Cảm Nhận 13 Câu Thơ Đầu Bài Thơ Vội Vàng - Xuân Diệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cactus1103, 13 Tháng tám 2020.

  1. Cactus1103

    Bài viết:
    4
    Cảm nhận 13 câu đầu tiên của bài thơ "Vội Vàng" - Xuân Diệu

    Trong "Thi nhân Việt Nam", nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định: "Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này.". Nhắc tới Xuân Diệu, ta không thể không nhắc tới một bài thơ in đậm dấu ấn, phong cách của ông – Vội vàng. Được rút ta từ tập "Thơ thơ", "Vội vàng" là nỗi ám ảnh thời gian và lòng ham yêu, khát sống đến cuống quýt của Xuân Diệu. Và đặc biệt 13 câu thơ đầu tiên của "Vội Vàng" đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng người đọc bởi uớc muốn táo bạo cùng vẻ đẹp độc đáo của mùa xuân mà Xuân Diệu qua con mắt nhìn đời mới mẻ đã thể hiện điều đó chân thực và ấn tượng đến nhường nào.​

    Với "Vội vàng" nhà thơ đã xây lầu thơ giữa vẻ đẹp cuộc đời. Bài thơ hấp dẫn người đọc không chỉ bởi sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc dồi dào và mạch luận lý sâu sắc trong một giọng điệu sôi nổi, đắm say mà còn mang đến sự trải nghiệm mới mẻ về sự cách tân nghệ thuật độc đáo của một hồn thơ mới Xuân Diệu. Đăc biệt 13 câu thơ đầu, Xuân Diệu đã thể hiện cái nhìn đời rất mới mẻ của mình qua cách đưa người đọc đi khám thính vẻ đẹp trần gian bằng lời thơ chân thành, giàu tính nghệ thuật.

    "Vội vàng" cuốn người đọc đi trong một nguồn cảm xúc dồi dào, mãnh liệt của một con người có con mắt nhìn đời mới mẻ. Xúc cảm ấy bắt nguồn từ thể thơ tự do hết sức linh hoạt:

    Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi

    Một loạt các điệp ngữ "tôi muốn", "cho" kết hợp với động từ "buộc", "tắt" cùng kết cấu lặp đi lăp lại đã tạo nên hơi thở dõng dạc của bản tuyên ngôn, của một ước muốn kì lạ của Xuân Diệu: Giữ riêng mình những vẻ đẹp của thiên nhiên để chúng không tàn phai bởi thời gian. Điệp từ "đừng" lặp lại hai lần lại diễn tả sự níu kéo, lo lắng trong tâm thâm của Xuân Diệu. Ông sợ màu nắng sẽ mất tươi, hoa sẽ sớm tàn, hương sắc sẽ sớm phai. Ông nhìn thấy vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho đời nhưng lại đưa ra giới hạn nghiệt ngã khiến ta chẳng thể mãi hưởng thụ vẻ đẹp ấy. Từ đó càng làm khao khát làm trái ngược quy luật tự nhiên trong nhà thơ mãnh liệt hơn. "Cái tôi" cá nhân ấy của nhà thơ không ém mình, nép mình vào đâu hết, mà lừng lững hiện diện, đứng án ngữ ngay cửa ngõ vào thế giới thơ. Ở đây "cái tôi" cá nhân Xuân Diệu muốn chỉ huy cả nắng, cả gió, cản lại sự vận hành theo quy luật của vũ trụ. Đến đây ta có thể cảm nhận được cái nhìn mới của nhà thơ về cuộc đời. Với ông cuộc đời không phải bể khổ mà là sắc thắm hương nồng và ông muốn thu hết tất cả vào cõi lòng để tận hưởng. Qua đó giúp ta thêm yêu hơn, trân trọng hơn vẻ đẹp cuộc đời, hãy hưởng thụ trọn vẹn nó khi còn có thể.

    Cuộc đời, qua con mắt Xuân Diệu, là "một bữa tiệc thịnh soạn" với bao của ngon vật lạ đang kích thích mọi giác quan của ta và mời ta thưởng thức hưởng thụ:

    Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

    Này đây lá của cành tơ phơ phất;

    Của yến anh này đây khúc tình si;

    Và này đây ánh sáng chớp hành mi
    ;​

    Cụm từ "này đây" được lặp lại liên tiếp trong năm câu thơ liền vừa làm nổi rõ sự hào phóng của thiên nhiên, vừa biểu lộ sự phấn chấn tột độ của nhà thơ khi đối diện với cuộc đời. Có một cái gì như sự cuống quýt muốn vơ tất cả vào tay mình và cảm giác mê người trước vẻ trinh tiết, tơ non của sự sống. Nhà thơ như muốn nói trong cử chỉ vôi vàng và trong nhịp ngôn từ dồn dập, rằng: Tất cả là của chúng ta, chúng gần lắm, rất vừa tầm tay, còn chần chừ gì nữa.. Điệp từ "của" xác định quan hệ sở hữu vang lên như một lời thúc giục hết sức nhiệt tình. Bởi trước con mắt Xuân Diệu bây giờ là mùa xuân đẹp nhất của thiên nhiên, là mùa xuân đẹp nhất của đời người. Mùa xuân thiên nhiên có hình ảnh ong bướm đang dập dờn hưởng thụ "tuần tháng mật"; có tấm thảm tươi non của "đồng nội xanh rì", của "cành tơ phơ phất", có âm thanh tiếng hát say mê của yến anh và có ánh nắng đẹp của thiên nhiên làm chớp hàng mi. Xuân Diệu khiến ta cữ ngỡ mặt đất đã hóa thiên đường mà thiên đường của Chúa thì làm gì có tình yêu mà thiên đường cuộc sống trong con mắt Xuân Diệu đã thấm đẫm cả một màu yêu, màu của hạnh phúc khi tất cả các hình ảnh thiên nhiên đều được nhà thơ tình yêu hóa. Những ong bướm, hoa, cành tơ, yến anh.. ở đây ẩn dụ chỉ tuổi trẻ yêu đương; và tuần tháng mật, khúc tình si là ẩn dụ chỉ trạng thái nồng nàn, đắm đuối của tình yêu. Vậy là mùa xuân của tác giả không chỉ có cảnh mà còn có tình nên mùa xuân ấy thật trọn vẹn, tươi vui. Nhìn đời bằng cặp mắt của kẻ si tình, yêu cuộc sống nên cuộc đời chẳng phải bể khổ mà là sắc thắm, hường nồng và thế là mỗi ngày với nhà thơ là:

    Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

    Thi nhân đã tạo ra sự bất ngờ đầy thú vị bởi sự liên tưởng bất ngờ hết sức độc đáo. Hình ảnh "thần vui hằng gõ cửa" gợi liên tưởng gần gũi với hình tượng mặt trời trong thần thoại Hy Lạp xưa, cũng có thể là vị thần mang niềm vui ban tặng cho thế gian vào mỗi buổi sớm ban mai, đánh thức mọi người dậy để tận hưởng thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp. Với Xuân Diệu mỗi ngày được sống, được chiêm ngưỡng ánh dương, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày hân hoan vui sướng. Và trong niềm hân hoan vui sướng đó ngòi bút của Xuân Diệu thật sự rất xuất thần, ông đã sáng tạo nên 1 câu thơ tuyệt bút:

    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

    Đây là câu thơ mới mẻ nhất, hiện đại nhất, thể hiện cái nhìn khác lạ của nhà thơ với đời một cách chân thực nhất. Ta thấy trong suốt cả mười thế kỉ của thơ ca trung đại bởi sự chi phối của những quan niệm riêng nên con người cá nhân xuất hiện mờ nhạt hoặc chìm lấp sau các mô típ sáo mòn đã trở thành côn thức. Họ coi thiên nhiên, đất trời, vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng, không gì sánh bằng nên con người xuất hiện đằng sau vẻ đẹp tạo hóa:

    Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

    Xuân tăm hồ sen, hạ tắm ao


    (Nguyễn Bỉnh Khiêm)​

    Hay thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp, vẻ đẹp thiên nhiên sẽ soi chiếu cho vẻ đẹp con người:

    Làn thu thủy nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắ, liễu hờn kém xanh.


    (Nguyễn Du)​

    Nhưng đến với Xuân Diệu, ông đã đưa ra trước mắt chúng ta một quan niệm hoàn toàm mới mẻ về con người. Con người chính là vẻ đẹp hoàn mĩ nhất của tạo vật, là chủ nhân của cuộc sống. Nhà thơ cảm thụ thiên nhiên bằng tình lứa đôi, bằng thể xác và tâm hồn. Sự hấp dẫn của thiên nhiên hiện ra trong vẻ đẹp của người tình với "cặp môi gần" căng tràn tươi trẻ, mê đắm và quyến rũ. Từ ngon được thốt lên đầy khát khao, nhục cảm bởi nhà thơ đã huy động mọi giác quan: Từ thị giác, tính giác, vị giác đến xúc giác để tận hưởng thiên nhiên, tuổi trẻ và cuộc đời này. Phép so sánh như đã đưa cặp môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của vũ trụ, con người trở thành chuẩn mực cho cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp của tạo hóa. "Tháng giêng" là một khái niệm thời gian vốn vô hình, nhưng trong phép so sánh vừa táo bạo vừa mang sắc thái biểu cảm ấy đã trở nên trẻ trung hữu hình qua vẻ đẹp cặp môi gần của người thiếu nữ đầy sâu sắc. Nét mới mẻ trong cái nhìn của tác giả về cuộc sống ấy là dấu ấn quan trọng để lí giải lí do vì sao vừa mới xuất hiện trên thi đàn, người ta đã định danh Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ! Đang ngây ngất trong mùa xuân đất trời, tuổi trẻ nhà thơ chợt nhận ra bản thân không thể chờ "nắng hạ mới hoài xuân" nên những câu thơ sau vang nên thật buồn bã:

    Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

    Hai câu thơ được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng vừa vồ vập đắm say vẻ đẹp của cuộc sống tình yêu vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà thơ vì thời gian qua mau, tuổi trẻ một đi không trở lại. Quả thật Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan tinh tế về thời gian.

    Trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ Xuân Diệu nhất. Bằng những liên tưởng, so sanh mới lạ, cùng các biên pháp nghệ thuật như điệp ngữ, liệt kê.. và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc mong manh và mạch luận lý, giọng điệu say mê, sôi nổi nên Xuân Diệu đã thành công thể hiện cái nhìn rất mới mẻ về cuộc sống và đó cũng là quan niệm mang ý nghĩa nhân văn tích cực: Trong thế gian này đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu; thiên đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Vì vậy hãy sống thiết tha yêu, hãy đắm say tận hưởng và tận hiến để mỗi ngày qua đi ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc.

    Nhà văn Nga Xantưkốp Sêđrin đã từng khẳng định: "Văn học nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian. Và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". 13 câu thơ đầu của "Vội Vàng" (Xuân Diệu) cùng tác phẩm sẽ sống mãi trong thi đàn văn học, sống mãi trong lòng người đọc bởi thông điệp ý nghĩa mà Xuân Diệu muốn gửi tới cuộc đời mỗi chúng ta. Hãy sống hết mình, sống trọn từng khoảnh khắc của cuộc đời.

    * bài viết của cactus1103, có tham khảo một số tài liệu*​

     
    PhươngThảo0710 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...