Truyện Ngắn Câu Hát Vương Trên Núi - Hà Nguyn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hà Nguyn, 15 Tháng tám 2024.

  1. Hà Nguyn

    Bài viết:
    12
    Tên truyện: Câu hát vương trên núi.

    Thể loại: Truyện ngắn, ma quái.

    Tác giả: Hà Nguyn.​

    [​IMG]

    ***​

    Gia đình Uyên mới chuyển đến sống ở một bản làng người dân tộc tại Hà Giang, vừa hay đúng dịp mùa hè, Uyên sẽ có thời gian làm quen với cuộc sống mới.

    Bản nằm trên núi cao, muốn đến trường học thì phải vượt đường đồi khó đi. Người bạn đầu tiên mà Uyên gặp là Khán, một cậu nhóc bằng tuổi ở gần nhà.

    Khán là con thứ trong gia đình, chị cả đã đi lấy chồng xa, sau Khán còn hai đứa em, một trai một gái. Nhà Khán nghèo, đó là điều đầu tiên Uyên thấy ở gia đình cậu, nghèo đến mức chị cả của Khán chỉ học được hết lớp tám là bỏ học, lên tuổi mười bảy thì lấy chồng. Khán được đi học hết lớp bốn rồi nghỉ, bố mẹ chỉ muốn thằng con mình biết được mặt chữ với con số là thôi, vì nhà cần có người lên nương, chăn lợn, mà hai đứa em Khán thì bé quá.

    Uyên quen Khán trong một lần cậu ta cùng mẹ sang nhà chơi, từ đó cũng tạm coi là có bạn.

    Khán người gầy, tay toàn vết chai sạn, da đen và khá khỏe. Do cậu ta phải làm việc nhiều, từ sáng đến trưa rồi từ chiều đến tối, hai đứa em tự ở nhà trông nhau. Bố Khán làm công việc gì đấy dưới xuôi, cuối tuần mới về, mẹ Khán cũng đi làm đến tối, đa phần mấy việc nương rẫy, chăn dê chăn lợn toàn Khán làm, nó trông con con vậy mà lo được lắm việc.

    Uyên hầu như ngày nào cũng lẽo đẽo theo sau Khán lên nương, vào rừng, ra suối. Khán ban đầu còn đùa: "Mày vụng thế này, theo tao lên nương, vào rừng dăm bữa là chán ngay."

    Nghe thế Uyên càng đòi đi theo, nó nghe kiểu gì mà ra thằng Khán chê nó không được việc. Mà vài hôm đầu nhọc thật, lên nương thì nắng, vào rừng thì bị côn trùng đốt, vắt bu đầy chân, thế mà Uyên vẫn lì. Nó không thấy cực mà ngược lại, những trải nghiệm mới mẻ này đem đến cho nó cảm giác thích thú. Cứ đều đặn mỗi ngày Khán đi đâu là Uyên theo đó, thi thoảng vui vui Uyên lại hát vài câu nghe chơi, rừng núi vang vọng lại biết bao câu hát của nó.

    Khán kể với Uyên nhiều chuyện, cậu còn giới thiệu rằng trong bản có một ông thầy biết luyện bùa, trị ngải, đuổi ma trừ tà, cũng là người có tiếng nói nhất bản. Uyên chỉ biết Khán hay gọi người đó là thầy mo Biên, năm nay tuổi ngoài sáu mươi, còn nhà ông ở đâu, trông như nào thì Uyên không biết.

    Thực ra nhà Uyên không nằm trong bản mà ở rìa ngoài nên những việc bên trong đó Uyên không biết nhiều, nó cũng không muốn biết. Trong tâm trí nó thì người dân tộc khá lạnh lùng nếu chưa muốn nói là khó gần, ngoài nhà Khán ra thì nó chẳng biết nhà nào khác.

    Thầy mo Biên nghe nói rất ít ra ngoài, thường thì có việc người ta mới đến tìm, mấy chuyện về tâm linh người trong bản đều tin tưởng thầy tuyệt đối.

    "Cái bùa tao đem sang cho nhà mày hôm kia cũng là của thầy mo Biên tặng đấy." Khán nói trong khi bẻ mấy bắp ngô.

    Uyên nhớ cách đây hai hôm, Khán có đem một lá bùa màu vàng sang cho nhà nó, nói là bùa giữ nhà, tránh tà ma do mo bản tặng. Bố mẹ Uyên cảm ơn rối rít, tuy không phải người quá tin vào tâm linh nhưng bố mẹ nó vẫn biết có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Thế là ngay chiều đó mẹ Uyên đem chút bánh với khoai sang nhà mo Biên cảm ơn, mo Biên chỉ nhận khoai chứ bánh ông xin trả lại vì không ăn.

    Cuộc sống ở đây không quá chán như Uyên thường nghĩ, ngày ngày nó theo Khán vào rừng rồi ra suối, vào năm học thì sang sông đi học. Khán là người đưa đón Uyên qua sông, ngày nghỉ Uyên sẽ đem sách vở ra dạy Khán học. Thoáng cái cũng gần hai năm trôi qua.

    Hôm nay Uyên có hẹn với Khán ra suối.

    Nước suối trong và mát, Uyên thích nhất là nghịch nước ở đây. Khán biết nên thi thoảng dù không có việc gì vẫn dẫn Uyên ra chơi với lý do là giặt đồ.

    Uyên dõi theo đàn cá con bơi dưới suối, nó bỗng thấy mấy con cá trông đẹp lạ, muốn bắt lên xem thử là cá gì. Thế là Uyên rón rén, nhẹ nhàng đặt chân xuống dòng nước mát lạnh, nó không biết bắt cá thế nào nhưng có thứ gì đó cứ thôi thúc nó xuống nước. Mấy con cá thấy động liền bơi đi, Uyên không bỏ cuộc, nó cố đi nhẹ nhàng nhất có thể rồi tiến thêm vài bước, dòng nước mát chảy qua chân khiến nó thích thú. Giá mà cứ ở dưới suối mãi, Uyên chợt nảy ra cái suy nghĩ lạ lùng ấy.

    Nó men theo mấy con cá một lúc mà vẫn chưa bắt được con nào, cũng không nhận ra bản thân đã ra đến giữa suối, dù đoạn suối này không sâu nhưng mực nước vẫn cao đến hông Uyên. Trong lúc mải mê với mấy con cá thì chợt nó giật mình vì có thứ gì đó nắm lấy cổ chân rồi kéo mạnh nó xuống.

    Uyên vùng vẫy trong nước, cả hai chân đều bị nắm chặt, thứ kia càng cố gắng dìm nó xuống thì Uyên càng cố vẫy vùng hai tay, nó có cảm giác bị một thứ mềm mềm, trơn trơn như tóc người quấn vào chân, người nó cứ thế chìm dần.

    Hôm ấy may mà có Khán lao xuống cứu kịp, hai đứa vùng vẫy vài phút rồi kéo được nhau vào bờ. Uyên ho sặc sụa, tay chân mất sức, bụng no căng nước và đầu thì choáng váng.

    Hôm đấy Uyên bị mẹ mắng một trận, nó cố gắng giải thích cho mẹ nhưng mẹ nhất định không nghe. Uyên ấm ức không thèm ăn cơm tối, cứ thế leo lên giường đi ngủ.

    Nhưng Uyên không ngủ được, cái cảm giác bị kéo chân ở suối vẫn ám ảnh khiến nó trằn trọc mãi, càng nghĩ nó càng lo lắng và bất an, thậm chí còn sợ hơn cả khi đối mặt với cái chết.

    Đêm đó, trong cơn mê man Uyên chợt thấy dưới chân giường có một bóng người đang chăm chú nhìn nó, cái bóng này thấp, nhìn được ra hình người, nhưng tối quá nó không biết là ai.

    Uyên thấy người mình nặng như bị đá đè, nóng ran, tay chân mất sức và hơi thở nặng nhọc, dù bây giờ đầu nó có ù ù như tiếng cối xay thì nó vẫn đủ tỉnh táo để biết cái bóng thấp thấp kia không phải ảo giác. Thứ đó chậm rãi tiến về phía Uyên, đưa tay sờ xuống chân nó, bàn tay lạnh toát, chạm đến đâu Uyên nổi da gà đến đấy, mồ hôi vã ra như tắm.

    Cái bóng men theo chân, chạm đến bụng Uyên thì dừng lại, gương mặt nó cúi xuống, áp sát gương mặt Uyên. Hơi thở của cái bóng lạnh ngắt, Uyên sợ đến nhũn cả người, tim nó đập mạnh như muốn văng khỏi lồng ngực, rồi bất ngờ Uyên nhìn rõ được gương mặt của cái bóng, một gương mặt dữ tợn, đôi mắt mở trừng trừng, có răng nhọn và hai bên gò má có thứ gì đó như vảy cá.

    Thế rồi Uyên ngất lịm, không còn biết gì nữa. Hôm sau nó ốm, nằm mê man suốt cả ngày, người nóng ran. Khán đến nhà tìm thì thấy bố Uyên đang định cõng con đi tìm thầy mo trong làng, không phải là nhờ ông ta trừ tà mà do nghe nói ông ta giỏi bốc thuốc chữa bệnh.

    Thầy mo Biên vừa nhìn thấy Uyên đã lập tức thay đổi sắc mặt, ông giục đưa nó vào nhà rồi bày ra bao nhiêu thuốc và đồ nghề gì đó rất lạ mắt.

    "Con bé này bị nàng Thơ ám rồi, phải nhanh nhanh không là nó bị bắt mất hồn." Mo Biên nghiêm trọng nói.

    Bố mẹ Uyên vừa hoang mang vừa lo sợ, họ đưa mắt nhìn nhau mà không biết nên tin hay không, hơn hết nàng Thơ là ai?

    Mo Biên vừa lấy mấy quả trứng gà huơ qua huơ lại trên người Uyên vừa kể lại. Từ rất lâu rồi, bản này có một người con gái tên Thơ, vừa xinh đẹp vừa chăm chỉ, tháo vát. Thơ đem lòng yêu một người con trai trong bản nhưng người đó không yêu nàng, chàng ta còn có ý định bỏ bản xuống dưới xuôi làm ăn. Thơ không muốn, nàng định dùng bùa ngải để giữ chân chàng ở lại nhưng chưa kịp làm gì thì chàng trai đã âm thầm rời đi trong đêm mà không nói cho ai biết.

    Thơ biết chuyện, nàng đau khổ khóc suốt ngày, rồi nàng được một người trong bản để ý, người đó ngỏ lời với Thơ mấy lần nhưng nàng không chịu, kết quả là anh ta dùng bùa yêu để cho Thơ nguyện ý bên mình, hai người lên duyên vợ chồng.

    Loại bùa yêu người đàn ông đó dùng là loại dễ giải nhưng lại khó phát hiện, mãi đến khi Thơ có bầu được hai tháng người nhà mới bằng cách nào đó mà nhận ra. Thời điểm ấy vị thầy mo trong bản mới qua đời, gia đình Thơ phải âm thầm đưa con gái đi tìm một thầy khác để giải ngải. Xong việc Thơ nhớ ra mọi chuyện, uất hận vì việc kẻ kia gây ra cho mình, nàng quay về giết chết anh ta rồi tự vẫn bằng cách treo cổ trên một cái cây to cạnh con suối.

    Sợi dây treo Thơ đã cũ nên nó đứt ra sau khi Thơ chết, xác nàng rơi xuống suối, biến mất không thấy đâu, vĩnh viễn không tìm được. Người ta nói nàng Thơ đã hóa thành cá, cũng có kẻ kêu xác nàng ta bị cá trong suối rỉa sạch.

    Từ dạo đó, người trong bản thường đồn lên những câu chuyện kỳ bí về nàng Thơ. Những ai ra suối mà vô tình bị nàng Thơ nhắm phải thì chắc chắn không cứu được, chỉ sau vài tháng là bệnh mà chết, hồn phách mãi mãi ở lại với núi rừng, không thể đầu thai, không có ngoại lệ.

    Người ta bảo do nàng Thơ chết tức tưởi, lại chết khi còn trẻ, một xác hai mạng nên nàng ta hóa quỷ rồi, không thầy bùa nào trị được. Mà không phải ai nàng Thơ cũng bắt, có khi mấy năm mới quay về bắt người một lần, thế nên không thể xác định được những con mồi mà nàng ta thích là những người như thế nào để tránh.

    Mo Biên đập quả trứng ra bát, cả lòng trắng và đỏ đều đã hóa thành màu đen. Điều đó khiến bố mẹ Uyên chết khiếp, lại thêm câu chuyện mà mo Biên vừa kể càng làm họ lo lắng và sợ hãi hơn.

    "Có cách nào cứu được con của con không thưa ông? Con xin ông!" Mẹ Uyên quỳ thụp xuống, khóc nức nở. Khi đó Uyên vẫn trong cơn mê sảng, người nóng ran. Bố Uyên tuy còn nửa tin nửa ngờ với câu chuyện mo Biên kể nhưng vẫn sẵn sàng quỳ xuống cầu xin mo cứu con gái.

    Mo Biên thở dài não nề, nếu muốn cứu Uyên, ông phải làm phép trước rồi bố mẹ dẫn nó trở về dưới xuôi, khi đó tạm thời nàng Thơ không làm hại nó được. Nhưng đó chỉ là cách tạm thời, bố mẹ Uyên nên tìm một thầy cao tay khác về xem thế nào, may ra cứu được, còn không thì Uyên cũng chỉ sống thêm được vài năm.

    Hai vợ chồng nhìn nhau không nói lời nào. Trong mấy ngày tiếp, Uyên liên tục lên cơn sốt, mê sảng, mấy lần bố Uyên bế con xuống trạm xá nhưng chỉ đỡ được một ít. Uyên liên tục mộng du, đi ra suối vào ban đêm và đã chết hụt đến bốn lần, lần nào cũng là Khán cứu kịp.

    Có hôm bố Uyên định đưa con đến bệnh viện thì lúc đó Uyên bật dậy, lao vụt ra ngoài suối, nhưng nó không lao xuống dòng nước mát mà lại trèo lên cây. Người nó bé mà trèo cây như khỉ, thoắt cái lên tận ngọn, mà từ độ cao này nhảy xuống không chết thì cũng tàn tật. Mo Biên bảo nàng Thơ đang giữ chân Uyên lại, không cho rời khỏi bản, mà có xuống được viện tỉnh thì cũng chẳng chữa được. Cuối cùng vẫn là mo Biên giúp đưa Uyên từ trên cây xuống, bố mẹ quyết định để ông làm phép rồi đưa nó trở về quê cũ, vĩnh viễn không đặt chân lên bản một lần nào nữa.

    Về dưới xuôi cũng chỉ là cách tạm bợ, Uyên vẫn hay mộng du, gặp ác mộng và lên cơn sốt, có đưa đi viện thì chỉ đỡ bệnh chứ mộng du, ác mộng vẫn không hết. Thi thoảng Uyên lại hét lên rồi chỉ vào góc phòng, bảo có một người con gái nửa người nửa cá muốn bắt nó đi. Trong nhà đâu đâu cũng dán bùa do thầy mo Biên đưa, bố mẹ Uyên chạy ngược chạy xuôi để tìm thầy, mà phải là thầy người dân tộc, bởi nàng Thơ không phải người Kinh, muốn giải quyết phải tìm thầy người dân tộc.

    Trước khi rời bản, Khán đã tặng Uyên một chiếc vòng tay bằng hạt cườm. Cậu thấy rất hối hận khi hôm đó đã dẫn Uyên ra suối, bản thân Khán cũng không biết đến câu chuyện về nàng Thơ vì không có ai kể cho, thế nên trông mặt Khán lúc nào cũng ủ rũ, buồn bã.

    "Mày ráng khỏi bệnh, sau này tao xuống dưới xuôi tìm mày, chờ tao nghe." Khán nói nhỏ, miệng cố cười nhưng trông như mếu.

    Uyên chỉ biết gật đầu, nó cũng muốn nói với Khán mấy câu nhưng nó mệt, đến thở cũng nặng nhọc và mi mắt cứ díu lại.

    Nhưng Khán không bao giờ đi tìm Uyên, cậu lấy vợ khi lên mười bảy, cô vợ bằng tuổi và ở cùng bản. Khán ban đầu không chịu, cậu nói sẽ rời bản đi làm kiếm tiền về cho bố mẹ nhưng bị gạt phăng đi, nhà vợ Khán giàu, nếu Khán chịu lấy chắc chắn sẽ không cần lo cái ăn cái mặc. Hơn nữa người con gái ấy cũng thích Khán, xinh gái mà tính lại dịu dàng, ai cũng ưng mà chỉ Khán là không.

    Bố kể với Uyên thế, vì đều đặn hàng tháng ông vẫn lên bản tìm và nói chuyện với mo Biên, nói chuyện với Khán, những việc trong bản ông biết rõ.

    "Thằng Khán mấy lần muốn trốn khỏi bản mà lại thôi, nó thương hai đứa em, thương bố mẹ nó vất vả." Bố Uyên thường vừa uống rượu vừa ngồi trước mộ con gái nói như thế. Uyên mất được gần ba năm, không ông thầy nào chữa khỏi cho nó.

    Uyên qua đời khoảng một tuần thì bố nó quay lại bản để thông báo cho mo Biên, ông còn trả lại cái vòng hạt cườm cho Khán rồi mới quay về. Sau này không có việc gì ông vẫn đến bản chơi, thi thoảng lại ra suối rồi thả xuống đấy khi thì dây buộc tóc, khi thì cái kẹp, toàn mấy thử nhỏ nhặt. Chắc ông tin rằng linh hồn của Uyên không ở dưới xuôi mà đã quay lại bản, quay lại dòng suối này, dù nơi đây chả phải nơi con gái ông được sinh ra và lớn lên.

    "Cháu từng xin bố cháu hỏi cưới Uyên bác ạ." Giọng Khán nặng nề sau lưng người bố.

    "Nhưng bố cháu bảo Uyên là gái Kinh, lại bị nàng Thơ để mắt đến, không lấy làm vợ được." Giọng Khán hơi khàn, thời điểm đó Uyên chưa qua đời, cậu vẫn một niềm tin rằng sẽ có người đến và chữa được cho Uyên. Nhưng bố Khán hiểu hơn con trai mình rằng không ai cứu được Uyên cả, vì thế ông nói vậy với Khán là để con dễ từ bỏ hơn, bằng không thì dù là gái Kinh hay gái gì đi nữa ông cũng chấp nhận Uyên làm con dâu mình.

    Chiếc vòng tay và kỷ niệm về Uyên vẫn theo Khán cho đến cuối đời, số mệnh đã chôn chân cậu trên miền núi lạnh lẽo. Nhưng thế cũng tốt, chỉ cần Khán đứng giữa núi rừng là tiếng hát lanh lảnh, trong trẻo của Uyên lại như vọng về, cậu bằng lòng ở lại nơi này cả đời để được nghe thấy giọng hát ấy. Có lẽ giống như bố Uyên, Khán cho rằng linh hồn người con gái ấy đã quay lại với núi rừng, dù chính núi rừng đã hại chết nó.

    Hết.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...