Đây là bài viết của mình đã từng viết, đăng cho bạn nào cần thì tham khảo nha. Đề: "Nghệ thuật là lời nói dối giúp chúng ta nhận ra chân lí" Bằng hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên. Bài làm Lê Đạt từng cho rằng: "Mỗi công dân đều có một dạng vân tay Mỗi nhà văn thứ thiệt đều có một dạng vân chữ" Thật vậy, mỗi người nghệ sĩ bước vào thi đàn văn chương đều mang lại một nét riêng độc đáo được đi lên từ cuộc đời. Nhưng dù phong cách của anh thế nào, có mới mẻ ra sao thì đó đều là sản phẩm từ thế giới quan của anh mà có. Bởi lẽ như Picasso đã nhận định rằng: "Nghệ thuật là lời nói dối giúp chúng ta nhận ra chân lý"! Văn học là bộ môn nghệ thuật và là nghệ thuật của ngôn từ. Bước chân vào thế giới nghệ thuật là khi người lãng khách phiêu bạc giữa dòng đời đặt những bước chân đầu tiên vào một thế giới mới. Thế giới hư ảo của hình tượng nghệ thuật. Có ai đã nói rằng: "Nhà văn tư duy bằng hình tượng". Thật vậy, mượn chất liệu từ hiện thực, thông qua lăng kính chủ quan của mình, một hình tượng nghệ thuật ra đời. Hình tượng nghệ thuật là nhân vật trung tâm của tác phẩm văn học. Trước hết, hình tượng nghệ thuật là một khách thể tinh thần đặc thù bởi nó tồn tại độc lập với ý thức chủ quan của nhà văn, độc lập với ý muốn của người đọc; nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người. Hình tượng nghệ thuật gợi ra một thực thể toàn vẹn, sống động như thật, có diện mạo riêng, cá biệt, đặc thù, không giống nhau vì nó là sản phẩm của trí tưởng tượng. Xuất hiện như một yếu tố trung tâm của tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật với tư cách là phương thức tồn tại của nghệ thuật sẽ xác định đặc trưng trọn vẹn của nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật có thể bắt nguồn từ nguyên mẫu của cuộc đời nhưng nó không bao giờ là thực thể của đời sống vì nó là sản phẩm của trí tưởng tượng nhà văn. Hình tượng là các khách thể đời sống được nhà văn tái hiện lại một cách sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật. Chính vì lẽ đó, giao tiếp với cuộc đời bằng ngôn từ, bằng hình tượng, bằng tác phẩm bản chất là: "Những lời nói dối". Một cảnh ngộ, một cuộc đời, một nhân vật.. tất cả đều bước ra từ quá trình nhào nặn hiện thực trong trí tưởng tượng phong phú của mình. Nhà văn có thể tự do gán ghép ngoại hình, thay đổi tính cách cho nhân vật của mình. Mọi thứ bước ra từ trang văn mãi mãi là sản phẩm của sáng tạo, của hư cấu, nó luôn là lời nói dối. Nhưng là một lời nói dối rất nghệ thuật, để con người tìm ra chân lý? Cũng bởi vì văn học phản ánh hiện thực qua hình tượng. Mà hình tượng chính là sự kết tinh cao độ của tư tưởng thẩm mỹ, quan điểm sáng tác cũng như tình cảm của nhà văn. Thế nên, những: "Lời nói dối" ấy luôn giúp "con người nhận ra chân lý"! "Văn học sẽ chẳng là gì nếu không vì cuộc đời mà có", văn học ra đời từ những thống khổ của cuộc đời. Văn học đi ra từ huyết quản của cuộc sống nên văn học là tấm gương phản chiếu bộ mặt cuộc đời một cách toàn vẹn nhất. Đọc một tác phẩm, người đọc không chỉ thưởng thức "cuộc đời thực" mà còn cảm nhận được những suy tư, lòng trắc ẩn và cả nụ cười ẩn trong cuộc đời ấy. Văn học cho ta sống nhiều cuộc đời, cho ta biết yêu thương giận hờn, rèn luyện cho ta những tình cảm tốt đẹp. "Nhận ra chân lý" là bởi nghệ thuật phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện thực một cách đúng đắn, chính xác, thể hiện được bản chất của đời sống cho người ta một "bài học trông nhìn và thưởng thức". Tóm lại, câu nhận định của Picasso đã tóm lược được một cách trọn vẹn đặc trưng của nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng. Văn học nghệ thuật luôn là lăng kính khúc xạ những tia sáng cuộc đời bằng hư ảnh của trí tưởng tượng. Một tác phẩm ra đời, một chân lý được sống dậy cũng là lúc nhà văn hoàn thành công việc trong tưởng tượng của mình. Nguyễn Minh Châu đã tâm niệm rằng: "Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm. Trong đó tâm điểm là con người." Văn học là sự phản ánh hiện thực, nhiệm vụ chủ yếu của văn học là phản ánh hiện thực, vinh dự lớn lao nhất của nhà văn là phản ánh cho được đời sống của nhân dân. Vâng! Mọi hình thái ý thức đều là sự phản ánh của thế giới khách quan thông qua chủ thể con người. Trong ý nghĩa ấy thì sáng tác văn học vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan. Nó không đơn thuần chỉ là một hoạt động phản ánh mà còn là hoạt động sáng tạo – sự sáng tạo vừa mang tính trực tiếp vừa mang tính gián tiếp độc đáo để cuối cùng tác phẩm ra đời như là nảy sinh trong cuộc sống một hiện tượng thẩm mỹ hoàn toàn mới mẻ. Tác phẩm ra đời là kết quả của một quá trình tích lũy, thai nghén "mang nặng đẻ đau". Nhà văn đưa tác phẩm tới tay bạn đọc cũng như đặt đứa con vào cuộc đời với bao lo toan hy vọng. Liệu những điều mình nghiền ngẫm trăn trở và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật này có tìm được sự trân trọng, đồng cảm của người đọc như là sự gặp gỡ tri kỷ, tri âm? Rõ ràng là dù muốn hay không, tác phẩm văn học giữ vai trò là điểm tiếp xúc giữa thế giới bên trong của người nghệ sỹ với thế giới quan bên ngoài hay nói cách khác một tác phẩm văn học không đứng im trong suốt quá trình tồn tại của nó, nhờ sự tiếp nhận của người đọc mà nó có sức sống trường cửu, bất chấp thời gian và không gian. Tác phẩm hóa thành một sinh thể nghệ thuật chân chính. Cũng bởi vì vậy mà ta nói rằng: Văn học, nghệ thuật, tự thân nó không thể xa rời hiện thực đời sống. Nhưng phản ánh hiện thực như thế nào, thì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Không đơn giản chỉ là sự tả chân một cách cơ học, chưa nói rằng, tả chân đôi lúc cũng chưa hẳn là thấu đáo. Nếu nó không giúp người ta tìm ra chân lý thì mãi mãi nó chỉ là lời nói dối được xếp nên từ những con chữ nằm thẳng đơ trên tờ giấy trắng. Văn học là sự trao đổi thông tin giữa người phát và người nhận bằng một loại ngôn ngữ đặc biệt, một sự trao thông điệp giữa nhà văn và độc giả. Nhà văn muốn nói lên một tư tưởng nào đấy mới mẻ, "nhắn nhủ" một điều gì với người đọc nói như Nguyễn Đình Thi, hay truyền đạt một "tấm nhiệt thành" nào đó như cách nói của Nguyễn Văn Siêu. Văn học như vậy không phải nhằm mô tả hiện thực nếu thế nó chỉ chạy theo hiện thực, không phải là "nghiền ngẫm về hiện thực" nếu thế nó chỉ là sự nhận thức thuần lí không khác gì khoa học, văn học đó là một cách sống với hiện thực. Tác phẩm nghệ thuật thể hiện cách nhìn của nhà văn về cuộc sống, sự khao khát công lý xã hội: Nó là lời tâm sự hay sám hối, là tiếng nói của tình yêu cái đẹp không đạt được, là gánh nặng ưu tư về lẽ đời, lẽ còn mất của nhân sinh và vũ trụ. Văn học chủ yếu không phải là ghi chép, mô tả hiện thực mà là hành động tự nhận thức của nhà văn, nhờ đó tác phẩm nghệ thuật trở thành mảnh đất nuôi dưỡng tình cảm con người, thành khu vườn nơi tâm hồn con người đến đơm hoa kết trái, như hình thức tồn tại và phát triển độc đáo của đời sống tinh thần nhân loại. Nội dung của tác phẩm văn học vì vậy cũng chứa đựng trước hết không phải hiện thực được phản ánh, mà là tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Điều này ngay Lê Quý Đôn cũng đã nói từ hai trăm năm trước: "Ta thường cho làm thơ có ba điều chính: Một là tình, hai là cảnh, ba là sự.. lấy tình tham cảnh, lấy cảnh hội việc, gặp việc thì nói ra lời, thành tiếng". Sáng tác nghệ thuật là một cuộc hành hương đi tìm chân lý qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Văn học rất cần sự thật, nhưng sự thật trong văn học không phải chỉ là sự thật của các tính cách và sự kiện được mô tả mà còn là sự thật của cách nhìn, của thái độ, cách đánh giá của nhà văn đối với những hiện tượng được phản ánh, tức là tính chân thực lịch sử của tư tưởng - tình cảm tác phẩm. Yêu ghét cũng có công lý, tính khách quan của nó. Yêu cái đáng yêu, ghét cái đáng ghét cũng là một biểu hiện quan trọng của sự thật trong văn học, của chân lý nghệ thuật. Văn học là lương tâm của xã hội, vì vậy tự nó đã xa lạ với những gì phi đạo đức. Những tình cảm xa lạ với lương tri con người, dù thành thật đến đâu, cũng đều có hại cho nghệ thuật. Song văn học lại thường rất rộng lượng với những lầm lạc về nhận thức, với sự vấp ngã của con người trên con đường đi tìm chân lý. Chân lý càng phức tạp và vĩ đại, lầm lạc của nhà văn càng lớn, nhưng nếu nghệ sĩ thực sự chân thành thì tác phẩm của anh ta sẽ toát lên hào quang và sự hấp dẫn của cái chết tử vì đạo. Vì thế, văn chương muôn đời vẫn luôn giúp con người tìm ra chân lý. Ta biết yêu cho số phận đáng thương của Tấm, xót cho cảnh "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần" của Kiều, đau lòng trước cái chết của Chí Phèo.. đó là khi văn học thanh lọc tâm hồn con người, thực hiện được thiên chức của mình. Văn học không giáo dục ai mà tạo điều kiện cho người ta tự giáo dục. Hành trình đi tìm chân lý không phải là nhà văn bày sẵn trong tác phẩm qua cuộc đời. Mà là cuộc hành hương của chính thân người đọc, tự giáo dục sẽ khiến người ta biến chân lý qua sách vỡ kia thành chân lý của cuộc đời mình. Sứ mệnh của văn chương cao cả như thế! Nhưng có ai biết rằng phương thức để tự thân nó gửi những chân lý về cuộc đời đến độc giả? Tác giả muốn sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật để xem nó là phương tiện truyền tải tư tưởng tình cảm của mình chưa bao giờ là điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải đối mặt với chất liệu thô là hiện thực cuộc đời. Đó là cuộc vật lộn, nhào nặn để gò đẽo chất liệu khô cứng ấy để đưa vào thế giới nghệ thuật. Hình tượng ra đời trong quá trình tư duy thẩm mỹ và tưởng tưởng của nhà văn. Qua óc tưởng tượng, các hình tượng được lên một cách cụ thể dễ dàng từ ngoại hình đến ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Đối với nhà văn giàu tưởng tượng, khi hạ bút xuống trang viết là cả một thế giới nhân vật hiện lên sống động. Nhà văn ngỡ như đang sống cùng các nhân vật, nghe các nhân vật nói chuyện với nhau, cảm nhận được sắc thái cảm xúc của từng nhân vật trong từng hoàn cảnh. Nhờ tưởng tượng nhà văn có thể hóa thân vào các nhân vật của mình, sống cuộc đời của hàng trăm nhân vật do mình tái tạo. Trí tưởng tượng phong phú giúp nhà văn tái hiện được phạm vi đời sống của mình quan tâm làm cho đối tượng miêu tả biểu hiện trong tác phẩm một cách chân thực sinh động trong quá trình vận động của nó. Thế giới văn học là thế giới tưởng tượng, vì thế nó giúp cho các nhà văn đi sâu vào thế giới tâm hồn của các nhân vật biểu hiện quá trình vận động tâm lý theo quy luật nội tại của nó. Chính vì thế mà hình tượng văn học ra đời là kết quả của trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú, hư cấu của nhà văn. Là sự kết tinh cao độ giữa những điều trăn trở trong suy nghĩ và từng tiếng lòng đang thổn thức của nhà văn để từ đó truyền đạt những tư tưởng tình cảm của mình đến độc giả. Thế mới nói, trí tưởng tượng phong phú chính là tư chất cần thiết để tạo nên một nhà văn và là yêu cầu tất yếu của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Như đã nói trên, hình tượng nghệ thuật là quá trình sáng tạo hư cấu. Nó có thể là một nguyên mẫu từ một con người, một cảnh ngộ trong thực tại nhưng nó không bao giờ đồng nhất với những gì diễn ra trong cuộc sống. Cũng như khi Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao thì Huấn Cao chỉ là một sản phẩm của quá trình tưởng tượng thông qua hình tượng nguyên mẫu trong lịch sử là Cao Bá Quát mà thôi. Không thể đồng nhất Huấn Cao với Cao Bá Quát được, vì ở họ vừa có những nét chủ quan lại khách quan, có những điểm chung đồng thời cũng có những khác biệt nhất định. Kể từ khi có các nhà văn, nhà thơ thì con chim hót mới hay; bông hoa nở mới đẹp. Tất cả những vẻ đẹp trong cuộc sống thông qua văn chương mà lại đẹp hơn vô cùng. Vì nó không chỉ là hình ảnh đơn điệu của cuộc đời mà thông qua đó người ta còn cảm nhận được một quan niệm nhân sinh sâu sắc, những triết lý được gửi gắm và hơn hết nó giúp người ta tìm ra chân lý. Hư cấu tưởng tượng giúp nhà văn không chỉ miêu tả cuộc sống một cách khô khan, nhạt nhẽo mà ngược lại nó lại sinh động, gần gũi, dễ đi vào lòng người đọc và neo lại trong lòng người ta một cảm giác riêng, một dư vị khó quên, một âm vang ngân mãi không thôi trong lòng của người đọc. Vì thế những triết lý nhân sinh, những chân lý được đãi ra từ trong tác phẩm, từ trong hình tượng lại dễ dàng đi vào lòng người, dễ làm rung động trái tim bao con người. Tại sao những bài giảng khoa học về sự hình thành và phát triển của đất nước, của tự nhiên lại không thể nào neo đậu trong lòng người đọc bằng những thần thoại hư cấu được tạo nên từ trí tưởng tượng của con người? Tại sao những bài học Địa Lý phân tích những con sông trên thế giới như sông Đà nó lại không thể nào gọi được nguồn cảm hứng bất tận bằng việc Nguyễn Tuân đã thành công khi xây dựng hình tượng nên con sông Đà vừa trữ tình lại vừa hung bạo? Tại sao những bài học lịch sử không thể nào ăn sâu vào trong tâm trí giúp người ta nhận ra những nỗi buồn chiến tranh bằng một thiên tiểu thuyết "chiến tranh và hòa bình" của Lép tônxtôi? Một lý do rất đơn giản là bởi vì văn học có khả năng miêu tả tất cả mọi thứ không giới hạn về cả không gian lẫn thời gian. Vì văn học có chất liệu chính là ngôn từ có tính phi vật thể, kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Nó giúp cho hiện thực trở nên mềm dẻo hơn, nhẹ nhàng hơn và dường như càng có một sức sống riêng độc lập chứ không vô tri vô giác. Trong bầu trời văn học Việt Nam có hàng vạn vì tinh tú. Nhưng mỗi ngôi sao lại phát sáng theo một cách riêng và ở đó ta thấy tận cuối chân trời có một ngôi sao luôn tỏa sáng, một thứ ánh sáng lạ kì đang lấp lánh một góc trời. Thứ ánh sáng ấy đã cứu với cả tâm hồn của người nông dân vào giai đoạn năm 1945, đây chính là Nam Cao. Nam Cao là người xuất hiện sau cùng nhưng những tác phẩm của ông về con người và cuộc đời trong giai đoạn năm này đã vươn đến đỉnh cao. Nổi bật nhất trong những tác phẩm viết về người nông dân bị tha hóa trong giai đoạn này ta có thể kể đến Chí Phèo. Không phải tự dưng mà Nam Cao có thể xây dựng ra được một hình tượng toàn vẹn như Chí Phèo mà ngay từ đầu Chí Phèo cũng chỉ là mượn hình mẫu của người nông dân trong xã hội nửa thực dân bị áp bức bóc lột, bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính. Người nông dân trong xã hội đó được nhìn dưới nhiều hình thức khác nhau dưới nhiều con mắt của nhiều nhà văn khác nhau nhưng đến với Nam Cao nó lại mang màu sắc riêng biệt. Bằng khả năng quan sát tinh tế cùng với trái tim ấm nồng tình người của mình mà Nam Cao đã nhìn ra một hình mẫu người nông dân mang một màu sắc khác biệt để thành công xây dựng nên một Chí Phèo thay lời nhà văn trò chuyện với độc giả bao thế hệ. Chí Phèo bước vào làng văn Việt Nam với tư cách là một điển hình nghệ thuật của người nông dân trong xã hội năm 1945 bị tha hóa và nhân hình lẫn nhân tính. Chí Phèo của Nam Cao vừa mang tính phổ quát chung của thời đại lúc bấy giờ vừa mang những nét riêng độc đáo. Nam Cao đã dùng đôi mắt tinh tế của mình cùng trái tim ấm lòng hơi thở từng người để mà nhìn, để mà cảm, để mà thấu những điều mà người nông dân đã trải qua. Tiếng chửi của Chí từ trang sách cứ âm vang mãi trong lòng người đọc. Âm vang ấy hoàn toàn không giống với tiếng bước chạy thấp thỏm tức tưởi của chị Dậu. Sự thật nhãn tiền trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy nhưng khi vào tác phẩm, qua lăng kính chủ quan của nhà văn nó trở thành một tấm ảnh nhiều góc độ, nhiều gam màu. Chính vì sự sống động trong trí tưởng tượng nên Chí Phèo bước ra cuộc đời rất thật, rất quen. Chí Phèo rất cá biệt! Cá biệt từ tính cách đến hành động. Chí Phèo vừa là con quỷ dữ trong mái nhà tranh với thú vui ruộng vườn, Chí Phèo vừa là cục sáp mềm trong bàn tay nóng của bọn thống trị, vừa là một nô lệ thức tỉnh trong tòa án lương tâm của mình. Và chính nhờ những cá tính đặc biệt đó mà chí trở thành điển hình của người dân thuộc địa tủi nhục bần cùng. Đọc Chí Phèo ta như đang lập lại từng trang sử tâm hồn Việt Nam tràn đầy niềm đau khổ. Văn học luôn thoát thai từ cuộc sống. Môi trường hay hoàn cảnh là cái khuôn khổ đến nhà văn đúc nên những nhân vật. Những nhân vật không thể không có số phận, những bước đi lệch khỏi hoàn cảnh ấy, môi trường ấy. Chí Phèo bước ra từ những cơn say chếnh choáng của cuộc đời, chênh vênh giữa hai bờ say tỉnh. Khi bước qua lăng kính của nhà văn, một Chí Phèo mới đã ra đời. Một Chí Phèo cũng khập khiễng trong cơn say mà loạng choạng giữa hai bờ thiện ác. Nỗi đau trước cuộc đời, đi qua trang văn, bi kịch của nhân vật càng được đẩy lên đến đỉnh cao. Vì chẳng phải, bi kịch được đẩy lên tới chóp đỉnh thì sự sống muôn màu mới được vẽ ra hay sao! Tạo ra nhân vật Chí Phèo; nhà văn phải đi sâu vào đáy ngầm cuộc sống. Trong hoàn cảnh xã hội cực kỳ thảm hại, sống trong hoàn cảnh điển hình nhất của thời kỳ dân tộc chìm sâu trong máu và nước mắt, một môi trường hỗn loạn như Nam Cao từng viết "quần ngư tranh thực" và Chí là đại diện đau đớn nhất của môi trường ấy. Là một anh làm thuê hiền lành an phận, Chí thực sự trở thành miếng mồi ngon cho bọn cường hào ác bá. Và từ con người bình thường Chí trở thành một con quỷ; một con thú độc. Đọc tác phẩm, ta thấy rõ ràng tính cách của Chí không thể thoát ra khỏi những quy luật chung của môi trường đang sống, bản thân Chí bước trên con đường tha hóa, không phải để lại những dấu vết đầu tiên mà anh bước đi mà là anh đã dẫm lên những dấu chân của những kẻ như: Năm Thọ, Binh Chức phải cầm dao để sống, để buộc Chí phải rơi từng giọt máu của thiên lương, bán dần nhân phẩm để mưu sinh, để đè bẹp cái khát khao lương thiện của Chí bằng những chuỗi dài say rượu triền miên. Ánh trăng thiên nhiên đã một phần trả lại tính người cho Chí, ánh trăng dịu dàng để cho Chí tìm lại ánh sáng đó. Một Thị Nở ấm nồng tình người, một bát cháo hành thoang thoảng hương thơm, một hơi cháo hành gợi lại bao kỉ niệm.. tất cả đều đang bước từng bước chân để chạm đến lương thiện đang ngủ yên của Chí Phèo. Dù nhân vật có tính khái quát như thế nào, dù miêu tả cụ thể sinh động ra sao nhưng nhân vật vẫn mãi mãi là một hình tượng nghệ thuật do người nghệ sĩ sáng tạo ra qua trí tưởng tượng, hư cấu, là tấm lụa màu được dệt bằng những sợi tơ hiện thực, bằng màu sắc cá tính, bằng bàn tay và khối óc của nhà văn. Cho nên phần nào nhân vật chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhà văn. Nhà văn nào cho ra một hình tượng nào với những suy tư trăn trở riêng và nhân vật trở thành đẹp hơn hoặc xấu hơn tùy theo quan điểm chủ quan của tác giả. Chính vì thế, trước hiện thực cuộc đời nhưng mỗi bài học, mỗi chân lý đang ngấm ngầm chảy trong tác phẩm lại mang một hơi thở riêng. Giọt nước mắt nhỏ xuống, cả cuộc đời sống dậy. Linh hồn đang chơi trốn tìm cùng thần chết đã được níu về. Nhưng. Một lưỡi dao vung lên, một cuộc đời ngã xuống. Linh hồn ấy được níu về nhưng không thể quay đầu trở lại. Sự thức tỉnh của Chí Phèo với Nam Cao cũng như việc ném một hòn đá xuống lòng sông, nước phút chốc sẽ gợn sóng nhưng rất nhanh lại khôi phục lại sự yên ắng ban đầu. Hòn đá Chí Phèo.. sẽ mãi mãi chìm sâu, để lại một nỗi đau thấu đến tận bây giờ. Hòn đá Chí Phèo vẫn nằm yên dưới đáy sông oan nghiệt ấy, nó không hề mất đi, chỉ là trả về cho mặt nước một sự bình yên. Khi nước động, cá sẽ bơi đi nơi khác. Nhưng hãy nhớ rằng khi hòn đá đã nằm yên, cá vẫn quay về ban đầu. Chí Phèo giết Bá Kiến, cả hai đều chết đi. Nhưng sau này, vẫn sẽ còn một Chí Phèo, một Bá Kiến như thế ra đời nếu cái xã hội này vẫn còn tồn tại. Nam Cao đã đưa người đọc nhận ra rằng, sống trong cái xã hội kia như đi giữa con đường một chiều, muốn giải thoát chính mình, đừng mơ mộng đến chuyện sẽ quay đầu mà chính là tự mình kết thúc nó. Tiến thoái lưỡng nan, con người đi tìm cái chết. Chí nhận ra nguồn cơn của bi kịch của đời mình, Chí chết nhưng là một cái chết đòi được sống. Một cái chết đòi được sống đẹp. Chỉ một lần thôi, chỉ một lần thôi cho Chí sống trọn với lương tâm của chính mình. Dành cả cuộc đời để dùng rượu chuốc say tòa án lương tâm đã quá phũ phàng rồi. Đã đến lúc nên để nó thức tỉnh khỏi u mê. Giây phút lưỡi dao vun lên, ánh sáng của mặt trời hay ánh sáng của chân lý đã ảnh xạ vào lưỡi dao, ánh lên thứ ánh sáng diệu kì. Thứ ánh sáng có thể làm nhòe cả mắt, đó còn là thứ ánh sáng lương thiện của Chí Phèo. Ánh sáng ấy rất ngắn ngủi, ngắn đến mức chưa kịp chớp mắt thì nó đã trở thành thứ ánh sáng nhuốm đầy máu, màu của đau thương. Tuy ánh sáng ấy rất ngắn nhưng đó là giây phút Chí Phèo thăng hoa trong cảm xúc, sống đúng nghĩa với một con người. Giây phút đó.. rất ngắn! Nó kết liễu cuộc đời Chí nhưng lại làm cho một sự sống khác lên ngôi. Sự sống nảy mầm trong đất chết. Bao tâm huyết, bao trăn trở trong lòng của Nam Cao đã được phơi bày. Nhà văn đồng cảm trước số phận con người, phê phán bộ mặt tàn bạo của xã hội đương thời. Thông qua trang sách, người đọc có thể sống nhiều cuộc đời. Đứng trong một không gian, thời gian xác định nhưng người đọc có thể ngược về quá khứ hay hướng đến tương lai. Có thể vươn tầm nhìn rộng khắp thế giới. Bi kịch của con người trên trái đất này qua văn học chưa bao giờ dừng lại vì một Chí Phèo, một làng quê bé nhỏ. Chân lý cuộc sống chưa bao giờ dừng lại vì cái chết của Chí Phèo, vì một tên Bá Kiến. Mối tình của Romeo và Juliet không chỉ là câu chuyện tình bi ai ở Anh, ở Ý trong tác phẩm của Xechxpia mà đó là giọt lệ đau đớn của nhà văn khóc cho vạn cuộc tình trên đời này. Bằng những hình tượng sống động lấy nguồn cảm hứng từ cuộc đời, người đọc biết rằng, ở đâu đấy trên trái đất này vẫn còn những câu chuyện tình éo le như thế. Những nhân vật ấy cứ theo thời gian bất tử tồn tại trong tim độc giả. Con thoi thời gian cứ bay, không những lớp bụi thời gian không làm mờ nó mà ngược lại những nhân vật ấy như ngọc quý càng mài càng sáng. Một Grăngđê của Banlzac, AQ của Lỗ Tấn, Natasa và Rostova của L. Tônxtoi, Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng và Chí Phèo của Nam Cao mãi mãi trường tồn, đem lại bài học thưởng thức từ những chân lý giúp con người hướng thiện. Bởi lẽ, sự sống của những nhân vật trong tác phẩm luôn bền và dài lâu hơn một đời người nếu đó là những nhân vật và hình tượng được tạo nên từ tâm trí và tài năng của những nhà văn chân chính, những nhà văn có tâm và có tầm trong sáng tác. Những bài học lịch sử có thể đi vào quên lãng. Những bài học đạo đức có thể một phút nào đó sẽ bị lãng quên theo thời gian. Nhưng những triết lý nhân sinh, những chân lý được rút ra từ trong tác phẩm nó vẫn sống mãi ngàn đời. Bởi lẽ đó không chỉ là hiện thực, đó còn là những tinh túy mà nhà văn đúc kết trong quá trình vật lộn với con chữ để nhào nặn hình tượng trong trí tượng tượng phong phú của mình. Từ đó, ta thấy tầm quan trọng của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng sáng tạo là dấu hiệu quan trọng nhất của tài ba nghệ thuật, là một trong những sức mạnh chủ yếu của quá trình sáng tạo. Nếu bản chất giàu cảm xúc và khả năng quan sát tinh tế đã tạo nên nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tạo tác phẩm thì tưởng tượng và liên tưởng là cơ sở để nhào nặn chất liệu thành hình tượng nghệ thuật. Từ hình tượng nghệ thuật thì chân lý muôn màu mới được vẽ ra. "Lời nói dối giúp con người nhận ra chân lý" chưa bao giờ đẹp như thế. Trong tác phẩm Văn học là gì? J. Sartre đã khẳng định: "Nhà văn đã chọn lấy nhiệm vụ bóc trần thế giới và đặc biệt là con người cho những người khác để họ nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm của mình trước những vật đã được bóc trần". Nói cách khác, nhà văn có nhiệm vụ đưa người đọc xuyên qua mọi lớp vỏ ảo tưởng, ngộ nhận, thiên kiến và hời hợt để đi vào mọi ngóc ngách đáy thẳm của con người và thế giới, nhằm thức tỉnh trách nhiệm của họ trước cái thế giới trần trụi mà mình đã tận thấy, cái thế giới mà bấy nay họ tưởng không tồn tại hoặc tưởng mình vô can. Thế nhưng, "bóc trần" không có nghĩa là tả chân hóa, bê nguyên si cuộc sống vào trang văn. Nếu như thế thì văn học cũng chỉ là một cuốn niên biểu sử khô khan, nhạt nhòa. Không bao giờ trở thành một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Điều đó không có nghĩa là nhà văn lạm dụng quá trí tưởng tượng và liên tưởng của mình. Bởi lẽ nếu như trí tưởng tượng nằm trong khuôn khổ của cuộc sống thì nó sẽ mang những giá trị nhân văn giúp con người tìm ra những chân lý. Nhưng nếu những tưởng tượng liên tưởng phong phú của họ vượt ra khỏi cuộc đời, vượt ra khỏi những tiếng kêu than khóc khổ của con người trong xã hội này thì mãi mãi đó chỉ là những áng văn chương vị nghệ thuật, những áng văn chương xa rời thực tế và kết cục của đời văn có khi còn ngắn hơn cả một đời người. Biêlinxki đã nói: "Văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả..". Nhà văn chính là người hội đủ những tư chất của một người nghệ sĩ chân chính. Thế nên mọi tư chất của nhà văn có được đều phải vừa phải, biết sử dụng đúng lúc đúng cách và đúng nơi; có như thế mới tạo ra được những tác phẩm trường tồn, mới làm cho độc giả sửng sốt trước tính chân thật cũng như là sự bay bổng trong tác phẩm của mình. Một tác phẩm như thế thì mới có thể đi sâu vào lòng người đọc mới có thể giúp con người tìm ra chân lý, hướng đến chân thiện mỹ, sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện hóa con người. Đó mới chính là chức năng của văn học "văn học vị nhân sinh". Câu nhận định của Picasso như kim chỉ nam cho tác giả trong quá trình sáng tác. Muốn sáng tác ra được một tác phẩm để đời, nhà văn phải có trí tưởng tượng liên tưởng phong phú. Nhưng muốn văn chương gắn liền với đời sống thì nhà văn trước hết phải là một người đứng giữa cuộc đời; lắng nghe mọi chuyển biến của cuộc sống, để tâm hồn nhạy cảm của mình làm sợi dây giăng giữa đất trời, hứng trọn mọi âm vang của vạn vật. Nói như Lê Quý Đôn: "Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ, thì không thể làm văn được." "Trái đất nứt ra làm đôi.. Vết nứt xuyên qua tim nhà thơ" Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Một người nghệ sĩ chân chính như Picasso dành cả tâm huyết cuộc đời mình để đúc rút ra câu chân lý như vậy. Hội họa cũng như văn chương đều là "lời nói dối để tìm ra chân lý". Mỗi một bức tranh ra đời, một nhân sinh mới lại được mở ra. Một tác phẩm văn chương xuất hiện giữa cuộc đời, một chân trời kiến thức bao la được hé mở.