Cảm nhận về bài thơ từ ấy của tố hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Tiểu Ngu tiểu tỉ tỉ, 16 Tháng bảy 2020.

  1. Đề bài: Nêu cảm nhận của anh/chị về bài thơ "Từ Ấy" của Tố Hữu

    Bài làm​

    Tố Hữu là nhà cách mạng, cũng là nhà thơ trữ tình chính trị tiêu biểu nhất của nền thơ ca cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp thơ ca của ông. Từ ấy là bài thơ hay được trích trong tập thơ cùng tên ghi lại thời khắc đặc biệt trong cuộc đời cách mạng và nghệ thuật của Tố Hữu khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cách mạng, tìm thấy con đường đi cho cuộc đời mình và thơ ca.

    Bài thơ ra đời với một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Tố Hữu. Ngày nhà thơ được kết nạp vào Đảng cộng sản, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng chiến đấu vì một lí tưởng chung, ông đã viết bài thơ này. Mở đầu bài thơ là sự vui sướng say mê của tác giả:

    "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    Mặt trời chân lí chói qua tim"

    Tác giả sử dụng động từ "bừng, chói" kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ làm nổi bật lên hình ảnh con người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cộng sản. Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực lửa, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho nhà thơ nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn hồi sinh, chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật thơ ca của người chiến sĩ. Hai câu tiếp theo tác giả cụ thể hóa niềm vui sướng của bản thân mình:

    "Hồn tôi là một vườn hoa lá

    Rất đậm hương và rộn tiếng chim"

    Sự chuyển biến sâu sắc đó, như một sức mạnh kỳ diệu, nó được bắt nguồn từ chính con người tác giả khi được Đảng soi đường, chỉ lối. Khiến cho tâm hồn của người chiến sĩ trẻ như rộn ràng, tràn đầy sức sống. Nhà thơ đã so sánh nó như "một vườn hoa lá" với đủ sắc hương của đất trời, cả sự sống đang sinh sôi, nảy nở, nhảy múa hát ca, rộn ràng tiếng chim hót. Dường như sau những ngày tăm tối, không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nhìn thấy tương lai, cùng với khí huyết của tuổi trẻ mong muốn được thay đổi, được cống hiến cho đất nước đánh đuổi giặc ngoại xâm thì giờ đây khi có "mặt trời chân lý" của Đảng dẫn dắt làm cho tâm hồn nhà thơ trẻ lại, sục sôi ý chí đấu tranh, khơi dậy sức sống và cảm hứng sáng tạo mới cho tác giả

    Ở khổ thơ thứ hai, từ sau khi gặp được chân lý của cuộc đời mình nhà thơ đã có những sự thay đổi đặc biệt trong nhận thức, trong con đường làm cách mạng của mình:

    "Tôi buộc lòng tôi với mọi người

    Để tình trang trải với trăm nơi

    Để hồn tôi với bao hồn khổ

    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"

    Đó là hình ảnh người chiến sĩ có lẽ sống nhân đạo cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Con người đã tự nguyện đem cái "tôi" nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu. Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp. Đây là không phải là sự ép buộc mà nhà thơ đã tự nguyện "buộc", tự nguyện gắn mình với "mọi người", với những tầng lớp bần cùng của xã hội. Đem trái tim mình hòa cùng nhịp đập, cùng đau tiếng đau của đồng bào, cùng chia sẻ những mất mát, đắng cay ngọt bùi mà nhân ta đang chịu đựng. Nhà thơ mong muốn gây dựng những con người đang chịu cảnh nô lệ trở thành "khối đời" một khối thống nhất, như anh em ruột thịt, tạo nên một sức mạnh tập thể, không gì có thể đàn áp được.

    Bốn câu thơ cuối thể hiện rõ tấm lòng, sự đồng cảm của chính nhà thơ, lời khẳng định trong con đường làm cách mạng:

    "Tôi là con của vạn nhà

    Là em của vạn kiếp phôi pha

    Là anh của vạn đầu em nhỏ

    Không áo cơm cù bất cù bơ"

    Nhà thơ đã sử dụng điệp từ, cùng với những "con, em, anh", như một sự khẳng định chắc chắn sự gắn bó giữa mình với nhân dân lao động. Nhà thơ như một thành viên trong gia đình của mọi tầng lớp trong xã hội. Tố Hữu hòa mình cùng với nhân dân. Nhà thơ tự nguyện làm "con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha, anh của vạn đầu em nhỏ", nguyện mang cả cuộc đời mình để đem lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi trong tuyệt vọng, những đứa bé tội nghiệp. Qua đó, ta còn cảm nhận được sự căm ghét sâu sắc trong lòng tác giả đối với những cảnh bất công trong xã hội, chính những mảnh đời đáng thương đó mà nhà thơ đi theo cách mạng, đi theo tiếng gọi của tổ quốc, hăng say chiến đấu, hăng say sáng tác.

    Bút pháp khắc họa chân dung người chiến sĩ cách mạng: Là bút pháp gợi tả, những hình ảnh đậm đà màu sắc cổ điển mà vẫn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng hiện qua bức tranh cảnh vật thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt lao động của con người. Đó là con người ung dung, hòa hợp với thiên nhiên nhưng vẫn luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh, hướng về con người, sự sống và ánh sáng, chất thi sĩ và chất chiến sĩ hòa quyện làm một.

    Bài thơ là tiếng lòng, tiếng reo mừng sung sướng của không chỉ tác giả mà đại diện cho thế hệ trẻ của đất nước lúc bấy giờ khi tìm thấy lý tưởng của Đảng. Là sự nhận thức mới, cách nghĩ mới, đem tuổi trẻ cống hiến cho đời và cho tổ quốc.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng bảy 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...