Cách lập dàn ý cho một đoạn văn nghị luận xã hội (thường là 200 chữ) Văn nghị luận xã hội là một dạng văn mà hầu như mọi học sinh cấp 2, cấp 3 đều phải đối mặt. Trong nghị luận xã hội thì có nhiều dạng, tuy nhiên nhiều bạn có thói quen cứ đọc đề xong là đặt bút xuống viết, không lập dàn ý, nên đôi khi bài văn bị lộn xộn, không theo logic. Có nhiều bạn cũng muốn lập dàn ý cho bài văn, tuy nhiên vì nhiều lý do mà các bạn không biết nên làm một dàn ý thế nào. Hồi cấp 2 mình cũng từng vướng phải vấn đề này, bảo là lập dàn ý nhưng mình cứ hay viết hẳn cả câu ra luôn. Thế nên hôm nay mình muốn chia sẻ cho các bạn cách tạo lập một dàn ý cho đoạn văn nghị luận, bởi vì thật sự thì lập dàn ý cho một bài văn lúc nào cũng dễ hơn một đoạn văn cả. Cấu trúc chung cho một bài văn nghị luận xã hội Mình nghĩ cái này thì lúc học hẳn là các bạn đã biết rồi, nhưng thi thoảng các bạn lại quên đi mất, hoặc khi đưa ý vào thì lại thiếu. Thế nên mình muốn nêu về phần này đầu tiên. Cấu trúc của một bài nghị luận xã hội thì hiển nhiên vẫn phải đủ 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Về phần mở bài, đây là phần mà bạn phải dẫn dắt, nêu ra đề tài của mình. Thường ở phần này bạn có thể dẫn dắt thực tế hoặc đưa các câu châm ngôn, danh ngôn. Ngoài ra, nếu là dạng bài về tư tưởng, đạo lý thì hiển nhiên bạn phải nêu được tư tưởng, đạo lý này ở phần mở bài. Về thân bài, đây là phần bạn phải diễn giải, nêu bật ra được chủ đề trong bài nghị luận xã hội của mình. Thông thường thân bài sẽ có ba phần chính là: Giải thích, bàn luận và thực tế. Giải thích có nghĩa là bạn phải diễn giải về những câu châm ngôn, tình huống thực tiễn hay tư tưởng đạo lý đó. Có một số trường học bạn phải giải thích từng chữ, rồi giải thích nội dung chung thống nhất. Có đôi khi bạn có thể lược bỏ phần giải thích từng chữ. Về phần bàn luận, bạn phải nêu được lý do dẫn dắt trong chủ đề của mình. Tiếp theo đó là những ví dụ thực tế, biểu hiện của chủ đề này. Hai vấn đề này đôi khi cũng có thể đổi chỗ cho nhau. Và cuối cùng của bàn luận là mở rộng và phản đề. Về phần thực tế, mình hay gọi nó là liên hệ thực tiễn. Hiển nhiên là liên hệ được thì tốt, nhưng trước khi liên hệ thì phải khẳng định lại một lần nữa đạo lý, tư tưởng hay bài học rút ra được. Còn về kết bài, thường là dùng để khẳng định lại giá trị của đạo lý, tư tưởng được đề cập và mở rộng thêm. Cách lập dàn ý cho một đoạn văn nghị luận xã hội (thường là 200 chữ) Như đã nói ở trên thì cấu trúc một bài cơ bản thì gồm mở bài, thân bài và kết bài. Và hiển nhiên dù là một đoạn văn nghị luận xã hội vẫn phải đầy đủ ba phần mở, thân, kết, nhưng ở dạng của một đoạn văn. Để lập dàn ý cho một đoạn văn nghị luận xã hội thì bạn có thể tham khảo theo cách sau đây. Mở bài: Bạn phải xác định được vấn đề mà đề bài yêu cầu là gì? Sau đó và đưa đề tài này vào trong câu mở bài. Bạn có thể đọc đề bài và gạch chân dưới chủ đề của đề bài, nhớ chú ý về số lượng từ khống chế của đoạn văn để lựa chọn cách mở đoạn phù hợp. Và thông thường, mở đầu của một đoạn văn thường là mở bài trực tiếp trong 1 câu, thế nên bạn phải xác định rõ mình viết về cái gì? Thân bài: Đây chỉ là dàn ý, thế nên thứ bạn cần ghi ra những thứ chính cần cho bài văn, chứ không phải viết hẳn cả câu. Trong thân bài, bạn phải xác định được đối tượng của mình để bản thân giải thích và tìm biểu hiện. Dàn ý của bạn ở thân bài sẽ là câu trả lời ngắn gọn của các câu hỏi sau: Khái niệm là gì? Biểu hiện thế nào? Ý nghĩa, tác dụng là gì? Có phản đề không? Nếu có thì là gì? Bài học rút ra là gì? Có thể liên hệ thế nào? Kết bài: Đây là phần khẳng định lại nội dung của đoạn văn mà bạn vừa viết. Thế nên bạn phải xác định được câu trả lời cho câu hỏi: Bạn muốn nhấn mạnh điều gì? Nên nhớ, dàn ý chỉ là một phần ghi chú ngắn, nhanh gọn để đánh dấu thứ tự cũng như các kiến thức mà bạn cần đề cập đến. Dàn ý cũng sẽ giúp dễ "thuộc bài" hơn khi học tủ văn. Thế nên đừng cố học hết từng câu từng chữ trong câu, chép cả câu dài vào dàn ý mà hãy xác định từ khóa để dàn ý gắn ngọn và đầy đủ nhất có thể. Chúc các bạn thành công và dễ dàng thêm thắt các dàn ý, biến nó thành một bài văn hay nhé.
Hướng dẫn vậy cũng khá chi tiết rồi đó chớ. Mà ngày xưa làm văn bị cuồng phần phản đề nhưng mà để thực sự có ý viết triển khai vô đó thì khá khó bởi vì cần hiểu thực tế nhiều thì mới có thể viết và nêu quan điểm cảm nghĩ của mình được. Nhìn chung thì NLXH cũng đơn giản, mà nên có thêm 1 bài mẫu minh họa rồi chỉ ra phần nào phần nào cụ thể thì nó sẽ càng hay hơn nữa nha