Tư vấn Cách giải tỏa áp lực tâm lý

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 7 Tháng mười hai 2020.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,713
    Chào mừng các bạn đã quay trở lại với Game Show - Ai là nhà tâm lý tài ba?

    Như các bạn cũng đã thấy rồi đấy, thời điểm kết thúc một năm nữa đang đến gần, và áp lực công việc cuối năm càng lúc càng nhiều. À, mà không chỉ áp lực công việc đâu chứ nhỉ, đối với một số bạn lại là áp lực học hành này, áp lực tình cảm này, vân vân và mây mây. Và chúng cũng dần dần hình thành nên một loại áp lực vô hình mà người ta gọi đó là "áp lực tâm lý"

    Vậy, câu hỏi của tuần này sẽ là: Làm thế nào để giải tỏa áp lực tâm lý?

    Một câu hỏi mà mình nghĩ khá là khó đấy, vì ai mà chả có áp lực tâm lý ^^ Nhưng mà, bằng cách nào đấy, chúng ta hãy cùng giúp đỡ nhau, tìm hiểu phương pháp của nhau bằng cách trả lời câu hỏi này, biết đâu bạn sẽ tìm được điều mình cần trong vô vàn những câu trả lời ở đây?

    Nào, hãy giúp mình trả lời nhé!
     
  2. Huyền Dạ

    Bài viết:
    281
    Nếu buồn thì cứ khóc đi, khóc cho mệt rồi thì bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.

    Thực ra trong mọi thứ đều có áp lực. Học tập thì áp lực về điểm số, về không hiểu bài, hay chỉ đơn giản là không làm bài tập rồi áp lực.

    Đi làm thì áp lực về tiền bạc, thời gian, cấp trên phê bình.

    Những lúc bạn bị áp lực ấy, hãy tìm đến một người hiểu ta để chi sử những điều đó. Ví dụ bạn có thể nói với bố mẹ, bạn bè, người yêu.. một người có thể để ta dựa vào. Họ sẽ cho chúng ta những lời an ủi, lời khuyên cho những vấn đề ta gặp phải

    Nếu không có ai, vậy chúng ta có thể tự giải tỏa áp lực cho bản thân. Thay vì làm những công việc như mọi ngày, bạn có thể dành cả ngày để đi chơi, du lịch, rồi bạn sẽ thấy áp lực giảm bớt. Nếu không có thời gian để đi chơi, hãy dành ra khoảng nửa tiếng, tìm hiểu về những trường hợp tương tự như bản thân, rồi bạn sẽ tìm ra cách giải quyết. Hay đơn giản bạn chỉ cần nghĩ, một ngày có 24 h, một ngày sẽ qua đi và ngày mới sẽ tới. Chả có gì phải sợ cả, chả có gì phải áp lực. Rồi sẽ giải quyết ổn thỏa thôi.

    Còn nếu bạn cảm thấy quá áp lực với những công việc đó, cho dù làm cách nào cũng không giải quyết được, vậy thì bỏ đi, không làm nữa. Không làm sẽ không có áp lực. Nhưng nếu bạn vượt qua áp lực đó, khi bạn nhìn lại, bạn sẽ thấy chả có gì phải áp lực cả. Việc đó cuối cùng cũng được giải quyết. Không sớm thì muộn, không nhanh thì chậm.
     
    Mạnh ThăngAdream thích bài này.
  3. Lục Thất Tiểu Muội July đang cống mình cho tư bản ;_;

    Bài viết:
    456
    Làm thế nào để giải tỏa áp lực tâm lý?

    Chuyện này xảy ra đối với mình khá thường xuyên, đa phần là do bản thân suy nghĩ quá nhiều, cuộc sống lại cứ không buông tha cho những người như mình. Những lúc thế này mình thường đi ngủ, trầm trọng hơn có thể tìm một góc nào không có ai nhìn thấy mà khóc to một trận, đôi khi không khóc được thì tìm một bộ phim nào đó thật ngược để xem, mượn nội dung phim mà khóc, khi khóc xong tự hứa với mình sẽ không khóc và thất vọng vì chuyện này lần thứ hai nữa.

    Đó là cách mình vẫn hay giải quyết. Cuộc đời lắm gian nan, chúng ta sẽ gặp những chuyện khiến bản thân phải buồn, phải thất vọng và có lúc gục ngã, tự bản thân có thể điều tiết và chi phối được cảm xúc là điều rất tốt, bởi vì những áp lực này không thể nói ra với người khác, mà nói ra có khi cũng không ai hiểu và thông cảm được cho bạn. Vậy nên việc tự giải tỏa áp lực tâm lí rất quan trọng, nó sẽ theo bạn trong suốt quãng đường đời dài đằng đẵng này, cố lên!
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  4. Nguyễn Ngôn

    Bài viết:
    48
    Em lại được đến với câu hỏi của tuần này: Làm thế nào để giải tỏa áp lực tâm lý?

    Đây là một câu hỏi mang tính thực tế cao, mấy câu trả lời chỉ bằng lí thuyết suông như những tuần trước không thể áp dụng vào để trả lời cho câu này được, vì thế, em sẽ nói luôn ra những biện pháp, những cách giải quyết tối ưu nhất.

    Sẽ có hai bước:

    Bước đầu, ta sẽ sống cùng với áp lực.

    Nghe hơi hoang đường vì bản thân mình đang muốn tránh xa nó mà, ai rảnh giờ lại sống cùng nó?

    Nhưng, ý em chính là, sống với áp lực nhưng hãy coi nó là người lạ, đừng đả động đến nó, đừng hỏi thăm nó, đừng chào nó, đừng đoái hoài gì đến nó!

    Đây thật sự là một việc rất khó, cực kì khó, vì nó luôn ở đấy, ta có lờ nó đi thì nó vẫn ở đấy nhưng đây chỉ là bước đầu thôi.

    Chính vì dù có lờ đi, nó vẫn ở đấy nên ta sẽ phải luyện tập cách làm lơ nó:

    + Đầu tiên, hãy đi ngủ cái đã. Sự thực là đi ngủ khiến não bộ ta không phải suy nghĩ gì hết, hay cứ tạm gọi là nghỉ ngơi. Tuy đây không phải là một các có hiệu quả lâu dài nhưng nó có hiệu quả nhất định.

    Tuy rằng, tỉnh dậy, ta sẽ lại phải đối mặt với những áp lực đó nhưng ít nhất, ta còn có một lúc để nghỉ ngơi. Còn nếu, áp lực lớn đến mức ta không ngủ được thì hãy cưỡng chế bản thân phải ngủ bằng cách sử dụng thuốc ngủ..

    + Cách tiếp theo, hãy làm một việc khiến ta thoải mái nhất có thể. Vì cái việc khiến ta thoải mái thì có rất nhiều, mà mỗi người thì lại có một cách khiến mình thoải mái một khác nên em chỉ đưa ra một vài ví dụ:

    • Nếu ta thấy thoải mái khi mình chơi game thì ta cứ chơi thôi.

    • Ta thấy thoải mái khi ta đọc sách, hãy lập tức cầm một quyển sách yêu thích lên và đọc.

    • Ta thấy thoải mái khi chia sẻ, thì ta cứ tìm một người phù hợp và chưa sẻ thôi.

    • Thậm chí, nếu ta thấy thoải mái khi hút thuốc thì hãy hút đi. Tuy nhiên, đây là một cách làm khá tiêu cực, nên giải tỏa áp lực bằng một cách lành mạnh hơn. (Nước ta không cấm hút thuốc, nhưng không khuyến khích hút thuốc. Hãy để bản thân sống một cách lành mạnh, giải tỏa áp lực một cách lành mạnh)

    Nhưng hãy nhớ rằng, có những cách ta giải tỏa không tốt, rất toxic, thì ta đừng lấy "giải tỏa áp lực" làm lí do để ta thoải mái nhé.

    Đó là những cách tập quên đi áp lực. Đó cũng chính là bước đầu ta phải làm.

    Bước hai, giải quyết áp lực.

    Đây chính là bước hữu hiệu, bước chính. Dù có quên nó thì nó vẫn ở đấy, dù bạn có quên được áp lực này thì sao? Những áp lực sau bạn có quên được không? Những áp lực sau nữa có quên được không?

    Vì thế, hãy giải quyết áp lực đi, lúc đó thì những áp lực sau có xô vào ta thì ta cũng đã biết cách giải quyết.

    Vậy thì làm sao để giải quyết áp lực?

    Chấp nhận, đối đầu với áp lực ngay sau khi ta "sống cùng nó".

    Thật ra mỗi người lại có một cái áp lực nhỏ trong cái áp lực lớn.

    Tức là, cùng là áp lực tình cảm nhưng anh A thì áp lực vì bị quản lí quá chặt, còn chị B thì áp lực vì bị đối xử lạnh nhạt..

    Chính vì thế, hãy thử hỏi: "Áp lực nhỏ của mình là gì?" Trả lời được câu hỏi đó, hãy đưa ra cho bản thân những phương án tốt nhất.

    Ví dụ, đối với áp lực của anh A, anh ta có thể trao đổi thẳng thắn với người yêu mình không? Nếu thật sự người yêu anh A không thay đổi được thì mối quan hệ đó có thể đặt ra dấu chấm hết, hoặc là, anh A hãy tiếp tục sống cùng cái áp lực đó.

    Còn với chị B, tình yêu đã phai nhạt rồi, thì có lẽ chị nên cắt đứt mọi thứ trước khi quá trễ.

    Câu hỏi lần này đã được giải quyết, chúc game ngày một thành công <3
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười hai 2020
  5. Cornuna

    Bài viết:
    55
    Con người ai mà chẳng có áp lực tâm lý dù cho có đang ở độ tuổi nào. Tuy nhiên không phải lúc nào áp lực đó cũng được người khác thấu hiểu, thậm chí lắm lúc còn bị chế giễu sao bản thân lại quá yếu đuối để rồi tự mình đặt mình vào vòng xoáy của sự khổ sở về tâm lý. Chính vì vậy, để giải tỏa được áp lực tâm lý, ta phải tự trông đợi vào chính mình, ta cần phải đứng dậy thật mạnh mẽ, chủ động bảo vệ bản thân khỏi mọi tác động xung quanh. Nhưng điều quan trọng là làm sao để vực dậy được tinh thần như thế?

    Đầu tiên, bạn nên để cho cả não bộ lẫn cơ thể được nghỉ ngơi sau một thời gian dài căng thẳng bằng cách làm một việc mà bạn luôn yêu thích. Việc bạn tập trung vào một chuyện khác sẽ giúp bạn phần nào quên đi được những áp lực mà bạn đang phải trải qua cũng như giúp cho tinh thần của bạn thoải mái hơn đôi chút.

    Nhưng có đôi lúc, tự mình đứng lên dường như lại quá sức đối với một tâm hồn đang phải trải qua tổn thương. Vì vậy, hãy chọn một người thân, người bạn mà bạn cảm thấy tin tưởng để chia sẻ về vấn đề của bản thân. Đối phương có thể sẽ không chỉ ra cho bạn cách giải quyết nhưng họ có thể sẽ đem lại cho bạn cảm giác được chia sẻ, quan tâm và ít nhất, nỗi lòng của bạn đã phần nào được trút bỏ.

    Còn nếu bạn vẫn không tin tưởng ai thì sao? Khi đó, bạn hãy viết hết tâm tư của bạn vào một tờ giấy, vo tròn và ném nó đi như một sự vứt bỏ hết những âu lo phiền muộn, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  6. tananh0304 sẻ chia , kết nối

    Bài viết:
    1
    Để giải tỏa tâm lý thì còn tùy thuộc vào mỗi người

    Nếu bạn là 1 con người nội tâm, mỗi buổi sáng hay trước lúc ngủ hãy mở cho mình một bài nhạc thật vui, thật dễ thương, r sau đó hãy làm gì mình thích tạm gác những thứ mình k thích, có thể hẹn bạn bè của mình cho bớt buồn, hãy làm sao cho mình cảm thấy thoải mái nhất.

    Còn nếu bạn là 1 người hướng ngoại, hãy đi tìm những người bạn của mình, có thể cùng
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  7. Tuyettuyetlanlan

    Bài viết:
    300
    Chừng nào chúng ta còn sống thì chúng ta vẫn sẽ gặp và chịu rất rất nhiều áp lực. Vậy nên hãy tập sống chung với áp lực và biến nó trở thành động lực thúc đẩy ta tiến tới. Biết đâu 1 ngày nào đó đẹp trời bạn sẽ thấy cảm ơn nó. Nhưng đừng vì vậy mà dồn nén ép buộc bản thân quá nhé. Thích hợp thả lỏng cũng là điều cần thiết. Có thể thả lỏng bằng 1 giấc ngủ ngon hay 1 chiếc bánh ngọt, 1 ly sữa nóng, 1 bản nhạc nhẹ nhàng.. Hay đơn giản chỉ làm những việc mình thích.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  8. yeudieuthucnu

    Bài viết:
    10
    Ai cũng phải đối mặt với áp lực tâm lí (trừ trẻ mới sinh đến 3 tuổi: :)) nhưng mà cách đối mặt với áp lực lại khác nhau. Có người im lặng chịu đựng chờ nó qua đi, có người giải tỏa nó, có người lại bị nó đánh bại. Thật ra, áp lực càng lớn, rủi ro càng lớn, mới đem lại kết quả càng cao.

    Thời học sinh, áp lực là điểm số. Nếu đạt điểm thấp, bố mẹ sẽ la mắng bạn, đánh đập bạn. Đối với tôi, không khí gia đình rất quan trọng. Bố mẹ tôi cũng hiểu rõ điều đó, nên một lần nọ tôi bị điểm kém, bố mẹ không nói gì với nhau mà cũng chẳng lời nào với tôi. Không khí gia đình như thể là một sợi dây đàn bị căng vậy, ngột ngạt đè ép tôi. Thế là tôi bỏ nhà đi bụi 1 tuần, thề với trời đây là quyết định táo bạo nhất trong thời chẻ chow của tôi. Bố mẹ sau khi đón tôi về cuối cùng cũng nói chuyện, tôi thoải mái hơn rất nhiều. Đó là chỉ khi sau thi thôi, còn trước khi thi bố mẹ tôi tâm lí lắm, không bảo tôi làm việc nhà (mà thật ra tôi bình thường đâu có làm), còn động viên tôi, mua bánh kẹo tôi thích cho tôi ăn. Đó là cách khích lệ tốt nhất đối với tôi rồi.

    Đối với người lớn, áp lực là tất cả mọi thứ. Làm người lớn rồi mới biết cái thứ luôn là tối cao thời học sinh - điểm số không hề quan trọng. Sau 10 năm, đâu có ai hỏi điểm tổng kết của bạn là bao nhiêu. Sau 15 năm, đâu có ai hỏi bạn học trường nào. Áp lực bây giờ là tiền bạc, sức khỏe, gia đình, địa vị xã hội. Tuổi trẻ khí thịnh, luôn hướng đến những thành phố phồn hoa đầy hi vọng và dục vọng. Cơ hội ở đó khan hiếm, và nếu có cơ hội thì lại rất rủi ro. Con người biến chất, thật giả lẫn lộn. Nếu muốn có tiền, nhất định phải nắm cơ hội dù nó có bỏng tay đến đâu. Bảo sao chẳng áp lực chứ. Ngoài ra, có 2 loại người khi đối mặt với đau khổ, một là trở nên tuyệt vọng, hai là càng tỉnh táo. Vì vậy cách đối mặt với áp lực của họ ra sao? Đối với người tuyệt vọng, họ đã nếm trải quá nhiều khó khăn, và họ không thể đối mặt với quá nhiều khó khăn như thế, thành ra tinh thần ngày càng kiệt quệ, cuối cùng là thân tàn ma dại. Còn người tỉnh táo? Nghe có vẻ họ là người chiến thắng? Không, thật ra họ chỉ chiến thắng giới hạn chịu đựng của mình, upgrade nó lên một tầng cao mới, để đối mặt với các thử thách nặng nề hơn thôi. Họ dần trở nên vô cảm, tâm tĩnh lặng trước mọi thứ. Họ ngộ ra được nhiều thứ trong cuộc sống, biết trân trọng người thân, sức khỏe, bạn bè, và đồng thời cũng biết loại trừ những mối quan hệ độc hại. Họ hiểu rằng nếu cứ tỉnh táo thì sẽ rất rất mệt, nhưng không tỉnh táo thì rất đáng thương. Và những người lòng tự tôn cao như họ không cho phép mình trở nên hèn mọn, đáng thương trong mắt người đời

    Vậy nên, cách giải tỏa áp lực tâm lí không thể nói chính xác là gì được, cách "thô sơ" nhất là cứ chịu đựng rồi nó sẽ qua. Cao cấp hơn một tí là đi xõa, đi uống cà phê, nghe ballad, trò chuyện với bạn bè. Đó, như thế đó. Hihi, thật ra tôi cũng không biết nhiều cách lắm do tôi đối với áp lực nào cũng cầm cự cho nó qua, chứ đâu biết gì đâu.
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  9. Áp lực tâm lý là vấn đề của đại đa số mọi người. Ít ai sống, hoạt động và làm việc trong xã hội này mà không hề có áp lực. Bất kể thời kỳ nào, đều sẽ có những vấn đề áp lực riêgn. Khoanh một vùng nhỏ, các thành viên của diễn đàn này, bao nhiêu bạn còn là học sinh? Áp lực của việc học hành đè nặng lên vai các bạn đúng không? Các bạn có gấp rút không khi nghĩ về kỳ thi sắp tới, có mệt mỏi không khi bài tập về nhà xếp thành hàng quyển hàng quyển. Có những bạn sắp thi, cấp 3 hoặc đại học, gia đình của các bạn có đặt cho các bạn mục tiêu mặc dù bạn cảm thấy không thích? Nói gần hơn một chút, sáng học 5 tiết, chiều học 5 tiết, tối đi học thêm - hmm, tôi biết đây là lịch của không ít các bạn, các bạn có cảm thấy mệt mỏi? Hoặc tới một số bạn đã tới cấp độ "sinh viên". Chắc hẳn sẽ có một số bạn hoang mang vì sau khi chọn nghành học, học rồi lại thấy quá mệt mỏi, không biết sau này làm gì. Hoặc đơn giản là kỳ thi sắp tới có môn Toán cao cấp hoặc Code, chúng dễ dàng cho bạn trả giá bằng tiền mặt và thời gian! À, có một số thành viên mới chia tay người yêu, gia đình lục đục, gia đình khó khăn.. cũng đặt vào đầu các bạn những suy nghĩ hết sức tiêu cực. Tới giai cấp lớn hơn, những người đang ngày đêm nai lưng ra bươn chải, cơm áo gạo tiền, xăng xe điện nước wifi, sếp chửi, vợ chửi, con khóc.. hàng tỷ thứ xoay quanh nặng cái đầu.

    Những cái áp lực này sẽ khiến các bạn sinh ra các cảm xúc tiêu cực: Mệt mỏi, cáu giận với bất kỳ ai, hoặc nặng hơn là dần thu mình, lạnh nhạt đi, nặng hơn nữa có thể dẫn tới trầm cảm.

    Vậy làm thế nào để giải tỏa hết những áp lực này? Sau đây tôi xin tổng hợp một số ý kiến như sau:

    1. Cầu cứu.

    Bài tập khó và nhiều. Làm thế nào bây giờ? Không phải lo, đã có cô bạn lớp phó học tập siêu cấp dễ thương giúp đỡ.

    Khó khăn trong việc chọn nghề, định hướng tương lai? Quên đi, đã có tổ hợp ban tư vấn vô cùng chuyên nghiệp và phần nào hiểu khá rõ khả năng của bạn: Cô giáo, bố mẹ, và bản thân bạn.

    Mệt mỏi vì thi cử, áp lực, gọi ngay cho thằng/con bạn thân với cách nói chuyện vô cùng "matday" nhưng lúc nào cũng làm bạn cười.

    Hết tiền à. Sếp ơi cho em tạm ứng :3 Anh ơi cho em mượn đỡ. Khó nữa thì dạ thưa mẹ ơi con cần vay vài tỷ mua căn villa ở Thủ Đức, hả mẹ không có ạ? Dạ thế cho con mượn 2 triệu mua sữa cho cháu đi mẹ, con bị chậm lương..

    Một điều mà tôi khá là chắc cú rằng, dù bạn có là người cô độc, cô đơn tới mức nào, thì bạn cũng sẽ những người thân, những người bạn, hoặc những người "không thân lắm" nhưng vẫn có khả năng và sẵn lòng giúp đỡ bạn giải quyết vấn đề của mình. Vậy tại sao bạn không cầu cứu họ khi bạn đang bị một mớ áp lực đè nén gần chết nhỉ?

    2. Tìm người có thể lắng nghe

    Cách này xem chừng khá là giống với cách trên ở điểm là tìm một ai đó thân thiết. Tuy nhiên, cách này lai mở rộng hơn một chút, đôi khi bạn thật sự không thể cầu cứu được ai, việc bạn tìm một người có thể lắng nghe mình, nói ra cái bực tức của mình cũng là không tệ nếu thực sự muốn giảm bớt một chút áp lực. Đấy cũng là lí do vì sao mà khi mới bị bồ đá bạn vẫn thường hay khóc lóc, kêu gào, cắn xé đứa bạn thân của mình mặc dù nó cũng chỉ có thể ở cạnh bạn và nói mấy câu ngớ ngẩn kiểu như: "Ôi thằng đấy mày yêu làm gì", "quên nó đi".. bla bla..

    Dù người ta không thể giúp đỡ, nhưng họ ở đó, để bạn không bị mẹ đưa đi bệnh viện tâm thần khi suốt ngày ru rú trong nhà, thậm chí là nói chuyện với cái bóng đèn. Ờ vậy cũng được đi.

    3. Dành thời gian cho bản thân mình

    Tạm ngưng mọi thứ lại, dành một chút thời gian cho chính bản thân bạn, làm điều bạn thích.

    Ai mà chẳng có sở thích của mình, và một số còn là sở thích quái đản nữa. Có người thích chơi game, có người thích nhẹ nhàng lắc lư cái đầu trong một quán cà phê với không gian lãng mạn và chút nhạc êm dịu. Có người đam mê rock, rap, hiphop. Vân vân và mây mây. Nhưng vì cuộc sống, rất nhiều người phải tạm gác sở thích, đam mê của mình lại mà chạy theo đồng tiền. Vậy khi bạn đã mệt rồi, sao không một lần nữa đốt cháy cái đam mê đã tắt ấy? Tôi đã từng có thời gian vì tăng ca liên tục nên cực kỳ mệt mỏi và tôi đã khắc phục nó bằng cách.. tăng ca xuyên đêm ở quán nét với mấy thằng bạn "đầu trâu mặt ngựa". Có người bảo tôi điên khi tôi ức chế cái mệt mỏi bằng một sự mệt mỏi khác nhưng mà, có sao, với họ là mệt mỏi nhưng với tôi lại là những khoảnh khắc giải trí, thư giãn, vô lo vô nghĩ.

    Một cách "đại trà" hơn: Du lịch. Rời khỏi thành phố ồn ào náo nhiệt với âm thanh đặc sản là tắc đường, vi vu trên những cung đường tuyệt đẹp, ngắm nhìn cảnh vật cứ thể trôi qua, ngồi đằng sau là một cô bé xinh đẹp, vui tính, khẽ ôm một cái thì ông nào mà chẳng thích =)) tin tôi đi, bất chấp ông gặp stress gì cũng sẽ bỏ ra sau đầu hết. À, điều này cũng áp dụng tương tự với các chị em nha. Cùng đi chơi với một anh soái ca có nụ cười tỏa nắng thì liệu có còn nhớ mấy lời ông sếp chửi hôm qua không nhỉ?

    4. Nhậu (khuyến cáo: 18+)

    Có thể là nghe hơi điên rồ và vi phạm pháp luật nhưng không thể phủ nhận rằng, khi đầu óc bạn đang quay quay liên tục theo lời chửi của sếp thì sao không rủ hội bạn bợm nhậu tới nhà và làm một bữa? Đừng nói với tôi bạn không biết uống, người ta gắn mác 18+ kia kìa :V

    Kết: Đời là bể khổ. Khổ còn dài cả đời cơ, sao cứ phải ôm hết vào một lúc để cái đầu căng như dây đàn làm gì? Hi vọng vài cách trên sẽ được các bạn lựa chọn cho mình. Chúc vui!
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  10. Hạ Như

    Bài viết:
    8
    Mình thấy chủ đề này hay và thực tế, nên mình tham gia, cũng như tò mò muốn biết mọi người dùng cách nào, biết đâu mình lại có thêm cách mới để giải tỏa tâm lý.

    Người đã sống thì luôn suy nghĩ, bị áp lực nhiều, nếu không giải quyết ngắn hạn hoặc dài hạn, để kéo dài sẽ có thể gây hậu quả về mặt tinh thần cũng như thân thể.

    Thường thì chúng ta phải "sống chung với lũ", chứ cũng không thể giải quyết triệt để, bởi mọi thứ luôn vận động, và sinh ra các năng lượng tích cực cũng như tiêu cực (stress) lên con người.

    Mình thường sử dụng các cách giải tỏa tâm lý:

    - Khi ở cấp 2, cấp 3: Mình hay bị áp lực về học phí, về học tập và cả gia đình. Khi đó, mình thích buổi tối ngồi ngắm sao trời cùng bên chú chó già nhà mình, cùng sưởi ấm (nó già rụng răng luôn rồi á, mà nó từ nhỏ đến lớn không bao giờ cho ôm đâu, chỉ ngồi bên cạnh, đêm ở quê mình lạnh lắm). Hoặc vẽ tranh. Khi đó, chỉ cần ngắm sao nửa tiếng, vẽ xong 1 bức tranh là mọi thứ mây bay luôn, đỡ mệt mỏi hẳn.

    - Khi xa nhà, học Đại học, mình thường lang thang khắp các diễn đàn: Sách, các ngoại ngữ, lập trình, kinh tế, lịch sử.. Rồi tham gia làm sách ebook, edit tứ tung. Hồi đó, mình sắp xếp kín hết lịch, để bản thân bận rộn không còn thời gian nghĩ vẩn vơ, cũng như tạo kiến thức cho bản thân. Phải nói, khi bạn bận rộn, bỏ sách, điện thoại hay máy ra thì chỉ còn ngủ, chẳng còn thời gian nghĩ tôi mệt hay chán gì cả.

    Đôi lúc, mình sẽ mở nhạc nhẹ, nhưng chơi game (đấu trường thú) oánh 1 trận xong là lại đầy năng lượng và tiếp tục làm việc.

    - Nay mình thường thích pha 1 ly trà nóng hoặc cafe sữa, mở nhạc không lời, cùng 1 quyển sách, hoặc mở ebook, đọc 30phút hoặc 1 tiếng. (Có thể mở nhạc, hoặc mở video tư vấn tâm lý của các bác sĩ tâm lý nghe, vừa nghe vừa đọc sách hoặc tiếp tục làm việc, làm nhiều việc 1 lúc).

    Có khi mình sẽ mở bộ phim hoạt hình xem, xem 30p là xong. Khi đã áp lực thì nên tìm những thứ đơn giản nhất, lúc đó mình sẽ thả trí óc của mình phiêu phiêu, không cần suy nghĩ nhiều.

    Khi quá áp lực, mình thích đi ra quán cafe, gọi 1 ly cafe đắng và ngồi ngắm xe. Nhìn dòng người đi lại trên đường, thả đầu mình theo dòng người, có khi lại quan sát thấy nhiều mảnh đời, nhiều câu chuyện khác nhau trong cuộc sống.

    Cũng có khi mình thích ngồi nghe người khác nói chuyện, chỉ nghe và lâu lâu nói 1 2 câu. Đương nhiên là phải kín miệng, đừng có đi nói lung tung. Mình thường không thích nói chuyện của bản thân, nhất là khi đang áp lực. Bởi mình gặp rất nhiều người không kín miệng và hay đi đồn thổi thành Tam sao thất bản, khi bị vậy khéo tiến triển thành tiêu cực hơn (trầm cảm) thì khóc không kịp.

    Tóm lại. Khi bị áp lực, nên giải tỏa tâm lý, có nhiều cách:

    - Mượn dùng các phương tiện truyền thông, xã hội: Web tin tức, sách báo, nhạc, truyện, game..

    - Tạo sự tĩnh lặng cho bản thân.

    - Có thể tâm sự với người bạn tin tưởng, và thông qua đó, bạn giải tỏa tâm sự.

    - Học tập năng lượng tích cực: Yoga, học cắm hoa Nhật Bản. (cắm hoa này chuyên dành để giải stress), chơi đàn.

    - Nên nghe 1 vài tư vấn của Bác sĩ tâm lý: Có thể đi gặp bác sĩ, hoặc nghe qua báo đài, video. Có thể nhiều người nghĩ không cần, nhưng thực tế chẳng ai hoàn hảo, và bản thân sẽ khó nhận ra mình bị sai sót, thiếu gì, nên hãy thử lắng nghe chuyên gia nói, nó sẽ giúp ích rất nhiều. Nên nghe nhiều người, đừng chỉ 1, 2 người, bởi mỗi người mỗi nhận định, đôi lúc họ cũng sẽ đưa nhận định cá nhân vào, do đó nên nghe nhiều và chắt lọc tinh hoa.

    - Khi áp lực, nên hạn chế sử dụng mạng xã hội: Hãy xem tin tức, đừng xem mạng xã hội nhiều, mạng xã hội có thể mang đến thông tin tiêu cực.

    Không nên ôm đồm tất cả vào bản thân và hãy giải tỏa từ từ. Áp lực nó giống trái bom, bạn không giải quyết, nó là mối đe dọa âm ỷ và ngày nào đó bùm 1 phát. Nếu giải quyết gấp gáp, quá nhanh, có thể va chạm phải dây nào đó, nổ bùm, lan sang khác, kéo hậu quả nghiêm trọng. Hãy giải quyết, nhưng hãy từ từ mở từng nút từng nút và gỡ bỏ dần, và quen dần, thích nghi với sự tồn tại của nó trong đời sống của mình.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...