Chuyên đề đọc thêm - Ngữ văn 11

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huyền Dạ, 9 Tháng mười 2021.

  1. Huyền Dạ

    Bài viết:
    281
    Bài 1: Khóc Dương Khuê- Nguyễn Khuyến

    1. Bố cục bài thơ Khóc Dương Khuê

    • Bài thơ thể hiện cảm xúc của tác giả khi hay tin bạn mất. Bài thơ có thể chia làm bốn phần:
      • Hai câu đầu: Tin bạn mất đến một cách đột ngột.
      • 12 câu tiếp theo: Sự hồi tưởng về những kỉ niệm thời xuân xanh, chưa thành danh.
      • 8 câu tiếp theo: Về những ấn tượng mới trong lần gặp cuối cùng giữa hai người.
      • 16 câu còn lại: Nỗi đau, sự trống vắng của nhà thơ khi bạn qua đời.

    2. Hướng dẫn soạn văn Khóc Dương Khuê

    Câu 1: Theo anh (chị), bài thơ này có thể chia thành mấy đoạn. Nội dung của mỗi đoạn là gì?

    Tham khảo câu trả lời tại mục 1: Bố cục bài thơ.

    Câu 2: Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được thể hiện như thế nào? (Chú ý diễn biến tâm trạng của tác giả: Nỗi đau đớn lúc nghe tin bạn qua đời, sống lại những kỉ niệm trong tình bạn, nỗi trống vắng khi bạn mất).

    • Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được tác giả diễn đạt qua sự vận động của cảm xúc thơ.
      • Câu thơ "Bác Dương thôi đã thôi rồi!" : Là tiếng kêu thương, đột ngột, thất vọng.
      • Cụm từ thôi đã thôi rồi: Chỉ gồm các hư từ nhằm nhấn mạnh đến sự mất mát không gì bù đắp nổi. Câu thơ thứ hai dàn trải diễn tả sự mất mát, cả không gian như nhuốm một màu tang tóc.
    • Đoạn hai: những kỉ niệm về một thời đèn sách, những thú vui nơi dặm khách, nơi gác hẹp, đắm say trong lời ca, tiếng đàn, nhịp phách..
    • Đoạn kết: diễn tả nỗi đau của tác giả khi bạn không còn nữa.

    Câu 3: Đây là một bài thơ có nghệ thuật tu từ đặc sắc. Hãy phân tích những biện pháp nghệ thuật tu từ thể hiện nỗi trống vắng của nhà thơ khi bạn qua đời?

    • Cách nói giảm: Bác Dương thôi đã thôi rồi!
    • Biện pháp nhân hóa: Nước mây man mác.
    • Cách nói so sánh: Tuổi già giọt lệ như sương
    • Cách sử dụng lối liệt kê: Có lúc, có khi, cũng có khi.. nhằm tái hiện những kỉ niệm về tình bạn thân thiết và tấm lòng của nhà thơ đối với bạn.

    • Bài 2: Vịnh khoa thi Hương
    • 1. Bố cục bài thơ
      • Hai câu thơ đầu: Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu
      • Bốn câu thơ tiếp: Thực cảnh trường thi
      • Hai câu thơ cuối: Thái độ, tâm trạng của tác giả

      2. Hướng dẫn soạn văn Vịnh Khoa thi Hương

      Câu 1: Hai câu thơ đầu cho thấy kì thi có gì khác thường? (chú ý phân tích từ "lẫn").
      • Hai câu thơ đầu có tính tự sự, nhằm kể lại kì thi: Cứ ba năm lại mở một kì thi để chọn nhân tài giúp ích cho đất nước.
      • Điểm khác thường: Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
      • Từ "lẫn" : Lẫn lộn, diễn tả sự ô hợp, nhố nhăng, nhốn nháo, xuống cấp của chế độ thi cử thời bấy giờ.

      Câu 2: Anh (chị) có nhận xét gì về hình ảnh sĩ tử và quan trường? (chú ý các từ "lôi thôi", "ậm ọe", với biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, các hình ảnh vai đeo lọ của sĩ tử, miệng thét loa của quan trường). Từ hai câu thơ 3 và 4, anh (chị) có cảm nhận như thế nào về cảnh thi cử lúc bấy giờ?
      • Hình ảnh:
        • Sĩ tử: Lôi thôi, vai đeo lọ ⇒ dáng vè luộm thuộm, nhếch nhác
        • Quan trường: Ậm ọe, miệng thét loa ⇒ cố ra oai.
      • Nghệ thuật:
        • Sử dụng từ láy tượng hình và tượng thanh: Ậm ọe, lôi thôi.
        • Phép đối: Lôi thôi sĩ tử >< ậm ọe quan trường
        • Đảo ngữ: Đảo trật tự cú pháp "lôi thôi sĩ tử", "ậm ọe quan trường"
        • Hình ảnh cảnh trường thi lúc này láo nháo, lộn xộn cho thấy sự suy vong của một nền học vấn, sự lỗi thời của đạo Nho.

      Câu 3: Phân tích hình ảnh quan sứ, bà đầm và sức mạnh châm biếm, đả kích của biện pháp nghệ thuật đối ở 2 câu thơ 5 và 6?
      • Hình ảnh quan sứ, bà đầm cho thấy sự mục ruỗng của chế độ thi cử lúc bấy giờ. Bởi đây là một cuộc thi chọn lựa nhân tài cho đất nước lại xuất hiện sự có mặt của bọn ngoại bang đến như kiểu đi xem hát..
      • Phép đối ở 2 câu thơ 5 và 6: "Lọng cắm rợp trời" >< "váy lê quét đất" tạo ra sự trào phúng chua xót: Lọng là vật che đầu cho vua lại được đem đối với váy lê quét đất của bà đầm.
      • ⇒ Sự nhục nhã, xót xa.

      Câu 4: Phân tích tâm trạng, thái độ của tác giả trước cảnh tượng trường thi. Lời nhắn gọi của Tú Xương ở hai câu thơ cuối có ý nghĩa tư tưởng gì?
      • Hai câu thơ cuối là sự thức tỉnh các sĩ tử và thái độ của nhà thơ trước cảnh nước mất.
        • Câu hỏi tu từ mang tính thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước, nhà thơ hỏi người nhưng cũng là để hỏi mình.
        • Giọng thơ mang đậm chất trữ tình có tác dụng lay tỉnh lương tâm, lương tri của các sĩ tử.

      Bài 3: Bài ca ngất ngưởng
    • 1. Bố cục bài thơ
      • Đoạn 1 (6 câu thơ đầu) : Quãng đời làm quan của Nguyễn Công Trứ
      • Đoạn 2 (Còn lại) : Quãng đời khi cáo quan về hưu.

      2. Hướng dẫn soạn văn Bài ca ngất ngưởng

      Câu 1: Trong bài, từ "ngất ngưởng" được sử dụng mấy lần? Nêu nghĩa của những từ ấy?

      - Trong bài, từ "ngất ngưởng" được sử dụng 4 lần (không tính nhan đề) :
      • Từ "ngất ngưởng" thứ nhất: Chỉ tài năng thao lược và phong cách ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ khi làm quan.
      • Từ "ngất ngưởng" thứ hai: Chỉ sự ngang tang khi tác giả vừa trả ấn quan để về quê.
      • Từ "ngất ngưởng" thứ ba: Chỉ sự chơi ngông của tác giả khi dẫn theo các cô hầu lên chùa.
      • Từ "ngất ngưởng" thứ tư: Chỉ sự coi thường danh lợi, những lời khen chê và cứ vui chơi cho thỏa thú vui.

      Câu 2: Nguyễn Công Trứ cho rằng làm quan là bị gò bó, vậy sao ông vẫn ra làm quan?

      - Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan dù rằng làm quan là bị gò bó, là vì:
      • Ông muốn thực hiện hoài bão giúp nước cứu đời.
      • Sự kiêu hãnh, tự hào về sự có mặt trên cõi đời.
      • Vì nợ công danh của chí làm trai.

      Câu 3: Vì sao Nguyễn Công Trứ tự cho mình là ngất ngưởng?

      - Nguyễn Công Trứ tự cho mình là ngất ngưởng vì:
      • Ông có tài năng khác người.
      • Với tư cách là một nhà nho, ông đã nhập thế tích cực, trải qua nhiều cương vị làm quan khác nhau và đều đã hoàn thành tốt dù đó là những việc tầm thường.
      • Ông là người giữ đúng nghĩa vua tôi nhưng vẫn có bản lĩnh cá nhân.

      Câu 4: So sánh thể hát nói và thể thơ Đường luật?

      - So với các bài thơ Đường luật gò bó, thể hát nói:
      • Không gò bó về số tiếng trong câu.
      • Cách chia khổ tùy thuộc vào người viết.
      • Thơ hát nói thích hợp với việc bày tỏ những tư tưởng, tình cảm tự do, phóng túng, thoát ra ngoài khuôn khổ.

      Bài 4: Bài ca ngắn đi trên bãi cát
    • 1. Bố cục bài thơ
      • Phần 1 (4 câu thơ đầu): Hình ảnh người đi đường trên bãi cát – cuộc đời
      • Phần 2 (6 câu thơ tiếp): Thực tế cuộc đời đầy đắng cay và vô vị
      • Phần 3 (Còn lại): Sự bế tắc và nỗi tuyệt vọng của người đi đường

      2. Hướng dẫn soạn văn Bài ca ngắn đi trên bãi cát

      Câu 1: Phân tích ý nghĩa tượng trưng của các yếu tố tả thực hình ảnh người đi trên bãi cát?
      • Ý nghĩa tượng trưng của các yếu tố tả thực người đi trên bài cát là: Con đường công danh, con đường đời vô cùng xa xôi, gian nan và vất vả. Con người đi trên bãi cát vẫn tất tả bước về phía trước vì danh lợi, vì cái hào nhoáng của công danh đã làm cho con người bị lôi kéo vào vòng mê muội.

      Câu 2: Hãy giải thích nội dung và chỉ ra sự liên kết ý nghĩa của sáu câu thơ:

      Không học được tiên ông phép ngủ,

      Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

      Xưa nay, phường danh lợi,

      Tất tả trên đời đời.

      Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

      Người say vô số, tỉnh bao người?

      (chú ý: Danh lợi có sức cám dỗ như thế nào)
      • Sáu câu thơ thể hiện tâm trạng chán nản của tác giả trên con đường danh lợi của thực tế xã hội.
      • Con đường danh lợi dù có chông gai, khó khăn nhưng ai cũng bị nó cám dỗ bởi "hơi men" của nó. Tác giả vì thấy rõ được bản chất của con đường này nên tác giả ý thức và khát khao thoát khỏi con đường danh lợi này.

      Câu 3: Tâm trạng của lữ khách khi đi trên bãi cát là gì? Hãy cho biết tầm tư tưởng của Cao Bá Quát thể hiện qua tâm trạng đó.
      • Tâm trạng của lữ khách đi trên bãi cát: Chán nản và bế tắc.
      • Tầm tư tưởng của Cao Bá Quát thể hiện qua tâm trạng chán nản và bế tắc này là: Lời nhắc nhở, thúc giục mọi người tìm kiếm một lối thoát, một con đường khác để thoát ra khỏi vòng danh lợi càng đi càng "lún" này.

      Câu 4: Phân tích ý nghĩa của nhịp điệu bài thơ đối với việc diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật trữ tình.
      • Nhịp điệu của bài thơ: Lúc nhanh, lúc chậm, lúc dàn trải, lúc dứt khoát.
      • Nhịp điều bài thơ góp phần diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật trữ tình: Tâm trạng nặng trĩu về con đường công danh mà nhà thơ đang đi. Qua đó, thể hiện sự phản kháng âm thầm với trật tự hiện hành, cảnh báo mọi sự thay đổi tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai.

      Bài 5: Lẽ ghét thương
    • 1. Bố cục bài thơ
      • Phần 1 (Từ đầu đến"Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào? ) : Cuộc đối đáp giữa Ông Quán với Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực.
      • Phần 2 (Tiếp theo đến" Sớm tối lằng nhằng rối dân " ) : Lẽ ghét
      • Phần 3 (Còn lại) : Lẽ thương

      2. Hướng dẫn soạn văn Lẽ ghét thương

      Câu 1: Anh (chị) hãy đọc các chú thích, tìm những đặc điểm chung của các đời nhà vua ông Quán ghét và giữa những người mà ông Quán thương. Từ đó, hãy nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm, đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu.
      • Những đời nhà vua mà ông Quán ghét: Đời Kiệt, Trụ, U, Lệ, Ngũ bá, Thúc quý.
      • Điểm chung của các triều đại này: Chính sự suy tàn, vua chúa ăn chơi, ham mê tửu sắc, không chăm lo đến đời sống của nhân dân.
      • Những người mà ông Quán thương: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát Lượng, Đổng Trọng Thư, Nguyên Lượng (Đào Tiềm), Hàn Dũ, Thầy Liêm, Lạc (Trình Hạo, Trình Di).
      • Điểm chung của những người này: Họ là những bậc hiền nhân, nhân cách và tài năng ngời sáng, có đức, có chí giúp đân, giúp đời nhưng đều không đạt được sở nguyện.
      • Cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm, đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu: Xuất phát từ lòng yêu thương, từ quyền lợi của nhân dân.

      Câu 2: Anh (chị) có nhận xét gì về cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này? Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của phép tu từ đó.
      • Cách dùng phép đối và điệp từ ghét, thương (lặp lại 12 lần) được sử dụng khá thành công, giúp làm nổi bật và rõ ràng giữa hai tình cảm trong tâm hồn tác giả.
      • Giá trị nghệ thuật: Cho thấy sự rạch ròi trong tư tưởng ghét và thương của tác giả. Đồng thời, việc lặp lại này cũng có tác dụng làm tăng cường độ của cảm xúc: Thương - ghét.

      Câu 3: Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.
      • Yêu và ghét có mối quan hệ khăng khít với nhau, vì Nguyễn Đình Chiểu xót thương cảnh nhân dân cơ cực, lầm than, thương những người có tài có đức nhưng không thể thực hiện được giấc mộng giúp đời, giúp dân mà ghét cay ghét đắng bọn vua quan chỉ biết lo ăn chơi, trác tán.

      Bài 6: Chạy giặc
    • 1. Bố cục bài thơ
      • Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc Pháp xâm lược
      • Phần 2 (2 câu cuối): Tâm trạng của tác giả

      2. Hướng dẫn soạn văn Chạy giặc

      Câu 1: Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc Pháp đến xâm lược được miêu tả như thế nào? Phân tích nét đặc sắc trong ngòi bút tả thực của tác giả.
      • Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc Pháp đến xâm lược được miêu tả:
        • Lũ trẻ lơ xơ chạy
        • Bầy chim dáo dát bay.
        • Bến Nghé tan bọt nước
        • Đồng Nai nhuốm màu mây.
      • Nét đặc sắc trong ngòi bút tả thực của tác giả đã gợi lên một khung cảnh hoảng loạn, chết chóc, đau thương trong buổi đầu có thực Dân Pháp xâm lược.

      Câu 2: Trong hoàn cảnh đó, tâm trạng, tình cảm của tác giả như thế nào?
      • Trong hoàn cảnh lúc đó, tâm trạng của nhà thơ đau xót trước cảnh nước nhà bị thiêu trụi.

      Câu 3: Phân tích thái độ của nhà thơ trong hai câu kết?
      • Tác giả thể hiện thái độ xót xa, tâm trạng phẫn uất, thất vọng. Đồng thời đó còn là lời kêu gọi tha thiết, da diết xen lẫn xót xa của tác giả đến mọi người.

      Bài 7: Bài ca phong cảnh Hương Sơn
    • 1. Bố cục bài thơ
      • Phần 1 (4 câu thơ đầu): Giới thiệu khái quát cảnh Hương Sơn
      • Phần 2 (10 câu tiếp theo): Tả cảnh Hương Sơn
      • Phần 3 (5 câu còn lại): Suy niệm của tác giả.

      2. Hướng dẫn soạn văn Bài ca phong cảnh Hương Sơn

      Câu 1: Mở đầu Bài ca phong cảnh Hương Sơn là bầu trời cảnh Bụt. Anh (chị) hiểu câu này thế nào? Câu này gợi cảm hứng gì cho cả bài hát nói? Không khí tâm linh của cảnh Hương Sơn thể hiện ở những câu thơ nào?
      • Mở đầu bài thơ, tác giả viết" Bầu trời cảnh Bụt ": Là cảnh nửa thực (bầu trời), nửa mơ (Cảnh Bụt).
      • Câu thơ như một lời giới thiệu, gợi ra trước mắt người đọc một miền non nước, rộng lớn.
      • Không khí tâm linh của cảnh Hương Sơn thể hiện ở những câu thơ:" Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái "," Lững lờ khe Yến cá nghe kinh ".

      Câu 2: Nhà thơ tả cảm giác của khách vãn cảnh Hương Sơn khi nghe tiếng chuông chùa như sau:

      Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

      Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

      Hãy nhận xét về cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa.
      • Cách cảm nhận thiên nhiên của người xưa được cảm nhận qua tiếng chuông chùa. Chùa là nơi thanh tịnh nên khi viếng chùa mọi người đều lột bỏ cuộc đời trần tục để trở về với thế giới thoát tục cùng với phong cảnh đẹp làm mê hồn người.

      Câu 3: Phân tích nghệ thuật tả cảnh của tác giả, đặc biệt chú ý đến việc tả không gian, màu sắc âm thanh?
      • Nghệ thuật tả cảnh của tác giả được thể hiện qua âm thanh (tiếng chim thỏ thẻ, tiếng chày kình) làm nổi bật không gian yên tĩnh, thiêng liêng; qua màu sắc (đá ngũ sắc, hang lồng bóng nguyệt) vừa lộng lẫy, vừa cách điệu làm nổi bật vẻ mĩ lệ của cảnh vật.

      Bài 8: Chiếu cầu hiền
    • 1. Bố cục văn bản
      • Phần 1: " Từng nghe.. người hiền vậy ": Quy luật xử thế của người hiền.
      • Phần 2: " Trước đây thời thế.. của trẫm hay sao? ": Cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước.
      • Phần 3: " Chiếu này ban xuống.. mọi người đều biết ": Con đường cầu hiền của vua Quang Trung.

      2. Hướng dẫn soạn văn Chiếu cầu hiền

      Câu 1: Anh (chị) hãy cho biết bài chiếu gồm mấy phần và nội dung của mỗi phần. Từ đó, khái quát nội dung chính của văn bản" Chiếu cầu hiền".
      • Tham khảo câu trả lời ở mục 1 (Bố cục văn bản)

      Câu 2: Hãy cho biết: Bài chiếu được viết nhằm đối đối tượng nào? Các luận điểm đưa ra thuyết phục là gì? Có phù hợp với đối tượng không? Nhận xét về nghệ thuật lập luận của bài chiếu.
      • Đối tượng của bài chiếu: Sĩ phu Bắc Hà còn sống ẩn dật hoặc tỏ thái độ bất hợp tác với triều đại mới.
      • Các luận điểm được đưa ra để thuyết phục là: Nêu ra thiên tính của người hiền tài, tác giả nêu lên vai trò của người hiền tài đối với đất nước, đưa ra đường lối cầu hiền hết sức thành tâm, khiêm nhường nhưng hết sức quyết tâm cầu hiền.
      • Tác giả đã dùng những luận điểm và lí lẽ phù hợp với đối tượng của bài chiếu.
      • Nghệ thuật lập luận: Chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

      Câu 3: Qua bài chiếu, anh (chị) hãy nhận xét về tư tưởng và tình cảm của vua Quang Trung.
      • Chiếu cầu hiền thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung trong công cuộc xây dựng đất nước sau thời phân li, loạn lạc của nước nhà.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...