Các đại văn hào luôn chuẩn bị điều này trước khi viết bất cứ thứ gì, bạn thì sao? - Vĩ Nhất

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Vĩ Nhất, 2 Tháng chín 2021.

  1. Vĩ Nhất

    Bài viết:
    9
    Các đại văn hào luôn chuẩn bị điều này trước khi viết bất cứ thứ gì, bạn thì sao?

    Tác giả: Vĩ Nhất

    Các đại văn hào luôn sở hữu điều này, bạn thì sao?

    Mà điều đó là gì nhỉ?

    Trước hết, ta cần quay trở về hơn nghìn năm lịch sử để xác định lại thật rõ một nghi vấn:

    "Văn học sinh ra vì mục đích gì?"

    Vì nhu cầu giải trí? Ồ không, nghe chẳng ăn khớp với thầy cô trong trường tí nào. Vì phục vụ cho những bộ óc bay bỏng? Hay để giúp ta kích hoạt kĩ năng "chém gió"? Ôi! Càng vô lý tợn. Nếu thật sự là vậy thì chẳng phải, ngữ văn chỉ là một bộ môn vô dụng, chẳng giúp được gì cho thế giới và chỉ đơn thuần là một sự tiêu khiển thôi ư? Nếu thế thì tại sao lại được xếp ngang cơ với ngài Toán nhỉ?

    "Văn học là nhân học. Học văn tức là học làm người, tức là đang bồi dưỡng cho tâm hồn..". Một điều ai cũng phải biết, trừ khi bạn không biết văn học là thằng chả nào.

    Ngay cả khi chưa có văn viết, thì bản thân văn chương đã là một điều gì đó của tâm hồn. Những tác phẩm xưa hầu hết là những giai thoại, những tác phẩm truyền miệng ngắn mang đậm những "chất liệu đời sống". Và cho đến những tác phẩm sau này hay thậm chí là mãi mãi về sau thì những chất chất liệu ấy vẫn sẽ hiện hữu trên từng câu từ ta viết ra. Hay nói ngắn gọn hơn, mỗi một tác phẩm được sinh ra đều mang một sứ mệnh là hoàn thiện cuộc sống.

    Nếu một tác phẩm được viết ra mà chẳng nói lên được điều gì, chẳng có gì để đọng lại mà đơn thuần chỉ là những câu chuyện chạy đua theo "xu hướng" và tiêu khiển thì đó chẳng phải là một tác- phẩm- văn- học gì cả.

    Mọi tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới đều làm tròn "sứ mệnh" vốn có của mình. Như Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà cũng của Victor Hugo, Không Gia Đình của văn hào Hector Malot hay quen thuộc nhất là Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao, Số đỏ, Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng.. Tất cả, đều là minh chứng cho thấy Văn học chính là Nhân học.

    Dù cho rằng các tác phẩm cần mang trong mình những chất liệu đời sống, hiện thực, những tư tưởng đạo đức, chân lý thì điều này vẫn không hề gò bó đến tinh thần sáng tạo của những chiếc ngòi bút. Điển hình nhất là kiệt tác Harry Potter của nữ nhà văn J. K. Rowling. Trong truyện, dù có rất nhiều yếu tố kì ảo nhưng truyện vẫn mang trong mình những thông điệp cuộc sống, những bài học đầy sâu sắc và thậm chí là những chất liệu đầy "hiện thực". Truyện quá nổi rồi, mọi người tự thưởng thức tác phẩm rồi phân tích đi nhé!

    Vậy nói chung, các tác phẩm của đại văn hào đều trở thành kinh điển vì nó là những tác phẩm có ý nghĩa ư? Gần đúng!

    Trước khi trở thành một nhà văn, hãy trở thành một nhà tư tưởng.

    Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu nhà văn đó là một nhà triết học. Điều này không có nghĩa là bạn phải "thông thái" rồi mới đặt bút viết được. Nên đừng dại dột mà chạy đi tìm các khóa học này nọ để có thể thuộc vào hàng "kinh điển" nhé! Nếu vậy thì tôi và bạn đều được lưu danh sử sách cả rồi.

    Văn học sinh ra là vì con người, vì cuộc sống. Đó không chỉ là sứ mệnh của văn chương mà còn là sứ mệnh của mọi loại hình nghệ thuật khác. Nghệ thuật tạo ra cái đẹp, giúp con người nói về chính con người, là tiếng nói văn hóa của mỗi Quốc gia, dân tộc, giúp con người nhận thức được bản chất của thế giới đang tồn tại, nhận thức về những vấn đề chỉ lí tưởng đạo đức mới có thể giải quyết.. Nếu không tạo ra được những giá trị về tinh thần thì đó chẳng phải là nghệ thuật gì sất.

    Thế giới rộng lớn. Lại đang thay đổi chóng mặt theo thời gian. Ngay cả khi dùng những lối sống cũ cho một xã cũ cũng chưa hẳn là chân lý thì nói gì đến xã hội mới. Mọi thứ đều tồn tại mặt tốt và xấu của riêng nó. Sẽ có lúc là tốt và cũng sẽ có lúc là xấu. Xã hội càng thay đổi bao nhiêu thì chúng lại càng thay đổi bấy nhiêu. Nếu ngày nào trên thế giới vẫn còn những tệ nạn, những điều tiêu cực xảy ra thì ngày đó nghệ thuật vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh.

    Hòa mình vào sự sống, phát hiện và tạo dựng ra những giá trị tư tưởng lớn lao có thể vững vàng trước sự biến hóa khôn lường của xã hội nhưng không chủ quan, bệnh hoạn. Đó, chính là yếu tố then chốt đã tạo nên những đại văn hào trong lịch sử.

    Không phải Tắt Đèn của Ngô Tất Tố lại vô duyên vô cớ thuộc vào hàng kinh điển. Văn hào Lỗ Tấn cũng chẳng phải vì ăn may một vài truyện ngắn mà được lưu danh sử sách. Hay Victor Hugo (thần tượng nên nhắc nhiều hơn xíu) cũng chẳng phải vì những câu thơ đầy sướt mướt, giọng văn đầy trữ tình mà được cả nước Pháp tôn thờ như những nhà lãnh đạo Quốc gia. Mà chính là vì họ đã thành công khi dùng văn chương để thay đổi cả một xã hội và hầu như là mọi tầng lớp giai cấp thời đó. Không tin ư? Đọc truyện của họ là biết.

    Hãy bắt đầu tập quan sát mọi thứ xung quanh. Tập "đa nghi" những gì bạn đang nhìn thấy trước mắt nhưng nhớ đừng thái hóa quá! Nói chung là luyện kĩ năng "phản biện" đó. À! Nếu có thể, bạn vẫn nên tìm hiểu về Triết học đi nhé, tiền đề để nảy sinh những tư tưởng vĩ đại là nó đó.

    Hãy nhớ rằng, những tư tưởng đều nảy sinh từ sự đối lập với những gì đã có. Những gì bạn thấy hằng ngày chưa hẳn đã là chân lý. Ngay cả những người bạn ngưỡng mộ cũng không bao giờ là hoàn hảo. Hãy tin vào niềm tin của bạn. Nhưng tuyệt đối không được bảo thủ.

    Cuộc sống luôn có những điều phi lý trong những chuyện lại có vẻ như rất hợp lý. Nếu bạn tìm được, thì xin chúc mừng, bạn sắp viết được một kiệt tác rồi đấy! Nhưng tìm được vấn đề là một chuyện, phải có giải pháp thì mới là tư tưởng nha!

    Những tư tưởng cao cả, kết hợp với vũ điệu của ngòi bút, đấy, chính là những yếu tố then chốt tạo nên những kiệt tác ngôn từ.

    Nhanh chân lên nào, hỡi các đại văn hào tương lai! Họ đang chờ bạn để được "thay đổi" đấy.

    VĨ NHẤT

    2/9/2021

    [​IMG]
     
    Đường Lam Nguyệt thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...