Cảm nhận về bài thơ tự tình 2 của hồ xuân hương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Tiểu Ngu tiểu tỉ tỉ, 30 Tháng năm 2020.

  1. Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tự Tình II của Hồ Xuân Hương

    Tác giả: Tiểu Ngu tiểu tỉ tỉ​

    Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm". Bà là một người phụ nữ tài năng, thông minh, cá tính. Nhưng cuộc đời, tình duyên của bà lại gặp nhiều éo le và ngang trái. Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: Nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ hình tượng. Nổi bật nhất trong sáng tác thơ Nôm của Hồ Xuân Hương là bài thơ "Tự Tình II". Bài thơ như lời bày tỏ tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.

    Mở đầu bài thơ là hai câu đề, Hồ Xuân Hương miêu tả một không gian và thời gian thể hiện sự cô đơn lẻ loi:

    "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non"

    Với một không gian vắng lặng trong màn đêm đen buông xuống, tác giả đã gợi lên cái buồn, cái sự vắng lặng hiu quạnh. Tiếng trống canh dồn văng vẳng trong đêm khuya như thể hiện từng thời khắc bước đi của thời gian. Ở thời điểm mà tất cả mọi người nên đi ngủ thì mình lại đang ở trong trạng thái trằn trọc, không ngủ được mà đếm từng canh từng canh giờ trôi qua. Nhà thơ cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời, cảm thấy mình nhỏ bé đến lạ giữa đêm tối của một người phụ nữ lẻ bóng mong có được tình yêu đích thực.

    Từ "trơ" đi với "cái hồng nhan" như gợi sự rẻ rúng, mỉa mai cho thân phận của mình, tác giả thể hiện sự tủi hổ, bẽ bàng, xót xa cho chính bản thân mình. Nhịp thơ 1/3/3 khiến cho câu thơ như bị ngắt làm ba giống như một tiếng nấc nghẹn ngào và cũng như một lời trì triết chính mình. Tác giả đưa cái hồng nhan của mình ra để mạt sát. Hai câu thơ ngắn nhưng đã hoàn toàn gợi lên cái buồn, nỗi cô đơn, tủi hờn cho thân phận bẽ bàng éo le.

    Tiếp đến là hai câu thực, nhân vật trữ tình quyết định tìm đến rượu để say để quên:

    "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

    Uống rượu giải sầu dưới ánh trăng vốn là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca Việt Nam, là một hình ảnh đẹp đầy thi vị. Nhưng tiếc rằng những người tìm đến rượu để giải sầu lại không thể dùng hương rượu nồng để quên đi bầu tâm sự. Từ câu thơ của Hồ Xuân Hương đã khiến cho chúng ta nhớ đến hai câu thơ đầy trầm tư của Lý Bạch:

    "Dùng gươm chém nước, nước chẳng đứt

    Uống rượu tiêu sầu, sầu vẫn sầu."

    Hai lời thơ khác nhau nhưng lại có cùng một ý thơ. Hai vị thi nhân của chúng ta đều là những người muốn dùng rượu để quên đi tất cả nhưng đổi lại là bị hương cay nồng của nó xông thẳng vào trong tâm hồn, khiến cho họ càng thành tỉnh hơn. Thật trớ trêu, muốn dùng rượu để quên đời nhưng lại khiến mình đi đi lại lại trong cái vòng tròn luẩn quẩn không có lối thoát. Họ vẫn không thể quên được sự sầu muộn buồn bã trong lòng, càng say thì lại càng tỉnh.

    [​IMG]

    Kết thúc bi kịch "vầng trăng bóng xế" thể hiện tuổi xế chiều của Hồ Xuân Hương tượng trưng cho thân phận bẽ bàng, tuổi xuân trôi qua nhanh nhưng tình duyên lại không trọn vẹn và không hạnh phúc. Ở đây cảnh và người như có sự đồng nhất làm bộc lộ rõ ràng sự bẽ bàng cho số phận hẩm hiu.

    Nối tiếp là hai câu luận:

    "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn"​

    Tác giả mượn hình ảnh thực của thiên nhiên là "rêu, đá". Chúng vốn đều là những vật vô tri, vô giác nhưng sâu bên trong lại là nội lực mãnh liệt. Hồ Xuân Hương thổi hồn vào chúng qua hai động từ mạnh "xiên ngang" và "đâm toạc" thể hiện sức sống phi thường. Và cũng từ đây tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật mượn cảnh tả tình biểu tượng cho cá tính mãnh liệt, sôi sục của Hồ Xuân Hương. Bà như muốn phá phách, tung hoành, vượt qua bức tường cản của thời đại, bà phẫn uất, muốn dùng tất cả sức mạnh để vượt lên số phận của chính mình

    Kết thúc bài thơ là hai câu kết mà Hồ Xuân Hương dùng để bày tỏ lòng mình:

    "Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

    Mảnh tình san sẻ tí con con"

    Tác giả thể hiện tâm trạng chán ngán, buồn tủi. Bởi mùa xuân là sự tuần hoàn của thời gian nhưng tuổi xuân của con người thì không như vậy. Mỗi khi mùa xuân đến cũng là lúc mà tuổi trẻ một tàn phai. Điều này khiến cho tâm trạng của bà như xuống thấp. Bà xót thương, tủi hờn cho số phận éo le bạc bẽo, thân phận hẩm hiu. Câu thơ cuối cùng thể hiện tâm trạng bẽ bàng cho thân phận dùng từ "mảnh tình" lại còn bị "san sẻ" cho nên chỉ còn lại "tí con con". Cách dùng từ cấp độ tăng tiến để làm nổi bật lên cái duyên hẩm hiu, lận đận của nhà thơ.

    Qua lời tự tình tác giả đã nói lên bi kịch, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Bằng cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật điệp, đảo, tăng tiến. Hay những từ ngữ hình ảnh giản dị giàu sức gợi, thủ pháp nghệ thuật mượn cảnh tả tình. Tác giả đã hoàn toàn lột tả lên tâm trạng tận cùng của sự buồn tủi, người phụ nữ ấy vẫn gắng gượng vượt lên số phận nhưng rồi cuối cùng vẫn là rơi vào bi kịch. Bài thơ không chỉ là tiếng lòng của riêng tác giả mà còn là tiếng lòng của hầu hết những người phụ nữ Việt Nam xưa.
     
    Last edited by a moderator: 28 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...