Tự truyện: CHIỀU KIM ĐỒNG HỒ- Windy Ho Sáng nay, cả nhà ăn bún bò. Tôi dị ứng bò, nên cu đặt cho riêng tôi bún chay. Nó dạy tôi cách mở khóa cổng là xoay ổ khóa theo chiều kim đồng hồ. Nó là em trai tôi, chúng tôi sống với nhau cùng ngoại khi cha mẹ ở xa. Nhưng vì là con trai, nó ít để tâm những điều nhỏ nhặt. Tôi không biết xem giờ đồng hồ kim, và tất nhiên không biết hướng kim đồng hồ. Quá khứ như những thước phim quay chậm, đầy đủ hình khối, sắc màu, và thanh âm quen thuộc. Ngoại năm ấy đã ngoài 80, sống một mình, sơ suất té gãy chân. Các cậu các dì không đưa đi bệnh viện mà nhờ thầy lang nắn chân, cuối cùng ngoại nằm một chỗ, chỉ có thể ngồi lết lết chứ không bao giờ đi lại được nữa. Vì thế mẹ chuyển trường cho tôi và em về ở cùng. Tôi tuyệt nhiên không thích nơi ở mới, trường mới, bạn mới. Tôi đã quen cả ngày bế em ra đồi, trò chuyện cùng cỏ cây giữa không gian cùng bầu trời rất rộng, sáng sáng nhón chân mở cửa ngắm sương mù phủ kín dưới rẫy, hít hà hoa cà phê sực nức hương, và thích thú chạy nhảy ngoài trời những hôm rả rích mưa dầm. Tôi lầm lì, ương ngạnh và càng ngỗ ngược hơn khi mẹ gọi điện thoại nhờ mợ Năm để gặp tôi, khóc lóc kể cha lại say xỉn, đi nhậu khắp nơi, ghé hết nhà này đến nhà khác, để mẹ một mình hái cà, kéo bạt, cà già cây cao mẹ trèo không được, đã thế về đến nhà còn đánh chửi mẹ. Thế là bao nhiêu uất hận dành cho cha, và giận dỗi âm ỉ bấy lâu tích tụ, tôi mang ra tỏ thái độ với ngoại. Nhưng ngoại vẫn thế, với tôi hiền từ, và nhẫn nhịn. Mẹ kể, ngày trước ngoại lên Lâm Đồng phụ mẹ chăm tôi, ngoại thương tôi nhất trong đám cháu, thương hơn cả thằng cu, vì ngoại mến chân mến tay với tôi từ lúc tôi vừa mới chào đời. Lúc chị em tôi còn ở Lâm Đồng, Tết đến bao nhiêu bánh kẹo ngon ngoại đều gói ghém để dành, đợi chúng tôi về quê chơi có bánh kẹo để ăn. Chúng tôi không về, ngoại để lên mốc meo chứ không mang cho ai. Con nít trong xóm đều không thích ngoại vì cái gì cũng khư khư dành cho con Ngọc. Dần lớn hơn, tôi hiểu biết hơn, thái độ dần đổi thay, vì mặc kệ bao nhiêu ngỗ ngược từ tôi, ngoại vẫn dành cho tôi yêu thương tuyệt đối. Dù vẫn rất nhớ rừng, nhưng vì có ngoại, tôi tạm thời chấp nhận nơi đó, dù vẫn lặng thầm chơi một mình ở bụi chuối sau nhà, chui rúc trong thế giới của riêng tôi. Một hôm, con bé hàng xóm sang chơi, nó khoe chiếc đồng hồ sáng bóng mới mua có mấy cây kim bé bé xoay xoay bên trong mặt kính, ngoại khen chiếc đồng hồ đẹp quá, để nhận tiền Liệt sĩ của Dì Năm ngoại cho tôi mua một chiếc để xem giờ. Thế là tôi có đồng hồ, nhưng là chiếc đồng hồ điện tử màu đen. Lí do đơn giản là đồng hồ kim, tôi không biết xem. Ngoại không được đi học, không biết xem giờ trên đồng hồ, bất kể đồng hồ số hay kim, ngoại muốn tôi đã đi học rồi thì phải biết xem giờ, để mang đồng hồ đẹp cho bằng bè bạn. Thế nên ngoại đã giận mất mấy hôm. Còn tôi dùng chiếc đồng hồ điện tử ấy cho đến khi vào năm nhất đại học, rồi không biết trong lúc vô ý nào, tôi đã làm rơi đâu đó. Để có thể tự trang trải không phiền cha mẹ, vừa nhập học tôi đã đăng kí đi làm gia sư dạy kèm. Nên khi ấy cũng dự định mua lại một chiếc đồng hồ khác. Cuối cùng, tôi suy nghĩ dù thế nào cũng không phải là chiếc đồng hồ của ngoại, nên đã chẳng mua. Phần vì đi học xa nên đã có điện thoại di động rồi, có thể dùng để xem giờ, vừa tiện vừa tiết kiệm. Năm 2014, tôi ra trường, tất bật đi làm thêm vài việc làm thêm một lúc để trả nợ ngân hàng tiền vay đi học. Áp lực đè nặng, mỗi năm chỉ về đúng một lần Tết, nhưng lần nào về ngoại cũng mừng rơn, xoa đầu, xoa tóc, ôm tôi, rồi thơm má nựng nịu như ngày tôi còn bé. Tôi đã hiểu chuyện rồi, thương ngoại hơn rất nhiều. Tôi bảo với ngoại đợi tôi trả hết nợ sẽ mua cho ngoại chiếc xe lăn, rồi đưa ngoại đi khắp nơi, lấy hạt giống hoa ở mỗi nơi đi qua về ươm ở mảnh vườn nhà, dạy ngoại học chữ. Ngoại bảo ngoại già rồi, đã rụng hết răng, sắp chết, còn học làm gì. Ngoại đợi tôi lấy chồng thôi. Tôi cười xòa, và bảo ngoại sẽ sống trăm tuổi cùng tôi, nên tôi chả lấy chồng làm gì cả. Sau đó, ngoại bị bệnh tuổi già, quên mẹ, quên cu, và quên luôn cả tôi. Tôi những lúc ấy về, chỉ lẳng lặng ngồi nhìn. Ngoại nhìn tôi cười hỏi: - "Chị thấy con Ngọc nó đi học về chưa? Tui ngồi đợi nó về ăn cơm nãy giờ lâu quá mà chưa thấy nó về." Tôi chỉ biết ôm mặt khóc. Đầu năm 2016, cha mẹ bán nhà và vườn chuyển hẳn về ở cùng ngoại. Ngày 1 tháng 11 năm 2016 âm lịch, ngoại mất. Ừ, ngoại tôi không thể mở mắt nhìn tôi thêm lần nào. Tôi không thể chạm vào Người được nữa. Tôi đờ đẫn vô hồn từ lúc sếp gọi hộ tôi taxi ra sân bay đến lúc lên máy bay, và vô thức lê chân dưới trời mưa theo linh cửu, ngạt thở, khô khan, mơ hồ, điên đảo. Cha bảo có lấy áo mưa che cho tôi, nhưng tôi cứ thế vừa rơi nước mắt vừa bước đi, không nhận thức được gì xung quanh cho đến khi người ta lấp đất lên thành ngôi mộ. Tôi mới ôm mộ ngoại mà gào thét, gọi ngoại tại sao lại nằm dưới đó, tại sao không dậy để gặp tôi. Mấy năm liền sau đó, Tết đến tôi đều về Lâm Đồng ở nhà chú Tám, không về ngoài ấy nữa. Vì cứ nhìn ra cửa lại thấy Người ngồi, nhìn tôi, dịu hiền cười, lại văng vẳng bên tai: "Ngọc ơi! Bao giờ con lấy chồng cho ngoại mặc áo dài đi đám cưới con, ngoại chết cũng ngậm cười". Sau này, khi đã trả hết nợ ngân hàng, có công việc thu nhập ổn định, thừa sức để mua bao nhiêu chiếc đồng hồ kim hơn ba trăm nghìn ngày trước ngoại muốn mua cho tôi ấy, tôi cũng chẳng bao giờ mua và mang đồng hồ nữa. Và dù, tôi hoàn toàn có thể học cách xem giờ đồng hồ kim, tôi từ chối học. Đó là điều cố chấp cuối cùng để giữ lại hoài niệm về ngoại tôi- người thương tôi và gắn bó với tôi nhiều hơn cả cha mẹ. Vì tôi sợ, 5 năm, 10 năm, hay nhiều năm sau này, tôi có thể sẽ qu ên mấ t Người mà tôi muốn nhớ. Đồng hồ kim như cái gì đó để nhắc nhở, như hôm nay, sau quãng thời gian không mấy dễ chịu gì với những biến cố bất ngờ làm tôi choáng váng, tôi lại nhớ Người. Vì tôi không biết chiều của kim đồng hồ, dù là trước đây, hiện tại hay sau này. Với nhiều người, "Nhớ" là bởi vì trí nhớ quá tốt, nên không thể quên. Còn đối với một vài người, "Nhớ" là vì cố- chấp- không- quên. Viết cho ngoại một ngày nhớ rất nhớ vì không biết hướng kim đồng hồ Sài Gòn, June 8, 2021.