Chị tôi bên bến sông Tác giả: Diệu Phúc Năm tôi lên bốn, chị đã lên mười. Người ta nói chị mãi là đứa trẻ bốn tuổi. Tôi không hiểu vì sao lại thế. Có lẽ vì chị chẳng khôn hơn tôi được bao nhiêu và mẹ lúc nào cũng phải săn sóc chị giống hệt tôi. Lên bảy tuổi, tôi bắt đầu thấy chán ghét chị. Sao chị lại khù khờ như thế, để bạn bè trong lớp trêu chọc rằng tôi có người chị điên, chị tàn. Mỗi lần đi học về ngang nhà tôi, bọn thằng Ân, thằng Tuấn lại hát to: Bống tàn ăn quả dưa gang Ăn nhầm lựu đạn nổ toang cả nhà. Tôi nghe mà tức lộn ruột, chỉ muốn lấy đá ném cho chúng một trận. Bống là tên chị tôi. Mẹ tôi kể, năm chị bốn tuổi thì bị chó dại cắn, sau bao nhiêu thuốc thang cứu chữa chị vẫn mê man. Hơn nửa tháng sau, chị tỉnh dậy, khỏe mạnh. Nhưng mẹ chưa kịp vui thì nhận ra chị không còn bình thường như trước nữa. Bác sĩ bảo thần kinh của chị bị ảnh hưởng, chậm phát triển trí tuệ nhưng mẹ không tin, nói đúng hơn là mẹ chưa thể chấp nhận được chuyện đó. Tháng tháng đôi lần, mẹ dẫn chị lên chùa khấn vái, cầu trời khấn Phật để chị được bình an vô sự. Chẳng biết trời có thấu, Phật có hay, nhưng chị tôi không biết thêm được gì nữa. Chị tôi mãi bốn tuổi là như thế. Khi tôi bắt đầu hiểu chuyện, tôi thương chị nhiều hơn. Những lời trêu chọc của đám bạn, tôi nghe dần rồi cũng thành quen. Năm tôi mười một tuổi, một hôm chị hái trộm xoài nhà người ta, bị đuổi đánh, rách cả vạt áo. Họ chửi: "Điên! Điên cái ngữ gì mà khôn thế!" Tôi nghe thấy liền vội chạy nhanh về nhà. Chị bị mẹ mắng, ngồi thu mình sau hè, thấy tôi, chị xòe tay đưa ra quả xoài xanh. Tôi nghẹn ngào ôm lấy chị, hai hàng nước mắt trào ra. Tôi vào trường cấp hai, đi học cách nhà bốn cây số. Tôi học giỏi, có nhiều bạn, nhưng thân với Hưng và Ngọc hơn cả. Một lần, đám bạn cùng lớp kéo nhau về nhà tôi. Mẹ tôi bẻ ngô nấu một nồi to tướng. Nhà tôi lụp xụp, nền đất, nuôi nhiều gà vịt, chúng ị ra khắp sân. Mấy đứa bạn đi cùng khó chịu ra mặt, chúng tụ tập ở gốc cây mít ngoài ngõ, không chịu vào nhà vì nhìn thấy chị tôi thẫn thờ đi trong sân. Đến lúc ngô chín, chúng bỏ về gần hết vì thấy nhà tôi bẩn, chị tôi điên, chúng không dám ăn ngô vì sợ lây bệnh. Thằng Hưng, bạn thân nhất của tôi, bàn tay siết chặt giận dữ: "Một lũ khốn nạn". Ngọc thì không nói gì, lẳng lặng lấy một bắp ngô đưa cho chị tôi. Chiều hôm đó, nhà tôi ăn ngô thay cơm. Thằng Hưng và cái Ngọc mang về một ít. Số còn lại, mẹ tôi mang biếu hàng xóm. Từ đó, ngoài Hưng và Ngọc ra, tôi không bao giờ dẫn thêm đứa bạn nào về nhà nữa. Lên cấp ba, tôi, Hưng và Ngọc mỗi đứa mỗi lớp. Cả ba đứa đều nguyện vọng thi vào trường Sư phạm nhưng Hưng theo khối A, Ngọc khối D, còn tôi khối B. Ngoài giờ học thêm toán cùng nhau vào buổi tối, chúng tôi ít có thời gian gặp nhau. Dẫu vậy, tình bạn của chúng tôi vẫn bền chặt, keo sơn. Mùa hè, trời nắng như đổ lửa, chị tôi có lẽ vì thế mà bệnh nặng thêm. Chị hay ôm đầu, tự đập vào tường rồi lại rì rầm những tiếng nghe không rõ. Chị nói suốt ngày đêm. Tôi thương chị nhưng cũng có chút bực dọc vì không thể tập trung học được. Lắm khi, tôi lại ngửa mặt lên trời, muốn hỏi trời cao, chúng tôi, những kẻ sống một đời thiện lương, đến con kiến cũng không nỡ giết, sao ông trời lại nhẫn tâm với chị như vậy. Vào đại học, Hưng ngỏ lời yêu tôi. Tôi bối rối tìm cách hoãn binh. Tình cảm của Hưng bao năm qua không phải tôi không biết. Tôi cũng không phải sắt đá đến nỗi không biết rung động. Nhìn mẹ tôi ngày một già đi, tôi ao ước gặp được một người chân thành và chấp nhận được chị tôi để tôi có thể đưa mẹ và chị về sống cùng. Hưng yêu tôi nhưng cậu có đồng cảm với những trăn trở của tôi hay không, tôi không chắc. Một hôm, Ngọc bảo tôi đến trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dạy trẻ mồ côi, người khuyết tật của thành phố cùng cô ấy. Ngọc chỉ một cậu bé, nói với tôi: - Đó là Khang. Nó bị thiểu năng trí tuệ. Lúc mười tuổi được đưa vào đây, hiểu biết của nó như một đứa trẻ sáu tuổi. Được các thầy cô ở đây dạy bảo, mỗi năm, nó lại thêm một tuổi, nó sống ở đây bốn năm rồi. Giờ thì đã khá hơn. Ngọc lại chỉ tay về phía một cô gái khác: - Chị ấy là Bảo Trâm. Chị ấy bị tai nạn, bố mẹ mất cả, đi lại khó khăn nhưng học rất giỏi, đang học năm thứ ba trường Cao đẳng đấy. Ngọc bảo rằng cô ấy đã tìm hiểu rất kĩ nơi này. Có rất nhiều người khuyết tật đã trưởng thành từ nơi này và khuyên tôi nên đưa chị vào đây. Tôi hiểu sự chân thành của Ngọc và đằng sau ấy có thể là sự quan tâm tế nhị của Hưng dành cho tôi vì cả ba chúng tôi vẫn thân thiết với nhau. Nhưng suy đi tính lại, khi bàn bạc, mẹ tôi cương quyết không cho chị vào trung tâm bảo trợ xã hội. Mẹ bảo, chị được mẹ sinh ra thế nào thì sẽ ở với mẹ thế ấy. Nhìn chị sống như một đứa con mồ côi mẹ không đành lòng. Tôi cũng không đành lòng. Chị chỉ như một đứa trẻ, nếu không có mẹ và tôi ở cạnh, không biết chị sẽ thế nào, liệu có được ăn no, có được tắm rửa sạch sẽ, hay lại bị người khác bắt nạt, thậm chí đánh đập vì sự khù khờ của mình. Rồi chị vẫn ở với chúng tôi như ngày nào và mẹ nhận thêm việc nấu ăn cho đoàn công nhân ở công trường. Buổi sáng, mẹ nấu luôn cả phần cơm trưa cho chị rồi đi làm, chiều muộn mẹ mới về. Còn tôi, sau khi nhận làm gia sư cho một cậu học trò lớp chín và một cô bé lớp bảy, tôi có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Cuộc sống của ba mẹ con tôi khá hơn. Tối tối, bên chiếc ti vi, chị ngồi trong lòng mẹ xem phim. Tôi mải mê với sách vở. Cuộc sống thanh đạm nhưng thật bình yên. Một dạo, chị tôi bỗng lười ăn, mỗi bữa chỉ lưng bát cơm. Được mấy hôm, chị bảo không muốn ăn nữa. Mẹ tôi mua cho chị lọ nước yến hay hộp sữa nhưng uống vào chị nôn ra hết. Mẹ tôi mặt tái xanh đưa chị đến bệnh viện. Người ta khám cho chị rồi bác sĩ bảo, chị đang mang thai. Cái thai đã được mười một tuần tuổi. Cái tin như một cú sét đánh ngang tai. Mẹ tôi sững sờ, run rẩy, chân như muốn khuỵu xuống. Mẹ trừng mắt nhìn chị, cố kìm giận giữ nhưng vẫn gằn lên từng tiếng: "Là ai? Từ khi nào?". Chị run sợ, nép mình vào chân tường, ngồi co ro như chú cún con bị ướt mưa. Mẹ hết dỗ ngọt lại đến dọa nạt, nhưng tra hỏi kiểu gì chị cũng không nói. Rồi mẹ bắt đầu khóc. Mẹ gào lên như một đứa trẻ. Mẹ trách ông trời, mẹ trách cuộc đời, rồi lại tự trách mình. Lòng tôi đau như cắt. Tôi hận ông trời, hận cuộc đời này và hận cả bản thân mình. Giá mà tôi ở bên chị nhiều hơn, quan tâm đến chị nhiều hơn thì đâu đến nông nỗi. Sau một đêm thức trắng, mẹ ngậm ngùi nói những lời dứt khoát: "Bỏ cái thai đi. Đã không biết bố đứa bé là ai, nó lại điên điên khùng khùng như vậy, làm sao nuôi được con. Đẻ ra chỉ tổ làm tội con mà thôi. Đời nó khổ quá rồi, đừng để phải khổ thêm nữa". Tôi chưa hết bàng hoàng thì chị tôi đã lao đến ôm chân mẹ, nấc lên từng tiếng một: "Không! Không! Con của Bống. Không được bỏ. Bống nuôi con". Mẹ dỗ dành chị, rồi lại chuyển sang la mắng nhưng không lay chuyển được ý muốn của chị. Chị muốn có con. Lúc này, chị không còn là một đứa trẻ nữa. Mẹ tôi tâm hướng Phật, đâu muốn tạo nghiệp nhưng đời chị khổ quá, mẹ tôi xót xa. Hai ngày chị bỏ ăn, chống đối. Nhìn thấy sự thay đổi của chị, mẹ cũng phải suy nghĩ lại. Ừ thì đầu óc nó như một đứa trẻ nhưng nó cũng đã gần ba mươi. Cái đầu nó không theo kịp tuổi, nhưng trái tim nó, biết đâu, lại theo kịp. Thôi đành, con dại cái mang. Ngày qua ngày, mẹ chăm chút chị nhiều hơn. Hàng xóm tiếng xì xào bán tán nhưng mẹ và chị mặc kệ. Chị hay nhìn xuống cái bụng bầu của mình, áp tay vào đó, đôi mắt lim dim như thể cảm nhận được nó - đứa bé ấy. Những lúc thế này, nhìn chị chẳng có vẻ gì là điên cả. Rồi cũng đến ngày mãn nguyệt khai hoa, chị tôi sinh một bé trai kháu khỉnh. Mẹ tôi ẵm đứa bé, đặt vào lòng chị, bày chị cách cho con bú. Ngày đêm mẹ không rời chị nửa bước, sợ chị ngủ quên lúc cho bú, sẽ đè ngột con. Căn phòng nhỏ tôi hay ngồi học, mẹ kê thêm chiếc giường cho mẹ con chị một chốn riêng tư trong thời gian ở cữ. Xóm giềng, cô bác, người ta cũng dần cảm thông, vừa mừng, vừa thương cho chị. Họ hay biếu chị khi chục trứng gà, khi đôi lốc sữa để chị bồi dưỡng. Không giống như cách chị chơi với con búp bê ngày trước, với đứa bé, chị nâng niu nó một cách kì lạ. Mỗi lúc nó cười, trên gương mặt chị toát lên vẻ rạng rỡ, dịu dàng. Đứa bé dường như biết thương mẹ, nó ít quấy khóc và bú nhiều, ngày càng phổng phao trông thấy. Mẹ tôi đặt tên nó là Minh, mong sao nó có một tương lai tươi sáng. Thấy cảnh nhà cửa chật hẹp, lại thêm một đứa trẻ, mẹ tôi dành dụm xây thêm một gian nhà ngang dành riêng cho mẹ con chị. Tuy gọi là nhà riêng nhưng chị vẫn ăn cùng cả nhà, chỉ có buổi tối mẹ con chị mới về phòng để ngủ. Rồi một thời gian, tôi thấy chị rạng rỡ hơn, chị chăm lo cho đứa bé tốt hơn và trên khuôn mặt người đàn bà nửa điên dại dường như có một niềm vui giấu kín. Tôi thấy chị dần trở nên sạch sẽ, gọn gàng. Một linh cảm trong tôi lớn dần. Một buổi tối, tôi thức dậy giữa đêm. Mẹ tôi khó ngủ nên gần sáng bà mới ngon giấc. Cảm giác một điều gì đó rất lạ, tôi nhè nhẹ mở cửa, bước sang bên nhà ngang. Dưới ánh trăng mờ sáng, qua cánh cửa sổ khép hờ tôi nhìn thấy chị tôi và một người đàn ông đang quấn chặt vào nhau. Những âm thanh rên rỉ và tiếng da thịt chạm vào nhau khiến tôi đỏ mặt. Nhưng chị không giống bị người ta cưỡng bức, chị cũng hòa quyện, đung đưa theo hắn. Không lẽ đó là bố đứa trẻ? Tôi đứng chôn chân, nhìn hai bóng đen hòa quyện dưới ánh trăng. Cả đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được. Mỗi lần nhắm mắt lại, hình ảnh hai cái bóng mờ ảo quấn quýt vào nhau lại hiện ra. Tôi không biết có nên nói với mẹ chuyện này hay không. Nhìn những thay đổi gần đây của chị, tôi biết, chị đang yêu. Chị sạch sẽ, ít nói những câu vô nghĩa hơn. Người điên, họ vẫn có thể yêu chứ, bởi vì họ cũng có trái tim. Nhưng tôi lo lắng, không biết chị có bị người ta lợi dụng hay không. Dù sao, về bản chất chị vẫn là một kẻ điên. Trên đời này, có người đàn ông nào lại ngu ngốc đi yêu một kẻ điên dại chứ? Tôi quyết định im lặng, tự đi tìm cho mình một câu trả lời. Đúng như tôi linh tính, hôm sau, hắn lại đến. Hắn cúi xuống thơm nhẹ má đứa bé đang say giấc. Rồi hắn mò sang nằm bên cạnh chị, ôm ấp, vuốt ve. Nhìn cách hắn mơn trớn chị, tôi tựa hồ như đang có kiến bò khắp người. Một cảm giác rất lạ dâng lên khiến tôi hoang hoải, mất phương hướng. Tôi dám khẳng định hắn chính là cha của bé Minh. Nhưng vì sao hắn không đến nhận? Hắn có thật sự yêu chị tôi? Hắn xấu hổ khi yêu một kẻ điên hay hắn tìm đến chị chỉ để thỏa mãn dục vọng? Lòng tôi giằng xé giữa bao ngổn ngang. Tôi quyết định nếu có lần nữa sẽ ra mặt, gặp hắn để làm rõ mọi chuyện. Khi ánh trăng lên đến đầu ngọn tre, một bóng đàn ông lẻn vào. Tôi toan gõ cửa thì linh cảm có người đang đứng ngay sau lưng. Bất giác, tôi quay lại. "Mẹ!" Tôi kêu lên, bàng hoàng. Nghe có tiếng người, hắn lao vọt ra khỏi cửa, bỏ chạy. Nhờ ánh trăng chiếu rọi, tôi nhận ra bóng hắn xiêu vẹo, khập khiễng. Một bên chân hình như bị thọt. Chị đứng ngây dại giữa màn đêm tối đen. Mẹ tôi tra hỏi dữ dội: "Là ai, đấy là thằng nào?" Cuối cùng, chị cũng nhận, hắn chính là cha của bé Minh. Ngày đó, chị đang tắm ở sau chòi, hắn vô tình đi ngang qua khi cả nhà đều đi vắng. Hắn chiếm đoạt chị. Một lần đó rồi thôi và chị có bầu. Nhưng sau khi chị sinh bé Minh, hắn đã quay trở lại, mang trứng, mang sữa, mang bánh trái cho chị. Và rồi, đêm đêm, hắn lại đến, để sống giây phút được làm chồng, làm cha lén lút. Mẹ tôi chửi chị ghê lắm: - Mày làm thế mà không biết tởm à, mày có biết nó là ai không, là gã thọt chuyên mò hến ven sông. Thằng ấy cũng dở người nên không ai lấy. Chị khóc, tóc chị rũ rượi: - Nhưng anh ấy là bố đứa bé. Anh ấy thương con. Cả xóm này không ai yêu con cả, chỉ có anh ấy thôi. Mẹ tôi dẫn chị ra bờ sông, bế theo đứa bé, dẫn đến cái nhà tạm bợ của người đàn ông kia. Khi nhìn thấy mẹ tôi và đứa bé, anh ta bỗng trèo tót lên ngọn một cây. Hành động ấy càng làm mẹ tôi điên tiết. - Này, cái thẳng dở người kia, mày có chịu xuống đây nói chuyện cho tử tế không hả? Nghe mẹ tôi mắng, hắn biết mẹ tôi đã biết mọi chuyện, sợ bị bắt đền, càng ở tít trên cây không chịu xuống. Mẹ tôi giận lắm, nổi đóa lên: - Mày mà không chịu xuống đây, tao lấy dao chặt gốc cho mày chết luôn. Chị tôi tưởng mẹ làm thật, ngăn mẹ lại: - Mẹ để con khuyên anh ấy. Chị bế con, đứng dưới gốc cây, nước mắt lã chã: - Anh xuống đi. Anh mà không chịu xuống, em bế con nhảy xuống sông luôn. Rồi chị dịu dàng đưa tay vẫy vẫy. Thằng bé con cũng làm theo mẹ, cái tay bé xíu đung đưa. Người đàn ông ngượng ngùng, tụt xuống, rồi chạy lại bên chị, ôm đứa bé, hôn hít rối rít. Mẹ tôi bảo: - Chúng mày đã nhận nhau, dù điên dại thì cũng phải ở nơi tử tế. Cái lều ven sông này không hợp. Đứa trẻ cần có bố. Rồi mẹ nhìn người đàn ông kia, quyết liệt: - Còn mày, mày đã là cha đứa bé, phải có trách nhiệm với mẹ con nó. Mau sửa soạn, gói ghém đồ đạc về đó ở cùng mẹ con nó. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Một ngày vợ chồng, nghìn năm ân nghĩa, huống chi chúng mày.. Mẹ tôi bỏ dở câu nói. Chẳng biết hắn có hiểu được không, nhưng hắn chạy nhanh vào nhà, lấy mấy bộ quần áo cho vào cái túi, hớn hở đứng nép bên chị tôi, rồi lủi thủi theo mẹ về nhà. Từ ngày có hắn về, chị tôi vui vẻ, nói cười nhiều hơn. Những lúc ở cạnh bé Minh và người đàn ông kia, trông chị chẳng điên, hắn cũng chẳng dở. Chiều chiều, chị tôi lại bế con ra ngõ, đợi hắn đi cào hến dưới sông về. Từ phía xa, người đàn ông mồ hôi nhễ nhại nhưng gương mặt tươi tỉnh chạy vội về phía hai mẹ con. Thấy cảnh ấy, tôi lại nhớ đến Hưng, thầm nghĩ, có lẽ đã đến lúc tôi phải chuẩn bị cho hạnh phúc của riêng mình rồi. Và mỗi khi ráng chiều tắt hẳn, cả nhà tôi lại quây quần bên mâm cơm. Ngôi nhà như sáng hơn bởi có bóng dáng đàn ông và tiếng bi bô con trẻ. END