Cảm nhận khổ ba trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó, nhận xét bút pháp hiện thực của tácgiả

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Whiskey, 9 Tháng mười 2021.

  1. Whiskey Whiskey

    Bài viết:
    45
    ĐỀ BÀI: Cảm nhận khổ ba trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó nhận xét về bút pháp hiện thực của đoạn thơ:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

    Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

    Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    BÀI LÀM:

    Tháng năm vẫn lặng lẽ trôi qua, bụi thời gian có thể phủ dày lên tất cả những sự kiện lịch sử. Vậy đâu là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại? Phải chăng đó chính là văn chương. Nhà thơ xứ Đoài Quang Dũng, một người nghệ sĩ đa tài vẽ tranh, soạn nhạc, viết văn. Đặc biệt trong thơ ca, ông đã để lại cho đời một kiệt tác văn chương về người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Đó là Tây Tiến, không chỉ mang đến bức tượng đài tráng lệ, đầy mới mẻ về những người lính mà đây còn là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng. Đoạn trích nằm ở khổ thứ ba của bài thơ, đã làm cho chúng ta sống lại một thời lửa cháy cùng đoàn quân lừng tiếng đã đi vào lịch sử, chúng ta có thể quên một số câu thơ trong bài, nhưng không thê quên được hình ảnh đoàn quân ấy với một vẻ đẹp đầy bi tráng với bút pháp tả thực vô cùng sắc sảo.

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    * * *

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Vào một chiều mưa năm 1948 khi nỗi nhớ Tây Tiến trở nên mãnh liệt nhất, da diết nhất tại Phù Lưu Chanh bên bờ sông Đáy, bài thơ đã ra đời và được in trong tập Mây đầu ô. Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập vào năm 1947 với nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt - Lào. Khác với người lính trong bài thơ Đồng chí "Quê hương anh nước mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá", người lính trong bài thơ Đồng chí xuất thân của họ là những người nông dân, ra đi từ mọi miền Tổ quốc, mọi phương trời, mọi độ tuổi. Thì người lính trong bài thơ Tây Tiến lại là những học sinh, sinh viên ra đi từ thủ đô Hà Nội. Họ gác lại việc học tập, lên đường vì nghĩa lớn, không hẹn ngày trở về. Nói đến phong cách sáng tác của Quang Dũng, ông luôn nhìn sự vật, hiện tượng thông qua lăng kính lãng mạn, là một hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng. Ông đã tạc lại vào trong không gian thơ ca của mình vẻ đẹp của một bức tượng đài về người lính Tây Tiến, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, vẻ đẹp của những con người viết lên huyền thoại Việt Nam ở thế kỉ XX.

    Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân mới hiện lên qua nét vẽ gián tiếp - nói đến gian khổ, hi sinh và địa bàn hoạt động - thì ở đây, đoàn quân ấy đã hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc, rạch ròi. Đã thành khuôn sáo khi đề cập đến sự can trường của các chiến binh. Ở đây, ta tưởng như gặp một mô-típ như thế:


    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùng"

    Ngay từ câu đầu tiên của đoạn trích đoàn quân của Quang Dũng hiện lên kì dị, có nét lạ thường. Họ đều là những chàng trai – học sinh, sinh viên, tuổi đời còn rất trẻ, họ gác lại việc học tập, ra đi vì nghĩa lớn nhưng đầu ai nấy đều "không mọc tóc". Tác giả đã gợi lại hình ảnh anh "vệ trọc" một thời. Nhưng câu thơ còn có ý tả thực về một hiện thực trần trụi và khắc nghiệt. Một bức tranh hiện thực về môi trường khốc liệt mà những người lính khi xưa phải đối mặt. Đó là bệnh tật hoành hành. Nơi rừng thiêng nước độc, núi cao vách đứng trùng trùng như rình rập đòi mạng người, điều kiện sống của những người lính rất khắc nghiệt. Một trong những căn bệnh đáng sợ nhất đó là bệnh sốt rét. Sốt rét làm người lính "không mọc tóc". Hình ảnh lạ thường nhưng không hề quái đản. Người lính dù có tiều tụy nhưng vẫn ngời lên một phẩm chất đẹp đẽ, kiêu hùng: "Không mọc tóc" chứ không phải là "tóc không mọc". "Không mọc tóc" có vẻ như là không thèm mọc tóc, không cần mọc tóc.. thể hiện thái độ coi thường gian nguy, vượt lên hoàn cảnh của người lính Tây tiến. Giống với hình ảnh người lính trong thơ Chính Hữu: "Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi". Tuy trong gian khổ nhưng người lính vẫn giữ được tư thế hiên ngang, bất khuất, oai hùng.

    Bệnh sốt rét cũng làm nước da người lính trở nên xanh xao, như hòa mình vào màu xanh của cành lá cây ngụy trang trên mũ, ba lô và vai áo. Bệnh tật dày vò là thế nhưng những người chiến sĩ vẫn giữ một tinh thần chiến đấu quật cường. Họ vẫn quắc thước hiên ngang, xung trận đánh giáp lá cà làm cho giặc Pháp kinh hồn bạt vía. Ba tiếng "Dữ oai hùm" đặt cuối câu giống như tiếng dằn rất mạnh, khẳng định ý chí ngút trời, tinh thần chiến đấu sôi sục của người lính. Câu thơ giống như cái hất đầu đầy kiêu hãnh, ngạo nghễ người lính Tây Tiến thách thức gian khổ, chiến thắng gian khổ, trở thành người anh hùng. Những gương mặt "dữ oai hùm" nổi bật lên trong màu xanh lá là hình ảnh để lại cho người đọc một khắc ưu tư về dấu ấn đau thương trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

    Vì vậy, khó khăn, gian khổ là thế, nhưng các chiến binh Tây Tiến vẫn không nguôi đi những tình cảm lãng mạn:


    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

    Những chàng trai tuổi 18, đôi mươi xuất thân là những học sinh, sinh viên đất Hà thành tuy nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà tạm gác bút nghiên, cầm súng lên đường ra chiến trận. Nhưng trong họ vẫn còn một tâm hồn mơ mộng và tràn trề sức xuân. "Mộng" và "mơ" cùa người lính được gửi về hai phương trời: Biên cương, nơi còn đầy bóng giặc - mộng giết giặc lập công, và Hà Nội, quê hương yêu dấu - mơ những bóng dáng thân yêu. Họ với đôi "mắt trừng" đó là đôi mắt đang dõi theo kẻ thù, tràn đầy sự căm hận và sự quyết tâm chống thù. "Mộng qua biên giới" – mộng tiêu diệt quân thù, bảo vệ biên cương, lập nên bao chiến công nêu cao truyền thống anh hùng của đoàn binh Tây Tiến. Đó còn là một giấc mộng hòa bình, giấc mộng chiến thắng trở về quê hương, gia đình. Hình ảnh "Hà Nội" và "dáng kiều thơm" làm lòng họ trào dâng nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ cả người mình thương. Hình ảnh "dáng kiều thơm" trong câu thơ của Quang Dũng đem đến cho người đọc nhiều thú vị đó là ngôn từ vốn có trong thơ lãng mạn thời "tiền chiến" nhưng dưới ngòi bút nhà thơ – chiến sĩ nó trở nên có hồn, đặc tả chất lính hào hoa, trẻ trung, lãng mạn của người lính trẻ đoàn binh Tây Tiến trong trận mạc. Nó là động lực tinh thần giúp người lính băng qua những tháng ngày chiến tranh gian lao của đời mình.

    Bốn câu thơ tiếp theo, tác giả nhìn thẳng vào cái bi nhưng đem đến cho nó một vẻ hào hùng lẫm liệt và sang trọng.


    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

    Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi - xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng không khỏi tránh phải những mất mát, hi sinh.

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

    Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây, âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm. Còn gì thiêng liêng và cao cả hơn sự hi sinh, chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi "mồ viễn xứ" của những người con "chết xa nhà". Nếu tách câu thơ trên ra khỏi đoạn thơ thì nó tựa như bức tranh xám lạnh, ảm đạm và hiu hắt, đem đến nhiều xót thương. Nhưng nằm trong văn cảnh, đoạn mạch, câu thơ tiếp theo: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", đã nâng cao chí khí và tầm vóc người lính. Các anh đã ra trận vì một lí tưởng rất đẹp. "Đời xanh" là đời trai trẻ, là tuổi thanh xuân của "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng..", những học sinh, sinh viên Hà Nội. Họ lên đường đầu quân vì nghĩa lớn của chí khí làm trai. Họ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Câu thơ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" vang lên như một lời thề thiêng liêng, cao cả. Các anh quyết đem xương máu để bảo về độc lập, tự do cho Tổ quốc. Anh bộ đội cũng như nhân dân ta đã đứng lên kháng chiến với quyết tâm sắt đá: "Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Quang Dũng ghi lại cảnh tượng bi tráng giữa chiến trường miền Tây thưở ấy.

    Hai câu thơ cuối tiếp tục âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hi sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp - cái chết bất tử của người lính Tây Tiến.


    "Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Nét bi tráng của người lính Tây Tiến thể hiện thật rõ nét qua những câu thơ trên. Họ ra đi, cầm súng bảo vệ đất nước, và họ ngã xuống hy sinh tráng liệt. Sự hy sinh của những anh hùng vô danh ấy làm cho ta cảm thấy thật xót thương và kính phục biết bao. Câu thơ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" vang lên như một lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", vừa ngang tàn mà cũng vừa cao đẹp. Nơi núi rừng Tây Bắc hoang vu hẻo lánh ấy có bao "mồ viễn xứ" nằm "rải rác" của những chiến sĩ đã ngã xuống. Chỉ có "áo bào thay chiếu" che thân xác các anh nhưng Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của họ và sự hy sinh bình dị mà cao cả ấy. Các anh đã "về đất" một cách thanh thản, yên nghỉ trong lòng đất Mẹ trên vùng đất quê hương, bình yên một giấc ngủ nghìn thu.

    Tiếng thác nước sông Mã "gầm lên" giữa núi rừng miền Tây như tiếng kèn trong bài "Chiêu hồn liệt sĩ" tống tiễn linh hồn liệt sĩ về nơi an giấc ngàn thu. Câu "Sông mã gầm lên khúc độc hành" là một câu thơ hay vì gợi tả được không khí thiêng liêng, trang trọng, đồng thời tạo nên âm điệu trầm hùng, thương tiếc. Phong cách ngôn ngữ của Quang Dũng rất đặc sắc, bên cạnh những từ ngữ bình dị đời lính như: Gục, không mọc tóc, dữ, trừng, về đất, chiếu, gầm lên.. lại có một số từ Hán Việt như: Mộng, mơ, biên giới, dáng kiều, biên cương, viễn xứ, áo bào, khúc độc hành – nhờ đó mà cái bình dị làm nổi bật cái cao cả thiêng liêng, cái bình thường tô đậm cái anh hùng, vĩ đại. Chất bi tráng và màu sắc lãng mạn từ vần thơ tỏa rộng trong không gian và chiều dài lịch sử.

    Tây Tiến là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
     
    ĐINH MAI PHƯƠNG thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...