CẢM XÚC CỦA "CON NHÀ NGƯỜI TA" NHƯ THẾ NÀO? Chắc hắn cụm từ "con nhà người ta" chẳng xa lạ gì đối với chúng ta. Ba mẹ luôn mang chúng ta đi so sánh với người khác bằng những câu cửa miệng quen thuộc: "Mày nhìn con nhà người ta xem, vừa học giỏi, thông minh lại giúp bố mẹ làm việc nhà. Còn mày thì.." Nghe xong câu nói ấy chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu. Thầm nguyền rủa và có khi sẽ ghét người kia vô cùng. Nhưng có ai biết được cảm xúc bên trong của họ như thế nào đâu? Bản thân tôi cũng là một người trong mắt người khác được coi là "con nhà người ta", vậy hôm nay tôi sẽ tâm sự với các bạn về cảm giác của mình. Được người khác khen quả thật rất vui sướng, còn bị chê thì ai chả thấy chán nản. Đối với nhiều gia đình, việc mang con cái ra so sánh là điều hết sức bình thường. Bố mẹ nào mà chả muốn con mình tốt hơn. Nhưng sao không chọn cách động viên con cố gắng lên mà lại chọn cách chê bai, so sánh. Và họ đâu biết rằng việc họ đang làm vô tình phá võ tình bạn của con mình. Hồi nhỏ, ngày nào tôi cũng ra quét sân. Mỗi khi thấy tôi, hàng xóm đều khen tôi ngoan, chăm chỉ, biết giúp đỡ bố mẹ. Họ còn hướng dẫn con mình làm như tôi. Nhưng ở một ngôi nhà đầu ngõ lại thì lại khác. Nó chỉ vang ra những từ ngữ so sánh: "Mày nhìn nó đi, nó chăm chỉ còn mày thì suốt ngày chơi", "Đấy, mày còn chẳng bằng một nửa của nó".. Tôi ngoảnh lại, ở đó có một đứa trẻ bằng tuổi tôi, thay vì nhìn tôi bằng đôi mắt ngưỡng mộ như người khác, nó lại nhìn tôi với vẻ tức tối, căm thù. Tôi làm xong và đi vào nhà. Đối với tôi đó chỉ là những kí ức thoáng vụt qua, không quan trọng. Nhưng với đứa trẻ kia thì nó vẫn như cái gai nhọn trong lòng. Dù tôi không làm gì nhưng nó vẫn ghét cay ghét đắng tôi, thậm chí còn nói xấu tôi. Lúc này, tôi mới hiểu rằng, cho dù chỉ là những lời nói bình thường nhưng lại hình thành nên sự căm thù, mâu thuẫn trong đứa trẻ này. Và hơn hết đó là lòng đố kị. Lớn lên, điểm số là quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi vẫn luôn cố gắng học hành để giành được điểm cao. Hôm đó, ngay sau khi trả bài kiểm tra, bạn tôi đã nói: "Nếu biết hôm nay trả bài, mẹ tớ sẽ hỏi điểm của cậu đầu tiên xong lại nói tớ không bằng một phần của cậu. Cậu có bí quyết học gì không, chỉ tớ với?" Bí quyết? Tôi chẳng có phương thức nào cả, chỉ cố gắng hết sức mà thôi. Có lẽ chẳng ai biết được áp lực của "con nhà người ta" như thế nào? Tôi luôn phải phấn đấu hết sức để giữ hình tượng của mình. Vì tôi biết, một khi sơ suất, tôi sẽ trở thành tâm điểm bàn tán của bàn dân thiên hạ. Lúc đó sẽ có những câu nói như này: "Mày không cố gắng học vào, rồi lại như bạn A, mới đầu thì giỏi lắm, lười ra một cái là ăn chứng ngỗng luôn", "Cứ tưởng con nhà người ta như thế nào. Ai dè..".. Và nếu tôi vẫn tiếp tục giữ ngôi "con nhà người ta" trong truyền thuyết thì tôi sẽ càng mất đi nhiều bạn bè vì lòng đố kị. Đây chỉ là những suy nghĩ của tôi nhưng phần nào có thể chia sẽ được cảm xúc của các bạn. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác đang trong hoàn cảnh không thể nói ra được. Dưới tầm nhìn của phụ huynh là những tấm gương mẫu mực nhưung dưới con mắt của người đố kị thì đó lại là những kẻ đáng ghét. Vậy tại sao bạn không cố gắng lên để không bị so sánh nữa? Tại sao các bậc phụ huynh không động viên con mình nhiều hơn là quát mắng? Và tại sao lại không ai hiểu được tâm trạng của "con nhà người ta"?
Mình cũng bị so sánh nhưng chỉ trong việc điểm thi thì cũng hơi bực mình. Mà mấy đứa bạn mình nó học tốt lắm nên điểm cao là bình thường. Phụ huynh thì hay so sánh thật nhưng vẫn chủ yếu là để con họ tốt hơn thôi. Thường thì không ai muốn bị so sánh cả nên căm ghét "con nhà người ta" là chuyện đương nhiên rồi. Thật ra không phải là không cố gắng để khỏi bị so sánh đâu, có cố gắng đấy chớ nhưng núi cao còn có núi cao hơn mà, ai mà giỏi toàn diện được và đâu phải ai cứ cố gắng là có thể không bị so sánh nữa đâu. Còn người mang danh "con nhà người ta" mình biết cũng không thoải mái gì, giống cảm giác được đưa lên tận trời mây rồi khi không tốt việc gì lại như rơi xuống vực thẳm với những việc mà mình vốn dĩ trước đó đã không thích rồi. Hì hì, khó chịu đấy nhưng thẳng ra là phụ huynh thì chỉ muốn con mình tốt hơn chớ nói rồi không để bụng bao nhiêu chỉ có người bị so sánh mang hai trạng thái, 1 là hâm mộ, 1 là đố kị. Còn việc bạn giữ hình tượng để không bị nói, bạn chắc giữ được chớ? Giữ được bao lâu? Rồi cũng có cái cớ để nói thôi, vậy bạn hãy thoải mái đi để đến khi có việc gì không như ý thì bạn giống như nói với họ rằng "đấy, thấy chưa, đâu phải" con nhà người ta "thì cái gì cũng giỏi đâu" mình tin chắc người bị so sánh cũng có cái nhìn khác. (không phải mình nói tiêu cực nhưng mình tin không ai hoàn hảo cả, bạn đừng hiểu lầm nhá) Dài dòng quá rồi, hihi. Cảm ơn đã bỏ chút thời gian.
Mình có con bạn luôn nhất khối, có một bữa kt một tiết nó 8 điểm, về nhà bà nó đánh, chửi nó quá chừng luôn: '(( Với lại thấy nó kiểm tra mà điểm chỉ hạng nhì hay hạng ba trong lớp thôi là eo ôi, thấy mấy đứa lâu lâu được nhất bơ nó ra mặt luôn á. Nghĩ mà thương dùm luôn: '<<
Mình cũng đã được người ta đem ra so sánh với con mình. Thực sự nói ra thì có vẻ thích nhưng mình lại không thích chút nào. Bản thân là một đứa khá ít nói với người lớn và những người không quá thân nên lúc gặp họ thường im lặng, họ cho thế là ngoan. Rồi họ lại so sánh mình với con họ rằng mình ngoan hơn nó. Mình học không giỏi, đơn giản là chỉ học tốt hơn một số bạn về duy nhất môn toán, các môn còn lại đôi khi còn kém hơn. Nhưng mình luôn được nói rằng học giỏi, chăm chỉ, điều này làm mình rất ngượng, những lúc này mình chỉ muốn nói qua cho xong chuyện bởi mình không giỏi, trên lớp ai cũng biết mình học rất bình thường, cũng không có gì nổi bật nhưng về đến nhà lại nghe mẹ nó nói mình giỏi hơn nó. Mình cũng không biết phải nói thế nào nữa, thật sự là không biết giấu mặt vào đâu. Giải thích cho họ thì họ bảo mình khiêm tốn. Trời ơi, muốn khoe lắm chứ, nhưng có được cái gì đâu mà khoe.
Mình thì không đi học nữa nhưng lại hay bị so sánh chuyện là "có thành công hay không?" và mình cũng rất ghét những đứa nào thậm chí là căm hận nó khi cái đứa đấy được lôi ra so sánh với mình. Nhưng mình hiểu nó chả làm gì mình cả, nó không có tội tình gì hết, biết đâu bên trong nó có nỗi khổ riêng. Vì thế mình chế ngự được cái cảm xúc tiêu cực đó nhưng mỗi khi cái lời so sánh kia vọng lại bằng cách này hay cách khác mình lại buồn, rồi nghĩ "tại sao tôi lại luôn là kẻ thất bại vậy? Tại sao ông trời luôn ghét tôi?". Nó đau lắm chứ! Không biết tới khi nào cái văn hóa so sánh của người Việt mình mới hết?
Hầu hết bố mẹ ở Việt Nam thường so bì con mình và con nhà người ta, điệp khúc này quá quen thuộc mỗi khi con cái k ngoan hoặc k đạt dc tiêu chuẩn của bố mẹ đề ra. Đối với mình việc bị so sánh này k hề dễ chịu. Nhưng sau này mình hiểu dc bản chất của việc so sánh này thì mình k cảm thấy khó chịu nữa. Việc bố mẹ đem con ra so sánh như vậy nó thể hiện một sự phòng chiếu những kỳ vọng của họ lên con của mình. Bất kỳ bố mẹ nào cũng muốn con mình tài giỏi và ngoan ngoãn để có thể tự hào, hãnh diện với mọi người xung quanh. Xuất phát từ tâm lý đó, họ thường đòi hỏi con mình nhiều thứ quá khả năng của con, k ai muốn bị đem ra so sánh nhất là khi năng lực và sở thích của mỗi người lại k giống nhau.
U là trời mình vô cùng đồng ý với quan điểm của chủ tus luôn. Mình thì lâu lâu cũng bị đem ra so sánh với thằng em trai. Vì sao hả? Phải nói là thằng em mình nó không chỉ học giỏi mà đặc biệt là quá chăm chỉ. Việc nhà cái gì cũng dành với mình. Từ rửa sân, quét nhà, dọn nhà, lau nhà, cho mấy bé pet ăn, lâu lâu cũng nấu cơm nữa (nhưng công nhận món cơm rang của ẻm rất ngon).. Vậy nên thằng em mình nó cũng trở thành "con nhà người ta" trong mắt hàng xóm và họ hàng. Còn mình thì bị gán cái mác "lười". Rõ ràng những lúc mình làm việc nhà lại chẳng ai thấy, tới lúc đang ngồi chơi bị nói lười (thở dài). Có đứa em chăm chỉ, giỏi việc nhà lại chiều chị cũng khổ. ^^ Chúc chủ tus buổi tối vui vẻ nhé!
Mình thì không bị so sánh với các bạn của mình, nhưng bị so sánh với anh chị em họ hàng của mình (đều bằng tuổi mình). Mình bị so sánh không phải là điểm số, mà là trong cuộc sống hằn ngày. Như anh họ mình có thể tự làm sữa chua, luôn giúp đỡ ba mẹ, hoặc em họ của mình mạnh dạn, tự tin và thông minh hơn mình trong cách giao tiếp, đối đãi với mọi người.. Ba mẹ mình không áp lực diểm số, mà họ so sánh mình trên những việc hằng ngày và ba mẹ luôn cho mình là con nhát cấy, không biết phụ giúp, yêu thương ba mẹ dù cho mỗi ngày đi học về mình nấu cơm, đón em, lau nhà, rửa chén, phơi đồ.. Mình không hiểu, chẳng lẽ mình làm những việc ấy ba mẹ không thấy sao? Còn các cô bác (phụ huynh của anh chị em họ mà mình nhắc ở trên) của mình luôn hỏi về điểm số, đương nhiên mình không giỏi toán và anh văn bằng anh họ, không giỏi sử bằng cô em, cũng không biết cách lấy lòng người khác. Tuy họ không có ý chê mình dốt, nhưng trên mặt đã thể hiện ra hết rồi. Trong mắt họ từ trước đến giờ mình luôn là đứa nhát gan, học cũng thường mà còn bảo thủ. Thật không biết làm sao, cũng may mình chỉ gặp họ dịp Tết thôi, thêm cả mình là người lạc quan nên không bị stress những vấn đề này..