Cảm nhận khổ thơ thứ của bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng. Từ đó nhận xét bút pháp lãng mạn của bài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Whiskey, 8 Tháng mười 2021.

  1. Whiskey Whiskey

    Bài viết:
    45
    ĐỀ BÀI: Cảm nhận khổ thơ sau của bài thơ Tây TiếnQuang Dũng. Từ đó nhận xét bút pháp lãng mạn của đoạn thơ:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    Kìa em xiêm áo tự bao giờ

    Khèn lên man điệu nàng e ấp

    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    BÀI LÀM:

    Tháng năm vẫn lặng lẽ trôi qua, bụi thời gian có thể phủ dày lên tất cả những sự kiện lịch sử. Vậy đâu là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại? Phải chăng đó chính là văn chương. Nhà thơ xứ Đoài Quang Dũng, một người nghệ sĩ đa tài vẽ tranh, soạn nhạc, viết văn. Đặc biệt trong thơ ca, ông đã để lại cho đời một kiệt tác văn chương về người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Đó là Tây Tiến, không chỉ mang đến bức tượng đài tráng lệ, đầy mới mẻ về những người lính mà đây còn là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng. Đoạn trích nằm ở khổ thứ hai của bài, đã khắc họa rõ nét, chân thực nỗi nhớ những đêm giao lưu văn hóa văn nghệ của người lính Tây Tiến với đồng bào dân tộc miền cao, ấm áp tình cảm quân dân và vẻ đẹp huyền hồ của thiên nhiên sông nước miền Tây. Không lẩn tránh đề cập đến cái bi nhưng nhà thơ đã đem đến cho nó một cảm hứng lãng mạn, âm hưởng tráng lệ, hào hùng. Tinh thần bi tráng, cảm hứng lãng mạn đã được triển khai trên nền cảm xúc kí ức một thời Tây Tiến.

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    * * *

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    Vào một chiều mưa năm 1948 khi nỗi nhớ Tây Tiến trở nên mãnh liệt nhất, da diết nhất tại Phù Lưu Chanh bên bờ sông Đáy, bài thơ đã ra đời và được in trong tập Mây đầu ô. Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập vào năm 1947 với nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt - Lào. Khác với người lính trong bài thơ Đồng chí "Quê hương anh nước mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá", người lính trong bài thơ Đồng chí xuất thân của họ là những người nông dân, ra đi từ mọi miền Tổ quốc, mọi phương trời, mọi độ tuổi. Thì người lính trong bài thơ Tây Tiến lại là những học sinh, sinh viên ra đi từ thủ đô Hà Nội. Họ gác lại việc học tập, lên đường vì nghĩa lớn, không hẹn ngày trở về. Nói đến phong cách sáng tác của Quang Dũng, ông luôn nhìn sự vật, hiện tượng thông qua lăng kính lãng mạn, là một hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng. Ông đã tạc lại vào trong không gian thơ ca của mình vẻ đẹp của một bức tượng đài về người lính Tây Tiến, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, vẻ đẹp của những con người viết lên huyền thoại Việt Nam ở thế kỉ XX.

    Nếu như ở mười bốn câu đầu, Quang Dũng đã tái hiện lại chặng đường hành quân đầy gian nan, khó khăn, thiếu thốn của người lính Tây Tiến ở núi rừng Tây Bắc thì ở tám câu sau nhà thơ đặc tả hình ảnh người lính trong đêm giao lưu văn hóa văn nghệ đầy say mê và ấm áp tình người.


    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    Kìa em xiêm áo tự bao giờ

    Khèn lên mang điệu nàng e ấp

    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

    "Doanh trại" là nơi sống và làm việc của bộ đội. Đó đáng lẽ phải là nơi vô cùng khô khan và nghiêm khắc. Nhưng qua lăng kính lãng mạn của Quang Dũng, "đuốc hoa" vốn chỉ là những cây nến đốt lên trong phòng cưới, đêm tân hôn, thường được dùng trong văn học cũ "Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa" giờ lại được nhào nặn thành những bó đuốc trong đêm liên hoan văn nghệ. Kết hợp chung với động từ mạnh "bừng" được hiểu theo nhiều cách, có thể là ánh sáng đến đột ngột, có thể là sự bừng tỉnh ngạc nhiên, nhưng cũng có thể là bừng sáng, lung linh hay tưng bừng, rộn ràng. Dù hiểu theo cách nào thì "doanh trại" trong thơ ca Quang Dũng cũng được tô điểm bằng màu đỏ rực rỡ của những bó "đuốc" như những bông hoa nở rộ làm cho không khí nơi đây trở nên tưng bừng, rộn ràng, náo nhiệt. Đó là sự dí dỏm, hồn nhiên của người lính Tây Tiến. Người Việt Nam là thế, dù cho bom đạn và kẻ thù có tàn phá đi những sự vật, hiện tượng nhưng cũng không bao giờ hủy diệt được tinh thần của con người trong chiến đấu, họ vẫn trẻ trung, vẫn xuân sắc, vẫn đợi chờ, vẫn tin tưởng vào cuộc kháng chiến nhất định thành công. Những con người càng ở gần bom đạn càng coi thường bom đạn. Trong nền không gian ấy, "em" - những cô gái- những bông hoa của núi rừng Tây Bắc hiện ra đẹp lộng lẫy, vừa e thẹn, vừa tình tứ trong một vũ điệu đậm màu sắc phương xa. Trong vẻ đẹp rực rỡ của ánh đuốc, trong nét dìu dặt của tiếng khèn, gợi về khỏe khoắn, trẻ trung. Hai từ "kìa em" làm giọng điệu câu thơ như cũng ngỡ ngàng đến ngạc nhiên. Họ được đón tiếp bằng tình cảm quân dân vô cùng nồng ấm, cảm xúc của họ là cảm xúc say mê, ngây ngất. Yêu say từ vóc dáng đến trang phục. Những âm thành phát ra từ nhạc cụ "khèn" của đồng bào Tây Bắc đối với người lính Tây Tiến vừa lạ lại vừa có vẻ hoang dại mang tính sơ khai mà đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chính cái lạ ấy làm đắm say tâm hồn của những chàng trai Tây Tiến gốc Hà Nội hào hoa. Ánh lửa, tiếng hát, tiếng khèn, màu xiêm áo rực rỡ, vẻ đẹp kiều diễm của các "em", các "nàng" như đã "xây hồn thơ" các chàng lính trẻ.

    Bốn câu thơ vừa chan chứa màu sắc, âm thanh, ấm áp tình người. Nhà thơ sử dụng địa danh "Viên Chăn" - thủ đô của Lào như dụng ý muốn nói rằng Lào, Việt Nam, Cam-pu-chia đều là ba nước Đông Dương có chung kẻ thù là thực dân Pháp, người lính Tây Tiến họ không chỉ được chào đón nồng nhiệt ở nước ta mà còn ở cả nước bạn Lào. Tất cả như làm tiêu tan, đẩy lùi đi mọi gian khổ, thử thách trên chiến trường gian khổ, ác liệt.

    Bốn câu thơ tiếp theo dòng hồi tưởng "trôi" về một miền đất lạ, đó là Châu Mộc thuộc tỉnh Sơn La, nơi có những bãi cỏ bát ngát mênh mông, nơi có dãy núi Pha Luông cao 1880m, nơi có bản Pha Luông sầm uất của người Thái. Quang Dũng người lính chiến với tâm hồn thi sĩ đã khám phá ra bao vẻ đẹp kì thú miền Châu Mộc. Năm tháng đã trôi qua, cảnh và người miền đất lạ ấy đã trở thành một mảnh tâm hồn của bao người.


    "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    Mở ra bước tranh của thiên nhiên sông nước miền Tây là dòng sông vào buổi chiều được giăng mắc lên là màu của sương khói, hiện ra như trong cõi mộng. Cái thực của khí trời Tây Bắc, cái mộng của không khí bảng lảng sương khói hiện lên như một miền cổ tích. Ta nhớ rằng Quang Dũng là một họa sĩ, bởi vậy đoạn thơ mang đậm màu sắc hội họa. Nét bút phác thảo của ông thật tài hoa. Chỉ một vài nét chấm phá vậy mà cái hồn của cảnh vật và con người hiện lên thật sinh động, đầy sức cuốn hút. Xa Tây Tiến mới có bao ngày, ấy thế mà nhà thơ "nhớ chơi vơi", nhớ "hội đuốc hoa", nhớ "Châu Mộc chiều sương ấy". Hỏi "người đi" hay tự hỏi mình "có thấy", "có nhớ" không. Chữ "ấy" bắt vần với "thấy", một vần lưng thần tình, làm cho âm điệu câu thơ trỗi xuống như một nốt nhất, một sự nhắc nhở trong hoài niệm nhiều buâng khuâng. Nữ sĩ xưa nhớ kinh thành Thăng Long là nhớ "hồn thu thảo", nay Quang Dũng nhớ là nhớ "hồn lau", nhớ cái xào xạc của gió, nhớ về những cờ lau trắng trời. "Hồn lau", những câu lau không còn vô tri vô giác mà chúng trở nên có linh hồn. Chắc chắn phải là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa và lãng mạn thì mới có thể cảm nhận được hồn lau đang giăng mắc dọc nẻo bến bờ. Có "nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi" thì mới "có nhớ" và "có thấy hồn lau" trong kỉ niệm. "Có thấy.." rồi lại "có nhớ..", một lối viết uyển chuyển, tài hoa, đúng là "câu thơ trước gọi câu thơ sau" như những kỉ niệm ùa về. Nhớ cảnh (hồn lau) rồi từ không gian ấy lại làm nền cho nỗi nhớ người (nhớ dáng người). Câu thơ không tả mà gợi, gợi cái dáng mềm mại, uyển chuyển của cô gái trên chiếc thuyền độc mộc. Cảnh rất thơ và người cũng rất tình. Bởi vậy, tác giả như ngây ngất, đắm say trước cảnh và người, ở đây cảnh như làm duyên với người. Hình ảnh "hoa đong đưa" là một nét vẽ lãng mạn gợi tả cái "dáng người trên độc mộc" trôi theo thời gian và dòng hoài niệm.

    Đoạn thơ gợi lên một vẻ đẹp mơ hồ, thấp thoáng, gần xa, hư ảo trên cái nền "chiều sương ấy". Cảnh và người được thấy và nhớ mang nhiều man mác, buâng khuâng. Giữa những "bến bờ", "độc mộc", "dòng nước lũ" là "hồn lau", là "dáng người", là "hoa đong đưa" tất cả được phủ mờ bởi màn trắng mỏng của một "chiều sương" hoài niệm. Ta có cảm nhận đây là thế giới của cõi mộng, cõi mơ, cõi thơ và cõi nhạc. Thơ và nhạc là hai yếu tố tạo nên bức tranh Tây Bắc nên thơ, mĩ lệ. Tưởng là siêu thực mà lãng mạn, tài hoa.

    Bằng ngòi bút tài hoa, hữu nhạc, hữu họa kết hợp với bút pháp miêu tả độc đáo, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp thơ mộng của Tây Bắc và những dấu ấn vui tươi của một thời chiến đấu bên đồng đội cũng như tình quân dân ấm áp. Cũng chính đoạn thơ đã thể hiện rõ nét nhất cảm hứng lãng mạn, tâm hồn hào hoa và chất lãng tử của nhà thơ "xứ Đoài mây trắng".

    Tây Tiến mang vẻ đẹp độc đáo của một bài thơ viết về người lính - anh bộ đội Cụ Hồ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Tám câu thơ đã góp một phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm nói riêng và văn thơ cách mạng nói chung, để Tây Tiến trở thành một bông hoa mãi tươi xanh trong dòng chảy của thời gian.
     
    ĐINH MAI PHƯƠNGchantbin thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...