Những dòng nhật ký của wings

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi Wings, 1 Tháng năm 2019.

  1. Wings

    Bài viết:
    1
    Cái Giá Của Thành Công Phải Chăng Là Nỗi Lòng Đứa Con Xa Xứ?

    Tôi viết những dòng này khi đang trên xe Cường Thủy về lại Sài Gòn thu xếp nốt những công việc còn lại trước khi về Xuân Lập một thời gian.

    Đây có lẽ là quyết định khó khăn nhưng nếu không làm thì có lẽ tôi sẽ cả đời ân hận.

    Tuần rồi, mẹ tôi nhập viện cấp cứu ở BV Long Khánh, ông bà giấu diếm không cho chị em tôi hay vì sợ chúng tôi lo lắng và bỏ công bỏ việc chạy về. Cho đến khi tôi tình cờ phát hiện ra khi điện thoại về. Cảm giác lúc đó của tôi cực kỳ tệ hại và khủng khiếp, đó là cảm giác bất lực và tự trách đến tột cùng.

    Tôi về ngay chiều đó để chứng kiến ông bà dắt díu, chăm sóc cho nhau trên giường bệnh. Và nhìn quanh cũng là những ông bố bà mẹ như thế, có người bữa cơm trưa còn nhờ lòng hảo tâm của người ta mua giúp.

    Giữa những cảm xúc ngột ngạt không tên, lòng tôi chỉ khát khao cho sự trở về.

    Nhà rôi rất nghèo, gia đình thuần nông lớn lên bằng rẫy vườn. Nhưng ba mẹ tôi hiểu được muốn thoát nghèo thì phải cho con học lấy cái chữ, bán đời mình cho ruộng rẫy, mua lấy cho con kiến thức vào đời được bằng thiên hạ.

    Tôi xa nhà năm 12t ra Lk học để rồi từ đó là những chuỗi ngày xa quê đằng đẵng, quê hương rồi chỉ có thể về thăm chứ k còn là nơi mình sống mỗi ngày.

    Tôi tốt nghiệp ĐH cách đây gần 15 năm rồi thi công chức vào một cơ quan nhà nước ở Sài Gòn. Bên cạnh đó tôi còn có nhiều công việc khác phụ trợ. Và tôi có một cuộc sống tạm gọi là ổn định. Cái duy nhất làm tôi day dứt chính là có những chiều đi làm về hay những chuyến bay muộn về đến SG lúc nữa đêm, tôi khát khao có ba mẹ chờ mình ở nhà. Tôi thèm mỗi sáng thức dậy trong hương cà phê của ba và cơm hấp cá khô nướng của mẹ.

    Ba mẹ hãnh diện về tôi, về chị cũng như bao ông bố bà mẹ khác ở làng quê Xuân Lập khi thấy con mình có chỗ đứng trong xã hội, khi ngày ngày có thể váy áo đẹp đi làm không lam lũ như đời mẹ cha nó.

    Nhưng những đứa con như chúng tôi chưa bao giờ vui khi phải tha phương nơi xứ người, nhất là những đứa con còn độc thân và có cha mẹ già neo đơn nơi chốn quê nhà.

    Có lẽ không dễ dàng để từ bỏ khi từng ấy năm qua tôi đã dốc sức rất nhiều, học tập, lao động bất kể ngày đêm và có khi là hi sinh cả những ngày cuối tuần để gầy dựng. Ngay tại thời điểm này, tôi vẫn đang có một project khá lớn.

    Nhưng rồi hôm ấy, tôi ngồi thật lâu trước sảnh bệnh viện, tôi tự hỏi cuối cùng thì được gì và mất gì?

    Tôi đánh đổi những năm tháng thanh xuân của tôi để đổi lấy thành công? Điều đó không quan trọng, quan trọng là tôi đã đánh mất khoảng thời gian êm đềm bên cha mẹ, khoảng thời gian lẽ ra tôi cần ở bên họ.

    Và rằng, cuộc hành trình của tuổi già chính là cuộc hành trình không thể quay lại.

    Tôi có thể mua nhà, sắm xe, ngày càng cao hơn về địa vị, để rồi được gì trong những tối chông chênh vắng hơi ấm tình thân mẹ cha?

    Tôi có thể chọn 1 cuộc đời bình thường hơn, 1 cuộc đời không được coi là thành công như người đời vẫn nghĩ.

    Thay vào đó, tôi có cha có mẹ bên mình cho những giây phút ấm êm.

    Các bạn trẻ, nếu có thể hãy viết kế hoạch đời mình từ năm 18t và nhất định trong kế hoạch ấy phải có cha mẹ bạn trong đó.

    Ngày thật dài, đường về SG thật nắng, có những chuyến đi dài hơn đất trời và mãi không đến nơi.
     
    Hanna0424 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng tám 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Wings

    Bài viết:
    1
    Xôi bánh tiêu cô Hoa

    Tối làm về muộn, ngừng đèn đỏ chợt bị hấp dẫn bởi mùi xôi thơm ngát bên kia ngã tư. Xe xôi nghi ngút khói với đủ loại xôi, đủ màu sắc, xôi nếp than nước cốt dừa, xôi đậu phộng, xôi bắp.. thế nhưng tìm hoài chẳng thấy xôi bánh tiêu hồi xưa.

    Xôi cô Hoa bán ở chợ Tân Lập ngay cổng chợ, chỗ nhà thuốc tây chú Thận và cô vẫn giữ nguyên vị trí này cho đến bây giờ, rất thuận tiện cho lũ trẻ con đi họ được ba mẹ chở ghé ngang qua. Cứ sáng sớm là cô bày hàng ra, mọi thứ để trong mấy cái thau nhôm sáng tinh gọn gàng và nghi ngút khói. Cô dọn hàng rất sớm, cho bọn học sinh đi học, cho mấy người đi làm công..

    Hồi đó sáng đi học ăn nắm xôi cô Hoa cái là no tới trưa. Cô Hoa chỉ bán một loại xôi nếp mộc mạc gối trong lá chuối với đậu xanh cà, điểm thêm mấy sợi dừa béo ngậy, rắc thêm đậu phộng đường là tuyệt vời ông mặt trời. Hồi đó mình là chúa trùm xin thêm muối đậu phộng. Mà đặc sản xôi cô Hoa có lẽ chính là xôi bánh tiêu. Mình thật sự không biết là chỉ có quê mình có món này hay không, nhưng mình đi qua nhiều nơi, về miền Tây hay ra miền Bắc cũng chưa gặp. Chỉ duy có lần lên Đà Lạt tình cờ bắt gặp một gánh xôi bánh tiêu như trong hình.

    Cô Hoa xẻ nữa cái bánh tiêu vàng ruộm lớp mè rồi cho xôi, kiểu như bánh tiêu nhân xôi vậy. Rồi lũ trẻ con cứ thế mà cầm cái bánh tiêu ăn ngon lành, vừa gọn tiện vừa có hương vị khó quên.

    Thỉnh thoảng về quê vẫn thích theo mẹ ra chợ, mua xôi cô Hoa ăn, vẫn là nắm xôi bánh tiêu ấy, xôi vẫn ngon chỉ là không còn có được cảm giác háo hức của đứa trẻ năm xưa. Thế cho nên ai đó từng nói, hãy sống trọn vẹn từng phút giây, người xưa có thể gặp lại, cảnh cũ có thể quay về, chỉ là cảm giác ngày xưa cũ, khó mà tìm lại.

    Nói tôi nghe, bạn đã từng ăn xôi cô Hoa chưa?
     
    Hanna0424Alissa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng tám 2020
  4. Wings

    Bài viết:
    1
    Suối Phèn - Thầm Lặng Mối Tình Đầu

    Tôi sinh ra và lớn lên ở Tân Lập, cụ thể hơn là Suối Phèn, tôi chẳng hiểu sao nó lại có tên như vậy dù nước suối thì bốn mùa trong mát.

    Nơi ấy, tôi có một mái gia đình yêu thương giữa một khu vườn trái cây sum suê, và nơi ấy tôi có một mối tình đầu đẹp như thơ như nhạc, nơi ấy, có một người mà tôi từng gọi là người thương.

    Nhà anh ở cạnh nhà tôi, chỉ cách cái mương nước nhỏ phóng ào cái là qua. Thuở ấy, mấy nhà trong rẫy hình như chẳng rào giậu chi kín kẽ hết, cùng lắm là hàng dâm bụt hay cây trà cứ để mọc um tùm. Bà con trong làng trong xóm hết, cũng không nghe ai nói mất mát cái chi đáng giá bao giờ. Vườn nhà anh trồng sầu riêng, chôm chôm với cà phê, vườn nhà tôi cũng từng ấy thứ. Ba anh với ba tôi hay trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, bỏ phân lúc nào, làm chồi lúc nào, thỉnh thoảng hai người còn vần công cho nhau những ngày cao điểm không tìm được người phụ. Mẹ anh với mẹ tôi thì khỏi nói, hai bà suốt ngày chạy qua chạy lại, từ chuyện con cái cho đến chợ búa. Cả gia đình anh và gia đình tôi đều từ xa đến đây lập nghiệp nên càng thấm thía câu "láng giềng gần". Hồi ấy, quà bánh không thịnh hành như bây giờ, mẹ tôi và mẹ anh hay nấu chè, làm bánh rồi bưng cho qua cho lại, đậm đà lắm cái tình nghèo. Tôi từ nhỏ đã theo anh như hình với bóng, mẹ tôi khó sinh nên chỉ có tôi là con gái, anh thì còn đến 4 đứa em phía sau.

    Ngày bé, tôi hay qua nhà anh chơi với anh và các em anh, chân tôi ngắn chưa phóng qua mương được, anh trèo xuống cõng tôi qua, vừa cõng vừa ghẹo "anh thả em xuống cho con cua nó kẹp em nha" làm tôi sợ hãi nước mắt lưng tròng.

    Khu vườn nhà anh là cả thế giới với chúng tôi lúc đó, mấy đứa con nít nhìn đâu cũng thấy đồ chơi. Anh cắt lá dừa, lá chuối làm nhà, còn đào cái hố con con làm giếng. Mấy đứa con gái hái lá khoai mì làm dây chuyền, lắc tay, xé lá chuối, lá dừa đan đồng hồ. Anh hay làm cho tôi chiếc kèn là chuối và mấy con châu chấu lá dừa, tôi thích mê cứ treo mãi trong nhà cho đến khi nó khô quắt queo.

    Mùa sầu riêng đến thì khỏi phải bàn, đám con gái "lụm" bông sầu riêng chơi đồ hàng, bày trò nấu nướng đủ thứ rồi đem bán, "tiền" chính là những lá sầu riêng rụng bạt ngàn trong vườn. Có lúc lại bày trò làm cô dâu, đứa nào cũng muốn làm cô dâu vì được "mặc đẹp". Váy cô dâu là lá chuối xé tua rua quấn vòng quanh người, đeo dây chuyền lá khoai mì, đồng hồ lá dừa, nhẫn lá chuối..

    Lớn hơn một chút, anh bắt đầu phụ ba làm rẫy, từ làm bồn, làm cỏ, tỉa chồi cho đến thu gom sầu riêng, hái chôm chôm. Những đứa trẻ nhà nghèo thường trưởng thành sớm. Vậy mà, hôm nào có thời gian anh lại xách cần đi câu cá, tôi lon ton xách thùng chạy theo anh sau khi mè nheo rất lâu để đòi theo. Cần câu anh làm từ nhánh tre trong vườn sau khi uốn dưới trên than hồng, lưỡi câu với phao thì mua ở tiệm tạm hóa cô Mỹ Hảo. Mồi câu thường gặp nhất là trùng, đất Suối Phèn thuở đó nhiều trùng vô hạn, mùa mưa chỉ cần nâng lu nước lên là thấy trùng bò lỏm ngỏm. Anh thả cần ở mấy cái mương nước nhỏ trong vườn, rồi nhảy mương sang vườn nhà hàng xóm. Hồi đó, mọi người cứ đi câu trong vườn người khác mà chẳng e ngại chi hết, cả người câu lẫn chủ vườn, mọi người sống chan hòa đầm ấm lắm. Anh nổi tiếng sát cá, anh chỉ thả cần nhấp nhấp vài cái là có con cá "tràu dục" mắc câu giãy đành đạch trên bờ cỏ. Tôi cứ say mê theo anh gỡ cá, chỗ nào mương nước sâu anh ngừng lại, đỡ tôi qua rồi mới đi tiếp.

    Có khi hai đứa đi xuyên trưa, buổi trưa anh gom nhánh cây khô nhóm lửa nướng cá cho 2 đứa ăn với gói muối tiêu anh giắt theo trong túi. Có khi anh còn hái mít cám non hay xin khế của bà Tư cho tôi ăn. Xong xuôi lại đi câu tiếp, có hôm tôi buồn ngủ, tựa vào vai anh ngủ ngon lành trong tiếng cá đớp mồi dưới hồ rồi chợt tỉnh dậy dưới cơn mưa đã bắt đầu nặng hạt. Anh hoảng hốt nắm tay tôi kéo chạy vô gốc cây, hái lá môn nước che đầu cho tôi "em mà bệnh về má em la anh chết, đã biểu không đi theo rồi mà cứ đòi". Nói vậy, nhưng lần nào đi câu anh cũng cho tôi theo.

    Chúng tôi cứ thế lớn lên, tình cảm nớt cứ vậy mà hình thành lúc nào tôi không hay.

    Nhà anh nghèo, nhà tôi cũng nghèo như ba mẹ đều cố gắng cho chúng tôi đến trường để học lấy cái chữ. "Học để thoát nghèo". Năm tôi lớp 10, anh lớp 11, mẹ tôi nhờ anh chở đi học ở ngoài Long Khánh. Đó là những tháng ngày tôi không bao giờ quên trong đời mình, tình yêu đầu tiên, cái nắm tay đầu tiên và.. nụ hôn đầu tiên.

    Trên chiếc xe đạp cà tàng, chúng tôi đi qua những tháng ngày mật ngọt.

    Những sớm mai đầy sương, anh đợi tôi nơi đầu dốc, dúi vào tay tôi củ khoai còn nóng ấm rồi cười toe toét chở tôi đi giữa đất trời đang nồng nàn hương cà hoa cà phê trắng muốt.

    Những trưa nắng áo anh mướt mồ hôi đường bụi mù đất đỏ "Nè, mai giảm cân đi nha, con gái gì mà mập quá!" "Hứ, vậy không thèm anh chở, mai em tự đi".

    Những chiều đường Bàu Sen mưa tầm tã, hai đứa co ro trong cái áo mưa mỏng te, anh lo em bệnh guồng chân như nhanh hơn.

    Lần em bị vướng tà áo dài vào xích xe, khóc sướt mướt, anh cởi áo trắng ra che cho em rồi vừa cặm cụi tháo áo vừa nói "khóc cái gì mà khóc, đường vắng hoe có ai thấy đâu, có mình anh à, mà mai mốt anh cưới em rồi nên không phải sợ".

    Vậy đó, mà rồi..

    Mùa sầu riêng năm sau nữa, ba anh trèo cây xịt thuốc té..

    Anh bỏ học trở thành người đàn ông của gia đình, che chở cho mẹ, cho các em, nhưng đó cũng là lúc anh nói rằng anh không còn có thể là người đàn ông của tôi nữa, anh nói tôi còn tương lai, tương lai rất đẹp, còn anh, đường học vấn dở dang mất rồi.

    Tôi khóc lóc, tôi níu kéo, nhưng rồi như hệt diễn biến trong các tiểu thuyết tình cảm, không những anh mà mẹ tôi cũng không đồng ý mối tình này "Mẹ cũng thương thằng H nhưng nhà nó nghèo quá, nó còn cả bầy em. Giờ ba nó mất rồi, một mình nó lo cho cả nhà còn k xong, làm sao nó lo cho con được? Con nghe mẹ, năm nay con học 11 rồi, năm nữa là thi ĐH, tương lai con rộng mở lắm, rồi sau này, khi con nhìn lại, sẽ thấy mẹ đúng".

    Rồi,

    Bà nội bảo lãnh nhà tôi sang Mĩ định cư. Ngày đó, tôi viết thư cho anh rồi nhờ bé út em anh đưa cho anh, tôi hẹn gặp anh lần cuối ngoài bờ suối. Con suối mà tôi ngồi tựa đầu lên vai anh câu cá không biết bao nhiêu lần, con suối của những đêm trăng hò hẹn lén mẹ lén cha, con suối của cái chạm môi đầu đời ướt đẫm sương đêm, con suối của cái nắm tay hò hẹn thuở tình yêu vừa chớm.

    Trăng ngày càng lên cao, tiếng bìm bịp kêu thê lương.

    Anh không đến.

    Rồi từ đó tôi xa quê đi mãi, ôm trong lòng một khối tình câm lặng.

    Tôi đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chỉ là không bao giờ gặp được người tôi thương.
     
    Hanna0424 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...