Review Phim [CDrama] The Untamed – Trần Tình Lệnh (Ma Đạo Tổ Sư) (2019)

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi hoanguyendinh, 25 Tháng một 2021.

  1. hoanguyendinh Tôi là tôi. Tôi là Uyên. Và tôi là con gái.

    Bài viết:
    103
    Tên phim: Trần Tình Lệnh

    Tên tiếng Anh: The Untamed

    Chuyển thể từ truyện: Ma Đạo Tổ Sư

    Thể loại: đam mỹ, tiên hiệp

    Số tập: 50 (ver chính thức) và 20 (ver đặc biệt)

    Thời gian phát sóng: 06/2019 - 08/2019

    Diễn viên chính: Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác, Uông Trác Thành, Lưu Hải Khoan, Vu Bân, Tuyên Lộ.. v.. v..


    [​IMG]

    Mình là fan của truyện, không đặc biệt đánh giá cao truyện này lắm (bởi vì có nhiều đoạn trong truyện đọc khá rối não dẫn đến buồn ngủ cực) nhưng nói chung truyện này luôn nằm trong top 10 truyện đam mỹ mà mình thích. Đam Mỹ là truyện tình cảm nam x nam. Nếu dị ứng với thể loại này, mời bạn đi chỗ khác nhé.

    Ma Đạo Tổ Sư là một dạng truyện tiên hiệp (không thuần chủng, chỉ lai lai). Thế giới truyện đề cập tới giới tu tiên, chính xác là tu tiên theo đường kiếm đạo, dùng kim đan để ngưng tụ linh khí. Câu chuyện kể về hai cuộc đời () của nhân vật Ngụy Vô Tiện (tên tự: Ngụy Anh, danh xưng: Di Lăng Lão Tổ), người đã đi ngược với toàn giới tu tiên khi sáng tạo ra ma đạo, dùng máu và bùa chú để điều khiển oán khí. Và bởi vì bạn Ngụy Anh đã tài giỏi mà còn chơi ngông, đã đi ngược đường còn không biết ẩn nhẫn, khiến nhiều người ganh tị ghen ghét, dẫn đến bao nhiêu ân oán tình thù, hậu quả là bạn bị nổ banh xác, chết không toàn thây. 13 năm sau, bạn Ngụy Anh sống lại (trong thân xác một người khác), bị một người bí ẩn từng bước dẫn dắt đi phá án, từng bước lật tẩy các âm mưu ân oán ngày xưa, cũng sẵn tiện từng bước hiểu ra tình cảm của nam chính 2, để cuối truyện thì hai bạn hạnh phúc về chung một nhà.

    Cục phim ảnh Trung Quốc không cho phép làm phim truyền hình về vấn đề đồng tính. Đoàn phim vì để lách luật, biến tình cảm của hai bạn nam trong truyện thành tình tri kỷ tri âm (kiểu như tinh thần kiếm hiệp ngày xưa), có điều hint về đồng tính trong phim văng tung tóe nên nói thật là cho dù bạn chưa từng đọc truyện thì đảm bảo xem phim cũng sẽ đi đến nghi vấn: Hai bạn nam yêu nhau đúng không, đúng không. Việc này hơn phân nửa là công lao của bạn nam chính 2 với cách diễn bằng mắt rất xuất thần. Mình sẽ đặc biệt dành một nửa bài viết hôm nay để viết về vai diễn và diễn xuất của bản sau.. há há.. Cũng để lách luật, một nhân vật nữ (cực phụ) trong truyện được đôn lên thành nữ chính (lúc tuyên truyền), có điều phần đất diễn thêm vào của bạn nữ này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến mạch tình cảm của hai bạn nam chính, hơn nữa bản ngoẻo ngay giữa phim, khiến bộ phim theo rất sát với nguyên tác (theo ý kiến cá nhân của mình). Phải nói là bộ phim trung thành với nguyên tác đến nỗi nhiều fan thắc mắc sao nó được Cục thông qua luôn á.

    Khi mình theo dõi một bộ phim, mình thường chú ý đến các vấn đề sau (theo thứ tự nặng nhẹ của cá nhân) : Diễn xuất, tình tiết, cách xây dựng nhân vật, kỹ xảo, ngoại cảnh, cuối cùng là nhạc phim (nhạc nền). Đừng hỏi vì sao, cái gu xem phim của mình là vậy. Và với Trần Tình Lệnh, ngoại trừ kỹ xảo khá là ba xu ra thì các mục khác đều tròn trịa với cảm thụ của mình.

    Mình sẽ lan man từ dưới lên trên nhé, cho nó đi theo cao trào cảm xúc..

    Đầu tiên là nhạc nền và nhạc phim. Nhạc nền (không lời) của Trần Tình Lệnh rất ổn, cực kỳ ổn, nếu không muốn nói là rất đỉnh. Đặc biệt là các bản phối sáo trúc với đàn tranh. Mình ghiền nhất là 3 bản Thanh Tâm Tẩy, Vô Kỵ và Vong Cơ. Riêng về nhạc phim, (có lẽ) đây là phim truyền hình đầu tiên mà mình biết, nhà sản xuất cho ra đời nguyên một album ca khúc cho từng nhân vật trên phim như này, đặc biệt hơn nữa, phần lớn các bài hát do chính diễn viên đóng vai đó tự hát luôn.

    Đây là link youtube của đoạn Thanh Tâm Tẩy và Loạn Phách Sao trên phim. Các bạn có thể bấm vào để nghe thử.. cực đã nghiền ^_^

    Kế tiếp là ngoại cảnh. Lúc đọc truyện thì mình chỉ mơ hồ mường tượng ra 5 đại gia tộc sẽ ở 5 vùng miền khác biệt. Ví dụ, Cô Tô Lam Thị thì ở trên núi cực cao cách biệt với thế nhân; Kỳ Sơn Ôn Thị cũng là núi nhưng theo kiểu đồi núi hoang dã; Vân Mộng Giang Thị thì ở vùng trũng bao bọc bởi đầm lầy và hồ nước; Lan Lăng Kim Thị là kiểu thành thị giàu có xa hoa như thủ đô; Thanh Hà Nhiếp Thị là kiểu thành trấn sầm uất thương nghiệp. Phải nói đoàn phim A Lệnh đã bỏ rất nhiều công sức cho phần ngoại cảnh của phim này. Họ đã dùng hơn 1 năm để xây dựng phim trường riêng biệt cho mỗi gia tộc kể trên, từ kiểu cách xây nhà đặc trưng với dấu ấn riêng của từng nhà, đến cách bài trí bên trong, đến các vật dụng trang trí, ngay cả cành cây ngọn cỏ cũng được chăm chút tỉ mỉ. Ngoài ra mỗi nhà còn có logo riêng, tông màu chủ đạo riêng, ngay cả trang phục của diễn viên cũng rất đa dạng phong phú. Mình nhớ, phim kiếm hiệp của 20 năm trước, nhân vật chính nhiều khi chỉ có 3-4 bộ trang phục thay đổi xuyên suốt bộ phim, còn diễn viên phụ chỉ có 1 bộ duy nhất. Hai năm trước, lúc theo dõi Tam Sinh Tam Thế, đã nghe người ta bàn tán là phim ấy bỏ rất nhiều tiền vào phần phục trang, nhưng diễn viên chính mỗi người cũng chỉ có 7-8 bộ. Riêng với Trần Tình Lệnh, theo thống kê sơ sơ thì nam chính có 14 bộ, nhưng này không phải nhiều nhất, bởi vì bạn nam phụ có tới 18 bộ trang phục (bởi bản đóng vai giàu). Phần dụng tâm và thành ý này của tổ sản xuất rất có tính chuyên nghiệp, khiến khán giả xem phim như mình mãn nhãn và cực kỳ sung sướng.


    [​IMG]

    Tiếp theo là kỹ xảo. Phần kỹ xảo võ thuật thì tạm chấp nhận. Đặc biệt thích những màn đánh đấm của Lam Vong Cơ và Quỷ Tướng Quân, rất ngầu. Nhưng phần kỹ xảo 3D thì quá hẻo, nó giả đến phát ớn luôn. Cứ nhìn mấy con quái vật trong phim truyền hình TQ là mình lại nhớ tới mấy con quái vật trong phim truyền hình Mỹ.. cách đây 20 năm..

    Giờ nói đến cách xây dựng nhân vật. Lúc đọc truyện, dựa vào miêu tả của tác giả, mình khắc họa rõ nét nhất là các nhân vật sau: Ngụy Vô Tiện, Giang Trừng, Giang Yếm Ly, Ôn Ninh (Quỷ Tướng Quân) và Tiết Dương. Như đã nói ở trên, bộ phim rất trung thành với nguyên tác, cho nên các nhân vật cũng được xây dựng rất sát với nguyên tác. Chỉ có 3 nhân vật là được tô vẽ thêm: Ôn Tình, Ôn Ninh và Nhiếp Hoài Tang. Bởi vì phải đôn Ôn Tình lên làm nữ chính > thêm đất diễn > hình ảnh khắc họa rõ nét hơn, và biên tập của Trần Tình Lệnh muốn lái nhân vật này thành nữ chính ôn nhu thiện lương, mặc dù đây không phải là cảm giác của mình về Ôn Tình khi đọc truyện, nhưng việc này không ảnh hưởng gì đến tổng thể câu chuyện phim nên là bỏ qua. Ôn Ninh trong truyện là một thanh đao giết người, có điểm thiện lương nhưng vẫn rất đáng sợ; còn Ôn Ninh trong phim là cả một trời cu te hột me. Và bởi vì mình thích cái sự đáng yêu này nên là.. bỏ qua tiếp. Nhiếp Hoài Tang trong truyện là trùm cuối bí ẩn theo kiểu bán tín bán nghi, tác giả không lật bài tẩy hoàn toàn, mọi sự về bản chỉ nằm trong suy đoán, nhưng lên phim thì biên tập xây dựng thêm tình tiết để khán giả có thể khẳng định chắc chắn, nhờ thế mà hình ảnh của Nhiếp Hoài Tang cũng sâu sắc hơn. Việc này là một điểm cộng, bởi vì mình thích cái sự rõ ràng trắng đen như thế này hơn là sự suy đoán. Thêm một điểm cộng nữa là cách bộ phim xây dựng nhân vật Lam Vong Cơ. Mặc dù đây là vai chính nhưng lúc đọc truyện thì mãi đến đoạn kết, ở Miếu Quan Âm, mình mới nhìn thấy bản, rồi sau đó phải dựa vào các phần ngoại truyện mới hiểu được bản. Trên phim, Lam Vong Cơ vẫn là mặt lạnh nhưng không có liệt. Ở trong truyện thì chỉ có mỗi Lam đại ca mới nhìn ra cảm xúc trên mặt em trai, nhưng trên phim thì biểu cảm trong ánh mắt của bạn Cơ biến hóa cực kỳ phong phú, cho nên tình cảm nội tâm của bạn Cơ sẽ được khán giả lý giải dễ dàng hơn rất nhiều.


    [​IMG]

    Tiếp theo sẽ bàn về tình tiết phim. Có rất nhiều thay đổi. Mình không nhớ chính xác hoàn toàn nội dung truyện nên chỉ có thể liệt kê dựa theo những gì mình còn nhớ thôi. Một, thêm thắt phần lịch sử của âm thiết, mình nhớ không lầm là trong truyện chỉ nhắc sơ sơ (bởi thứ khiến giang hồ dậy sóng là sức mạnh của Âm hổ phù và Quỷ tướng quân), nhưng lên phim thì âm thiết trở thành nguyên nhân phạm tội của nhân vật phản diện (mà âm hổ phù chế luyện từ âm thiết, nên tính ra cũng không chệch quá xa với nguyên tác). Hai, vì tính trọng đại của âm thiết trên phim nên mới sản sinh ra phân khúc hai nhân vật chính cùng nhau đi điều tra lúc còn trẻ (biên tập rất tài tình mà đưa phần ngoại truyện lên chỉnh sửa cho khớp, vừa phục vụ ý tưởng lại vừa thỏa lòng fan). Ba, vì vụ điều tra này nên sản sinh ra phần chứng cứ của nhân vật Nhiếp Hoài Tang (đúng là tiện cả đôi đường). Bốn, tình cảm nảy nở của Giang Trừng giành cho Ôn Tình (có thể hiểu là đoàn phim sợ Cục phim ảnh nên chế thêm vô, may mà không gây ảnh hưởng gì). Năm, tuổi thơ của Ôn Ninh và Kim Quang Dao (tình tiết vẽ thêm để khắc họa rõ nét cho nhân vật, không quá phản cảm). Sáu, nhập chung cuộc đối đầu ở Bất Dạ Thiên và cuộc chiến dẫn đến cái chết của Ngụy Vô Tiện (với mình thì đây là một sửa đổi hợp lý, giúp kéo căng mạch phát triển cảm xúc của nhân vật Ngụy Vô Tiện lên đến đỉnh điểm, khiến khán giả bồi hồi hơn). Bảy, bởi vì vụ sát nhập ở trên nên buộc phải kéo dài thời gian chết của Ngụy Vô Tiện từ 13 năm (truyện) thành 16 năm (phim), theo mình nghĩ thì việc này cũng một phần để đám hậu bối có thể lên sàn một cách hợp lý (đúng tuổi). Tám, khiến bộ tam Hiểu Tinh Trần – Tống Lam – Tiết Dương xuất hiện sớm hơn, chạm mặt với hai nhân vật chính trước khi vụ án Nghĩa Thành diễn ra (các tình tiết này không phá hỏng mạch truyện, lại tạo thêm nút thắt giữa các nhân vật, biên tập rất đáng khen). Chín, sửa đổi phần kết thúc. Nhiều fan không thích kết thúc của phim (vì nó không giống truyện.. hơ.. nhưng nếu làm giống truyện thì phim sẽ không được công chiếu á). Riêng mình thì hài lòng với cách kết phim, một tiếng "Ngụy Anh", một cái quay đầu, một ánh mắt ngỡ ngàng rồi nụ cười vỡ òa trong hạnh phúc, vậy đủ rồi.

    À, phân đoạn ở Mạc gia trang bị biên kịch kéo hơi lê thê dài dòng, tận 2 tập, khiến bộ phim vừa mở màn đã tạo cảm giác loãng loãng. Sau đó lại thêm phần đầu của 16 năm trước cũng bị kéo dài rất lãng, mất tiếp 2 tập. Cho nên, phải đến tập 5 mới có thể gọi là chính thức vào phim. Đây là một cách xử lý không hay ho, bởi thường có rất nhiều khán giả chỉ muốn xem tập đầu để thử nước với phim, mà gặp trường hợp này thì họ sẽ chạy mất dép. Ngay cả bản thân mình dù xem lại lần 2 cũng tua qua 4 tập đầu. Không biết có phải nhà sản xuất làm vậy để kéo thời lượng cho bộ phim dài đủ 50 tập không ta? Thêm điều nữa, phần thanh xuân tuổi trẻ của các nhân vật kéo quá dài, đến tận tập 32 mới hết thì phải. Cho nên, bộ phim này nếu có thể cô đọng còn 40 tập thì sẽ vừa đủ đẹp.

    Cuối cùng mình sẽ bàn đến diễn xuất của các diễn viên. Và bởi vì mình thích gần như toàn bộ nhân vật trên phim (trời ơi toàn trai xinh gái đẹp không hà) nên mình sẽ liệt kê theo tiêu chí riêng.

    1. Nữ phụ phụ


    [​IMG]

    Trái- Miên Miên. Đây là nhân vật qua đường, ở trong truyện chỉ được nhắc đến 2 lần, lúc được Ngụy Anh cứu và lúc lên tiếng ủng hộ Ngụy Anh trên Kim Lân đài. À, nhắc thêm một lần ở phần ngoại truyện. Trên phim thì cô nàng có vai trò rõ ràng hơn (thị nữ của Kim Tử Hiên) nên thời gian xuất hiện nhiều hơn, cũng được ưu ái cho thêm lời thoại (kiểu mấy câu lông gà lông tỏi trong truyện không phân cho ai thì nhường cho cô nàng vậy ớ). Trong truyện thì nhân vật này là một cô nương có vẻ ngoài dịu dàng dễ thương nhưng tính tình cương trực thẳng thắn lại chính nghĩa. Bạn diễn viên này diễn ổn. Ít nhất xem xong mình vẫn nhớ được bạn diễn vai gì.

    Giữa – A Tình. Đây là nhân vật chính của vụ án Nghĩa thành. Trong truyện có kha khá phân lượng nhưng nói thật là mình chẳng có ấn tượng gì, trừ việc cô bé giả mù. Trên phim, mình nghĩ nếu để cô bé xuất hiện nhiều hơn trong những phân cảnh giữa Hiểu Tinh Trần và Tiết Dương nhằm tạo độ ấm gia đình thì nhân vật này sẽ có trọng lượng hơn. Tiếc là không có, nên nhân vật này trên phim chỉ là phông nền của cầu nối dẫn truyện. Bạn diễn viên này diễn còn non, cảnh nặng ký nhất của bạn (chứng kiến Tiết Dương giết người) thì bạn diễn hơi cố gắng quá. Được cái bản trông xinh xắn dễ thương.. nên thôi bỏ qua.

    Phải – Vương Linh Kiều. Đây là nhân vật phản diện nữ, lên hình không ít không nhiều, chắc khoảng đâu 4 tập phim. Bạn diễn viên này diễn rất chắc tay, nắm bắt nhân vật của mình cực tốt, phân đoạn nào lên hình cũng ăn điểm. Phải nói là bạn diễn nhập vai đến nỗi cứ nhìn bản trên màn hình là muốn nhào vào tát cho một phát :))

    2. Nhóm hậu bối


    [​IMG]

    Ngoài cùng bên trái – Lam Tư Truy (Lam Nguyện, Ôn Uyển). Đây là nhân vật nằm trong vòng thân thiết với hai nhân vật chính, trong truyện rất có cân lượng, rất được độc giả yêu mến. Bạn diễn vai này chưa được hoàn hảo cho lắm, mình cảm thấy hơi thiếu nét đáng yêu của một đứa trẻ. Có điều, phân đoạn gặp gỡ Ôn Ninh và nhớ lại Ngụy Anh thì bạn diễn rất tốt.. nên sẽ tha thứ cho bạn.

    Thứ hai bên trái – Kim Lăng. Đây cũng là nhân vật nằm trong vòng thân thiết với Ngụy Anh, rất có cân lượng, tính cách trong truyện được khắc họa sắc nét. Bạn diễn vai này rất tốt, tròn trịa, hoàn toàn sát với hình tượng Kim đại tiểu thư từ trong truyện bước ra.

    Thứ ba bên trái – Lam Cảnh Nghi. Khi đọc truyện thì mình không chú ý lắm đến nhân vật này. Lên phim lại có ấn tượng mạnh, bởi vẻ mặt rất trẻ trâu của bản mỗi lần bản phát ngôn. Bạn diễn vai này thật sự có tiềm năng tấu hài.

    Ngoài cùng bên phải – Âu Dương Tử Chân. Nhân vật này trong truyện xuất hiện cực ít, vai phụ của phụ, nhưng lại có hai câu thoại tạo nên dấu ấn. Một là lời nhận xét về A Tình trong vụ án Nghĩa thành và hai là lời chống đối ngầm với mấy lão tiền bối khi ở trên thuyền. Bạn diễn vai này hoàn thành tốt hai ấn tượng kể trên, hơn nữa dù chỉ được xuất hiện trong vài khung ảnh nhưng đã xây dựng nên một cậu chàng có tính cách trẻ thơ ngay thẳng.

    3. Nhóm đàn anh


    [​IMG]

    Ngoài cùng bên trái – Nhiếp Minh Quyết. Theo truyện thì đây là một nhân vật có thân hình cao to lực lưỡng, là hiện thân của chính khí và cương trực. Bạn diễn vai này đã diễn được cái thần của nhân vật, có điều ngoại hình không được cao to như mong đợi và cũng đẹp trai hơn mong đợi.

    Thứ hai bên trái – Lam Hi Thần (Lam Hoán). Đại ca của Lam Vong Cơ. Trong truyện là nam thần số một, dịu dàng, trầm tĩnh. Cá nhân mình thấy tạo hình cổ trang có vẻ không hợp với bạn cho lắm. Bởi vì từ tạo hình đến tính cách thật ở ngoài đời (hiện đại) của bạn còn mang đến cảm giác giống với nhân vật Lam Hi Thần hơn.

    Thứ ba bên trái – Tống Lam. Bởi vì bộ phim thay đổi một ít tình tiết nên nhân vật này xuất hiện sớm hơn, nhiều đất diễn hơn. Không khen cũng không chê. Cảm thấy bạn diễn viên đã làm tốt vai trò nhân vật chất xúc tác của mình rồi.

    Ngoài cùng bên phải – Hiểu Tinh Trần. Tác giả truyện khắc họa nhân vật này khá rõ nét. Bạn diễn vai này cũng rất phù hợp về ngoại hình, thể hiện được tính cách mềm như nước sáng như gương của nhân vật. Nhưng ở đoạn tự tử thì diễn chưa tới cao trào mà mình mong đợi, kiểu như mình mong đợi bản phải hơi run rẩy, hơi đau đớn, hơi điên cuồng, lại hơi tuyệt vọng, mà bản chỉ diễn tới chút run rẩy và chút đau đớn rồi thôi ngoẻo luôn. Thấy hẫng một tẹo.

    4. Nhân vật phản diện


    [​IMG]

    Trái – Tô Thiệp. Đây là nhân vật phản diện con tốt thí. Bạn này diễn hơi cương, kiểu cố tình làm nhiều động tác cơ mặt để biểu lộ tâm tình nhưng lại có chút lố nên khiến mình phản cảm. Bạn này với bạn vào vai Kim Tử Huân là hai nhân vật mình thấy lố bịch nhất phim.

    Giữa – Tiết Dương. Trong truyện là hậu bối, là nhân vật phản diện của vụ án Nghĩa thành. Nhưng vì tình tiết thay đổi nên vào phim thì bạn được đôn lên thành nhân vật phản diện số hai xuyên suốt bộ phim luôn. Ngoại hình của bạn diễn viên cực kỳ phù hợp với hình tượng nhân vật. Bạn diễn cũng rất khá. Có điều bạn rất khoái kiểu cười nửa miệng, hầu như sẽ cho nó thường trực xuất hiện trên môi, điều này ngược lại mang đến cảm giác bạn phải vừa diễn vừa "gồng" nhân vật, thấy mệt.

    Phải – Ôn Triều. Trong truyện thì đây là nhân vật phản diện phụ, chỉ xuất hiện ở phân đoạn tuổi thanh xuân của các nhân vật chính. Vậy mà bạn diễn vai này xuất sắc đến độ nhắc tới phản diện thì mình sẽ nghĩ ngay đến bạn đầu tiên. Phải nói là bản diễn rất nhập thần, phát họa ra một Ôn Triều còn rõ nét hơn cả trong truyện. Cực kỳ ưng ý.


    5. Trùm cuối

    [​IMG]

    Trái – Kim Quang Dao (biệt hiệu Liễm Phương Tôn, thường được gọi là Tiên đốc). Đây là trùm cuối bị lật mặt ngoài sáng, là kiểu nhân vật ngụy quân tử. Thật ra lúc đọc truyện thì mình thích kiểu phản diện như Tiết Dương hơn. Còn nhân vật Liễm Phương Tôn này thì đến khúc cuối bản bị lật mặt, mình chỉ nhẹ nhàng muốn "ờ.. là vậy hả", rồi thôi. Bạn diễn vai này có nụ cười đẹp, nhưng mình luôn có cảm giác bản phải "gồng" người lên để diễn. Giai đoạn nhẫn nhịn cũng không thấy nhân vật thực sự nhẫn nhịn. Giai đoạn gián điệp hai mang cũng không thấy vẻ xảo trá. Giai đoạn giết người trong bóng tối cũng không thấy vẻ tâm cơ. Nói sao nhỉ, từ đầu đến cuối đều thấy vẻ mặt của bản chỉ có một màu chứ không đa dạng phức tạp như truyện miêu tả.

    Phải – Nhiếp Hoài Tang. Đây là trùm cuối bí ẩn, trong truyện không bị lật mặt. Trên phim thì nhân vật này được khắc họa rõ nét hơn nhưng lại không đi theo hướng của truyện. Trong truyện thì bản là một người tâm cơ ẩn giấu. Trên phim là một người tâm cao phóng khoáng. Mình rất thích câu nói của bản ở cuối phim. (Đại ý) Nếu đó là việc thuộc bổn phận của bản, bản sẽ không từ nan, sẽ dốc hết sức mình mà đi làm, sẽ không đùn đẩy trách nhiệm cho ai. Nhưng nếu đó là việc không phải của bản, xin lỗi à, bản sẽ không thèm nhúng tay vào. Bởi vì cá nhân bản là một người có tâm hồn thơ ca mơ mộng, không muốn tranh với đời. Mình thích nhân vật này trên phim hơn là trong truyện. Bạn diễn vai này cũng đóng rất đạt, mình ưng.

    6. Nữ phụ


    [​IMG]

    Trên – Giang Yếm Ly (sư tỷ). Đây là nhân vật mình thích thứ hai khi đọc truyện. Sư tỷ nhu mì, sư tỷ ôn nhu, sư tỷ thiện lương. Có thể nói là bao nhiêu đức tính tốt đẹp của người phụ nữ đều dồn hết vào sư tỷ. Và phải nói là đoàn phim đã tìm được diễn viên hợp vai quá là hợp luôn. Lần đầu tiên sư tỷ xuất hiện trên phim, hơi cười mĩm một cái.. trời ơi.. muốn nhũn tim luôn.. chỉ muốn hét lên.. đây chính là sư tỷ. Lúc xem phim, mình xúc động khóc theo bộ phim ở 3 đoạn, trong đó có 2 đoạn là vì sư tỷ khóc rồi (nhìn đau lòng lắm.. huhu). Bạn diễn vai này phải nói là trên cả tuyệt vời.

    Tặng gif sư tỷ khóc nè.. huhu.. cái đoạn Liên Hoa Ổ này tui khóc như mưa luôn..


    [​IMG]

    Dưới – Ôn Tình. Lúc đọc truyện thì mình có ấn tượng đây là cô nàng với vẻ ngoài lạnh lùng cứng cỏi, thẳng thắn, sống có nguyên tắc, không thẹn với lòng, nhưng cũng không thích tiếp xúc, không muốn thân cận với người lạ, không thích dây vào những chuyện không đáng. Ở trong truyện, cô nàng ra tay giúp Ngụy Anh và Giang Trừng là vì đứa em trai năn nỉ. Vào phim thì nhân vật này được đôn lên thành nữ chính.. phụ, tấm lòng thiện lương như thánh mẫu, vẻ ngoài lại ôn nhu như nước. Và bởi vì cho dù biên tập thay đổi hình tượng thì nhân vật này vẫn không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 nam chính. Cho nên, cá nhân mình không ghét cũng không thích nhân vật này.

    7. Nam phụ


    [​IMG]

    Trái – Kim Tử Hiên. Nhân vật này trong truyện không xuất hiện nhiều, nhưng vào phim thì được ưu ái tăng thêm đất diễn (chắc đoàn phim muốn dùng chuyện tình đậm chất ngôn tình giữa bản và sư tỷ để đánh lạc hướng Cục phim ảnh chăng). Bạn diễn vai này đóng ổn, vừa tròn vai, không có gì để chê.

    Giữa – Ôn Ninh (Quỷ tướng quân). Lúc đọc truyện thì đây là nhân vật mình thích thứ ba, chỉ sau Ngụy Vô Tiện và sư tỷ. Vào phim, lúc bình thường thì bản cực kỳ cu te hột me, lúc đánh võ thì vừa ngầu vừa soái. Cái hình ở trên là lúc bạn xuất hiện lần đầu tiên trên phim. Bản vừa bay ra, tóc lất phất, mặt trắng xóa, mắt đen tuyền, mình chỉ muốn la lên.. á á á á á á á á á á.. ngầu quá điiiiiiii. Bạn diễn vai này tuyệt đỉnh luôn.

    Phải – Giang Trừng (Giang Vãn Ngâm). Thiệt ra fan của truyện luôn xếp bạn này vào hàng nam chính phụ. Bởi vì tình cảm của bản giành cho Ngụy Vô Tiện không hề thua kém tình cảm của Lam Vong Cơ giành cho Ngụy Vô Tiện. Chỉ là đến cuối cùng thì Ngụy Vô Tiện lại chọn Lam Vong Cơ thôi. Nhân vật này là một vai khó xơi, là dạng ngoài lạnh trong nóng, là kiểu người nghĩ một đằng nói một nẻo, giấu kín tâm tư sau nụ cười mỉa mai. Bạn diễn vai này, hình như là người duy nhất trong dàn diễn viên có theo học ngành diễn xuất chuyên nghiệp. Bản diễn cực tốt, nhất là những cảnh phải lộ ánh mắt lo lắng trong âm thầm. Nhưng mà cảnh khóc của bản nhìn hài hước cực kỳ. Bạn này là người bị fan lấy hình để chế thành meme nhiều nhất luôn.

    8. Nam chính 1 – Ngụy Vô Tiện (Ngụy Anh – Di Lăng lão tổ)

    Lần đầu tiên nhìn thấy poster nhân vật, trông thấy nụ cười của Tiêu Chiến (diễn viên vào vai Ngụy Vô Tiện) thì mình đã chấm rồi. Bởi vì bạn Chiến có nụ cười sáng bừng, tươi trẻ, tràn đầy sức sống, cực giống với mường tượng của mình về nhân vật Ngụy Vô Tiện. Đến lúc xem phim thì phải công nhận là bạn Chiến hợp với vai diễn này vô cùng.

    Trong truyện, tác giả khắc họa một Ngụy Vô Tiện không yêu không được, vừa đa chiều lại đa sắc, không những là người có nhiều biểu hiện cảm xúc ngoài mặt nhất, mà cũng là người có nội tâm trải qua sóng gió phong ba nhất luôn. Một nhân vật biến hóa đa dạng như vậy chắc chắn rất khó diễn đến mức thỏa mãn sự mong đợi của người hâm mộ. Nhưng Tiêu Chiến làm được, làm rất thành công.


    [​IMG]

    Toàn bộ cung bậc cảm xúc của nhân vật được bạn Chiến hóa thân hoàn hảo đến bất ngờ luôn, từ vẻ hạnh phúc khi cười, vẻ đau đớn khi khóc, vẻ điên cuồng khi hắc hóa, vẻ chết lặng đến tuyệt vọng, vẻ hụt hẫng đến mỉa mai, vẻ ngạo mạn đến ngông cuồng, tất cả đều khiến mình nhũn tim theo. À, có một vài đoạn bạn Chiến diễn hơi lố (chẳng hạn trường đoạn trẻ trâu trên lớp học, hoặc là những cảnh sợ chó, hoặc là lúc làm nũng với sư tỷ, nhưng bởi vì bản làm nũng quá đáng yêu nên thôi.. mình sẽ tha thứ.. há há)

    Có 2 cảnh mà mình đặc biệt ấn tượng với diễn xuất của bạn Chiến. Một là cảnh xuất hiện trở lại sau khi bị đẩy xuống Loạn Táng Cương (hình bên trái). Và hai là cảnh ở Bất Dạ Thiên (hình bên phải).


    [​IMG]

    Cảnh thứ nhất, ở trong truyện, tác giả tả Ngụy Vô Tiện vẫn là Ngụy Vô Tiện, nhưng có một cái gì đó đã thay đổi, thay đổi rất nhỏ, bởi vì đến Giang Trừng cũng không nhận ra, chỉ có Lam Vong Cơ cảm nhận được thôi. Đoạn này trên phim làm rất tuyệt, Ngụy Vô Tiện xuất hiện với một vẻ ma mị đến ngộp thở. Rồi khi bản cúi đầu cười nhẹ một cái, thấy đau thương đong đầy. Rồi khi bản hững hờ liếc một cái, thấy tàn nhẫn cùng cực. Đây là cái đoạn mà mình thấy bạn Chiến diễn ra nội tâm nhân vật hắc hóa một cách hoàn hảo nhất.

    Cảnh thứ hai, theo truyện thì Ngụy Vô Tiện sẽ hắc hóa theo hướng điên cuồng, sau đó được người cứu đi, vài năm sau mới bị tẩu hỏa nhập ma mà chết. Trên phim thì biên kịch dồn hai thảm cảnh này vào làm một, khiến cho nhân vật Ngụy Vô Tiện bị đẩy lên đỉnh điểm của sự cuồng loạn rồi chết lặng, rồi tuyệt vọng rồi buông tay. Bạn Chiến đã dẫn dắt khán giả theo từng cung bậc cảm xúc kia một cách rất mượt.

    Tặng thêm cái gif khi Tiện Tiện hắc hóa..


    [​IMG]

    Bạn Tiêu Chiến diễn vai Nguỵ Vô Tiện này quá hoàn hảo. Không biết bạn đã thoát vai chưa, chứ mình là vẫn chưa thoát được hình ảnh của Nguỵ Vô Tiện, nhớ nét bạn cười, nhớ khi bạn khóc, nhớ cái chu miệng làm nũng, nhớ ánh mắt đỏ ngầu vì đau thương. Giống như khi ở Hồ Sen, bạn lại nhìn thấy sư tỷ, khoé mắt ươn ướt, rồi ánh mắt ngỡ ngàng khi phát hiện đó chỉ là mộng, khẽ cúi đầu, mỏ hơi chu vểnh (cực tiết chế, chuẩn xác hơn những cảnh nũng nịu trước đó), sau đó nhẹ cười trả lời: "Ta chỉ hơi đói".. huhu.. Mình không phải Hàm Quang Quân mà nhìn Tiện Tiện như thế kia cũng muốn ôm vào lòng thương thương mấy cái.

    Cho nên đến giờ mình vẫn chưa dám tìm xem phim thứ hai của Tiêu Chiến. Có lẽ đợi thêm thời gian nữa.

    9. Nam chính 2 – Lam Vong Cơ (Lam Trạm – Hàm Quang Quân)

    Cảnh báo, đây là nhân vật mình ấn tượng nhất trong nguyên bộ phim, nên mình sẽ nói rất dài, rất dai và spam hình rất nhảmmmm

    Như có nói ở trên, lúc đọc truyện, mình không ấn tượng với nhân vật Lam Vong Cơ cho đến gần cuối truyện. Còn phần thân truyện thì chỉ nhớ những đoạn bản say rượu. Bởi vì theo truyện thì đây là tên nam nhân mặt liệt, không ai đọc ra được cảm xúc của bản, trừ Lam đại ca.

    Khi bắt đầu xem phim, mình mong chờ biểu hiện của Vương Nhất Bác (diễn viên vào vai Lam Vong Cơ) ở 3 trường đoạn: Cảnh gặp lại sau 16 năm, cảnh trên Kim Lân Đài và cảnh ở Miếu Quan Âm. Bởi vì đây là 3 cột mốc quan trọng trong mối quan hệ của hai bạn nam chính, nên nhất định phải có biểu hiện khiến khán giả "nhìn hiểu" mới được.

    Ở đầu phim là đoạn gặp lại sau 16 năm, bạn Bác khiến mình thất vọng ghê gớm, bởi vì bạn diễn.. không có thần.


    [​IMG]

    Ánh mắt kia hoàn toàn không phải của một người mòn mỏi chờ đợi 16 năm vừa gặp lại người yêu. May mà bản chưa trưng ra ánh mắt cá chết, nếu không mình đã chạy mất dép chứ không đủ sức ngồi xem tiếp.

    Vài tập sau đó là đoạn phim về thời trẻ, lúc ban đầu bạn Bác toàn trưng ra ánh mắt cá chết.. kiểu như này.


    [​IMG]

    Mãi về sau xem nhiều clip hậu trường và phỏng vấn, mình mới biết thì ra đây là những cảnh quay ở ngày đầu tiên, mà lúc đó thì bạn Bác hiểu sai về nhân vật, lại bị dán căng mí mắt nên diễn không ra cái thần của nhân vật. Cảnh ở giữa của tấm hình bên trên là đoạn 16 năm sau, theo mình cũng là một cảnh nặng ký, khi Ngụy Vô Tiện nhận ra Lam Vong Cơ chính là tri kỷ của đời mình. Không hiểu sao lại được quay ở ngày đầu, nhìn mặt bạn Bác đơ như cây cơ thế kia mà sao đạo diễn vẫn thông qua cho được..

    . sau đó là những cảnh Lam Vong Cơ bị Ngụy Vô Tiện chọc phá, lúc này thì bạn Bác lại diễn hơi lố khi để nhân vật có quá nhiều biểu hiện rõ ràng trên cơ mặt. Bạn Cơ là mặt liệt đó, diễn quá lố sẽ lệch tông.

    Mình bắt đầu thấy bạn Bác diễn đúng tuyến nhân vật là ở cảnh say rượu lần đầu tiên (hình bên trái), khi Tiện Tiện muốn đưa tay sửa mạt ngạch, bạn Cơ phủi tay, giọng nhè nhè nói "làm cái giề?". Cái biểu cảm lẫn chất giọng đó, quá giống trong tưởng tượng của mình về Lam Trạm khi say. Còn lần say rượu thứ hai thì.. thôi rồi, bạn diễn quá đỉnh, quá đáng yêu (hình bên phải).


    [​IMG]

    Mình bắt đầu chú ý bạn Bác là ở cảnh lăn giường vào sáng hôm sau (hình, trời ạ, tui chết mê với cái dáng lăn giường này á)

    [​IMG]

    Không rõ tại sao, cái cách bạn Bác lăn xuống giường thế kia lại khiến mình nghĩ: Nếu là Lam Trạm, hẳn sẽ lăn như thế.

    Sau đó là phân đoạn ở động băng (gọi là Hàn Đàm thì phải). Lúc này bạn Bác đã biết kiểm soát cảm xúc của nhân vật, đã cảm được nhân vật nên có thể diễn ra thần thái rồi. Mình bắt đầu bị diễn xuất của bản cuốn hút là từ đoạn này. Đến những cảnh ở động Huyền Vũ thì thôi rồi, mình chính thức "đổ" bạn Bác luôn (sau này mới biết cảnh ở động Huyền Vũ là quay trong những ngày sau cùng, hèn gì bạn Bác khống chế biểu cảm khuôn mặt và diễn tả nội tâm bằng mắt tốt đến như vậy)


    [​IMG]

    Sau khi bị cuốn hút, mình bắt đầu chú ý đến ánh mắt của bạn Bác. Mình vốn thích những diễn viên biết diễn bằng mắt. Và càng theo dõi thì mình càng bị hút. Bởi vì ánh mắt của bản có thể nói thay cho suy nghĩ của nhân vật khi nhân vật này chẳng có nhiều lời thoại. Ví dụ.

    [​IMG]

    .. Hình bên trái, sự cưng chiều.

    . Hình ở giữa, sự ôn nhu. Đây là cảnh ở Kim Lân Đài mà mình mong đợi, cực hài lòng.

    . Hình bên phải, sự hạnh phúc.

    Bạn Bác có 2 cảnh diễn xuất thần vượt ngoài mong đợi của mình, đó là 2 cảnh bạn ấy khóc.

    Cảnh khóc thứ nhất là ở Cùng Kỳ Đạo.


    [​IMG]

    Theo mình nhớ thì trong truyện không tả cảnh này, chỉ được kể lại vắn tắt. Nhưng đây là cảnh phim đắc giá nhất giành cho nhân vật Lam Vong Cơ. Nó chính là nhát búa đập vào giá trị quan của nhân vật, từ cảnh này về sau, nguyên tắc với lề luật gì đó của bản đều nứt vỡ hết. Nhân vật chỉ nói 2 câu thoại, sau đó là sự dằn xé nội tâm trong đau đớn. Và bạn Bác đã nắm vững hình tượng ở cảnh quay này.

    Cảnh khóc thứ hai là ở Liên Hoa Ổ khi sự thật về kim đan được tiết lộ.


    [​IMG]

    Trong truyện thì đây là cảnh đắc giá giành cho nhân vật Giang Trừng. Lên phim thì cả 3 bạn (Trừng, Ninh lẫn Cơ) đều diễn trên cả tuyệt vời. Phải nói, đây là cảnh ưng ý nhất của mình trong toàn bộ phim, cũng là cảnh mình xem đi xem lại nhiều nhất. Mình đặc biệt ấn tượng với giọt lệ của bạn Cơ vì nó.. đẹp đến đau lòng.

    Sau cảnh này là cảnh ở hồ sen. Lúc nghe hai chữ "Đau không?", cái chất giọng đó, má ơi.. nghe mà tim mình muốn tan chảy luôn. Mãi sau mới biết đó là giọng của diễn viên lồng tiếng. Thật ra giọng thật của bạn Bác cũng rất trầm và ấm, hoàn toàn phù hợp với hình tượng của nhân vật Lam Vong Cơ. Tiếc là bản không đủ tự tin để tự lồng tiếng cho mình.

    Một cảnh diễn xuất thần khác của bạn Bác là đoạn ở Miếu Quan Âm.


    [​IMG]

    Thật không uổng công mình mong đợi từ đầu phim. Lúc này thì bạn Bác đã hoàn toàn nhập vai. Mỗi cử động, mỗi thần thái đều toát lên vẻ "ta là Lam Vong Cơ".

    Có lẽ phải cảm ơn biên kịch với đạo diễn đã xây dựng một hình tượng Lam Vong Cơ đa chiều, sâu sắc mà lại dễ cảm thụ hơn cả nguyên tác (hoặc có thể nói là trình đọc hiểu của mấy người này ngầu hơn mình rất nhiều.. huhu.. bởi vì mình chỉ mường tượng được Lam Trạm mặt liệt thôi). Và cũng phải cảm ơn bạn Bác đã diễn ra được một Lam Vong Cơ theo đúng ý đồ của đạo diễn.

    Không phải tự nhiên mà fan nguyên tác ném đá nhiệt liệt vào bạn Bác từ lúc phim mới khởi quay. Bởi vì Lam Vong Cơ là một nhân vật, gần như, không thể diễn nỗi (vì không có nhân tố để diễn á). Vậy mà bạn Bác đã thành công đưa một Lam Trạm "sống" lên màn ảnh lẫn đi vào tim của khán giả.

    Vì quá chết mê góc nghiêng thần thánh của Lam Vong Cơ nên mình sẽ spam thêm hình.. bạn Bác có góc sườn mặt rất đẹp, nên quay nghiêng hoặc quay xéo từ trên cao xuống sẽ thấy thần thái cực đỉnh.


    [​IMG]
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...