CÂY ĐA MÁU Trước cửa nhà ông phú hộ Giận, mấy hôm nay cứ có bóng người lượn lờ qua lại. Kể từ khi người Pháp đóng cửa kho thóc thì chỉ có thể kiếm được lúa gạo nhờ phiếu chẩn mà chính phủ Đông Dương phát cho. Trong nước có lắm người chết, xác người chất thành đống nằm la liệt khắp miền thành phố. Kẻ sống thì vạ vật chẳng khác nào cái xác khô lượn lờ qua lại, hệt như bóng quỷ u linh lẩn khuất trong màn đêm. *** Thời buổi này lương thực khan hiếm, năm trước thì hộ có tiền cũng có thể ngẩng cao đầu mà hưởng sự sung túc trong khi loạn lạc. Thế nhưng sang đến năm nay thì dù có tiền cũng chẳng thể mua nổi gạo, tiền vàng để mốc trong nhà mà không dùng được. Phú hộ hay kẻ giàu có, thành ra cũng chẳng khác gì dân đen chân đất mắt toét, lắm khi còn phải tha hương cầu thực hệt như khất dân. Nhà ông phú hộ Giận sở dĩ còn có thể trụ được đến giờ này, là nhờ có mối quan hệ quen biết với quan cai tổng người Pháp. Phú hộ Giận có con gái là Thị Nhung, nổi tiếng xinh đẹp trong vùng, được nhiều thiếu gia dân chơi Hà Thành để mắt tới. Phú hộ Giận nhờ đó mà có được nhiều quà cáp và có mối quan hệ rộng với người Pháp, người Nhật để nhận gạo bông. Nói đến, dân tình kẻ thì thiếu đói nằm vạ vật, kẻ thì đào củ dại gặm vỏ cây, kẻ thì há hốc mồm vì thiếu đói nằm chờ chết. Ấy vậy mà vẫn có những kẻ của ăn không hết còn thừa thãi đem cho trâu bò ăn, gạo để lâu sợ mốc thì đem nấu rượu, đem thóc ra đốt lò nồi hơi nước. Mà nhà phú hộ Giận hưởng cuộc sung túc trong thời buổi cùng cực trái ngược với rất nhiều hoàn cảnh éo le xung quanh, lại còn ác ôn độc địa không ra tính người. Nhiều hôm có người tha thẩn ở cổng nhà, chìa tay xin nắm gạo vãi mà còn bị phú hộ Giận cho người làm ra đe thẳng tay, cầm gậy gộc nện cho đến chết chỉ vì quấy rầy giấc ngủ trưa của ông ta. Cánh người làm của phú hộ Giận buổi ấy có tên hầu Lý là nổi danh nhất, được phú hộ Giận tin cẩn cho cầm đầu bè đảng tay sai, hễ có khất dân đến làm phiền là đuổi đánh. Một hôm, hầu Lý trông thấy trước cửa nhà ông phú hộ có một người đàn bà mặt mày nhọ nhem nhọ thỉu, sắc mặt hốc hác, định bụng chạy ra ngoài chửi bới đuổi đi. Khi gã ra đến nơi mới phát hiện, thì ra cái người đàn bà hốc hác mà gã sắp đuổi đánh ấy nào đâu lại chính là người bạn thuở hàn vi của gã bên làng Đào. Nổi lòng thương tình, gã định rìu người đàn bà vào trong nhà tính vụng trộm cho ăn bữa cơm. Nhưng trong đầu gã đột nhiên nổi lên câu nói của phú hộ Giận: "Thời buổi này nếu không muốn bị người ta ăn xương uống máu, thì dẫu cho có là bạn bè thì tao cũng giết. Mình thương tình nó thì mình cũng chết, cho nó ăn không khác gì đem máu thịt của mình ra mà chiêu đãi. Sống bữa nay bữa mai, biết thế nào mà làm phúc cho thiên hạ, chỉ làm cho kẻ biếng nhác được dịp hưởng thụ, lũ sâu mọt thì mục kiếp vẫn là sâu mọt không thể tồn tại trên đời. Nếu đã được hưởng phước thì cố mà giữ lấy, chớ vì phút mủi lòng mà tự rước họa vào thân.." Câu nói ấy bấy lâu nay khiến gã cứ đau đáu trong lòng, chỉ vì phú hộ Giận là người đã cưu mang gã, là người dang tay đón lấy gã khỏi cái chết trong buổi lầm than. Đối với hầu Lý, phú hộ Giận chẳng khác nào cha mẹ của gã, có ơn tái tạo, có chiết lý thâm sâu và có đầu óc cao hơn cả bậc trí giả đương thời. Lời phú hộ Giận nói thì kiểu gì cũng đúng, mà đã đúng thì không nên làm trái, nếu làm trái thì chẳng khác nào tự lấy đá đập vào chân mình, tự moi ruột gan máu thịt ra cho kẻ khác nhìn thấu, tự đem số phận mình rớt xuống lồng bàn thiên hạ cho người mổ xẻ. Nghĩ đến đấy, gã không dám tiếp tục giúp đỡ người đàn bà đang nằm dưới đất kia. Bởi vì suy cho cùng, thân gã giờ này còn lo chưa xong, nào có thể có lo chuyện cho bạn. Người đàn bà đôi mắt mơ màng, chỉ còn có hơi thở thoi thóp. Dường như cô ta đã nhìn thấy gã, nhưng không nói được, chỉ có đôi mắt đờ đẫn nhìn gã như muốn cầu xin một chuyện gì đó, một chuyện mà dẫu có khi sắp chết cũng phải tiên quyết làm cho được. Hầu Lý chẳng nghĩ ngợi thêm, biết rằng người đàn bà chẳng thể đứng dậy nổi. Gã chạy vào nhà tìm một cây gậy bằng gỗ mấu rất cứng. Rồi gã đến gần người đàn bà, dùng giọng quyết liệt nói: - Thương tình cho mày cũng là bạn bè với tao thuở hàn vi, nay thân tao còn chẳng thể lo nổi chứ không nghĩ đến chuyện cứu mày. Vậy thì chỉ còn cách là cho mày được hưởng cái ân huệ cuối cùng là chết một cách nhẹ nhõm. Âu cũng chính là việc mà tao đã giúp mày hết nghĩa. Hầu Lý nói xong, trực đem cái gậy gỗ bổ xuống nện thẳng vào đầu người đàn bà. Người đàn bà chợt rơm rớm nước mắt, bàn tay loạng choạng run run lần lần xuống bụng mình như ra ý điều gì đó. Đôi mắt giàn giụa nước, lấp lánh như cầu xin. Nhưng Hầu Lý vẫn cắn răng nện cái gậy gỗ xuống thật mạnh. Cái gậy đập trúng đầu người đàn bà, sọ toác ra làm đôi, óc bắn tung tóe. Bàn tay người đàn bà từ trên bụng lăn xuống mặt đắt, mắt mở to rớm cả nước mắt lẫn máu, miệng há hốc. Hai gò má người đàn bà lại gầy rọp, cả người như cái khung xương nằm quằn quại. Người đàn bà ấy đã chết, đã chết thật sự. Đó cũng là số phận dành cho những người bần cùng trong xã hội này phải gồng mình mà sống, phải cắn vỏ cây, phải uống nước cầm hơi, đôi khi còn phải gặm cả thịt người mới có thể đẩy lùi cơn đói. Nỗi kinh hoàng của thời đại, đẩy con người ta vào cõi địa ngục trong chính kiếp người. Trong sự tra tấn kinh khủng của cơn đói và hình ảnh đầy đọa của thân xác da bọc xương, trong sự yếu ớt run rẩy nhẹ đến gió lay cây cũng đổ, đã hành hạ sự suy tưởng của con người ta cho đến tận cùng. Hầu Lý sát hại xong người đàn bà ấy, cũng chẳng thèm chôn cất cho tử tế mà chỉ quẳng ra giữa đường cho ruồi bâu chó gặm, cho lũ quạ mổ xẻ. Thời buổi này người chết đầy đường, cho dù người ta có thấy một cái xác người chết nằm trước cửa nhà phú hộ Giận thì cũng chẳng ai quan tâm. Phải nói thân còn lo chưa xong, cơm còn chưa biết có để đổ vào mồm hay không, lo chi chuyện thiên hạ như thế. Thế nhưng ấy là bàn tính về cái tình người trong thời buổi cơ cực, còn xét về tình nghĩa bạn bè thì hầu Lý cũng thực là ác độc. Nếu không thể giúp bạn vì miếng ăn, đã hạ cố cho bạn chết một cách êm đẹp thì vì cớ gì lại không thể chôn cất cho người ta một nấm mồ tạm bợ. Để xác thịt nằm chơ chọi ở giữa đường giữa chợ, cho chó tha quạ rỉa như vậy. Người làm phúc mà như vậy, chẳng khác gì đày đọa, còn ác hơn cả cầm thú. Thấm thoắt trôi qua mấy tháng. Trước cửa nhà phú hộ Giận bỗng có một cây đa nhỏ mọc trồi lên. Cây đa mới đầu nhỉ là một cái mầm nhỏ có hai cái lá, sau cao chừng đứa trẻ con rồi vượt lớn đến ngang bức tường rào. Phú hộ Giận thấy trước cửa nhà mình có mọc một cây đa thì cũng lấy làm lạ lắm. Nhưng cũng thấy mừng vì từ nay trước cửa nhà ông ta sẽ có một bóng cây mát, làm cho những giấc ngủ trưa của ông ta thêm phần thoải mái, tránh được cái nắng gắt của trời hè. Ông ta không tính sai chặt cái cây đa ấy đi nữa mà vẫn để nó mọc. Lâu dần qua vài tháng, cây đa lớn nhanh như thổi. Người ta cũng thấy lạ là kể từ khi có cái cây đa xuất hiện trước cửa nhà phú hộ Giận thì bao nhiêu nạn dân không hiểu sao cứ thi nhau tụ tập hẹn cùng chết đói trước cửa nhà ông ta. Xác chết ngày càng nhiều, quanh nhà phú hộ Giận mùi xác thối bốc lên nồng nặc, mùi thối bay tận cả cây số mà người ta cũng vẫn có thể ngửi được. Phú hộ Giận nhiều phen sai người dọn xác, lại cho người canh phòng xung quanh nhà mà tình hình vẫn vậy. Lạ ở chỗ nữa là người chết càng nhiều, thì cây đa càng lớn nhanh như thổi, mới mọc hơn một năm thôi mà đã to ngang cây nhãn. Việc như thế không thoát khỏi con mắt của phú hộ Giận. Và lẽ dĩ nhiên là ông ta cũng nhận ra nguyên nhân ở đây là vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy. Dẫu có là người ngu ngốc thì cũng có thể diễn đoán được có sự liên quan lẫn nhau giữa hai việc này. Một là việc người chết trước cổng, phù hợp gần ngay chính cái cây đa ấy, hai là chết càng nhiều người thì đa lớn càng nhanh. Vậy thì những điều ấy rất có thể liên quan đến chuyện huyền bí tâm linh mà dân ta vẫn hay đồn đại. Thời buổi này người ta đi đâu cũng mê tín, không nói phong trào âu hóa có thực sự đến được với tay thứ dân hay không. Nhưng chỉ riêng việc nhà phú hộ Giận có truyền thống cha truyền con nối là dân thổ cư cường hào địa phương, năm nào cũng khói hương ma chay chạy lộc rất thịnh thì cũng đủ biết là phú hộ Giận rất tin tưởng chuyện tâm linh. Phú hộ Giận lệnh cho người làm, phải đốn bằng được cái cây đa. Ngay lúc đó điểm quái dị đã lộ ra, vì việc không ai có thể chặt nổi cây đa ấy. Người làm mạnh thì bị gãy tay, làm nhẹ thì búa hỏng cán, người tính cho trâu bò buộc thừng kéo đổ cây thì bò lăn ra sùi bọt mép mà chết. Những sự lạ ấy càng dọa cho phú hộ Giận kinh sợ. Có những đêm ông ta mơ thấy có bóng người ngồi trên cây đa vắt vẻo trước nhà, nhe hàm răng trắng nhởn ra nhìn vào cái chõng nơi ông ta đang nằm cười cợt đầy ghê rợn. Rồi hôm trời sáng trăng thì đằng sau những tán lá, phú hộ Giận luôn có cảm giác có bóng người rung rinh qua lại, sai người làm ra thét đuổi đi thì chẳng thấy có ai, rõ là một việc kỳ dị. Kể đến một việc gần đây nhất khiến ông ta kinh sợ, chính là việc người ta chặt vào thân cây đa để triệt hạ nó mà lại thấy thân đa rỉ ra nhựa đỏ tươi như máu. Người mê tín thì nói đó là vì đa hóa thành tinh, do người chết tụ tập tại đây mà thành. Người có chút hiểu biết nông cạn về khoa học thì lại phán đoán rằng, đa này là loài đa máu, rất hiếm gặp trong tự nhiên. Và đây là một loài cây có thực chứ chẳng phải là hiện tượng ma quỷ. Việc triệt hạ cây đa không xong khiến phú hộ Giận ăn không ngon ngủ không yên, và mong muốn tìm mọi cách, dùng mọi bề để giải quyết êm đẹp. Trong số đám thiếu gia Hà Thành theo đuổi Thị Nhung, có một anh sinh viên đại học Đông Dương. Anh ta tên Khánh, cũng là con của một vị quan lớn trên tỉnh lỵ làm cho người Pháp. Lần này anh ta có dịp về chơi tại gia đình ông phú hộ Giận mấy hôm. Trùng hợp vào dịp tháng cô hồn, người ta có tục cúng thị thực cho Ngạ Quỷ vào rằm tháng bảy. Khánh được đích thân ông phú hộ Giận tiếp đón. Trong cuộc trò chuyện, phú hộ Giận tươi cười hỏi han: - Cậu Khánh là người ở Hà Thành, chắc là cũng tân tiến âu hóa lắm nhỉ, có quen với lệ cúng rằm tháng bảy này không? Khánh đáp: - Thưa ông, tôi tuy nói là sinh viên âu hóa. Nhưng tục của người Việt tôi cũng hiểu rõ hết, nói đến việc cúng cô hồn này, tôi cho rằng nó chỉ là một loại hủ tục, và rằng nó chỉ dành cho những kẻ thừa của, đem đồ đi đổ bỏ. Nhưng dẫu có vậy, thì đó cũng là một thú chơi ngông của người có tiền và có quyền. Giả như ông làm việc ấy, thì cũng chỉ là để thêu gấm trên hoa cho các quan trên chú ý mà thôi. Tôi nói vậy mong ông phú hộ đừng giận. Phú hộ Giận thấy Khánh nói ví von ý chửi mình ngu dốt, không những không lấy làm giận mà còn gật gù khen ngợi: - Sinh viên đại học có khác, quả thật là có suy nghĩ rất sâu sắc. Phú hộ Giận dừng lại một chút, chau mày hỏi: - Nhưng nếu cậu không tin việc cúng cô hồn sẽ có tác dụng, thì hẳn là cậu cũng nên tin rằng trên đời này có ma quỷ chứ. Và rằng chúng sẽ quay lại trả thù khi có dịp? Khánh lắc đầu cười nhạt, ngông nghênh nói: - Ma quỷ ư, trong tư duy khoa học tân kỳ hiện đại, đó chẳng khác nào nói đến thói hủ lậu mê tín của lũ dân đen. Ông là người sang trọng, tôi khuyên ông tốt nhất đừng nên tự hạ thấp mình giống như bọn chúng. Đi tin tưởng vào mấy chuyện vô căn cứ như thế thật chẳng giống người tôn quý chút nào. Nói chuyện dài thêm, phú hộ Giận càng thấy gã thiếu gia Khánh này là một kẻ tự cao tự đại không biết trời cao đất dày. Dẫu vậy, ông ta vẫn không giận, mà còn vui mừng hỏi: - Nếu quả thực như cậu không tin trên đời có ma quỷ, vậy thì cậu có dám làm một cuộc đánh cược với tôi không? Một cuộc đánh cược cho thấy rằng trên đời này thực sự có ma quỷ tồn tại? Khánh gật đầu đáp: - Có gì mà không dám, tôi còn dám chắc rằng trong cuộc cá cược này, thì ông cũng sẽ chỉ thua cuộc mà thôi. Chỉ có điều nếu đã cá cược, vậy vật phẩm cá cược cũng phải lớn thì mới được. Hai mắt ông phú hộ Giận chợt sáng quắc hỏi ngược lại: - Lớn là như thế nào? Cậu muốn lớn là thứ gì kia? Khánh dạt dào đáp: - Ông cũng biết thừa là tôi muốn gì mà, tôi chỉ muốn con gái ông. Cô Nhung về làm vợ của tôi. Nếu như được ông đồng ý, thì cuộc cá cược này sẽ rất có ý nghĩa. Phú hộ Giận hai mắt him híp lại. Bấy lâu nay Thị Nhung luôn là miếng mồi ngon mà các thiếu gia Hà Thành thi nhau nhắm tới, và là một cái đích để thi đấu. Việc Khánh về đây để chơi vài buổi thực chất cũng chỉ để tán tỉnh Thị Nhung và hòng rước con gái ông ta về làm vợ khiến cho kẻ khác phải ghen tức vì thua cuộc. Khánh là một người không hề tin có hồn ma tồn tại trên thế gian. Gã suy nghĩ, nếu vì một việc không có thực, mà lại lừa được con gái của lão phú hộ, thì chẳng phải là việc làm vừa dễ dàng lại vừa có lãi hay sao? Nếu phú hộ Giận đã tự tay dâng con gái cho mình như thế, thì việc gì mà mình phải khó nhọc tính mưu khác. Nay phú hộ Giận tự ý nêu ra cuộc cá cược, gã không đời nào để vuột mất cơ hội ấy mà tóm lấy thóp của lão ta cướp Thị Nhung. Để cho những gã thiếu gia Hà Thành sẽ phải lác mắt vì tài nghệ của gã. Rằng chỉ cần gã về chơi một chuyến là đã ăn đứt khối kẻ vãi nước bọt cả năm ròng mà chẳng được gì, lại quà cáp đủ thứ mà vẫn bị gã nẫng tay trên. Nghe qua điều kiện của Khánh, phú hộ Giận không lấy làm lạ mà còn rất đắc ý. Việc cây đa máu mọc ở trước nhà phú hộ Giận lâu nay khiến lão rất đau đầu. Nay nếu có thể giải quyết được vấn đề ấy dễ dàng thì lão nhất nhất sẽ phải làm cho được. Nghĩ lại nhiều phen bận trước, phú hộ Giận dùng đủ mọi cách mà không sao giải quyết nổi. Vậy nên lão tính, có khi nào người có học thức thì sẽ giải quyết theo một cách khác hơn, và sẽ có hiệu quả hơn. Con người ta trong thời đại này tư duy, người có học thức chính là ở tầng lớp chiếu trên, suy nghĩ cao hơn cả một cái đầu, cách giải quyết đương nhiên sẽ có sự khác biệt. Trong lòng phú hộ Giận kỳ thực đã xuôi, nhưng vẫn làm bộ nghiêm cẩn để ngã giá cho thành công. Ông ta chau mày liên tục tỏ vẻ khó xử, dường như cấn cá lắm. Khánh nom vậy thì càng nóng lòng, tâm trạng như lửa đốt nhấp nhổm ngồi không yên. Gã lại sợ ông phú hộ bỗng nhiên đổi ý mà không dám cá cược nữa thì hỏng. Ngay khi đó gã tiếp lời khích bác: - Nếu quả như ông sợ thua trong việc này, thì chỉ cần nói một tiếng thôi. Tôi không phải là người vòng vo, lại ghét mấy kẻ nhát như cáy sợ thua mà lại hay viện cớ mạnh mồm. Chỉ tiếc chuyến đi lần này không được dịp thú vị. Phú hộ Giận làm bộ nóng nảy, đáp ngay: - Tôi đâu phải là người như thế, rồi tôi sẽ cho cậu thấy đây là một vụ cá cược hấp dẫn đến như thế nào. Tôi sẽ đồng ý, nhưng nếu cậu thua cuộc thì cậu phải mất với tôi một số tiền rất lớn, hay thậm chí là giúp tôi một chân nghị viên trên tỉnh thì mới được. Đấy chính là điều kiện cá cược của tôi, cậu dám không? Lẽ thường người ta thấy giận quá thì mất khôn. Khánh thấy phú hộ Giận tức tối như thế thì liền nhận định ngay, ông ta đã vô tình mắc phải sai lầm chỉ vì sự chột dạ nhất thời. Mà việc đã lở ra miệng thì đâu có thể rút lại được. Và việc này chính là một cơ hội trời cho dành cho gã, một miếng mồi ngon với phần thưởng béo bở. Khánh cười khanh khách, chậm giọng đáp: - Điều kiện của ông không khó, chỉ là một chân nghị viên trên tỉnh, bố tôi có thể lo được. Nhưng việc để cho cô Nhung về làm vợ của tôi thì tôi e ông nuốt lời. Nên chúng ta phải làm một bản giao ước. Phú hộ Giận chống gậy giữa nhà, nheo mắt vừa đáp vừa hỏi dò: - Giao ước như thế nào? Mà cần gì phải viết lại làm chi cho mệt nhọc mất công ra như thế? Khánh lắc đầu cười nói: - Không không, ông phú hộ Giận xưa nay nổi tiếng nuốt lời, tôi nào có thể làm trái đươc việc ấy. Hơn nữa người có học bọn tôi thích làm việc trên giấy tờ, không quen thói hứa miệng xuông. Phú hộ Giận đồng tình, chợt thả giọng quát vang: - Thằng Lý đâu, cầm giấy bút lên đây cho ông! Tiếng ông phú hộ Giận vọng to, Lý đang ở dưới nhà liền vội vàng chạy lên nhà trên đáp lời lễ phép. Sau đó, gã chạy vào buồng của phú hộ Giận cầm ra một xấp giấy ngà, với chiếc bút mực máy Tây. Khánh đón lấy xấp giấy và chiếc bút, ghi nhoay nhoáy mấy chữ. Rồi trình đến trước mặt ông phú hộ Giận hỏi: - Đây, ông nhìn xem trong bản giao ước này tôi soạn thảo đủ chứ, đúng chứ? Nếu thấy sai ở đâu thì để tôi còn sửa, rồi thì hai ta cùng ký vào đây nhé, thế là xong. Ông phú hộ Giận gật gù, tay hơi run run cầm tờ giao ước, dí sát mặt tiếp tục nheo mày nhìn kĩ. Ông ta giả bộ nghiêm cẩn bề ngoài như thế, nhưng kỳ thực bên trong đã không nhịn được muốn một nhát ký ngay cho xong. Dẫu vậy sự tình vẫn bị lão làm cho cố chậm lại, để cho Khánh thấy rằng lão đắn đo suy nghĩ, rằng Khánh mới chính là người được lợi chứ không phải là ông ta. Phú hộ Giận là người trong cuộc, cũng là người đã nhiều phen đối phó với cây đa kia nhưng không thành, ông ta là người hiểu rõ nhất sự khó nhằn của cái cây đa ấy. Việc thường người ta càng thấy đối phương đồng ý càng dễ dàng thì càng nghi ngờ, ông phú hộ Giận sáng tỏ hơn người nên càng muốn đóng kịch cho tốt, muốn lừa cho con cừu non với vẻ học thức này mắc bẫy một con cáo già tinh ranh như ông ta thì phải diễn sao cho thật đạt. Lại nói nếu quả thật là có một chân nghị viên trên tỉnh, phú hộ Giận sẽ có điều kiện để chuyển lên tỉnh sống. Khi ấy thì việc cây đa kia có ra làm sao cũng chẳng ảnh hưởng quái gì đến lão, điền sản rộng cả một vùng này cũng có thể san nhượng lại cho kẻ khác mà thoải mái ung dung sống với chức nghị viên ấy. Phú hộ Giận câu giờ một lúc lâu, mới buông ra được một câu: - Điều kiện vụ cá cược thì đúng rồi, nhưng cậu vẫn chưa biết rõ việc tôi muốn cá cược ở đây là gì. Khánh dương dương đắc ý trả lời: - Việc ấy thì đâu có quan trọng gì, quan trọng là điều kiện thuận cả hai bên kia. Còn về việc ông muốn tôi chứng minh ma quỷ không tồn tại như thế nào thì đó là việc của ông. Suy cho cùng thì kiểu gì mà tôi chẳng thắng, và rằng ông sẽ trở thành một ông bố vợ bất đắc dĩ của tôi mà thôi. Phú hộ Giận giả bộ giận tím mặt nói: - Tôi sẽ cho cậu biết điều này không phải là trò đùa, và tôi sẽ kể lại sơ qua sự việc cho cậu. Nhưng trước hết phiền cậu viết nó vào đây cho. Khánh gật gù đáp lại và hỏi: - Được rồi, vậy ông mau nói sơ qua đi. Tôi cũng nóng lòng lắm rồi đây. Phải là điều gì thì mới có thể khiến ông phú hộ khó tính có thể đánh đổi con gái mình như thế chứ? Phú hộ Giận tính cách y như cái tên, vẻ mặt bao giờ cũng cau có giận dữ. Nét mặt ông ta đăm chiêu kể về việc từ khi cái cây đa xuất hiện và sự tình khất dân lũ lượt thi nhau kéo đến tìm chết ở gốc cây đa ấy. Khánh nghe xong không những không sợ hãi mà còn bật cười. Điều này không nằm ngoài suy đoán của phú hộ Giận, vì ông ta cũng đoán biết được Khánh tự cao đến như thế nào, đương nhiên cũng sẽ không đặt chuyện này trong lòng. Khánh ghi lại tường tận mọi việc cá cược vào trong tờ giao ước, rồi ký phắt một chữ cho xong. Gã ta đưa tờ giấy giao ước tới trước mặt phú hộ Giận hối thúc: - Giờ thì đến lượt ông, phiền ông ký vào đây một chữ. Phú hộ Giận cũng không chờ thêm một giây mà đã liền ký ngay. Khánh nhận lấy tờ giao ước xem qua một lượt, rồi nghiêm cẩn đặt vào một chiếc hộp và nói: - Giờ thì điều kiện vụ cá cược đã xong, chúng ta sẽ đặt tờ giao ước vào trong chiếc hộp này, khóa kín lại. Đợi cho sự việc ngã ngũ thì mới mở ra làm chứng, cái hộp này tạm để ở đây, và tôi tin là nó sẽ an toàn. Nói xong Khánh đem nắp hộp đóng lại, gạt qua một bên, tiếp tục vui vẻ cười hỏi: - Tôi thật không ngờ ông lại chỉ vì một việc vô lý như thế mà cũng có thể đánh cược con gái của mình. Ông thèm muốn chức nghị viên đến phát điên rồi sao? Chức vụ ấy mặc dù phải tốn cả nghìn đồng đông dương, nhưng lẽ nào chỉ vì vậy mà ông lại có thể dùng chuyện vớ vẩn như thế này để đánh đổi con gái mình ư? Nghe Khánh mỉa mai, phú hộ Giận giờ này mới ngửa bài cười khanh khách đáp: - Rồi cậu sẽ biết, cậu vừa mới ném tiền qua cửa sổ đây thôi. Cậu cứ chờ đi, chờ đi rồi sẽ biết việc này khó khăn đến thế nào. Phú hộ Giận đột nhiên thay đổi thái độ, Khánh bỗng chột dạ. Nhưng giờ này gã có hối hận cũng không kịp, gã đã chót ký vào bản giao ước. Và gã nghĩ lại cái vẻ mặt của ông phú hộ từ đầu tới giờ thì dường như không phải là gã khích bác cho ông ta mắc mưu, mà chính gã mới là con cá nằm trong rọ. Bản giao ước ấy là chính gã đề xuất ra chứ không phải ông phú hộ Giận, chính gã đã tự đưa mình vào tròng chứ chẳng phải ai khác. * * * Ngày hôm sau, Khánh được sắp ngủ lại trong một căn phòng phía tây gần ngay sát cái cây đa máu. Người thường xuyên qua lại với Khánh ngoài cô chủ Nhung thì cũng chỉ có hầu Lý. Thi thoảng Khánh thấy hầu Lý cứ chạy ra chạy vào, tiếng huyên náo ầm ầm. Những lúc gã nhìn thấy hầu Lý bước vào từ cổng như thế, thì mới phát hiện ra trên người hầu Lý thấm đẫm máu, và thứ bã trắng trắng bám đầy quần áo. Khánh không biết những thứ đó là thứ gì. Sau này thì gã ta mới biết được, thì ra khi ấy hầu Lý cùng với bọn hầu trong nhà chạy ra ngoài để đập chết nạn dân đến quấy nhiễu. Máu trên người hầu Lý là máu của nạn dân, và thứ bã màu trắng nhởn dính trên quần áo anh ta, không phải thứ gì khác mà chính là óc của nạn dân. Khánh ngồi thất thần vì tưởng tưởng khung cảnh đám người hầu Lý đánh chết người, bất chợt bên ngoài tiếng thưa rất lễ phép vọng vào: - Dạ con chào cậu Khánh ạ.. Âm thanh bên ngoài vang đến khiến Khánh tỉnh lại trong sự suy tưởng. Gã mơ màng nhìn ra cửa thì liền phát hiện người vừa thưa chuyện chính là hầu Lý. Khánh toan đáp thì hầu Lý đã nói ngay để chặn họng gã: - Dạ thưa cậu, ông phú hộ bảo con từ giờ hầu hạ cho cậu. Cậu cần việc gì thì cứ sai bảo, con sẽ chuẩn bị hết cho cậu. Khánh nhìn hầu Lý từ đầu đến chân, cuối cùng gật gù nói: - Được rồi, lại việc chặt cây chứ gì, cứ để thư thư đã. Dù gì thì tao cũng còn chơi ở đây ít lâu, vụ cá cược này sớm hay muộn gì thì cũng phải làm thôi. Bất tất ông phú hộ đã cho người đến giục khéo tao như thế. Gã nói xong thì đứng lên đi qua đi lại một chặp, mới nhìn chằm chằm vào hầu Lý mà hỏi: - Tao nghe ông phú hộ nói, cái cây đa mà ông ấy muốn tao chặt có lắm sự lạ lắm hả? Hầu Lý ngơ ngẩn một lúc vẫn chưa hiểu sự lạ mà gã hỏi là gì, chỉ đáp: - Dạ thưa, lạ như thế nào thì con không biết thưa cậu. Nhưng cái cây đa ấy ngoài chuyện kéo nạn dân đến để chết, thì còn.. hút máu.. Nói đến nửa cuối, hầu Lý bất chợt lắp bắp toát mồ hôi như vừa nhớ tới chuyện gì kinh hãi lắm. Hầu Lý vã mồ hôi một lúc rồi nói tiếp, lần này còn nhìn thẳng vào mắt của Khánh mà nói với vẻ nghiêm trọng: - Không phải con mạo phạm cậu đâu. Nhưng hôm trước, cũng có thằng hầu tên Khánh đi ra ngoài giết nạn dân vào nửa đêm, theo chỉ thị của ông phú hộ. Mà đêm ấy nó không về. Sáng sớm hôm sau con mới phát hiện ra cái xác nó chết khô quắt nằm ở dưới chân cây đa. Còn.. còn.. Hầu Lý nói đến đấy lại tiếp tục lắp bắp. Khánh sốt ruột hối thúc: - Rồi còn làm sao nữa? Mày nói nhanh đi. Hầu Lý đem cánh tay lau mồ hôi trên trán đáp: - Dạ, trên cây đa có một quả đa to cỡ đầu người. Nhìn hệt như mặt thằng hầu Khánh. Miệng nó há hốc hệt như cái xác khô của hầu Khánh. Hầu Lý dừng lại một chút lại trả lời tiếp: - Sau bữa ấy, ông phú hộ bắt tụi con phải trèo lên cây đa để chặt cái quả ấy xuống đem chôn đi. Khánh nghe qua ban đầu thì còn có cảm giác hơi gai người, nhưng sau cùng gã lại bật cười. Chuyển giận tím mặt quát: - Ông phú hộ khinh người quá rồi. Rõ ràng là bịa ra chuyện rồi sai mày xuống dọa tao để mong thắng cược đây mà. Lại còn dám bịa ra tên thằng hầu là tên cậu, đúng là không còn liêm sỉ. Rủa cậu có kết quả chết giống như thằng hầu kia có phải không? Hầu Lý bị Khánh quát run như cầy sấy không dám hé răng nửa lời. Chờ đến nửa phút thì gã mới nghe thấy Khánh cất giọng: - Nếu ông phú hộ đã sốt ruột đến như thế. Vậy thì đêm nay tao sẽ chặt cái cây ấy vào nửa đêm, xem ông ấy có còn nói mấy câu xằng bậy được nữa hay không. Ma quỷ à? Chúng mày sợ ma quỷ vào ban đêm nhất chứ gì? Vậy thì ban đêm tao đi chặt cây cho chúng mày xem. Khánh nói xong thì đuổi hầu Lý ra ngoài, đóng chặt cửa lại. Còn dặn hầu Lý không được phép cho ai làm phiền, đợi đến nửa đêm gã cho phép thì mới được đến thưa chuyện. Hầu Lý đem chuyện này kể lại cho phú hộ Giận. Phú hộ Giận nghe xong liền vuốt râu gật gù vui sướng nói: - Chà chà, nếu cậu Khánh đã nóng nảy như thế thì chẳng mấy nữa mà ông mày lên tỉnh làm nghị viên đến nơi rồi. Mày phải trông chừng cậu Khánh thật cẩn thận cho ông. Nếu cậu ấy không chặt được nổi cây thì cũng phải khuyên can kịp lúc. Kẻo lại bị cái cây đó hại thì khéo phúc không đến mà là họa sát thân hỏi thăm đấy biết chưa. Hầu Lý không hiểu chuyện liền hỏi ngay: - Dạ thưa ông, sao họa sát thân lại hỏi thăm ạ? Con tưởng cậu Khánh mà thua cuộc thì ông phải vui lắm chứ ạ? Phú hộ Giận trợn mắt giải thích: - Đúng là đầu óc của hạng tôi đòi. Tao nói mày cũng không hiểu. Nếu cậu Khánh mà xảy ra chuyện giống thằng hầu mấy hôm trước. Thì quan trên còn cho ông yên ổn mà lên tỉnh nhậm chức nữa à? Phú hộ Giận lại giảng giải kỹ lưỡng: - Phải cho cậu ấy thua tâm phục khẩu phục. Có như vậy thì tao vừa được lên quan, mà vừa thoát được khỏi cái cây đa ma quái ấy, tránh việc gây thù với quan tỉnh. Hầu Lý nghe chừng hiểu ra, liền bợ đỡ ngay: - Dạ, ông suy nghĩ thấu đáo, con đã hiểu.
(tiếp theo) Bấm để xem Tối đó, đúng điểm đêm khi canh ba vừa tới. Hầu Lý đã nghe tiếng Khánh cho gọi. Hầu Lý đứng trước cửa căn phòng của Khánh được gã giao việc: - Đêm nay tao sẽ đích thân chặt cái cây đa cho ông phú hộ Giận. Mày và mấy đứa hầu trong nhà phải là người chứng kiến cho tao, rằng chính tao là người đã chặt cái cây ấy xuống để cho ông phú hộ Giận không được phép nuốt lời. Hầu Lý vâng dạ luôn miệng. Khánh sai gã mang cưa xẻng dao búa rìu. Cứ cái gì có thể chặt được cây là đều mang hết tới để gã đích thân ra tay. Đến khi hầu Lý mang tới tận nơi đầy đủ những thứ ấy thì Khánh mới bắt đầu xắn tay áo lên thật cao, nghênh ngang đi ra ngoài cổng bước tới trước cây đa kia khởi động. Gã làm bộ chuẩn bị sắp đích thân ra tay chặt cây để ông phú hộ Giận phải lác mắt, phải hối hận vì trò đùa cá cược ngu dốt. Đứng sau lưng Khánh là hầu Lý và hai tên hầu nữa đang chắp tay để đằng trước tỏ bộ nghiêm cẩn. Chốc chốc hầu Lý lại ngước mắt lên nhìn để coi sóc xem rốt cuộc Khánh đã hành động hay chưa. Nhưng hồi lâu mà gã vẫn thấy Khánh cứ trân trối đứng nhìn cái cây, chẳng mảy may động tay, liền hỏi: - Dạ thưa cậu. Sao cậu vẫn chưa chặt cây đi ạ? Hầu Lý hỏi đến đây, nhìn kỹ mới phát hiện, thì ra cậu Khánh cũng đang run. Khánh tỏ bộ nghiêm nghị, lén lút lau mồ hôi chậm rãi quay lại hỏi hầu Lý: - Nhà ông phú hộ Giận có hầu gái không? Hầu Lý đáp: - Dạ ngoài bà vú nuôi cô Nhung từ nhỏ tên là Mão, thì trong nhà không còn ai là hầu phận đàn bà cả ạ. Nhưng cậu hỏi thế là chuyện gì thưa cậu? Khánh nhỏ giọng, ghé miệng vào tai hầu Lý nói khẽ: - Vậy chứ cái người giờ này đang ngồi trên cây đa là bà Mão đấy phỏng, sao mày không gọi bà ta xuống đây đi. Để bà ta ngồi vắt vẻo ở trên cây như thế? Cậu mà chặt cây, cây gãy thì bà ta khó mà toàn mạng. Hầu Lý nghe đến đây mới biết hẳn là cuối cùng cậu Khánh đã gặp phải chuyện gì đó rồi. Chính là chuyện mà dạo gần đây đêm nào mấy đứa hầu trong nhà đều nhìn thấy, và đều cho rằng đó là ma. Bởi bà Mão đã già lắm, tay yếu mắt mờ, nào có thể trèo cây được nữa. Hơn nữa bà Mão luôn ngủ với cô Nhung, nếu bà ta không ở đó thì cô Nhung phải là người biết rõ nhất chứ. Khánh biết là mình đã gặp ma, nhưng vẫn sống chết không tin vào mắt mình. Giờ này còn khẳng định rằng đó chính là bà Mão, và việc mình không tin có ma quỷ là đúng đắn. Cố sức hối hầu Lý gọi bóng người ngồi vắt vẻo trên cây đa kia xuống. Hầu Lý run như cầy sấy bước được mấy bước thì liền quay lại quỳ sụp trước mặt gã mà van nài: - Lạy cậu, đó chẳng thể nào là bà Mão được thưa cậu. Bà Mão giờ này đang ở với cô Nhung, nó là ma đấy cậu ạ. Cậu có thương con thì xin cậu đừng xui con đi. Nghe tới đó, Khánh đi đi lại, cố sức gan dạ. Gã vươn mình hít sâu, chuyển vẻ giận dữ: - Thôi được rồi, nếu như mày đã sống chết không nghe lời tao như thế. Vậy thì tao sẽ chặt cái cây ấy, mặc cho mụ có ngồi trên đó, dù có ngã chết thì cũng đừng có oán than gì nhé. Nói xong, gã cầm cái rìu thật chắc tay tới gần cây đa. Cánh tay gã giơ cao lên trời. Bất chợt trời đêm chuyển giông tố, gió mưa bão bùng, sấm chớp đùng đoàng. Tay của Khánh đưa được qua trên vai thì đã nghe thấy một tiếng sét nổ mạnh đánh ngang qua đỉnh đầu. Trong phút giây chớp nhoáng, thứ ánh sáng từ tia chớp chiếu sáng rõ khiến cho khuôn mặt người đàn bà ngồi vắt vẻo trên cây đa kia hiện rõ. Đó là một bà già, có bộ mặt nhăn nheo. Làn môi đỏ như máu, răng trắng như ngà. Bà ta kêu lêu những âm thanh âm ỉ như bị một thứ gì đó gặm nhấm trong ổ bụng. Từ đôi mắt bà ta phát ra những âm thanh lục bục. Con ngươi bà ta thò ra thụt vào giống như có một thứ gì đó từ trong sọ óc của bà ta đẩy ra. Khánh rùng mình kinh sợ, suýt chút nữa đánh rơi cây rìu trên tay. Giờ này hầu Lý cũng nhìn lên trên, ruột gan bủn rủn. Miệng lắp bắp kêu: - Bà Mão.. sao bà.. lại.. lại.. Khánh sợ quá toan có ý định chạy trốn, nhưng lại chợt nghe thấy hầu Lý nhắc đến tên người đàn bà đang ngồi trên cây kia. Thì ra đó chính là bà Mão thật. Vậy thì nào phải ma quỷ gì đâu, mà là người, là người sống bằng xương bằng thịt. Nghe tới đây gã liền hết sợ hẳn, đứng yên tại chỗ mà quan sát động tĩnh. Khánh không muốn sự thất thố khi nãy vì kinh sợ, bị đám hầu biết đến. Nên sau khi rõ đủ sự tình, gã quyết tâm đốn hạ bằng được cái cây để chứng minh cho nhận định của mình là đúng. Và rằng để hầu Lý, phú hộ Giận với đám người trong nhà đều phải sáng mắt lên. - Đấy nhé, tao đã nói là không có ma quỷ gì cả. Chính mày không thèm nghe lời tao gọi bà ta xuống, vậy thì bà ta ngã chết, không trách tao được. Khánh vung rìu chặt thẳng vào thân cây đa. Cái cây đa này rất to nhưng không thể so bì với những hạng cổ thụ cùng giống. Nó chỉ bằng cây nhãn, nên gặp nhát rìu của Khánh đã rung rinh. Bà già ngồi trên cây bất chợt bật giọng cười the thé như thích thú. Bà ta bò thoăn thoắt từ trên ngọn cây xuống gần phía Khánh. Khánh giật mình hoảng hồn lại một lần nữa suýt rơi rìu. Chỉ có điều câu nói trước đó của hầu Lý cảnh tỉnh khiến cho Khanh dám gan dạ khẳng định người đàn bà kia chẳng phải là ma mà là người. Nên gã cẩn trọng chờ đợi bà ta bò xuống dưới gốc cây là sẽ giết bà ta ngay. Người đàn bà toàn thân khô quắt, da thịt nhăn nheo thật giống với củi khô. Lại giống với hình tượng mụ yêu tinh trong rừng sâu mà xưa nay người ta hay kể, quả thật là hết sức đáng sợ. Thế nhưng, dẫu có là ma quỷ đi chăng nữa thì khi gặp kẻ ác vẫn phải cam bái hạ phong. Bởi vì xưa nay nói đến oan hồn và cô hồn, có đời nào không phải do kẻ ác tạo nên. Nếu nói người nào không sợ trời phạt nhất thì có lẽ chính là bọn chúng. Trong lòng Khánh giờ này nổi lên ác tâm, gã vung cái rìu lên cao làm vẻ chặt vào cái cây, nhưng kỳ thực là chờ người đàn bà bò xuống tới nơi là sẽ sẵn tiện cây rìu trọng tay chém chết bà ta. Bà ta bò nhanh thoăn thoắt như lũ chuột, lại đu vắt vẻo như khỉ. Cái cổ bà ta rụt lại như cổ rùa, khuôn mặt bạnh ra như bánh bao, miệng chảy rãi như hổ đói. Tay bà ta nhún nhảy chẳng mấy chốc từ ngọn cây đa đã nhảy bổ xuống dưới gốc cây, lao tới muốn bóp cổ Khánh. Đúng lúc, gã chớp lấy cơ hội quát lớn: - Con mụ già này, chết đi! Vừa kịp cái rìu xoay ngang bổ ngược lại về phía người đàn bà. Người đàn bà bay đầu ngay tại chỗ, cái đầu lăn lông lốc trên nền đất chạy tới trước mặt hầu Lý. Hầu Lý trợn tròn mắt kinh sợ chết ngất. Khánh chặt đầu xong người đàn bà, thì quay sang bổ rìu vào cái cây đa máu ấy chặt lấy chặt để, chặt hùng hục lên xuống hết sức. Cái cây đa chẳng thể trụ lại được lâu, chỉ độ nén hương là đã siêu vẹo, đổ rạp xuống mặt đất. Xong chuyện, Khánh ngồi xuống dưới đất thở dốc, chống cây rìu trên nền đất trợn mắt quát tháo: - Giờ thì ông phú hộ Giận sẽ phải gả cô Nhung cho tao, và sẽ chẳng được nhận một chút lợi lộc nào từ thằng Khánh này cả. Nói xong gã đứng dậy đi vào trong buồng nghỉ mất dạng. Hầu Lý nhìn thấy cả người Khánh đều đã ướt đẫm máu dính từ cái xác bà Mão, chỉ thầm tặc lưỡi một cái. Hầu Lý lại nhìn cái xác bà Mão rồi thầm thở dài nói: - Giờ bà Mão chết rồi, lấy ai chăm nom cô Nhung đây. Rồi lại phải thuê thêm một người hầu gái nữa cho cô ấy mất thôi. Hầu Lý lại đưa mắt nhìn sang cây đa đã đổ rạp tiếp tục nói: - Việc nếu đơn giản như thế, thì chắc ông phú hộ cũng chẳng dám cá cược làm gì đâu. Cậu Khánh lại công toi mất thôi. Hắn nói xong cũng đi mất, chỉ còn lại hai tên hầu già đang ngơ ngẩn vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, và cũng không hiểu câu nói của hầu Lý. Nhìn thấy xác bà Mão nằm trơ chọi. Hai lão hầu già khiêng xác kia sang một bên bụi cây quẳng ở đấy như bao cái xác khác, còn cái đầu bà ấy thì đá qua một bên cho khuất mắt. Kể ra nếu nói hành động ấy của bọn họ thật vô nhân đạo thì cũng không đúng. Bởi suy cho cùng, nếu mai này bọn họ rơi vào tình cảnh như vậy, nghĩ lại nếu như còn có ai đi dọn xác cho mình như thế này để tránh trâu dày ngựa xéo, âu cũng là một điều may mắn. * * * Sớm hôm sau. Khánh trải chuốt thật gọn gàng, đi lên gian nhà trên gặp phú hộ Giận với vẻ mặt đắc ý. Ông phú hộ Giận từ lâu đã ngồi chờ sẵn ở cái sập gỗ, khuôn mặt thất thần. Thấy vẻ hớn hở của gã bước vào từ ngoài cửa, chỉ thêm âu sầu. Khánh nom thấy mặt mũi ông phú hộ ủ rũ thì càng cho rằng mình chắc thắng, giọng nói miệt thị đã vang từ xa: - Ông phú hộ vẫn đang buồn bực vì thua cuộc đấy ư? Tôi vốn đã nói người không có đầu óc thì luôn làm chuyện ngu xuẩn mà lại. Dịp này được ông phú hộ tặng cho con gái làm lẽ, cũng là một việc khiến tôi vui mừng.. Nghe Khánh nói, ông phú hộ sắc mặt đang âm trầm thì chợt càng sa sầm hơn, hỏi lại ngay: - Cậu nói cái gì? Lẽ là thế nào? Khánh ngồi xuống trước bàn uống nước, cầm cái chén trà lên uống ực một ngụm. Sau đó mới lộ bản chất bộ mặt đểu giả của gã trước mặt ông phú hộ. Giờ này thì trông gã chẳng giống gì người có học thức, mà chỉ là một phường lưu manh thích trêu hoa ghẹo bướm. Gã nói: - Ồ, ông phú hộ không biết sao? Thế thì thực là kỳ lạ, ở Hà thành đâu ai không biết cậu Khánh Đại là người đã có gia đình? Nghe Khánh nói đến đấy, ông phú hộ suýt nữa ngã té ngửa vì tức giận. Chuyện này cũng không thể trách được ông ta, vì xưa nay lắm chuyện ngoài xứ ông không thể nắm rõ. Lại nói đại học Đông Dương là trường danh giá, người ta chỉ nghe đến thôi là đã cảm thấy vinh hạnh, nào có chuyện nghi ngờ trước sau nhân phẩm của một con người. Mà nghe nói theo phong trào âu hóa là chỉ có một vợ một chồng chứ không có hai vợ, làm thế là trái đạo. Ông phú hộ Giận không nghĩ đến chuyện Khánh lại là một kẻ như thế. Có điều Khánh đắc ý không được lâu thì phú hộ Giận không những không tiếp tục tức giận mà còn cười vang khắp nhà. Khánh kinh ngạc không hiểu ý ông phú hộ, liền hỏi dò: - Ông phú hộ không lẽ vì thua cuộc đau đớn nên tâm trạng bất ổn đấy chăng? Phú hộ Giận chuyển bộ nghiêm trang đáp: - Cậu không phải nói khéo rằng tôi bị tâm thần. Tôi nói cho cậu biết, cậu vẫn chưa thắng cuộc đâu. Khánh nghe vậy không hết đắc ý, vừa cười đáp vừa hỏi: - À, ra là ông phú hộ Giận định nuốt lời. Ông nghĩ là cái hộp bản giao ước tôi còn để ở chỗ ông, nên ông tính trở mặt đấy phỏng? Gã nói xong, không ngờ lại từ trong túi áo rút ra một tờ giao ước hệt như tờ giao ước trước đây mà gã với ông phú hộ đã ký. Phú hộ Giận trợn mắt hỏi: - Cậu.. cậu lấy được bản giao ước từ khi nào? Khánh đáp: - Ông phú hộ thật rõ là buồn cười. Nếu tôi đã không tin việc ông có thể nuốt lời. Thì nào có thể giao thứ quan trọng như thế để cho ông cất giữ cơ chứ. Ông biết không, người Tây người ta có một bộ môn gọi là ảo thuật, có thể đánh lừa mắt người. Ông nhìn thấy tôi đút nó vào hộp, nhưng thật ra là tôi đã đút vào túi áo của tôi đấy! Nói xong, gã lại chờ đợi được nhìn thấy nét mặt giận dữ của phú hộ Giận, để tiện thời thêm một dịp đắc ý. Nhưng không ngờ phú hộ Giận lại không làm cho gã thỏa lòng. Phú hộ Giận vuốt râu đáp lại: - Ồ, thì ra là tôi suýt nữa bị cậu lừa cho đến hai lần cơ đấy. Nhưng rồi thì cậu vẫn phải thua cuộc, cho dù bản giao ước đó có trong tay tôi hay trong tay cậu đi chăng nữa. Khánh đáp: - Ông phú hộ chắc hẳn là vì thua cuộc giận quá hóa mất khôn, lại nói đùa rồi. Việc đã ngã ngũ, cái cây đã bị tôi chặt hạ. Còn về việc người hầu gái bị tôi lỡ tay giết mất, thì cũng xin ông thứ tội. Ông không thể vin vào cái cớ nào khác mà chối mãi được. Phú hộ Giận nói: - Thứ cỏ rác thì không việc gì phải tiếc, thời nay lũ hầu hạ hiếm gì. Chỉ cần một nắm gạo là đã có thể có người xếp hàng dài trước cổng nhà tôi xin làm việc ấy. Kể đến việc chính thì là vụ cá cược kia, lẽ nào cậu thực sự cho rằng mình đã chặt được cái cây đa ấy ư? Khánh hỏi: - Không phải sao? Ông đừng hòng nuốt lời, chính lũ hầu đã tận mắt nhìn thấy. Và giờ thì cái cây ấy cũng đang nằm chỏng trơ giữa đường, là vật chứng rõ ràng nhất. Phú hộ Giận vuốt râu dựng ngược, hỏi lại: - Cậu cho rằng cái cây ấy đang nằm giữa đường thật à? Nghe phú hộ Giận hỏi như châm biếm thế, Khánh không nhịn được, đứng thẳng dậy lôi xềnh xệch ông ta từ gian khách ra cổng một phen, định ba mặt một lời. Không ngờ tới khi gã phú hộ Giận ra tới nơi thì mới phát hiện, cái cây đa kia tự lúc nào vẫn còn ở đấy. Không những vậy còn xanh tốt hơn cả ngày hôm qua. Mà trên cái cây ấy mới hãi hùng làm sao. Tự lúc nào trên thân đa đã mọc ra một cái mặt người, giống hệt bà Mão. Khánh mồ hôi chảy ướt đẫm cả sống lưng, gã lắp bắp hỏi: - Sao lại có thể như thế được, chuyện này thật là vô lý. Chính tay tôi đã đốn hạ nó vào đêm qua mà lại. Ông có thể hỏi lại lũ hầu, chính mắt tụi nó đã trông thấy việc ấy. Phú hộ Giận giả bộ hiếu kỳ hỏi: - Bọn hầu đều trông thấy cả à? Nếu vậy thì phiền cậu gọi chúng một tiếng để tôi xin phép hỏi qua bọn chúng một phen? Khánh hấp tấp đi gọi ba tên hầu đêm qua tới đối chất. Nhưng khi cả ba đứng trước mặt phú hộ Giận đều khăng khăng bẻ ngược sự thật một trăm tám mươi độ nói: - Dạ thưa ông, bọn con không nhìn thấy gì hết. Chắc là cậu Khánh ngủ mơ nên tưởng tượng nhầm thế thôi. - Dạ thưa, đêm qua con cũng không ra khỏi phòng, nên không biết chuyện gì. - Dạ thưa, cậu Khánh hồi chiều có dặn con không được làm phiền, nhưng đến nửa đêm cũng không thấy gọi. Phú hộ Giận nghe xong liền gật gù tỏ vẻ hài lòng, tới gần Khánh vỗ vai gã nói: - Vậy là cậu ngủ mơ mà vẫn cứ tưởng thật. Cậu không tin là có ma quỷ, nên tôi chỉ có thể giải thích như thế cho cậu dễ hiểu. Cũng cám ơn cậu đã chia sẻ về gia cảnh, quả thực mới đây tôi còn tính chuyện cho cậu và con gái tôi có dịp tìm hiểu. Nhưng chuyện đã tới nước này, thì chắc con Nhung không có đủ đức hạnh để làm vợ cậu rồi.. Khánh thở gấp thiếu điều tức đến hộc máu ra miệng. Cuối cùng gã cố nặn ra một nụ cười chối cãi nói: - Phải, tôi thực mưu toan không bằng kẻ cáo già như ông. Nhưng chắc ông phú hộ vẫn lầm, bởi vì bản giao ước đâu đã thực hiện xong. Phú hộ Giận hơi nheo mắt lại hỏi: - Cậu nói thế là có ý gì? Khánh đáp: - Ý gì à? Thì là trong bản giao ước không có thời gian cụ thể, khi nào thì tôi mới phải triệt hạ được cái cây đa. Phú hộ Giận gật gù: - Ra vậy, thôi được, vậy là tôi chẳng lấy được gì từ cậu. Cậu có thể lách luật như thế để trốn sự thua cuộc, không cho tôi chức nghị viên. Quả là một cách hay, đúng là người có học, có nhiều cách tính toán khác người. Tôi theo không kịp.. Khánh lắc đầu vòng vo: - Ồ không, có lẽ ông phú hộ đã hiểu lầm ý tôi. Tôi không phải là loại người hay thích nuốt lời như ông phú hộ Giận, mà là người có chữ tín. Tôi nói tôi sẽ rước cô Nhung về làm vợ.. làm lẽ.. thì tôi nhất định sẽ làm. Khánh vừa nói vừa nhấn mạnh hai chữ "làm lẽ" cốt để chọc giận phú hộ Giận. Nhưng phú hộ Giận không những không tức giận mà còn lập tức cười vang nói: - Được thôi, nhưng cậu phải nhanh nhanh lên đấy. Bởi qua lần này thì tôi đã rút ra được một bài học kinh nghiệm, và trong vụ cá cược lần sau với người khác. Sẽ không có chuyện tôi để những sơ hở như thế xuất hiện. Con Nhung sớm muộn cũng sẽ được gả, hoặc chăng là tôi đã lên làm nghị viên, thì bản giao ước ấy cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Nét mặt của Khánh chuyển sang âm trầm không nói gì, mà ngay hôm đó đã rời khỏi nhà ông phú hộ Giận không thấy quay lại. Phú hộ Giận cứ ngỡ rằng từ đó duyên phận với chàng rể hụt trường đại học Đông Dương này đến đây đã là hết. Và rằng những ý nghĩ của Khánh chỉ là nhất thời, vì bị thua cuộc nên nói vài câu cho sướng miệng để đỡ ngượng trước khi đi mà thôi. Nhưng không ngờ Khánh lại quay lại thật, không những vậy lần này khi gã quay về còn dẫn theo một gã người Tây, kèm theo một chiếc xe kéo lớn. Phú hộ Giận tiếp đón Khánh trong buổi chiều, thì đã được gã giới thiệu: - Đây là ngài Frédéric, quan tuần Tây của phủ công sứ. Lần này được tôi đích thân mời tới, đem xe kéo để triệt hạ cái cây đa kia. Phú hộ Giận nghiêm cẩn chào hỏi một lượt. Vị quan tuần Tây người Pháp cũng chỉ cúi chào hỏi một lượt. Phú hộ Giận nhân đấy gọi với xuống hối thúc người làm: - Mang thuốc nước lên đây mời quan Tây nhanh lên! Dưới nhà có tiếng phụ nữ đáp lại: - Dạ thưa, con lên ngay thưa ông. Tiếp theo bước vào giữa nhà, là một người phụ nữ trông khá trẻ trung, da hơi ngăm đen nhưng có nét xinh đẹp. Khánh cùng quan tuần Tây vừa mới thấy người phụ nữ này thì đã không nhịn được nuốt nước dãi trong miệng. Gã quay sang nhìn ông phú hộ hỏi: - Chẳng hay người này là ai mà lại mang trà nước thuốc lá lên mời chúng tôi thế? Ông phú hộ đáp: - Cũng không phải là nhờ phúc của cậu ư? Nửa tháng trước cậu chặt đầu bà Mão, giờ đất vẫn còn vương máu là bằng cớ kia. Con Nhung nó một thân một mình, mẹ nó mất sớm. Không có bàn tay đàn bà hầu hạ, thì chẳng lẽ lại để thằng hầu Lý nó hầu à? Khánh gật gù cười đáp: - Ra là vậy, vậy mà tôi còn cứ tưởng đó là một người em họ nào đó của cô Nhung kia. Phú hộ Giận vuốt râu chậm rãi đáp: - Nếu cậu Khánh đã ưng con hầu của tôi như thế, thì sao không rước nó về. Vậy thì vụ cá cược của tôi với cậu cũng coi như xong, và chẳng đòi thêm gì đâu. Khánh ôn tồn đáp: - Ông phú hộ hay thích nói đùa thật, đem con hầu đổi lấy tiểu thư. Xưa nay có ai lại làm chuyện lỗ vốn như thế chưa. Nói xong gã lại chỉ sang phía gã quan tuần Tây người Pháp tiếp lời: - Lần này tôi mời ngài Frédéric, cũng là để cho ông một lần sáng mắt ra. Ngài ấy có đem theo một chiếc xe máy kéo tới. Chỉ cần buộc dây vào cái cây đa kia, cho xe kéo chạy. Là nó có thể nhổ đến tận gốc rễ cái cây đa queo quắt ấy. Đến lúc ấy thì tất cả đều tận mắt chứng kiến. Ông đừng hòng chối cãi nữa. Ông phú hộ Giận tỏ vẻ hứng thú hỏi: - Vậy chứ bao giờ thì cậu tính làm chuyện ấy? Khánh đáp: - Ngay bây giờ chứ còn đợi khi nào? Xe cộ đã chuẩn bị sẵn sàng ngoài kia. Ngài Frédéric cũng chỉ rảnh sáng nay thôi. Người ta là quan lớn chứ đâu phải là dân thường như tôi với ông, mà lúc nào cũng làm cho được. Phú hộ Giận từng nghe nói người tây có máy móc kéo khỏe lắm. Cả tảng đá lớn mà vẫn lôi đi được, huống chi chỉ là một cái cây. Lần này ông ta tin ngay, nhưng nghĩ lại chuyện cái cây nhỡ đâu lại xuất hiện sau khi bị đổ thì tính sao. Dẫu gì cái cây này ma quái, mà chính miệng đám hầu bữa trước khi nói kín đáo cho ông ta cũng thừa nhận việc Khánh chặt được cái cây. Chẳng qua ông ta không tận mắt nhìn thấy nên không tin. Nhưng kỳ này nếu quả xuất hiện lại việc ấy thật. Thì phú hộ Giận không chỉ bốn vốn lỗ tám phần. Mà ngay cả việc tính đến bước đường quan lộ cũng không còn nữa. Suy cho cùng Thị Nhung có rơi vào tay của cậu Khánh Đại này hay không thì cũng là một việc tốt. Cậu Khánh Đại này có mối quan hệ rộng, nói đến nhan sắc của Thị Nhung, thì khéo chẳng mấy nữa mà vợ lẽ thành vợ chính. Người theo âu hóa lấy vợ ly dị như cơm bữa, thấy hợp thì tiến tới, thấy không hợp thì bỏ, nào có giữ thói quan niệm cổ hủ. Vậy nên phú hộ Giận từ lâu cũng đã nghĩ thông suốt. Sẵn dịp lần này nếu thực thua cuộc, thì chỉ là chuyển sang mưu khác. Hối Thị Nhung sau khi về làm vợ lẽ cậu Khánh Đại, thì phải ra sức mưu đồ. Để phú hộ Giận có thể sang vì con. Nghĩ xong hết mọi việc, phú hộ Giận gật gù đồng thuận cho đám người cậu Khánh đại mắc máy kéo cành đa. Ngay buổi sáng hôm ấy, trước cửa nhà ông phú hộ Giận. Có tiếng người huyên náo rất đông. Nhiều người trong tỉnh tới xem người ta mắc máy kéo đổ đa. Kể đến cũng lạ, cái cây đa này chỉ mọc chừng một năm là cùng, vậy mà bây giờ kích cỡ tính đến so bì với cây đa cổ thụ ở đầu làng. Thì chính cái cây đa cổ thụ kia cũng không to bằng. Cả thân cây đa bóng rộng mọc um tùm, lá đa có màu hơi đỏ vàng, tựa như mùa thu lá sắp rụng. Nhìn tới thời điểm này thì chẳng thấy cái lá nào xanh, mặc dù giờ đã đang mùa hè tháng tám. Chiếc dây thừng to bản được cột một cách chắc chắn vào móc xe. Và một đầu thì được buộc kỹ lưỡng vào thân cây. Sau lưng ông phú hộ Giận ngoài ba gã người hầu, thì còn có cô Thị Nhung và người hầu gái. Chẳng biết vì sao, mà từ lúc ông phú hộ Giận đồng ý cho cậu Khánh Đại kéo cái cây đa này, là trong lòng cứ cảm thấy bồn chồn không yên. Mà cô Nhung thì cũng vậy, ruột gan cô ta nóng như lửa đốt, cũng chẳng thể ngồi lại trong phòng được lâu. Buộc phải hối hầu gái đưa ra ngoài xem kéo cây cho khuây khỏa. Khi chiếc xe tải vừa nổ máy, cái cây đa nghiêng xiêu vẹo đến mấy lượt, nhưng vẫn kiên cường bám trụ lại mặt đất. Tựa như một người khổng lồ không chịu khuất nhục. Frédéric thấy vậy thì càng nhấn ga tợn đến mức lốp xe tải xoay tròn bốc khói trắng. Cậu Khánh Đại thì cũng tỏ vẻ sốt ruột, bàn tay cứ nắm chặt lại mong mọi sự thành công. Trong khi mọi chuyện đang đến hồi khẩn trương như thế, người có quyền có tiền trong tỉnh tụ tập xem sự lạ. Thì dường như đám nạn dân cũng không bỏ qua một việc lớn như vậy. Từ chân trời đằng xa xa, có vô số nạn dân đang đờ đẫn kéo về phía cái cây đa. Giống như quỷ đói đang lượn lờ chờ bắt mồi. Mà đột nhiên cái cây càng nghiêng mạnh, thì đám nạn dân lại càng tỏ có vẻ có sinh lực. Bọn họ có người đứng thẳng mắt sáng như sao, có người lẩm bẩm nói một điều gì đó như van lơn, như cầu xin, như thấy ánh sáng. Và không chỉ ông phú hộ, ngài tuần Tây Frédéric và cậu Khánh đại mong cái cây đổ để mưu toan của mình thành sự thực. Mà ở một góc nhìn nào đó, những người dân chết đói ở đây cũng mong chờ cái cây ấy sụp đổ, như một sự tái sinh mới, như một niềm hy vọng mới. Sau lưng cô Nhung giờ này, người hầu gái từ đầu đến cuối không nói câu nào. Bất ngờ tiến tới gần cô Nhung túm lấy tóc của cô ta và thì thầm vào tai cô ta: - Lũ bán nước cầu vinh, lũ cường hào bóc lột tui bay, lũ uống máu ăn xương của dân tộc. Giờ thì đến hồi đèn cạn lửa tắt của chúng mày. Thị Nhung hoảng hồn hét lên một tiếng thất thanh định quay đầu lại. Thì đã bị người hầu gái luồn sâu con dao qua kẽ tóc của cô ta và lột mất bộ tóc của cô ta. Cùng lúc đó thì cái cây đa máu đổ sập xuống, kéo theo cả bộ rễ vĩ đại ăn sâu vào trong lòng đất. Những cái rễ lớn nhất đã được nhổ bỏ, chỉ còn lại những cái rễ cây nhỏ nhoi vẫn bám vào đất. Chẳng mấy nữa mà chúng rời thân cây lớn, cũng sẽ tự động phải chết khô. Tiếng cây đổ át đi tiếng Thị Nhung kêu gào hoảng loạn, và cũng đủ để che đi sự chú ý của ngài Frédéric, cậu Khánh đại và ông phú hộ Giận. Thị Nhung đang bị chính người hầu gái của mình lột da. Khuôn mặt xinh đẹp bê bết máu, hốc mắt bị móc loạn ra, đầu bị chặt đứt. Và hậu quả thảm khốc của cô ta cũng phải trả giá giống hệt như những gì mà cha cô ta, phú hộ Giận đã đối xử với nạn dân trước đây. Tới khi ông phú hộ Giận và cậu Khánh Đại quay đầu lại nhìn ra được tình cảnh thảm khốc ấy. Thì cũng là lúc tứ phía có tiếng hô hào kịch liệt của nạn dân: - Đói khổ vì địa chủ cường hào, vùng lên hỡi đồng bào! Tiếng nạn dân ồ ạt hò reo, tiếng súng vang rộn. Mấy tên lính tây chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị nạn dân tràn qua túm cổ giết chết. Ngài tuần tây Frédéric còn đang lui cui trong xe tải chưa kịp biết chuyện gì xảy ra thì đã bị một nhát súng bắn xuyên qua giữa sọ, chết bất đắc kỳ tử. Phú hộ Giận và cậu Khánh đại giờ này mới hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ kịp nhìn nhau nói một câu: - Phản rồi, phản rồi! Phú hộ Giận quay sang nhìn hầu Lý và hai lão hầu già quát tháo nói: - Mau ra đằng sau lấy xe ngựa cho ông nhanh lên, ông phải trốn sang làng Tam Đào một chuyến, dân xứ này phản rồi. Nhưng đáp lại lời của phú hộ Giận, lại là một câu nói lạnh lùng của hầu Lý: - Cách mạng nói, cường hào địa chủ bóc lột của dân, lũ bán nước cầu vinh làm quan sai vặt cho bọn công sứ phải bị trừng trị. Phú hộ Giận quát nạt lớn: - Hỗn xược, mày nói linh tinh cái gì vậy? Đừng có lằng nhằng lôi thôi nữa, còn vớ vẩn là tao cắt lương, cho chúng mày đói rã họng.. Nhưng chưa để phú hộ Giận nói xong, hầu Lý đê giơ thẳng cây gậy gỗ trong tay trỏ thẳng vào mặt phú hộ Giận quát: - Mày cho nó giết bà Mão có còn nhớ đến tụi tao không? Theo mày thì sau này chết cũng không ai chôn.. Hầu Lý cùng hai lão hầu già xông thẳng tới băm bổ cây gậy gỗ, nện thẳng vào đầu phú hộ Giận, hệt như lúc trước đây lão ta sai khiến bọn họ phải đập chết nạn dân như thế nào thì nay cũng vậy. Bọn hầu Lý làm rất thuần thục nên chẳng mấy chốc mà đầu phú hộ Giận đã bị đập cho nát bét, óc bắn tung tóe. Có con chó đói đi qua thì lập tức xông vào liếm sạch sẽ hết lớp óc nhão từ đầu phú hộ Giận, triệt để uống máu ăn thịt một kẻ có dã tâm cầm thú, đến chó cũng không bằng. Chỉ còn cậu Khánh đại giờ này trơ mắt đứng nhìn quang cảnh hỗn loạn xung quanh. Nạn dân nổi lên tứ phía tìm người giàu có để trút giận. Nhìn lại Thị Nhung, thì giờ này đã chỉ còn là một thân người toàn máu, bị cô hầu gái lột hết da, hở toàn bộ bó cơ thịt ra ngoài, trông hết sức tởm lợm. Thị Nhung bò tới trước mặt cậu Khánh đại, túm lấy chân cậu ta và thều thào với giọng khe khé vì cổ họng đã ngập máu: - Cậu Khánh đại, cứu em.. Em làm vợ lẽ của cậu cũng được.. cứu em.. Khánh hoảng sợ kêu lên, một đạp thẳng đầu Thị Nhung nói: - Không cô cút đi.. cút đi.. cô không xứng.. Rồi gã như điên loạn, quang cảnh xung quanh gã ngỡ như địa ngục. Mới hôm qua còn là cuộc sống sung túc dư dật, mà hôm nay đã là thảm cảnh. Gã quay đầu nhìn lại thì chỉ thấy, cái cây đa máu mà gã đốn hạ, nào đâu phải là cây. Mà nó đang từ từ hóa thành những khúc xương người. Từ cành lá ngọn rễ hóa ra đều là từ xương người mà tạo thành. Ngay cả cái hốc đất do bộ rễ nhổ lên tạo thành. Lúc này, cũng tràn ngập một vũng máu tươi. Từ xa xa, bỗng một người đàn bà dáng vẻ khô quắp, da bọc xương xuất hiện tiến tới gần hốc đất. Dưới đó lúc này đang có một tiếng khóc trẻ con vang ré lên, kêu khàn khàn như đói khát. Khánh chỉ vừa kịp nhìn xong cảnh ấy thì bất ngờ lại bị một tiếng thét khác phía sau lưng dọa cho giật nảy mình. Là hầu Lý, là tiếng thét của hầu Lý. Gã cũng hét lên thất thanh vì kinh sợ. Và ngay sau đó gã cũng đã tự đập cây gậy gỗ vào đầu khiến cho sọ óc của gã bắn đi tung tóe. Gã chết theo cách như bao kẻ mà gã đã giết, bị chính cây gậy gỗ mấu đập chết. Hắn chết là bởi vì biết được rằng, người đàn bà kia không ngờ chính là người bạn thuở hàn vi, mà trước đây chính gã đã nhân tâm giết hại. Người đàn bà ấy đã chết rồi, vì sao còn xuất hiện lại? Có thể khi người đàn bà ra ý nhìn xuống bụng cô ta, là có lý do. Nếu ngày ấy hầu Lý có quyết định làm khác, liệu có khi nào sẽ không có chuyện như bây giờ xảy ra. Một lần cứu đói, ngàn lần cứu đói. Nếu chỉ một lần nảy lên lương thiện, liệu có thể khiến cho số phận con người ta khác đi không? Nếu cả xã hội này, đều biết nghĩ như thế, thì còn cảnh uống máu ăn xương của chính dân tộc mình hay không? Không ai biết. Chỉ thấy người đàn bà, bế đứa trẻ lên khỏi cái hốc đáy, thì đứa trẻ đã lớn cỡ một đứa trẻ sáu tuổi. Người đàn bà nhìn chằm chằm đứa bé và hỏi: - Con đói chứ? Mẹ con mình lại đi xin ăn ở xứ khác nhé? Mẹ còn một người bạn khác chú Lý.. Khánh chôn chân tại chỗ, hiểu ra tất cả, và cũng là lúc gã không còn biết thêm nữa. Chỉ thấy đầu gã đau nhói, ý thức mơ màng, và biến mất hẳn. Hắn đã chết. Còn cây đa kia, chính là hình tượng tựa như thực dân hút máu ăn xương. Đa bị quật ngã, như cả chế độ cường quyền hút máu phải bị sụp đổ. Người đàn bà là hơi thở của thời đại. Thời đại luôn xuất hiện theo cách riêng của chúng, thông báo cho chúng ta biết trước được kết quả từ chính những lựa chọn mà chúng ta đã làm. Sự lựa chọn của số phận, tồi hay tốt đẹp, đều do ta..