Tâm sự Cô đơn giữa dòng đời

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Chỉ cần vui vẻ, 16 Tháng mười 2023.

  1. Chỉ cần vui vẻ

    Bài viết:
    2
    Tôi luôn cảm thấy cô đơn trong tất cả các mối quan hệ của mình: Tình thân, tình bạn, tình yêu. Đôi khi tôi hoài nghi phải chăng là do bản thân mình. Tôi cũng đã từng nỗ lực thay đổi mình, cố gắng hòa nhập, cố quên đi những tổn thương, phớt lờ những người làm tổn thương mình, cố vui lên. Tuy nhiên chỉ tôi hiểu rõ, mình đang cười đấy nhưng sâu thẳm trong lòng là sự lạc lõng cô đơn. Bởi tôi biết không có ai hiểu mình. Chắc hẳn các bạn thắc mắc tại sao tôi lại tiêu cực như thế? Tôi được sinh ra trong gia đình hiếm khi hòa thuận. Từ bé tôi luôn phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau, lúc nào cũng là tiền và tiền. Bố tôi sống ích kỉ, làm được bao nhiêu là chỉ để nướng vào rượu chè, cờ bạc, không muốn lo cho gia đình, mỗi lần đóng học cho con là kể lể, trì chiết: "Đời tao bầm dập, tao nợ nần tất cả là do nuôi chúng mày". Mỗi lần bố tôi đi đánh bạc là mẹ tôi lại nằm khóc, mặc kệ bọn nhỏ là hai chị em tôi. Rồi hết tiền, nợ nần bố mẹ lại cãi nhau. Cứ lặp đi lặp lại như cơm bữa. Căn nhà luôn u ám ám ảnh tuổi thơ của tôi và em gái. Những nhà khác vui đón Tết, nhưng chị em tôi không mong Tết, vì mấy tháng Tết bố tôi hầu như cắm rễ ở chiếu bạc. Tôi tự nhủ mình phải học thật giỏi để sớm làm chủ cuộc sống. Tôi luôn tranh thủ, ngoài việc nhà, tôi kiếm tiền phụ mẹ từ khi 10 tuổi. Tôi ôn thi đại học trong sự dọa dẫm bắt nghỉ học sớm của bố. Tôi vẫn kiên trì cố gắng thi đỗ đại học. Trong những năm học đại học, tôi lo liệu học phí bằng sức mình. Trong thời gian học đại học tôi quen chồng tôi bây giờ. Tôi không giấu hoàn cảnh của nhà mình, coi như cơ hội thử lòng anh. Anh ấy tỏ ra hiểu và thương tôi. Tôi nghĩ mình đã gặp đúng người. Ra trường một năm thì chúng tôi kết hôn. Nhưng từ sau cưới, anh bộc lộ máu ham cờ bạc và sự ích kỉ vô tâm. Thậm chí chứng kiến bố và chị em trong nhà vào hùa bắt nạt dâu mới (mẹ chồng tôi mất sớm), anh ta mặc kệ, thậm chí nạt tôi, bắt tôi nhịn. Tôi sinh con, tự lo tất cả, nhờ chồng việc gì cũng khó, nhà chồng không giúp gì cả, nhưng khi có việc thì bắt tôi phải lo liệu. Bên bố mẹ đẻ thì hờ hững, coi con gái lấy chồng là bát nước hắt đi. Ngày tôi cưới, thay vì ăn ủi động viên và chúc phúc tôi, thì mẹ sẵng giọng mà nói: "Nhà chồng mày ở gần đây, mày sống sao đừng để người ta chê xấu hổ chúng tao, giữ thể diện để em mày còn đi lấy chồng". Tôi nuốt nước mắt đồng ý với mẹ. Tôi chăm con nhỏ nên khó đi làm, còn chồng không đưa được bao nhiêu, con thiếu sữa, tôi chăm con cùng áp lực nên ít sữa. Để có tiền lo cho con, tôi cần phải đi làm sớm, sau cữ 3 tháng, tôi nhờ mẹ đẻ trông giúp, bố mẹ nêu khó khăn là còn đi làm trang trải cuộc sống, nợ nần và nuôi em, nên ra điều kiện tôi phải lo hết các vấn đề đó cho bố mẹ thì sẽ trông con hộ tôi. Tôi đồng ý vì thương con nhỏ, nghĩ giao con cho người ngoài không yên tâm. Tôi đi làm, lương không đủ trang trải bao nhiêu thứ, không dám mua cho mình cái gì, cứ giật gấu vá vai. Chồng tôi biết nhưng không thèm hiểu cho, lại còn trách sao mang tiền về bên ngoại. Nhà chồng cũng hạch sách đủ điều. Tôi nhịn, nghĩ rồi mọi thứ sẽ qua. Nhưng vì thường xuyên lao tâm lao lực quá mà sức khỏe tôi xuống dốc, bệnh tật phát sinh. Các vấn đề trong cuộc sống cứ liên tục xảy ra buộc tôi phải xử lý, trách nhiệm quá nhiều khiến tôi luôn mệt mỏi, tôi mong muốn người thân đồng hành sẻ chia nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, chỉ trích, đòi hỏi, làm không tốt thì bị chê bai. Trong mắt họ tôi như một cỗ máy chuyên lo liệu mọi việc lớn nhỏ, và đó là trách nhiệm, không có quyền than khó hay mệt. Triền miên như thế, tôi kiệt sức, u uất tích tụ thành bệnh trầm cảm. Tôi lo sợ một ngày nào đó mình phát bệnh tâm thần. Tôi muốn cứu mình, muốn có người chỉ cần thực tâm lắng nghe mình thôi, nhưng xung quanh không có ai sẵn lòng làm việc ấy. Tôi buồn lắm, sợ hãi không có lối thoát. Tôi chia sẻ lên đây với mong muốn giải tỏa bớt những chất chứa trong lòng. Và hi vọng gặp được những năng lượng tích cực để soi sáng tâm hồn mình. Xin cảm ơn rất nhiều.
     
    THG Nguyen thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...