Cảm nhận về nhân vật An Dương Vương - Văn học 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Elia Evoy, 31 Tháng tám 2021.

  1. Elia Evoy

    Bài viết:
    26
    Trong kho tàng văn học dân gian, những câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết đều là những giá trị lịch sử mà cha ông ta đã gửi gắm nuôi dưỡng văn học viết sau này. Trong số ấy không thể không kể đến truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy". Câu chuyện là một trong những truyền thuyết đặc sắc trong lịch sử văn học nước ta về chủ đề đấu tranh giữ nước trong đó nhân vật An Dương Vương đã để lại nhiều bài học sâu sắc trong việc dựng nước và giữ nước.

    Trước hết, An Dương Vương là một vị vua anh minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. An Dương Vương tiếp nối sự nghiệp của các vua Hùng đã dời đô từ nghĩa linh về Cổ Loa. Bởi địa hình núi ở Nghĩa linh hiểm trở thì chỉ có thể bảo vệ đất nước nhưng không thể phát triển đất nước giàu mạnh. Bởi vậy để hướng đến vừa bảo vệ và vừa phát triển đất nước thì việc dời đô về thành cổ loa là quyết định vô cùng sáng suốt.

    Dời đô là quốc sách, nhưng cũng có nghĩa là phơi lưng ra giữa đồng bằng thách thức đối phương. Quá trình dựng nước luôn đi liền với giữ nước cho nên ngay khi về Cổ Loa, An Dương Vương đã ngay lập tức cho người xây thành đắp lũy, sẵn sàng phòng thủ chống giặc ngoại xâm. Ông quyết định xây thành chín vòng thành nhưng việc xây thành không hề đơn giản, thành "hễ cứ đắp từ đâu lại lở tới đấy", "tốn nhiều công sức mà không thành". Thế nhưng, không một chút nản lòng ông vẫn tiếp tục cho xây dựng thành trì trên mảnh đất ấy. Phải nói rằng đây là một vị vua có chính kiến, có lòng kiên trì với công việc chung của đất nước, lo lắng cho an nguy đất nước.

    Không chỉ là người có lòng quyết tâm sắt đá mà ông còn là người biết trọng dụng người tài. Khi xây thành nhiều lần không được ông đã cho người lập đàn cầu đào mong thánh thần sẽ tới phù hộ cho công việc của mình. Được một cụ già báo tin sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp đỡ xây thành, nhà vua đã dùng xe bằng vàng rước vào trong thành kính cẩn tiếp đón. Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng, chỉ nửa tháng sau chín vòng thành đã xây xong tạo thành một thành lũy kiên cố bảo vệ đất nước. Thành đã xây xong, An Dương Vương vẫn băn khoăn bày tỏ nỗi lòng với Rùa Vàng: "Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?" Cảm động trước tấm lòng vì dân vì nước của nhà vua, Rùa Vàng đã tháo vuốt của mình cho An Dương Vương để làm lẫy nỏ thần gọi là nỏ "Linh quang Kim Quy thần cơ". Chính sự lo xa, sáng suốt ấy, An Dương Vương đã giành được thắng lợi, đánh tan quân xâm lược Triệu Đà, buộc chúng "chạy về Trâu Sơn đắp lũy không dám đối chiến, bèn xin hòa". Điều đó khẳng định công lao và vai trò to lớn của An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

    Chính vì lợi thế có nỏ thần trong tay, An Dương Vương đã mất cảnh giác với kẻ thù. Triệu Đà vốn không thể chống lại vũ khí đánh xa và chín vòng thành của An Dương Vương nên đã nghĩ ra kế trì hoãn bằng cách cầu hòa, còn An Dương Vương thì ngây thơ không nhận ra mưu sâu kế hiểm ấy nên đã nhận lời, Đồng thời, tấm lòng của An Dương Vương cũng chính là truyền thống ngàn đời của nhân dân ta, yêu chuộng hòa bình không muốn xảy ra chiến tranh xung đột. Triệu Đà tiếp tục kế sách của mình cho con trai mình là Trọng Thủy cầu hôn Mị Châu. An Dương Vương cũng không mảy may nghi ngờ, ông đã nhận lời gả con gái- người thân duy nhất của mình cho con trai kẻ thù. Trước đây ông lo xa, cảnh giác bao nhiêu thì khi trở về kinh thành mới ông lại mất cảnh giác bấy nhiêu. Đặc biệ, t khi thấy Triệu Đà đem quân sang đánh làn hai, An Dương Vương vẫn ung dung, điềm nhiên đánh cơ mà nói rằng "Đà không sợ nỏ thần sao", ông vẫn quá tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của nỏ thần mà không hềcó kế sách đánh giặc. An Dương Vương đã đánh mất sự anh minh, sáng suốt và trả giá bằng chính mạng sống của con gái mình. An Dương Vương quay lưng nhìn con gái rơi nước mắt và chiếc áo lông ngỗng, ông từ từ hiểu ra, dù vô cùng đau khổ nhưng ông phải rút gươm chém chết người con gái duy nhất của mình. Hành động đó không còn dưới cương vị của một người cha mà thể hiện sự kiên quyết, dứt khoát khi đứng trên lập trường công dân, công lý và quyền lợi dân tộc để trừng trị kẻ có tội với đất nước.

    Thông qua những chi tiết thần kỳ, nhân dân ta đã thể hiện thái độ cảm phục, biết ơn, tự hào đối với vị vua đầu tiên đã có công vô cùng lớn trong việc xây thành bảo vệ dân tộc. Khi đất nước rơi vào tay giặc, An Dương Vương cầm sừng tê giác rẽ sóng xuống biển khơi, nhân dân đã bất tử hóa người anh hùng để thể hiện tình cảm thái độ tôn kính đối với vị vua đồng thời thể hiện thái độ phê phán sự mất cảnh giác của An Dương Vương.

    Bằng sự sáng tạo nên những yếu tố kì ảo, đan xen với các yếu tố lịch sử đã khiến cho câu chuyện thêm lung linh, kì ảo. Thông qua hình tượng An Dương Vương, cha ông ta đã gửi gắm thông điệp sâu sắc về bài học dựng nước và giữ nước. Không những thế còn gửi gắm vào đó những khát khao mong muốn xây dựng một đất nước độc lập, tự cường, hùng mạnh của nhân dân ta.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...