Theo các tài liệu nghiên cứu, loài chó sống khoảng từ 12-18 năm. Vậy mà Kẹo chỉ được hiện diện trên cõi đời này chưa đầy một tuổi. Kẹo chết khi còn quá nhỏ. Một chú cún con tội nghiệp. Chuyện kể rằng: Hai anh em Kẹo – Bông xa mẹ từ hồi tấm bé, được một gia đình (trong đó có hai cậu chủ nhỏ Thin và Khin) nhận nuôi. Cả nhà dành tất cả tình thương cho anh em Kẹo. Và rồi, vào một ngày không may, Kẹo bị hai "cẩu tặc" (cái danh từ xấu xa, đầy sự miệt thị dành cho bọn chuyên đi trộm chó) bắt. May thay, Kẹo đã trốn thoát. Nhưng cũng từ đó, những tháng ngày "ba chìm bảy nổi" với biết bao khổ ải ập xuống cuộc đời của Kẹo, khi mà chú cún con ấy thực hiện bản chất nổi trội của giống loài, trên đường tìm về với chủ: Lòng trung thành. Có lẽ, để bạn đọc trực tiếp thưởng thức từng chi tiết trong tác phẩm thì hay hơn, nên tôi không kể về nội dung câu chuyện mà tác giả đã dày công xây dựng. Chỉ xin có đôi dòng về những điều ẩn phía sau tác phẩm, bởi tôi tin rằng đó mới chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc. Xuất phát từ đâu mà hai cậu chủ nhỏ, Thin và Khin lại mến, lại cưng các chú cún làm vậy? Đó có phải là điều xuất phát từ.. tự nhiên – do "trời sinh tính" nên vậy hay từ giáo dục, từ môi trường sống, từ những tấm gương mà các em nghe thấy, nhìn thấy hàng ngày? "Nhân chi sơ tốn bổn thiện" – thường là thế, nhưng khó mà tin rằng, những đứa trẻ có người thân kiếm sống bằng cách đi trộm chó, hoặc cha mẹ thích ăn "cờ tây", hay các cháu thường xuyên thấy cảnh người lớn đập đầu, trấn nước các chú chó để làm thịt.. lại có thể rung cảm trước những chú cún con, hay cảm động khi thấy những con vật ấy đang run rẩy trong cơn mưa, khổ sở vì bệnh tật, lang thang chịu đói khát. Những hành vi lặp đi lặp lại của người lớn, sẽ là tấm gương cho trẻ noi theo. Liệu có ai đó bảo rằng, chuyện trẻ con thích hoặc ghét chó thì có gì mà quan trọng! Miễn sao khi lớn lên chúng không là người tàn ác, không trở thành đầu trộm đuôi cướp là được thôi mà. Thoạt nghe cũng có lý. Nhưng nào phải vậy. Nếu ta gieo vào trái tim của trẻ sự hiền lương ngay từ những ngày thơ ấu, thì trái tim ấy sẽ khó lòng mà không thổn thức, đau đớn trước chuyện bất nhân. Và ngược lại. Qua sách vở, phim ảnh, bạn bè.. các bé đều biết rằng: Chó là loài vật nuôi gần gũi nhất, trung thành nhất của con người. Vậy mà cha mẹ các cháu, người lớn trong gia đình các cháu, hàng xóm các cháu.. thảy đều ngược đãi, hành hạ, giết thịt con vật trung thành và gần gũi nhất ấy, thì đến một ngày nào đó các cháu cũng sẽ thấy bình thường, khi mà một nhóm bạn đánh đập một bạn nào đó trong sân trường. Hoặc khi nhìn thấy chuyện bất bình trên đường phố, những bất công ngoài xã hội các cháu cũng sẽ làm ngơ, xem như lẽ thường tình (). Một quy luật dường như bất biến: Khi tình yêu thương không có, thì sự vô cảm sẽ thay chỗ. Một trái tim vô cảm sẽ là sự sẵn sàng cho những hành vi tàn ác! Các chú cún trong tác phẩm được tác giả "nhân cách hóa" một cách sinh động, khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn, lôi cuốn. Suy nghĩ, hành động và cả sự dằn vặt nội tâm của Kẹo, Bông, Vàm, Đô và nhiều cô, cậu cún trong Chiếc vòng cổ màu xanh hẳn sẽ khiến cho bạn đọc phải nhiều lần tạm gấp trang sách lại. Suy nghiệm. Ta xem, Kẹo hồi bé tí nghĩ gì nhé. "Hơn một tuần tuổi, Kẹo vẫn không thấy gì cả, xung quanh tối đen. Kẹo nhận biết mọi thứ bằng âm thanh và mùi, đặc biệt là mùi. Con chó to luôn gầm gừ như dọa nạt ai đó, nằm bên cạnh nó, luôn liếm láp khắp người nó – hẳn đấy là mẹ nó rồi, đầy mùi sữa. Đôi khi, nó ngo ngoe bò ra khỏi ổ lại bị chó mẹ ủi mạnh văng vào. Còn cái thằng rên ư ử bên cạnh là em nó rồi. Thằng này nũng nịu đến kinh, đúng là con út". (Trang 12) Rồi khi Kẹo gặp nạn.. "Rồi Vàm chìa ngay cái đuôi của nó vào trước mõm Kẹo: – Cắn vào đuôi, cắn chặt đừng sợ ông đau. Dùng sức bươn hai chi trước nhé. Ông sẽ kéo cháu! Kẹo cắn chặt đuôi Vàm, cái đuôi không còn lông trụi lủi, cứng như một đoạn cây khô. Kẹo cố gắng cử động hai chi trước và dùng sức đẩy hai chi sau. Nỗi hoảng sợ bị bùn đông cứng cả người dính chặt vào bãi lầy làm cho nó cố gắng hơn. Cuối cùng, Vàm đã kéo được Kẹo ra khỏi hố bùn". (Trang 165) Và sau cái chết thảm thương của Vàm, sự dằn vặt cùng nỗi đau của Kẹo chẳng khác gì một con người: "Nhìn xác Vàm thật thê thảm, tội nghiệp.. Kẹo quỳ xuống bên xác Vàm và khóc. Nó ôm chặt Vàm bằng hai chi trước. Nếu nó không rủ Vàm đi tìm ông chủ có thể Vàm vẫn còn sống..". (Trang 174) Ở tập sách này, tôi cho rằng, sự thành công của tác giả không chỉ dừng lại ở việc gieo vào trái tim của người đọc (đặc biệt là các cháu thiếu nhi) mầm thiện, lòng trắc ẩn hết sức nhân văn, mà qua cách hành văn của mình, nhà văn còn giúp cho các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường một lối viết, một cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. "Trong ánh chiều, những thân lau mảnh, yếu ớt, phơ phất qua lại như những nhát chổi khua nên nền trời vàng rực đẹp kỳ lạ. Một màu trắng kéo dài vô tận, cuốn hút đến mê hồn. Cánh đồng lau mang đến cảm giác yên tĩnh khó tả. Mắt Kẹo mở to, dường như nó bị thôi miên bởi những bông lau trắng thanh mảnh. Nhưng Kẹo đã nhanh chóng lắc lắc mạnh đầu xua đi cảm giác thôi miên đang làm mờ hai con mắt đờ đẫn của nó để trở về với thực tế. Nó đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ, dòng sông đã biến mất, nó đang mất phương hướng và đêm, đêm sắp tràn xuống..". Hoặc: "Trong đầu Kẹo và Bông có hàng triệu ô để ghi nhớ những âm thanh khác nhau: Chỉ riêng tiếng lá rơi, Kẹo cũng nhận biết hàng trăm thứ lá rơi khi gió thổi. Nhẹ là vậy, tiếng rơi mảnh là vậy, vẫn là những thanh âm khác nhau, sắc thái khác nhau. Một lá bàng rơi, một lá sake vườn nhà bên rơi, một lá me cuối phố rơi khi chạm đất đều vang lên một thanh âm rất khác". Với tôi, Chiếc vòng cổ màu xanh ngoài chức năng của một cuốn sách văn học, còn là một thông điệp của tình yêu thương mà con người dành cho thế giới xung quanh mình.