra đâu nhé, tất cả đều do chị rủ tôi cùng làm, tôi coi vậy chứ nhát lắm không dám liều đâu. Lần đầu chị rủ trộm dưa hấu nhà người ta, hai chị em bàn bạc thừa dịp đêm khuya đội ánh trăng ra hái, ban ngày chúng tôi đã dạo quanh ruộng vài vòng và để ý vị trí quả dưa to nhất, tính toán hái xong sẽ núp vào sau gốc cây to ở bìa rừng bổ dưa ra ăn. Người ta nói có câu tính trước bước không qua, tối đó hai chị em mò ra ruộng, đi giữa đường gió xào xạc lành lạnh cùng không gian yên tĩnh giữa đêm làm lòng người run sợ, cộng thêm thỉnh thoảng tiếng chó sủa tiếng chim kêu nghe rợn người. Chúng tôi không dám đi tiếp, hai chị em tự mình dọa mình rồi liếc nhau sau đó cùng ăn ý quay đầu chạy một mạch về nhà, thề không bao giờ ra xa nhà vào ban đêm nữa. Có lần chúng tôi trộm măng tre người ta trồng ở gần bìa rừng, hai chị em tôi cầm liềm đi cắt măng, chị đào măng và lắp đất che giấu dấu vết, tôi cầm giỏ đựng măng đồng thời nhận nhiệm vụ canh chừng xem có ai đến gần hoặc có ai nhìn chúng tôi từ xa để làm che giấu. Còn kinh hách và kích thích hơn khi tối chị và tôi cầm đèn pin ra phía sau nhà hàng xóm đào vài búp măng về làm măng chua. Chúng tôi vừa đào vừa run tim đập gia tốc, ai ngờ mới đào được hai búp thì nghe tiếng chó sủa, chị em tôi sợ hãi tắt đèn rồi chị xách giỏ chạy, tôi cũng chạy theo chị, dù hoảng hốt sợ hãi nhưng chúng tôi không hề lên tiếng kêu la mà lặng lẽ chạy bởi chúng tôi biết chỉ cần lên tiếng là lạy ông tôi ở bụi này để người ta bắt lấy mình, tôi cầm đèn nhưng không dám bật lên chỉ lặng lẽ chạy dọc theo đường bờ ruộng, trời tối như mực tôi bị trượt rất nhiều lần té chỏng vó nhưng bất chấp đau đớn cứ tiếp tục chạy và chạy đến khi về tới nhà mới biết mình an toàn, sống sót sau tai nạn hai chị em liếc nhau vừa thở hỗn hển vừa cười đau cả bụng. Ba mẹ không hề biết chúng tôi trộm măng mà chỉ tưởng chúng tôi đào măng của nhà mình vì nhà tôi cũng có một hàng tre và trúc. Lúc nhỏ chúng tôi làm những việc như thế chỉ nghĩ kích thích một chút, trộm vui vẻ và cũng cho nhà mình thêm ít món ăn dân dã, cũng bởi cái nghèo cái đói sinh ra cả, bần cùng sinh đạo tặc khi bụng đã đói thì chỉ nghĩ bụng mình no trước đã nhưng tận trong thâm tâm chúng tôi biết hành vi của mình là sai trái, ba từng dạy thà đói chết chứ không trộm đồ nhà người ta nên chúng tôi giấu ba mẹ không cho ba mẹ phát hiện ra mình khác thường. Những lúc đi cắt cỏ chị em tôi thường cắt cỏ trong rừng cao su - mía - mì, quê tôi cao su bạc ngàn nhìn không bao giờ đến cuối, những vườn mía vườn khoai mì được tính bằng hàng ngàn héc ta kéo dài đến tận chân trời. Ngày ấy chị em chúng tôi đạp xe xuyên qua rừng cao su - mía - mì mà đạp mỏi cả chân, lúc ngồi nghỉ ven đường chúng tôi thường chọn vài cây mía ngon nhất chặt xuống tướt vỏ rồi ăn luôn, vị ngọt thanh của nước mía làm dịu cơn khát đánh bay tất cả mỏi mệt đói khát còn đọng lại trên người chúng tôi giữa trưa hè nắng gắt. Đợi khoai mì có củ đủ lớn, chúng tôi trộm vài củ về mài lấy bột làm bánh. Trộm khoai mì cũng phải khéo léo để không bị nhận ra, tôi tìm củ to sau đó đào đất ra tìm được nơi cuống củ gắn với thân cây, lấy liềm cắt đứt rồi rút củ lên đào đất lắp lại nguyên vẹn và cây mì vẫn còn sống không bị chết như chưa bao giờ được lấy củ, mỗi cây khoai mì củ rất say có khi tới cả chục củ thì chị em chúng tôi cắt đi một củ cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Mỗi cây tôi chỉ chọn một củ to để cắt, chọn cây tốt nhất và mỗi lần chỉ cắt năm đến bảy củ đủ mài lấy bột cho nhà mình ăn. Thời đó tôi nghĩ người ta trồng nhiều như thế mình trộm vài củ chắc không sao và cũng nhờ vào chúng nó đã tiếp viện cho những ngày tháng đói khổ trong nhà không có chén cháo để ăn. Chúng tôi mỗi người chỉ có một chén cháo mỗi ngày, có khi không có cháo ăn, còn bí đỏ, khoai lang, bắp ngô và khoai mì thì cứ ăn vô tư bởi đó là những thứ do ba tôi trồng sẵn ở ruộng. Tôi ăn đến ngán những món này, dù mẹ biến đổi làm đa dạng các món khác nhau nhưng chung quy vẫn có cái mùi vị ấy trừ khi đổi mới nguyên liệu nấu ăn. Chúng tôi máy móc ăn và nuốt đại xuống để có gì đó trong bụng không phải bị đói, tôi thề sau này kiếm thật nhiều tiền để không bao giờ chịu cảnh đói khổ như thế này nữa. Những món ăn chống đói ấy cả nhà chúng tôi ăn đến lúc ba mẹ thu hoạch vụ lúa năm sau mới chấm dứt và có gạo nấu cơm, mỗi lần chịu đựng đến lúc này chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm. Đến mãi sau này khi đi học và đi làm xa nhà tôi không bao giờ ăn những món liên quan đến bí đỏ, khoai lang, khoai mì hay bắp ngô, tôi thật ám ảnh cái mùi vị của chúng nó trong suốt những năm tháng sống ở quê nhà nghèo khổ.
Chương 5: Mùa hạ năm thứ sáu Bấm để xem Cái ngày tôi bước vào cấp trung học cơ sở sao mà nghe bồi hồi thấp thỏm lo âu, đánh dấu một bước ngoặc mới cho đời tôi. Lúc đó tôi cảm giác bão táp cuồng phong sắp phủ vây lấy tôi trong những ngày đầu xa lạ trên đường một mình cô đơn. Thầy cô mới, cách dạy học mới, bạn mới, lớp học mới với bao điều bỡ ngỡ làm tôi phải chật vật thích ứng với hoàn cảnh mới thật lâu. Tôi phải tập trung hết sức lực để theo kịp bài giảng trên lớp, đây là những ngày tháng tôi thấy rất mệt, thời gian trôi qua thật chậm chạp. Tôi học trên lớp vào buổi sáng, buổi chiều về tôi đi chăn trâu, vừa chăn trâu vừa học bài, chiều lùa trâu về và tối làm bài tập về nhà. Nhờ chăn trâu mà ngày nào tôi cũng thả trâu ăn cỏ trên đồng rồi ngắm hoàng hôn từ từ buông xuống, cưỡi trên lưng trâu tôi chứng kiến tận mắt những tia sáng cuối cùng xuyên qua từng tán cây kẽ lá chiếu xuống thế gian để sưởi ấm vạn vật trong những phút giây cuối cùng của ngày tàn. Cảnh vật như phủ lên một lớp mạ vàng sáng long lanh đẹp như tranh vẽ, ánh nắng hắt lên rực rỡ rồi vụt tắt hẳn sau rặng tre già. Tôi quan sát rất tỉ mỉ hoàng hôn mỗi ngày, từ ban đầu tò mò xa lạ đến sau lại dần trở nên quen thuộc rồi thành thói quen mỗi ngày và chìm dần vào suy nghĩ mông lung mơ về một tương lai tươi sáng xa xôi. Tả cảnh hoàng hôn cũng là đề thi văn học cuối năm học, nhờ vậy mà làn đó bài thi tôi đạt 8, 5 điểm. Trong suốt năm học lớp sáu và mùa hè năm ấy tôi đều đi chăn trâu khắp tất cả các cánh đồng lớn nhỏ nơi thôn xóm. Lúc đầu tôi chỉ chăn bốn con trâu, hai con lớn và hai con vừa mới lớn, sau này hai con trâu mẹ sinh thêm hai con nghé con, thế là mình tôi chăn tất cả sáu con. Tôi với chúng nó đã gắn bó sớm chiều thân thiết với nhau, trâu là bạn hàng ngày với tôi, chúng nó rất khôn và ngoan ngoãn khi tôi quấn dây lên sừng để thả chúng nó ra đồng, chúng nó chưa bao giờ ăn lúa hay ăn khoai mì, mía trong ruộng nhà người ta. Nhà tôi vay nợ ngân hàng từ lúc bà mất, sắp tới hạn trả nợ nên ba tôi đành bán hết trâu để có tiền trả nợ. Ngày đó vào buổi chiều, bốn con trâu lớn và một con nghé sáu tháng tuổi từ giã nơi êm ấm mà chúng nó từng sống từng có những ngày được chủ vỗ về vô cùng hạnh phúc để ra đi, lòng tôi buồn vô hạn, một chú nghé ba tháng tuổi ở lại, đêm đó nó khát sữa gọi mẹ hoài không dứt, một cuộc chia ly làm tôi đau xé dạ, những tiếng gọi mẹ của nó vang lên trong không gian thảm thiết như níu kéo tình thâm ruột thịt, như oán trách con người đã nhẫn tâm đến giờ phút cuối cùng vẫn chia cắt mẹ con chúng nó. Tội nghiệp biết bao, nếu không phải lâm vào cảnh nợ nần ba tôi sẽ để bốn con trâu ấy lại cày ruộng. Tôi cũng bất lực, không cứu được chúng nó, tới mười hai giờ đêm chú nghé nhỏ gọi một tiếng thét tuyệt vọng chắc là nước mắt nó đã cạn, có lẽ mẹ con liền tâm nên nó vừa cảm nhận được mẹ nó vừa trút hơi thở cuối cùng. Đến ba giờ sáng chú nghé con cũng bị cột bốn chân lại rồi chở đi thịt. Thật xót xa cho số phận của những con vật ấy, bọn nó cũng chỉ còn biết chấp nhận số phận mà thôi. Có những lần mẹ bán chó, tôi thấy tự trong sâu thẳm nơi đáy mắt nó ánh lên sự vô vọng lo sợ, nó nhìn chủ và kêu ư ử cầu xin, nước mắt nó chảy xuống nhìn chúng tôi, ánh mắt đó tôi không bao giờ quên được. Tôi đứng đằng xa nhìn nó với ánh mắt thương mà không giúp gì được, tôi chỉ cầu chúc cho nó kiếp sau không cần làm động vật nữa, vĩnh biệt nó lần cuối và nhớ mãi cái giờ phút nó ra đi để lại lòng người rai rức mãi không yên. Năm này cậu Cò cũng mãi ra đi khi cậu tròn mười hai tuổi, cậu sống thọ và mất tại nhà, tính ra cậu ấy bằng tuổi tôi, cậu ấy đã sống và cống hiến hết mình không phụ lòng mong đợi của chủ nhân, cả nhà tôi ai cũng thương và quý cậu ấy. Quý cái sự trung thành một đời hướng về chủ nhân của cậu. Cậu ra đi thanh thản bình yên, tôi không nhìn thấy giờ phút cậu ra đi vì tôi bận thi cuối kỳ. Cậu bạn thân của tôi ra đi như thế, chỉ còn lại hình ảnh khắc sâu trong ký ức rồi chìm vào dĩ vãng, giờ đây tôi cô độc trên thế gian này, mãi đến sau này tôi chưa bao giờ có thêm một chú chó nào làm bạn nữa dù ba mẹ tôi có nuôi thêm nhiều con nữa để giữ nhà, nhưng mãi trong lòng tôi chưa con vật nào có thể thay thế được vị trí cậu Cò trong lòng tôi.
Chương 6: Khó khăn và khát vọng Hình ảnh cây điều (đào lộn hạt) Bấm để xem Mùa hè thứ bảy về rồi, lòng nao nao xúc động, cơn gió nồm mùa hạ lướt nhẹ qua làm xua tan bao mệt nhọc vất vả lo toan trọng cuộc sống. Trái ngược hoàng toàn với cái yên bình của khung cảnh miền quê ấy là bão táp mưa sa sắp ập đến bao phủ lên đầu chúng tôi. Gia cảnh nhà tôi mỗi ngày một khó khăn hơn, áp lực về tài chính áp suy sụp hy vọng cuối cùng trong lòng tôi khi nghe ba nói ra câu nói ấy "hai đứa bây kiếm được tiền thì đi học tiếp còn kiếm không được tiền thì nghỉ học, tao giờ không lo nổi cho tụi bây ăn học nữa rồi". Tôi ứa nước mắt, biết làm thế nào bây giờ? Những công việc hái ớt, lặt đậu, cắt cỏ, nhặt củi, làm cỏ hoặc ráp mành trúc thuê đều không đủ tiền mua sách vỡ và dụng cụ học tập cho năm chị em chúng tôi. Tôi biết chỉ có con đường học tập, tăng thêm tri thức mới có cơ hội thoát nghèo, tuổi mười ba năm ấy với nhiều khát vọng vươn lên không cho phép tôi gục ngã đầu hàng số phận, cái tuổi mà đáng lẽ ra phải được ăn học vui chơi vô tư nhưng với tôi thì khác tôi lo lắm suy nghĩ đủ mọi cách để có thể được tiếp tục đi học. Cuối cùng chị và tôi quyết định cùng nhau về quê ngoại ở nhờ nhà cậu và dì, sau đó vào công ty làm công nhân tách lụa hạt điều suốt ba tháng hè. Cái ngày đầu tiên ngủ xa nhà, đêm ấy tôi thấy lòng trống vắng có chút sợ hãi cho ngày mai không biết sẽ ra sao. Lần đầu tiên làm chung với người ta, cũng là lần đầu tiên tiếp xúc với công việc này, dì gửi chị em tôi cho dì Thuỷ hàng xóm dẫn đi làm chung, chị em chúng tôi không biết gì cả như một trang giấy trắng để tuỳ ý người ta vẽ lên màu sắc khác nhau khắc sâu vào trong tâm hồn mình. Đoạn ký ức khó khăn này thật sự rất khó quên, chị em tôi phải chật vật lắm lăn lộn cố hết sức mình cả ngày mới tách lụa được 3 kg/ người, hai chị em tổng cộng tách được 6 kg. Lúc về toàn thân ê ẩm, chị muốn bỏ về không làm nữa, tôi sợ lắm, mắt ngân ngấn nước nan nỉ chị ở lại làm với tôi. Hai chị em ôm nhau khóc, chị vỗ về tôi và hứa cùng nhau trải qua những ngày tháng vất vả. Ngày thứ hai đỡ hơn rồi đến ngày thứ ba thứ tư.. cứ khá dần hơn, quen dần với công việc rồi sẽ cảm thấy không còn quá khó chịu đựng như lúc ban đầu nữa. Tôi ngán nhất những ngày trực xưởng, mỗi tuần một lần, mỗi bàn trực trên dưới chục người, từ dọn cơm đến quét vỏ lụa, dùng sàng sẩy vỏ, gọt hàng sâu và hàng sót vỏ lụa, kiểm hàng rồi bê thùng hàng lên kệ đẩy vào kho. Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ và dùng sức lực rất nhiều, mỗi lần như thế đều rất mệt. Nhựa của vỏ lụa hạt điều rất độc, đích vào trên quần áo giặt mãi không trôi vết bẩn, nhựa điều bám vào da tay làm ăn mòn da, khổ nhất là khi đưa tay vào xà phòng giặt quần áo sẽ bị ngứa và tay sưng vù lên, càng gãi càng ngứa càng sưng đỏ bóng loáng. Trong công ty cũng không phải mọi việc đều hài hòa, có một số người thấy chị em chúng tôi hiền mà ức hiếp, sai vặt đủ thứ, chị em tôi nghĩ rằng làm cũng chỉ ba tháng hè nên một sự nhịn chín sự lành. Vậy mà cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, mình càng nhẫn nhịn người ta càng được nước lấn tới, đến lúc chịu không nổi nữa tôi dùng chiêu yếu thế để lấy được sự thương tiếc từ mọi người, hôm đó bị ức hiếp nữa thế là tôi khóc, yên lặng rớt nước mắt một cách ấm ức để ai cũng thương, rồi các dì các bác ai cũng răng dạy cái bọn ức hiếp chị em tôi ấy, bọn đấy toàn người trẻ tuổi chừng mười tám đôi mươi nên muốn bắt nạt ma mới. Chị em tôi được chuyển sang bàn khác để làm rời xa những đứa nghịch phá ấy. Tôi luôn mong ngày cuối tuần mau đến, chiều thứ bảy tôi lại cùng chị thong dong đạp xe về nhà trong cái cảm giác chờ mong, hạnh phúc. Chúng tôi lại về với ruộng đồng quen thuộc, tôi ước gì ngày chủ nhật mãi không bao giờ qua nhanh. Tôi nhớ những ngày cắt cỏ, hái ra, nhặt củi rồi cùng chị ngồi nghỉ mát dưới bóng cây gần bìa rừng, ngồi trên bãi cỏ nghe gió nhẹ lướt qua xua tan bao nhọc nhằn lẫn mồ hôi ướt đẫm lưng áo và chiếc nón vải nhẹ. Nhưng rồi mặt trời cũng lặn, làm sao có thể kể hết nỗi nhớ nhung khi xa cái mảnh đất mà mình gắn bó bao lâu nay. Giờ đây tôi mới hiểu cảm giác xa quê là như thế nào, một dòng cảm xúc dạc dào tuông chảy thấm sâu vào tận đáy lòng tôi. Tôi càng yêu tha thiết mảnh đất quê nhà, đã đến lúc đạp xe về nhà ngoại để tiếp tục công việc của tuần mới. Nỗi nhớ dâng lên, cảm giác lưu luyến không tha quanh quẩn trong trái tim, chị em chúng tôi lên xe mang theo nhiều rau củ và măng như mang theo tất cả ân tình của quê hương, nơi có ba mẹ luôn dõi theo bước chân chúng tôi, có những đứa em thơ cười tươi hớn hở và mong ngày thứ bảy mau đến để cười vui đón chị trở về. Chúng tôi lại tiếp tục kiếp công nhân. Tháng đầu tiên nhận lương, chúng tôi nhận được hai trăm năm mươi nghìn đồng, số tiền khá lớn mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ được cầm trên tay. Chị em tôi phụ thêm tiền gạo với dì, chỉ có dì mới lo cho chị em tôi, đôi khi dì cáu gắt vì chuyện công ty, chị em tôi yên lặng nghe không phát biểu câu gì. Dì thương chị em tôi lắm, dì lo tiền thức ăn, điện nước, chúng tôi chỉ cần phụ thêm tiền gạo. Ngày chị bệnh nên về nhà chữa bệnh, chỉ còn mình tôi đạp xe đi làm trong công ty, tôi cảm thấy cô đơn lạc lỏng, nước mắt rơi tôi nghĩ tại sao số phận lại khắc nghiệt với chúng tôi như thế, những ngày tháng khổ cực như thế này đến bao giờ mới kết thúc. Khi ấy tôi mới thấu hiểu những cơ cực mà ba mẹ gánh chịu để nuôi các con từng ngày. Ngày chị trở lại, tôi vui phơi phới nhưng chẳng bao lâu đến phiên tôi ngã bệnh, tôi bệnh sốt xuất huyết mặt nổi đầy chấm đỏ, tôi đành về nhà chữa bệnh để chị một mình đi làm. Tôi cũng lo cho chị, chỉ mong sao mình mau khỏi bệnh trở về đi làm cho có chị có em. Tháng nhận lương thứ hai chị em tôi được một triệu hsi trăm nghìn đồng và tháng cuối cùng nhận một triệu sáu trăm nghìn đồng. Tối đó tôi được dì chở đi mua dụng cụ học tập, tôi mua một trăm quyển tập trắng, một máy tính Casio, hộp đựng bút, giấy A4, hai hộp bút bi. Sáng hôm sau dì chở chị đi chợ mua áo sơ mi trắng, quần tây, dây nịch, cặp sách, dép và giày nữa. Ngày chị em tôi dọn về chuẩn bị khai giảng năm học mới, út buồn lắm vì út lại sống cuộc sống tẻ nhạt như trước còn phải chịu cảnh cậu năm lúc nào cũng sáng say chiều xỉn tối là đà, có lần cậu say rượu quậy phá đập tường lúc nửa đêm hại ba dì cháu chúng tôi phải ôm gối mền ra mái hiên nhà hàng xóm ngủ. Tuổi mười ba của tôi trôi qua như thế đó, đến năm học lớp tám chương trình học khó hơn, tuổi mười bốn lắm thăng trầm, năm học này đối với tôi cũng lên bổng xuống trầm không kém nhưng mọi chuyện rồi cũng đi vào quỹ đạo của nó. Tôi trưởng thành hơn một chút, ăn nói sắc bén hơn, suy nghĩ nhiều khía cạnh khác nhau và cẩn thận trong ứng xử rất nhiều. Mùa hè này không còn bỡ ngỡ lo lắng như mùa hè năm trước, sau ngày tổng kết chị em chúng tôi vội vã thu dọn đồ đạc về ngoại sớm tiếp tục làm công nhân tách lụa hạt điều để kiếm tiền chuẩn bị mua sách vở cho năm học sau. Lần này chị em tôi vẫn làm chung dì Thuỷ, chúng tôi nhanh chóng đi vào nề nếp của công ty. Vì tiết kiệm chi phí ăn uống và cũng để tránh phải vừa đến giờ cơm phải vội vàng giành giật từng giây phút để ăn, nếu chậm chút sẽ không còn cơm, ngày nào xui xẻo ngồi trúng bàn toàn nam thanh niên trai tráng cùng ăn thì hôm đó coi như chị em tôi ăn không đủ no. Lượng cơm mỗi bàn là như nhau, phần ăn cho sáu người, cứ nghĩ đến sức ăn tựa lang tựa hổ của bốn thanh niên thì bao nhiêu cơm mới đủ điền no bụng họ. Chẳng bù với chị em tôi vừa nhỏ bé vừa là con gái tuổi vị thành niên cũng không quen ăn cơm với tốc độ ánh sáng, chưa đầy năm phút cơm đã hết sạch. Chị em tôi dậy sớm từ bốn giờ sáng nấu cơm nhà mang theo ăn vì đường từ nhà ngoại đạp xe đến công ty cũng mất khoản một giờ. Dẫu vẫn biết mình cố gắng để không đụng chạm hay làm cho người khác chán ghét nhưng cuối cùng vẫn gây lộn với người ta. Dì Thuỷ đôi lúc cũng đổ quậu khi thấy chị em tôi làm mỗi ngày một giỏi, chúng tôi mỗi người làm được trung bình 10kg/ ngày, cao nhất từ 14 - 15 kg mỗi ngày chứ không phải là 3kg/ngày như lần đầu tiên, thời đó là hạt điều chỉ được trả 3400₫/kg. Hè này quen tay hay việc chị em tôi làm cũng được khoản một triệu sáu trăm nghìn đến hai triệu năm trăm nghìn đồng trong một tháng, một số tiền khá lớn cũng đủ năm chị em chúng tôi đi học. Tôi biết có nhiều người ganh tỵ với sự cố gắng của chúng tôi, tìm đủ cách để chọc phá khiến chúng tôi không tập trung làm được sẽ bị giảm sản lượng, chúng tôi đều nhịn và luôn tự nhủ chỉ cần nhẫn nại ba tháng thôi chỉ cần ba tháng thôi rồi thề sau này sẽ không bao giờ đi làm công nhân như thế này nữa. Cái tháng cuối cùng ấy như báo trước cho sự ra đi không bao giờ trở lại của chúng tôi, tôi thấy có một điều gì đó háo hức, một gông cùm được gỡ xuống, gánh nặng trên đôi vai được rủ bỏ. Tuần cuối cùng trước khi về đi học, người ta giành nhau kiểm hàng, khó chịu với chị em tôi, một trận cãi nhau gay gắt khi chị tôi không thể nhịn được nữa, quá ức chế thế là tức nước vỡ bờ. Sau lần đó những người đó còn dọa gọi giang hồ tới chặn đường chị em chúng tôi, bọn họ cũng từng là dân chơi côn đồ của vùng đấy, tôi bàn với chị còn mấy ngày nữa thì thôi mình lấy cớ trường gọi về đi học không làm nữa để bảo toàn thân thể không bị đánh, tôi sợ sẽ xảy ra chuyện gì làm mình hối hận cả đời. Thế là chúng tôi kết thúc kỳ nghĩ hè năm nay đột ngột như thế. Ngày tổng kết năm học lớp chín lặng lẽ tới, trời mưa không dứt, miên man mưa bụi làm lòng người lưu luyến nét đượm buồn hiện rõ trên từng gương mặt của các cô cậu học trò. Hàng phượng già cũng đứng lặng dưới mưa để giông tố thổi ngàn vạn cánh hoa rơi lả tả, cánh phượng lìa cây rơi rụng xuống đất giữa mưa gió tơi bời. Đứng lặng trước hành lang lớp học tôi nghe tiếng tim mình thổn thức, lại sắp xa thêm một ngôi trường thân quen nữa rồi, không biết sau này còn có dịp quay lại nơi đây nữa không? Chúng tôi không làm lễ tổng kết được, thầy chủ nhiệm phát thưởng tại lớp rồi cả lớp ra về. Tôi nhìn ra khung trời xa xăm, đáy lòng dâng lên chút quyến luyến không muốn xa rời xen lẫn chút chờ mong tương lai phía trước rồi háo hức mơ về ngôi trường mới cùng hành trình mới. Tôi đã kiên cường hơn rất nhiều cũng càng trầm lặng và lạnh lùng ít nói hơn, quyết tâm đứng trên chính đôi chân của mình dù sóng gió ra sao cũng không bao giờ gục ngã, một giọt nước mắt rơi xuống từ khoé mắt tôi tự lúc nào không hay, khẽ lau nước mắt đi tôi càng sục sôi ý chí chiến đấu chống chọi với những ngày tháng khó khăn sắp tới. Mùa hè tuổi mười lăm cứ ngỡ không phải làm công nhân nào ngờ lại vẫn phải tiếp tục, nếu không làm thì tiền đâu ra để đi học. Chị tôi học cấp ba chương trình học nhiều hơn nên không thể làm thêm vào kỳ nghĩ hè, tôi và em gái tiếp tục làm công nhân tách lụa hạt điều. May mắn lần này tôi không làm công ty cũ mà sang công ty mới làm gần nhà ngoại hơn, lần này tôi làm cùng dì năm bạn của mẹ tôi. Những ngày đầu suông sẻ, tôi quen với lượng công việc như thế rồi, tội nghiệp em gái tôi lần đầu làm nhiều việc như thế nên cả người mỏi mệt, tôi hiểu cái cảm giác ấy bởi tôi cũng từng trải qua như thế, tôi nói em gái làm ít một chút cũng không sao từ từ rồi sẽ quen, em ấy thức dậy bốn giờ không nổi thế là tôi dậy nấu cơm mang theo để em gái ngủ thêm chút nữa. Mỗi ngày chúng tôi làm từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối, đau vai, đau lưng, ngứa vì dị ứng với nhựa điều, có khổ cũng cắn răng chịu chẳng thể nói cùng ai. Ngày đầu tiên trực xưởng, tôi và em gái không hề biết đến phiên mình trực và cũng không nghe dì năm nói gì cả, sau khi kiểm hàng xong tôi và em gái nghe lời người ta về sớm để rồi dì năm tối đó đến nhà ngoại gọi tôi ra mắng cho một trận, nghe người ta nói mà mình chẳng thể cãi lại được lời nào, giọng dì năm rất lớn vang rất xa, tôi thấy mình thật uất ức và tự ti vì mình chẳng biết cách ăn nói, cũng không dám nói lý lẽ với người ta cứ yên lặng chịu đựng nhẫn nhục, tôi thật chán ghét tôi của lúc đó. Dì tôi nghe được nên nói đỡ cho tôi vài câu "chị em nó lần đầu đi làm không biết gì xin dì năm bỏ qua cho". Lần đầu tiên tôi hận cuộc đời này sao bất công với tôi như thế, tôi hận số phận khắc nghiệt, hận luôn cả bản thân mình. Lúc đó tôi đang cần rổ rau đi rửa, tôi thấy không phải lỗi của mình tại sao mình phải nhận lấy quả đắng này, tôi thấy mìn bị xúc phạm, tay nắm thật chặt, ngực tức anh ách và cố nén giọng tôi nói thật bình tĩnh "dì năm, con biết lỗi rồi, mai mốt con không làm như vậy nữa", sau đó dì năm chạy xe đi mất để lại mình tôi đứng ngây ra giữa sân nhà. Tôi tiếp tục rửa rau, vừa rửa vừa chảy nước mắt nhưng rồi tôi tự hứa với lòng sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền không bao giờ làm công nhân, không bao giờ để bị người ta ức hiếp cưỡi lên đầu lên cổ mìn nữa. Từ đó về sau tôi luôn hà khắc với bản thân, luôn nhìn vào lỗi sai của mình, làm tổn thương chính mình và không bao giờ tha thứ cho bản thân mình. Thật ra tôi là một cô gái rất nhạy cảm, không chịu được những lời nói nặng, những lúc như thế nước mắt tôi rơi xuống mà không sao kiềm lại được giống như mấy đứa bạn hay nói tôi là đứa mít ướt. Tôi cứ lặng lẽ sống hết mùa hè năm ấy, thời gian có thể trôi đi nhưng những tổn thương đã khắc sâu trong lòng lại khó có thể lành lại, nó âm ĩ đau đớn theo tôi suốt cuộc đời này.
Chương 7: Khoảnh khắc thanh xuân Rất tiếc tuổi thơ tôi không hề có tấm ảnh nào cho bản thân, mãi đến tận THPT mới có vài tấm hình để làm kỷ niệm. Những tấm ảnh này tôi mới xin bạn lớp phó năm cấp ba cách đây hơn nửa tháng ^^ Bấm để xem Cuối hạ năm lớp chín khi ngày khai trường càng gần thì tôi nhận được một thông báo làm tôi vui mừng quá đỗi, cũng đánh dấu bước huy hoàng đầu tiên trong đời tôi. Tôi được nhận học bổng "chung một ước mơ", một học bổng lớn do tập đoàn SCG của công ty Thái Lan tổ chức bao gồm 300 suất dành cho sáu tỉnh miền nam, mỗi tỉnh chỉ có 50 danh ngạch học bổng, trường tôi chỉ có mỗi mình tôi đạt được phần học bổng này. Phải nói đây là lần tổ chức nhận học bổng to lớn và rầm rộ nhất mà tôi từng gặp, cũng là một dự kiện lớn được báo đài các nơi đưa tin. Chúng tôi được thông báo tập trung từ bốn giờ sáng và xe lăn bánh tiến về Sài Gòn nơi thành phố biết bao người mơ ước hướng tới, chúng tôi chuẩn bị đồ cho chuyến đi hai ngày một đêm. Khi xe đáp xuống khách sạn khoản hơn chín giờ sáng, mỗi người chúng tôi được chia phòng, mỗi phòng bốn người, sau đó chúng tôi được phát balô, nón lưỡi trai, áo sơ mi trắng và áo thun trắng có cổ màu đỏ. Trên mỗi món đồ được phát đều có in thương hiệu SCG của tập đoàn tài trợ học bổng. Trưa chúng tôi được ăn tại nhà hàng, tức ăn rất ngon đó là những món ăn ngon mà tôi chưa bao giờ được ăn. Chiều chúng tôi đến Đầm Sen chơi, vào động Băng Đăng cảm nhận cái lạnh và hơi thở tạo thành từng luồng khói nhẹ. Nhiều trò chơi được tổ chức nhưng trò ngồi xe lửa chạy một vòng quanh Đầm Sen lại làm tôi ấn tượng khắc sâu, bởi cái cảm giác kích thích khi xe chạy qua khu trống trải xung quanh không có cây cối nhà cửa hay kiến trúc gì ngăn trở, cảm giác bị giơ lên cao giữa trời làm tôi có chút sợ hãi, nhưng phóng tầm mắt ra xa nơi chân trời là cả bức tranh tuyệt đẹp, ánh hoàng hôn mạ lên bức tranh ấy một tầng ánh sáng làm tôi say mê quên cả nỗi sợ, xe chầm chậm lăn bánh rồi dừng hẳn mà tôi vẫn còn đắm chìm vào cảnh sắc nơi xa ấy cho đến khi có một bạn vỗ vai tôi và gọi tôi cùng đi. Kết thúc chuyến du lịch là bữa ăn tối ấm áp tại nhà hàng ở Đầm Se và tổ chức sinh hoạt tập thể tại đó. Tôi nhớ có một cô độ tuổi gần bốn mươi cầm micro giao lưu với chúng tôi, tôi không nhớ cô làm gì có phải là diễn giả không, cô nói rất nhiều nhưng tôi ấn tượng nhất là bài hát mang tên "nụ cười" mà cô dạy chúng tôi hát. Dù đến nay rất lâu rồi nên tôi chỉ còn nhớ mỗi hai câu "tiếc gì một nụ cười mỗi lần gặp nhau, tiếc gì một nụ cười mỗi khi giận hờn..". Có một trò chơi rất ý nghĩa là viết ước mơ của mình lên giấy, lúc đó tôi không biết sau này mình sẽ làm gì, chỉ khát vọng kiếm thật nhiều tiền đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói. Sáng hôm sau chúng tôi viếng thăm Bến Cảng Nhà Rồng rồi đến một hội trường to lớn để dự lễ trao học bổng. Tôi và các bạn được tặng 20 quyển vở trắng, một suất học bổng trị giá hai triệu năm trăm nghìn đồng. Thời của tôi thì suất học bổng như thế này là giá trị rất lớn. Tôi nhìn giám đốc đại diện tập đoàn lên phát biểu, tôi thấy anh ấy rất oai phong, tôi thầm nghĩ đến bao giờ mình mới có thể đứng ở vị trí đó và điều đó đối với tôi lại quá xa xôi. Đến bây giờ sau hơn mười năm, tôi có thể tự tin khẳng định năm đến mười năm nữa thôi vị trí đó tôi cũng có thể đứng lên để phát biểu nhưng với tư cách của cá nhân tôi chứ không phải đại diện cho bất kỳ một công ty hay tập đoàn nào, đây cũng được coi như là một phần kế hoạch của tôi sau này để viên một giấc mộng ngày xưa ấy. Lần học bổng này cũng khép lại mùa hè năm lớp chín của tôi và bắt đầu những ngày làm học sinh trung học phổ thông tại một ngôi trường mới với biết bao điều mới mẻ đang chờ tôi. Lớp mười tôi được xếp vào lớp chọn của trường, lúc ban đầu tôi không có tiền đi học thêm các môn như các bạn cùng trang lứa. Chương trình mới nhiều nội dung mới làm tôi khó hiểu, tôi cố gắng lắm mới theo kịp bài với các bạn cùng lớp. Sang học kỳ hai nhờ thầy cô thương nên tôi được đi học thêm miễn phí, tôi rất quý trọng cơ hội này cũng cảm kích và biết ơn các thầy cô nhiều lắm. Từ đó tôi học thêm suốt mùa hè lớp mười và mười một. Tuổi mười sáu kiêu sa, tôi cũng tranh đua danh hiệu học sinh giỏi cũng đứng vào top năm top mười của lớp, chưa bao giờ tôi trượt khỏi top mười bởi tôi biết nếu không học giỏi thì tôi sẽ không bao giờ giành được suất học bổng nào. Ước mơ làm ông này bà nọ, ca sĩ, tác giả hay nhà văn nhà thơ với tôi mà nói chỉ mãi là mơ ước, hiện thực luôn là điều tôi lo lắng sẽ không có tiền đi học, chỉ có những suất học bổng là cái tôi quan tâm nhiều nhất. Tôi không biết mình học giỏi để làm gì, nếu khi ấy có ai đó hỏi thì có lẽ tôi sẽ trả lời "học để lấy học bổng" không hơn. Cuối lớp mười tôi vượt năm ải chém sáu tướng để đạt được danh ngạch học bổng chung một ước mơ lần hai. Kỳ hè này tôi nhận học bổng tại Tây Ninh, tôi và một đứa bạn cùng lớp đạt được học bổng này. Cả trường chỉ có hai đến ba danh ngạch học bổng đủ để thấy nó khó đạt như thế nào. Dù lần này tổ chức tại quê nhà tôi, nhưng tôi chưa bao giờ được đi tham quan danh lam thắng cảnh nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi sống mười sáu năm mà chưa biết hai chữ du lịch cũng không dám nghĩ đến. Chúng tôi viếng thăm chùa Bà tại núi Bà Đen, đi cáp treo ngắm cảnh và viếng thăm trung ương cục miền nam. Có một câu của một diễn giả lên chia sẻ và hỏi chúng tôi "nếu bạn chỉ còn một ngày để sống thì bạn sẽ làm gì?". Tôi tưởng tượng mình chỉ còn sống một ngày rồi chợt nhận ra còn quá nhiều thứ tôi chưa kịp làm, tôi cũng chỉ là hạt cát trong vũ trụ này và khi mất đi tôi cũng chẳng để lại cống hiến vĩ đại gì cho đời. Tôi cứ nghĩ một ngày nào đó mình không còn tồn tại trên thế gian này nữa thì bao nhiêu cảm xúc lại dâng trào và thật sự tôi không thể viết thêm được nữa, tôi cứ để dòng cảm xúc của mình tuông chảy một cách tự nhiên rồi lặng lẽ suy nghĩ về cuộc đời mình. Lớp mười một đầy sóng gió đánh dấu mốc cho sự cố gắng vượt bậc của tôi. Người ta nói tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu quả thật không sai, gia đình xảy ra nhiều chuyện khiến tôi áp lực và cả áp lực chuyện học hành nên tôi bị stress nặng. Lúc đó tôi lâm vào tình trạng quên tức thời, não bão hòa học mãi không vô chữ nào, tôi càng sợ hãi kết quả học tập xuống dốc. Một ngày thứ bảy cuối tuần cô chủ nhiệm nói chuyện riêng với tôi, tôi khóc ấm ức khóc rất lâu mà không nói một lời nào. Khóc xong tôi rất nhẹ lòng, bao uất ức đều bị gột rửa đi hết rồi, từ đó tôi không bao giờ nhớ những chuyện râu ria nữa tống hết chúng ra khỏi não để não nhẹ nhàng hơn. Tôi viết tất cả công việc hàng ngày ra sổ, học bằng cách đọc to hoặc viết ra giấy chứ không bắt ép não nhớ như ngày xưa nữa. Thói quen viết ra sổ ấy tôi vẫn giữ đến tận bây giờ, khi đi làm hay đi bất cứ đâu tôi lúc nào cũng mang sổ bút theo ghi lại những cái cần thiết và ghi lại những ý tưởng bất ngờ loé lên để tránh bị quên. Hè lớp mười một tôi may mắn nhận được học bổng chung một ước mơ lần ba tổ chức tại Đồng Nai. Lần này có 350 suất học bổng cho sáu tỉnh miền nam và cả Hà Nội, mỗi suất giá trị ba triệu đồng. Chúng tôi được ăn tại nhà hàng Cát Tường, viếng chùa Long Sơn Thạch Động và thăm viện bảo tàng Đồng Nai. Tại chùa tôi nghe ba hồi chuông thật to vang lên làm lòng tôi nao nao, một cảm giác lạ lùng lòng thanh thản nhẹ nhàng xua tan bao vất vả mệt nhọc, những lo toan gánh nặng tan biến tự bao giờ. Tiếng chuông ngân thấu tận trời xanh như tiếng lòng của mỗi người nơi đây được gửi vào theo gió theo mây bay đi thật xa. Gần cuối năm lớp mười hai tôi được trường tặng cho chiếc xe đạp mới màu trắng vì chiếc xe cũ đã hư hỏng sắp không chạy được rồi, tôi rất sợ khi xe tuột xích giữa đường, dây xích dính nhớt xe đen ngòm không dám dùng tay để gắn xích lại, tôi phải luôn dùng que trúc chặt sẵn từ nhà mang theo để gắn mỗi khi xe rớt xích. Nghĩ lại những ngày này tôi thật bội phục chính mình có thể vượt qua nhiều gian khó đến vậy. Khi tiếng ve báo hiệu mùa hè, những cánh phượng bắt đầu nở đỏ thắm trên cành thì cũng là giây phút chúng tôi được dự lễ vinh danh tuổi mười tám tại huyện nhà. Chúng tôi được tặng một bó hoa và một tấm bằng khen, chỉ có những ai đạt học sinh giỏi năm học lớp mười hai mới được vinh danh là học sinh tiêu biểu của huyện. Tôi vinh hạnh được cử lên phát biểu lời cảm ơn và lời tri ân dành cho thầy cô, vì tôi từng đứng lên phát biểu nhiều lần ở trường nên cũng không run hay khẩn trương gì. Cuối buổi lễ tôi được trao cho một suất học bổng nữa, tôi thầm nghĩ lên thành phố học đại học rồi đi làm thêm kiếm tiền chắc sẽ khá hơn. Những năm trung học phổ thông của tôi có những khoảnh khắc huy hoàng như thế ghi đậm dấu ấn của tuổi thanh xuân. Và còn có một chút bí mật nhỏ nhoi tôi vẫn thầm giấu kín trong tim, một chút tình chướm nở, một chút rung động đầu đời, một chút tương tư nhen nhóm lên rồi vụt tắt, xa cậu rồi xa trường và cả khoảng cách địa lý ngăn cách hai ta sẽ mãi không bao giờ gặp lại. Thời gian qua mau để tôi cất giấu chút kỷ niệm giấu cả cái ôm ấm áp ngọt ngào của đêm chia tay khối mười hai ấy vào tận đáy lòng rồi lãng quên tự bao giờ.
Chương 8: Sự lựa chọn - Bước ngoặc lớn trong cuộc đời Bấm để xem Sau đêm tiệc chia tay lớp 12 ấy, bạn bè chúng tôi truyền tay nhau ghi lưu bút. Tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt bạn bè, từng cánh phượng đỏ rực nở rộ rơi rụng theo cơn gió thoảng qua. Chúng tôi ép từng cánh phượng vào vở làm kỷ niệm rồi bạn bè lưu luyến nhau mỗi bước đi. Bữa tiệc nào cũng tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng chia xa, bao nhiêu người đến rồi đi chỉ để lại những cảm xúc bồi hồi dai dứt trong trái tim. Chúng tôi chưa kịp buồn bao lâu thì lại khẩn trương đầu nhập vào biển đề thi vùi đầu làm bài tập chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Mùa hè này có rất nhiều chuyện xảy ra, có thể nói tuổi mười tám đầy sóng gió. Hè này cũng là lúc cánh rừng mà chị em chúng tôi thường đi hái táo, sim bị người ta phá bỏ, cậy trường và rất nhiều cây rừng quý đều bị chặt xuống. Những kỷ niệm tuổi thơ nơi rừng cây đồng ruộng quen thuộc nay còn đâu! Lòng tôi buồn lắm, lại thêm một tin sốc nữa là ngôi nhà mà tôi gắn bó bấy lâu nay cũng sắp bị dỡ bỏ để xây nhà mới vì nó đã quá cũ kĩ không thể chịu nổi mưa gió nữa. Lần này nhà tôi được Nhà Nước xây tặng một căn nhà cho hộ nghèo nên ba tôi cũng đồng ý xây nhà mới. Tôi chưa kịp chụp ảnh để lưu giữ lại tất cả kỷ niệm của tuổi thơ, của đồng ruộng cùng cánh rừng và căn nhà gắng bó với tôi suốt mười tám năm thì tất cả mọi thứ đã thay đổi, thời gian thật tàn nhẫn theo năm tháng dần trôi xóa đi mọi dấu vết, cảnh vật đổi thay, con người dần trưởng thành chỉ để lại những dấu ấn sâu đậm trong tuổi thơ. Trong năm học lớp 12 cũng có một sự kiện diễn ra làm tôi nhớ mãi, một kỳ cảnh thiên nhiên ngoạn mục được diễn ra, từ khi sinh ra đến giờ tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến giây phút ấy. Ngày đó có dự báo nguyệt thực xảy ra, tôi cũng ngờ ngợ không tin lắm vì sống mười tám năm có rất nhiều lần dự báo mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực nhưng có lần nào tôi gặp được đâu. Tôi cũng ước ao một lần nhìn thấy ngôi sao băng vụt qua để ước nguyện nhưng ông trời chưa nghe được lời cầu nguyện của tôi nên đến tận bây giờ tôi cũng chưa một lần gặp sao băng. Đêm hôm đó là đêm ngày mười sáu trăng tròn, cả nhà chúng tôi cùng ngắm trăng còn tôi nhìn ánh trăng rồi ngâm nga vài câu thơ quen thuộc. Ánh trăng vàng rực nhưng có điều gì đó khác lạ so với những lần trước, một dấu hiệu lạ. Xung quanh mặt trăng là vầng sáng màu đỏ, ra xa một xíu là màu cam và vàng, tiếp theo là ba vật lạ như ngôi sao phát ra ánh sáng nhưng không phải ngôi sao bởi vì chúng có nhiều cánh và di chuyển dần trên bầu trời, tôi không biết đó là gì tôi đoán có lẽ là các vệ tinh thăm dò. Ánh trăng cứ thế sáng vành vạnh như ban ngày. Khoảng hơn 20h tự nhiên hướng Đông Bắc trên nền trời tối dần, bóng tối của Trái Đất to lù lù tiến về che khuất dần vầng sáng của mặt trăng, cuối cùng chạm vào mặt trăng rồi từ từ che khuất mặt trăng. Trên tấm thảm xanh lam lúc này trong xanh văng vắt không có một gợn mây trắng. Giữa tấm thảm là một khoảng không gian dày đặc chi chít ánh sao sáng lung linh huyền ảo. Kỳ cảnh đẹp không sao tả xiết, ánh trăng là nơi trung tâm, phía trên là chiếc parabol được vẽ bằng năm vì tinh tú nhỏ trong đó có một vì tinh tú sáng nhất. Bên phải là lệch về hướng Đông Nam là chiếc búa được dệt bằng các tinh tú tinh nghịch hiếu động nhất, sáu vì tinh tú xếp thành hàng tạo thành chiếc búa ấy theo một quy luật nào đó của vũ trụ mà chính tôi cũng không hề biết bởi tôi không rành về thiên văn lắm. Đến lúc này ta lấy thao chứa đầy nước bỏ vào đáy thao một chiếc gương soi, nhìn vào gương ta thấy một vầng sáng to đủ bảy sắc cầu vồng từ đỏ đến tím hội tụ lại thành một quả bóng thất thải lưu ly tỏa ra ánh sáng huyền bí kỳ ảo, sau đó quả bóng nhỏ dần nhỏ dần khi Trái Đất dần che khuất gần hết mặt trăng chỉ còn tí xíu ánh sáng của ánh trăng khuyết rồi mất hẳn khi bị che khuất hoàn toàn lúc 22h đêm. Bây giờ nền trời tối hẳn chỉ còn ánh sáng của các vì sao xa. Ánh sáng cầu vồng trong chiếc gương cũng tắt, khi trăng nhú ra trở lại thì ánh sáng hiện ra trên chiếc gương từ màu xanh rồi đến vàng cam đỏ sau đó là đủ bảy màu rồi to dần đến 23h17 thì mất hẳn sắc cầu vồng chỉ còn lại mặt trăng to tròn sáng chói trên bầu trời đêm. Đó là cảnh trong thao chưa nước, tôi tua lại thời gian để diễn tả lại cảnh trên bầu trời lúc 22h đêm. Khi mặt trăng bị che khuất toàn phần tôi phát hiện ngày thường mặt trăng giống như một hình tròn lớn dán sát vào da trời thì giờ lại thấy rõ nó là một khối cầu giống như quả bóng cam tối sẫm màu sắp rớt khỏi nền trời. Thường ngày là mặt phẳng thì giờ là hình 3D rất sống động. Tự dưng tôi thấy có một ngôi sao xẹt ngang bầu trời từ Đông sang Tây còn ranh giới giữa chỗ khuất và chỗ sáng là một vầng sáng xanh, phần bị che tối đen, phần bị ánh sáng phản xạ phát ra những tia sáng xanh lung linh hắc ra xung quanh quả bóng đen và tỏa ra nền trời khoảng 2 cm. Lúc trăng vừa nhú ra sau khi bin che khuất toàn phần thì ánh sáng từ phía Đông Nam ra trước rồi sáng dần, lúc này xuất hiện một cái quầng lớn giống một cái giếng xung quanh mặt trăng như ông bà ta thường nói "trăng quầng thì hạn", khi trăng nhô ra đúng một nửa thì có một ngôi sao xẹt qua từ hướng Đông Nam về Tây Bắc còn ở giữa vách ngăn bóng tối và ánh sáng vẫn là vầng sáng xanh ấy. Tôi tưởng tượng nếu mặt trăng mới nhú ra khoảng 1 cm giống như một con mắt biết phát sáng kì ảo thì lúc gần nhú ra hết khoảng 22h45 tôi lại thấy giống một bóng đèn to lớn giữa nền trời phát ánh sáng chiếu xuống thế gian, một bóng đèn phát dạ lâng quang tuyệt đẹp. Lúc kết thúc mặt trăng tròn nhất và không còn bị che khuất lúc 23h17 cũng là lúc nguyệt thực toàn phần lần này kết thúc, giờ đây chỉ còn lại vầng trăng giữa cái quầng thật lớn đùa giỡn với làn gió mát cùng triệu triệu vì sao kể chuyện vừa rồi cho nhau nghe. Chúng tôi cũng vào ngủ kết thúc một ngày mới rồi nghĩ về kỳ cảnh mới vừa chứng kiến vẫn dư vị chưa dứt. Đầu tháng sáu tôi bận rộn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kỳ thi kết thúc tôi lao vào công tác chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Tất cả hai nguyện vọng tôi đều điền trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh cùng với một lòng nung nấu khát khao tiến về thành phố lớn để tìm cơ hội kiếm thật nhiều tiền không còn cảnh nghèo đói như xưa.
Chương 9: Thi đại học Bấm để xem Tôi chọn thi khối A trường đại học Ngân Hàng ngành kế toán, khối B trường đại học Nông Lâm ngành kinh tế. Tôi đã không thể học nổi bài môn văn sử địa và không có tiền để ôn thi vào trường đại học xã hội nhân văn mà tôi thích vậy thì tôi chọn đi thi các ngành liên quan đến kinh tế để có thể kiếm được nhiều tiền sau này. Tôi khi đó cũng cùng ý nghĩ với biết bao con người miền quê nghèo khó khao khát thi đậu đại học để có cơ hội thoát nghèo. Tôi nghĩ nếu không thể học được đúng ngành mình thích, đúng sở thích của mình thì chọn ngành nào hái ra tiền để sau này có tiền mình sẽ học cái mình đam mê. Tôi lúc đó chưa biết rõ ràng ước mơ của mình là gì, chỉ mơ hồ biết mình thích gì mà thôi, tôi chọn ngành đăng ký vào đại học cũng không ai tư vấn cho mà tự tôi chọn lựa bằng suy nghĩ và cảm giác của mình. Cuối tháng sáu tất cả học sinh đều tất bật chuẩn bị đồ đạc để lên thành phố đi thi.