BÓNG MA TRONG NHÀ HÁT Bí ẩn, quyến rũ và quý phái; tác phẩm "Bóng ma trong nhà hát" là khúc độc ca của một kiếp đời cô đơn được cất lên bằng tình yêu thương. Câu chuyện bắt đầu bằng bước chân đi tìm bí mật bị phủi sau lớp bụi mờ của vị thám tử và kết thúc bằng bản tình ca mãnh liệt, nồng nàn. Trong cuộc hành trình kiếm tìm sự thật ấy, ta cứ ngỡ đó là cuộc phiêu lưu trinh thám gay cấn, hấp dẫn như chủ đề mà Gaston Leroux hay viết trước đây, nhưng không đó lại là một tiểu thuyết mà giá trị nhân bản được đề cao lên hết thảy. Với ba phần và hai mươi bảy chương. Xen lẫn góc nhìn ngôi ba và ngôi nhất, cùng các khoảng thời gian lộn xộn, đã mang lại một cảm giác trải nghiệm cho người đọc. Như tên tựa đề sách, "Bóng ma trong nhà sách" kể về câu chuyện của một bóng ma đang ám lấy nhà hát lớn Paris. Những cái chết bí ẩn, bi kịch của nữ diva mất tiếng, giọng hát thiên thần của kẻ vốn có giọng là mèo hen. Bóng ma hiện lên trong tâm trí mọi người trong nhà hát là hiện thân của con quái vật vô tình được phước lành của Chúa. Một con cừu đen. Bóng ma là tất cả khao khát của người nghệ sĩ, là biểu tượng của tột đỉnh sáng tạo, ở đó giọng hát của hắn tựa như bánh Thánh, như lời hát của thiên thần, như âm vang được chắt lọc của muôn vàn tinh tú. Có thể nói bóng ma là âm nhạc, âm nhạc là bóng ma. Nhưng nếu ác quỷ lại cất tiếng của thiên thần, nó sẽ bị đày ải bởi nỗi cô độc vĩnh viễn.. Trong kiếp đời đằng đẵng của mình, có một người đã cúi xuống cuộc đời hắn - Christine. Xuyên suốt tác phẩm, Christine chính là nhân vật để lại cho tôi nhiều bức bối nhất. Nàng có vẻ đẹp, nàng có nghị lực và khát khao, ước mơ nàng cao đẹp và trong sáng, tình yêu nàng thuần khiết và mãnh liệt. Nếu Raoul là biểu trưng của tất cả những gì tốt đẹp sơ khai. Erik – bóng ma là nỗi đau, hận thù nhân loại, thì Christine lại thể hiện rõ nhất bản năng con người. Nàng mến mộ, nể phục và tôn thờ tài năng Erik, nhưng nàng lại kinh sợ vẻ ngoài xấu xí của hắn. Nàng yêu Raoul nhưng lại sợ hãi vì có thể làm tổn hại chàng. Ở Christine tôi thấy một người độc giả - những người khao khát được đọc nhưng tác phẩm bất tử của thế giới, nhưng lại ngại ngần, thậm chí là phẫn nộ với những tư tưởng mới, cách viết mới. Bên cạnh đó, chúng ta hướng tới giá trị cao đẹp tuy trong lòng luôn nghi ngờ sự vững bền của nó, cũng như Christine nghi ngờ vào khả năng của Raoul. "Ôi! Kinh tởm!.. Kinh tởm.. kinh tởm!.." ".. đôi mắt em mãi bị ám ảnh bởi khuôn mặt khủng khiếp của hắn! Hình ảnh khủng khiếp!.." "Im nào, Raoul!.. Không phải thế, chàng biết rồi đấy!.. Và chúng ta sẽ không bao giờ cưới nhau! Rõ chưa!". Christine đã sống trong ước vọng được nghe tiếng đàn của cha minh mà nàng chỉ có thể tìm thấy ở Erik, đã thỏa được ước mơ cất lên thứ tiếng hay nhất của cuộc đời mình, nhưng nàng không phải nàng công chúa được bà tiên đỡ đầu, nàng đã kí kết với hiệp ước với một ác quỷ. Tình yêu, tự do, linh hồn là những gì bóng ma muốn và đó cũng là tất cả của nàng. Khi đọc lại tác phẩm dưới góc nhìn của Christine, tôi bắt gặp mình trong những tháng ngày hoảng loạn của cảm xúc, khi không thể biết rõ mình muốn gì. Christine yếu đuối như thế, sợ hãi như thế nhưng nàng có trái tim đẹp và sáng như viên tinh thể pha lê. Chính nàng là người giải thoát mọi cơn khốn khổ của những người bị vướng vào bi kịch của bóng ma bằng một nụ hôn cao thượng nhất, yêu thương nhất.. Cùng với Christine, Raoul cũng là con người khốn khổ. Gần như xuyên suốt tác phẩm, ta không thể thấy một khả năng gì đặc biệt của Raoul. Nếu nhìn bằng đôi mắt hời hợt, ta dễ thấy chàng sốc nổi, mạo hiểm, ngu ngốc và tầm thường.. Nhưng tôi tưởng tượng liệu tác phẩm "Bóng ma trong nhà hát" liệu có thể sống nếu thiếu Raoul? Chàng là người dũng cảm nhất trong cơn đau bi kịch này. Yêu và yêu tha thiết. Yêu và yêu chân thành. Tình yêu không màng hiểm nguy, mạng sống. Tình yêu của một người đàn ông: Kiên định, vững bền. Có lẽ vì thế mà Christine yêu chàng, chứ không phải Erik. Nếu Christine thiếu đi Erik nàng không thể tỏa sáng, nhưng không có Raoul, Christine sẽ như đám cỏ cháy, chỉ còn là hơi tàn mong manh. Có thể nói Raoul chính là ánh sáng hiếm hoi và ngời rực giữa cơn giông tố, điên cuồng từ tiếng la thù hận của bóng ma. Tuy nhiên, xét đến cùng, trái tim tôi chỉ thực sự rung động với nhân vật Erik. Hắn gợi nhớ cho tôi thứ điên dại trong tác phẩm "Đồi gió hú", nơi tình yêu được khắc trên đá, luôn mãnh liệt dù là căm hận hay yêu thương.. Không tuổi. Không quốc tịch. Không cha mẹ. Hắn đã miêu tả danh phận mình tựa như kẻ ngoài nhân loại. Ngoại trừ âm nhạc hắn không còn gì. Nỗi đau đớn vì bị vứt bỏ bởi chính mẹ ruột. Sự khinh miệt khi soi mình vào gương. Tồn tại của hắn là nỗi bất hạnh. "Hãy nhìn đây, hắn hét lên. Nàng đã muốn xem! Hãy xem đi! Thỏa con mắt nàng đi, làm cho tâm hồn nàng thỏa thuê với vẻ xấu xí đáng nguyền rủa của ta đi.." "Hắn cứ như vậy, quanh em, như một đầy tớ trung thành, và ân cần chăm sóc em" "A! Thật tuyệt vời khi hôn ai đó.. Mẹ tôi.. đã không bao giờ muốn tôi hôn bà ấy.." Bóng ma trong tôi tựa như đứa trẻ khiếm khuyết. Cả đời hắn duy nhất một lần yêu và được yêu. Thật may vì Christine đã không chạy trốn trước nụ hôn của bóng ma. Những giọt nước mắt của hắn, tôi nghe được từ đó bài thánh ca hay nhất mà nhân loại có thể cất lên. Đọc "Bóng ma trong nhà hát" là lúc ta lắng nghe được tiếng violin đang chơi một bản ngẫu hứng đầy cuồng nhiệt, khi thì những thế tay ba cao chót vót đánh thẳng vào màng nhĩ làm ta không thể thôi chạy theo con chữ, khi thì thế tay một trầm và ấm với La trưởng quyến rũ, day dứt hồn người. Kết thúc của Erik là cái chết. Đau thương hay hạnh phúc thuộc về chính bạn cảm nhận. Riêng phần tôi, chuyến du hành của Erik vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi âm nhạc biến mất nơi cõi trần