Cận Thủy Lâu Đài có nghĩa là gì? Cận Thủy Lâu Đài là một câu thành ngữ Trung Hoa còn được hiểu theo nghĩa là: Lâu Đài Gần Nước Cận thủy: Gần nước. Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt. Nghĩa của câu: Ý nghĩa của câu thành ngữ này là chỉ những lâu đài gần nước sẽ nhìn thấy ánh trăng trước tiên. Ví với việc có quan hệ gần gũi với một người, hoặc là có các mặt như chức vụ, hoàn cảnh thuận lợi thì sẽ sớm có được lợi ích hoặc thuận lợi. Câu này tương tự câu: Gần quan được ban lộc, vậy đó. Xuất xứ của Cận Thủy Lâu Đài? Phạm Trọng Yêm, tự là Hi Văn, là người Giang Tô, đỗ tiến sĩ năm 1015 CN, làm quan cao tới tham tri chính sự. Ông là nhà chính trị nổi tiếng, người chủ trì của "Khánh lịch tân chính", đồng thời cũng là nhà văn học nổi tiếng của Bắc Tống. Khi Phạm Trọng Yếm được hai tuổi thì cha bị bệnh rồi qua đời. Mẹ ông nghèo không đủ quần mặc, vì cuộc sống, bà đành phải tái giá làm vợ nhà họ Chu ở huyện Trường Sơn, Trị Châu, Sơn Đông khi Phạm Trọng Yêm còn phải quấn tã. Từ nhỏ, Phạm Trọng Yêm đã chăm chỉ đọc sách, nhà họ Chu là một nhà giàu có, nhưng để lập chí, ông thường xuyên đến một ngôi chùa gần đó ở nhờ để đọc sách. Tinh thần chịu thương chịu khó của ông đã để lại ấn tượng rất sâu sắc cho các nhà sư. Lúc đó cuộc sống của ông vô cùng khó khăn, nhưng ông không hề để ý, mà dùng toàn bộ tinh lực của mình tìm những niềm vui trong sách vở. Ông từng làm những chức quan lớn. Câu "Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ" được ông đề viết ở lầu Nhạc Dương khi còn làm quan - câu nói còn truyền đến muôn đời sau. Dù Phạm Trong Yêm làm quan lớn nhưng rất chính trực, khiêm tốn, ôn tồn, đặc biệt rất giỏi dùng người. Khi Phạm Trọng Yêm làm tri phủ ở Hàng Châu, tất cả văn võ bá quan trong thành đều được ông quan tâm, giúp đỡ, được đề bạt lên những chức vụ có thể phát huy tài năng của mình. Duy chỉ có một viên tuần tra tên là Tô Lân vì tuần sát ở những huyện bên ngoài Hàng Châu, không có cơ hội tiếp cận với Phạm Trọng Yêm, không được tiến cử đề bạt nên trong lòng bất mãn. Một lần, Tô Lân phải gặp Phạm Trọng Yêm vì công việc, nhân cơ hội đó viết một bài thơ dâng cho Phạm Trọng Yêm. Trong bài thơ có hai câu: "Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt Hướng dương hoa mộc dị vi xuân" Nghĩa là những căn lầu gần với nước thì có thể sẽ được nhìn thấy ánh trăng sớm nhất, cỏ cây hoa lá mọc ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời thì dễ sinh sôi và đơm hoa, mang đầy sắc xuân. Tô Lân dùng hai câu thơ này để thể hiện sự không hài lòng đối với Phạm Trọng Yêm, khéo léo chỉ ra rằng, những người gần bên ngài thì đều được lợi, còn những người ở xa ngài thì lại không được quan tâm. Phạm Trọng Yếm xem xong thì hiểu ra, bất giác cười lớn, tìm cho Tô Lân một chức vị theo như ý kiến và nguyện Vọng của Tô Lân.