Tản Văn Cây Đa Cổ Thụ - Linh Châu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi janhjnchu, 12 Tháng mười 2021.

  1. janhjnchu

    Bài viết:
    2
    Tác phẩm: Cây đa cổ thụ

    Tác giả: Linh Châu

    Thể loại: Tản văn

    " Làng tôi có cây đa /Bên mương nước giữa đồng /Long lanh dòng nước bạc/Biển lúa vàng mênh mông". Ngày còn bé, đây là bài thơ mà tôi hay nghêu ngao đọc mỗi khi nhảy chân sáo trên đường đi học về. Với nhiều người, nhắc đến làng là nhớ đến bến nước, sân đình hay lũy tre xanh. Còn trong ký ức tuổi thơ tôi, mỗi lần nghĩ về quê hương thì hình ảnh cây đa lại hiện lên trong tâm trí như một nhân chứng sống của thời gian, lặng lẽ chứng kiến sự đổi thay của đất và người.

    Gốc cây đa cổ thụ này là một phần thân thuộc với làng tôi cùng những chiếc rễ bám chắc sâu vào lòng đất, tán lá xòe rộng, mát rượi. Thân đa lồi lõm, khắc trên mình bao vết sẹo chìm nổi theo thời gian. Theo lời ông nội tôi kể lại, ngày xưa, thân đa trước đây chính là nơi để gắn những tờ cáo thị hay hiệu triệu để người dân trong làng cùng đọc. Cây đa là chứng nhân bao cảnh đổi thay thăng trầm của lịch sử, của quê hương, đã chứng kiến những buổi hẹn hò, những giọt nước mắt chia ly, những cái nắm tay chứa chan sự lưu luyến, những ánh mắt tha thiết trao nhau của gái trai làng trong những buổi giao quân. Vì cây đa này có tuổi thọ đã cao nên được dân làng gọi là "cụ đa". Trải qua biết bao phong ba bão táp, cụ đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời, như thể muốn ôm lấy cả một góc quê.

    Trẻ con ở quê tôi không ai không biết làm trâu lá đa. Chỉ với một chiếc lá, chúng tôi có thể làm được một con nghé ọ bé xinh ngộ nghĩnh. Rất đơn giản, chỉ cần lấy kéo, khéo léo cắt hình sừng trâu theo đường gân lá vào đến sống lá để làm đầu nghé, cuốn lá lại, lấy dây buộc cố định để làm thân rồi buộc dây vào đầu cuống lá, sau đó luồn sợi dây ấy vào trong thân vừa cuốn. Thế là đã có ngay một chú trâu nhỏ xinh. Bí quyết quan trọng nhất để có một chú trâu chuẩn mang đi thi đấu là phải tìm cho được chiếc lá nào to nhất, đẹp nhất, có màu xanh mướt hoặc vàng óng. Hai con khi chọi với nhau mà không bị gãy đầu trước thì mới là chiến thắng. Để phần thi thêm phần sinh động, lũ trẻ chúng tôi vừa chọi vừa kéo hai cái sừng dài cong vút cho nó chuyển động và miệng không ngừng kêu nghé ọ, nghé ọ một cách khoan khoái. Khi trận quyết đấu đã kết thúc, những đứa trẻ mặt mũi lấm lem đất cát lại nắm tay, cùng nhảy vòng quanh, đuổi nhau chí chóe và hát vang, rộn ràng cả một góc làng: "Lá đa rụng/trên bờ ao/ em biến chúng/ thành đàn trâu. A.. a.. a. Trâu lá đa/ bé tí tẹo/ cuống sỏ sẹo/ sợi rơm mùa. A.. a.. a. Que bắc vai, trâu đủng đỉnh/ đầu đung đưa/ hai tai vểnh. Vắt.. Vắt.. Vắt". Cứ như vậy, con trâu lá đa bé tí ti đã gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê chúng tôi cùng những kỷ niệm đẹp như thế.

    [​IMG]

    Ngoài làm trâu lá đa để chơi, bọn con gái chúng tôi còn gom những chiếc lá rụng đổi thành "tiền" để chơi trò bán hàng, còn lũ bạn trai lại thích đua nhau leo lên các cành cây để chơi trò "du kích". Trẻ con chúng tôi cười khúc khích, "cụ đa" cũng nhảy múa reo ca. Khi mệt rồi thì lại nằm tựa gốc đa, nhìn lên ngắm những chấm sáng mây trời lung linh qua các kẽ lá. Những làn gió mát thi thoảng lùa qua khiến chúng tôi chưa bao giờ thấy mệt.

    Người dân làng tôi vẫn luôn quan niệm rằng cây đa cổ thụ này biểu trưng cho sự trường tồn, sức dẻo dai và dũng mãnh để bảo vệ dân làng khỏi giông tố, mang lại sự bình yên. Mang trong mình khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nên dù ở nơi nào cây đa cũng sống được. Chỉ cần một hạt đa rơi xuống đất gặp điều kiện thuận lợi thì sẽ bật chồi nảy thành cây con. Vậy nên hồi bé, mỗi khi đi chợ về, ngồi nghỉ mát dưới gốc đa, mẹ tôi vừa phe phẩy cái quạt nan vừa thủ thỉ dặn dò tôi sau này khi đã là một thiếu nữ, đủ lông đủ cánh để bay xa thì phải luôn kiên cường, mạnh mẽ để chiến đấu mọi sóng gió trong cuộc đời, như cây đa cổ thụ của làng. Chỉ tiếc, lúc ấy còn quá bé chưa thể hiểu hết được tất cả những gì mẹ nói..

    Trong ký ức của tôi, cây đa già quanh năm bốn mùa vẫn đứng sừng sững ở một góc làng, là địa điểm lý tưởng cho lũ chim đến líu lo trên tán lá rộng và cũng trở thành chỗ trú chân nghỉ mát cho người đi đường trong những ngày nắng gắt đến bỏng cháy hay gặp một cơn mưa bất chợt. Như một thói quen, sau mỗi buổi lao động vất vả, người dân quê tôi lại dành một khoảng thời gian dừng lại dưới bóng cây đa để nghỉ ngơi, trò chuyện, cùng nhau nâng bát nước chè thơm ngon đậm đà lên nhấp từng ngụm nhỏ, tận hưởng chút hương vị mộc mạc, dân dã của làng quê, cảm giác thời gian như dừng lại, bao lo toan vất vả chợt tan biến theo mây khói. Quanh gốc đa làng, bao câu chuyện xóm giềng chuyền nhau rôm rả, tiếng cười giòn tan cả một góc trời.

    Giờ đây khi đã lớn, tôi chợt nhận ra, những hình ảnh và ký ức về cụ đa đã lặng thầm đan thành chiếc nôi ký ức thật bình yên, để lòng tôi nương náu tìm lại hơi ấm thân thương giữa một ngày của đời thường bận rộn.

    Linh Châu
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...