Review Sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Hà Phương Chi, 7 Tháng tư 2021.

  1. Hà Phương Chi

    Bài viết:
    3
    Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

    Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

    [​IMG]

    "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em"

    Có lẽ tuổi thơ của các bạn 8x như tôi đều ít nhiều có bóng dáng các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc nhiều tác phẩm của ông, từ kính vạn hoa đến mắt biếc, hạ đỏ, bong bóng lên trời.. Khi đó thích vì các câu chuyện thú vị, gần gũi, nhưng giờ khi đã là người lớn, là mẹ của 2 đứa trẻ, đọc lại Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, lại mang đến một cảm nhận rất khác.

    Nội dung sách: Vừa là một câu chuyện, lại giống như một lời tự sự, mở đầu bằng việc tại sao một cậu bé tám tuổi lại thấy "cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt". Mỗi ngày lặp đi lặp lại "Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi đã biết tỏng ngày mai những sự kiện gì sẽ diễn ra trong cuộc đời tôi" khiến cậu cố sức thay đổi cuộc sống tẻ nhạt đó, tô vẽ cho nó những màu sắc mới mẻ và rực rỡ bằng những cách mà ai trong chúng ta có lẽ cũng từng làm. Cu Mùi, Hải Cò, Tủn, Tý Sún bắt đầu bằng việc đặt lại tên cho thế giới, thay đổi tên của các sự vật xung quanh mình, rồi bắt chước người lớn "hẹn hò", ăn cơm vào tô, uống nước bằng chai, đào tung cả khu vườn để tìm kho báu, nuôi chó hoang..

    Nhưng rồi cuối cùng các cuộc cách mạng ấy vẫn thua cuộc trước quyền uy của các ông bố bà mẹ - những người đã quên mất mình đã từng là một đứa trẻ! Thậm chí, họ bắt bọn trẻ cư xử sao cho giống với số đông, dùng mọi vật đúng với công dụng được quy định sẵn, và đôi khi bằng những cách tàn nhẫn nhất như biến lũ chó hoang bọn trẻ nuôi thành "một mâm thịt được tô điểm bởi lá mơ và củ riềng".

    Cu Mùi - cùng các cô cậu nhóc Hải Cò, Tủn, Tý sún đã cùng mở phiên tòa xử các bố, các mẹ để giải tỏa nỗi ấm ức Vì sao người lớn làm sai mà không bị phạt! Người lớn cũng mắc lỗi, thậm chí còn nhiều hơn và nặng hơn, nhưng tất cả chỉ cười xòa cho qua hoặc nhắm mắt làm ngơ, còn trẻ em lại bị bạt tai hoặc đét roi vào mông. Có oán trách đấy, có không cam lòng đấy, có cảm thấy cô đơn và bất lực đấy, nhưng rồi cuối cùng chúng vẫn không tránh khỏi bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống với những áp đặt, định kiến và trói buộc của sự "bình thường".

    Xuyên suốt câu chuyện là một cảm giác buồn man mác ẩn dưới những lời văn hóm hỉnh. Bật cười vì những trò trẻ nít nhưng vô cùng chân thực, ta lại thấy buồn khi nhìn thấy bản thân trong những đứa trẻ ấy, cũng từng cố thay đổi thế giới, tạo ra những điều thú vị và đặc biệt dưới con mắt của chúng. Và buồn khi giật mình thấy mình sao giống các ông bố bà mẹ trong sách đến vậy. Chúng ta tự cho phép bản thân mình được phép cư xử vô lý và áp đặt những chuẩn mực mà mình cho là đúng với con trẻ chỉ vì chúng ta là người lớn, chúng ta yêu cầu bọn trẻ những việc mà bản thân chúng ta cũng không làm được khi bằng tuổi chúng, lừa gạt bọn trẻ bằng những câu như "con à, hồi bằng tuổi con bao giờ ba cũng xếp gọn gàng tập vở vào cặp trước khi đi ngủ, như vậy sáng hôm sau chỉ việc ôm cặp ra khỏi nhà", và "lặp lại mãi câu chuyện bịa đó cho đến một ngày chúng ta không nhớ có thật là chúng ta bịa ra nó hay không, rồi sau đó một thời gian nữa nếu cứ tiếp tục lặp lại câu chuyện đó nhiều lần thì chúng ta sẽ tin là nó có thật". Và cuối cùng, buồn vì dường như chúng ta đã bỏ lỡ nhiều điều trên con đường trưởng thành của mình, đã để cuộc sống bào mòn lý tưởng, sự sáng tạo, và đâu đó bỏ lỡ một người, bỏ quên tình bạn, tình yêu..

    Rất nhiều, rất nhiều những triết lý trong cuộc sống được tác giả đưa ra bằng góc nhìn hài hước, dí dỏm, chắc chắn bạn sẽ không hối hận khi đọc nó. Tự mang cho mình một vé đi tuổi thơ bạn nhé!
     
    Gill thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng tư 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...