Cảm nhận về bài thơ đây thôn vĩ dạ của nhà thơ hàn mặc tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 21 Tháng sáu 2020.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Cảm Nhận Về Bài Thơ Đây Thôn Vĩ Dạ Của Nhà Thơ Hàn Mặc Tử.

    Tác giả: YenOanh099


    Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất của phong trào Thơ mới. Thơ ông có diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn, thường chứa đựng một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. "Đây Thôn Vĩ Dạ" là kiệt tác xuất sắc của Hàn Mặc Tử, sáng tác vào năm 1938, in trong tập "Thơ điên".

    Bài thơ "Đây Thôn Vĩ Dạ" được gợi cảm hứng từ một tấm bưu thiếp của Hoàng Thị Kim Cúc gửi tặng Hàn Mặc Tử với những lời động viên an ủi khi biết nhà thơ mắc bệnh hiểm nghèo.

    Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ:

    "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

    Lời trách móc, hờn dỗi và cũng là lời mời nhẹ nhàng, tha thiết của cô gái thôn Vĩ. Đó còn là lời của tác giả tự hỏi mình, trách móc bản thân sao không về chơi thôn Vĩ. Từ đó, bộc lộ niềm ao ước thầm kín, niềm khát khao được trở về thôn Vĩ gặp lại cảnh cũ người xưa, để ngắm nhìn cảnh vật thơ mộng và tràn đầy sức sống:

    "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

    Điệp từ "Nắng" nhằm nhấn mạnh ánh sáng của buổi bình minh, không phải là ánh sáng dịu nhẹ, khẽ chạm vào từng tán lá mà là ánh sáng ấm áp, rực rỡ trải dài tên từng ngọn cau, xuyên xuống bao phủ khắp nơi, tạo thành điểm nhấn cho bức tranh thôn Vĩ Dạ buổi bình minh.

    Nói đến thôn Vĩ Dạ, đây là một địa danh thơ mộng của xứ Huế, nằm ngay bên bờ sông Hương, chỉ cách trung tâm cố đô Huế khoảng không đầy một giờ tản bộ. Từ xưa, thôn Vĩ Dạ đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp lay động lòng người với cây cối xanh tươi cùng những mái nhà xưa, những khu vườn xum xuê, cổ kín.. Đây cũng là một vùng quê sản sinh ra nhiều văn thân, thi sĩ và nghệ sĩ tài hoa, đã từng là để tài sáng tác cho các thi nhân khắp nước. Đến với thôn Vĩ Dạ, khách từ xa sẽ thấy hàng cau trước nhất vì chúng thường cao hơn hẳn những cây cố xum xuê bên dưới.

    Đất đai Vĩ Dạ phì nhiêu, những khu vườn nơi đây dưới sự cần cù chăm sóc của con người mà luôn tươi tốt, màu mỡ, luôn khoác lên mình một màu xanh mướt của ngọc:

    "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

    Một cảm giác mơ hồ, bất định trong tâm hồn qua đại từ phiếm chỉ "Vườn ai". Hình ảnh "Vườn ai mướt quá" đã ca ngợi sự tốt tươi, tràn trề sức sống của khu vườn màu xanh giống như "Ngọc". Qua đó, tôn lên vẻ đẹp cao quý và thuần khiết của bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ.

    Đến câu:

    "Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

    Hình ảnh con người hiện lên làm cảnh vật sinh động hẳn. Trong khu vườn xanh mướt đó, một gương mặt "Chữ điền" hiền lành và phúc hậu, vừa thực vừa ảo thấp thoáng hiện ra, dường như rất gần nhưng cũng rất xa bởi "Lá trúc che ngang". Lá trúc mảnh mai gợi lên nét đẹp kín đáo, dịu dàng của con người xứ Huế. Quả thật, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người làm tâm hồn thi nhân thêm hạnh phúc, càng yêu thiên nhiên, yêu con người tha thiết nhưng không kém phần băn khoăn, day dứt.


    Để rồi, chuyển sang một thế giới khác:

    "Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

    Tất cả cảnh vật đều được nhân hóa để biểu thị tâm trạng của con người. Nếu theo quy luật tự nhiên, gió thổi thì mây bay, lúc nào gió và mây cũng luôn quấn quýt song hành cùng nhau thì ở đây chúng lại tách ra, rời nhau để đi theo con đường của mình "Gió theo lối gió, mây đường mây". Điệp từ "Gió", "Mây" lại càng nhấn mạnh khoảng cách xa xôi, chia lìa, tan tác ấy. Cùng với đó "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay", dòng nước buồn đến thiu, đến bất động vẫn không ai chia sẻ, hoa bắp lay như đùa cợt trêu ngươi. Các quan hệ cặp đôi nó rời rạc nhưng lại tạo ra những mối quan hệ trớ trêu: Gió muốn hướng tới mây nhưng hoa bắp lại lay vì gió, sóng chỉ nổi lên khi có gió nhưng mặt nước lại cứ buồn thiu. Cảnh vật như thế, con người cũng vậy, đều tan tác chia li, đều u buồn, bất động, đều không muốn trôi chảy như đánh mất đi sự sống của mình. Từ đó, cuốn người đọc rơi vào trầm tư, buồn nhẹ mà không kém phần da diết.

    Dường như,
    khổ thơ đầu là bình minh thì khổ thơ thứ hai là buổi chiều tà ảm đạm và đêm. Ta kết thúc một buổi chiều trong niềm đau chia lìa để mở ra màn đêm huyền ảo:

    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay?"

    Đối với Hàn Mặc Tử, trăng không chỉ là biểu tượng của cái đẹp mà còn là một người bạn tri kỉ, người đã cùng ông vượt qua những năm tháng cô đơn, lạnh lẽo. Hàn Mặc Tử yêu trăng nên hầu hết các tác phẩm của ông đều xuất hiện hình ảnh của trăng. Trong hai câu thơ này, tuy Hàn Mặc Tử có buồn, có cô đơn nhưng vẫn có biết bao yêu mến thiết tha xứ Huế và "Trăng" như gợi lên niềm tin, niềm hi vọng trong lòng người đọc. Do đó, cảnh thực mà cứ như ảo, sông thật (gợi tới sông Hương) đã trở thành "Sông trăng". Ánh trăng lấp lánh chiếu xuống tạo nên một con sông trăng của cõi mộng, cõi huyền ảo, giữa con sông mờ ảo đó là hình ảnh con thuyền đang chở trăng về một nơi nào đó. Tất cả thực thực ảo ảo, khiến người ta mông lung quên mất đâu là thật, đâu là giả, cứ như thế chìm sâu vào giấc mộng mà tác giả tạo ra.

    Nhưng liệu, thuyền:

    "Có chở trăng về kịp tối nay?"

    Từ "Tối nay" là muốn nói cái thời gian hữu hạn trước mắt, "Kịp" cho ta thấy sự mặc cảm của tác giả về hiện tại ngắn ngủi của mình. Cả câu như một câu hỏi tu từ không có đáp án. Đúng là nhà thơ đang mong ngóng, hi vọng, cố gắng chạy đua với thời gian trong sự thản thốt, băn khoăn khôn dứt.

    "Mơ khách đường xa, khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà?"

    Nếu hai khổ đầu nói nhiều về cảnh thì khổ cuối chủ yếu nói về tâm tình của tác giả. Điệp ngữ "Khách đường xa" để nhấn mạnh nổi luyến tiếc, xót xa của tác giả trước lời mời của cô gái thôn Vĩ. Ông biết mình mãi mãi chỉ là người khách quá xa xôi, hơn thế chỉ là người khách trong mơ mà thôi. Vị khách này nhận ra một bóng người thấp thoáng, mờ ảo trong tà áo trắng "Áo em trắng quá nhìn không ra", màu trắng tinh khôi như tâm hồn ngây thơ, trong sáng, thánh thiện của em. Nhưng em trắng và sương khói cũng trắng "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh" làm ta choáng váng "Nhìn không ra".

    Rõ ràng giữa cảnh và người bị ngăn cách bởi màn sương khói mờ mịt làm "Mờ nhân ảnh", khiến người chỉ là một cái bóng nhạt nhòa, tưởng là gần nhưng không với tới, tưởng là thật nhưng lại là ảo. Vậy nên, thi nhân hoài nghi hỏi:

    "Ai biết tình ai có đậm đà?"

    Hai từ "Ai" nhắc lại đối tượng mà mình yêu, vì thế mà nó tha thiết nhưng cũng vì thế mà nó xa lạ. Vừa mới xưng "Em" được một lần, tác giả đã nhận ra đó là "Ai". Từ đó, gieo vào lòng người đọc nỗi bâng khuâng: Bóng người kia là một cô gái Huế xinh đẹp, kín đáo nhưng lại quá huyền ảo thì liệu tình cảm của cô có đậm đà hay cũng mờ ảo, dễ tan như sương khói? Và cô có biết tình cảm nhớ thương da diết của tác giả hay không?

    Thật đau đớn khi chơi vơi, hụt hẫng trước mối tình đơn phương! Thật buồn cho một nhà thơ trẻ tài hoa, luôn khao khát yêu thương nhưng cuộc đời lại nhốm quá nhiều đau thương, bất hạnh!

    "Đây Thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ hay, kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật cùng với âm điệu, nhịp điệu thơ tha thiết đã vẽ nên bức tranh về một miền quê đất nước và cũng là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2020
  2. Chiên Min's I purple you!

    Bài viết:
    555
    "Một người đau khổ đến nhường ấy, lúc sống ta hờ hững bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen đều thấy có chút gì đó bất nhẫn."

    Thần tượng của mình*yoci 92*. Ước học kì trúng đề này!
     
    YenOanh099 thích bài này.
  3. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Cảm ơn bạn đã ủng hộ mình! Chúc bạn thi tốt nha!
     
    Chiên Min's thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng sáu 2020
  4. Vịt Vàng Giòn Rụm Vịt Vàng Giòn Rụm

    Bài viết:
    115
    Thi học kì chỉ có ôn bài này xong nó lại vào tràng giang
     
    YenOanh099 thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...