Bối Thủy Nhất Chiến là gì? Bối Thủy Nhất Chiến là một câu thành ngữ Trung Quốc hay còn được hiểu theo nghĩa là: Một trận sống mái. Bối: Quay lưng. Thủy: Dòng sông. Nhất: Một Chiến: Trận chiến Ý nghĩa của câu thành ngữ này là chỉ việc quay lưng về phía sông mà chiến đấu, không còn đường để rút lui nữa. Câu thành ngữ này ví với việc quyết chiến một trận sống chết trong những tình huống vô cùng khó khăn. Có khi còn so sánh với tinh thần "quyết chiến." Khi đó nó có ý nghĩa gần giống với câu "đập nồi dìm thuyền". Xuất xứ của Bối Thủy Nhất Chiến Sau khi nước Tần bị diệt vong, Hán Vương Lưu Bang đặt nền móng cho việc tranh giành thiên hạ với bá vương Hạng Vũ của Tây Sở. Năm 204 trước CN, Lưu Bang và Trương Nhĩ dẫn quân Hán tấn công vào nước Triệu, Triệu Vương Yết và đại tướng Trần Dư thống lĩnh hai mươi vạn binh mã, tập kết tại Tỉnh Hình Khẩu. Quân sư nước Triệu là Lí Tả Xa hiến kế cho Trần Dư, nhưng Trần Dư không nghe theo, cho rằng quân đội của mình vượt xa quân Hán gấp nhiều lần, nhất định không thể thua trận được. Hàn Tín thăm dò biết được kế sách của Lí Tả Xa không được dung, bèn tập kết binh mã tại nơi cách Tỉnh Hình Khẩu hơn ba mươi dặm. Quá nửa đêm, Hàn Tín phái hai ngàn kị binh, mỗi người đều mang theo một lá cờ của quân Hán, vòng đến mặt phía sau của doanh trại quân Triệu mai phục, đợi đến khi quân Triệu huy động toàn bộ lực lượng xuất kích thì sẽ đột kích vào đại doanh của quân Triệu, thay cờ của quân Triệu bằng cờ của quân Hán. Hàn Tín lại phái một vạn người ngựa dẫn đường trước, bày thế trận men theo bờ sông. Trời sáng, quân Hàn Tín dựng cờ soái, tiến về Tỉnh Hình Khẩu. Quân Triệu lập tức nghênh chiến. Sau đó, quân Hán giả bộ thua trận, rút lui vào trận địa bờ sông. Trần Dư chỉ huy toàn bộ quân truy kích kịch liệt. Lúc đó, hai ngàn khinh kị binh đã phục sẵn của Hàn Tín lập tức tiến vào doanh trại, nhổ cờ của quân Triệu, thay vào đó bằng cờ của quân Hán. Quân Triệu đuổi tới trận địa bên bờ sông, quân Hán không có đường lui, đành phải bạt mạng chém giết. Khi sĩ khí bắt đầu uể oải lại đột nhiên phát hiện ra rằng trong doanh trại của mình toàn bộ đều cắm cờ của quân Hán, lòng quân bỗng rối bời, bỏ chạy tan tác. Quân Hán thừa cơ tấn công, đánh bại quân Triệu, Trần Dư bị giết chết, Triệu Vương Yết bị bắt sống. Sau đó, các tướng sĩ có thỉnh giáo Hàn Tín vì sao giành được thắng lợi khi đã biết mà vẫn đánh sống mái một trận. Hàn Tín đáp: "Đó chính là điều mà trong binh pháp đã nói" Bố trí nơi chết để sau đó được sống, nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất. Quyết chiến một trận sống mái, Khiến cho binh sĩ bị đặt vào chỗ không còn đường để lại, họ mới chiến đấu hết mình, để cầu được sinh tồn."