Ngôn Tình Cây Đại Thụ Và Bà Lão Chặt Cây - Kim Văn Đa Ngân Bảo

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi KimVanDaNganBao, 28 Tháng sáu 2021.

  1. KimVanDaNganBao Muốn có một ngôi nhà nhỏ đầy hoa.

    Bài viết:
    9
    Cây đại thụ và bà lão chặt cây

    Tác giả: Kim Văn Đa Ngân Bảo

    Thể loại: Truyện ngắn - Huyền huyễn

    Số chương: 3.

    Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của: Kim Văn Đa Ngân Bảo

    [​IMG]

    Giới thiệu

    Trên cánh đồng kia, có cây đại thụ già cỗi cô đơn

    Nó đã sống nhàm chán cả mấy nghìn năm không ai bầu bạn

    Cho đến ngày nọ, một bà cụ vác theo cái rìu mẻ tới chặt nó mang về đóng quan tài.

    * * *

    Câu chuyện bắt đầu
     
    Mẩu Tũn thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng bảy 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. KimVanDaNganBao Muốn có một ngôi nhà nhỏ đầy hoa.

    Bài viết:
    9
    Cây đại thụ và bà lão chặt cây

    phần 1.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trên cánh đồng kia, có một cây đại thụ già cỗi. Nó ở đó không biết đã bao lâu, chứng kiến nhiều lần đất trời thay đổi, chứng kiến mọi thứ quanh mình sinh ra và chết đi. Nó từng thấy chú sâu nhỏ xấu xí lột xác thành hồ điệp, thấy đứa trẻ con vui vẻ hoạt bát biến thành cụ già.

    Vạn vật nhân gian trải qua cả ngàn lần sinh lão bệnh tử còn nó vẫn sống, vẫn một mình đứng đó nhạt nhẽo và vô vị, vô vị đến mức nhiều lúc nó tự hỏi: 'sống lâu để làm gì?'Khi nó chẳng biết ý nghĩa tồn tại của bản thân, cũng chẳng ai thèm nói cho một cái cây như nó biết. Mà nó.. thì lười hỏi.

    * * *

    Dạo gần đây, sinh kiếp vô vị của nó sảy ra chút biến hóa nhỏ. Có một bà lão ngày nào cũng cầm theo cây rìu mẻ tới dưới gốc của nó. Bắt đầu từ sáng sớm cho tới tối mịt dùng bàn tay gầy guộc run rẩy cầm cây rìu ấy lên và.. chặt nó.

    Nó nghĩ.'Năm nay có xu hướng người già cũng đi tấu hài sao. Thật đặc sắc'.

    Chẳng nói đến bà đã già lắm rồi, sức lực không có bao nhiêu, mà việc bà dùng cái cây rìu vừa cùn vừa mẻ ấy đi chặt thân cổ thụ của nó cũng là điều không thể. Phải biết nó đã sống cả mấy ngàn năm, thân to hai mươi người ôm không xuể, dẫu có là tráng hán lực điền, muốn đốn ngã cũng tốn cả mấy năm.

    Thôi thì để bà tùy ý, dẫu sao tuổi bà đã lớn, tìm chút niềm vui lúc cuối đời mà thôi, nó cũng không ngăn cản làm gì.

    * * *

    Thời gian cứ thế trôi đi, bà lão chặt cây ngày một già, có lẽ còn có chút bệnh vặt. Mấy lần gần đây nó trông thấy bà ho không ngừng trong tâm nổi lên thương xót.

    Những ngày đầu khi bà mới đến, nó còn nghĩ có lẽ bà đã quá già, lẫn thẫn rồi nên mới ra đây làm ra cái việc ngớ ngẩn ấy. Nhưng lâu dần, nó nhận ra hành động của bà có chút kỳ lạ và cố chấp.

    Bà vẫn minh mẫn lắm. Sáng sớm, khi mặt đất còn mờ sương sớm đã nghe tiếng gậy tre lộc cộc của bà bước đi trên đường làng. Bà lão lọm khọm tới dưới gốc cây, bổ từng nhát rìu mẻ vào thân nó hết lần này đến lần khác cho tới khi nhìn thấy thôn dân thức dậy người đi chợ, kẻ ra đồng bà mới dừng tay. Rồi.. cả ngày hôm đó, bà chỉ ngồi dưới gốc của nó, lưng già tựa lên đám rễ sần sùi mà ngắm thôn dân quan lại. Người đi chợ về bà tươi cười chào hỏi, trẻ con chơi gần đó bà lấy bánh cho chúng ăn, đôi khi dạy chúng viết chữ, đọc sách. Thôn dân cũng yêu quý bà lắm, thường mang biếu bà thức này quả kia, bà chỉ ăn một chút, còn lại chia hết cho lũ trẻ.

    Bà ngồi như thế cho đến khi mặt trời tắt nắng, thôn dân đã về nhà hết chẳng còn ai, bà lại nâng cây rìu mẻ tiếp tục chặt nó. Đêm muộn lắm rồi, sương dăng dầy khiến thân già lạnh run, bà mới xách rìu quay về. Lắm lúc nó nghĩ 'Nếu gần gốc cây có một căn lều, có khi nào bà sẽ ở luôn đó không về hay không'.

    Nó muốn khuyên bà dừng lại, khuyên bà đừng hằng ngày tới đây chặt Nó nữa. Về nhà hưởng niềm vui xum vầy con cháu, làm vài việc người già vẫn thường làm, chờ đợi tử kỳ đến sẽ ra đi trong an lạc không vướng bận. Nhưng Nó chỉ là cái cây thôi, dẫu sống đã lâu có thể dùng thần lực huyễn hóa ra giọng nói. Cơ mà, Nó không dám nữa.

    Vài năm trước cũng từng có một bé con giống như bà, ngày ngày ngồi dưới gốc của Nó nhìn ngắm thôn dân qua lại. Hình như con bé mồ côi lưu lạc đến thôn này, chịu đói đã lâu thân chỉ còn da bọc xương. Có mấy nông hộ thương tình muốn mang nó về nuôi, nhưng bằng cách mấy nó cũng không chịu, dần dà, người ta mặc kệ nó.

    Từ đó, con bé tự sống một mình, đói thì đi nhặt chút quả dại rau dại ăn lót bụng, tối đến ôm rễ Nó ngủ ngon lành. Kể ra mạng con bé cũng gan lì phết, chịu đói chịu rét chẳng là gì cả, nó vẫn vô tư chạy chơi với lũ trẻ trong làng, lúc thì trèo cây hái quả, lúc thì ra sông mò cá. Có vài lần ăn bậy ăn bạ cũng ốm bệnh đấy, mà ngủ một giấc dậy nó lại khỏe như con thú nhỏ. Dân làng đều khen con bé dễ nuôi nhưng đâu biết mỗi đến khi con bé đã say giấc, nó lại lén đút cho con bé vài giọt linh mộc. Nhìn xem, dăm ba cái rau dại quả rừng sao mà nuôi sống bé con ấy được, vẫn là nó không nỡ nhìn một sinh mạng ngoan cường như vậy chết đi.

    Có một ngày, con bé ở đâu chạy về mặt mũi lấm lem, trên miệng còn vài vệt máu, nó nhào vào đám rễ cây khóc lớn.

    "Ông Cây ơi, con xấu lắm sao, bọn nó bảo con xấu xí, bẩn thỉu, bảo con mồ côi không chơi với con nữa. Con cũng đâu muốn xấu xí, cả nhà của con bị nước lũ cuốn trôi rồi. Con bò con dê cũng trôi đi nốt, làm gì còn quần áo để mà thay giặt. Con cũng đâu muốn mồ côi, con tìm cha mẹ rất lâu rất lâu nhưng vẫn tìm không thấy, không thấy."

    Con bé khóc to lắm, lâu lắm như có bao nhiêu uất ức, sợ hãi, cô đơn từ bấy đến giờ theo nước mắt tuôn ra hết. Thân hình nhỏ bé rung lên dữ dội, mới tý tuổi đầu nhưng có lẽ bao nhiêu cái khổ của một kiếp nhân sinh nó cũng trải qua hết rồi. Nhẽ ra nó sẽ giống bao đứa trẻ bằng tuổi, mỗi sáng thức dậy theo cha ra đồng chăn dê chăn bò, chơi với chúng bạn, chiều về sà vào lòng mẹ nũng nịu đòi quà bánh. Thế mà một trận phong ba kéo đến khiến cho nhà ta cửa nát, cha mẹ chẳng còn.

    Cây thần nhịn lòng không được, gọi đến một trận gió mát dỗ dành.

    "Bé ngoan đừng khóc, sống chết có số sướng khổ tại trời. Mệnh trời đã định như thế mình chỉ là chúng sinh tầm thường làm sao chống lại. Thôi thì gắng sống thiện lương cho hết kiếp này, công đức cao dày kiếp sau sẽ được đền đáp."

    Con bé ngước đôi mắt đẫm nước kinh ngạc nhìn Cây thần, được một lúc thì đứng dậy quay đầu đi thẳng. Từ ấy con bé chẳng còn quay lại lần nào, thôn dân cũng không ai thấy nó nữa.

    Ngày đó cây thần nghĩ mãi.'Sao con bé lại bỏ đi, hay là do nghe cây biết nói chuyện khiến nó sợ hãi chạy mất. Cũng phải, nhân loại là giống nhát gan. Ai chính ta nghe tiếng cây nói chuyện mà chẳng sợ, tâm lại tưởng tượng ra ma quỷ yêu quái hiện hình cũng nên'.

    * * *

    Lại nói đến bà lão. Cây thần muốn khuyên bà cũng chẳng biết làm sao. Bà già rồi chịu không nổi, có khi sợ quá mà trực tiếp về trời luôn thì..

    Cây thần không dám làm ra mấy việc quá ly kỳ chỉ đành mỗi ngày rụng thật nhiều lá vàng xuống đầu bà như muốn bảo: Bà hãy đi đi.

    Hôm đầu tiên Cây rụng lá, bà lão ngước lên nhìn nó, nó nghĩ: 'cách này thật hiệu quả'.

    Hôm thứ hai nó rụng nhiều hơn, bà lão cũng nhìn nó lâu hơn.

    Hôm thứ ba nó rụng lá như trút, bà lão ngạc nhiên há hốc mồm đánh rơi cả rìu.

    Rồi bà lật đật chạy về, nó cảm thấy hài lòng rung rung cành cây. Có khi nào lần này bà bỏ cuộc luôn không? Thế nhưng, chẳng đầy khắc sau, bà lão lại lật đật chạy tới, theo sau là hai nông phụ mỗi người cầm một cái bao bố thật to.

    Nó nghe thấy cái giọng già nua của bà lão cất lên vô cùng hưng phấn.

    "Đứng đúng chỗ này này, đợi một lúc cái cây sẽ trút lá xuống, nhiều lắm, mang về phơi khô mà nhóm bếp".

    Nghe đến đây nó cảm thấy.. Nếu một cái cây có thể chảy mồ hôi, nó sẽ chảy thật nhiều mồ hôi


    Thảo luận góp ý tại: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của: Kim Văn Đa Ngân Bảo
     
    Mẩu Tũn thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng bảy 2021
  4. KimVanDaNganBao Muốn có một ngôi nhà nhỏ đầy hoa.

    Bài viết:
    9
    Cây đại thụ và bà lão chặt cây.

    Phần 2.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cây thần buông tha cho ý định đuổi bà lão đi, hoặc nói: Nó chẳng có nhiều lá để trút xuống đầu bà hết ngày này qua ngày khác. Thôi kệ, dẫu sao sức của bà lão chỉ đủ làm tróc vài lớp vỏ mục bên ngoài của nó thôi.

    Cứ như vậy, bà lão với cây rìu bước vào cuộc sống của nó như một điều hiển nhiên phải thế. Bà khiến nó nhớ lại quãng thời gian khi con bé vẫn còn vui chơi nhảy nhót kề bên. Hóa ra là nó cô đơn.

    Cây thần lưu luyến nhiều lắm cảm giác có ai đó nói cười bên cạnh, trước đây là bé con kia, bây giờ là bà lão. Ngày ấy con bé đi mất, nó đã buồn thật lâu. Trong ngàn năm nó sống cũng từng chứng kiến nghìn vạn sinh linh bước vào luân hồi. Nhưng dẫu cho nhiều sinh linh như thế cũng chẳng ai, chẳng loài nào để ý đến nó chứ đừng nói ở bên bầu bạn. Đơn giản vì nó chỉ là một cái cây. Bà lão và con bé thì khác. Có lẽ nó sẽ không cảm thấy gì đâu nếu họ chưa từng xuất hiện. Nhân sinh ấy mà, mấy ai đã nếm được chút ngọt ngào lại chịu quay về thời điểm đắng cay.

    Nó muốn được nhìn thấy bà thật nhiều, ở bên bà thật lâu, cho tới tận khi đất trời sụp đổ cũng được. Nó muốn nói một câu cảm ơn chẳng vì gì cả, có lẽ chỉ là để giảm đi cảm giác tội lỗi khi dọa con bé sợ hãi bỏ chạy năm xưa. Vì thế, sau mấy nghìn năm cây thần lần đầu tiên suy nghĩ đến chuyện hóa hình.

    Khi nó bắt tay thu thập mộc nguyên tố vào mộc cốt, chuẩn bị nặn nhân hình mới biết, hóa ra linh lực của mình mênh mông đến thế, hơn nữa linh khí khắp nơi chẳng hiểu sao cứ cuộn cuộn như thác lũ hướng trong thân nó mà tụ về. Thật vui mừng, vậy thì việc nó hóa hình chỉ là chuyện sớm muộn.

    * * *

    Vài tháng sau, vào đêm trăng tròn trên cánh đồng ở nơi nào đó, hào quang của ánh trăng chiếu xuống bao phủ toàn bộ một gốc đại thụ to lớn sừng sững. Đại thụ tắm trong ánh trăng cành lá bắt đầu rung lên toàn thân phát sáng chói mắt. Từ trong ánh sáng đó bước ra một nhân ảnh. Cây thần đã độ kiếp thành công trở thành Tiên thụ.

    Tiên thụ ngắm nhìn thân thể vừa mới hóa hình của mình rất lâu. Thế mà lại là nam nhân. Thôi thì, tính hướng với một cái cây cũng không quan trọng gì, anh quyết định không quan tâm đến nữa. Bây giờ, anh cảm thấy hưng phấn vô cùng. Ngày mai thôi, ngay khi trời chưa sáng, khi mà bà cụ vác cái rìu mẻ, lộc cộc chống gậy bước trên đường làng tới đây, anh sẽ mang tất cả sự hưng phấn của lần đầu hóa hình tới gặp bà.

    Anh đợi bà dưới gốc cây của mình. Lần đầu tiên nhìn bà bằng đôi mắt con người, anh mới thấy rõ, bà già đến mức nào. Làn da nhăn nheo xạm màu với các khớp xương lồi ra, gương mặt chảy xệ, hai bọng mắt sưng to thâm quầng, miệng móm mém đã chẳng còn nổi mấy cái răng. Một tay chống gậy, tay kia vẫn cầm cây rìu mẻ.

    Anh vui mừng bước ra từ trong đám rễ sần sùi nở nụ cười tươi nhất, rực rỡ nhất với bà như một lời chào hỏi. Bà lão nhìn thoáng qua "hình dáng con người" của anh rồi dừng lại, cánh tay cầm rìu có chút run run. Chỉ một lát bà quay đầu chạy thẳng, dù thân thể già nua bước đi không vững, anh vẫn có thể cảm nhận được bà đang chạy, vội vội vàng vàng mà chạy.

    Anh tuyệt vọng ngồi thụp xuống, vùi mặt vào đầu gối. Chẳng lẽ anh lại dọa bà sợ, giống như năm đó anh dọa bé con sợ bỏ đi. Thật thất bại thật thảm hại, có khi nào số kiếp của anh là vĩnh viễn cô đơn, một người bạn cũng không có.

    Nhưng mà, anh buồn chưa bao lâu lại nghe tiếng lộc cộc của gậy tre quen thuộc. Bào lão lật đật chạy lại nhanh như cách bà chạy đi, cái rìu mẻ đã không thấy, thay vào đó trên tay có thêm manh áo. Bà phủ manh áo lên người anh, giọng nói khàn khàn pha chút kinh hãi:

    - Cậu trai à, con cái nhà ai sao không mặc quần áo, để tồng ngồng như thế mà chạy ra đường à?

    Anh nhìn xuống thân thể trắng nõn của mình xấu hổ. Ừ, anh quên mất đấy.

    * * *

    Từ ngày đó, Bà lão không còn cầm rìu đi chặt cây nữa. Bà vẫn ngồi ở đầu làng, vẫn giành cả ngày tựa lưng vào đám rễ sần sùi của cây cổ thụ mà ngắm nhìn thôn dân qua lại. Chỉ khác là, bên cạnh bà lão có thêm một chàng trai.

    Thôn dân bàn tán rất nhiều về lai lịch của chàng trai đó. Có người nói, anh là người ngớ ngẩn. Bởi lẽ, cũng giống như bà, anh cũng ngồi dưới gốc cây cả ngày mà chẳng làm gì cả. Nếu một bà lão ngày nào cũng ngồi dưới gốc cây ngắm cảnh, người ta chỉ cho là lão nông nhàn tản tuổi già, còn thanh niên sức dài vai rộng mà làm thế, tám phần không phải phường lười nhác cũng là tên ngớ ngẩn.

    Có người lại nói, có lẽ anh là người thân phương xa của bà, tới đây chăm sóc bà hoặc đón bà về nhà.

    Nhưng mà, họ cũng chưa thấy anh chăm sóc bà ngày nào, càng chẳng thấy anh đón bà đi. Có chăng, anh chỉ ngồi đó, cười ngốc mà nhìn bà.

    "Này cậu trai, tuy ta đã già nhưng ta cũng từng là cô gái. Cậu nhìn ta mãi thế, ta thật ngại ngùng" Bà lão ái ngại nói với chàng trai ngồi bên cạnh mình suốt mấy ngày qua.

    Vẫn giữ gương mặt tươi cười, anh bê chén nước con đưa tới mời bà.

    "Không sao không sao, rồi sẽ quen thôi, rồi sẽ quen thôi".

    Bà chống tay đỡ lấy cái trán nhăn nheo nheo của mình, cảm thấy bất lực.

    "Cậu trai à, dẫu cho ta không biết lý do gì khiến cậu bám theo ta gần cả tháng nay. Nhưng mà. Cậu không có việc gì để làm sao?"

    "Có chứ".

    "Việc gì".

    "Việc của ta là mãi mãi ở bên cạnh bà".

    Đôi mắt bà lão thoáng qua một tia ấm áp rồi vụt tắt.

    "Cậu trai à, cuộc sống của cậu vừa mới bắt đầu thôi, còn ta chỉ là một cụ già sắp chết. Thay vì ngồi ngốc bên ta, cậu hãy đi ra nhìn ngắm thế giới đi. Đất trời này rộng lớn lắm, có núi có sông, có chim muông cây cỏ, có cả những chuyện ly kỳ. Hãy đi đi mà trải nghiệm".

    "Bà từng đến những nơi đó sao?"

    "Đúng vậy, ta từng thấy làng mạc trù phú, khói bếp lững lờ mỗi trời chiều. Từng thấy phố phường đông đúc người qua lại, hội đèn hoa sáng rực trên sông. Từng thấy thác cao chạm tầng mây, nước đổ như từ trên trời rót xuống, từng thấy thuyền bè ngược xuôi tấp nập, mỗi con thuyền chở đầy cá tôm."

    "Vậy tại sao bà dừng chân chốn này, ngày ngày tốn sức chặt một cái cây?"

    Bà nhìn anh nghi hoặc. Anh giật mình nhớ lại, trước nay bà chặt cây đều là lúc không ai hay biết, đành biện bạch.

    "Ta ở đây quan sát bà đã nhiều ngày. Có thể bà không nhìn thấy ta, nhưng mọi việc bà làm ta đều biết."

    Bà cuối đầu nghiềm ngẫm rồi dùng lời chân thành nhất nói với anh.

    "Lão đây chặt cây cũng lâu rồi, là vì muốn kiếm một cỗ quan tài hậu táng mà thôi". Bà chống gậy đứng dậy dùng bàn tay xương xẩu chạm vào thân cây. "Ta đã sống thật lâu, đi được nhiều nơi nhưng tri kỷ vẫn chẳng có ai, người thân cũng chết hết. Cho tới lúc gần đất xa trời mới quay về chốn cũ. Cái cây này mọc ở đây đã lâu, thiết nghĩ chắc cũng cô đơn lắm, cho nên mới muốn chặt nó làm thành quan tài coi như cùng nhau bầu bạn. Nhưng mà.. ta chặt mãi nó cũng không đổ, có lẽ nó không muốn cùng ta sang thế giới bên kia, hay do ta chặt cây mà chưa hỏi ý nó".

    "Đúng rồi. Cây thần.. Ngài có nguyện ý hay không?"

    * * *

    Mấy ngày rồi nơi đây thật yên tĩnh, yên tĩnh đến kỳ lạ. Dẫu cho vẫn có vài người đi chợ ngang qua, vẫn có vài đứa con nít chạy chơi loanh quanh thả diều bắt bướm trên đường làng gần đó. Nhưng dưới gốc chẳng còn bà cụ, cũng không thấy cậu trai trẻ kia đâu. Căn nhà tranh bà ở tạm cũng chốt từ ngoài cổng. Thôn dân bảo nhau, có lẽ cậu trai kia đã đón bà về nhà phụng dưỡng. Bà tới thôn này đã mấy năm, vẫn luôn một mình một bóng. Bà lại hiền từ, còn dạy cho lũ trẻ trong thôn biết văn biết chữ, nay có người đón đi chăm sóc, ai cũng mừng cho bà nói bà tốt phước. Nhưng sự thật là, bà lão đi đâu thì không rõ, còn cậu trai trẻ kia đang trốn trong thân cây ân hận.

    Rất lâu sau này, khi kể lại cho chúng yêu nghe câu chuyện về bà lão, có một con yêu từng hỏi anh: Lúc đó, anh đã trả lời thế nào?

    Anh không trả lời. Điều mà một cái cây không muốn nhất đó là bị chặt đi đóng quan tài. Không đơn giải chỉ là kết thúc kiếp làm cây, cái cảm giác có một thân xác trong lòng mình ngày qua ngày dần thối nát, mục rữa, giòi bọ lúc nhúc bò ngổn ngang mấy ai chịu thấu. Anh từng hứa ở bên bà đến tận khi đất trời sụp đổ, nhưng cách ở bên thế này vẫn thật khó chấp nhận. Thêm nữa, anh đã là tiên thụ dao búa bình thường khó bề chặt đổ, muốn tự luyện hóa chính mình thành quan tài anh lại không đủ dũng khí. Cho nên, anh im lặng.

    Anh còn nhớ hôm đó. Lúc quay về, bà không chống gậy, tấm lưng còng vì cố gắng đứng thẳng mà run rẩy còn bàn tay bà thì nhỏ máu. Nhiều lắm. Máu chảy thành một vệt dài gai mắt trên đường làng cho tới khi không nhìn thấy. Anh cứ ngẩn ngơ nhìn, từ lúc bà đi cho đến tận sáng hôm sau mới chui vào thân cây. Anh càng nghĩ càng hối hận. Sao lúc đó không giữ bà lại, hoặc nói với bà vài câu, câu gì cũng được.. lại cứ để bà cô đơn quay về như thế. Mấy ngày tiếp theo bà không đến nữa sự ân hận của anh càng nhiều, nhưng chưa phải nhiều nhất. Không lâu sau có một việc sảy ra khiến cho anh cảm thấy có lẽ lần hối hận đầu tiên này cũng là lần anh hối hận nhất trong suốt sinh kiếp của mình, trở thành chấp niệm mãi mãi không tan được trong lòng anh.

    Bà cụ chết.

    Thảo luận truyện tại: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của: Kim Văn Đa Ngân Bảo
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng bảy 2021
  5. KimVanDaNganBao Muốn có một ngôi nhà nhỏ đầy hoa.

    Bài viết:
    9
    Cây đại thụ và bà lão chặt cây

    3. Kết

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào một ngày nắng vàng rực rỡ trải dài trên thảm lúa non xanh mơn mởn, trong màu khăn tang trắng mút bay ngập trời, một đoàn người khiêng một cỗ quan tài từ trong làng tiến về phía này. Anh nhìn xuyên qua lớp áo quan nhận ra chính là bà lão. Bà nằm đó an ổn bình yên không còn sinh khí.

    Thôn dân chôn bà vào cái góc nghĩa địa sắp ngập nước gần cây đại thụ. Anh nghe người ta tỉ tê: "Tội cho bà cụ, tốt bụng là thế mà chả ai thân thích. Mấy nay nhà bà đóng cổng, cứ ngỡ cậu trai hôm trước đã đưa bà về quê hưởng phúc rồi. Có ngờ đâu bà lại nằm chết trong nhà. Nếu không phải bà chết đã lâu, xác bốc mùi xú uế, thì chắc cũng chẳng ai biết bà đã qua đời. Mà kỳ lạ cậu trai kia bỗng dưng biến mất không thấy tăm hơi".

    "Hình như bà cụ cũng biết trước tử kỳ, tối nọ, bà mang cho nhà tôi vài cái niêu đất với dao rựa còn mới, ngồi hàn huyên một chốc thì bà bảo, lúc nào bà chết, nhờ chúng tôi chôn bà càng gần cái cây này càng tốt".

    "Nhà tôi cũng thế, Bà cũng cho nhà tôi mấy đồ nông cụ".

    Hóa ra trước ra đi Bà lão tặng hết đồ dùng cho toàn bộ người trong thôn để gửi gắm hậu sự của mình, suy nghĩ thật chu toàn

    Sau đó người ta nói gì anh nghe không rõ, đúng hơn là không muốn nghe. Bởi vì anh còn chưa tin, chưa dám tin rằng sinh vật mình muốn ở bên đến thiên trường địa cửu đã không còn nữa

    Chiều tà, sau khi kết thúc mọi nghi thức, người ta lũ lượt kéo nhau ra về bỏ lại nấm mộ mới đắp lạnh lẽo trơ trọi giữa đồng hoang. Đêm xuống, từng con đom đóm mang chút ánh sáng yếu ớt bay nhập nhoạng khắp nơi. Lúc này đây, nếu có kẻ nào yếu tim đi ngang qua chắc chắn sẽ bị dọa đến ngất xỉu.

    Chỉ thấy từ trong nấm mồ mới bốc lên một luồng khói trắng, khói trắng mờ ảo ngưng tụ thành cái bóng. Cái bóng lay lắt bay đến bên gốc cây rồi hóa thành dáng hình một người con gái tóc đen như mực, môi đỏ như quả mọng, dáng vẻ ưa nhìn.

    - Cây ơi!

    Cô đặt tay lên thân cây, linh khí của cây và linh hồn cô như cộng hưởng tỏa ra ánh sáng xanh xinh đẹp. Cô mỉm cười tiến lại gần hơn, thân ảnh dán chặt vào đại thụ như muốn ôm trọn nó vào lòng. Cây là vật âm tính, bởi vậy các linh hồn thường thích chui vào cây trú ngụ, nhưng ban ngày cây hấp thụ ánh sáng sẽ nhốt vĩnh viễn linh hồn trong đó không thể trở ra. Cô không muốn bị nhốt, mà cũng chẳng còn cơ hội được nhốt. Cô cất tiếng gọi:

    - Cây ơi! Em biết là cây nghe thấy, cũng biết cây đã hóa hình rồi. Thời gian của em không còn nhiều, có vài chuyện em cần nói rõ, chàng có thể ra đây gặp em không?

    Cô mong chờ hỏi, nhưng rất lâu cũng chẳng ai đáp lại. Cô cuối đầu thở dài:

    - Nếu chàng không muốn gặp em vậy thì lắng nghe cũng được. Em biết là chàng có nhiều điều nghi vấn nên sẽ kể cho chàng nghe một tích truyện xưa:

    Cô nhìn thôn làng phía xa trong màn đêm tĩnh mịch, đôi mắt mang hoài niệm:

    - Trước đây, lâu lắm rồi, khi em còn là con bé tèm lem đất cát vì thiên tai mà lưu lạc tới chốn này. Em chẳng biết nên đi đâu về đâu, nhà cửa người thân chẳng còn, lại vì tuổi nhỏ mà không nhớ đường về quê cũ. Cũng may nhờ chàng cưu mang mới sống được đến hôm nay. Mấy giọt linh mộc kia đối với người phàm là thuốc tiên, đối với chàng là máu thịt, nếu không có chúng em đẽ chết trong mấy lần ăm nhầm cây dại quả độc kia rồi. Đội ơn chàng rút máu tái sinh.

    Cô nhặt một chiếc lá vàng xoay xoay trong tay cảm nhận linh lực cộng hưởng:

    - Đối với người khác có thể chàng chỉ là cái cây nhưng đối với em chàng là một mái nhà. Cảm tạ chàng giúp em chắn nắng, cảm tạ chàng giúp em che mưa, cảm tạ chàng ủ ấm cho em mỗi đêm về. Và cũng xin lỗi chàng.

    Cô nhẹ nhàng ngồi xuống, tựa lưng lên đám rễ sần sùi như một thói quen:

    - Ngày đó còn quá nhỏ, còn chưa hiểu thế gian rộng lớn muôn màu. Lần đầu nghe được tiếng chàng em đã sợ hãi rất lâu nên mới bỏ đi như vậy. Cũng lần đó khiến em có cơ duyên gặp được sư phụ của mình. Người là một thầy vu thuật nổi danh, người mang em đi ngắm nhìn đại giang nam bắc, dạy thuật pháp cho em. Nhờ có linh mộc của chàng giúp em thoát thai hoán cốt nên việc học vu thuật thành tựu khá nhanh và cũng khiến em hiểu được chàng là tiên thụ.

    Cô ngừng việc ngồi vẽ những vòng tròn trên đường làng đầy bụi, bởi vì dù cố gắng đến đâu cũng không để lại chút dấu vết gì:

    - Theo chân sư phụ đã lâu, em học được nhiều thứ lắm, nhưng thứ làm em tâm đắc nhất chính là thổi linh hóa hình. Ngay khi học xong, em đã nghĩ đến bản mệnh đại thụ của chàng. Nếu như cây hóa hình sẽ trông như thế nào nhỉ? Vì thế, em quay về làng ngày ngày tới đây thi pháp. Em biết bản mệnh đại thụ của chàng sẽ chịu chút tổn thương, sẽ ngủ vài năm thậm chí đối với linh tính mạnh sẽ quên vài thứ, nhưng cho đến khi cây hóa hình thì không sao rồi.

    Cô vươn tay, một lần nữa muốn chạm vào dấu vết mình dùng rìu chặt bao ngày, rồi lại sợ hãi nên đành để cách nó một khoảng. Ở đây có máu của cô cùng với thuật pháp dùng để dẫn động linh khí tám phương tụ lại, giờ cô chỉ là linh hồn, không cẩn thận sẽ bị mấy cái lỗ này hút vào mất:

    - À, lại nói, đối với người cưỡng ép linh vật hóa hình trước thời hạn cũng chịu tổn thương rất nhiều. Bằng chứng là em già đi rất nhanh, tử kỳ cũng đến càng gần, nhưng em cố đợi, đợi cây thức dậy để hoàn thành việc hóa hình và em cuối cùng đã đợi được. Ngày đầu gặp mặt, chàng không mảnh vải che thân, chàng có biết nhìn thấy cảnh đó em ngượng ngùng lắm không? Đã là tiên thụ rồi mà chẳng có chút phong thái tiên nhân gì cả, ngày nào cũng ngồi ngốc nhìn em từ sáng sớm cho đến tối mịt không về. Bộ chàng tưởng em là gà mẹ hay sao.

    Cô tươi cười nhìn cây mang thêm chút châm chọc:

    - Em kể ra chuyện đó khiến chàng xấu hổ à, mà sao chẳng trả lời em thế?

    Anh không xấu hổ, chỉ là không dám đáp lời. Khi nhìn thấy linh hồn ngưng tụ trên nấm mồ kia anh đã rất ngạc nhiên, nghe cô kể chuyện anh lại không dám tin cùng hối hận. Hóa ra bé con ngày ấy đã về rồi, đã ở bên anh lâu ngày như thế mà anh một chút cũng nhận không ra. Và bé con anh từng che chở đó, sinh mệnh ngoan cường đó sau khi nhìn ngắm khắp thế gian rộng lớn lại chẳng lưu luyến chốn phồn hoa mà quyết định quay về vì anh hi sinh cả đời, bỏ đi thanh xuân đẹp nhất bỏ đi mạng sống quý giá chỉ để anh có thể đi đến đỉnh cao của sinh mệnh: "Hóa Hình". Còn anh, đã từng hứa ở bên đến thiên hoang địa lão lại vì do dựa khiến cô cứ thế chết đi không kịp làm gì.

    Cô buồn bã cuối đầu nhìn một góc linh hồn từ từ vỡ nát:

    - Sự trừng phạt vì nghịch thiên không chỉ dừng lại ở việc kết thúc mạng sống, linh hồn của kẻ đó sẽ chẳng thể nhập luân hồi càng chẳng thể tồn tại được dưới bất cứ dạng gì. Trước đây em từng nói với chàng, muốn mang chàng làm quan tài bồi táng. Nếu được như thế em sẽ hạnh phúc nhường nào, nhưng sẽ càng hạnh phúc hơn nếu chàng được trường tồn mãi mãi, cũng giống như em được đi khắp nơi nhìn ngắm thế gian tươi đẹp ngoài kia. Hứa với em, hãy sống thật tốt. Em sắp tan biến rồi, trước khi biến mất thật muốn nhìn thấy chàng thêm lần cuối.

    Tan biến? Anh giật mình, Anh không thể tiếp tục giả vờ không nghe được nữa, không thể trốn tránh được nữa, bởi anh biết, nếu còn không ra sẽ hối hận cả đời.

    Khi những ngón tay anh chạm được đến bàn tay đang dần mờ đi của cô, hình ảnh cuối cùng anh nhìn thấy là đôi mắt sáng ngời cùng nụ cười rạng rỡ mãn nguyện, nụ cười đẹp nhất.

    - Thật sự là chàng! Em đã biết đó là chàng.

    Tất cả biến mất chẳng chút dấu vết lưu lại, chỉ có chiếc lá phát ra kim quang nhẹ nhẹ nằm trên đất chứng minh mọi chuyện không phải là mơ. Anh nhìn ra nấm mộ đằng kia, nơi đó chỉ còn nhục thân trần tục chứ không còn cô nữa.

    HOÀN

    Lời của người kể chuyện:

    Từ một câu chuyện vu vơ lúc đầu, trong lúc thần kinh không bình thường mà viết, viết rất nhanh nên thật nhiều lỗi sai, cũng không nghĩ có thể viết dài như thế, càng không nghĩ nó lại kết như vậy.

    Nếu có thể kết thúc khác đi thì tốt quá.
     
  6. KimVanDaNganBao Muốn có một ngôi nhà nhỏ đầy hoa.

    Bài viết:
    9
    Phiên ngoại: Cây đại thụ và bà lão chặt cây

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Anh đứng lên sắp xếp lại mớ sách vở mà tụi nhỏ vứt lăn lóc trong góc nhà nhẹ lắc đầu. Trẻ con bây giờ sướng thật, hết ăn rồi ngủ, ngủ rồi chơi, chơi xong bày ra đó cho anh dọn. Một cái cây như anh, không ngờ một ngày trở thành người giữ trẻ. Anh liếc nhìn chân thân cành lá xum xuê ở góc vườn, vài nhóc tỳ đang chơi đuổi bắt gần đó, có đứa vì bất cẩn vấp phải rễ cây mà ngã nhào khóc trú tréo. Anh giật mình, hình như rễ mọc hơi dài thì phải, thôi để tối nay thu bớt lại một chút, lũ trẻ cũng không vấp ngã nữa.

    Khi anh lật đật chạy ra đã có vài đứa lớn đỡ thằng bé dậy, đang phủi bụi cho nó. Anh giả vờ hỏi:

    - Làm sao thế?

    Thằng bé mới nín khóc một chút, đôi mắt còn ướt nhèm vừa thấy anh đến liền nhào vào lòng anh gào to hơn lúc nãy tiện thể chùi hết nước mũi lên áo sơ mi trắng của anh:

    - Ba Thanh, cái cây này bắt nạt con, ba đánh nó, đánh nó.

    Anh có chút bất lực. Ba không dám tự đánh chính mình đâu con ạ, ba đâu phải kiểu tự ngược đãi bản thân. Anh bế nó trên tay, dỗ ngọt rồi mang nó vào nhà đi tắm không quên nói với lại phía sau.

    - Các con cũng vào nhà đi, đến giờ cơm rồi.

    Lũ trẻ nhao nhao vâng dạ. Anh trao thằng bé cho một cô nuôi, dặn dò cô ấy thật kỹ rằng khi tắm phải xem nó bầm những chỗ nào mà bôi thuốc xong mới yên tâm quay lại phòng làm công việc còn giang dở.

    Đây là một cô nhi viện. Vài chục năm trước chiến tranh kết thúc, trẻ con mồ côi cha mẹ thật nhiều lắm. Vì không có kinh phí, người ta tận dụng cái bãi tha ma cũ để xây lên cô nhi viện này, chân thân anh ở gần đó cũng được tiện thể cho vào làm đẹp khuôn viên. Lúc anh tỉnh lại sau giấc ngủ dài nhìn thấy mọi thứ xung quanh thay đổi, anh ngạc nhiên lắm. Nhớ đến ngôi mộ cũ của cô ngày trước, anh hốt hoảng tìm kiếm, may quá, nhờ có kết giới của anh mà thứ trong mộ không tổn hao gì.

    Vào khoảng gần hai trăm năm trước, khi cô tan biến như một làn gió trước mắt anh, những tưởng thế giới mà cô cố gắng mở ra vì anh đã hoàn toàn sụp đổ, tưởng lúc đó lòng anh cũng chết theo cô rồi. Tuy nhiên, trên đời này thật sự có cái gọi là phép màu, anh nắm được một tia hi vọng cứu cô sống lại. Người dạy cô vu thuật đến tìm anh, nói cho anh cách hồi sinh cô. Thì ra, tất cả mọi chuyện đều nằm trong tính toán của bà ta, từ dạy cô cấm thuật đến cái chết của cô và sự đau khổ mà anh đang chịu đựng.

    Bà làm thế chỉ vì một đoạn lõi thần mộc, nói chính xác là một khúc xương sống của anh. Bà ta có một đứa con trai đã chết nhiều năm, bà muốn hồi sinh hắn, nhưng nhục thân không còn. Nghe nói chỉ cần có một đoạn lõi thần mộc, dùng nó để khắc hình nhân, lại dùng máu huyết của người chết hạ ngải rồi nuôi dưỡng trong bào thai, mượn xác thịt bào thai chín tháng mười ngày sau kẻ đó sẽ được tái sinh mang hoàn toàn hình dáng và kí ức kiếp trước, hơn nữa vì có linh lực thần mộc sẽ sống lâu trường thọ. Cấm thuật này vốn cũng nghịch thiên, bà không thể thực hiện hai phép nghịch thiên cùng lúc, vì vậy bà lợi dụng cô thay bà làm phép thứ nhất "Thổi linh hóa hình".

    Hóa ra bà cũng tới nơi này đã lâu, theo dõi anh mấy năm ròng, cũng nhìn thấy tình thương mà anh dành cho con bé. Bà biết anh sẽ đau khổ, sẽ vì con bé năm xưa mà chấp nhận điều kiện trao đổi của bà: Anh cho bà mộc cốt, bà cho anh cấm thuật. Bởi vì anh không còn đường nào để đi nữa, bởi vì đây là cách duy nhất để cô trở lại thế gian này. Nghe xong, anh cười man dại. Con người vốn là động vật ích kỷ, câu chuyện bi ai này cũng từ một tia ích kỷ mà thành. Bà nói đúng, anh không có lựa chọn, anh đồng ý đổi. Anh cũng không hận bà, vì bà làm vậy cũng xuất phát từ tình thương đứa con của mình, tuy rằng hơi ích kỷ. Hơn nữa, rồi bà cũng giống như cô, cũng tan biến vào không khí bởi nghịch lại ý trời thôi. Với lại nếu không có bà có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ gặp lại bé con ấy nữa chẳng bao giờ được nhìn thấy nụ cười xinh đẹp cuối cùng ấy của cô.

    Được mộc cốt, bà bỏ đi, anh làm theo cấm thuật rút cốt khắc tượng, tạo ra hình nhân giống hệt cô. Anh không tìm thai phụ dưỡng hồn mà nuôi trong chính nhục thân vừa chết của cô vì hồn cô đã vỡ nát, nếu không dùng nhục thân để gọi những mảnh vỡ quay về thì có hồi sinh cô cũng chỉ là cái xác. Nghịch thiên phải chịu phạt, anh không phải người, không cần hồn phi phách tán nhưng vẫn bị sét đánh một ngày một đêm. Anh chịu thương nặng, cộng thêm mất đi hai đoạn mộc cốt nên ngủ vùi trăm năm. Trăm năm sau tỉnh lại chính là ở trong này.

    Có tiếng gõ cửa phòng, anh nhẹ hỏi:

    - Ai đấy.

    Lão viện trưởng già vào nói:

    - Này cậu Thanh, bên toàn án có gọi điện về trường hợp hơn ba năm trước, mẹ con bé bị tử hình rồi, họ bảo chúng ta qua đón nó về.

    Anh giật mình đánh rơi quyển sách trên tay. Hơn ba năm trước có việc đi qua tòa án anh tình cờ gặp một nữ phạm nhân vì bị người yêu ngoại tình rồi vứt bỏ nên đã giết anh ta rất man rợ. Tòa kết án hành vi man rợ không còn tính người sẽ bị tử hình sau đó. Cô gái ấy còn trẻ lắm, gương mặt non nớt chưa trải sự đời giờ dại ra như cái xác không hồn, mặc tòa phán quyết, chỉ có khuôn miệng hơi mấp máy và đôi tay vỗ nhẹ vào bụng kia là chứng minh cô còn sống. Cô đang hát.. Một bài hát ru. Anh dùng linh nhãn nhìn ra, cái thai trong bụng cô đã chết rồi. Tối đó, anh đến tìm cô, cho cô một phép màu cứu sống đứa con của cô. Cô đồng ý. Bởi thế, anh cấy tượng mộc vào bào thai, thổi chút linh khí cho nó sống trở lại, đây cũng là bước cuối cùng để hồi sinh.

    Cô tử tù ấy ngày hôm sau được phát hiện đã có thai, luật pháp khoan hồng cho phép cô an toàn sinh con cho tới khi em bé được ba tuổi mới phải thụ án. Anh liên hệ với trại giam làm thủ tục giám hộ cho em bé để sau này mang về viện mồ côi nuôi dưỡng. Đến hôm nay đã mãn hạn ba năm, nên đi đón bé con của anh về thôi.

    Hai trăm năm, cuối cùng anh cũng đợi được người con gái ấy rồi.

    Lời của người kể chuyện:

    Lúc đầu không định viết phiên ngoại, bỗng nhớ đến câu chuyện vài năm trước bịa ra để kể cho bạn thân nghe. Bạn thân còn bám lấy mấy ngày hỏi kết quả, lại thấy câu chuyện phía trên thích hợp làm tiền truyện nên mới viết ra phiên ngoại này.

    Những bạn không thích phiên ngoại có thể không đọc.

    Những bạn quan tâm có thể tới: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của: Kim Văn Đa Ngân Bảo để theo dõi câu chuyện tiếp. Dự kiến tên truyện: "Dùng sinh mệnh để yêu anh".
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...