Cảm nhận về bài thơ viếng lăng bác của viễn phương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tâmniên, 3 Tháng năm 2020.

  1. tâmniên

    Bài viết:
    98
    Viết về Bác Hồ là một chủ đề vô cùng quen thuộc của các nhà thơ Việt Nam cũng như nước ngoài. Đã có rất nhiều áng văn thơ thành công viết về Bác Hồ và một trong số đó phải kể đến "Viếng Lăng Bác" của Viễn Phương. Bài thơ sáng tác năm 1976, thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ cũng như của mọi người khi vào viếng lăng Bác Hồ.

    Bài thơ Viếng Lăng Bác đã thể hiện sâu sắc lòng thành kính của nhà thơ và mọi người dân Việt Nam đối với chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha già vĩ đại của dân tộc. Điều này được thể hiện qua tâm trạng của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác:

    Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

    Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

    Nhà thơ ở miền Nam - tuyến đầu của Tổ quốc, nơi đã phải hứng chịu bao bom đạn của chiến tranh ra thăm lăng Bác. Đây không chỉ đơn giản là một chuyến đi thăm công trình kiến trúc hay ngắm một di hài vĩ nhân mà còn là lá tìm về cội, sông trở về nguồn. Nhà thơ Viễn Phương xưng con gọi Bác thể hiện sự gần gũi, gắn bó, thân thương. Viễn Phương đã rất tinh tế sử dụng từ "thăm" thay thế cho từ "viếng" để làm vơi bớt nỗi nhớ thương khi Bác không còn, để chính nhà thơ cũng như toàn dân tộc Việt Nam luôn thấy được sự hiện diện của Bác trước cuộc đời.

    Đứng trước lăng Bác, nhà thơ xúc động khi bắt gặp hình ảnh hàng tre xanh ngát trong sương. Đây là một hình ảnh đẹp và giàu biểu cảm. Hình ảnh hàng tre vừa mang ý nghĩa thực vừa mang nghĩa ẩn dụ. Hàng tre xanh ngát vừa là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, vừa biểu tượng cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam - một dân tộc có tâm hồn trong sáng, có ý chí kiên cường và luôn sống trung kiên, thanh cao. Hàng tre xanh đứng thẳng hàng trong bão táp mưa sa cũng chính là dân tộc Việt Nam đang vững vàng, kiêu hãnh trải qua những năm tháng thăng trầm của đất nước.

    Lòng thành kính và niềm xúc động của nhà thơ cũng như của mọi người dân được thể hiện sâu sắc qua cảm xúc nghẹn ngào của nhà thơ khi nhìn đoàn người vào lăng Bác và khi vào thăm lăng Bác:

    Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng 79 mùa xuân.

    Quả là một khổ thơ hay và đầy ý nghĩa. Điệp từ "ngày ngày" lặp lại hai lần, diễn tả sự vô tận của đoàn người khi ngày ngày vào thăm lăng Bác, khẳng định Bác sống mãi trong lòng nhân dân, dân tộc Việt Nam mãi dành cho Bác sự thành kính, thiêng liêng nhất. Hình ảnh "mặt trời" là một hình ảnh đẹp. Mặt trời ở câu thơ thứ nhất là mặt trời thực, là mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ, là nguồn ánh sáng vĩnh hằng của thiên hà, đem lại sự sống cho muôn loài. Còn "mặt trời trong lăng rất đỏ" chính là bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người như ánh sáng soi rọi cho nhân dân Việt Nam thoát khỏi bóng tối của đêm trường nô lệ để tiến bước về ánh hào quang phía trước. Người đã truyền cho dân tộc ánh sáng Cách mạng, ánh sáng của niềm tin, ý chí, của lòng quyết tâm dành lại độc lập, tự do. Nếu mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ mang đến ánh sáng, sự sống cho muôn loài, thì Bác mang đến ánh sáng tự do cho dân tộc Việt Nam. Nếu mặt trời thực bất biến với thiên nhiên vũ trụ thì Bác bất tử với nước non, gấm vóc, với lòng thành kính vô hạn của toàn dân tộc Việt Nam.

    Nhà thơ tiếp tục sáng tạo thêm một hình ảnh ẩn dụ nữa, hình ảnh: "Tràng hoa". Dòng người vào lăng viếng Bác làm nhà thơ liên tưởng tới hình ảnh tràng hoa. Đây không chỉ là tràng hoa muôn hương, muôn sắc của thiên nhiên, đất trời khi mà còn là tràng hoa của lòng thành kính, biết ơn, yêu quý của mỗi người con Việt Nam dâng lên Bác. "Bảy chín mùa xuân" là một hình ảnh hoán dụ giàu ý nghĩa. 79 mùa xuân là 79 năm Bác sống cùng đất nước, non sông Việt Nam, là 79 năm cuộc đời Bác hi sinh vì sự nghiệp Cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc.

    Chỉ bằng vài câu thơ ngắn với lời thơ tha thiết, lắng đọng, Viễn Phương đã thể hiện sâu sắc niềm xúc động cùng biết ơn của chính ông cũng như của toàn dân tộc đối với công lao, sự hi sinh to lớn, vĩ đại mà Bác đã dành cho đất nước, dân tộc Việt Nam.

    Bác sẽ mãi bất tử cùng đất nước, Bác sống mãi trong lòng nhân dân:

    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

    Mà sao nghe nhói ở trong tim. Hình ảnh ẩn dụ "vẫn biết trời xanh là mãi mãi" thể hiện sự bất tử, vĩnh hằng của Bác. Bác đã tạc vào non sông, gấm vóc, vào đất trời Việt Nam. Bác không chỉ sống mãi với đất nước mà còn sống mãi trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Với nhân dân, Bác vẫn luôn hiện diện giữa cuộc đời, luôn là ánh hào quang soi rọi cho đất nước hôm nay. Thế nhưng, dù biết Bác bất tử, nhà thơ vẫn không thể kìm nổi sự xúc động, đau xót, nuối tiếc vì sự ra đi của Bác trước ngày đất nước thống nhất. Sự xúc động dâng trào ấy được bộc lộ trực tiếp qua động từ "nhói". Đây cũng là cảm xúc của toàn nhân dân Việt Nam khóc ròng tiễn đưa Bác ngày Bác ra đi:

    Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

    Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa

    (Tố Hữu).

    Cuối cùng, niềm xúc động và lòng thành kính của nhà thơ cũng như của mọi người với Bác Hồ được thể hiện cảm động qua cảm xúc nghẹn ngào, xúc động và ước nguyện hóa thân của nhà thơ ở khổ thơ cuối bài:

    Mai về miền Nam thương trào nước mắt

    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

    Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

    Muốn làm con chim trung hiếu chốn này.

    Nếu như ở khổ thơ trên, nhịp thơ chậm, thể hiện sự thành kính sâu sắc thì ở khổ cuối, nhịp thơ nhanh hơn, thể hiện niềm tha thiết của tác giả. Biết mai phải về lại miền Nam, tác giả không khỏi ngậm ngùi, lưu luyến, không muốn rời xa Bác. Người dù xa nhưng tấm lòng thì vẫn muốn ở lại. Trước khi trở về, nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ tình cảm, sự lưu luyến của mình qua ước nguyện được hóa thân. Tác giả ước được làm con chim hót, ước làm đóa hoa tỏa hương, ước làm cây tre trung hiếu để suốt đời được mãi bên Bác Hồ, được được đứng canh cho giấc ngủ ngàn thu của Bác. Những mong ước thậy giản dị mà đẹp đẽ, đáng quý biết bao. Những ước muốn của nhà thơ Viễn Phương lại làm ta nhớ đến ước nguyện hiến dâng của nhà thơ Thanh Hải:

    Ta làm con chim hót

    Ta làm một nhành hoa

    Ta nhập vào hòa ca

    Một nốt trầm xao xuyến.

    Đây đều là những ước nguyện thầm lặng nhưng chân thành, mãnh liệt nhất. Nếu như nhà thơ Thanh Hải ước được làm con chim, làm cành hoa, làm nốt nhạc trong bản hòa ca để được dâng mùa xuân của đời mình cho mùa xuân đất nước, thì nhà thơ Viễn Phương lại đem hết lòng mình, ước nguyện hóa thân để được mãi bên Bác Hồ. Điệp từ "muốn làm" lặp lại 3 lần góp phần khẳng định ước muốn của nhà thơ Viễn Phương là những ước muốn giản dị, lặng lẽ nhưng tha thiết và hết sức chân thành.

    Đến đây, một lần nữa ta lại bắt gặp hình ảnh hàng tre xanh. Nhà thơ Viễn Phương đã rất tinh tế, tài tình khi xây dựng nên chi tiết này. Hình ảnh cây tre xuất hiện cuối bài đã tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng. Hàng tre hiên ngang, sừng sững trước lăng Bác có thể ví như một đội quân oai hùng đang ngày đêm canh giữ sự yên bình cho giấc ngủ của Bác. Không những vậy, hình ảnh hàng tre còn mang rất nhiều ý nghĩa sâu sa. Hàng tre xuất hiện cuối bài một lần nữa khẳng định, nhấn mạnh tình cảm thành kính sâu sắc của tác giả và mọi người dành cho Bác. Hàng tre đại diện cho dân tộc, nhân dân Việt Nam. Hàng tre trung hiếu đứng bên lăng Bác như dân tộc Việt Nam vẫn đang ngày đêm hướng về Bác, một lòng trung hiếu, biết ơn sâu sắc với Người, nguyện mãi mãi đi theo con đường Cách mạng mà Người đã chọn. Bác vẫn mãi sống với non sông, gấm vóc, dân tộc Việt Nam mãi đời đời ghi nhớ công ơn của Người.

    Không chỉ đặc sắc về nội dung Viếng lăng Bác của Viễn Phương còn gây ấn tượng với người đọc ở phương diện nghệ thuật: Cảm hứng chân thực, thành kính, thiêng liêng được triển khai một cách tự nhiên, khiến cho bài thơ ngập tràn nỗi thương xót và lòng kính yêu sâu sắc. Giọng điệu thơ trang nghiêm, thành kính được diễn tả phù hợp qua các yếu tố hình thức: Thể thơ 8 tiếng, nhịp thơ chậm, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mà giàu tính biểu cảm. Nhà thơ Viễn Phương đã rất tinh tế, tài tình khi sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ đặc sắc: Hình ảnh mặt trời, trời xanh, tràng hoa, 79 mùa xuân kết hợp nhiều biện pháp tu từ: Điệp ngữ, nhân hóa, so sánh.. tất cả đã cho người đọc thấy được tài năng của nhà thơ Viễn Phương và góp phần tạo nên thành công rực rỡ của bài thơ.

    Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một tác phẩm thơ hay, đặc sắc, giàu sức biểu cảm, giàu sức gợi. Một lần viếng lăng Bác, nhớ đến Bác là một lần lòng ta sáng hơn. Bài thơ như một khúc hát ngân vang ca ngợi những công lao, hi sinh to lớn của Bác Hồ đối với dân tộc, đất nước Việt Nam, qua đó thể hiện được tấm lòng biết ơn, kính yêu Bác của nhà thơ cũng như của mọi người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc. Bác sẽ sống mãi trong trái tim nhân dân, trong muôn ngàn núi non, Bác sẽ mãi là ánh hào quang soi sáng cho dân tộc không chỉ hôm nay mà còn là cả tương lai.
     
    LieuDuongYên Vũ thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...