Review Chợ Nổi Cái Răng - Nét Đẹp Vùng Sông Nước

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi MD0210, 3 Tháng mười hai 2021.

  1. MD0210 Một anh chàng HDVDL-Trẻ tuổi-Năng động

    Bài viết:
    28
    Chào các bạn, mình xin giới thiệu một tí mình là một người con của vùng đất miền Tây hiền lành chất phác.

    Hôm nay mình sẽ đưa các bạn đi tham quan một địa điểm khá hấp dẫn và có liên quan đến một sự kiện sắc đẹp quốc tế gần đây..

    Các bạn đã đoán ra chưa..

    Đó là Cần Thơ nơi mà Á hậu Kim Duyên đã lớn lên, mà cụ thể mình muốn giới thiệu là Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ


    [​IMG]

    Nếu các bạn bắt đầu từ TPHCM muốn di chuyển xuống đây thì sẽ có một số phương tiện di chuyển như sau:

    • Xe khách: Xe Phương Trang, xe Thành Bưởi, .. giá vé giao động từ 100.000 đến 150.000 tùy vào nhà xe và thời điểm các bạn đi.
    • Xe máy: Đây chính là phương tiện mình thích nhất vì có thể gọi là đi phượt để trải nghiệm mà chi phí lại rẻ.

    Để mình hướng dẫn đường đi cho các bạn dễ hình dung ha..

    Từ TPHCM các bạn có thể chạy ra Võ Văn Kiệt rồi ra QL1A chạy theo QL1A đến cầu Mỹ Thuận, qua cầu chạy tiếp theo QL1A là sẽ đến cầu Cần Thơ. Đến đây là đã đến được trung tâm của TP. Cần Thơ rồi, các bạn rẽ phải vào Phạm Hùng chạy tí nữa là tới (các bạn có thể đi đường tắt gần Đại học Tây Đô).

    Chợ nổi Cái Răng thường họp chợ rất sớm khoảng 4 - 5 giờ sáng cho nên các bạn có thể đến vào buổi tối tham quan chợ đêm trước rồi sáng sớm hôm sau hãy ra chợ thì lúc đó mới ngắm được bình minh trên sông với một không khí trong lành, tươi mát.

    Hôm mình đi thì lúc 5h mình đã ra tới bến Ninh Kiều, xuống tàu để ra ngoài chợ nổi. Giá vé tàu lớn là 350.000 cho tàu 7 người và 450.000 cho tàu 15 người (không biết bây giờ có tăng hay giảm không nữa vì mình đi năm 2019).


    [​IMG]

    Để mình giới thiệu vài nét về chợ nổi Cái Răng nhe..

    Chợ nổi Cái Răng hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Thập niên 90 của thế kỷ XX, chợ được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ khoảng 1km. Các bạn có thắc mắc tại sao nó tên là Cái Răng không?

    Để mình chia sẻ, theo vài nguồn tin và tài liệu để lại mà cụ thể là theo tác giả Vương Hồng Sển trong cuốn "Tự vị tiếng nói miền Nam" thì Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer "Karan" nghĩa là "cà ràng" (theo cách gọi của miền Tây) đây là cái bếp làm bằng đất nung. Rồi trải qua nhiều năm tháng thì người buôn bán "cà ràng" trên sông hay rao cà ràng, cà ràng rồi dần chệch qua thành Cái Răng như ngày hôm nay. Cũng còn nhiều lí giải khác nhưng vẫn chưa có chứng minh khoa học nên vẫn chưa kể các bạn nghe được.

    Chợ nổi Cái Răng là nơi giao thương buôn bán hàng nông sản sỉ lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, mặt hàng đa dạng và phong phú, không chỉ là nông sản mà còn có các món ăn hấp dẫn như bún riêu, bún cá, hủ tiếu, sữa đậu nành.. Bình thường khi chúng ta trên tàu thì sẽ có vài ghe nhỏ cặp lại gần tàu để bán các mặt hàng đậm chất miền Tây như bún riêu, cháo, bánh canh, bún mắm, cơm tấm.. mặc dù là buôn bán trên sông nhưng các loại nguyên liệu vẫn được chuẩn bị đa dạng và đầy đủ không kém như ở trên bờ. Thực đơn đồ uống cũng rất đa dạng như: Sữa đậu nành, cà phê đen, cà phê sữa, nước dừa, các loại chè.. với giá cả hết sức bình dân.

    Các bạn hãy thử một lần ngồi trên tàu đang lênh đênh giữa mênh mông sông nước như thế mà thưởng thức một tô bún riêu cua kèm theo một ly sữa đậu nành thì có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế.


    [​IMG]

    Do lưu thông, trao đổi buôn bán trên sông nên tại chợ nổi cái Răng có một thứ gọi là "tín hiệu" để buôn bán đó là cây "bẹo" (một cây dài dựng trên hoặc trước ghe treo lên những rau củ, trái cây, nông sản mà họ muốn bán) vì nơi đây gió lớn và tiếng tàu xuồng nên không thể nghe được lời rao như trên đất liền. Đây được xem là một nét văn hóa độc đáo, có thể chia làm các loại như sau:

    • "Treo gì bán nấy" : Thương hồ muốn bán cái gì thì treo cái đó lên cây bẹo. Ví dụ, họ muốn bán khoai thì họ sẽ treo khoai lên, bán xoài thì sẽ treo xoài..
    • "Treo mà không bán" : Đó chính là quần áo của nhiều hộ gia đình sống trên ghe. Họ sinh hoạt, ăn uống, giặt giũ hàng ngày ở đây. Chiếc ghe như là ngôi nhà thứ 2 của họ.
    • "Không treo mà bán" : Những chiếc ghe nhỏ len lỏi phục vụ các mặt hàng cho khách đi chợ như: Cà phê, bún, hủ tiếu, bún riêu, bánh mì thịt..
    • "Treo cái này nhưng bán cái khác" : Khi bạn thấy họ treo một tấm lá lợp nhà thì có thể hiểu là họ bán chiếc ghe của họ. Vì người dân coi chiếc ghe như căn nhà của họ.

    [​IMG]

    Điều quan trọng nhất là nếu bạn đã đi chợ nổi Cái Răng mà không có một album sống ảo "cực xịn". Theo kinh nghiệm du lịch chợ nổi Cái Răng của nhiều du khách du lịch cũng như mình đã thử thì việc chụp những tấm ảnh trên mũi ghe là vô cùng đẹp.

    [​IMG]

    Và lí do mình muốn giới thiệu đến các bạn nơi này không chỉ là về cảnh đẹp sông nước hay ẩm thực tuyệt vời, mà cái mình muốn nói đến chính là con người Nam Bộ. Họ là những người nông dân chịu thương chịu khó, thật thà, hiền lành, chất phác lắm và cả lòng mến khách. Mình vẫn còn nhớ đến hình ảnh cô bán xoài cho mình hôm ấy, tiếng cười thì giòn tan khoái chí, bán 1kg thì ra 1kg2 cô nói "cô cân hơn 1kg ăn cho đã". Cuộc sống của người dân nơi đây có lúc nhanh, lúc chậm theo từng nhịp của con sóng vỗ. Cứ như thế, chợ nổi vẫn trở nên đầy màu sắc bởi những "bẹo" hàng; sự ấm áp của những con người bình dị, dân dã, dễ mến nơi đây. Cuộc sống lênh đênh sông nước, khó khăn nhưng đậm đà tình nghĩa đã khiến chợ nổi được hình thành và giữ gìn qua nhiều năm qua.

    [​IMG]

    MD0210_CầnThơ

    03/12/2021

    Hi vọng những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của mình sẽ giúp các bạn tìm hiểu thêm một điểm du lịch mới, một kiến thức mới

    Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...