Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua 12 câu thơ đầu của đoạn trích Trao duyên - Văn 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thảo Nguyên05, 24 Tháng tám 2020.

  1. Thảo Nguyên05

    Bài viết:
    5
    Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua 12 câu thơ đầu của đoạn trích Trao duyên

    * * *

    Nguyễn Du được đánh giá là nhà nhân đạo chủ nghĩa, ;à đại thi hào dân tộc. Sáng tác của ông là tiếng nói tình cảm, cảm xúc, tình người, hơn hết là tình cảm chân thành dành cho những con người có thân phận nhỏ bé, đặc biệt là người phụ nữ. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến "Truyện Kiều". Tác phẩm không chỉ tái hiện bi kịch đớn đau của cuộc đời Kiều mà còn giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp nhân cách của nàng. Điều đó được tác giả thể hiện rõ qua đoạn thơ sau:

    "Cậy em em có chịu lời

    * * *

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

    (Trích "Trao duyên"... "

    Truyện Kiều")

    Sau đêm thề nguyền giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, Kim Trọng phải về quê hộ tang chú ở Liêu Dương. Tai vạ ập đến khi gia đình Kiều bị gã bán tơ vu oan. Vương Ông và Vương Quan bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em. Đêm trước ngày phải theo Mã Giám Sinh, việc nhà xong xuôi, Kiều thức trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu rồi nhờ cậy Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Đoạn trích "Trao Duyên" được trích từ câu 723 đến 756 trong tác phẩm "Truyện Kiều", mở đầu cho quãng đời 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều. Đoạn thơ trên là 12 câu thơ đầu của đoạn trích "Trao Duyên" tái hiện rõ lời cậy nhờ trao duyên của Thúy Kiều với Thúy Vân.

    Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều trước hết được diễn tả nên Thúy Kiều là một cô gái rất thông minh, sắc sảo, khéo léo.

    "Cậy em em có chịu lời

    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

    Sự khéo léo, thông minh của Kiều được thể hiện qua việc sử dụng từ ngữ với nhiều nét nghĩa. Đầu tiên là từ "cậy". "Cậy" chứ không phải là "nhờ". Từ "cậy" ở đây có nghĩa là tin tưởng, gửi gắm vào em. Cậy em nhưng cũng là gửi gắm toàn bộ hy vọng cho em. "Chịu" không chỉ đơn giản là vâng lời hay nghe lời mà như có phần nài ép, bắt buộc, đặt Vân vào tình thế khó xử không thể chối từ. Trọng lượng câu thơ rơi vào các chữ "cậy, chịu". Chị thì ở vai cậy nhờ, lụy phiền, em thì thành người gia ơn, ban ơn. Đế báo đáp ân tình cho chàng Kim, Kiều đã phải nhún mình, hạ mình bằng những cử chỉ thiêng liêng đến như thế. Nhung trong cái cử chỉ tội nghiệp kia, ta thấy tất cả sự khéo léo và cả tấm lòng biết ơn. Sự khéo léo của Kiều không chỉ thể hiện qua việc sử dụng từ ngữ mà còn thể hiện qua hành động "lạy rồi sẽ thưa". Đây là lời khẩn cầu bất bình thường. Tại sao Kiều lại lạy em? Kiều là bề trên cơ mà. Đây vốn là hành động bề dưới dành cho bề trên. Kiều là người có xuất thân gia giáo, vốn biết rõ điều này, nhưng Kiều lại là người thực hiện nó. Kiều phải mời em ngồi, phải lạy em, phải lễ sống với em rồi mới thưa chuyện. Điều Kiều làm là vô cùng phi lí. Tuy nhiên, khi đặt trong hoàn cảnh này thì điều phi lí cũng hóa thành hợp lí. Vì việc mà Kiều cậy nhờ em rất hệ trọng. Kiều hạ mình xuống hàng của người chịu ơn để lạy bậc ân nhân của mình. Nguyễn Du sử dụng từ ngữ chính xác, tinh tế để diễn tả đúng tâm trạng khẩn khoản tha thiết của việc Kiều sắp nói, chứng tỏ nó rất hệ trọng.

    Không chỉ là một cô gái vô cùng thông minh mà Kiều hiện lên còn là một người con hiếu thảo, một người yêu chung tình.

    "Giữa đường đứt gánh tương tư

    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em

    Kể từ khi gặp chàng Kim

    Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

    Sự đâu sóng gió bất kì

    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"

    Tình yêu của Thúy Kiều đang ở thời kì vô cùng vui vẻ, một mối duyên tình yêu đẹp đẽ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Thúy Kiều đã có những giây phút gặp gỡ ban đầu đầy đắm say, tha thiết. Nhưng chỉ vì biến cố gia đình ập tới, Kiều buộc phải hi sinh tình yêu và lựa chọn chữ hiếu. Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em. Nếu không thì họ sẽ phải chịu hành hạ cho đến chết. Vậy nên, Kiều là một người con gái vô cùng hiếu thảo, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình để cứu gia đinh. Không chỉ là một người con gái vô cùng hiếu thảo, Kiều còn hiện lên là một người yêu rất đỗi chung tình. Dù phải đau đớn khi chia tay mối tình nhưng khi trao duyên, Kiều vẫn nhắc với em về mối tình của mình với Kim Trọng. Kiều nhớ về quá khứ với những ngày vô cùng hạnh phúc, đã từng hẹn thề với nhau. Đó là một tình yêu vô cùng sâu sắc và thủy chung. Khi trở về với thực tại lại vô cùng đau đớn, các cụm từ "sóng gió bất kì", "giữa đường" đã cắt ngang quá khứ và hiện tại. Bởi vì biến cố gia đình mà Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em.

    Thúy Kiều hiện lên còn là một cô gái giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha. Kiều không những đánh vào tình máu mủ để thuyết phục Vân mà nàng còn đánh vào lòng thương của Vân bằng những lời lẽ đầy thuyết phục:

    "Ngày xuân em hãy còn dài

    Xót tình máu mủ thay lời nước non

    Chị dù thịt nát xương mòn

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

    Tác giả đã sử dụng các thành ngữ như "ngày xuân", "tình máu mủ", "lời nước non" đã cho thấy Kiều lấy cái tình sâu nặng của chị em để đáp lại cái thiêng liêng cao cả của tình yêu. "Ngày xuân" ý chỉ Vân còn trẻ, ngày tháng của Vân còn rộng, còn dài. "Tình máu mủ" chính là tình chị em, tình ruột thịt thiêng liêng. Kiều sử dụng thành ngữ "thịt nát xương mòn", "ngậm cười chín suối" để nói nếu Vân nhận lời thì dù phải chết đi Kiều cũng cam lòng. Sự hy sinh của Kiều thể hiện rõ ở tấm lòng biết ơn sâu sắc với Vân mặc dù Kiều đang đau đớn để chia tay mối tình. Hai chị em đều "xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" vậy mà nàng nói "ngày xuân em hãy còn dài đau đớn biết chừng nào. Lời lẽ thiêng liêng của nàng là vì lo cho Kim Trọng, mong sao cho chàng Kim có hạnh phúc trong tan vỡ. Trong đau khổ tuyệt vọng, nàng còn biết lo cho hạnh phúc của người khác. Thật là một cô gái có đức hi sinh lớn lao.

    Đoạn thơ thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, tinh tế. Ngôn ngữ giàu giá trị biểu cảm, đậm chất trữ tình, sử dụng sáng tạo các thành ngữ của văn hóa dân gian. Ca ngợi tấm lòng vị tha, đức hi sinh cao quý của Thúy Kiều. Tác giả bộc lộ sự cảm thông sâu sắc trước nỗi đau khổ của còn người.

    Qua những tâm sự và trao duyên của Thúy Kiều với Thúy Vân trong 12 câu thơ đầu của đoạn trích" Trao Duyên", với nghệ thuật thể hiện tài tình, Nguyễn Du giúp người đọc nhìn thấu tâm trạng đau khổ của Thúy Kiều. Càng hiểu nàng bao nhiêu, ta càng thương nàng bấy nhiêu, cảm phục nàng bấy nhiêu. Bởi vì người ta có thể hi sinh mọi thứ vì tình yêu, còn nàng lại hi sinh tình yêu vì chữ hiếu. Điều đó chẳng phải rất đáng cảm phục lắm sao?
     
    chiqudoll, KiệtThùy Minh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 17 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...